Hôm nay,  

Tạp Ghi: Câu Chuyện Sĩ Diện

25/04/201000:00:00(Xem: 4203)

Tạp ghi: Câu Chuyện Sĩ Diện - Huy Phương

Ngày xưa lúc còn trẻ, chúng ta thường hay mắc cỡ, mỗi lần có điều gì xấu hổ thì hai lỗ tai đỏ bừng, kể cả những khi ra đường gặp gái, hoặc bị bắt quả tang mình đang làm một việc gì đó sai trái, như lên đứng ở giữa lớp mà bài không thuộc hay trước bảng đen mà giải phương trình không xong. Về sau nhờ mấy cụ Hán rộng mới cho biết mắc cỡ có liên hệ với hai cái lỗ tai, vì chữ “sỉ” là do hai chữ “tâm” (lòng) và “nhĩ” (tai) gộp lại, như vậy khi tâm mắc cỡ thì lỗ nhĩ nóng bừng. Càng về già thì càng thấy mình ít mắc cỡ hơn hồi nhỏ, phải chăng càng ngày khi lớn lên càng xem thường sỉ diện, nếu thực sự như vậy, thì quả là đáng buồn cho tuổi già... mất nết.
Sỉ diện là vừa che giấu cái xấu của mình (thủ) vừa khoe khoang cái tốt của mình (dương), khi dương khi thủ như trong lối chơi bài xập xám. Xấu che, tốt khoe, cả hai đều là quá đáng. Nghèo, xấu, dốt cũng không phải là cái tội mà cần phải giấu. Giỏi, giàu, tốt cũng không phải là những điều cần phải khoe ra.
Người ta thường thấy lối sỉ diện đó trong cung cách và lối sống của người dân xứ Huế, nơi mà từ hơn một thế kỷ là nơi đóng đô của triều Nguyễn. Ngày trước, đố ai là khách mà nhìn thấy được mâm cơm của gia đình mình đến thăm. Dù trong mâm chỉ độc mỗi món rau muống: rau muống luộc, nước luộc rau muống, rau muống xào và một cái dĩa để cái muổng, lát chanh và trái ớt, nhưng chiếc mâm đồng phải đánh bóng sáng loáng và chiếc “lồng bàn” phải sơn son. Khi thấy khách đến bất ngờ dù đang ăn, mâm cơm phải được dẹp thật nhanh, chủ nhà phải vội vàng mặc áo dài ra tiếp khách. Khách vào chạm mặt thì dù đang ăn dở bữa cũng ráng nài nĩ mời khách cùng ăn, nhưng thức ăn không sẵn sàng, đũa chén cũng chẳng thấy mang ra. Lẽ cố nhiên, vì sỉ diện, khách đang đói meo, cũng chẳng lẽ ngồi xuống mâm.
Người quý phái con Vua cháu Chúa, giòng giỏi thì ăn nói phải rào trước đón sau, lịch sự, nho nhã. Tiếng “ăn”, “uống” trong chuyện cơm nước chỉ dùng cho người bình dân, để  cho người khác biết mình là con nhà sang cả, quý phái. Mời một người lớn tuổi hơn mình, hay có chức tước cao “ăn cơm” thì phải mời “xơi”, “thời”, “dùng” cơm hay nước. Ngủ nghe cộc lốc thì phải dùng “ngơi” hay “nghỉ”, như “Cụ đang nghỉ trưa”, “Cụ đang ngơi”. Khi thất thế, nghèo khó thì vẫn phải giữ tính cách quan quyền, thay vì phải nói “ăn” một củ khoai, thì nói Mệ “chém” củ khoai. Vì sỉ diện, con người lại thích khoe khoang. Người Huế có danh từ “nói trạng” cũng như người Bắc có tiếng “nói phét”, một thứ bệnh khoác lác.
Sỉ diện trong nhiều trường hợp lại là sự gìn giữ tư cách, dù đói, dù nghèo vẫn phải giữ lại tiếng thơm như “giấy rách phải giữ lấy lề,” hay “đói cho sạch, rách cho thơm”, nghĩa là phải nghĩ đến danh dự của ông bà, giòng tộc, không làm điều nhục nhã cho tổ tiên. Những đứa con vì sỉ diện của cha ông, không dám làm điều gì xằng bậy vì chỉ sợ tổn thương đến danh dự của gia đình. Trường hợp cha mẹ hướng dẫn hay ép con phải đỗ đạt làm rạng danh gia đình để khỏi thua sút họ hàng, và muốn vượt trội những người có địa vị thấp kém hơn gia đình mình cũng là một lối sỉ diện.
Trong một cộng đồng, lối văn hoá sỉ diện thường thiếu công bằng, vinh danh những điều tốt mà che giấu cái xấu, sợ những điều này làm xấu mặt cộng đồng, mặc dầu cái xấu cần đưa ra để xã hội cảnh giác. Khi một vị bác sĩ ra trường, chúng ta chúc mừng, nhưng nếu vị này có hành vi gian lận y tế thì chúng ta làm thinh. Một vị linh mục, một nhà sư là những khuôn mặt đáng kính của cộng đồng, nếu có lạm dụng tình dục trẻ em hay gian díu trai gái với phụ nữ thì giới truyền thông cũng giấu kín không dám loan tin vì sợ mang tội bôi bác, chống phá tôn giáo. Cũng vì sỉ diện đôi khi chúng ta phải lừa dối nhau, che đậy cho nhau , hy vọng không ai thấy dược cái xấu của mình.


Chúng ta cứ tưởng những người nghèo khó, thất học bị lâm vào hoàn cảnh khốn cùng phải làm những việc bất chính hay thiếu đạo đức ít bị dằn vặt, hổ thẹn hơn là những người có địa vị trong xã hội với những cách nói: “bần cùng sinh đạo tặc”, hay “đã cùi không còn sợ lở.” Nhưng sự thật lại khác, qua các bức ảnh chụp các cô gái làm nghề bán thân hay xếp hàng cho người ngoại quốc chọn vợ, tại Việt Nam, khi bị công an bắt, trước ống kính của báo chí, vẫn còn biết xấu hổ, cúi đầu che mặt, vì họ là những con người dù bị hòan cảnh xô đẩy vào đường cùng, vẫn còn biết phải trái, còn biết sỉ diện, như nàng Kiều “ngại ngùng rợn gió e sương, xem hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày...” Họ sợ nếu có người quen nhận diện sẽ xấu hổ với bạn bè, làng nước và mất thanh danh của cha mẹ.
Chúng ta cũng thường nghĩ, những người càng có địa vị trong xã hội cao, càng phải kiêng dè, giữ phẩm cách, vì thể diện không dám làm bậy, vì “nghĩ mình phương diện quốc gia,” hay người nghệ sĩ, những khuôn mặt công cộng, đã có tiếng với đời. Nhưng rõ ràng trong khi chúng ta có những anh hùng khí phách, nhận cái chết vì sỉ diện trong ngày thất trận, thì cũng có nhiều nhân vật sau này chưa bao giờ biết biết “đỏ lỗ tai,” không hề cần đến danh dự, không hề hổ thẹn, mặc cho người đời khinh chê, đàm tiếu. Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã từng thấy các viên chức chính phủ tham ô, phá trinh trẻ vị thành niên, như Lương Quốc Dũng, mua dâm với cả học sinh của mình như Sầm Đức Giang, ra toà vẫn có vẻ đường bệ, thản nhiên như không có gì quan trọng, một lối “mặt trơ trán bóng” không biết xấu hổ là gì.
Cao hơn nữa, kể cả các cấp lãnh đạo VC trong xã hội này, đâu có ai cần đến sỉ diện. Nhờ báo chí trong nước loan tin, bàng dân thiên hạ đều biết chuyện Lê Khả Phiêu sang Trung Quốc hưởng lạc, gian dâm với con gái đồng chí của mình; Đỗ Mười đã từng “vỗ mông” Ngô Thanh Hằng, một Chủ Tịch Phường, và đưa cô này lên chức Phó Chủ Tịch Văn Xã thành phố Hà Nội; Hồ Xuân Mãn, đương kim Bí thư Tỉnh Uỷ Thừa Thiên - Huế đi ăn nhậu, ôm hôn ẩu một chiêu đãi viên, bị tát vào mặt, thì sỉ diện nằm ở đâu" Từ sỉ diện của một người đến sĩ diện của một làng, một giòng họ, rồi đến sỉ diện của một quốc gia. Ở đây còn là sỉ diện của đảng, vì đảng viên bí thư họ Hồ này vừa được tuyên dương là cá nhân điển hình trong phong trào “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ba năm nay. Cô gái phục vụ trong quán ăn, vì sỉ diện bị làm nhục đã phản ứng bằng cách tát tai ông đầu tỉnh, nhưng ông đầu tỉnh lại không có sỉ diện, thay vì biết xấu hổ đã lấy uy quyền buộc nhà hàng phải đuổi việc cô nhân viên này. Vậy thì ai dám nói  con nhà bần dân ít có liêm sỉ hơn bọn tai to mặt lớn.
Người Việt chúng ta khi nói đến sỉ (diện) không đề cập đến lỗ tai như trong chữ Hán, mà thường nhắc đến cái mặt như trong danh từ “mặt mo”, “mặt mẹt”, “mặt dày”, “mặt thớt”, “mặt trơ.” Nhưng nói cho cùng, sỉ diện có thể là một loại mặc cảm để che đậy cái xấu, nhưng mục đích vẫn để cố gắng nâng cao lối sống, làm cho xã hội đẹp đẽ hơn, chỉ tội cho con người, đến lúc nào đó, không còn biết hổ thẹn, không còn sỉ diện. Điều gì đã tạo nên một xã hội như thế"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.