Hôm nay,  

Tiếng Nói Từ Già Lam: Chuyện Thầy Nhất Hạnh Tới...

27/01/200500:00:00(Xem: 5495)
Sáng ngày 26 tháng 01 năm 2005, hơn hai ngàn Tăng Ni Sinh và đồng bào Phật tử đã nghênh đón Thiền Sư Nhất Hạnh và Tăng Thân Làng Mai đến thăm Thiền Viện Vạn Hạnh, Học Viện Phật Gíao TP. HCM và Viện Nghiên Cứu Phật Học.
Cuộc tiếp đón diễn ra trong vòng thân tình và nhiều xúc động. Độc giả có thể theo dõi trực tiếp trên mạng lưới Paltalk Pháp Thoại của Hoà Thượng Nhất Hạnh mỗi ngàỵ Các ảnh này đang đăng ở trang web:
http://www.thuvienhoasen.org/TinAnh-nhathanhSaiGon-2.htm

Mặt khác, việc Thiền Sư Nhất Hạnh viếng thăm Tu Viện Quảng Hương Già Lam có một vài nhầm lẫn ghi trong bản tin hôm thứ tư trên VB.
Một email từ cư sĩ Quảng Diệu Trần Bảo Toàn gửi tới tòa soạn, kèm bài của Nguyễn Khánh Diễm, có nội dung như sau:
“Chúng tôi xin kính trình bản tin Chân Thực về sự việc Viếng Thăm của Hòa Thượng Nhất Hạnh tại Quảng Hương Già Lam và tại sao TT Tuệ Sỹ không tiếp.
“Mong ông hoan hỷ đăng trên quý báo và website để tránh hiểu lầm là Giáo Hội Thống Nhất tẩy chay Làng Mai, gây ra hiểu lầm và có thể phá hòa hợp Tăng...”
Sau đây là tòàn văn bài viết kể lại sự việc ở sân Chùa Già Lam.
“Cuộc Viếng Thăm Của Thiền Sư Nhất Hạnh Tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam
Nguyễn Khánh Diễm
(Viết theo tường trình của vị Tăng tại Già Lam)
Sự kiện về Việt Nam của Thiền Sư Nhất Hạnh (đáng lẽ chúng tôi phải xưng tụng Ngài là Hoà Thượng hoặc Sư Ông, song vì Ngài muốn mọi người xưng hô với Ngài là Thiền Sư, nên trong bài viết này, chúng tôi xử dụng đại danh từ Thiền Sư) đã gây nên rất nhiều dư luận trong và ngoài nước. Ngay cả các cơ quan truyền thông có uy tín lớn trên thế giới cũng lần lượt đăng tải các tin tức có liên quan đến chuyến đi của Thiền Sư Nhất Hạnh. Các ký giả quốc tế vây quanh, xin phỏng vấn Thiền Sư về cảm nhận của Ngài trong chuyến đi, về đất nước Việt Nam hiện tại, về vấn đề tự do Tôn Giáo vv. Thiền Sư đã vô cùng cẩn trọng cân nhắc trong từng câu trả lời. Ở đây, chúng tôi không có ý định viết bài bình luận về những lời phát biểu, phong cách hoằng Pháp của Thiền Sư Nhất Hạnh, vì công việc đó không phải là nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi cũng không có ý định viết bài tường trình về chuyến đi của Ngài, vì đã có quá nhiều người viết, quá nhiều phương tiện truyền thông đăng tải những bản tin như vậy.
Nơi đây, chúng tôi chỉ muốn tường trình về một chuyến viếng thăm đặc biệt của Thiền Sư Nhất Hạnh tới tu viện Quảng Hương Già Lam tại Sài Gòn. Tại sao chúng tôi gọi chuyến viếng thăm này là chuyến viếng thăm đặc biệt" Chúng tôi xin lần lượt trình bày sau đây.
Trong chương trình viếng thăm chính thức của Thiền Sư Nhất Hạnh đã được Thành Hội Phật Giáo (tức Giáo Hội nhà nước) công bố trước đây, không có mục đến tu viện Quảng Hương Già Lam, nhưng có mục đảnh lễ Hoà Thượng Trí Tịnh và Hoà Thượng Trí Quang vào lúc 14 giờ 30 chiều ngày 23 tháng 1 năm 2005, tức ngày chủ nhật. Cho nên, dù chương trình viếng thăm thì không có mục đến thăm viếng tu viện Quảng Hương Già Lam, nhưng vì Hòa Thượng Thích Trí Quang hiện đang ở đây, nên Thiền Sư Nhất Hạnh trước khi đến viếng đảnh lễ Hòa Thượng Thích Trí Quang, buộc phải liên hệ đến Thượng Tọa Thích Nguyên Giác, trụ trì tu viện Quảng Hương Già Lam. Vì chương trình có thay đổi nhỏ, nên Thiền Sư cho đại diện báo với Thượng Toạ Thích Nguyên Giác, là Ngài sẽ hướng dẫn phái đoàn tới tu viện vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày thứ hai, 24 tháng 1.
Theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam, các cuộc thăm viếng tự viện của chư tôn đức từ xa tới (khách tăng), bản tự thường dùng lễ cung kính thân thiện tiếp rước. Thầy Trụ trì hoặc Thầy Tri Sự sẽ hướng dẫn đại chúng trong tự viện mặc áo tràng ra chắp tay cung nghinh, chứ không đắp y hậu (y vàng như khi hành đại lễ - trừ trường hợp đặc biệt cung nghinh chư vị Hòa thượng chứng minh trong một buổi lễ). Tuy vậy, khi Thiền Sư Nhất Hạnh tới đâu, Ngài cũng được các Thầy trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội nhà nước) đón rước, hoan nghinh vô cùng long trọng.
Đúng 10 giờ 30 sáng thứ hai, ngày 24 tháng 1 năm 2005, Thiền Sư Nhất Hạnh đã hướng dẫn 170 thành viên Tăng thân Làng Mai tới tu viện Quảng Hương Già Lam. Ngoài ra, có thêm 70 vị từ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, công an, nhân viên an ninh theo kèm. Thầy Chân Pháp Ấn, một trong đại đệ tử của Thiền Sư Nhất Hạnh báo lại cho Thượng Tọa Trụ Trì Quảng Hương Già Lam biết thành phần của phái đoàn như vậy. Phía chư tôn đức trong nước, có Thượng Toạ Thích Phước Trí, Sư Giác Toàn, Thầy Giác Viên, Thầy Nhật Từ, Thầy Chỉnh Tuệ … tháp tùng phái đoàn.
Thượng Toạ Trụ Trì tu viện Quảng Hương Già Lam và vài ba vị trong ban quản chúng cùng các vị trong Thành hội Phật giáo và Ban đại diện Phật giáo quận Gò Vấp - đến trước để chuẩn bị cung đón - đã cung nghinh Thiền Sư Nhất Hạnh và đón tiếp phái đoàn. Cách tiếp rước rất cung kính, song không quá nặng hình thức với băng rôn biểu ngữ, phang lọng, bê, tích, khay lễ và chư Tăng mặc y hậu đứng làm hàng chào, như những nơi khác mà Thiền Sư đã đi qua.
Khi phái đoàn vượt qua cổng Tam Quan, vào sân, đến trước tôn tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, thay vì tiến lên chánh điện, lạy Phật, lễ tổ và sau đó đến thăm Hoà Thượng Trí Quang như dự tính. (Nơi đây, chúng tôi cũng xin mở ngoặc để trình bầy một chi tiết nhỏ. Số là Thượng Toạ Trụ Trì tu viện Quảng Hương Già Lam đã hỏi Thầy Chân Pháp Ấn, đại diện của Thiền Sư Nhất Hạnh, từ hôm trước xem Thiền Sư có thăm hỏi đại chúng trong tu viện Quảng Hương Già Lam không" Thì được cho biết rằng: “Vì thời gian có hạn, Thiền Sư chỉ thăm một mình Hoà Thượng Trí Quang mà thôi, ngoài ra Ngài cáo lỗi, không thể thăm bất cứ ai khác trong tu viện được!“) Song một vị trong phái đoàn nắm tay Thiền sư Nhất Hạnh, hướng dẫn phái đoàn của Ngài rẽ qua phía trái, nhắm hướng Thị Ngạn Am (phòng) của Thượng Tọa Tuệ Sỹ tiến tới. Thượng Toạ Trụ Trì tu viện Quảng Hương Già Lam khi biết sự việc, đã không thể quyết đoán được công việc, vì sự việc hoàn toàn không nằm trong dự tính, nên Thượng tọa Trụ trì không đi theo phái đoàn nữa mà đi thẳng về phòng khách. Đại Đức Thích Nguyên Vương, thị giả của Thượng Toạ Tuệ Sỹ thấy vậy, bèn bước tới đảnh lễ Thiền Sư và bạch rằng:


“Kính bạch Hoà Thượng, chúng con tri ân Hoà Thượng có nhã ý tới thăm Thượng Toạ Tuệ Sỹ, song hiện tại Thượng Toạ của chúng con đang nhập thất, Kính mong Hòa Thượng hoan hỷ!“
Thiền Sư Nhất Hạnh phất tay, đáp:
“Nhập thất thì nhập, thăm thì cứ thăm! Đi ! Đi!” (tức là Hòa thượng bảo đi chứ không được nói gì thêm). ¨
Rồi Ngài truyền cho Thầy Nguyên Vương dẫn đường lên phòng của Thượng Toạ Tuệ Sỹ. Thầy Nguyên Vương không thể sai lời, bèn đưa Thiền Sư và phái đoàn lên cầu thang tiến tới Thị Ngạn Am của Thượng Tọa Tuệ Sỹ. Khi đến trước cửa phòng khoá trái của Thượng Toạ Tuệ Sỹ, Thiền Sư Nhất Hạnh đưa tay gõ cửa 3 tiếng cốc, cốc, cốc. Rồi đứng đợi, một lát không thấy động tĩnh, quý Thầy trong phái đoàn cũng gõ thêm nhiều lần nữa, song cánh cửa phòng Thượng Tọa Tuệ Sỹ vẫn im lìm bất động. Thầy Giác Viên hỏi:
“Nếu Thượng Toạ Tuệ Sỹ khoá cửa nhập thất, thì chìa khoá đâu"“
Thầy Nguyên Vương lại tiến lên bạch Thiền Sư Nhất Hạnh rằng:
“Kính bạch Hoà Thượng, căn phòng của Thượng Toạ Tuệ Sỹ ngăn làm đôi, hoàn toàn cách ly và có hai lớp cửa. Dù có gõ lớn mấy ở đây, Thượng Toạ chúng con cũng không nghe thấy được. Hơn nữa, mỗi khi Thượng Toạ của chúng con nhập thất, Ngài luôn mời Thầy Thượng Toạ Trụ Trì khoá trái cửa, giữ chìa khoá và đến ngày ấn định xuất thất, thì tự tay Thầy Thượng Toạ Trụ Trì lại mở cửa thỉnh Thượng Toạ Tuệ Sỹ ra thất. Do vậy, Quý Hòa Thượng, Thượng Tọa có việc gì thưa với Thượng Tọa của chúng con đang nhập thất thì phải liên hệ gặp Thượng Tọa Trụ trì.“
Lúc bấy giờ, Thượng Tọa Trụ Trì Thích Nguyên Giác không có mặt trước phòng của Thượng Toạ Tuệ Sỹ, vì TT trụ trì Nguyên Giác không thể chịu trách nhiệm về sự quyết định đột ngột như vậy của Thiền Sư Nhất Hạnh nên đã vào phòng khách ngồi đợi. Phái đoàn gồm hơn 200 người, đứng chật cả cầu thang trước phòng của Thượng Toạ Tuệ Sỹ. Trên gương mặt quý Thầy và Sư Cô người Tây Phương mang rất nhiều nét ngỡ ngàng. Chưa bao giờ họ chứng kiến cảnh Thiền Sư Nhất Hạnh đứng đợi ai vô vọng trước cánh cửa im lìm như vậy. Họ chỉ vào ổ khoá và nhắc đi nhắc lại nhiều lần với nhau:
“Khoá rồi! Khoá rất kỹ!“
Sau 10 phút đứng đợi, không thấy Thượng Toạ Tuệ Sỹ xuất thất, Thiền Sư Nhất Hạnh dắt phái đoàn xuống chánh điện và thực hiện chuyến viếng thăm như đã hoạch định trong chương trình.
Trên đây, chúng tôi trình bày rõ ràng chi tiết về sự kiện gõ cửa Thượng Toạ Tuệ Sỹ của Thiền Sư Nhất Hạnh. Nhưng tại sao Thượng Toạ Tuệ Sỹ không mở cửa" Tại sao có sự trùng hợp là Thượng Toạ Tuệ Sỹ nhập thất vào dịp Hoà Thượng Nhất Hạnh đến thăm"
Chúng tôi xin trình bày việc nhập thất của Thượng Toạ Tuệ Sỹ như sau:
Hằng năm, Thượng Toạ Tuệ Sỹ luôn sử dụng vài ba tháng để nhập thất, tĩnh tu và dịch Kinh. Chương trình của Ngài luôn được thực hiện rất chu đáo, chuẩn xác và cẩn trọng. Khi Thượng Toạ Tuệ Sỹ nhập thất, căn phòng trong của Thượng Toạ hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, dù có ai gõ cửa lớn thế nào, cũng không bao giờ kinh động được tới Thượng Toạ. Và đã mấy chục năm nay, ngoại trừ thời gian Thượng Tọa ở tù, không bao giờ Thượng Tọa xuất thất sớm để tiếp khách, dù người khách đó là ai. Chúng tôi xin thưa, việc Thượng tọa Tuệ Sỹ nhập thất kỳ này là việc Ngài phát nguyện định kỳ hằng năm. Mỗi năm Tết đến thì Ngài vô đúng vào sáng sớm ngày rằm tháng Chạp và xuất thất cũng vào sáng sớm ngày rằm tháng Giêng của năm sau.
Chính vì thế, Thượng Toạ Tuệ Sỹ đã không hề biết có Thiền Sư Nhất Hạnh đến thăm! Hơn nữa, sự việc quang lâm của Thiền Sư Nhất Hạnh hoàn toàn không hề báo trước. Giá như Thiền Sư cho biết trước là sẽ đến thăm Thượng Toạ Tuệ Sỹ trước đây một tuần, chắc chắn Thượng Toạ Tuệ Sỹ đã có thể dời lại ngày nhập thất lại, để đón tiếp Thiền Sư trong tình cảm cá nhân tôn kính đối với Thiền Sư.
Hơn nữa, so về vai vế trong tu viện Quảng Hương Già Lam, thì một vị khách tăng, nên lạy Phật, lễ Tỗ, đảnh lễ Hoà Thượng Trí Quang, thăm viếng Hoà Thượng Phương Trượng Đức Chơn, chư vị Hoà Thượng khác, rồi mới đến thăm Thượng Toạ Tuệ Sỹ.
Sự việc quyết định viếng thăm quá đột ngột của Thiền Sư Nhất Hạnh, dành cho Thượng Toạ Tuệ Sỹ, đã tự đưa Thiền Sư cùng chư tôn đức trong tu viện Quảng Hương Già Lam vào vị thế khó xử, khiến các thành viên trong phái đoàn ngỡ ngàng. Có lẽ sự kiện này, chắc Thượng Tọa Tuệ Sỹ chỉ có thể biết được khi Ngài xuất thất và được Thầy Thị Giả trình lại.
Quảng Hương Già Lam, ngày 25 tháng 1 năm 2005.”

Đặc biệt, hôm 26-1-2005, Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế cũng gửi một thông báo ngắn để đính chính vài “điểm sai sót trong Thông cáo báo chí phát hành hôm thứ ba 25.1.2005,” trong đó có các đoạn sau:
“Kính xin quý Cơ quan truyền thông, Báo chí và quý độc giả vui lòng tha thứ cho chúng tôi về những sai sót trong bản Thông cáo báo chí phát hành hôm 25.1 vừa qua :
1. Sư Ông Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai đến Tu viện Quảng Hương Già Lam vào sáng thứ Hai, 24.1.2005, chứ không phải là thứ ba, 25.1.2005 ;
2. Sư Ông Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai khi vào Tu viện đã đi ngay đến liêu phòng của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, chứ không như chúng tôi loan báo là trước đó Sư Ông đến đảnh lễ tại Tháp Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ... (tòa soạn VB cắt bớt các đoạn không quan trọng).
3. Việc yêu cầu Đại đức Nguyên Vương đưa chìa khóa để vào phòng Thượng tọa Tuệ Sỹ, là Thượng tọa Thích Giác Viên, người cầm tay Sư Ông dẫn đi và cũng là người thuộc Tăng thân Làng Mai, chứ không phải là Sư Ông Nhất Hạnh như chúng tôi loan tải.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chân thành xin lỗi những sai sót nói trên...”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.