Hôm nay,  

Tin Nước Úc

28/02/201000:00:00(Xem: 2721)

Tin Úc

HIA TIÊN ĐOÁN GIÁ NHÀ TẠI THỦ ĐÔ CANBERRA “SẼ VƯỢT” SYDNEY!

CANBERRA: Hiệp hội Kỹ Nghệ Gia Cư (Housing Industry Association- HIA) cho biết giá nhà cửa của Canberra sẽ tăng vọt và có thể qua mặt Sydney. HIA sắp hạng Canberra vào bốn thành phố đắt đỏ nhất đối với những người muốn mua căn nhà đầu tiên. Theo họ thì giá một căn nhà trung bình ở ACT gia tăng 29% trong vòng 12 tháng qua. Cũng trong cùng thời gian đó thì Chỉ số Giá cả Phải chăng (Affordability Index) sụt giảm từ 142 còn 105, có nghĩa là 26% tệ lậu hơn xưa về khả năng chịu đựng được giá nhà.
Kinh tế gia Ben Phillips cho biết rằng chỉ số này sẽ còn sụt giảm thêm nữa trong những tháng tới đây. Ông nói: “Giá cả nhà  tăng vọt và chúng ta đã thấy sự phát triển lên đến hàng chục trong vòng 12 tháng qua ở ACT. Chúng ta cũng thấy có 3 lần lãi suất gia tăng từ ngân hàng trữ kim và các ngân hàng cũng đẩy lãi suất lên cao hơn thế nữa. Và vì thế, đã có gia tăng thêm gần 1% trong lãi suất và số tiền trợ cấp cho người mua nhà lần đầu tiên cũng đã bị cắt giảm. Và tin tức này, đáng tiếc thay, là tin xấu đối với thị trường những người mua căn nhà đầu tiên”
Ông Phillips cho biết mặc dù có lợi tức cao hơn, nhưng những người mua căn nhà đầu tiên phải chi ra hơn 30% lợi tức hàng tháng của họ để trở nợ nhà. Trong tháng 12/2008, những người mua căn nhà đầu tiên ở ACT phải chi ra hơn $2.200 một tháng tiền trả nợ. Và theo ông Phillips thì số tiền này đã lên cao một cách khủng khiếp từ đó đến bây giờ. Ông nói: “Mức trả tiền thông thường hiện nay cho người mua căn nhà đầu tiên là $3.000 một tháng. Và hiện nay thì giá nhà cửa gần như cao bằng với Sydney, và nói một cách khác, chúng ta hiện là thị trường địa ốc đắt đỏ hạng nhì ở nước Úc này. Và vì thế, đấy là một chuyện khá khó khăn cho những người muốn mua căn nhà đầu tiên nhảy vào thị trường này”.

NỮ GIỚI NGHIỀN MÁY KÉO HƠN NAM

BRISBANE: Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ có nhiều nguy cơ trở nên nghiện ngập máy kéo (poker machine) hơn là nam giới.
Tiến sĩ Timothy Le, một nhà nghiên cứu thuộc viện đại học Queensland cho biết hiện nay thì phụ nữ chiếm 64% tổng số những người sử dụng máy kéo poker machine trên toàn nước Úc. Vì thế, ông cho rằng những kế sách nhằm chống lại tệ nạn ghiền bài bạc cần được soạn thảo hầu bao gồm luôn những thói quen của các tay bài bạc phụ nữ.  Ông nói: “Họ có khuynh hướng thích những loại bài bạc đơn giản và họ rất dễ bị nghiện ngập. Họ cũng có xu hướng che giấu những hoạt động bài bạc cùng thái độ của họ”.
Tiến sĩ Lee cho biết trong lúc 2/3 tổng số những người nghiện ngập bài bạc vẫn còn là nam giới, hiện nay người ta vẫn chưa dồn đủ sự chú tâm vào những vấn đề mà phụ nữ phải đối phó. Ông cho biết thông thường thì phụ nữ bắt đầu bài bạc vì có vấn đề trong các quan hệ tình cảm và vì bị căng thẳng.  Ông nói: “Việc nghiện ngập bài bạc của phụ nữ sẽ dẫn đến việc gia đình tan vỡ, các mối quan hệ cá nhân gãy đổ, trẻ con bị bỏ rơi, vô gia cư, trầm cảm, trộm cắp và thậm chí gian lận và đôi khi có sự suy tính thật nghiêm túc về chuyện tự vẫn nữa”.

GIỚI CHUYÊN NGHIỆP CÓ THỂ THÀNH GIÁO VIÊN QLD TRONG 6 TUẦN

BRISBANE: Theo một kế sách khả dĩ tạo nhiều tranh cãi hiện đang được chính phủ Queensland suy xét thì giáo viên có thể đứng lớp hướng dẫn một lớp học ngỗ nghịch sau khi trải qua một cuộc huấn nghệ vỏn vẹn 6 tuần mà thôi. Chiếu theo chương trình “Teach for Australia”- Dạy Dỗ Cho Nước Úc- thì những người có bằng cấp chuyên môn sẽ được gởi đến những trường thiệt thòi để giảng dạy, hầu trám vào cho sự thiếu hụt giáo viên chuyên ngành.
Tuy nhiên, nhiều công  đoàn đã thẳng thắn tấn công kế sách này- vốn nhắm vào việc thu hút những người chuyên môn có khả năng cao cũng như những người có văn bằng cử nhân từ những ngành như luật, kinh tế, khoa học, kỹ sư, toán và văn- là một sự thiếu  tôn trọng nhà giáo cũng như là một giải pháp tạm bợ mà thôi. Giám đốc Teach for Australia, bà Melodie Potts cho biết rằng nhiều nghiên cứu cho thấy những mô thức tương tự ở ngoại quốc đã sản xuất được nhiều giáo viên có hữu hiệu hơn bình thường. Phụ tá tổng giám đốc bộ giáo dục Queensland, ông Craig Allen, xác nhận rằng chương trình này đang được cứu xét và đã có nhiều cuộc thảo luận với Teach for Australia.
Được biết chương trình này bao gồm 6 tuần huấn luyện tập trung sâu đậm, mỗi tuần 6 ngày tại đại học, rồi sau đó các giáo viên này sẽ được bổ nhiệm vào những trường trung học thiệt thòi nơi mà người ta hy vọng rằng họ sẽ tạo cảm hứng cho học sinh noi theo gương. Sau đó chương trình học đại học của họ sẽ tiếp tục trên căn bản bán-thời trong suốt 2 năm, kể cả việc có người hướng dẫn (mentor) và cố vấn trước khi họ tốt nghiệp với chứng chỉ hậu đại học về giáo dục (Postgraduate Diploma in Teaching).
Ông Allen cho biết bộ giáo dục Queensland đang “thăm dò triển vọng của Teach for Australia” để thu hút và giữ được “những cá nhân xuất sắc ở lại với ngành giáo dục”. Những giáo viên này sẽ được giao cho công việc ít hơn để giúp họ chuyên chú vào chuyện học bán-thời của họ.
Queensland hiện đang có sự thiếu hụt giáo viên trung học chuyên ngành và một sự thặng dư quá mức những người có văn bằng giáo dục cấp tiểu học. Những người mới ra trường hiện nay phải hòan tất bốn năm   đại học tại Queensland mới có thể được đăng bộ làm giáo viên. Ông Allen tuyên bố: “Bộ đã bắt đầu thảo luận với những giới dự phần quan trọng, kể cả Nghiệp đoàn giáo chức Queensland (QTU- Queensland Teachers Union)”.
Thế nhưng nghiệp đoàn này đã biểu quyết không chấp nhận chương trình này trừ phi những vấn đề như thương lượng điều kiện làm việc (enterprise bargaining) được giải quyết trước. Ông Stve Ryan, chủ tịch QTU, cho biết rằng 6 tuần không đủ dài để chuẩn bị một giáo viên đủ sức đứng lớp. Ông nói: “Đây rõ ràng chỉ là một sự thiếu tôn trọng giáo chức. Đây là biện pháp tạm bợ như băng dán Band-Aid và tất cả những đứa trẻ trong hệ thống giáo dục xứng đáng được đối xử tốt đẹp hơn. Quan điểm của chúng tôi là tất cả mọi học sinh cần được dạy dỗ bởi những giáo viên có đủ khả năng, những giáo viên có bằng cấp về giáo dục”.
Bí thư Nghiệp đòan giáo chức trường tư (Queensland Independent Education Union), ông Terry Burke cho biết chương trình vừa nêu đã làm suy sụp tiêu chuẩn chuyên môn mà xã hội đòi hỏi từ giáo chức.

KẾ HOẠCH MỚI VỀ GIAO THÔNG CHO SYDNEY

SYDNEY: Nữ Thủ hiến Kristina Keneally (hình dưới) đã chặt bỏ kế hoạch giao thông chuyên chở của người tiền nhiệm của bà và hủy bỏ dự án thiết lập mạng lưới xe điện metro để dồn tiền vào hệ thống xe điện nặng (heavy rail system). Tuy nhiên, các phân tích gia cho rằng cái kế hoạch thập niên trị giá 10 tỷ Úc Kim này đã không đáp ứng được nhu cầu bởi vì nó không bao gồm luôn những công trình chính vốn nối liền miền Tây Sydney với những khu vực mà công ăn việc làm đang phát triển ở vùng biển phía Bắc (lower north shores). Và kế hoạch này cũng dồn tiền cho phương tiện giao thông bằng đường xá gần gấp ba lần số tiền dành cho phương tiện giao thông bằng xe điện.
Chủ Nhật 21/2/10 vừa qua bà Keneally công bố một quyển sách chỉ nam nho nhỏ, in giấy bóng, dày 45 trang- chỉ bằng 1/3 dộ dầy của sơ đồ 2031 mà ông Nathan Rees lẽ ra đã công bố trong tháng 12/09 vào ngay ngày mà ông bị hạ bệ. Bà Keneally khẳng định rằng kế hoạch của bà có sắp sẵn ngân khoản rồi, nhưng bà cũng tiết lộ rằng nó cũng bao gồm luôn một thuế phụ trội mới là $30 Úc Kim một năm cho giấy đăng bộ xe hơi.
Kế hoạch của bà nhắm vào việc rút ngắn thời giờ di chuyển của những người từ miền Tây Sydney đi làm bằng phương tiện chuyên chở công cộng, thế nhưng các nhà chuyên môn cảnh cáo rằng nó có thể tập trung sự phát triển công ăn việc làm vào trung tâm thành phố mà thôi.
Mặc dù bà đã cắt bỏ kế hoạch kiến thiết đường xe điện nhẹ metro, bà Keneally cho biết chính phủ NSW vẫn tiếp tục giữ cái hành lang metro ấy. Bà cũng hứa hẹn sẽ xây một đường hầm dài 5 cây số, tổn phí $4,5 tỷ Úc Kim từ Eveleigh, gần Redfern đến Wynyard để cho phép những chuyến xe tốc hành từ miền Tây Sydney chạy đến trung tâm thành phố nhanh chóng hơn và đồng thời giúp cho đảng Lao động thu hút được sự yểm trợ vốn đã lung lay của cử tri ở một  vài ghế ở miền Tây.
Đề nghị của bà bao gồm $2,9 tỷ Úc Kim để trang trải cho 1.000 chiếc xe buýt mới, $500 triệu để nới dài đường xe điện nhẹ xuyên khu nội thành miền Tây thêm 5,6 cây số đến Dulwich Hill và 4,1 cây số nới dài đến nơi đang được phát triển là Barangaroo ở bên phía Tây của trung tâm thành phố, rồi chạy dưới cầu Harbour đến Circula Quay. Chính phủ cho biết hệ thống xe điện nhẹ  này có thể chuyên chở 10.000 mỗi giờ xuyên thành phố.
Bà Keneally cũng tái công bố, cho dù bộ trưởng kinh tế Eric Roozendaal phản đối, theo nguồn tin nội bộ của chính phủ, kế hoạch kiến thiết một đường rầy nối liền miền Tây Bắc giữa Epping và Rouse Hill, với kinh phí là $6,7 tỷ Úc Kim. Công trình này đầu tiên được công bố năm 1998 nhưng đã bị dời lại ít nhất là 4 lần rồi và sẽ không được hoàn tất cho đến năm 2024.
Hôm thứ Hai 22/2/10 vừa qua, bà Keneally tuyên bố với các ký giả tại ga xe điện Parramatta như sau: “Đây là một kế hoạch thập niên đã được sắp sẵn ngân khoản. Nó sẽ được ghi nhận trong ngân sách. Nó sẽ được gộp luôn vào kế hoạch kiến thiết hạ tầng cơ sở của tiểu bang. Rất nhiều công trình trong kế hoạch này sẽ khởi công trong năm nay, đặc biệt là những chiếc xe điện mới, xe buýt mới. Chúng tôi sẽ lập tức khởi công cho đường  rầy xe điện nhẹ, chúng tôi sẽ khởi công ngay vào công tác kỹ thuật địa chất  và công việc kế hoạch cho đường xe điện tốc hành về miền Tây (Western Express Line). Nội các đã chấp thuận với kế hoạch này, chính phủ đã chấp thuận với kế hoạch này, và đây là kế hoạch của chúng tôi cho Sydney”.
Bà Keneally cũng tấn công lãnh tụ đối lập NSW, ông Barry O’Farrell, vì ông đã ngại ngần không muốn yểm trợ đường xe điện tốc hành này của kế hoạch.
Khi được đài phát thanh của công ty Fairfax phỏng vấn thì ông O’Farrell đã từ chối không hứa hẹn sẽ yểm trợ cho dự án vốn được đề ra để cắt giảm thời gian di chuyển từ miền Tây Sydney. Ông nói: “Chúng tôi muốn kế hoạch ấy được giới chuyên môn tái duyệt. Có vẻ như quá nhiều tiền được xài chỉ để cải thiện được một tí thôi”.
Bà Keneally nói: “Chúng tôi muốn ông ta yểm trợ những người phải đi làm bằng xe điện từ miền Tây Sydney. Đây là một kế hoạch vĩ đại cho miền Tây Sydney. Quả thật đáng tiếc để thấy ông lãnh tụ đối lập từ chối không yểm trợ nó”.

TỔNG TRƯỞNG MÔI SINH PETER GARRET BỊ YÊU CẦU TỪ CHỨC

CANBERRA: Lãnh tụ đối lập liên bang, ông Tony Abbott, lại lên tiếng đòi hỏi tổng trưởng môi sinh Peter Garrett phải từ chức trong một kiến nghị khiển trách được đưa ra trước quốc hội trong thời gian chất vấn (Question Time). Ông Garrett liên tục bị chất vấn trong quốc hội về một bản báo cáo về ước định nguy cơ (risk assessment) mà bộ Môi SinhMr nhận được từ tháng Tư năm ngoái.
Bản báo cáo Minter Ellison này nêu rõ khả năng cháy nhà cùng với những phương cách làm việc gian dối  tắc trách trong việc lắp ráp đồ cách nhiệt cho các nóc gia. Ông Garrett cho biết ông chỉ đọc toàn bộ bản báo cáo này “trong tuần qua” mà thôi.
Ông Abbott cho rằng đây là một điều không thể tưởng được. Ông cho biết sự tiết lộ này lại là một bằng chứng hùng hồn thêm nữa về việc ông Garrett nên bị bãi nhiệm. Khi đưa ra đề nghị khiển trách ông Garrett thì ông Abbott nói: “Chương trình này là một vụ trật đường rầy xe lửa chiếu chậm".
Ông cũng nói thêm là ông Garrett được cảnh cáo liên tục bởi các chính phủ tiểu bang lẫn các tổ chức trong kỹ nghệ này rằng chương trình này rất nguy hiểm. Ông Abbott nói: “Ông tổng trưởng này đã đình chỉ chương trình ấy, thế nhưng, đã quá trễ đối với tất cả những người hiện giờ phải sống trong những căn nhà không an toàn và thê thảm hơn nữa là đã quá trễ cho bốn nạn nhân trẻ tuổi ấy. Ông tổng trưởng này có tội. Ông ta cần phải từ chức, và nếu ông ta không đủ tự trọng đúng đắn để từ chức thì ông ta phải bị bãi nhiệm”.

NỮ LÃNH TỤ ĐỐI LẬP NAM ÚC: SẼ THÀNH LẬP ỦY BAN CHỐNG THAM NHŨNG ĐỘC LẬP

ADELAIDE: Phe đối lập Nam Úc hứa hẹn sẽ có một chính phủ  trong sáng nếu họ thắng cử vào ngày 20/3/2010 tới đây. Lãnh tụ đối lập Isobel Redmond cho biết phe đối lập sẽ lập tức bổ nhiệm một ủy ban độc lập chống tham nhũng cho Nam Úc.
Bà cho biết bà tin chắc rằng kế hoạch này được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri. Bà nói: “Trong vòng 100 ngày đầu chúng tôi sẽ đưa ra một đạo luật nhằm thiết lập một ủy ban độc lập chống tham nhũng. Chúng tôi đã bắt đầu tiến hành cuộc tìm kiếm, qua một công ty tư nhân, những người khả dĩ hội đủ điều kiện cho chức vụ Chủ tịch ủy ban này và chúng tôi có thể đưa đạo luật dự thảo này qua luật Tự do Thông Tin FOI (Freedom of Information) và luật bảo vệ những người báo động tố cáo (whistleblower) một khi chúng tôi nắm chính quyền”.
Bà Redmond tuyên bố rằng việc ông Mike Rann cho biết ông chỉ yểm trợ một ủy ban chống tham nhũng toàn quốc là một sự lựa chọn quá dễ dàng cho ông ta. Bà nói: “Thực tình thì đấy chỉ là việc né tránh vấn đề này thôi. Rõ ràng là các tiểu bang Queensland, New South Wales và Tây Úc đã có một Ủy Ban ICAC hoặc một cơ quan tương đương rồi và Tasmania hiện đang đề ra dự luật của họ”.
Ông Rann thì cho rằng Nam Úc hiện đã có nhiều cơ quan để giải quyết bất kỳ  một lời cáo buộc nào về nạn tham nhũng. Ông nói: “Chúng ta có chi nhánh chống tham nhũng vốn độc lập, và nếu có một ủy ban ICAC thì nó nên là một ICAC cho toàn quốc, tôi đã nói như thế trước đây rồi”.

CẢNH SÁT BỐ RÁP BÃI TẮM KHỎA THÂN

SYDNEY:Một bãi biển khỏa thân rất được ưa chuộng đã bị cảnh sát bố ráp cuối tuần qua sau khi có nhiều lời than phiền từ dân chúng địa phương về những hành vi phạm pháp ở đấy.
Nhiều gia đình với con nhỏ nằm trong số 140 người tắm nắng tại bãi biển Little Congwong ở La Perouse, ngoại ô miền Nam Sydney khi cảnh sát cùng nhân viên kiểm lâm của Sở Công Viên và Thú Hoang (National Parks &Wildlife) ùa đến bãi biển lúc 12g30 trưa Chúa Nhật 21/2/10.
Khoảng 80 người lớn hoàn toàn khỏa thân nhưng tất cả trẻ em đều có mặc đồ tắm đầy đủ.
Được biết cảnh sát bố ráp bãi biển, vốn không phải là một bãi biển chính thức dành cho người khỏa thân sau khi nhận được nhiều lời than phiền từ công chúng.
Cũng nên nói thêm là bãi biển Little Congwong nằm trong tầm nhìn của Bare Island, một nơi chốn được du khách cùng dân chúng địa phương ưa thích.
Cảnh sát thông báo với những người đang khỏa thân ở đấy về hành vi phạm pháp của họ khiến họ vội vã mặc quần áo vào và nhanh chóng rời khỏi khu vực ấy.
Sau đó, cảnh sát quay trở lại vào 4g00 chiều cùng ngày khiến cho nhiều người khác đang tắm khỏa thân phải bỏ đi. Cảnh sát cho biết những bải biển khỏa thân hợp pháp ở Sydney gồm có bãy Lady Bay ở vùng Watsons Bay và bãi Cobblers & Obelisk Beach tại khu Middle Head.

THẢM SÁT VÌ TRANH CÃI GIAO THÔNG

SYDNEY: Cảnh sát Sydney đang truy lùng hai gã đàn ông được cho là đã sát hại một tài xế của Lãnh Sự Quán Mã Lai sau một vụ tranh cãi về giao thông (road rage incident).
Cảnh sát tin rằng nạn nhân 43 tuổi, quốc tịch Úc gốc Mã Lai, tên Mohd Shah Saemin, bị hai gã đàn ông dùng búa đập rồi sau đó đâm tới chết trước cửa nhà ông ta ở đường Marion tại Leichhardt, vùng nội thành miền Tây Sydey hôm tối Chúa Nhật vừa qua, và nội vụ bắt nguồn từ một vụ tranh cãi về giao thông.
Giám thị Shane Woolbank, tư lệnh đồn cảnh sát địa phương cho biết cảnh sát tin rằng ông Saemin đụng xe với hai gã đàn ông này chỉ khoảnh khắc trước khi bị tấn công. Ông cho biết khi ông Saemin vừa bước ra khỏi xe thì ông liền bị hai gã đàn ông nhào đến dùng nhiều thứ đồ vật để tấn công, kể cả một cây búa. Ông Woolbank nói: “Đấy là một sự tấn công thật hung bạo dã man. Nạn nhân sau đó bị chúng rượt chạy băng qua đường và tiếp tục tấn công”.
Cảnh sát cho biết một phụ nữ bộ hành trông thấy và cố ngăn cản vụ đánh đập này. Rất nhiều món đồ chung quanh hiện trường đã được cảnh sát thu thập để khám nghiệm pháp y và các thám tử cảnh sát thẩm vấn nhân chứng thừa nhận ít nhất có một người mục kích toàn bộ vụ hành hung sát nhân này. Ông Woolbank tuyên bố: “Có một phụ nữ, một người qua đường, một phụ nữ hết sức can đảm. Bà ta cố can thiệp vào vụ hành hung. Hiện bà ta đang giúp cảnh sát với cuộc điều tra”.
Cảnh sát đến nơi không lâu sau đó và cố làm hô hấp nhân tạo để cứu nạn nhân nhưng ông Saemin đã qua đời. Nhiều nhân chứng cho biết hai gã đàn ông này sau đó chạy thoát khỏi hiện trường trong một chiếc xe kiểu sedan mầu đen, chạy về hướng Bắc trên đường Cromwell.
Tiến sĩ Mohd Nasir Abu Hassan, phát ngôn nhân của tòa lãnh sự Mã Lai cho biết nhân viên tòa lãnh sự bàng hoàng chấn động với việc ông Saemin bị thảm sát. Ông nói: “Anh ấy là một người thật là hiền hòa tử tế. Anh ấy là một người hết sức điềm đạm và thông thường rất dễ bảo”.
Tiến sĩ Abu Hassan cũng cho biết thêm là tòa lãnh sự đang làm thủ tục để đưa thi thể của nạn nhân về với gia đình của ông ở Mã Lai Á. Ông cũng cho biết thêm là nạn nhân Saemin đã sống ở Úc 10 năm rồi và đã làm việc cho tòa lãnh sự được 3 năm.
Cảnh sát kêu gọi bất kỳ ai có tin tức gì về vụ giết người này nên gọi cho Crime Stoppers qua điện thoại số 1800 333 000.

KẾ HOẠCH GIAM GIỮ KẺ SAY XỈN VÀ NGƯỜI XÀI NHA PHIẾN

MELBOURNE: Nhiều nhóm chuyên gia luật pháp đã lên tiếng cảnh cáo rằng các đạo luật mới của tiểu bang Victoria nhằm cưỡng bách những người nghiện rượu cũng như ghiền nha phiến vào các trung tâm giải độc cai nghiện (detox centre) có thể sẽ bị lạm dụng để buộc những người trẻ tuổi uống rượu say xỉn quá mức ra khỏi đường phố.
Chính phủ Victoria muốn cho các thẩm phán quyền ép buộc những kẻ nghiện ngập được xem là có nguy cơ bị nhiều vấn đề trầm trọng về sức khỏe hoặc có nguy cơ thiệt mạng phải  vào trung tâm cai nghiện trong một thời gian lên đến 2 tuần. Những nhà chuyên khoa chữa trị cho người nghiện rượu cho rằng sự cải tổ vốn gây nhiều tranh cãi này sẽ cứu sống những người uống rượu quá nhiều đến độ họ là hiểm họa cho chính bản thân họ.
Thế nhưng, các luật sư cho rằng việc này là một hành động cổ lổ sĩ mang tính vi phạm nhân quyền và lên tiếng cảnh cáo rằng đạo luật này có thể được áp dụng một cách sai quấy. Họ cũng nói rằng các dịch vụ cai nghiện lúc nào cũng đầy nghẹt bệnh nhân và đạo luật mới có thể ép những trung tâm này nhận bệnh nhân bị cưỡng bách và choán mất chỗ của những người thực tình muốn được giúp đỡ.
Thế nhưng, chính phủ Victoria vẫn khư khư cho rằng đạo luật này sẽ chỉ được sử dụng như biện pháp cuối cùng đối với những người không thể tự quyết định về sức khỏe của họ chứ không phải nhằm đối phó với tệ nạn bạo hành liên quan đến rượu bia, hoặc tệ nạn thanh thiếu niên rượu chè quá độ trong thời gian ngắn hạn (youth binge drinking).
Tuy nhiên, nhiều tổ chức chuyên về luật pháp, bao gồm Youthlaw, Trung Tâm Tài Nguyên Luật Pháp Về Nhân Quyền (Human Rights Law Resource Centre), Dịcv Vụ Luật Pháp Fitzroy và Liên Hội Những Trung Tâm Luật Pháp Cộng Đồng (Federation of Community Legal Centres) e ngại rằng nhiều người khác cũng sẽ bị lọt vào dưới quyền lực của đạo luật này. Cô Tiffany Overall, chuyên gia về nhân quyền của Youthlaw nói: “Với tình hình chính trị hiện nay quanh vấn đề rượu bia thì người ta lo ngại rằng có nhiều nguy cơ đạo luật  này sẽ bị lạm dụng, hoặc sử dụng không đúng chỗ để chĩa mũi dùi hầu đẩy một vài người trẻ tuổi có hành vi gây rối ra khỏi đường phố. Chúng tôi cũng lo ngại về những hậu quả y tế bởi vì nếu họ phải bỗng dưng bỏ cai nghiện mà không có thuốc men giúp đỡ (go cold turkey) thì khi xuất viện có thể tình trạng sức khỏe của họ sẽ tồi tệ hơn trước”.
Theo dự luật nói trên thì một thẩm phán có thể ra lệnh giam giữ một người “với sự nghiện ngập trầm trọng” (severe substance dependence) theo đề nghị của bất kỳ một bác  sĩ nào.
Tuy nhiên, những người chê trách dự luật cho rằng định nghĩa thế nào là “nghiện ngập trầm trọng” không được rõ ràng và vì bất kỳ ai cũng có thể xin lệnh giam giữ, họ e ngại phụ huynh có thể dùng đạo luật này để ngăn cản không cho giới trẻ uống rượu hoặc cảnh sát có thể sử dụng nó để chống lại những vụ bạo hành dính líu đến rượu bia. w
Chủ tịch Victorian Alcohol and Drug Association, ông simon Ruth, cho biết ông vững tin là đạo luật sẽ chỉ được sử dụng để bảo vệ những người thật sự cần được giúp đỡ mà thôi. Ông nói: “Nhân quyền không phải là quyền được uống rượu cho đến chết. Đấy là một cái chết thật thê thảm nếu gan của mình không hoạt động nữa. Và vì thế, đạo luật này là để cho người ta một cơ hội được tỉnh rượu, giã thuốc và thực sự có quyết định chính họ, Chúng ta đang nói đến những người đàn ông và đàn bà lớn tuổi với cả một quá trình say xỉn, và chẳng bao giờ thực sự giã rượu và có bác sĩ  cho rằng nếu chúng ta không ngăn cấm họ uống rượu trong vòng 48 giờ sắp tới thì họ sẽ chết ”.

VÔ SỐ SINH VIÊN BỊ KẸT VÌ THƯỢNG VIỆN KHÔNG THÔNG QUA LUẬT MỚI

MELBOURNE: Cậu Wilfred Hawkins rất là thất vọng. Xuyên suốt lớp 12 cậu năng nổ học hành đều đặn, mỗi ngày bỏ ra hai giờ đồng hồ đi xe buýt từ nhà ở Anglesea đến trường ở Geelong và bỏ ra không biết bao nhiêu giờ để học mỗi đêm. Công lao đèn sách của cậu quả nhiên đã mang lại thành quả tốt, xứng đáng với sự hy sinh chăm chỉ của cậu. Với điểm ENTER là 96.7, cậu thanh niên 18 tuổi từ một gia đình có lợi tức thấp kém đã được nhận vào học ngành khoa học tại đại học Melbourne và cậu đang mong ngóng đến lúc dọn về thành phố trong tuần qua để có thể tham dự khóa định hướng dành cho sinh viên mới.
Thế nhưng, tương tự như khoảng 100.000 sinh viên khác trên toàn nước Úc, cậu hiện đang bị kẹt cứng ở một cõi u minh ảm đạm bởi vì kế hoạch của chính phủ liên bang nhằm cải tổ sự trợ giúp tài chánh cho sinh viên đã không được Thượng viện thông qua trước Giáng Sinh.
Chính phủ Lao động liên bang tuyên bố rằng những đề nghị cải tổ của họ sẽ khiến cho sự trợ giúp tài chánh nhắm thẳng vào những sinh viên từ các gia đình có lợi tức thấp, và chuyển hướng từ việc trợ cấp cho nhiều người- trong nhiều trường hợp là con nhà giầu, nhưng lại có thể chứng tỏ rằng họ đã sống tự lập bằng cách làm việc một thời gian sau khi xong lớp 12.
Cậu Wilfred đã đủ tư cách hưởng trợ cấp “youth allowance” nhưng, như nhiều ngàn sinh viên khác từ các tỉnh lẻ và từ miền quê, cậu sẽ không được nhận lãnh học bổng dời chỗ ở của liên bang (relocation scholarship), vốn là một phần chính của dự luật cải tổ bị phe liên đảng đánh bại tại Thượng Viện.
Học bổng dời chỗ ở, trị giá $4.000 Úc Kim cho năm đầu tiên và $1.000 cho mỗi năm đi học sau đó, và học bổng khởi đầu (start-up scholarships), trị giá $2.400 cho mỗi sinh viên được trợ cấp lợi tức, được đề ra nhằm thay thế học bổng chỗ ở (Commonwealth Accommodation Scholarships) và học bổng phí tổn giáo dục (Commonwealth Education Costs Scholarships) vốn vừa bị xóa bỏ theo một dự luật khác.
Cậu Wilfred đã có dự định sẽ dùng số tiền học bổng này để mua sách giáo khoa và để dọn nhà. Cậu cho biết sự mất mát hai học bổng này đã khiến cho tài chánh của cậu bị thâm thủng $4.000.  Cậu than: “Tôi tính được rằng tôi sẽ phải chỉ ăn cơm ở nhà thôi và tôi sẽ không đủ khả năng để xã giao với bạn bè bởi vì sẽ không có đủ tiền để chi cho việc giải trí vui đùa. Người ta nói rằng khoa học là một lãnh vực ưu tiên cho đất nước này, vì vậy, bất kỳ ai ở trong hoàn cảnh như tôi, muốn theo học ngành này đều cần có thể được quyền được giúp đỡ chứ”.
Vì Wilfred dọn nhà từ vùng tỉnh lẻ lên thành phố, cậu hội đủ điều kiện được mướn nhà có trợ giúp (supported housing), thế nhưng, tiền thuê nhà $125 một tuần sẽ làm tiêu mất gần phân nửa số tiền trợ cấp $470 mà cậu được nhận mỗi hai tuần.
Cha cậu, ông Simon, là một người quan sát đề phòng hỏa hoạn tại tháp canh hỏa hoạn ở rừng Otways còn mẹ cậu là họa sĩ chỉ làm những công việc tạm thời, thất thường mà thôi. Họ sẽ cố gắng giúp đỡ tài chánh cho con trai họ, thế nhưng, vào mùa Đông khi những công việc làm tạm thời theo mùa không còn nữa, họ sẽ chật vật trong việc giúp đỡ cho cậu.
Trong tuần này thì dự luật trợ giúp lợi tức sẽ được đưa ra trước Thượng Viện một lần nữa và vẫn có thể sẽ bị chống đối kịch liệt từ phe đối lập. Cô Carla Drakeford, chủ tịch liên hội sinh viên National Union of Students cho biết cô không nghĩ là dự luật sẽ được thông qua.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.