Hôm nay,  

Tội Ác: Lý Vỹ Quang Và Vụ Án Chặt Đầu Trên Xe Bus

20/12/200900:00:00(Xem: 4260)

Tội ác: Lý Vỹ Quang Và Vụ Án Chặt Đầu Trên Xe Bus - Vũ Hải

Ngày 5/3/2009 vừa qua, phán quyết cuối cùng của Tòa Án Địa Phương Manitoba, Canada về vụ án giết người man rợ trên chuyến xe bus chạy đường cao tốc xuyên tiểu bang xảy ra vào cuối tháng 7/2008, đã làm đảo lộn nhiều dự đoán của dư luận và khiến cho gia đình nạn nhân bất mãn tột độ trước nhận định của nữ thẩm phán Joyce Dalmyn khi bà cho rằng: “Bị cáo, tức hung thủ sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự vì bị mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt”. Điều này có nghĩa, tuy hung thủ đã sát hại nạn nhân bằng thủ pháp ghê rợn như dùng dao đâm chém nhiều lần sau đó còn chặt đầu và chặt đứt chân tay, xẻo từng miếng thịt trên thân thể nạn nhân, nhưng y vẫn không bị án tù hoặc một hình phạt tương đương với tội danh sát nhân. Thay vào đó, hung thủ sẽ được điều trị trong một bệnh viện tâm thần dưới sự giám sát kết quả hàng năm của một ban y sĩ chuyên khoa cho đến khi được chẩn định là hồi phục và có khả năng xuất viện.
Nạn nhân là một thanh niên người Canada tên Tim McLean (đương thời 22 tuổi) vốn không hề quen biết hung thủ nhưng lại bị tấn công vô cớ vào khoảng 8 giờ 30 phút tối ngày 30/7/2008, khi đang ngồi trong trạng thái ngủ gật trên chiếc xe bus “Greyhound Canada” chạy trên đường cao tốc “Trans- Canada”, cách thành phố Portage La Prairie, tỉnh Manitoba khoảng 18 dặm (29km) về hướng Tây. Chiếc xe bus này xuất phát từ thành phố Edmonton tỉnh Alberta và đang chạy trên đường cao tốc đi đến thành phố Winnipeg tỉnh Manitoba thì xảy ra vụ án kinh hoàng trong lúc có 37 hành khách hiện diện. Do đó, vụ án này được giới truyền thông quốc tế gọi là “Murder Of Tim McLean” và được xem là một vụ sát nhân ghê rợn nhất trong năm 2008. Trong khi đó, kẻ sát nhân điên cuồng máu lạnh là một người Hoa di dân đến Canada từ năm 2001 tên là Vince Lý Vỹ Quang (Vince Wei Guang Li), 41 tuổi, đã lập gia đình và được mô tả là người đàn ông trầm lặng, kín đáo, làm việc rất chăm chỉ, siêng năng.
Sau khi kết thúc phiên xử, người “cầm cân nẩy mực” tượng trưng cho chính nghĩa công lý là nữ thẩm phán Joyce Dalmyn còn nhấn mạnh: “Đối với những người bị bệnh tâm thần, chúng ta không nên kết tội vì họ hoàn toàn không nhận thức được những việc mình làm. Họ thật sự cần được chữa trị để hồi phục sinh hoạt bình thường như chúng ta”. Tuy nhiên, gia đình của nạn nhân xấu số Tim McLean vẫn cho rằng hung thủ Lý Vỹ Quang không thể nào thoát được tội danh giết người, thậm chí còn ra tay một cách tàn nhẫn độc ác vốn không thể nào chấp nhận được đó là hành vi của con người. Lên tiếng phản đối phán quyết của Tòa Án Manitoba, mẹ của Tim McLean trình bày: “Hãy nghĩ đến một điều thực tế là tội ác đã xảy ra và sẽ còn tiếp tục xảy ra. Hơn nữa, hình thức gây án quá tàn độc như trường hợp hung thủ Lý Vỹ Quang có thật xứng đáng để nhập viện chữa trị thay vì nên giam hắn suốt đời để tránh gây ra thảm cảnh tương tự"”
Đây cũng là yếu tố tế nhị và nhạy cảm trong những vụ án cùng loại như trường hợp vụ “Murder Of Tim McLean”. Vì vậy, đã nảy sinh nhiều luồng dư luận đối nghịch mỗi khi đề cập đến kết quả của vụ án ghê rợn này. Thứ nhất, hầu như giới luật gia đều đồng tình với phán quyết của tòa khi đưa ra những lý luận đặt trên nền tảng giá trị nhân quyền và tình trạng tinh thần của hung thủ khi gây án để đi kết luận rằng Lý Vỹ Quang chỉ là một người bị bệnh tâm thần phân liệt cần được ưu tiên chữa trị hơn là bị trừng phạt. Ngược lại, đa số dư luận người dân Canada tỏ bất bình và cho rằng nếu đứng trên cương vị của gia đình nạn nhân với tâm trạng xót xa gánh chịu nỗi đau mất người thân và chứng kiến cảnh thi thể nạn nhân bị cắt đầu, tứ chi, bị xẻo từng miếng thịt, hơn nữa còn bị còn vất bỏ rải rác trên sàn xe bus, thì không thể nào dung thứ được hành động man rợ vô nhân tính của hung thủ, cho dù là người này bị bệnh tâm thần. Ngoài ra, nếu bị chứng tâm thần phân liệt ở mức độ nghiêm trọng như Lý Vỹ Quang thì càng phải giam giữ và canh chừng nghiêm ngặt và không nên cho xuất viện. Bởi vì, nếu Lý Vỹ Quang được tự do ra ngoài mà không chịu bất cứ một trách nhiệm hình sự nào thì thật là oan uổng cho cái chết của nạn nhân Tim McLean.
Vì vậy, ngay sau khi vụ án “chặt đầu trên xe bus” đi đến giai đoạn kết thúc bằng nội dung phán quyết không tạo được sự thỏa mãn cùng lúc của ba yếu tố phức tạp luôn có quan hệ tròng chéo nhau là “tình, lý, luật”, gia đình của Tim McLean đã đâm đơn kiện Bộ Tư Pháp Canada và hung thủ Lý Vỹ Quang với mức án phí lên đến 150.000 mỹ kim.
Trở lại chi tiết của vụ án chuyến xe “định mệnh” thì điều khiến dư luận rất đỗi ngạc nhiên và cảm thấy bị sốc nặng sau khi lý lịch của nạn nhân lẫn hung thủ được công khai, đó là hai người đều có chung những cá tính tương đồng như: hiền lành, dễ mến và gây nhiều thiện cảm đối với những người chung quanh. Thế nhưng, vì sao Lý Vỹ Quang lại “chọn lựa” Tim McLean làm nạn nhân của mình và còn giết hại thật dã man, thì cho đến nay vẫn là một câu hỏi không có lời giải đáp xác đáng.
Riêng về Tim McLean, hầu như bạn bè và thân nhân của anh đều công nhận anh là một thanh niên vui tính và luôn nhường nhịn, tránh né trong mọi tranh chấp với người khác. Một số thân hữu của Tim McLean còn nhận xét anh là mẫu người điềm đạm thích hòa đồng với mọi người và hầu như chưa hề để xảy ra những chuyện xích mích nhỏ nhặt nào. Một trong những người bạn thân của Tim McLean là William Caron đã bùi ngùi nhắc lại những kỷ niệm xưa khi trả lời cuộc phỏng vấn của tờ “Canadian Press” như sau: “Xưa nay, kể từ khi quen biết với Tim, tôi chưa bao thấy anh ta nổi cáu hoặc có những hành động bạo lực sử dụng chân tay. Mỗi khi xảy ra chuyện gây gỗ hoặc cãi nhau trong đám bạn bè, Tim thường hay tìm cách tránh né để không bị lôi cuốn vào những cuộc tranh chấp hoặc ấu đả. Thật tình tôi không thể nào tin được anh lại trở thành nạn nhân với cái chết quá bi thảm”.
Ngoài ra, Tim McLean cũng nổi tiếng là một chàng trai hoạt bát, có nhiều sáng kiến trong các sinh hoạt tập thể. Trước khi bị sát hại, anh đang có những kế hoạch tổ chức những trò chơi giải trí cho buổi gặp mặt của nhóm bạn hữu tại thành phố Edmonton với dự định sau khi hoàn thành công việc anh sẽ trở về nhà thăm gia đình ở thành phô Winnipeg. Thế nhưng, định mệnh đã xui khiến cho anh bước lên chuyến xe bus ngày 30/7/2008, hơn nữa còn ngồi cạnh tên sát nhân Lý Vỹ Quang. Theo lời khai của một số nhân chứng thì sau khi Lý Vỹ Quang bước lên và đang tìm chỗ ngồi thì Tim McLean đã lịch sự nhường ghế cho Lý Vỹ Quang ngồi phía ngoài thoải mái còn anh thì chuyển vào ghế phía trong khá chật hẹp. Sau đó, hai người còn có lúc hút thuốc chung với nhau trông rất cởi mở thân thiện. Trong suốt thời gian còn lại cho đến khi bị Lý Vỹ Quang rút dao ra đâm chém một cách bất ngờ, hầu như Tim McLean chỉ ngủ và nghe nhạc bằng máy Ipod. Đôi khi anh cũng dùng điện thoại di động để trao đổi mail với bạn gái.


Về phần Lý Vỹ Quang thì sinh ngày 30/4/1968 tại thành phố Bắc Kinh trong một gia đình bình thường không có người thân nào bị mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, hồi còn bé Lý Vỹ Quang từng bị chứng chậm phát triển nên từ năm 9 tuổi anh mới bắt đầu cắp sách đến trường. Sau đó, Lý Vỹ Quang tốt nghiệp đại học rồi ra làm việc và kết hôn với người vợ tên Ana vào tháng 6/1995. Sáu năm sau, anh cùng vợ di dân đến Canada với mộng ước lập nghiệp như bao người Trung Hoa đồng hương khác. Nhưng những va chạm trong cuộc sống thực tế tại vùng đất đại lục Bắc Mỹ đã làm vợ chồng anh vỡ mộng vì tuy cả hai đều có trình độ đại học nhưng không tìm được công việc thích hợp như dự tưởng. Trong thời gian vài năm đầu, Vỹ Quang chỉ có thể làm những công việc lao động chân tay như: bồi bàn trong cửa tiệm McDonald, khuân vác tại một nhà kho gần nơi cư ngụ trong thành phố Winnipeg. Vì vậy, anh bị ức chế tinh thần rồi sinh ra bệnh trầm cảm, mất ngủ liên tục. Đó là khoảng thời gian mùa Hè năm 2004. Theo lời tường thuật của Ana thì vào thời điểm này, bỗng nhiên Vỹ Quang bị triệu chứng dị thường là nghe được những tiếng nói bên tai. Ngoài ra, anh còn tỏ ra rất sợ hãi và thường nói với Ana rằng anh nhìn thấy Thượng Đế. Đến giữa 2005, Ana buộc phải ly thân với chồng vì Vỹ Quang không chịu đi bác sĩ chữa trị nên ngày càng sinh ra nhiều biến chứng và cuộc sống của họ đã trở thành hai thế giới khác biệt.
Kế đến, Vỹ Quang chuyển về khu Thompson vì nghe được “lời khuyên trong đầu” bảo rằng anh nên đến nơi này, nhưng sau đó vì không có việc làm nên anh lại trở về thành phố Winnipeg. Đây cũng là lúc chứng bệnh tâm thần của anh chuyển sang tình trạng bộc phát khá trầm trọng. Vào tháng 9/2005, có lần cảnh sát phát hiện anh đang đi lang thang trên đường xa lộ cao tốc với vẻ mặt bơ phờ, thất thần nên phải gọi điện thoại cho vợ anh đến nơi để xác nhận. Qua sự kiện này, Vỹ Quang được đưa đến một y viện tâm thần để chữa trị trong vài tháng nhưng chỉ khoảng 10 ngày sau khi nhập viện anh đã bỏ trốn. Từ khi chính thức ly dị với Ana vào đầu năm 2006, Vỹ Quang cũng chuyển cư đến Toronto nhưng vẫn cảm thấy buồn chán rồi lại dọn về Edmonton. Tại đây, anh làm nghề bỏ báo cho nhiều tờ báo trong vùng như “National Post”, “Edmonton Journal” và “Edmonton Sun”. Nhưng đến tháng 4/2008, Vỹ Quang đột nhiên nghỉ việc và quay về làm nghề cũ từ đầu tháng 7/2008. Dựa vào lời khai của người chủ thầu bỏ báo của Vỹ Quang là ông Vincent Augert thì anh là một người đàn ông rất hiền lành, dễ mến, luôn tỏ ra sốt sắng, cần mẫn trong công việc và không khi nào đến trễ giờ nhận báo. Trước khi gây án khoảng 3 tuần, Vỹ Quang đã đến gặp ông Augert, xin nghỉ việc để đi “interview” cho một công việc mới. Cho đến ngày 1/8/2008 khi đọc được tin tức trên báo và biết được tên hung thủ giết người man rợ trên xe bus chính là Vỹ Quang thì ông Augert đã bàng hoàng kinh ngạc và vẫn còn nghi ngờ có lẽ đây chỉ là nguồn tin sai lạc hoặc có sự nhầm lẫn nào đó, theo như lời ông kể lại: “Sau khi đọc xong bản tin, tôi đã bị choáng váng đến độ té ngã xuống đất vì không thể nào ngờ được Lý Vỹ Quang lại là tên hung thủ giết người điên cuồng như vậy”.
Quả thật là ông Augert đã không thể nào ngờ được vụ án xảy ra vào ngày 30/7/2008 là một bi kịch đau thương mà Vỹ Quang đã gây trên chiếc xe bus đang chạy về hướng thành phố Winnipeg, nơi mà Vỹ Quang từng nói với ông là anh đến để được phỏng vấn cho công việc mới. Đó là sự kiện xảy đột ngột sau khi Vỹ Quang ngồi cạnh nạn nhân Tim McLean. Theo lời tường thuật chi tiết của người hành khách ngồi ngay hàng ghế trên vị trí của Vỹ Quang là ông Garnet Carton thì trong lúc Tim McLean còn đang mơ màng ngủ gật trong tư thế đầu ngoẹo sang một bên thì bỗng nhiên thủ phạm giương con dao găm lên đâm túi bụi vào người nạn nhân mặc dù trước đó không ai trên xe nghe thấy hai người lên tiếng cãi vã hoặc xô xát nhau. Lồng trong những tiếng la hét thất thanh, mọi hành khách đều nhanh chóng đứng lên xô đẩy nhau bỏ chạy tán loạn. Người tài xế cũng vội đạp thắng dừng xe rồi cùng đám người thay nhau tuôn ra cửa, bước vội vàng xuống xe để báo cảnh sát. Trong khi đó, hung thủ vẫn say sưa đâm chém vào ngực và bụng nạn nhân với những nhát dao kèm theo vết máu văng tung toé trông rất khủng khiếp không khác gì cảnh giết người trong phim ảnh. Trong lúc hoảng loạng, nhiều người còn nghe được tiếng kêu rên đau đớn tột cùng củaTim McLean khiến khung cảnh hiện trường càng tăng thêm không khí tang tóc kinh hoàng.
Sau vài phút định thần, nhân chứng Garnet Carton cùng người tài xế và một người lái chiếc xe truck hiếu kỳ dừng lại bên đường đã từ từ tiến trở lại chỗ đậu của xe bus để xem tình hình thì thấy hung thủ đang dùng dao chặt đầu Tim McLean rồi tiếp tục bằm nát thi thể của nạn nhân khiến ba người rùng rợn. Điều lạ lùng nhất là cùng với những động tác “chăm chỉ” phanh thây xẻ thịt nạn nhân, sắc mặt của hung thủ trông rất bình tĩnh, không hề lộ nét biến đổi nào. Garnet Carton cho biết: “Sau khi tên hung thủ nhìn thấy chúng tôi, hắn còn thản nhiên xách đầu của nạn nhân đi đến hướng cửa trước xe bus và tiến về phía chúng tôi đang đứng bên ngoài nên chúng tôi phải bỏ chạy trước khi người tài xế khóa chặt cửa xe."
Sau đó, lực lượng cảnh sát Canada (RCMP: Royal Canadian Mounted Police) đến nơi và bao vây chiếc xe bus. Trong tình trạng này, Vỹ Quang vẫn còn tiếp tục dùng dao và kéo băm vằm thi thể người xấu số rồi cắt vành tai, mũi, môi của nạn nhân và... ăn thịt. Chi tiết quan trọng này được tiết lộ từ nội dung cuốn băng nghi âm của một sĩ quan cảnh sát Hoàng Gia Canada đang đứng bên ngoài làm nhiệm vụ theo dõi từng hành động của hung thủ trong xe. Đây là nội dung liên lạc và báo cáo tình hình tại hiện trường của cảnh sát vốn được bảo mật nhưng sau đó không hiểu vì nguyên nhân nào nội dung đoạn băng thu âm khoảng 1 phút 20 giây này lại bị lộ ra bên ngoài và được truyền tải lan tràn trên các trang web ở Canada. Những chi tiết này còn được chứng thực qua lời tuyên bố của sở cảnh sát Portage La Prairie: “Khi bắt được hung thủ, chúng tôi phát hiện một vành tai, mũi và môi của nạn nhân còn vấy máu đựng trong túi ny lông màu trắng ở túi quần phía trước của hung thủ”.
Sau nhiều tiếng đồng hồ bao bây, thuyết phục và cảnh cáo, cuối cùng cảnh sát cũng tóm được hung thủ Lý Vỹ Quang khi anh ta phá tung cửa sổ xe để nhảy ra ngoài. Vào ngày 2/8, Vỹ Quang ra tòa lần đầu tiên để xác nhận tội danh với nét mặt đăm chiêu có vài vết bầm tím do lúc xô xát với cảnh sát còn lưu lại và bàn tay phải quấn băng trắng. Đồng thời, anh luôn cúi gầm mắt xuống đất, im lặng trong suốt phiên tòa cũng như chỉ gật đầu một lần duy nhất khi được nghe giải thích về quyền được giữ im lặng. Tuy nhiên, anh cũng khiến mọi người bất ngờ khi ngỏ lời xin được chết.
Trong lần điều tra đầu tiên ở Viện Công Tố Portage La Prairie, Vỹ Quang đã đối diện với công tố viên Stanley Yaren và khai rằng những lời nói trong đầu của Thượng Đế đã ra lệnh cho anh ta làm nhiều chuyện khác nhau, kể cả việc giết người. Cũng qua lời khai này, Vỹ Quang đã suýt đâm chết một người đàn ông khác vào một ngày trước khi anh gây án trên xe bus. Lúc đó, người này đang lái xe vòng quanh trạm xe buýt ở vùng Erickson, trong cùng tỉnh Manitoba thì Vỹ Quang nghe được lời nói trong đầu là người này chuẩn bị giết anh nên anh đã rút con dao găm đợi người đàn ông đi vào bãi đậu xe bus rồi ra tay. May mắn là sau đó chiếc xe đã nhấn ga chạy đi mất. Trong quá trình điều tra, Vỹ Quang cũng khai là anh ta cảm thấy sợ hãi khi “nghe” Thượng Đế khuyên anh phải sống trọn đời ở vùng Erickson nhưng anh đã không tuân theo và đáp chuyến xe bus đi đến Winnepeg vào ngày 30/7/2008. Khi ngồi trên xe anh đã “nghe” một giọng nói khiển trách rằng anh đã phạm tội nên sẽ bị người ngồi bên cạnh là Tim McLean giết chết như một cách trừng phạt. Vì vậy, để bảo vệ tính mạng anh phải ra tay trước sát hại Tim McLean.
Hiện nay, vụ án “chặt đầu trên xe bus” vẫn còn được dư luận thế giới quan tâm đặc biệt về những diễn tiến kháng cáo và tố tụng của gia đình nạn nhân Tim Mclean, được dự đoán là phải trải qua một thời gian dài với nhiều thủ tục pháp lý phức tạp.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.