Hôm nay,  

Văn Bút Quốc Tế Đòi Trả Tự Do Tức Khắc Và Vô Điều Kiện Cho Nhà Văn Trần Khải Thanh Thủy Và Linh Mục Nguyễn Văn Lý

20/11/200900:00:00(Xem: 3300)

Văn Bút Quốc Tế Đòi Trả Tự Do Tức Khắc Và Vô Điều Kiện Cho Nhà Văn Trần Khải Thanh Thủy Và Linh Mục Nguyễn Văn Lý

(Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ)
Trong một Thông cáo/Kháng Nghị thư phổ biến toàn cầu chiều ngày 18 tháng 11 năm 2009, Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù (International PEN CODEP/WIPC) đã bày tỏ mối quan ngại sâu xa về tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đang bị giam cầm độc đoán sau khi bị hành hung có tổ chức chiều ngày 8 tháng 10 năm 2009 tại Hà Nội. Đồng thời, Văn Bút Quốc Tế cũng rất lo âu về cơ nguy đe dọa sự an toàn nhân cách và thể chất của linh mục Nguyễn Văn Lý sau khi bị đột quị trong trại giam ngày 14 tháng 11 năm 2009. Tin cho biết, tay và chân phải của linh mục bị liệt nặng khi đưa vào bệnh viện 19 tháng 8 của bộ Công an CS tại quận Cầu Giấy Hà Nội. Linh mục Nguyễn Văn Lý từng bị tai biến mạch máu não, lần đầu ngày 25 tháng 5 năm 2009.
Văn Bút Quốc Tế đòi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và linh mục Nguyễn Văn Lý vì lý do nhân đạo và chiếu Điều 19 Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà chế độ CS đã ký kết. Văn Bút Quốc Tế yêu cầu đảm bảo sự an toàn nhân cách và thể chất của hai nhà văn tù nhân. Họ phải được săn sóc và điều trị thích hợp với đầy đủ thuốc men cần thiết.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy
Từng là hội viên Hội nhà Văn và Câu lạc bộ nhà Thơ Hà Nội, bà Trần Khải Thanh Thủy là một nhà văn được công nhận, có tinh thần độc lập, viết nhiều tác phẩm giá trị, dưới một số bút hiệu khác nhau (Nguyễn Thái Hoàng, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Quý Dân, Nguyễn Hải, Võ Quế Dương, Trần Thị Thanh Hằng, Phạm Xuân Mai, Mai Xuân Thưởng, v.v.). Bà còn là một nhà thơ, nhà viết tiểu luận, phóng viên và cộng tác biên tập với nhiều tờ báo, như bán nguyệt san Tổ Quốc (bị cấm). Bà là tác giả Nhật Ký Ngục Tù, Hang Đá, Đối Thoại cùng Sông và mấy mươi tác phẩm thơ văn, bài báo khác. Bằng ngòi bút bén nhạy, tinh tế, ngay thẳng, bà bênh vực những nạn nhân của bất công xã hội. Bà viết về các trường hợp cán bộ viên chức tham nhũng và lạm quyền, cướp đất chiếm nhà của hàng trăm nông dân không có khả năng tự vệ và chống đối. Bởi vậy bà Trần Khải Thanh Thủy trở thành đối tượng của nhiều cuộc sách nhiễu hung bạo và bắt giam để thẩm vấn của công an mật vụ. Bà bị canh chừng nghiêm ngặt như một tù nhân bị quản thúc tại gia. Trong lúc bà bị mắc bệnh lao phổi nặng và bệnh tiểu đường, ngày 21 tháng 4 năm 2007, bà bị bắt giam cho đến ngày 31 tháng giêng năm 2008. Bà chỉ ra khỏi trại tù sau khi tòa CS tuyên phạt bà 9 tháng 10 ngày tù giam (bằng thời gian bị nhốt trong trại tập trung) và 3 năm quản chế vì ‘’phá rối trật tự công cộng’’. Cần vạch rõ rằng, sau khi bị bắt giam, bà Trần Khải Thanh Thủy bị truy tố về "tội tuyên truyền chống phá CHXHCNVN", theo Điều 88, Hình luật CS. ‘’Tội’’ của bà là đã phổ biến trên Internet nhiều bài tiểu luận yêu sách Dân Chủ. Bà còn bị cáo buộc là hội viên hoạt động của Khối 8406, hỗ trợ một Ủy Ban Nhân Quyền độc lập và tham gia tổ chức một Công đoàn bất hợp pháp dưới chế độ độc tài cộng sản. Cuối cùng, vì áp lực quốc tế và một số lý do khác, tòa CS đã biến cải cáo trạng nêu trên thành ra tội ‘’phá rối trật tự công cộng’’.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy từng được Văn Bút Quốc Tế tuyên dương nhân dịp thế giới cữ hành Ngày Phụ Nữ, 8 tháng 3 năm 2007. Cùng với nhà văn và nhà báo Nga Politkosvkayav, nhà báo Umida Niyazo, nước Ouzbékistan, nhà báo Serkalem Fasi, nước Éthiopie, bà Trần Khải Thanh Thủy tiêu biểu cho những nhà nữ trí thức chân chính, những người cầm bút dấn thân, bất khuất, mà tù ngục, hăm dọa và cả đến giết hại không hủy diệt được tiếng nói chỉ trích bạo quyền và bạo lực. Đài Quan Sát Nhân Quyền trao tặng bà Trần Khải Thanh Thủy Giải Tự do Phát biểu Lillian Hellman/Dashiell Hammet năm 2007. Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và mục sư Nguyễn Công Chính đồng lãnh Giải Nhân Quyền năm 2009 của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam. Bà được Trung Tâm Văn Bút Anh bầu làm hội viên danh dự sau khi bị bắt năm 2007.
Ngày 25 tháng 9 năm 2009, bà Trần Khải Thanh Thủy phổ biến bài viết ‘’Trò Hề Xã Hội Chủ Nghĩa’’. Truyện kể lại quang cảnh đồng bào, bà con, thân nhân nhiều tù nhân ngôn luận và lương tâm sáng ngày 24 tháng 9 năm 2009 chen chúc đứng chờ phiên tòa Hà Nội xử nhà dân chủ đối kháng Phạm Văn Trội. Rốt cuộc, phiên xử đã bị hoãn đến tháng 10 nhưng không có thông tri cho dân chúng biết.
Ngày 8 tháng 10 năm 2009, bà Trần Khải Thanh Thủy đi Hải Phòng để ủng hộ thân nhân gia đình những nhà dân chủ đối kháng sắp bị tòa CS xét xử. Chưa đến thành phố hải cãng thì bà đã bị Công an CS chận lại và buộc bà trở về Hà Nội. Chiều hôm đó, bà và chồng bà đã bị những kẻ ‘’lạ mặt’’ đến tận nhà gây sự, khiêu khích để lấy cớ đánh đập vợ chồng bà khiến bà bị thương ở đầu, máu chảy ướt hết tóc, đổ xuống vai áo và nền gạch trước nhà. Nhưng Công an CS lại bắt giam bà Trần Khải Thanh Thủy, ngụy tạo hình ảnh (ngày chụp ảnh 28 tháng 2 năm 2005 đổi thành ngày 9 tháng 10 năm 2009),  tung tin trên báo rằng bà đã gây thương tích cho một người có mặt lúc đó. Thế giới đều biết dưới chế độ CS không có báo chí tự do và nhà báo độc lập được phép hành nghề. Cho nên, dù chi tiết tin tức về biến cố chưa đầy đủ và rõ ràng, các quan sát viên trung thực đều tin rằng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy là nạn nhân của một vụ bạo hành có tổ chức và điều khiển trong bóng tối. Chẳng khác vụ nhà báo nước Tunisie Taoufik Ben Brik bị bắt giữ mới đây vì bị cáo là ‘’đã hành hung một phụ nữ trên đường phố’’. Phóng Viên Không Biên Giới khẳng định rằng tổng thống (độc tài) Zine El Abidine Ben Ali không bao giờ dung thứ ông Taoufik Ben Brik vì những bài báo ông viết chỉ trích chế độ Tunis. Bà Trần Khải Thanh Thủy hiện bị nhốt tại trại Hỏa Lò Mới, nơi mà hai năm trước, giữa điều kiện lao lung tồi tệ, bà còn bị tù thường phạm tự do hành hung và sỉ nhục. Ra tù, bà còn mang những vết thẹo rất rõ trên mặt và trên chân bà, hậu quả của 9 tháng 10 ngày bị đày đọa, ngược đãi .
Ngày 13 tháng 10 năm 2009, thay mặt Trung Tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại, nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã báo động Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù và Ủy Ban Nhà Văn Nữ của Văn Bút Quốc Tế và Trung Tâm Văn Bút Anh. Điện thư báo động tường trình biến cố đáng buồn và công phẫn, kèm theo những hình ảnh làm chứng về vụ nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị hành hung tàn bạo tại nhà bà. Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Anh, bà Lisa Appignanesi và  Phó Chủ tịch Văn Bút Quốc Tế, bà Lucina Kathmann, đặc trách Nhân Quyền của Ủy Ban Nhà Văn Nữ, đã lên tiếng bênh vực văn hữu Trần Khải Thanh Thủy. Hai Kháng Thư gởi nhà cầm quyền CS, ngày 20 tháng 10 của bà Lisa Appignanesi và ngày 28 tháng 10 của bà Lucina Kathmann. Đồng thời, Kháng thư của Trung Tâm Văn Bút Anh còn đòi trả tự do cho các nhà dân chủ đối kháng bị phạt tù nặng nề hồi đầu tháng 10. Chính phủ Anh cũng được thỉnh cầu can thiệp cho tất cả các nạn nhân. Ngày 29 tháng 10, nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt tiếp nhận văn thư của Bộ Ngoại Giao Anh. Không thể làm ngơ trước chuyện nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, nạn nhân của một cuộc trừng phạt chính trị hiểm độc có tổ chức, lại trở thành ‘’tội phạm’’ một chế độ độc tài. Cũng như không thể bỏ qua những bản án tù bất công và phi pháp và phải tiếp tục bênh vực các nhà dân chủ đối kháng đang bị trấn áp, tù đày tàn nhẫn.


Cần nhắc lại, từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4 năm 2009, một chiến dịch thể hiện ‘’truyền thống văn hóa’’ phi nhân, đồi bại và quái đản, hiếm thấy trên thế giới, được tổ chức để ném phân người và xác chết thú vật vào cửa và mặt tiền căn nhà của bà Trần Khải Thanh Thủy. Ngay từ đầu tháng 6 năm 2009, tại Hội Nghị Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù ở Oslo, thủ đô Na Uy, nhiều ảnh chụp hiện trường tội ác công khai đó, giữa ‘’Thăng Long Ngàn năm Văn Hóa’,’ đã được đưa đến để giới thiệu với một số văn hữu Văn Bút Quốc Tế. Rồi những ảnh chụp đó cũng thấy xuất hiện trên màn hình máy vi tính cầm tay của một nhà văn Thụy Sĩ Pháp Thoại tại Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế ở thành phố Linz, nước Áo cuối tháng 10 vừa qua.
Sau khi bà Trần Khải Thanh Thủy bị giam cầm độc đoán đầu năm 2007, hội Nhà Văn Hà Nội dưới sự lãnh đạo của đảng CS đã xóa tên bà trong danh sách hội viên. Một hành vi làm kinh tởm các nhà văn hội viên Văn Bút Quốc Tế vì bà Trần Khải Thanh Thủy vẫn là hội viên danh dự của Trung Tâm Văn Bút Anh. Hành vi của hội Nhà Văn Hà Nội làm nhớ đến phong cách của hội Nhà Văn Liên Sô thời bạo chúa Staline ngự trị tại "thành trì tổ quốc xã hội chủ nghĩa".
Linh mục Nguyễn Văn Lý
Linh mục Nguyễn Văn Lý, nguyên Thư ký Tòa Tổng Giám mục Huế và giáo sư chủng viện, đã bị nhốt trong nhiều nhà tù, trại giam lao công cưỡng bách từ năm 1977 đến 1978 và từ 1983 đến 1992. Với tâm địa nuôi dưỡng bằng căm thù, đố kị và thiếu bao dung, Cộng sản hành hạ, đày đọa linh mục vì đã kiên quyết tranh đấu cho Nhân Quyền, gồm có quyền Tự do Phát biểu Quan điểm và quyền Tự do Tín ngưỡng. Ra khỏi trại giam, linh mục còn bị đặt dưới sự canh chừng của công an. Ngày 17 tháng 5 năm 2001, linh mục bị bắt lại sau khi công bố trên Internet lời Chứng về những sự vi phạm Nhân Quyền trầm trọng tại Việt Nam. Bản văn này được phổ biến trên khắp thế giới. Ngày 19 tháng 10 năm 2001, tòa CS ở Huế đã tuyên phạt linh mục Nguyễn Văn Lý 15 năm tù và 5 năm quản chế vì phạm tội “phá hoại đoàn kết quốc gia” và “không tuân theo lệnh quản chế hành chánh”. Trước áp lực quốc tế, nhà cầm quyền Hà Nội bị buộc phải giảm án tù hai lần (tổng cộng 10 năm). Tiếp theo đơn khiếu kiện của Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ, trong Khóa Họp thứ 38 ngày 27 tháng 11 năm 2003, Ban Hành Động chống Giam Cầm Độc Đoán thuộc Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc phán định rằng ‘Sự tước đoạt quyền tự do của linh mục Nguyễn Văn Lý là độc đoán, vì hành động đó vi phạm Điều 19 của Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới về Nhân Quyền và Điều 19 của Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Cuối cùng, nhà cầm quyền Hà Nội phải phóng thích linh mục quản xứ An Truyền vào dịp Tết Ất Dậu 2005.
Linh mục Nguyễn Văn Lý là một thành viên lãnh đạo của phong trào tranh đấu cho Tự do Dân chủ và Nhân Quyền. Khối 8406 ra đời đầu tháng tư năm 2006, bất chấp sự đe dọa, đàn áp, khủng bố của chế độ độc tài CS. Ngày 19 tháng 2 năm 2007, linh mục Nguyễn Văn Lý bị bắt tại Nhà Chung Tổng Giáo phận Huế. Vị tu sĩ bị cưỡng bách lưu đày biệt lập tại giáo xứ Bến Củi, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, cách Huế khoảng 20 cây số trước khi bị đưa ra tòa. Ngày 30 tháng 3 năm 2007, vị chủ biên bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận (bất hợp pháp đối với CS) bị kết án 8 năm tù và 5 năm quản chế về ‘tội tuyên truyền chống nhà nước’. Bốn cộng sự viên cũng bị kết án: ông Nguyễn Phong, 6 năm tù và ông Nguyễn Bình Thành, 5 năm tù; cô Hoàng Thị Anh Đào, 2 năm tù treo và bà Lê Thị Lệ Hằng, 18 tháng tù treo. Hai linh mục Phan Văn Lợi và Chân Tín cũng bị áp đặt các biện pháp hạn chế các quyền Tự Do. Cùng với Văn Bút Quốc Tế, Phóng Viên Không Biên Giới lên án chính sách CS dùng bạo lực phi pháp để bóp nghẹt Quyền Tự do Báo chí. Linh mục Nguyễn Văn Lý bị giam tại trại lao công cưỡng bách K1, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Tám năm trước, gia đình linh mục Nguyễn Văn Lý cũng bị đàn áp thô bạo. Hai người cháu trai, ông Nguyễn Vũ Việt và ông Nguyễn Trực Cường bị bắt giam hồi tháng 6 năm 2001 vì dùng Internet, fax và điện thoại phổ biến những tin tức liên quan đến tình trạng tự do tôn giáo dưới chế độ CS. Bà Nguyễn Thị Hoa, chị ruột của hai ông Nguyễn Vũ Việt và Nguyễn Văn Cường cũng bị bắt tạm giam từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2001. Cả ba người cháu của linh mục Nguyễn Văn Lý đều bị truy tố về tội ‘’gián điệp’’. Nhưng sau đó, trước sự phản đối của các tổ chức Nhân Quyền quốc tế, tòa CS phải đổi tội danh là ‘’lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước’’. Ngày 10 tháng 9 năm 2003, bà Nguyễn Thị Hoa bị phạt 3 năm tù, ông Nguyễn Trực Cường 4 năm tù và ông Nguyễn Vũ Việt 5 năm tù. Áp lực quốc tế đã khiến nhà cầm quyền Hà Nội phải giảm án và trả tự do cho các nạn nhận trước hạn tù.
Năm 2002, linh mục Nguyễn Văn Lý được trao tặng Giải Nhân Quyền Homo Homini của Cộng Hòa Tiệp, cùng với hòa thượng Thích Huyền Quang và hòa thượng Thích Quảng Độ. Năm 2008, lần thứ nhì, Đài Quan Sát Nhân Quyền trao tặng linh mục Nguyễn Văn Lý Giải Tự do Phát biểu Lillian Hellman/Dashiell Hammet. Linh mục Nguyễn Văn Lý và hòa thượng Thích Quảng Độ đồng lãnh Giải Nhân Quyền năm 2002 của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam. Cuối tháng 9 mới đây, linh mục Nguyễn Văn Lý được dân biểu Quốc Hội Âu Châu đề cử lãnh Giải Vì Quyền Tự Do Tư Tưởng Sakharov cùng với 9 nhân sĩ trên thế giới. Giải thưởng này được Quốc Hội Âu Châu trao tặng hàng năm để vinh danh một cá nhân hoặc một tổ chức nổi tiếng vì hoạt động tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.
Linh mục Nguyễn Văn Lý là hội viên danh dự Trung Tâm Văn Bút Sydney. Ngay sau khi được nhà thơ Việt Nam lưu vong khẩn báo tin linh mục Nguyễn Văn Lý lâm bệnh nặng đang nằm chờ chẩn khám tại bệnh viện Công an Hà Nội, văn hữu Gaby Naher, Chủ tịch Ủy Ban Văn Bút Sydney Bênh Vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù, đã cấp tốc gởi fax đến tòa Đại sứ Úc tại Hà Nội và bộ Ngoại Giao tại thủ đô Canberra thỉnh cầu giúp đỡ. Văn Bút Sydney yêu cầu Đại sứ hoặc một nhà ngoại giao Úc đến thăm linh mục Nguyễn Văn Lý ngay tại bệnh viện. Đồng thời, xin chính phủ Úc gởi văn thư yêu cầu nhà cầm quyền CHXHCNVN trả tự do tức khắc linh mục Nguyễn Văn Lý. Tất cả hội viên Trung Tâm Văn Bút Sydney sẽ được kêu gọi viết thư cho Đại sứ Úc tại Hà Nội.
Văn Bút Quốc Tế gởi Kháng Nghị thư này đến nhà cầm quyền CHXHCNVN. Văn Bút Quốc Tế cũng yêu cầu các Trung tâm Văn Bút gởi ngay Kháng Nghị thư để
- bày tỏ mối quan ngại sâu xa về tình trạng sức khỏe của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và linh mục Nguyễn Văn Lý, đồng thời đòi cho hai tù nhân ngôn luận và lương tâm được tiếp nhận tất cả những sự trị liệu, chăm sóc y tế cần thiết, coi như là một vấn đề khẩn thiết;
- thúc giục nhà cầm quyền CS phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và linh mục Nguyễn Văn Lý vì lý do nhân đạo và chiếu Điều 19 Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà chế độ CS đã ký kết.
(Nguồn tin và tài liệu: Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ và nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, thành viên Ủy Ban Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại Bênh Vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù, hội viên Trung Tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong và Hội Nhà Văn Liên Hiệp Quốc - Genève).
Genève ngày 18 tháng 11 năm 2009
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l'Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.