Câu Chuyện Thầy Lang: Pho-Mát
Bác sĩ Nguyễn Ý-Dức
Theo huyền thoại thì pho mát được một nhà kinh doanh tình cờ khám phá ra cách nay nhiều ngàn năm. Nhân dịp một chuyến đi buôn xa, ông mang theo nhiều lương thực, trong đó có sữa dê mới vắt đựng trong một cái bao tử lạc đà đã phơi khô.
Một hôm, lấy sữa ra uống thì thấy sữa đã đông đặc dưới ảnh hưởng của hơi nóng mặt trời và vài hóa chất còn dính lại ở bao tử lạc đà. Nếm thử “cục sữa” ông ta thấy ngon và béo. Thế là ông ta tìm hiểu thêm rồi sản xuất món sữa đóng cục này tung ra thị trường và kiếm nhiều lợi nhuận tài chính. Đó là pho mát, phiên âm tiếng Pháp chữ Fromage, tiếng Anh gọi là cheese.
Từ đó pho mát được nhiều quốc gia trên thế giới sản xuất và trở thành món ăn rất phổ thông trong bữa ăn chính, để tráng miệng, ăn khai vị cũng như ăn vặt trong ngày.
Cách làm
Pho mát có thể làm từ bất cứ loại sữa động vật nào như cừu, dê, trâu, lạc đà, lừa... nhưng thông thường nhất vẫn là từ sữa bò.
Nguyên tắc làm cũng giản dị.
Sữa được làm đông đặc với một loại enzym (rennet) lấy từ dạ dày động vật có vú hoặc chế biến từ nấm và vi khuẩn, đun ở nhiệt độ thích hợp.
-Phân tách cục sữa chứa nhiều đạm chất với phần chất lỏng .
-Thêm chút muối vào cục sữa để tạo hương vị, độ ẩm..
-Ép cục sữa thành những hình dạng tùy theo ý muốn, đồng thời cũng chắt bò chất lỏng còn sót lại.
Thế là ta đã có miếng pho mát ngon miệng. Loại pho mát này chưa ngấu, dễ hư nên cần được để trong tủ lạnh và chỉ dùng trong dăm ngày.
Muốn có phó mát ngấu, phải lấy bớt chất lỏng ra bằng muối rồi chế thêm vi khuẩn Penicillum Camembert ( pho mát Camembert, Brie), vi khuẩn Penicillium Roquefort ( pho mát Roquefort, Blue cheese), Propionibacterium shrmanii cho Swiss pho mát, Brevibacterium linens cho pho mát Brick…
Quý bà nội trợ có thể làm pho mát tươi tại nhà như sau:
-Đun 1 lít sữa nóng 60"C, hòa cùng 200ml sữa chua, nhè nhẹ khuấy cho đều để tránh cháy dưới đáy, rồi ủ nóng trong nồi cơm hay đặt cạnh lò sưởi khoảng 8giờ cho sữa đông thành sữa chua.
-Dùng dao rọc sữa chua theo ô cờ nhỏ.
-Đun sữa chua nóng lại 60"C, ủ tiếp 2-3 giờ để sữa chua tách nước.
-Gói hỗn hợp trên với 1 tấm vải màn, treo cho ráo nước.
-Nếu muốn pho mát khô hơn, thì đè thêm vật nặng lên.
-Để trong tủ lạnh vài giờ đến khi khô hoàn toàn.
-Thêm mùi vị cho pho mát, cất trong tủ lạnh ăn dần.
Chế biến pho mát là phương thức giúp chúng ta chuyển một thực phẩm dễ hư là sữa, sang một thực phẩm ít bị hư hơn và đồng thời cũng là cách để dành sữa dưới dạng có thể giữ được lâu.
Các loại pho mát
Pho mát được phân loại theo nhiều cách.
Pho mát tươi như cream, cottage cheese và pho mát ngấu như Chedda, Swiss, Camembert, Gorganzola.
Thông thường nhất là phân loại tùy theo sự cứng mềm hoặc độ ẩm của pho mát:
Pho mát mềm như Cottage, Ricotta, Impasta, Neufchatel, cream;
Mềm trung bình như Morazella, Blue, Camembert, Pizza, Edam, Swiss, Chedda, Provolone;
Cứng như Dry Ricotta, Mysost, Romano, Parmesan.
Đó là pho mát tự nhiên (natural cheeses) trực tiếp từ sữa.
Còn loại pho mát chế biến (processed cheese) làm bằng cách pha trộn trong hơi nóng một vài loại pho mát tự nhiên. Pho mát chế biến có thể để dành lâu ngày và thường là mặn hơn pho mát tự nhiên.
Và giả pho mát (Imitation cheeses) do chất đạm của sữa và dầu thực vật tạo thánh. Vì là giả nên pho mát này rẻ hơn, ít chất dinh dưỡng và có chỉ có 10% cholesterol so với các pho mát khác.
Mua pho mát
Bộ Canh Nông Hoa Kỳ đã phân định giá trị của các loại pho mát Swiss và Cheddar, căn cứ trên hương vị, cấu trúc và hình dáng bên ngoài. Nhóm AA là tốt nhất, nhóm A là trung bình.
Khi mua cũng nên để ý tới cách trình bày : Pho mát cắt thành viên nhỏ, sợi hoặc miếng mỏng thường đắt hơn cục to. Pho mát đựng trong vật chứa lớn rẻ hơn trong vật chứa nhỏ. Mua vừa đủ dùng trước khi hết hạn, mất hương vị.
Pho mát mềm như cottage, cream cheese rất mau hư. Nhiều loại pho mát ghi rõ số lượng muối và chất béo.
Khi mua, lựa pho mát bầy trong ngăn tủ lạnh, coi kỹ ngày bán và ngày tiêu thụ; không mua loại bị mốc meo, ngoại trừ khi meo là thành phần cấu tạo của pho mát như blue cheese.