Hôm nay,  

Những Tính Toán Sau Bầu Cử Tại Iraq

14/12/200500:00:00(Xem: 24269)
-Cuối cùng thì dân Iraq sẽ lại đi bầu, để thành lập một Quốc hội mới, chính thức, thực thụ. Sau đó, tình hình mới ly kỳ… cho cả Hoa Kỳ và khủng bố.

Trong năm qua, dân chúng Iraq đã hai lần tránh bom đi bầu. Ngày 15 tháng này là lần thứ ba.

Lần thứ nhất vào ngày 30 tháng Giêng để bầu ra cơ chế lâm thời và lập hiến có nhiệm vụ soạn thảo ra bản hiến pháp sẽ quy định thể chế chung sống của người dân Iraq, một tập thể rất nhiều sắc tộc, trong đó ba thành phần Shia, Kurd và Sunni chiếm đa số.

Lần thứ hai vào ngày 15 tháng 10 để người dân biểu quyết về bản dự thảo hiến pháp đã được cơ chế nói trên soạn thảo, trong đó, vai trò trọng yếu thuộc các đại biểu Shia và Kurd, vì dân Sunni đã tẩy chay không chịu đi bầu.

Khác biệt giữa hai lần này là phe Sunni đã không tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý tháng 10 nhưng kêu gọi dân Sunni bỏ phiếu chống. Lời kêu gọi ấy không có kết quả vì 1) dân Sunni có đi bầu, nhưng 2) số phiếu chống hiến pháp không đủ mạnh, nhiều địa phương vẫn đồng ý với bản hiến pháp và văn kiện này được thông qua. Bây giờ, trong cuộc bầu cử thứ ba, Quốc hội mới sẽ duyệt lại bản hiến pháp lần cuối trước khi chính thức phê chuẩn và trong năm sáu tháng sau, Iraq sẽ có hiến pháp và chính quyền mới.

Đấy là tầm quan trọng của cuộc đầu phiếu lần thứ ba.

Từ tháng 10 vừa qua cho đến nay, tình hình đã có những thay đổi gì đáng kể và sẽ ảnh hưởng ra sao đối với chánh sách của Hoa Kỳ tại Iraq và nói rộng lớn hơn, đối với cuộc chiến chống "Thánh chiến Hồi giáo" của các nhóm khủng bố"

Hôm 12 vừa qua, Tổng thống Bush đã đọc bài diễn văn thứ ba trong một loạt bốn bài diễn văn trình bày tình hình và giải thích lập trường của chính quyền ông. Trong đợt tổng phản công về thông tin này, ông nói ít dần đến nạn khủng bố mà nhấn mạnh đến trật tự và dân chủ tại Iraq, một điều kiện cần thiết để binh lính Hoa Kỳ có thể triệt thoái dần khỏi Iraq. Truyền thông Mỹ chú ý đến bài diễn văn này và đến phản ứng phản chiến ngày càng gay gắt trong một số lãnh tụ Dân chủ lẫn cơ sở của đảng. Họ không trình bày được cho tường tận những gì đang xảy ra tại chỗ. Đây là thói quen của truyền thông Mỹ, ít ra là truyền thông của dòng chính, gồm các hệ thống toàn quốc hoặc có ảnh hưởng nhất, đa số là thiên tả và chống Bush.

Nếu muốn tìm hiểu về an ninh của Hoa Kỳ hay sự ổn định của Iraq, người ta phải đi xa hơn thế và nhìn ra những yếu tố quyết định trong cuộc đầu phiếu thứ ba này. Đây là mục tiêu của bài viết.

Trước hết, hãy nói về nội tình chính trị Iraq qua bốn nhận xét sau đây.

Thứ nhất, cả ba phe liên hệ là Shia, Kurd và Sunni đều đã đi bầu và bày tỏ ý kiến về bản hiến pháp, dù là chính thức sau vụ đầu phiếu ngày 15 tháng 10 thì vẫn chỉ là lâm thời. Bản văn ấy quy định "luật chơi dân chủ" giữa các khuynh hướng chính trị của Iraq. Tiến bộ tại Iraq là người ta đã có một bản văn như thế. Bây giờ, các phe liên hệ sẽ thi hành "luật chơi" ấy như thế nào trong cuộc bỏ phiếu ngày 15 tháng 12 và sau này"

Thứ hai, về phần dân Sunni, thành phần đã từng gắn bó với chế độ Saddam Hussein (đảng viên Baath), hoặc kịch liệt chống Mỹ vì lý do "dân tộc", hoặc có cảm tình và yểm trợ quân khủng bố ngoại nhập, người ta thấy một điều mới lạ. Cuối tuần qua, qua mạng Internet, khủng bố al-Qadeda và ba nhóm "Thánh chiến" khác công khai đả kích tiến trình chính trị này là phản đạo và kêu gọi phá hoại bầu cử. Phe Sunni thuộc đảng Baath cũ lập tức phản pháo với lời cảnh báo "Thánh chiến" là không được tấn công việc bỏ phiếu. Sau khi các lãnh tụ Sunni thuộc xu hướng dân tộc (mà ông Bush gọi là "rejectionists") kêu gọi dân chúng tham gia bầu cử hồi tháng 10 - để bỏ phiếu chống - đây là lần thứ nhì sự rạn nứt đã trở thành công khai trong tập thể Sunni với các nhóm khủng bố.

Nhận xét thứ ba là trong nội bộ phe Shia (vốn chiếm 60% dân số và sẽ thắng lớn trong bầu cử và chính trị sau này) cũng có rạn nứt. Sự rạn nứt cũng đã thành công khai. Trong tập thể Shia, có người chủ trương xây dựng thế quyền, ngược với xu hướng thần quyền hiện do Thượng Hội đồng Cách mạng Hồi giáo Iraq (SCIRI) lãnh đạo. Một trong những người đó là nguyên Thủ tướng Iyad Allawi, người đã tạm lãnh đạo Iraq sau khi Saddam Hussein bị lật đổ và thất cử hồi tháng Giêng. Iyad Allawi đang chuẩn bị tranh cử và vận động cả một số lãnh tụ Sunni cùng đứng chung liên danh. Ông từng bị hành hung và tuần qua công khai kết án nhóm dân quân gọi là Lữ đoàn Badr của Thượng hội đồng SCIRI là đã mưu sát ông ta. Ngược lại, Lữ đoàn này tố cáo Allawi là có mầm độc tài như Saddam và kêu gọi dân chúng phải chống Allawi, nhưng chống bằng lá phiếu.

Nhận xét thứ tư là phe Kurd, chiếm 20% dân số như dân Sunni, giờ đây cũng có rạn nứt. Cho đến nay, phe Kurd khéo thống nhất đường lối và đấu tranh rất chặt bên Hoa Kỳ và các lãnh tụ Shia để giành được nhiều quyền lợi trước đây đã bị chế độ Saddam tước đoạt. Bây giờ, khi bắt đầu tiến vào sân chơi dân chủ theo quy luật mới, nội bộ bắt đầu có vấn đề. Hai phái mạnh nhất là Liên minh Ái quốc Kurd (PUK) và Đảng Dân chủ Kurd thì vẫn huy động được cán bộ - kể cả lực lượng võ trang - giữ gìn trật tự và cộng tác với các đơn vị Mỹ để diệt trừ khủng bố. Nhưng phái thứ ba, ôn hòa nhất là Liên minh Hồi giáo Kurd (IUK) thì bắt đầu lên tiếng: tuần qua đảng này bị tấn công trong nhiều đợt và năm người đã bị hạ sát. Liên minh IUK chủ trương từ tháng 10 là sẽ ra ứng cử Quốc hội ngày 15 này với tư thế độc lập.

Bốn nhận xét trên dẫn ta đến một kết luận là tiến trình đấu tranh chính trị sau bầu cử đã bắt đầu trong cả 3 phe sắc tộc, lần này không phải là đấu tranh chống lại sức ép của 2 phe kia mà là đấu tranh trong nội bộ. Có nghĩa là nếu nguy cơ nội chiến giữa ba phe sắc tộc có thể giảm vì chẳng phe nào đủ sức xóa bỏ luật chơi dân chủ hay xé nát bản hiến pháp bằng bạo lực thì đấu tranh dân chủ trong nội bộ từng phe sẽ gây ra nhiều bất ổn. Trong bài diễn văn thứ ba mới đọc hôm 12, Tổng thống Bush có nhắc đến những bất ổn của Hoa Kỳ sau thời lập quốc, khi đã có Hiến pháp. Nhưng truyền thông và dư luận Mỹ có khi bất cần, chỉ nhấn mạnh đến những bất ổn sau này, do đấu tranh chính trị với màu sắc Iraq trong nội bộ của ba phe như một chứng cớ.

Người ta hiểu vì sao thế giới ghét Mỹ và coi thường những đấu tranh chính trị trong nội tình nước Mỹ vì hiện tượng ấy. Họ không biết phán đoán điều kiện sinh hoạt dân chủ ở từng nơi mà nhìn mọi sự qua nhãn quan của người Mỹ, theo tiêu chuẩn của Mỹ. Hôm 12, chính ông Bush còn phạm vào sai lầm văn hóa đặc thù của người Mỹ khi nhắc lại là cả thế giới muốn được giống như Mỹ!

Thành thử, sau cuộc bầu cử ngày 15 này, tình hình Iraq vẫn còn biến động, dù không là bạo động thì cũng vẫn là bất ổn thường xuyên. Nhưng, đây là một hình thái đấu tranh chính trị trong một xã hội đang học tập dân chủ, có thể là thô thiển và thô bạo mà vẫn còn hơn nội chiến. Hơn hẳn những gì đã thấy tại Liên bang Nam Tư sau khi chế độ độc tài cáo chung.

Câu hỏi cuối mà gần gũi nhất là al-Qaeda sẽ đi về đâu và Abu Musab al-Zarqawi có thể làm gì"

Tay khủng bố này vừa thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc, chuyện ấy thực ra không đáng kể bằng một chuyển động khác: các lãnh tụ Sunni, kể cả tàn dư của đảng Baath, đã kêu gọi dân Suni đi bầu và còn kịch liệt đả kích al-Zarqawi. Một lãnh tụ là Abu Abullah thẳng thừng gọi al-Zarqawi là "lá bài của Mỹ, Israel và Iran nhằm bât bất ổn cho Iraq để khống chế dân Sunni!"

Khi lãnh tụ số hai của al-Qaeda là al-Zawahiri kêu gọi từ Afghanistan hồi tháng Bảy, rằng khủng bố al-Qaeda sẽ thống trị Iraq, dư luận Hoa Kỳ không để ý và coi thường. Nhưng bây giờ, chính các lãnh tụ Sunni, theo xu hướng dân tộc và chống Mỹ hoặc theo đảng Baath đều công khai đả kích al-Zarqawi và phong trào al-Qaeda là phá hoại bầu cử! Hậu cứ của khủng bố là cộng đồng Sunni, hậu cứ ấy nay đã đổi lập trường và muốn bước vào đấu tranh chính trị. Khủng bố vì vậy hoặc sẽ bị cô lập và tiêu diệt dần, hoặc càng ra tay thì càng gây nguy cơ nội chiến ngay trong thành phần Sunni.

Chính quyền Bush và hai phe Shia và Kurd còn lại có thể khai thác hoàn cảnh ấy để tranh thủ từng thành phần Sunni - chống Mỹ hay tàn dư Baath - vào sinh hoạt chính trị Iraq. Đấy là một giải pháp cho phép ông Bush rút quân và tuyên bố là đã hoàn tất mục tiêu diệt trừ khủng bố.

Những khó khăn ấy của al-Qaeda là điều dân Mỹ không thấy và không hiểu vì truyền thông Mỹ chẳng cất công nói về chuyện rắc rối như vậy!

Tuy nhiên, vấn đề của Hoa Kỳ vẫn chưa kết thúc. Hoa Kỳ có thể triệt thoái để dân chúng và cảnh sát quân đội Iraq tự xử lý các hoạt động "đấu tranh chính trị" thô thiển và thô bạo giữa các phe phái Iraq không" Chưa chắc.

Lý do là Hoa Kỳ sẽ chỉ rút khi nguy cơ khủng bố không còn ở trong toàn khu vực, mà nếu quân khủng bố - từ al-Qaeda đến các nhóm "Thánh chiến" - bị cô lập và tiêu diệt thì 3 phe Iraq sẽ hết sợ khủng bố mà có khi xoay ra quần thảo với nhau. Nghĩa là vào đúng lúc Mỹ hoàn thành được phần nào mục tiêu tại Iraq và giải trừ được nguy cơ khủng bố thì Iraq có khi lại bị loạn. Nhưng lúc ấy, Hoa Kỳ đã phủi tay, ông Bush hết là Tổng thống.

Giả thuyết ấy chẳng có gì là mơ hồ và mọi sự tùy thuộc vào bản năng tồn tại của dân Iraq. Họ có cơ hội sống chung, nhưng có muốn chung sống hay không"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.