Hôm nay,  

Chuyện Dài Thẩm Mỹ:chị ‘neo’

10/10/200900:00:00(Xem: 10041)

Chuyện Dài Thẩm Mỹ:Chị ‘Neo’
Trương Phú Thứ
(tiếp theo)
Tôi ngồi nói chuyện với bà cụ, chuyện ngày xưa khi còn là một thiếu nữ đất Mỹ Tho trái ngọt cây lành. Những cây mận sau nhà sát lối đi xuống bến sông đến mùa trái chín đỏ ối cả một góc vườn và những cô gái da trắng mượt mà như những bông khổ qua nõn nà dật dờ dưới nắng xuân. Bà cụ kể chuyện thời còn đi học rất thân thiết với bà vợ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mà bà cụ gọi là “cô Hên”. Bà cụ khen “cô Hên” đạo đức và ăn ở có hậu lắm; “làm bà Tổng Thống nhưng vẫn luôn nhớ đến thầy xưa bạn cũ”. Tôi góp vui: “ hên quá cỡ thợ mộc nên mới có chồng làm tổng thống”. Lúc tôi đang mải mê nghe chuyện “ngày xưa” của bà cụ thì đã thấy cả gia đình chị Neo đi ra. Hai vợ chồng cười toe toét còn ba đứa nhỏ thì vẫn dáng nghịch ngợm vô tư.
Chị Neo nói to “đậu rồi”, kể chuyện phỏng vấn và khen ông Mỹ rối rít. Chắc hôm nay ra đường gặp trai nên gặp ông này dễ quá dễ.

Ổng hỏi có một câu: “Xin ông bà nói tên vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ"” Ông Mỹ chưa kịp dứt lời thì cả hai vợ chồng đã

nhanh nhẩu đáp: “Washington”. Câu hỏi đầu tiên cũng là câu hỏi cuối cùng. Ông Mỹ để cây bút xuống bàn, đứng lên bắt tay cả gia

đình, nói vài lời chúc mừng và chỉ dẫn địa điểm cũng như giờ giấc vào sau buổi trưa để làm lễ tuyên thệ chính thức trở thành công

dân Mỹ. Một câu hỏi duy nhất đủ chứng minh trình độ tiếng Anh và kiến thức của vợ chồng chị Neo. Người phỏng vấn chắc cũng

thừa biết là có đến một nửa dân số Mỹ không thể nói đúng tên vị tổng thống đầu tiên của lịch sử lập quốc Hoa Kỳ.
Ông chồng bắt đầu lải nhải kèm theo những tiếng chửi thề ngắt quãng. Đại để là chỉ có vậy thôi mà cả gia đình đã phải bỏ tiền ra

đi học mấy ngày cuối tuần rồi đủ thứ lo âu. Tôi nhắc lại giờ giấc và chỉ một phòng lớn ngay lối ra vào để cả gia đình sẽ phải trở lại

vào lúc hai giờ trưa cùng với nhiều người khác làm lễ tuyên thệ. Chị Neo vui như tết nói đi nói lại là thế nào tôi cũng phải đến ăn

mừng ở nhà chị vào buổi chiều. Tôi thật tình chẳng thích tiệc tùng nhưng thấy chị thiết tha quá nên đành phải nhận lời.
Buổi chiều tôi đến nhà chị Neo hơi trễ vì gần nửa tiếng đồng hồ ngồi nghe nhạc và đếm xe trên xa lộ. Nhà chị Neo ở một khu đắt

tiền mới xây dựng ở phía đông thành phố. Tôi cũng chẳng ngạc nhiên vì nghe nhiều người nói nghề làm móng chân móng tay hái

ra tiền và thuế má thì lại rất mập mờ. Đến gần nhà chị Neo đã nghe thấy âm thanh của một bài hát tả cảnh trai gái quê giã gạo

dưới ánh trăng rằm. Bài hát này tôi đã được nghe và thuộc nằm lòng từ những ngày còn nhỏ, sau giờ học ở trường là chỉ biết

chạy nhẩy ngoài ruộng đồng, bầu bạn với con trâu con bò. Đời sống nhà nông làm lụng đầu tắt mặt tối cầu mong đủ ăn đủ mặc

chứ có khi nào dám mơ tưởng đến những gì bên kia lũy tre làng. Thanh niên thiếu nữ nơi thôn dã chỉ có câu hò tiếng hát đối đáp

làm duyên và từ đó nẩy sinh ra những cuộc tình chân chất như ngô khoai ngoài đồng. Tôi ngừng xe phía bên kia đường đối diện

nhà chị Neo, bước đi chậm chạp nghe giọng ca quen thuộc hát một làn điệu dân dã đã thấm nhuần vào tâm can tì phế từ những

ngày chân tay bê bết bùn lầy của đồng bằng Cửu Long.
Tôi đứng trước cơ ngơi của chị Neo mà một gia đình người Mỹ trung lưu mơ cũng không thấy. Ngôi nhà khá to so với kích thước

trung bình của một đơn vị gia cư ở trong vùng. Cây cỏ được chăm nom cắt tỉa kỹ lưỡng chắc hẳn phải do một bàn tay chuyên

nghiệp săn sóc. Một bà Mỹ dắt chó đi chơi thấy hàng xóm có hội họp tiệc tùng vẻ mặt tươi rói như muốn chia xẻ niềm vui. Bà nhìn

những lá cờ Mỹ cắm trên sân cỏ trước nhà có vẻ như muốn có câu hỏi nhưng lại hơi ngại ngùng. Tôi nói:
“Mấy người ở nhà này hôm nay tuyên thệ trở thành công dân Mỹ nên mời bạn bè đến ăn mừng”.
Bà Mỹ có vóc dáng như chưa đến tuổi về hưu giơ tay lên nói:
“Chúa ơi, xin chúc mừng những người hàng xóm tốt lành của tôi.”
Tôi nói là sẽ chuyển lại lời chúc mừng của bà đến toàn thể gia đình và chắc là họ sẽ rất vui. Bà tấm tắc khen vợ chồng chị Neo và

mấy đứa con là những người láng giềng thật tử tế, rất đáng yêu. Bà cũng nói là người chồng tuy ít nói nhưng thật tốt bụng, anh ta

sẵn sàng giúp bất cứ nhà nào trong xóm những việc lặt vặt nhất là những người già yếu cần khuân vác hay khiêng bàn ghế tủ

giường thì anh luôn có mặt. Anh chồng ở nhà suốt ngày, buổi chiều tối đi dọn dẹp lau chùi hai tiệm làm móng tay chừng độ vài ba

tiếng đồng hồ là xong việc. Bởi vậy anh có nhiều dịp giúp đỡ những gia đình trong xóm khi họ cần thêm sức lực từ một bàn tay.

Qua câu chuyện ngắn ngủi với bà Mỹ, tôi cũng thấy vui và thật hãnh diện được biết gia đình chị Neo rất được những người xóm

giềng quý mến.
Lúc một người khách mở cửa cho tôi vào nhà thì âm thanh từ dàn máy hát đắt tiền bắt đầu phát ra một bài vọng cổ mùi tận mạng.

Anh kép hát than thân trách phận chỉ vì gia cảnh nghèo khó mà phải lau nước mắt nhìn người yêu lên xe hoa về nhà chồng. Những

cuộc tình ngang trái qua tiếng ca lên xuống ngọt như mía lùi bao giờ cũng kéo theo những giọt nước mắt sụt sùi thương cảm. Chị

Neo từ trong bếp đi ra hướng dẫn tôi đến phòng gia đình đã có hơn chục người đang dán mắt vào màn hình thật to ở góc phòng.

Người nào cũng im lặng chia sẻ cho số phận đau thương của chàng trai chỉ vì cảnh nghèo mà đành nuốt lệ nhìn người yêu ôm bó

hoa đi giữa xác pháo hồng vui vầy duyên mới. Một lúc sau, cô đào thương xuất hiện nức nở khóc ca lời tạ tội chia ly với người

yêu thì cũng có vài người đứng dậy vươn vai kết thúc cho một chuyện tình.
Chị Neo giới thiệu tôi với những người khách của bữa tiệc mừng, đa số là các thiếu nữ làm móng tay. Những người trẻ thật vui

tính và hồn nhiên cười nói đùa dỡn như cuộc đời hiện tại rất bình an của họ. Những người đã kinh qua một thời với bộ quần áo

đắp những miếng vá tả tơi và những củ khoai sắn qua ngày hầu như đã bỏ lại một bể đau thương nơi miền dĩ vãng và đang cố

gắng tạo dựng đời sống mới, chập chững với những bước đầu nơi xứ lạ quê người. Vài cô nhất quyết sau một thời gian ngắn có

cuộc sống ổn định sẽ cắp sách trở lại trường học. Chuyện kể về các ông bà tỷ phú trên đất Mỹ đều bắt đầu bằng hai bàn tay trắng

đã như một động cơ thúc đẩy những người một thời ở tầng dưới của địa ngục trần gian cố gắng phấn đấu để vươn lên. Người

đứng người ngồi, chuyện ngắn chuyện dài về những sự việc xẩy ra như cơm bữa ở ngoài tiệm làm móng tay. Một bà cỡ tuổi trung

niên cười sặc sụa huơ tay:
“Thôi, họ nói gì kệ họ, mình cứ gật gật cái đầu, mồm nói OK là kể như xong.”
Tôi không nghe rõ câu chuyện đầu đuôi ra sao nhưng thấy ai cũng ôm bụng cười ngặt nghẽo.


Lúc chị Neo hò đến gần như khản cổ gọi chồng xuống ăn thì tiếng cười nói trong phòng cũng đã bớt đi. Ông chồng đi chậm chạp

xuống dưới nhà nhưng vẫn cố nói to dặn thằng con lớn lấy giờ giấc chính xác cho trận bóng rổ vào buổi tối. Khi điền giấy tờ vào

dân Mỹ, anh Phúc chồng chị Neo vẫn giữ tên cha mẹ đặt cho khi chào đời, mặc dù có người khuyên anh nên đổi tên chứ nghe

người Mỹ phát âm tên gọi của anh nhiều khi nghe kỳ quá. Cha mẹ mình sanh ra đặt tên sao thì cứ để vậy. Phúc là phúc đức phúc

lộc. Anh biện giải là cái giọng nói của mình dù có ăn đến nửa bát ớt hiểm rồi uốn lưỡi cong môi đến đâu đi nữa thì cũng vẫn là

giọng của một người Việt nói tiếng Mỹ. Mình muốn nói một câu thì cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng, thế mà cứ vừa mở mồm ra là y như

có đứa nó nhẩy vào cổ họng ngồi một đống thì còn ăn nói gì nữa. Anh cười hề hề đưa ra một cái thí dụ ngay ở trong gia đình,

thằng con út sanh ra trên đất Mỹ nên đặt tên là Chạc Li, thế mà bà vợ cứ mở miệng ra là cứ kêu Chó Lì. Tên anh là Phúc,ngưòi Mỹ

họ có phát âm trệu trạo thì là điều tự nhiên. Người Việt mình mà cố tình xiên xẻo là có chuyện lôi thôi liền một khi. Anh Phúc say

sưa bàn luận và phê bình những cầu thủ của hai đội bóng rổ sẽ cật lực chiến đấu vào chiều nay để mở đường vào tứ kết giải vô

địch toàn nước Mỹ. Cầu thủ nào gầy ốm, mập béo, cao lớn ra sao, thành tích chiến đấu như thế nào, anh rành sáu câu. Chuyện trò

một lúc thì anh Phúc lấy cớ phải đi ra ngoài tiệm dọn dẹp, hai tay ôm theo một két bia mười hai lon. Chị Neo dặn dò chồng mấy

việc, nói như phân bua:
“Ông ra ngoài tiệm đóng cửa rồi uống bia xem đánh banh một mình, ở nhà ồn ào quá xem không có phê. Mê quá hơn là mê gái.”
Một người đàn ông đứng tuổi cười mỉm chị:
“Mỗi người mê một thứ, đừng có mê cờ bạc hút sách là được rồi.”
Mọi người được mời lấy đồ ăn trên cái bàn dài có đầy đủ lương thực cho cả trăm người. Nhìn những đĩa đồ ăn đầy ú hụ sắp lớp

nhau trên bàn người nào cũng có vẻ ngao ngán. Hầu như chẳng ai tha thiết gì đến một bàn đầy đồ ăn thức uống. Ngó tới ngó lui thì

cũng chỉ heo quay, vịt quay. Bây giờ ai cũng sợ mỡ đóng lại trong mạch máu và gây ra đủ thứ bệnh đưa đến cái chết đường đột.

Báo chí ngày nào cũng đưa tin nhiều người giầu có và nổi tiếng đang sống vui sống khoẻ lặng lẽ ra đi không một lời trăn trối. Căn

bệnh quái ác lại hầu như lại chỉ mở mặt trận đánh vào những người dư ăn dư mặc. Người nghèo cả năm chỉ vài lần được đụng

đũa vào miếng thịt gọi là lấy hương lấy hoa thì rất ít khi bị chứng bệnh tim mạch. Nghèo thì vất vả vì miếng ăn nhưng giầu thì lại

chết vì miếng ăn.
Bữa tiệc “kiểu Mỹ”, mỗi người cầm một cái đĩa giấy với dao nĩa nhựa tự lấy những món đồ ăn thức uống. Vừa đứng vừa ăn, vừa

đi vừa uống, nói nhiều hơn ăn. Không khí ngột ngạt mùi vị những món xào, món nướng với đủ loại mùi nước hoa, mùi thuốc sơn

móng tay móng chân và tiếng cười nói như vỡ chợ như một đám hội nơi đình làng ngày nào nơi quê cũ. Chị Neo đi lăng xăng hết

mời người này ăn lại mời người kia uống. Ông chồng đã lẳng lặng ra đi từ lúc nào cũng không ai biết. Mấy đứa con chắc là đang

miệt mài với những trận banh từ miền Đông sang đến miền Tây nước Mỹ. Chị Neo gần như năn nỉ khách phải ăn bạo lên chứ ai

cũng đứng nhìn nhau như thế này thì coi bộ ế độ dữ. Chị nói qua đây thịt cá thừa mứa rồi sinh ra đủ mối lo, cứ ăn tưới hột sen đi

thì có ai chết đâu. Bệnh gì thì bệnh, cạo gió một hồi là thấy khoẻ ngay. Bầy đặt đủ loại thuốc men chỉ ôm thêm bệnh vào người. Gia

đình chị cả chục người sống chen chúc ở một cái nhà ngói ba gian ở ngay cửa biển nhìn ra sóng nước, quanh năm suốt tháng

đuổi ruồi đập muỗi mà có ai chết đâu. Lâu lâu có người cảm cúm ể mình thì bà già lật xuống giường cạo gió cho một thôi, ngủ

một giấc đẫy mắt, thức dậy là bệnh tật cũng theo mây gió cuốn ra ngoài khơi với biển cả.
Tôi ngồi ngoài bàn ăn nói chuyện với chị Neo và cặp vợ chồng còn rất trẻ mà cả hai người cùng làm nghề móng tay và xem chừng

họ rất bằng lòng với công việc và cuộc sống. Chuyện lui chuyện tới thì lại cũng trở về những chuyện “ngày xưa”. Mỗi người có

những kỷ niệm, những ghi nhớ bám chặt vào tâm cảm mà thời gian hay bất cứ thay đổi nào cũng không xoá nhoà được. Con

người ta là vậy, những niềm vui hay bao nỗi buồn chứa chấp trong miền ký ức sẽ không bao giờ phai mờ. Người ta nhớ lại

những chuyện xưa cho dù là những chuyện buồn như là một trang sách của một cuốn sổ đời, không than van mà cũng chẳng oán

trách.
Trời đã tối mịt, tôi xin phép ra về. Chị Neo hỏi, giọng nhỏ nhẹ:
“Tuần tới anh về Việt Nam hả" Cho mình gửi cái thơ được không"”
“Thơ ở Sài Gòn thì tôi nhận, còn nếu phải đi tỉnh thì chắc là tôi không có thời giờ đâu".
Chị Neo bước vội lên cầu thang nói:
“Thơ ở Sài Gòn thôi.”
Lúc chị Neo từ trên thang gác đi xuống thì tôi đang chỉ dẫn cho vợ chồng trẻ cách thức làm giấy tờ cho bà mẹ ở Việt Nam sang

Mỹ chơi vài ba tháng qua diện du lịch. Chị Neo đưa cho tôi một phong bì mầu trắng, tôi cầm bỏ vào tuí áo mà cũng không nhìn

xem địa chỉ của lá thư sẽ đi về đâu. Chị Neo tiễn tôi ra tận xe và chúc chuyến đi Việt Nam được mọi sự bình an xuông xẻ. Tôi cũng

đưa chuyện là khi nào về lại rồi thế nào cũng đến tiệm nhờ chị sơn cho bộ móng chân để có đường ăn nói với thiên hạ. Chị Neo

đập vào vai tôi nói “anh này xí xọn quá hà”.
Buổi sáng ngày hôm sau, lúc thay quần áo đi làm, tôi cầm lá thư chị Neo gửi nhìn không thấy địa chỉ của người nhận và bao thư

cũng không được dán lại. Tôi mở ra xem thì lại chẳng thấy thư từ gì cả nhưng có sáu tờ giấy bạc một trăm mỹ kim. Tôi giật mình

tự hỏi có làm gì đâu mà lại được tặng “phong bì” như thế này, hay là chị Neo đưa lộn, thư không đưa lại đưa tiền. Buổi trưa tôi gọi

điện thoại đến tiệm nói chuyện với chị Neo và kể lể về cái phong bì tôi đang để trong túi áo. Chị cười nhẹ nhõm nói:
“Anh về tới Sài Gòn có ghé cô nhi viện hay hội người mù thì nhờ anh trao lại dùm. Trời thương mình ăn nên làm ra thì cũng nên

nhớ đến những người thiếu may mắn.”
Tôi vỡ lẽ, nói ra vẻ như thật:
“Chị đưa tiền cho tôi chẳng khác nào đưa chuối cho cưởng. Về tới Sài Gòn, có tiền đi bia ôm mệt nghỉ.”
Chị Neo nói giọng to hơn:
“Anh mà đi bia ôm thì cho thánh dzật anh đi.”
Nghe tiếng ồn ào, chắc là có khách vào. Tôi gác ống điện thoại và xôn xao những ý nghĩ về chị Neo mà tôi đã không nhận ra được

dù bằng trực giác trong lần gặp gỡ đầu.
Vụ này đã xẩy ra cách đây bốn năm. Tới giờ, tôi vẫn không bị thánh dzật, chẳng phải ông thánh nể nang gì tôi hay bản thân tôi

được hưởng một chế độ đặc biệt nào. Chuyện rõ như ban ngày, bởi vì tôi không biết uống bia.
Trương Phú Thứ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.