Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

09/08/200900:00:00(Xem: 2860)

Hồi ký: Thép Đen  - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Trên đường vào chỗ của mình, đầu tôi suy tư: Lý Cà Sa mà được ra công trường HT, cũng là một sự khác thường. Tôi xách gầu và quần áo ra sau giếng tắm một cái, sau 2 ngày ngược xuôi quanh vùng.
Trong hàng chục người chung quanh giếng, có một cậu hình sự chừng 20 tuổi cứ liếc nhìn tôi, thái độ khác thường. Xong xuôi, tôi vừa rẽ về đến ngôi nhà số 2, thì cái cậu liếc nhìn tôi khi nãy, đã đón đường. Thái độ cậu ta hơi ngập ngừng, hai tay xoa xoa vào nhau; rồi giọng như được tăng số:
- Em hỏi thực anh, có phải anh là một điệp viên cừ khôi được đào tạo công phu ở Nhật, về Hà nội hoạt động phải không"
Tôi còn ngạc nhiên, đắn đo quan sát thái độ của cậu, cậu ta lại nhấn mạnh:
- Anh cứ nói thật với em đi!
Một chút băn khoăn, tôi khẽ để một tay lên vai cậu:
- Trước khi anh trả lời, hãy cho anh biết do đâu em lại hỏi anh như thế"
Cậu này tỏ ra hơi bộp chộp, nên trả lời ngay:
- Nhiều bạn bè em chỉ anh, nói với em như vậy!
Tôi vẫn đặt tay lên vai cậu, dịu dàng nói với cậu:
- Cám ơn em đã hỏi anh như vậy, anh xin nói ngay là những lời đồn đó, là không đúng sự thật. Tên em là gì"
Cậu trả lời tên là " Công " còn gặn lại:
- Hãy tin em! Nếu thật em sẽ xong ngay!
Tôi thấy không giải quyết cái gì, cũng chả cần hiểu "xong ngay" là "xong"gì" Tôi đập vào vai cậu, như đẩy đi:
- Thôi chào em Công nhé!
Quay vào buồng tôi nghĩ: Tiếng đồn thì thường hay phóng đại!
Đã có một số cậu hình sự xin đi phép, cả một vài biệt kích cũng đã xin đi phép vào miền Nam 2 tuần, 1 tháng. Để nghe ngóng, để thử, tôi cũng dần đánh tiếng qua tên cán bộ trực của công trường là Đỗ Nhận. Nghe đồn tên này là Trung sĩ cán bộ trên trại Quyết Tiến (Cổng Trời) về đây.
Ra vào qua ánh mắt; tôi thấy y có chút thiện cảm cá nhân với tôi, nên một buổi thuận tiện gặp y, trên một quãng đường từ cơ quan vào Hồng Thắng. Nghĩ đến Hà Nội, còn mấy người em ở Hàng Bột con bà dì, em ruột của mẹ tôi. Tôi còn một bà dì họ ở Lương Ngọc Quyến. Thì cứ thử xin 2 tuần, xem họ có cho đi không đã. Nhưng tên Nhận đã nhìn tôi, rồi nói rõ ràng:
 - Anh Bình cứ thử làm đơn lên Ban Giám Đốc! Theo tôi đã có 2 người (biệt kích) đi phép vào Nam, nếu họ không trở lại thì không phải là dễ.
Thực sự ra, anh em biệt kích ai cũng sẽ như tôi, cũng ray rứt khắc khoải nhớ thương bố mẹ, vợ con, anh chị em, và miền Nam trong tim, trong máu. Nhưng tôi phải thử xem sao "Dục tốc bất đạt" ông bà đã dậy mình.
Mấy ngày trước, có vợ của anh Đoàn Phượng (cưới được một tuần, trước khi anh ra Bắc) ra mãi Hồng Thắng để thăm chồng sau 15 năm xa cách. Thoáng nghe mà lòng tôi đã háo hức muốn gặp, muốn nhìn thấy chị Phượng, một người con gái Việt Nam đã cho tôi được hưởng nét tự hào của dân tộc tôi. Anh Đoàn Phượng là một biệt kích ra Bắc từ mồng 7 tháng 6 năm 1963. Toán của anh là Tellus, gồm 4 người. Anh là truyền tin trưởng của toán.
Khi một toán biệt kích hay đi lẻ như tôi, nếu theo những quy định thời gian đưa và đón, mà không về thì thường được kết luận là mất tích. Cái từ " Mất tích " bao hàm rộng: Có thể chết, bị bắt, trốn chạy v.v… Coi như không có ngày về, thế mới thấy rõ tấm lòng của chị Phượng. Tôi chưa hề thấy mặt, nhưng lòng tôi đã dạt dào ngưỡng mộ. Tôi đã sang buồng của anh Đoàn Phượng gặp anh, tôi đề nghị:
- Đây là một sự cao đẹp của tình người, đề nghị anh Đoàn Phượng, một buổi để chị vào hẳn công trường, gặp luôn một số biệt kích của chúng ta, và cũng để anh em biệt kích được nghe, được nhìn tận mắt: Sự sắt son của một phụ nữ Việt Nam. Cũng để cho cán bộ CS, nhìn thấy cái truyền thống, của tình tự dân tộc thiêng liêng, cho lòng người nở hoa như thế nào.
Ngày hôm sau, anh Phượng cho biết được cán bộ trực, cho phép sáng thứ Bẩy, chị Phượng và bà mẹ sẽ vào công trường. Anh em biệt kích ai cũng nức lòng, chúng tôi tạo mọi điều kiện có thể, cho buổi trùng phùng cảm động này.
Giản dị mộc mạc như cuộc đời của chúng tôi, một gian nhà trống không có đủ bàn, chỉ có mấy cái ghế dài kê chung quanh sát vách. Một cái bàn mộc con ở giữa, với một tích trà (mượn được của ông cán bộ trực), hai bao thuốc lá Trường Sơn.
Hơn 2 chục anh em biệt kích quần áo nâu sồng, ngồi kín những chiếc ghế dài. Gần 10 giờ, anh Phượng dẫn chị ấy và bà cụ trên 60 tuổi chậm chạp đi vào. Chúng tôi không ai bảo ai nhưng đều đứng hết cả dậy, mặt hớn hở, mắt long lanh, tay vỗ đôm đốp, như hoan hô, chào đón.
Căn buồng tuy bé nhỏ, nhưng đã tràn ắp tình người, làm cho anh Đoàn Phượng, bà cụ và chị ấy cũng lúng túng. Tôi và mấy anh đã xấn đến, đỡ bà cụ vào ngồi một chiếc ghế độc nhất, dành cho bà cụ. Nhiều anh em, râm ran ríu rít thăm hỏi bà cụ và chị Phượng. Lưng bà cụ hơi một chút còng, tóc đã " muối nhiều hơn tiêu " nhưng tinh thần của cụ còn tỏ ra rất nồng nhiệt. Không nồng nhiệt mà thân già, còn lẽo đẽo theo con gái lên mãi miền sơn cước này, để thăm một "chàng" con rể tù có cái dấu: không có ngày về.
Chị Phượng chừng hơn 3 chục, rất ít nói, không hiểu sao tôi nhìn đôi mắt của chị, nó ánh lên cái mầu của lá bưởi non. Cái màu của thủy chung, của nghĩa tình. Chẳng được anh em chỉ định, nhưng có lẽ từ hôm qua, anh em thấy tôi lăng xăng nhiều, trong việc đón rước chị Phượng và người mẹ yêu qúy của chị. Vả lại, nhìn toàn bộ anh em, không thấy ai tỏ vẻ muốn phát biểu một vài lời, với cụ và chị Phượng. Thôi thì từ lòng ngưỡng mộ của mình, tôi nhìn anh Phượng rồi đứng ra nói đại, dù đã biết mình không có khả năng ăn nói. Lâu ngày tôi không còn nhớ được nguyên văn, nội dung như sau:
- Thưa cụ và chị Phượng, cháu chỉ là một trong những anh em biệt kích như anh Phượng, do lòng ngưỡng mộ cụ và chị Phượng, nên cháu nói vài ý kiến. Đêm qua, cháu cứ khắc khoải mãi mà không ngủ được, nếu cháu không nhìn thấy, nghe thấy bằng tai, bằng mắt thì cháu không thể tin, trong cuộc đời ngày nay, còn những tình nghĩa sâu nặng như thế này. Cụ và chị đã làm cho cháu yêu thương cuộc đời này nhiều hơn, vì nó vẫn còn nhiều tình sâu nghĩa nặng mà cháu chưa, hoặc không hiểu được!
Tôi quay hẳn về phía chị Phượng:
- Thưa chị, trước đây các bậc cha, anh đã viết, đã nói nhiều về sự thủy chung, của người phụ nữ Việt Nam. Xin chị cho tôi hỏi chị một câu, cứ sự thật nghĩ sao chị trả lời vậy...
Thấy chị Phượng gật đầu, tôi hỏi ngay điều tôi muốn:
- Biết bao nhiêu biệt kích đã chết rồi, nếu anh Đoàn Phượng đã chết, thì chả lẽ chị chờ mãi ư"
Chị quay lại nhìn anh Phượng rồi nhìn tôi, chị nói bình thản:
- Tôi không có chờ anh Phượng!... Mà tôi đã xác định "Nếu anh Phượng sống trở về thì tôi có đôi, nếu anh chết thì tôi ở một mình".
Một hơi lạnh chạy lên gáy của tôi! Tôi quay về chỗ ngồi, hút hết hơi thuốc Trường Sơn, khi nãy còn bỏ dở. Anh em tiến đến thăm hỏi cụ và chị Phượng được biết thêm, khi nhận được thư anh Phượng gửi về. Chị Phượng muốn ra Bắc ngay, nhưng vì thân gái một mình, chưa hề biết gì về miền Bắc cả. Để rồi bà cụ thương cảnh hẩm hiu, của con gái và người con rể. Anh đã chẳng vì hạnh phúc của mình, mà dấn thân vào chỗ chết! Ra đi không hẹn ngày trở lại! Nên dù tuổi già sức yếu, cũng quyết một lòng dẫn con gái đến một miền, mà chính cụ cũng chưa hề biết.
Trong hơn 2 chục anh em biệt kích cùng tiếp đón bà cụ và chị Đoàn Phượng, có một cậu mặt còn non choẹt "búng ra sữa". Thấy hơi khác thường tôi đã gọi em ra riêng, lúc buổi gặp chị Phượng đã vãn. Em đã ngập ngừng, ngượng nghịu đỏ mặt, trong khi truyện trò, ân cần thăm hỏi của tôi. Em tên là Lê trung Tín, khi gia nhập và được huấn luyện trở thành một Biệt Kích nhẩy Bắc em mới có 17 tuổi, hiện nay em đã 27 tuổi rồi. Sau buổi tâm tình với em, tôi biết sơ lược toán của em là Red Dragon gồm 7 người: Phạm ngọc Anh, được tha về, đã chết ở Sài Gòn. Phạm xuân Kỳ. Toán phó truyền tin. Hiện nay ở tiểu bang Texas. Nguyễn Thái Kiên. Hiện nay ở Atlanta. Phạm Ngọc Khánh. Hiện nay ở Boston MA. Vũ Sử. Hiện nay ở Washington. Nguyễn Hữu Tấn. Hiện nay ở California. Lê trung Tín. Mới nhất hiện nay (2004). Nghe nói đã đến Colorado.


Ra Bắc ngày 21-9-1967. Địa bàn hoạt động tại Hà Giang. Dù toán của em ra Bắc muộn, nhưng cũng đã ở tù hơn 10 năm rồi. Em rất thân với Vòng A Cầu.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, cân nhắc, hơn nửa tháng trước tôi đã làm một lá đơn xin đi phép 2 tuần về Hà Nội thăm bà Dì và mấy người em. Tôi đã nộp đơn lên Ban Giám Đốc của công trường, cũng đã hơn nửa tháng mà đơn vẫn chưa được trả lời, là được chấp nhận hay không" Qua nghe ngóng Giám Đốc T.B. Oanh đã công tác về Hà Nội.
Tôi nghe một vài nguồn tin của người dân Bắc Ngầm: Trong Nam CS đã đuổi và cho người Hoa trở về Trung Quốc. Rồi khoảng đầu tháng 2-1978, chính cậu Lê Trung Tín và Vòng A Cầu đã đi đâu, 9 giờ tối cũng không có mặt, theo nội quy của công trường. Một buổi chiều, sau giờ lao động ở lán mệt nhọc, tôi trở về công trường, vừa tắm rửa xong. Một em hình sư, đến bên tôi nói nhỏ:
- Bẩy giờ tối nay, anh ra chỗ gốc cây Sồi ở ngã ba, có người muốn gặp anh.
Phần vì vừa tắm đang vội về, để ra chỗ anh Tâm y tá công trường xã hội (CTXH) đã hẹn từ hôm qua. Phần khác trời đã hơi cập quạng, nên tôi đã không nhìn rõ cậu em hình sự đã nói với tôi. Tôi thấy dù sao cũng không thể ra gặp Tâm (chuyện trò bình thường). Hôm nay phải ra xem ai cần gặp tôi lúc 7 giờ tối nay" Nhiều băn khoăn cũng không thể dự đoán được, vậy chỉ còn cứ đi sẽ biết. Cũng chẳng xác định được hướng lành dữ ra sao! Nhưng bản tính, dù ngược hay xuôi thì chỉ thêm cho sự kích thích, của lòng tôi hơn.
Trời tối, tôi đánh bộ đồ nâu sồng công nhân, mò ra chỗ hẹn. Chủ trương của tôi là ra sớm, ra trước giờ hẹn, rồi tìm vị trí thích hợp kín đáo ngồi chờ, chủ động quan sát để biết người muốn gặp mình là ai"
Không có đồng hồ, nên chỉ dự đoán theo giờ của cái đồng hồ ở công trường, có thể sẽ sai, đúng 5-10 phút. Tôi ngồi đã ê cả chân trong một bụi cây con, xa chỗ gốc cây Sồi đến gần 100 mét. Trong ánh sáng cập quạng của núi rừng tối muộn, tôi vẫn còn nhìn thấy gốc cây Sồi sơn mầu trắng, theo quy cách của thời Pháp thuộc. Chừng mươi phút sau, có bóng một người đi xe đạp từ phía Bắc Ngầm đi tới. Cũng may, từ công trường ra, tôi đã đi qua cây Sồi mới ngồi chờ, tôi cố nhìn theo bóng người đi xe mà tôi đã hơi ngờ ngợ. Đúng như rằng, người đó dựng xe đạp vào gốc cây rồi bước ra giữa đường. Tôi hơi giật mình, vì bóng đó ra giữa đường nên tôi thoáng qua dáng dấp quen quen. Ồ.... Sín Lồ! Sao lại kỳ lạ như thế! Sín Lồ là tiểu đội trưởng du kích của Bắc Ngầm, tuy có hiện tượng là câu chuyện tấm hình của HCM bị lệch. Nhưng có gì đến nỗi hôm nay đến hẹn gặp tôi như thế này" Đã quan sát rồi, chỉ có một mình Sín Lồ.
Tôi chờ anh ta quay mặt về phía công trường, tôi lách vội ra đường, như một người đang đi trên đường. Coi như không để ý đến người đứng ở một gốc cây, mặt tôi nhìn chéo với gốc cây 45 độ, theo dõi thái độ của Sín Lồ. Cậu ta đã nhìn thấy tôi, và tiến ra, vậy thì tôi tiến vào, và vồn vã:
- Sao lạ thế! Có cái gì mà phải hẹn ra đây" Cậu chỉ cần nhắn là tôi sẽ ra tận...
Cậu ta đã ngắt lời tôi, ra hiệu tay nói nhỏ! Rồi cậu ghé gần tôi vẻ thân mật:
- Anh có đi TQ không" Sẽ đi với một người nữa cũng ở công trường.
Tôi đã chợt thấy có vấn đề, tôi định hỏi với một người nữa là ai ở công trường" Thì Sín Lồ đã nói vẻ vội vàng:
- Nếu anh đồng ý đi, từ 9:30 đến 10 giờ tối mai, anh ra đây sẽ có người đưa đi!
Nói rồi, Sín Lồ đập nhẹ vào vai tôi như từ giã. Cậu ta nhẩy xe đạp đi ngược, về phía Bắc Ngầm.
Tôi bần thần cả người trên đường đi về công trường. Không biết người kia là ai, để từ đấy phần nào thấy về hướng nào" Là chính trị hay hình sự" Nếu chính trị thì biệt kích hay chính trị địa phương" Và điều quan trọng nhất: Sự việc này thật hay giả" Có bàn tay đen nào" Nằm trong vụ này không"
Đêm hôm ấy và ngày hôm sau, trong lòng tôi như có một trận bóng đá Quốc Tế, với những cú lách, lừa nhè nhẹ, nhưng có những cú "sút" sấm sét như "căng chỉ" làm bàn. Bao nhiêu phán đoán, bao nhiêu giằng co, bao nhiêu rụt rè e sợ, nhưng cũng bao nhiêu liều lĩnh coi trời "bằng vung".
Có những lúc tôi đi thơ thẩn, lang thang ở cả hai căn nhà. Nhìn người này, rồi nhìn người kia để từ đấy có cảm nhận một hiện tượng gì làm cơ sở. Tôi đã nhìn thấy cả cái cậu tên Công, đã có lần hỏi tôi, nếu tôi nhận thì cậu sẽ " xong ngay"
Nhưng quan sát hàng chục bộ mặt đã thấy không phải đối tượng, mà tôi đang cần tìm. Tôi cũng muốn tìm lại cái cậu hình sự đã hẹn cho tôi gặp Sín Lồ. Nhưng như tôi đã nói rồi, chiều hôm qua tôi thật vô tâm, không còn nhớ được dáng dấp và hình hài bộ mặt chút nào.
Cho đến chiều ngày hôm sau (cái buổi chiều có cái hẹn tối 9:30 đến 10 giờ). Tôi đã xác định như sau: Với cái tuổi của mình thì việc gì cũng còn dài, sự việc nào không rõ ràng, nhiều mơ hồ thì đừng có vội vàng hấp tấp, và tôi đã bỏ buổi hẹn. Cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa quên  buổi hẹn ngày ấy.
Sáng ngày hôm sau, thì thấy mất Lý Cà Sa. Và ngay chiều ngày hôm ấy; gần giờ tan tầm, tên cán bộ Thành phụ trách đội mộc của công trường đến ngồi nói chuyện với tôi. Y nhìn tôi đang thao tác lắp cái giường đôi, cho vợ chồng một tên cán bộ khác, ở bên trại tù. Chuyện trò cười nói rôm rả, đến chỗ cắt 5 cái thang giường, để 2 cái vỉ giường, cho giải chiếu. Công việc cắt cái đầu thang giường này không phải thợ học nghề, mà ai cũng có thể cắt được. Nhưng, có thể do đầu óc tôi qúa nhiều sự việc căng thẳng từ hôm qua, hoặc có thể mải vui câu chuyện với tên cán bộ của đội mộc. Tôi cắt hụt chừng 3 phân một cái thang giường, tên Thành đứng dậy gào to:
- À anh Bình, muốn phá hoại tài sản công trường, của nhà nước à"
Tôi ngửng lên nhìn y, tôi còn tưởng y nói đùa; nhưng nét mặt của y đã trả lời là nói thật. Thấy thế, tôi cười nói như diễu cợt:
- Cắt cái thang giường mà ông cho là phá hoại, nó chỉ.....
Y đã đứng dậy ra phía ngoài cửa, một tên công an võ trang đeo súng theo y tiến vào.
Tên cán bộ nói líu nhíu:
- Anh bị bắt sang trại tù! Anh theo vũ trang về trại.
Như thế là họ đã chuẩn bị sẵn từ trước, chỉ có tôi mới "tồ" nên bất ngờ mà thôi! Tôi theo tên công an vũ trang ra cổng lán mộc, trước những con mắt mở to của các anh em biệt kích khác. Đúng như lời dậy của cổ nhân: Chỉ có chữ "bất ngờ" cho tới già vẫn chưa ai học hết được!
Đã rõ như ban ngày là họ có chủ trương bắt tôi trở lại tù, dù tôi chẳng có vi phạm điều khoản nội quy nào của công trường, mà chính họ đã đặt ra, như Hiến Pháp của họ, cho đất nước. Tên công an võ trang dẫn tôi về công trường lấy chăn màn, quần áo để sang trại tù. Khi bước vào cổng trại tù, đã thấy tên cán bộ trực trại chờ sẵn ở căn buồng con, cạnh cổng vẫy tay. Tôi ôm chăn màn và chiếc hòm con đi theo, y bắt tôi mở hòm ra, lục tung khám xét mọi thứ. Tất cả thư từ, hình ảnh của cá nhân, hay bất cứ giấy tờ gì, y giữ lại hết, tôi phản đối:
- Thưa ông, thư từ hình ảnh là của thân nhân tôi, ở các trại tù khác, các cán bộ đã duyệt xét rồi!
Qua một vài nét tôi hiểu: Đây không phải do y, mà y chỉ thừa lệnh; vì thế y chỉ cộc lốc:
- Không được! Phải duyệt xét lại!
Y ra hiệu tay, tôi ôm vật dụng theo y vào một căn lán trại tù. Y chỉ tay lên một chỗ ở sàn trên:
- Chỗ anh nằm đó!
Đây là khu hình sự, trại chưa đi lao động về; chỉ lèo tèo vài người ốm bệnh ở nhà. Tôi còn đang sắp xếp lại quần áo của tôi, sau khi đã bị lục tung, thì trại ầm ầm huyên náo. Tù đã đi lao động về.
Cái đêm hôm ấy trời lại mưa to tầm tã, sấm chớp ầm ầm. Nằm nghe sấm sét, gió mưa gào thét ngoài núi rừng, hình như cũng có một trận gió mưa tầm tã khác, đang diễn ra trong lòng tôi. Rũ rượi rồi tôi lịm dần vào giấc ngủ muộn, đầy khắc khoải. Gần sáng, giòng tư tưởng của tôi chợt ghé đến cụ: Tam Nguyên Trần Bích San với tư tưởng khích lệ, trác tuyệt của cụ: Địa vô Sơn Thủy, phi kỳ khí. Nhân bất phong sương, vị lão tài. Xin phép tạm chuyển dịch: Đất mà không có núi, có sông thì đâu có lạ kỳ, đâu có đẹp. Con người mà không từng trải thăng trầm gió, mưa thì làm sao có chí lớn, tài cao" Có lẽ vì trong lòng tôi đã nhão nhoẹt nhiều qúa, nên tôi tìm đại câu trác tuyệt của ông cha làm "cứu cánh" để tự an ủi mình, trong lúc buồn nản này. Tuy thế, tôi cũng tâm thành cảm tạ cụ Tam Nguyên Trần Bích San.
Tinh thần của tôi như vừa được uống một liều thuốc tăng lực, để tỉnh táo xét suy: Chắc chắn họ không để tôi ở khu hình sự này lâu. Có lẽ vì họ được lệnh bất chợt, sợ đưa tôi vào khu biệt kích (khu biệt kích chỉ cách một hàng rào nứa) sẽ làm hoang mang, ảnh hưởng đến tinh thần của họ" Hay vì lý do khác, làm sao tôi biết được"
Đêm qua nằm nhẩm tính, tôi ra khu công nhân Hồng Thắng, chừng hơn 5 tháng đã lại bị bắt vào trại tù rồi. Đúng một tuần sau, tên trực trại vào gọi tôi ôm chăn chiếu sang khu biệt kích bên cạnh. Y chỉ cho tôi một chỗ cũng ở sàn trên và cũng câu nói của tuần trước, y đã nói với tôi bên khu hình sự:
- Chỗ anh nằm đó!
Tôi đã suy đoán không sai, lại được về tù chung với anh em biệt kích, như hơn 6 năm xưa.
Buổi trưa, trại về anh em chạy đến thăm hỏi tíu tít. Toán trưởng vẫn là Trương Bá Ngữ, toán phó là Nguyễn Xuân Sang. Quách Rạng đã ghé tai tôi nói nhỏ:
- Chúng tôi đã biết anh sẽ về đây, 2 ngày rồi!
Tôi còn đang ngạc nhiên, chưa kịp hỏi: Sao mà biết" Thì Rạng đã nói như trả lời:
- Lê văn Kinh cũng đã bị bắt vào 2 ngày trước! Cả Nguyễn Cao Sơn cũng mới vào hôm qua. Cả hai còn nằm rũ ra kia kìa!
Có Kinh và Sơn cũng bị bắt vào, tôi hơi suy đoán ra: Đây là 3 tên (theo cái nhìn của CS) nguy hiểm hơn, so với một số anh em biệt kích ở công trường. Tình hình, có biến chuyển thế nào cứ "vồ" 3 tên này trước đã.
Vụ việc của Lê Văn Kinh người nhái phá tầu ở sông Gianh 1962 tôi đã tường thuật rồi, còn toán biệt kích của Nguyễn Cao Sơn. Tôi nhớ trước đây có tìm hiểu về toán này, tôi chỉ biết sơ lược, bởi vì toán biệt kích này có một vài sự việc không bình thường, cho nên anh em trong toán đó không muốn nhắc lại, vì thế nên ít người biết chi tiết. Tên toán là STRATA 120.  (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.