Hôm nay,  

Chiến Sử Việt Nam, Hiệp Định Genève, 50 Năm Nhìn Lại : Cuộc Hành Quân Đồng Tháp Dẹp Binh Đoàn ‘năm Lửa’

22/01/200500:00:00(Xem: 6377)
Kỳ 38:
LTS. Tiếp theo phần 1 của loạt bài " Vĩ tuyến 17, Hiệp định Genève, 50 năm nhìn lại", đăng vào số báo thứ Bảy hàng tuần, kể từ đầu tháng 9/2004, VB giới thiệu tiếp phần 2 về tình hình tại miền Nam từ sau Hiệp định Genève đến thời kỳ 1955-1956. Loạt bài này được biên soạn dựa theo các tài liệu sau đây: Quân lực VNCH trong giai đoạn 1946-1955( Khối Quân sử/Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH); Đông Dương Hấp Hối của cựu Đại tướng Quân đội Pháp Henri Navarre; hồi ký của các cựu Tướng lãnh VNCH: cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, cựu Thiếu tướng Đỗ Mậu, cựu Đại tướng Cao Văn Viên; Việc từng ngày 1945-1964 của tác giả Đoàn Thêm; tài liệu riêng của VB.
*Lược ghi về chiến khu Đồng Tháp Mười của lực lượng Trần Văn Soái (Năm Lửa)
Như đã trình bày ở phần trước, sau khi triệt thoái khỏi ban doanh Cái Vồn, lực lượng Hòa Hảo của phái Trần Văn Soái (tức Năm Lửa, trung tướng Hòa Hảo), nhờ Pháp tiếp tế, đã rút về Đồng Tháp Mười, tổ chức vùng này căn cứ chính, và đã chấn chỉnh lực lượng khá vững chắc. Khi đến khu chiến Đồng Tháp, lực lượng của ông Trần Văn Soái còn khoảng 3,800 người, được phân chia, phối trí đóng quân tại 2 khu vực:Liên khu Tiền Giang: bao gồm Đồng Tháp Mười, lấy sông Tiền Giang làm ranh giới.-Liên khu Hậu Giang từ sông Tiền Giang về hướng Tây.Tại mỗi liên khu, ông Trần Văn Soái tổ chức một hệ thống tác chiến riêng biệt. Đối với liên khu Tiền Giang được xem như là vùng trọng điểm, căn cứ địa, ông Trần Văn Soái bố trí 5 trung đoàn và 5 tiểu đoàn phòng vệ, có quân số đông hơn Liên khu Hậu giang, vào khoảng 3 ngàn người. Mỗi trung đoàn quân số chỉ vào khoảng trên 400 người. Tại liên khu Hậu Giang , quân số chỉ vào khoảng 800 người. Ông Trần Văn Soái muốn tổ chức lực lượng tại Hậu Giang thành các đơn vị hoạt động du kích chiến trong địa bàn những vùng ảnh hưởng cũ do Quân đội Quốc gia vưà mới kiểm soát. Cũng trên địa bàn liên khu Hậu Giang, tại chiến khu 1 trong vùng Cái Vồn, có sự hoạt động của Trung đoàn Quốc Tuấn với quân số vỏn vẹn 65 người. Tại chiến khu 2 vùng Sa Đéc, có 1 trung đoàn đang được thành lập với quân số là 120 người. Tại chiến khu 4 vùng Cần Thơ, một số người đã được đưa về để thành lập 1 trung đoàn nhưng chưa hình thành.
* Bộ Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Huệ phối trí lực lượng hành quân
Do địa thế vùng hành quân quá rộng và mỗi nhóm quân địch đều có tích cánh khác nhau nên chiến dịch Nguyễn Huệ phân chia ra nhiều vùng hành quân và nhiều giai đoạn. Vùng hành quân được chia ra làm hai khu chiến và 1 trái độn:Khu chiến miền Tây Khu chiến Đồng Tháp Mười.Khu trái độn thuộc phân khu Vĩnh Long. Để tổng chỉ huy hoạt động hành quân và điều động lực lượng của hai khu chiến và khu trái độn, bộ tham mưu chiến dịch có danh xưng là Bộ Tư lệnh liên khu chiến miền Tây và Đồng Tháp.
Khu chiến Đồng Tháp dưới quyền chỉ huy của Trung tá Nguyễn Văn Là, được chia làm 2 vùng hành quân của 2 giai đoạn: vùng tạm an và vùng bất an.
1,Vùng tạm an: được giới hạn từ Gò Bắc Chiêu (tỉnh lỵ Mộc Hóa) đến sông Vàm Cỏ Đông, đây là vùng giáp ranh với tỉnh Tây Ninh, có các phần tử của lực lượng giáo phái Cao Đài ly khai hoạt động ở vùng đất phụ cận Gò Dầu Hạ. Lực lượng Cao Đài này đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của một Đại tá Cao Đài tên là Đặng Thành Sử tự Phụng và đơn vị ly khai này lại có danh xưng là Trung đoàn Trịnh Minh Thế.

2, Vùng bất an: được giới hạn từ Gò Bắc Chiêu-Mỹ An qua tới Hồng Ngự, đây là vùng đất thuộc phiá Tây tỉnh lỵ Mộc Hoá. Trong vùng này, lực lượng của ông Trần Văn Soái đã chiếm đóng: Tuyên Bình, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh, Cái Cái, vùng giồng phiá Tây Mộc Hóa, và vùng Cao Lãnh. Lực lượng Trần Văn Soái hoạt động với tính cách du kích nên không có vị trí nhất định.
Với tình hình và địa thế hiểm trở của Đồng Tháp, Bộ Tư lệnh liên khu chiến đã đưa ra kế hoạch hành quân như sau.
-Thời kỳ thứ 1: Bố trí tất cả nẻo xuất nhập Đồng Tháp Mười, nhất là vùng biên giới Việt-Miên hầu cô lập hoàn toàn đối phương về mặt tiếp tế cũng như tiếp viện từ bên ngoài, đồng thời cho hành quân tảo thanh chiếm vùng xung quanh Gò Bắc Chiên và vùng Cao Lãnh.
-Thời kỳ thứ 2: Xoay mặt trận từ Gò Bắc Chiên sang Hồng Ngự để đánh ép đối phương dồn về trung tâm vùng bất an để dễ bề tiêu diệt hay bắt đối phương trong tình trạng bế tắc mà phải đầu hàng.
-Thời kỳ thứ 3: Sau khi giải quyết xong vấn đề Trần Văn Soái, sẽ xoay sang vùng Đông Bắc Đồng Tháp là vùng tạm an để tiêu diệt lực lượng Cao Đài ly khai.
Ngày 9-1-1956, Bộ chỉ huy Khu chiến Đồng Tháp và Bộ tham mưu Sư đoàn 15 khinh chiến di chuyển đến Gò Bắc Chiên.
Lực lượng Quân đội VNCH chia làm nhiều cánh:
-Cánh A: gồm Trung đoàn 43, Trung đoàn 44 và 1 pháo đội di chuyển lên Gò Bắc Chiên do các Hải đoàn xung phong 21 và 23 đảm nhận. Cánh quân này từ ngày 12-1-1956, bắt đầu tiến quân từ Gò Bắc Chiên về phiá Tây Bắc,
-Cánh B: gồm có Trung đoàn 39 và Tiểu đoàn 581 tại Cao Lãnh thành lập một hệ thống án ngữ hoạt động tảo thanh quanh Chi khu Cao Lãnh.
-Cánh C do lực lượng của Thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ và Trung đoàn 42 từ Sa Đéc di chuyển lên, án ngữ chặn đường rút lui của đối phương ở miền Tây.
-Trung đoàn 45, lực lượng trừ bị hoạt động xung quanh Gò Bắc Chiên.
*Diễn tiến cuộc hành quân tiến vào Đồng Tháp
Cuộc hành quân tiến vào Đồng Tháp đã diễn ra tốt đẹp, trên đường tiến quân, chỉ xảy ra vài cuộc giao tranh và phiá đối phương bị thiệt hại nặng.
Khởi đầu, các đơn vị của Trung đoàn 43 và 44 tiến quân lên Bình Châu dọc theo sông Vàm Cỏ Tây. Trung đoàn 39 án ngữ dọc theo kinh Đồng Tháp. Trung đoàn 44 từ Bình Châu tiến lên rạch Long Khốt. Khi toán tiền phong của Trung đoàn 44 chiếm Long Khối, Trung đoàn 43 theo chân binh đoàn bạn lên chiếm xóm Keo Gia. Lực lượng của ông Trần Văn Soái rút lui về Vĩnh Trị.
Tiếp đó, Trung đoàn 44 từ Long Khối tiến quân chiếm Hưng Điền. Trung đoàn 43 từ xóm Keo Gia cũng tiến lên chiếm Lò Gạch.
Khi nhận được tin lực lượng Trần Văn Soái đặt bản doanh tại Vĩnh Thạnh, Sư đoàn 15 thay chiều trục nỗ lực tấn công về hướng Tây Nam. Cánh quân thứ nhất do Trung đoàn 44 làm nỗ lực chính với sự yểm trợ của pháo binh, dàn quân tại Bình Châu tiến chiếm Vĩnh Trị và Vĩnh Thạnh. Cánh quân thứ 2 do Trung đoàn 43 khai triển, có pháo binh yểm trợ, tiến quân chiếm Vĩnh Lợi.
Trên đường tiến quân, Trung đoàn 44 chạm súng kịch chiến với đối phương lần đầu tiên sau 5 ngày hành quân.
Trung đoàn 39 tiếp tục tảo thanh tại khu Cao Lãnh và đã chạm súng với đối phương vài lần, thu đạt vài kết quả. Để phản ứng lại cuộc tiến quân của Trung đoàn 39, lực lượng Trần Văn Soái đã pháo kích vào Cao Lãnh.
Về cuộc tiến quân của Trung đoàn 43 và Trung đoàn 44, sau cuộc chiếm đóng Vĩnh Trị, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi, 2 trung đoàn này mở rộng hoạt động quanh các vị trí vưà chiếm và thường có những cuộc chạm súng lẻ tẻ. Hai tiểu đoàn của Trung đoàn 45 đã được điều động tăng cường cho 2 trung đoàn 43 và 44 tại vùng trách nhiệm của cuộc hành quân.
Kỳ sau: Giai đoạn 2 của cuộc hành quân tại Đồng Tháp.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.