Hôm nay,  

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo

03/05/200900:00:00(Xem: 2198)

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo


Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu chi tiết về môn “Đua Xe Đạp”, tức “Bicycle Racing”, một môn thể thao rất thịnh hành và được ưa chuộng trên toàn cầu qua hình thức tranh tài giữa các tuyển thủ sử dụng xe đạp để lướt tốc độ hoặc vượt qua những điều kiện thử thách của chặng đua. Do đó, tùy theo luật quy định của từng giải đấu, các yếu tố như: thời gian, thứ hạng về đến mức goal, tổng số điểm cá nhân qua mỗi chặng đua v.v.. được đặt thành tiêu chuẩn để quyết định thành tích đoạt cúp vô địch.
Theo sử liệu còn ghi lại hiện nay, giải đua xe đạp cổ xưa nhất được tổ chức vào ngày 31/5/1868 tại Saint Cloud, một thị trấn thuộc vùng ngoại ô cách thủ đô Paris khoảng 2.5km về phía Tây và ở vị trí phía Bắc tả ngạn sông Seine. Đây là giải đua đầu tiên của quá trình hình thành bộ môn đua xe đạp với cự ly 1200m trong thời kỳ sử dụng các loại xe có khung sườn được chế tạo bằng gỗ và có bánh xe bằng sắt. Đồng thời, chặng đua “Saint-Cloud” lịch sử này còn ghi dấu thành tích vô địch của tay đua người Anh James Moore (1849-1935). Ông cũng chính là tuyển thủ thắng giải trong chặng đua “xuyên đô thị” lần đầu tiên trong lịch sử có danh xưng là “Paris-Rouen”, sau khi vượt qua 123km với thành tích 10 tiếng 45 phút. Giải đua “Paris-Rouen” diễn ra vào ngày 7/11/1869 được xem là điểm khởi nguồn của những chặng đua nối kết giữa các thành phố sau này qua hình thức “Road Race”, tức chạy trên những đường phố tráng nhựa.
Từ năm 1885, phong trào đua xe đạp tại Châu Âu thực sự lan rộng khắp khu vực, tạo động lực thúc đẩy ngành kỹ nghệ chế tạo xe đạp ngày càng phát triển nhanh chóng với sự cải tiến không ngừng kiểu mẫu và thiết kế nhiều bộ phận an toàn. Đến năm 1888, các loại xe đạp có bánh xe chứa không khí và vỏ xe bằng cao su lần lượt được phát minh để đáp ứng nhu cầu của thị trường đua xe đang lôi cuốn đông đảo khán giả hâm mộ Châu Âu. Đây cũng chính là giai đoạn hình thành các kiểu xe nguyên mẫu của loại xe đạp đua hiện nay.
Vào năm 1892, giải đua đầu tiên của dạng thức “One Day Race”, tức đường đua tranh tài trong một ngày, mang tên “Liège-Bastogne-Liège” (L-B-L) ra đời tại Bỉ Quốc, chính thức mở màn cho các giải đua đường trường thuộc dạng “Road Race” được thành lập liên tục sau này. Đây là chặng đua “khứ hồi” với điểm xuất phát từ thành phố Liège chạy đến vùng Bastogne có cự ly khoảng 95km và đường về phải chạy trên những con đường được xây dựng quanh các dãy núi có chiều dài khoảng 163km. Giải đua này còn được gọi bằng danh xưng “La Doyenne” (cổ xưa) và ghi lại thành tích vô địch đầu tiên của danh thủ người Bỉ Léon Houa, tức tay đua liên tiếp ba lần đăng quang tại vũ đài “La Doyenne” vào năm 1892, 1893 và 1894.
 Do đã xuất hiện từ lâu đời và hiện nay vẫn còn hoạt động đều đặn thường niên, nên các giải đua loại “One Day Race” của Châu Âu còn được gọi là “Classic Cycle Races” và “L-B-L” chính là một trong năm giải đua “Classic Cycle Races” nổi tiếng nhất của Châu Âu sánh vai cùng bốn giải khác gồm:
- Paris-Roubaix (P-R): ra đời tại Pháp năm 1896, có cự ly đường đua khoảng 260km, tuyển thủ đoạt giải đầu tiên là Josef Fisher của Đức
 - Giro di Lombardia (GdL): thành lập tại Ý Đại Lợi năm 1905 và thường tổ chức vào tháng 10 hàng năm, tức vào mùa Thu nên khán giả được chứng kiến đoàn xe đạp tranh đua trong khung cảnh đầy mầu sắc của những đoạn đường nhuộm sắc vàng và đỏ của từng đợt lá rơi lất phất trông rất ngoạn mục. Chính vì vậy, giải đua này còn có biệt danh gọi bằng tiếng Ý là “La Classica Dell Foglie Morte” (Đường Đua Lá Rơi). Tuyển thủ Giovanni Gerbi của Ý Đại Lợi là người đầu tiên chiếm giải vô địch.
 - Milan-Sanremo (M-S): tổ chức tại Ý Đại Lợi từ năm 1907 với cự ly khoảng 298km và tuyển thủ đoạt cúp vô địch đầu tiên là Lucien Petit-Breton của Pháp.
 - Ronde van Vlaanderen (RvV): còn gọi là “Tour des Flanders” theo tiếng Pháp hoặc “Tour of Flanders” bằng tiếng Anh, được thành lập năm 1913 tại Bỉ Quốc với tổng số cự ly đường đua khoảng 250km và tay đua thắng giải đầu tiên là Paul Deman của nước chủ nhà.
Cũng từ yếu tố có bề dầy lịch sử lâu đời, năm giải “Classic Cycle Rares” truyền thống đại diện cho làng đua Châu Âu nói trên còn để lại các di tích là những bia đá hoặc tượng đồng kỷ niệm v.v…trong quá trình thành lập, nên năm giải này được xếp vào nhóm “Monuments”. Kể từ khi nhóm “Monuments” ra đời cho đến nay, chỉ có ba tuyển thủ tạo được kỷ lục đoạt cúp vô địch cả năm giải đấu truyền thống và đặc biệt hơn họ đều là các tay đua của Bỉ Quốc gồm:
1. Eddy Merckx: Sinh ngày 17/6/1945, 19 lần vô địch “Monuments” với thành tích 7 lần thắng giải “M-S” (năm 1966, 1967, 1969, 1971, 1972, 1975, 1976), 5 lần thắng giải “L-B-L” (năm 1969, 1971, 1972, 1973, 1975), 3 lần thắng giải “P-R” (năm 1968, 1970, 1973), 2 lần thắng giải “RvR” (năm 1969, 1975) và 2 lần thắng giải “GdL” (năm 1971, 1972)


2. Roger De Vlaeminck: Sinh ngày 24/8/1947, 11 lần vô địch “Monuments” với thành tích 4 lần thắng giải “P-R” (năm 1972, 1974, 1975, 1977), 3 lần thắng giải “M-S” (năm 1973, 1978, 1979), 2 lần thắng giải “GdL” (năm 1974, 1976), 1 lần thắng giải “RvV” (1977), và 1 lần thắng giải “L-B-L” (1970).
3. Rik Van Looy: Sinh ngày 20/12/1933, 8 lần vô địch “Monuments” với thành tích 3 lần thắng giải “P-R” (năm 1961, 1962, 1965), 2 lần thắng giải “RvV” (năm 1959, 1962), 1 lần thắng giải “L-B-L” (năm 1961), 1 lần thắng giải “M-S” (năm 1958) và 1 lần thắng giảI “GdL” (năm 1959).
Trong khi đó, dưới sự vận hành của “Hiệp Hội Đua Xe Đạp Quốc Tế” (ICA: Internationale Cycliste Association), giải “Đua Xe Đạp Thế Giới” (World Cycling Championships) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1893 tại Chicago-Hoa Kỳ, quy tụ các tuyển thủ đại diện cho từng quốc gia và khu vực dự tranh tài theo hình thức “Track Race”, tức chạy theo đường vòng tròn trên sân đua. Tuy ICA đã thành lập từ năm 1892 nhưng chỉ hoạt động đến năm 1899 và trong cuộc hội nghị tại Paris vào ngày 14/4/1900, được đổi thành “Liên Đoàn Đua Xe Đạp Quốc Tế” (UCI: Union Cycliste Internationale) do sự sát nhập của các “Hiệp Hội Đua Xe Đạp” Bỉ Quốc, Pháp Quốc, Ý Đại Lợi, Hoa Kỳ và Thụy Sĩ.
Từ đó, đua xe đạp đã trở thành môn thể thao hấp dẫn và thu hút nhiều tuyển thủ tham gia cũng như khán giả ái mộ toàn cầu, nên ngay từ kỳ Thế Vận Hội cận đại lần đầu tiên tổ chức tại Athens vào năm 1896, bộ môn đua xe đạp đã có tên trong danh sách các môn tranh tài qua hai hình thức “Road Race” và “Track Race”. Đương nhiên, tại các kỳ đại hội Olympic hiện nay, đua xe đạp vẫn là một trong những môn tranh tài hào hứng nhất với số lượng khán giả theo dõi đông đảo không kém gì các môn lướt tốc khác như: đua xe hơi, đua thuyền, đua ngựa hoặc chạy Marathon v.v..
Về hình thức tranh tài, môn đua xe đạp hiện đại gồm có các thể loại như sau:
Road Race: Là hình thức đua xe đạp trên những con đường được xây bằng gạch, đá trộn lẫn xi măng và tráng nhựa. Do tiêu chuẩn của hình thức tranh tài “Road Race” thường có cự ly dài khoảng từ 150km đến 200km nên mỗi khi tổ chức giải đấu, những đường phố được sử dụng đều bị cấm giao thông để cho các tay đua có thể dễ dàng vượt qua. Hình thức tranh tài “Road Race” không quy định khoảng cách chiều dài cho từng đoạn đường đua của tổng số cự ly vì tùy thuộc điều kiện thiên nhiên hoặc kiến trúc của các chặng đua. Qua thể loại “Road Race”, các giải đua thường được tổ chức theo dạng thức “One Day Race” hoặc từ hai ngày trở lên gọi là “Stage Race”. Các giải đua tổ chức theo dạng “Stage Race” thường áp dụng hình thức thi đấu toàn đội hoặc căn cứ vào thời gian ngắn nhất vượt qua từng chặng đường của mỗi tuyển thủ, gọi là “Time Trial”, để quyết định ngôi vô địch. Vì vậy, hình thức tranh tài “Road Race” còn được phân ra các loại như sau:
Cá nhân Road Race: là chặng đua quy định tất cả tuyển thủ tham dự đều xuất phát đồng thời từ mức khởi hành và tính theo thành tích thứ tự về đến mức goal trước nhất. Đây là hình thức thi đấu từ thời sơ kỳ của môn đua xe đạp, nhưng hiện nay không còn được áp dụng cho các giải đấu quốc tế dành cho những tuyển thủ chuyên nghiệp.
Toàn đội Road Race: là chặng đua quy định tất cả tuyển thủ tham dự đều xuất phát đồng thời từ điểm khởi hành nhưng sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố như thành tích thứ tự về đến mức goal của từng tuyển thủ trong các đội và tổng số thời gian của tất cả tuyển thủ trong đội trải qua chặng đua v.v… để quyết định phần thắng bại. Đây là hình thức thi đấu dành cho giới chuyên nghiệp hiện nay, nhưng vì vẫn tính luôn thành tích cá nhân và toàn đội nên có rất nhiều cục diện tương tranh phức tạp xảy ra trong giai đoạn thi đấu.
Cá nhân Time Trial: là hình thức thi đấu quy định các tuyển thủ xuất phát theo thứ tự cách nhau vài phút từ mức khởi hành, sau đó tuyển thủ nào vượt qua chặng đua với số lượng thời gian ngắn nhất được coi là người đoạt giải. Hình thức này thường được gọi vắn tắt là “TT” (Time Trial).
Toàn đội Time Trial: tất cả tuyển thủ của các đội tham dự đều xuất phát đồng thời từ mức khởi hành và tùy theo phương cách quy định của từng giải đấu, yếu tố thời gian được căn cứ để quyết định phần thắng bại. Cũng vì quy định của từng giải đấu có nhiều điểm khác biệt, nên các đội đua thường khởi dụng những chiến thuật dựa vào luật lệ nhiều hơn tính cách chuyên môn. Hình thức này thường được gọi văn tắt là “TTT” (Team Time Trial).
Hill Climb: là chặng đua quy định các tuyển thủ phải vượt qua những đoạn đường dốc ở các vùng núi đồi, bao gồm thể loại “cá nhân Road Race” và “Time Trial”. Giải đua nổi tiếng nhất thế giới của hình thức “Hill Climb” là “Giro D’Italia”, tức “Tour Of Italy” của Ý Đại Lợi.  (còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.