Hôm nay,  

Yếu Tố Kinh Tế Tại Đông Hải

10/04/200900:00:00(Xem: 9085)

Yếu tố Kinh tế tại Đông hải

Nguyễn Xuân Nghĩa & RFA

...Trung Quốc chỉ có hai ngả để ra ngoài là biển Đông và... đường qua Bắc Việt...
Việc Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc bành trướng lực lượng hải quân ra đại dương đã khiến thế giới quan tâm và nhiều nước Đông Á e ngại, trong đó tất nhiên là có Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế đài RFA tìm hiểu riêng về động lực kinh tế của sự chuyển hướng ấy vì xưa nay Trung Quốc chỉ là đại cường lục địa mà thôi. Cuộc trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về yếu tố kinh tế tại Đông hải sẽ do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả...
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc có nỗ lực xây dựng một hải đội có tầm hoạt động đại dương và nay mai có thể trở thành một cường quốc hải dương. Sự việc ấy tất nhiên gây e ngại cho nhiều quốc gia tiếp cận với Đông hải, trong đó có Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế kỳ này tập trung tìm hiểu về động lực kinh tế của sự chuyển hướng được đánh giá là lịch sử của Trung Quốc. Ông là nhà kinh tế và cũng là nhà nghiên cứu về Trung quốc, nên trước tiên chúng tôi đề nghị ông trình bày cho thính giả rõ về bối cảnh của chuyện này.
- Về thời sự thì ngày 23 tới, Hải quân Trung Quốc tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập với cuộc duyệt binh ngoài khơi Thanh Đảo - là bộ Tư lệnh của Hạm đội Đông Bắc Á - và sự tham gia của hai khu trục hạm mới từ Đông Phi trở về sau cuộc tuần tiễu hải tặc ngoài khơi Somalia. Về bối cảnh thì từ 15 năm nay, Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng lực lượng hải quân và ngày càng khẳng định tư thế đại cường hải dương, trước hết là trên Thái bình dương và Ấn độ dương. Về lịch sử thì cường quốc đại lục này đang từ trong lục địa xoay ra ngoài vì nhu cầu kinh tế, là điều chưa từng có từ mấy ngàn năm nay. Về hậu quả thì thế giới sẽ phải nhìn lại xứ này vì sự chuyển động ấy có thể gây bất ổn cho cả khu vực, gần gũi nhất là ngoài Đông hải của Việt Nam.
Việt Long: Như vậy, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách trở ngược lại lịch sử Trung Hoa trong đó có lịch sử kinh tế khiến xứ này vẫn xoay vào trong lục địa như ông nói...
- Thứ nhất, vì địa dư hình thể và văn hoá, Trung Quốc thực ra bị khoá trong đất liền. Phân nửa lãnh thổ của họ chỉ là những vùng trái độn hiểm trở tiếp giáp với bên ngoài, là - theo chiều kim đồng hồ - cao nguyên Thanh Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Mãn Châu, nhằm bảo vệ xứ này khỏi các dị tộc từ phía Tây và phía Bắc mà họ coi là man rợ nhưng đã nhiều lần vào làm chủ Trung Nguyên và cai trị Hán tộc. Trung Quốc chỉ có hai ngả để ra ngoài là biển Đông và... đường qua Bắc Việt.
- Trong lịch sử kinh tế, xứ này khai thác tài nguyên nội địa và nếu thiếu thì dùng đường chuyển vận bên trong, chủ yếu là con đường Tơ Lụa qua Trung Á ở hướng Tây và Tây Nam để tìm thêm sản vật họ không có và qua đó trao đổi với Cận Đông và Âu Châu. Nếu có dùng đường hàng hải thì chỉ xuống đến bùng biển Đông Nam Á và xa lắm thì qua eo biển Malacca tới Ấn Độ dương và thường bị hải thuyền của Việt Nam ngăn chặn.  Ta không quên Việt Nam ngày xưa rất giỏi về thủy chiến và đánh thắng các đợt xâm lăng từ Trung Quốc bằng thủy chiến.
- Trong lịch sử Trung Quốc, chỉ có hai lần xứ này muốn xây dựng hải đội mà rồi sau vài chục năm là lại bỏ vì quá tốn kém. Một lần là vào đời Nguyên, khi hải đội Mông Cổ đòi tấn công Nhật Bản và Việt Nam mà thất bại vào cuối thế kỷ 13 - và Toa Đô để lại thủ cấp ở nước Nam. Lần thứ hai vào đầu thế kỷ 15 đời Minh qua bảy chuyến hải hành của Đô đốc Trịnh Hòa, sau vài chục năm mà cũng đành bỏ như có lần chúng ta nói tới vào tháng Chín năm ngoái vì liên hệ đến Việt Nam.
Việt Long: Nói về nguồn lợi kinh tế thì còn chuyện bóc lột tài nguyên của Việt Nam qua các đợt xâm lược trong lịch sử. Vì sao nhà Minh đã từng tấn công Việt Nam vào đầu thế kỷ 15 để thu vét tài nguyên nước Nam như Nguyễn Trãi đã nói trong bài Bình Ngô Đại Cáo sau khi đánh thắng quân Minh"
- Việc nhà Minh bóc lột nước ta là có, nhưng đấy không là nguồn lợi kinh tế chiến lược, mà họ còn bị lỗ nặng!
- Chính là 10 năm kháng chiến của Lê Lợi sau 10 năm xâm lược lại khiến nhà Minh kiệt quệ. Họ đành bỏ kế hoạch bành trướng đại dương do Tam bảo Thái giám Đô đốc Trịnh Hoà tiến hành từ 1405 đến 1433, từ triều Vĩnh Lạc. Chẳng là sau khi xâm lăng Việt Nam, nhà Minh bị khủng hoảng ngân sách, lại còn bị các lực lượng kế thừa Đế quốc Mông Cổ, kể cả Đế quốc Thổ-Mông của Thiếp Mộc Nhi hay Timurleng, tấn công từ biên vực vào. Vì nỗi khó khăn đó, và vì thảm bại tại Việt Nam, triều Tuyên Đức nhà  Minh bị bèn ngả theo ý kiến của các Nho thần thủ cựu mà lui về cố thủ bên trong, củng cố thêm Vạn lý Trường thành, trở thành cường quốc đại lục rồi mặc nhiên nhường biển xanh cho Âu Châu trong hơn 500 năm.
- Xin nói thêm rằng các "bảo thuyền" của Đô đốc Trịnh Hoà chỉ muốn, theo cách nói cùa Trung Quốc là "phát huy đức sáng" của Thiên tử với tặng vật quà cáp, chứ không nhắm vào mục tiêu kinh tế, quân sự hay thực dân như Âu Châu về sau. Cách biểu dương tốn kém của nét văn hóa khoa trương của họ đó mới gây phản ứng ngược là chính sách họ gọi là "hải cấm". Họ cấm đóng thuyền viễn duyên, nhìn vào lục địa, quay lưng ra bên ngoài, cho tới khi bị liệt cường tấn công và sâu xé khi nhà Thanh lụn bại. Ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh thực tiễn hơn các Hoàng đế Trung Hoa rất nhiều.
Việt Long: Và khác hẳn ngày xưa, có phải là Trung Quốc nay lại rất cần thị trường bên ngoài"


- Khi Mao Trạch Đông nắm quyền tại Hoa lục, ông cũng hành xử như các Hoàng đế xa xưa là xua quân lập vùng trái độn ngoài biên vực, từ Tây Tạng, Tân Cương tới Nội Mông và Mãn Châu. Bên trong thì vẫn theo chế độ tự cung tự cấp, và làm cách mạng khiến mấy chục triệu người chết đói.
- Sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, từ 30 năm nay, Trung Quốc mới thực sự ra khỏi hình thái kinh tế nông nghiệp, tăng trưởng mạnh và ngược lại, bị lệ thuộc vào bên ngoài. Họ cần thị trường xuất khẩu và trước đó cần nhập cảng nguyên nhiên vật liệu cho việc công nghiệp hoá.
- Một thí dụ nổi bật là dầu thô. Trung Quốc là một nước sản xuất dầu khí, vậy mà từ năm 1993, đã tiêu thụ nhiều hơn sản lượng và bắt đầu phải mua từ ngoài. Mười năm sau, là năm 2003, họ trở thành nước mua dầu thứ nhì thế giới sau Nhật. Năm ngoái là 2008 thì đã vượt qua Nhật Bản, với tám triệu thùng tiêu thụ mỗi ngày mà chỉ sản xuất được chừng phân nửa.
- Ngoài dầu thô, Trung Quốc cũng cần quặng sắt và đã triệt để khai thác hầm mỏ của họ, với sản lượng tăng gấp bốn trong hai chục năm vậy mà chưa đủ cho kỹ nghệ thép nên phải nhập. Từ 11 triệu tấn vào năm 1987, số nhập khẩu ngày nay đã lên tới 440 triệu tấn. Sau dầu thô, quặng sắt, họ cũng cần nhiều kim loại như bauxite hay đồng....
- Có sản lượng nông nghiệp - kể cả gạo - nhiều nhất địa cầu, và cũng đáng kể về nhiều nông sản khác, Trung Quốc vẫn chỉ canh tác đủ ăn và nay cũng phải nhập khẩu để nuôi gần một tỷ 400 triệu dân. Nói vắn tắt thì dù tận lực đào xới tài nguyên nội địa gấp ba bốn lần, xứ này chưa có đủ cho nhu cầu và phải tìm nguồn cung cấp từ bên ngoài. Điều này chưa hề xảy ra trong lịch sử Trung Quốc.
Việt Long: Và nhu cầu thứ hai là việc bán hàng vì kinh tế Trung Quốc lệ thuộc nhiều hơn vào các thị trường xuất khẩu phải không"Họ làm những gì để giải quyết bài toán ấy"
- Kinh tế của họ lệ thuộc vào xuất cảng tới 40%. Không bán hàng ra ngoài là nhiều doanh nghiệp phá sản, dân thất nghiệp sẽ gây loạn. Họ cũng chưa từng gặp chuyện này trong lịch sử. Để giải quyết nhu cầu mua bán, Trung Quốc phải đảm bảo nguồn cung cấp và thị trường xuất khẩu nên tích cực xây dựng quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh với rất nhiều nước.
- Vào thời Mao, xứ này đầu tư mạnh vào các nước Á Phi vì mục tiêu ý thức hệ, là lãnh đạo các nước phi liên kết để cạnh tranh với Liên Xô và Ấn Độ. Nay họ tăng cường quan hệ cho mục tiêu kinh tế chiến lược. Từ cả chục năm nay, Bắc Kinh đã đầu tư và viện trợ cho Phi châu, Mỹ châu La tinh, các nước Trung Đông, Trung Á. Lãnh đạo và doanh nghiệp của họ tới tấp thăm viếng và mua chuộc mọi xứ lớn nhỏ - kể cả các chế độ hung đồ độc tài. Có khi họ xây dựng hạ tầng cho các xứ này để ký kết hợp đồng cung cấp lâu dài. Nhưng, họ cũng cần kiểm soát được luồng chuyển vận hàng hoá trên toàn cầu nên càng thấy nhu cầu bành trướng ra đại dương.
Việt Long: Ông cho rằng họ giải quyết nhu cầu bành trướng ấy như thế nào"
- Từ 10 năm trước, kỷ niệm 50 năm thành lập Hải quân, Bắc Kinh đã mở rộng địa bàn và nhiệm vụ cho các hải đội theo nhiều hướng không nhất thiết tuần tự mà có thể là song hành.
- Thứ nhất là phải làm chủ các Đặc khu Kinh tế ngoài khơi, là kiểm soát lãnh hải trong phạm vi 200 hải lý từ bờ biển của họ, dù điều ấy xâm phạm lãnh hải xứ khác. Từ quan niệm truyền thống Trung Quốc thì đây là "vùng trái độn" của họ, nhưng nằm ngoài biển. Nếu cần thì tấn công thuyền bè xứ khác để thị uy, ngư phủ Việt Nam đã bị giết là vì mục tiêu đó. Ta cần nhìn Luật biển của Liên hiệp quốc theo nhãn quan này.
- Thứ hai là từ vùng cận duyên là các Đặc khu Kinh tế Độc quyền, phải tiến ra viễn duyên. Bắc Kinh xây dựng quan hệ ngoại giao để sử dụng một số quân cảng Miến Điện, Bangladesh, Pakistan hay Tích Lan hầu hải đội của họ có chuỗi tiếp vận trên hải trình từ Thái bình dương qua Ấn độ dương lên tới biển Á Rập và Phi châu. Nhờ chiêu bài tiểu trừ hải tặc, các chiến hạm Trung Quốc có thể vượt eo biển Malacca ra khỏi Thái bình dương là điều họ đang thực hiện.
- Thứ ba, tìm giải pháp công nghệ khả dĩ bù đắp sự yếu kém hiện tại. Trung Quốc đã mua về, học lại và cải tiến nhiều loại chiến hạm, tầu ngầm và hỏa tiễn chống chiến hạm của Liên bang Nga để có thể ngăn cản xứ khác, như Nhật Bản và nhất là Hoa Kỳ, nếu hải quân đôi bên đụng trận tại Đông Bắc hay Đông Nam Á. Mục đích vẫn chỉ là để gây ngần ngại và mua thời giờ cho họ tiến vào bước thứ tư.
- Đó là xây dựng một hải đội thực sự có khả năng viễn duyên. Một biểu hiện dễ thấy của bước này là thiết kế hàng không mẫu hạm, điều Bắc Kinh đã khởi sự. Nhưng từ trạng thái cường quốc đại lục sang đại dương, họ còn phải mất thời gian thay đổi tư duy và tổ chức. Họ mong thu hẹp khoảng cách ấy như đã từ trạng thái nông nghiệp sang công nghiệp hoá trong có mấy chục năm.
Việt Long: Nếu đúng như vậy thì các nước sẽ phản ứng thế nào, từ nay mọi sự sẽ ra sao"
- Từ thế phòng thủ tiêu cực cả ngàn năm, Trung Quốc đang tiến ra thế bành trướng tích cực và sẵn sàng uy hiếp các lân bang nhỏ yếu, dù vẫn nói chuyện hợp tác trong hòa bình. Vì vậy mà xứ này đang mở ra cuộc thi đua võ trang nguy hiểm và sẽ gặp phản ứng của các cường quốc như Nhật Bản, Ấn Độ và nhất là Hoa Kỳ. Nhưng, nếu lịch sử có để lại một bài học thì chúng ta nên xét tới mục tiêu bành trướng ra ngoài và khả năng ổn định bên trong: tôi thiển nghĩ là có khi Trung Quốc chưa ra tới biển xanh thì lại bị nội loạn như nhiều triều đại đã gặp, trước khi tan rã.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.