Hôm nay,  

Thảm Kịch Trên Ấn Độ Dương: Kinh Hoàng Hồng Thủy

15/01/200500:00:00(Xem: 5372)
Viết về các đề tài thời sự, nói về những chuyện xảy ra trong đời sống nhân loại vào đầu năm 2005, chúng ta không thể không nhắc đến thảm kịch đã xảy ra vào cuối năm 2004 tại Ấn Độ Dương.
Hầu hết các bình luận gia truyền thông trên thế giới đã liệt kê các biến cố quan trọng của năm 2004 và tổng kết trước lễ Giáng Sinh.
Đùng một cái, trận động đất dưới đáy biển sâu, tạo nên cơn sóng thần khủng khiếp vào buổi sáng Chủ Nhật ngày 26 tháng 12-2004 đã làm thành cơn hồng thủy đau thương nhất. Tất cả các biến cố lớn lao suốt năm qua được đưa ra đã trở thành chuyện tầm thường.
Đầu đuôi câu chuyện ra sao, xin tóm lược lại để quý vị rõ. Đây là trận địa chấn dưới đáy biển sâu ở ngay phía Tây Bắc đảo Sumatra thuộc Nam Dương mà thuyền nhân Việt Nam thường gọi là Indo thay vì gọi đầy đủ là Indonesia. Đáy biển sâu vốn không phải là một nền đất liền mà thường tách ra làm nhiều mảnh. Vùng bị địa chấn là nơi gặp gỡ giữa nhiều mảnh đất có khuynh hướng di chuyển chứ không chịu nằm yên vị. Sau lễ Giáng Sinh 2004, đột nhiên dưới biển sâu Ấn Độ Dương mảng đất Indian đâm chùi xuống dưới mảng đất Burmese làm giao động hàng tỷ khối lượng nước trên mặt biển.
Nước rút xuống vết nứt địa chấn dưới đáy biển rồi nước lại chồi lên. Trên bãi biển của các khu vực du lịch từ Nam Dương cho đến Thái Lan, du khách và dân địa phương trước khi bị thiên tai đã thấy được cái hiện tượng lạ lùng của cả đời người là đột nhiên nước trên bãi biển khô cạn và cá nằm la liệt mắc cạn. Rồi nước lại tràn lên. Rồi lại rút xuống. Vũ điệu của tử thần với cơn thủy triều bất thường dồn dập không ai ngờ đến, sau cùng đã làm thành một bức tường nước cao đến 30 feet và quét sạch các bờ biển. Sóng ở ngoài biển khơi chỉ cao chừng 3 feet. Sóng giạt vào bờ gặp đất cản làm thành bức tường vĩ đại đổ xuống với tốc độ kinh hoàng.
Cơn động đất dưới đáy biển rung động lên đến 9 đô. Richter là mức đo cao nhất từ 40 năm qua đã tạo ra sóng thần tốc lực 500 dặm một giờ, băng qua 3,000 dặm biển, đem tai họa cho 12 quốc gia với 150,000 người chết và hàng triệu người vô gia cư ở vùng vịnh Ấn Độ Dương kéo dài từ Nam Á cho đến tận Bắc Phị
Quốc gia bị nặng nhất là Nam Dương. Thuở còn ở nhà trường, chúng ta học bài địa lý Đông Nam Á hẳn còn nhớ Nam Dương có 3 đảo lớn là Sumatra, Java và Borneo. Cơn Hồng Thủy lần này cạnh phía Tây Bắc đảo Sumatra trong khoảng khắc giết chết gần 100,000 dân Nam Dương đa số theo đạo Hồi. Nước Tích Lan là tiểu quốc phía Nam Ấn Độ cũng có đến 50 ngàn người thiệt mạng. Đây cũng là đất nước đang có nội chiến trầm trọng và thứ ba là Thái Lan tổn thất gần 10,000 người ở bờ biển Phuket.
Trên phương diện kỹ thuật, các khoa học gia cho biết phía Ấn Độ Dương hiện không có các phương tiện báo động sóng thần như Thái Bình Dương. Trên phương diện hàng hải, Ấn Độ Dương so với các vùng biển khác thường được coi là vườn sau của hoàn vũ, ít khi có biến cố lớn. Thêm vào đó, ngay khi cơn địa chấn xảy ra cho đến lúc tạo thành sóng thần, nếu được báo động kịp thời thì Thái Lan còn có được hơn một giờ và Tích Lan có đến hai giờ để mọi người chạy kịp và có thể giảm bớt thiệt hại nhân mạng 50%. Nhưng không ai có thể ngờ được thiên tai đã xảy ra mãnh liệt và đột ngột như vậy.
Riêng nước Việt Nam ở phía Đông của cơn địa chấn, bờ biển quay ra phía Thái Bình Dương nên đã thoát khỏi cơn hồng thủy.
Phần trên chúng tôi đã ghi lại tóm lược các tin tức và một chút kiến thức về kỹ thuật. Tiếp theo xin nói về lãnh vực tâm linh của tấm thảm kịch trên Ấn Độ Dương.
Quả thực miền duyên hải Nam Á lần này gặp thiên tai và nhân loại hoàn toàn không thể trách cứ bất cứ quốc gia hay chính quyền nào. Tất cả đều phải nói là trời làm. Nhưng nếu có ông trời thì đây có phải là thiên ý hay không"
Trong khoảng khắc, các sắc dân, các lớp tuổi, các hoàn cảnh, các tôn giáo cùng tình cờ có mặt tại khu vực địa chấn và sóng thần để cùng chịu thảm họa. Những người giàu có Tây phương đi du lịch vui vẻ với gia đình. Các nhà tư bản đi hội họp làm ăn. Các ngư dân chài lưới. Những người nghèo sống quanh các trung tâm du lịch. Các thổ dân trên các hải đảo hoang vu. Tất cả đều bị nước lũ vùi dập.
Trong khối người gặp tai nạn gồm cả người tốt và người xấu. Những ông già đã sống đủ cuộc đời và các em bé sơ sinh miệng còn thơm hơi sữa. Có các thầy tu đạo Hồi, các ông đạo của Ấn giáo, các đại đức Phật giáo, mục sư Tin Lành và linh mục Thiên Chúa giáo. Phía Bắc đảo Sumatra có các tay đang huấn luyện cho đạo quân khủng bố ly khai. Phía Tây của bờ biển Tích Lan có phe nổi dậy đang sôi xục vì nội chiến. Những gian hàng của Việt Kiều tha hương bán đồ kỷ niệm ở khu Phuket Thái Lan. Các bà sơ trong tu viện chăm lo trẻ mồ côi. Các tay anh chị, ma cô và gái điếm. Tất cả đều bị quét sạch trong khoảng khắc. Xác người vùi dập trên ghềnh đá, treo trên ngọn cây và nằm la liệt trên bãi biển.
Và trong muôn vàn đau thương của hàng trăm ngàn thảm kịch cũng có được một vài phép lạ. Câu chuyện bà mẹ ôm được hai đứa con và đành bất lực nhìn đứa nhỏ thứ ba bị nước cuốn đi cùng con chó. Sau cùng chính con chó đã cứu được đứa bé để cho cả nhà đoàn tụ. Thật hiếm có trường hợp ba đứa bé còn sống sót đầy đủ trong một nhà, bởi vì trẻ em chết đến 40 ngàn trong số 150,000 tử nạn.

Trên một bãi biển du lịch, một em bé thấy nước rút bèn nói với mẹ là sẽ có sóng thần theo bài học em mới được dạy ở trường. Bà mẹ bèn dắt con chạy dọc bãi biển nhỏ bé và kêu gào. Mọi người chạy hết vào đất liền và phần lớn đã thoát chết. Đó chỉ là sự may mắn nhỏ bé. Còn hàng ngàn du khách khác đã bỏ xác ngoài khơi sau khi xúm lại xem nước rút.
Thảm kịch trên Ấn Độ Dương lần này lớn lao và mãnh liệt đến nỗi không có một nhà truyền giáo của bất cứ tôn giáo nào có can đảm bình luận trên phương diện tâm linh. Không tôn giáo chính thống nào có can đảm nói đây là sự trừng phạt của thượng đế hay đây là ý trời.
Lời cầu nguyện tại các đền, chùa, nhà thờ có thể chỉ gồm có những lời kinh ai oán, khóc than, hồ nghi và xa hơn nữa là trách móc. Chúng tôi đã có tội tình gì"
Lý do thực nghiệm khoa học từ động đất gây ra sóng thần thì đã rõ ràng nhưng lý do tâm linh thì không thể phân giải được. Tại sao, tại sao, và tại sao"
Chúng ta thường có cơ hội quan sát một trận mưa lũ đổ nước xuống sườn đồi tràn qua những ổ kiến mối. Nước ào ạt chảy cuộn theo cả sỏi đá, bùn đất và trong đó cuốn theo cả trăm ngàn con kiến nhỏ đủ loại. Kiến đen, kiến đỏ, kiến xấu, kiến tốt. Nước cuốn đi những con kiến càng khỏe mạnh và trôi luôn cả ngàn trứng kiến. Đó chỉ là cơn mưa lũ bên đồi sau nhà. Nước lũ không phân biệt kiến chúa hay kiến thợ. Tất cả đều bị hủy hoại trong giây phút. Và trong cái ngày Chủ Nhật cuối năm 2004 vừa qua, nhân loại ở Nam Á, trên biển Ấn Độ Dương cũng chỉ là đàn kiến chết dưới cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Vì không thể giải thích được, nên thế giới chỉ còn tìm cách hàn gắn vết thương của nhân loại.
Thực như vậy, đã có trên 52 quốc gia trên thế giới gửi tiền bạc, phương tiện và nhân lực cứu hộ.
Tính trên đầu người so với số tiền bỏ ra, cho đến nay người Đan Mạch, Thụy Điển dẫn đầu về tấm lòng nhân đạo. Tính trên tổng số tiền thì Nhật góp được 500 triệu Mỹ kim và Hoa Kỳ góp 300 triệu cùng với nhiều nước khác. Tuy nhiên, Mỹ đưa toàn thể hạm đội Thái Bình Dương vào mặt trận nhân đạo.
Đương kim tổng thống Mỹ mời hai cựu tổng thống Cộng Hòa và Dân Chủ vào Ủy Ban Vận Động. Các đại công ty và các cộng động tại Mỹ châu đều hăng hái nhập cuộc. Một nhà sư Việt Nam ở Canada quyết định bán ngôi tu viện lấy 500,000 Mỹ kim cứu nạn sóng thần Nam Á. Nhiều người Việt Nam đã tìm vào Hồng Thập Tự tại San Jose để gửi chi phiếu yểm trợ. 20 đồng, 50 đồng và 100 đồng. Các bà phải nhờ nhân viên viết chữ Hồng Thập Tự trên chi phiếu cho chính xác.
Sau những căng thẳng vì sợ khủng bố, sau những mòn mỏi vì tin tức chiến sư. Iraq không đi đến đâu. Khi hồi chuông của Lễ Giáng Sinh 2004 trôi qua, là đến lúc tiếng gọi của lòng nhân đạo nổi lên. Truyền thông với các tin tức chiếu trên TV đã làm rung chuyển những trái tim lạnh lẽo. Tiền cứu trợ đã gửi về các nước lâm nạn ở Ấn Độ Dương để kịp thời cứu những người còn sống sót. Hàng triệu người đói rét và hàng triệu gia đình tang tóc, hàng trăm ngàn trẻ nhỏ mồ côi.
Trên miền đất thiên tai, cơn hồng thủy thảm khốc để lại một vài chỉ dấu đáng khích lệ. Các nhóm khủng bố còn lại ở Sumatra Nam Dương và ở Tích Lan tạm thời trở thành nhân viên tình nguyện hợp tác với Liên Hiệp Quốc lo cứu trợ. Sự tổn thất đau thương lớn lao quá nên mối thù hận trước đây bỗng trở thành câu chuyện quá khứ nhỏ bé để được lãng quên. Không biết thiên nhiên đem hồng thủy hòa giải mối hận thù của con người được bao lâu.

Và riêng Hoa Kỳ, đem trực thăng và Thủy Quân Lục Chiến trở lại Á châu để thi hành sứ mạng hòa bình. Đây là trường hợp của "Nòng súng nhân đạo cứu người lầm than."
Đây là một cơ hội cho người Mỹ phô diễn lòng hào hiệp với các phương tiện rồi rào và thích hợp cho một chiến dịch hòa bình thời hậu thiên tai. Các toán dân sự vụ được cấp tốc tổ chức, huấn luyện và đưa đến các quốc gia lâm nạn, đặc biệt là các nước theo Hồi giáo từ Tích Lan đến Nam Dương.
Trên con đường dân vận quốc tế của Hoa Kỳ, trời làm thiên tai, bỗng nẩy ra cơ hội mới.
Còn riêng trong anh em cộng đồng Việt chúng ta, thật may mắn là quê nhà không bị thiệt hại. Nhờ vậy không phải chịu đựng cảnh thân nhân chúng ta bị thảm họa như các bạn Thái Lan, Nam Dương và Tích Lan mấy ngày qua đứng ngồi không yên tại Hoa Kỳ.
Xin hãy cầu nguyện cho chúng ta được bình an từng năm một, và hướng lòng về cho những nạn nhân của thảm kịch Ấn Độ Dương. Có thể chính những người dân hải đảo bên Thái Lan và Nam Dương, 20 năm trước đã cứu vớt thuyền nhân Việt Nam. Bây giờ họ đang lâm nạn chờ bàn tay giúp đỡ của chúng tạ
Bài học sau cùng mà nhân loại học được sau mỗi thiên tai đại họa là phải ghi nhận sự vĩ đại vô cùng của thiên nhiên. So với không gian bao la trong vũ trụ và thời gian vô tận của vĩnh cửu thì chúng ta chỉ là những con kiến vừa nhỏ bé vừa đoản kỳ.
Xin mãi mãi cố gắng làm những con kiến tử tế với vừa đủ hạnh phúc để qua khỏi những cơn hồng thủy trong năm 2005. Chỉ xin được bình yên từng năm một. Dù là kiến lớn hay kiến nhỏ, xấu hay tốt thì so với thiên nhiên vĩ đại, ta chợt thấy ta nhỏ bé và tầm thường biết chừng nào.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.