Hôm nay,  

Vn: Tham Nhũng Mi Ở Mô? Đốt Đuốc Đi Tìm Tham Nhũng Trong Hộc Tủ Nhà Nước

30/09/200500:00:00(Xem: 4919)
- Hoa Thịnh Đốn.- Cả nước Việt Nam đồng tình với Đảng và Nhà nước rằng chỉ có những kẻ có chức có quyền mới có cơ hội tham nhũng. Các cấp lãnh đạo Đảng, từ thời Nguyễn Văn Linh đến nay đã qua 4 đời Tổng Bí thư, ông nào cũng hứa với dân sẽ quyết tâm phòng, chống tham nhũng nhưng đến khi khi về vườn lại để lại cho người thay mình cả núi rác.
Chuyện dài này chạy từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau chứ không chỉ tập trung ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn. Chỗ nào có chính quyền là có quan liêu, tham nhũng, có đội ngũ Cán bộ sống giàu, quần là áo lụa, xe hơi láng coóng và nhà lầu mọc lên như nấm. Nhân dân khố rách áo ôm và cán bộ tép riu chỉ biết đứng nhìn nhỏ rãi, hận đời đen bạc.
Vì thế nên mới có chuyện mặc cho đảng gào, nhà nước thét, cán bộ - đảng viên vẫn kiên quyết “đường ta ta cứ đi, tiền dân ta cứ xài làm giàu” từ năm này qua năm khác.
*CHUYỆN MỚI - CHUYỆN CŨ
Để cho có đầu có đuôi, chúng ta nên bắt đầu bằng câu nói của Võ Văn Kiệt, Cựu Thủ tướng, giải thích tại sao việc phòng, chống Tham nhũng của đảng và nhà nước CSVN từ bấy lâu nay đã thành một trò chơi đắt tiền nhưng không đem lợi lộc gì. Kiệt nói : “ Tôi không nghĩ Luật về phòng và chống tham nhũng ra đời tự nó có hiệu lực như một phép mầu. Chúng ta đã từng có Pháp lệnh về chống tham nhũng, có Ban chỉ đạo chống tham nhũng, Đảng thì có "Ban chỉ đạo trung ương 6-2" (Chú thích : Nghị quyết 6 (lần 2), khóa VIII, nói về Cuộc vận động, xây dựng, chỉnh đốn đảng) ... nhưng diễn biến tình hình tham nhũng trong cả nước xem ra chưa suy giảm, mà có phần còn nghiêm trọng hơn. Diễn biến cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong nhiều năm qua cũng như nhiều tuyên bố kêu gọi từ cấp cao về chống tham nhũng, chống lãng phí chưa được như lòng dân mong đợi đúng là có phần thiếu luật, nhưng cũng chưa phải đó là nguyên nhân chủ yếu. Chắc không ai nghĩ rằng khi có luật thì nạn tham nhũng, quan liêu được đẩy lùi ngay. Vấn đề chủ yếu là các biện pháp còn khập khiễng, chưa đồng bộ, không triệt để, còn né tránh, nể nang và đáng ngại hơn, trong chừng mực nào đó, ở một số nơi, có sự thỏa hiệp trong lãnh đạo, điều hành ở các cấp.” (Báo Nhân Dân, 22-9-05)
Kiệt gửi bài ý kiến này cho báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng để góp ý vào Dự thảo Luật Phóng, Chống Tham nhũng sắp đem ra thảo luận trong phiên họp thứ 8 của Quốc hội, dự trù cuối năm 2005.
Kiệt nhắc đội ngũ cầm quyền rằng từ Điều lệ đảng đến Luật lệ hiện hành đều đã có đầy đủ mọi biện pháp phòng và chống tham nhũng, nhưng không làm được vì những người đứng đầu không kiên quyết và sợ trách nhiệm.
Kiệt nói: “ Lại có một thực trạng là phần lớn các vụ tham nhũng lãng phí được xử lý đều do dân chúng và báo chí phát hiện. Đã như thế, sau khi vụ việc được xử lý, gần như chưa có các tổ chức đảng, đoàn thể ngang cấp nào bị xử lý trách nhiệm đủ nghiêm về kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, kỷ luật của các đoàn thể. Chính vì thế, chẳng những trách nhiệm các tổ chức này không được nâng cao mà còn bị hạ thấp dần đến mức coi như đứng ngoài vụ việc, "né" đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí…”
“Thí dụ, một thứ trưởng tham nhũng, suy thoái đạo đức, phẩm chất kéo dài, lẽ ra bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp, nhưng rồi chính người có trách nhiệm cao nhất trong bộ lại coi như không biết. Câu hỏi cần đặt ra: Vậy bộ trưởng hằng ngày trực tiếp làm việc với ai" Rồi cấp ủy đảng ở đó, ban chấp hành công đoàn, đoàn thanh niên có trách nhiệm đến đâu và cụ thể như thế nào khi không phát hiện, đấu tranh, để tham nhũng, lãng phí tiêu cực tác oai tác quái trong cơ quan, đơn vị mình" ”
Sau khi phân tích xa gần các nguyên nhân tại sao tham nhũng vẫn dai dẳng khiến dân tìm cách xa đảng, Kiệt kết luận:“ Vấn đề chỉ còn là Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng của Trung ương có dám làm triệt để đối với tham nhũng, lãng phí của công và kịp thời ngăn chặn…quyết tâm đánh thắng tham nhũng, lãng phí. Luật về phòng, chống tham nhũng là hình thức thể hiện cao nhất quyết tâm đó, đồng thời nó cũng đề ra các biện pháp thiết yếu để đương đầu và phải thắng thứ giặc hiểm ác ấy. Nhưng Luật, ban hành luật kịp thời và hoàn chỉnh chưa đủ là một phương thuốc đặc hiệu. Nếu như chỉ "nâng cấp" pháp lệnh lên thành luật mà đồng thời không có những biện pháp tích cực nhất, không thiết lập kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống công quyền, thì cũng chỉ là đổi chiếc áo.”
Việc Kiệt lo âu cũng đã được nhiều tầng lớp nhân dân trong nước nêu ra. Hàng ngàn, hàng vạn ý kiến từ khắp nơi trong nước, đại diện cho nhiều tầng lớp nhân dân, cán bộ đã yêu cầu đảng phải quyết liệt tiễu trừ Quốc nạn này và trừng trị thẳng tay những cán bộ, đảng viên đã lợi dụng chức vụ để hành dân lấy tiến, xà xẻo công qũy. Nhưng xem ra tiếng kêu cứu của họ đã rơi vào quên lãng vì chẳng cán bộ, đảng viên nào có trách nhiệm để ý tới.
Những khuyết tật của cán bộ do Kiệt nêu ra và nghi vấn về quyết tâm của đảng trong công tác chống quan liêu, tham ô không phải mới có dưới thời Nông Đức Mạnh mà nó đã sinh “con đàn cháu giống” trong các thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và ngay trong thời gian Kiệt còn làm Thủ tướng (1991-1997).
* BẰNG CHỨNG NHU NHƯỢC
Nhà sử học-Đại biểu Quốc hội, Dương Trung Quốc (Tỉnh Đồng Nai), phát biểu về Báo cáo của Chính phủ năm 2003: ''Ngay trong những trang đầu tiên, báo cáo của Chính phủ đã nhấn mạnh đến thực tế là bộ máy hành chính còn nhiều bất cập, hoạt động kém hiệu lực, tệ tham nhũng và quan liêu còn nặng nề. Nhưng hơn 20 trang sau đó không hề nhắc lại chuyện liên quan tới chống tham nhũng và quan liêu. Chỉ có một lần duy nhất nhắc lại khi nhấn mạnh đến việc đưa Pháp lệnh công chức vào việc chống tham nhũng và quan liêu. Trong phần về giải pháp sắp tới cũng không đề cập đến và người đọc báo cáo có cảm giác là hình như chúng ta đã hoàn thành việc chống tham nhũng rồi. Trong khi chúng ta vẫn coi đây là nội dung thường trực và đấu tranh lâu dài.”
Nhận xét của ông Quốc chỉ mới hé ra một phần những bê tha, cẩu thả và thói quen đánh trống bỏ dùi của guồng máy cai trị ở Việt Nam bây giờ trong khi Lãnh đạo, vẫn thi đua hô hào chống Tham nhũng bằng “nước bọt”.
Từ khi “Đổi mới” năm 1986 cho đến năm 2005, Việt Nam đã qua chặng đường dài 20 năm xây dựng theo Kinh tế Thị trường để đưa Việt Nam ra khỏi vũng lầy kinh tế phá sản Trung ương tập quyền và Bao cấp của Chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng xem ra, càng có nhiều tiền, nhiều xây dựng và mở mang bao nhiêu thì đời sống người dân và đa số cán bộ, đảng viên, bộ đội cấp nhỏ càng lâm vào cùng kiệt. Số thu nhập của họ, chỉ dựa vào đồng lương chết đói, không theo kịp gía cả của thị trường, không sao bén gót được lớp người có chức, có quyền để Tham nhũng mà giầu lên để tha hồ đảo ngược luân thường đạo lý và cuộc sống trong xã hội.
Sự băng hoại này là trách nhiệm của ai ngoài đảng CSVN, những người dù không ai trao quyền cho lãnh đạo cũng tự cho mình cái quyền được Tự do Đôc tài để giữ cho bằng được miếng đỉnh chung thuộc về toàn dân.
Hãy đi ngược thời gian để đọc Báo cáo của Chính phủ ngày 5-12-1990, do Đỗ Mười trách nhiệm vai trò Thủ tướng: “Tệ tham ô, hối lộ, cố ý làm trái chính sách, pháp luật, lãng phí tiền của Nhà nước, thời gian qua với nhiều hình thức và thủ đoạn diễn ra trong các cơ quan, đơn vị kinh tế của Nhà nước, của tập thể tuy mức độ khác nhau nhưng mang tính phổ biến, trong đó có nhiều vụ vi phạm rất nghiêm trọng đã gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, làm thoái hoá, biến chất một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên, gây hậu quả xấu về mặt kinh tế - xã hội và chính trị, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.”
“Tệ nạn trên có thể nói hầu như nơi nào cũng có xảy ra nhất là những nơi nắm vật tư, tiền hàng, những cơ quan, những cá nhân có trách nhiệm, trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành sản xuất, phân phối lưu thông, trong các cơ quan chức năng quản lý phân phối, cấp phát vật tư, tài chính, tín dụng cho giấy phép v.v..., thậm chí ngay cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thủ đoạn phổ biến là lợi dụng triệt để những sơ hở của cơ chế, chính sách, việc buông lỏng quản lý, hoặc cố tình lừa đảo, vi phạm chính sách, pháp luật...”
“Thủ đoạn tham ô diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, từ chỗ không có tổ chức đến có tính tổ chức, từ diễn ra trong phạm vi nội bộ đến móc ngoặc với các đối tượng xấu bên ngoài xã hội tạo thành băng dây, từ chỗ tham ô cá nhân đến tham ô tập thể… Hành vi của những thủ đoạn trên thường là không tuân theo chế độ hạch toán kế toán, thống kê, lập hợp đồng, khế ước, chứng từ giả, tự nâng giá, giảm giá, hoặc dưới dạng vay, mượn, tạm ứng, lập quỹ trái phép, man khai khối lượng, quyết toán khống, nhất là trong các đơn vị thường có chính sách bù lỗ và xây dựng cơ bản… lợi dụng tách nhập, giải thể cơ quan đơn vị để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước v.v...”
“Tệ hối lộ được biểu hiện tinh vi dưới nhiều hình thức “quà cáp”, “biếu xén” “mời ăn nhậu”, “thưởng, thù lao cho nhau”, mua hàng, vật tư với giá rẻ… Nó đã lây lan, xâm nhập đến nhiều tổ chức và cá nhân, đến ngay cả cơ quan bảo vệ pháp luật. Tệ cố ý làm trái chính sách, pháp luật được biểu hiện dưới dạng lập quỹ đen, phân phối , sử dụng vốn, vật tư sai mục đích, giấu nguồn thu phải nộp, chiếm dụng vốn, trích lợi nhuận sai, xét duyệt miễn, giảm thuế tùy tiện, kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế v.v… gây thiệt hại lớn đến tài sản Nhà nước. Lãng phí được biểu hiện như đặc quyền, đặc lợi trong chi tiêu, mua sắm trang thiết bị, nhà cửa, phương tiện đắt tiền quá qui định, chi tiếp khách, hội nghị liên hoan, tiệc tùng chè chén quá đáng.”
*BÀ NGÔ BÁ THÀNH PHẢN BÁC
Uỷ ban pháp luật về vấn đề chống tham nhũng và chống buôn lậu của Quốc hội hồi đó do Đại biểu Bà Ngô Bá Thành làm Chủ nhiệm đã phản bác vào ngày 06 tháng 12 năm 1990 tại Kỳ họp Quốc hội khóa VIII: “ Báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng trình bày trước Quốc hội ngày 5/12/l990, trang ll ghi nhận “Hành vi tham nhũng được biểu hiện dưới các hình thức tham ô, hối lộ, cố ý làm trái, lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng, thường được bắt nguồn từ nguyên nhân kinh tế - xã hội, tư tưởng, tâm lý và đạo đức, thực tế đang diễn ra tuy ở mức độ khác nhau, nhưng có tính chất phổ biến, trong đó có nhiều trường hợp nghiêm trọng”. Tuy nhiên, bản báo cáo cũng chưa phân tích có chiều sâu nguyên nhân của tệ tham nhũng ; cũng chưa giải thích vì sao ở chế độ Nhà nước ta, tệ tham nhũng lại “phổ biến, nghiêm trọng” đến mức nguy hại như hiện nay.”

“Chúng tôi thấy những mục tiêu và biện pháp ghi trong Quyết định 240 của Hội đồng bộ trưởng tuy cần thiết trước mắt ; nhưng đây chưa phải là những biện pháp cơ bản, mới chỉ là giải quyết “cái ngọn”. Tệ tham nhũng như con rắn nhiều đầu, nếu chỉ giải quyết “cái ngọn” thì chặt đầu này đầu khác lại mọc ra. Tình hình tham nhũng là phổ biến đến mức ở ngành nào cũng có thể có tham nhũng ; cán bộ cấp trên cũng như nhân viên cấp thấp trong bộ máy cũng đều có thể tham nhũng ; chẳng riêng gì những người lương không đủ sống mới tham nhũng, mà cả những người khá giả cũng vẫn tham nhũng, thậm chí nặng nề hơn nhiều. Hàng ngày, nếu chú ý tìm là thấy có tham nhũng.”
Về tình hình buôn lậu, Bà Thành viết: “Buôn lậu là phá hoại nền kinh tế quốc gia, là chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa của ta; vậy vì sao tổ chức Nhà nước lại buôn lậu " Tổ chức Nhà nước là thuộc quản lý của Hội đồng bộ trưởng và chính quyền các cấp; vậy sao không ngăn chặn được các tổ chức này buôn lậu "”
“Buôn lậu là một tội danh trong Bộ luật hình sự ; tổ chức Nhà nước buôn lậu là vi phạm luật pháp Nhà nước ; vậy làm sao đòi hỏi công dân tôn trọng phép nước và không buôn lậu.”
“ Báo cáo của Bộ Thương nghiệp cho biết từ năm 1989 đến nay tình hình buôn lậu phát triển mạnh hơn trước ; nhiều tổ chức Nhà nước đã buôn lậu dưới hình thức này hay hình thức khác.”
*TỔNG THANH TRA NHÀ NƯỚC
Báo cáo số 45/BC – của Tổng Thanh tra Nhà nước Nguyễn Kỳ Cẩm ngày 6/8/1991 về kết quả thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng viết: “Thực tiễn cho thấy tệ tham nhũng diễn ra trong thời gian qua mức độ có khác nhau nhưng mang tính phổ biến, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, làm thoái hoá biến chất một bộ phận cán bộ, đảng viên, gây hậu quả xấu về mặt kinh tế - xã hội và chính trị, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.”
“Qua thanh tra, kiểm sát ở ngành ngân hàng cho thấy hành vi cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm dẫn đến nợ khó đòi, mất vốn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Đằng sau những vụ cho vay sai trái đó, đã bộc lộ nhiều tiêu cực, một số cán bộ kể cả cán bộ có chức, có quyền trong và ngoài ngành đã nhận hối lộ để cho vay hoặc bảo lãnh vay, móc nối với tư thương để rút tiền của Nhà nước ra kinh doanh trái phép.”
“Trong nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tệ tham ô, hối lộ, cố ý làm trái để vụ lợi cho cá nhân hoặc tập thể thường được biểu hiện là không tuân thủ chế độ hạch toán kế toán - thống kê; lập hợp đồng, khế ước, chứng từ giả mạo; khai man khối lượng, quyết toán khống, lập quỹ trái phép chia nhau, trốn lậu thuế v.v...”
“Theo số liệu của ngành kiểm sát có tới 58% số đơn vị thương nghiệp quốc doanh được kiểm tra đã liên kết trá hình, để tư thương núp bóng trốn lậu thuế, nhiều đơn vị làm kinh tế của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, lực lương vũ trang không có giấy phép kinh doanh, không nộp thuế và cũng để tư thương núp bóng trốn thuế, ở đây cho thấy lợi ích của tập thể thì ít, Nhà nước mất thuế, nhưng ngược lại một số cá nhân lợi dụng các tổ chức nói trên để làm giàu bất chính. Nhiều cán bộ thuế tham ô, biển thủ tiền thuế, ăn hối lộ, móc với tư thương, hộ kinh doanh tính toán sai doanh thu, hạ mức thuế làm mất nguồn thu của Nhà nước hàng chục tỷ đồng.”
“Kết quả thanh tra, điều tra một bước trong quản lý dự trữ quốc gia cho thấy tệ tham nhũng là rất nghiêm trọng đã gây thiệt hại của Nhà nước 106 tỷ đồng, trong đó tham ô 1,692 tỷ đồng, cố ý làm trái 36 tỷ đồng, đã khởi tố 131 vụ án liên quan đến dự trữ.”
“Tuy nhiên, hiện tại cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn diễn biến phức tạp, các nguyên nhân gây nên tệ tham nhũng vẫn chưa được loại trừ và đang tác động xấu đến đời sống xã hội.”
Tất cả những chứng hư tật xấu này của cán bộ Cộng sản, từ bấy lâu này giấu mặt trong thời kỳ chiến tranh và trong 10 năm làm kinh tế sai lầm theo kiểu Cộng sản sau khi chiếm được miền Nam năm 1975, đã hiện nguyên hình “Con Thò lò sáu mặt” trong Thời kỳ Đổi mới.
Nó diễn ra dưới thời Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư (Khóa VI) và Đỗ Mười làm Thủ tướng. Sau đó Võ Văn Kiệt thay Đỗ Mười lên làm Thủ tướng từ tháng 6/1991.
Lê Đức Anh, Chủ tịch Nước từ ngày 23-9-1992 cũng tham gia nhìn nhận những thiếu sót cứ mỗi ngày một chồng chất. Theo Chỉ thị số 15/CT – TW ngày 20/11/1992 của Bộ Chính trị thì việc tiếp tục ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu của các cấp vẫn ì ra đấy.
Chỉ thị viết: “ Tệ tham nhũng, buôn lậu tiếp tục diễn ra phổ biến, nghiêm trọng là do nhiều nguyên nhân. Xét về trách nhiệm lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, thì nguyên nhân quan trọng là do nhiều cấp uỷ đảng thiếu lãnh đạo chặt chẽ, chưa gắn chặt công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ với việc chống tham nhũng, buôn lậu.”
“Từ sau Chỉ thị số 64 của Ban Bí thư và Quyết định số 240 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chống tham nhũng ban hành năm 1990 đến nay, tuy các ngành, các cấp đã có cố gắng triển khai thực hiện nhiều biện pháp, nhưng kết quả đạt được còn rất thấp.”
“Việc xem xét, kỷ luật cán bộ tham nhũng thường thiếu nghiêm khắc, có trường hợp né tránh, thậm chí cấp uỷ can thiệp vào việc xét xử của cơ quan pháp luật đối với cán bộ tham nhũng.”
“ Phải kiên quyết truy tố và xét xử các tội tham ô, hối lộ, buôn lậu, lợi dụng chức vụ để làm trái pháp luật. Tập trung trước hết vào những ngành và lĩnh vực.”
Rồi sau đó ra sao "
*ĐỖ MƯỜI –LÊ KHẢ PHIÊU
Khi Đỗ Mười thay Linh năm 1991 thì tình hình chống tham nhũng có khá hơn không" Chúng ta hãy đọc ít điểm chính của Nghị quyết số 14 – NQ/TW ngày 15/5/1996 của Bộ Chính trị (Khóa VII do Đỗ Mười đứng đầu): “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp. Tham nhũng vẫn diễn ra tràn lan, phổ biến, thậm chí có địa phương, có lĩnh vực còn nghiêm trọng hơn trước. Tình trạng tham nhũng đã và đang gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, làm xói mòn bản chất của Đảng và Nhà nước, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên, tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta, uy hiếp sự tồn vong của chế độ ta.”
“Có tình trạng đó là do những nguyên nhân chủ yếu sau đây: - Sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và sự yếu kém trong quản lý, giáo dục đảng viên, cán bộ, công chức của các tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước.”
“Trong điều kiện kinh tế thị trường, do không chịu thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, nhiều cán bộ, đảng viên, công chức sa ngã, thoái hóa, bị đồng tiền cám dỗ, đã trượt vào vũng bùn tham nhũng tội lỗi, một số cán bộ lãnh đạo thiếu gương mẫu hoặc không giáo dục được vợ, con chấp hành đúng pháp luật, gây ảnh hưởng xấu trong nhân dân…”
Đến khi Lê Khả Phiêu Phiêu thay Mười vào cuối năm 1997 thì Cộng sản VN chống tham nhũng như thế nào"
Có nhúc nhích chút đỉnh nhưng nhìn chung vẫn chậm như rùa bò và còn nghiêm trọng hơn trước. Bằng chứng này đã nói trong Chỉ thị số 10 –CT/TW ngày 4/1/1997 về thực hiện Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị (khoá VII) về đấu tranh chống tham nhũng.
Chỉ thị viết: “Nhìn chung việc triển khai thực hiện Nghị quyết còn chậm, chưa sâu rộng và chưa cụ thể; kết quả chống tham nhũng còn rất thấp, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ; nạn tham nhũng ngày càng phát triển nghiêm trọng.”
“Nhưng, chủ yếu là do sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước chưa tập trung thống nhất, thông suốt từ trên xuống dưới. Nhiều nội dung trong Nghị quyết 14 chưa được cụ thể hoá để triển khai thực hiện. Nhiều ngành và cấp uỷ chưa coi việc chống tham nhũng là trách nhiệm hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mình; nhiều nơi “khoán” trách nhiệm chống tham nhũng cho đồng chí cấp uỷ viên phụ trách chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật.”
* NÔNG ĐỨC MẠNH – KHÓA IX
Đến phiên Nông Đức Mạnh thay Phiêu (21-4-2001) thì chuyện chống Tham nhũng lại phải làm lại từ đầu. Nội dung Nghị quyết 9 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX năm 2004 đã nói tất cả: “Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện cải cách hành chính trong hệ thống chính quyền chưa tạo được chuyển biến cơ bản. Hệ thống chính trị chưa đủ mạnh. Nhiều tổ chức cơ sở đảng sinh hoạt lỏng lẻo, sức chiến đấu yếu, vai trò lãnh đạo giảm sút, mờ nhạt.”
“Điều làm cho nhân dân còn nhiều bất bình, lo lắng, bức xúc nhất hiện nay là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng, chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn rất nghiêm trọng; kỷ cương phép nước trong nhiều việc, nhiều lúc chưa nghiêm.”
Cũng như các người tiền nhiệm, Nông Đức Mạnh lại hứa Đảng sẽ “kiểm tra, xác minh nhà đất của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kết luận rõ đúng sai, xử lý kịp thời, thông báo công khai. Xử lý nghiêm minh theo pháp luật và kỷ luật đảng đối với những người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bất cứ người đó là ai, ở cương vị nào; xử lý cả những người bao che hành vi tham nhũng. Không dùng hình thức xử lý nội bộ, kỷ luật hành chính thay cho việc xử lý hình sự đối với người đã có đủ chứng cứ về hành vi phạm tội đến mức phải xử lý hình sự.”
“Đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí phải được tiến hành bằng hệ thống các biện pháp đồng bộ. Trong đó, chú trọng đổi mới thể chế, thực hiện công khai, dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước các cấp, nhất là quản lý về đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý doanh nghiệp nhà nước và ngân sách nhà nước. Quy định việc tặng quà, nhận quà; việc kê khai tài sản trước và sau khi nhận chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.”
Tất cả những “chuyện hứa này” bây giờ cũng đã rơi vào quên lãng mà Mạnh thì sắp hết nhiệm kỳ 5 năm (4/2001 – 4/2006).
Như thế rõ rằng chuyện chống Tham nhũng bây giờ ở Việt Nam đã biến thành một trận đá banh “huề cả làng”. Trái bóng này được lăn từ chân Tổng Bí thư này qua Tổng Bí thư khác mà không ai chịu “làn bàn”, chịu “dứt điểm” vì sợ lỡ sút vào gôn thì mất giò.
Vì vậy cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc mới nói: “Hiện nay chúng ta có cả bộ máy đủ sức chống tham nhũng. Thứ nhất là Bộ Công an, trong Bộ này có hệ thống cơ quan điều tra. Chúng ta có VKSNDTC (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) với cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương làm nhiệm vụ khởi tố, công tố. Chúng ta có hệ thống toà án khắp cả nước. Tại sao không huy động được" Ta phải kiểm điểm tại sao các cơ quan này chống tham nhũng chưa có hiệu quả! Họ bất lực hay có lực cản nào hạn chế họ! Phải làm cho ra chỗ đấy! Nói chung để chống tham nhũng phải có quyết tâm chính trị, ý chí nhà nước. Từ đó mới cần đến cơ chế, cơ chế mà không có quyết tâm thì cũng không hiệu quả!”
Vậy Tham nhũng ơi, Mi ở đâu " Chỉ cho Tao đến lôi đầu mày ra "
Phạm Trần (9/05)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.