Hôm nay,  

Tự Tử Vì Danh Dự: Tại Thổ Những Vụ Tự Vẫn Vì Danh Dự Đang Thay Thế Những Vụ Sát Nhân!

22/09/200800:00:00(Xem: 2437)
Ngồi trên thành ghế tràng kỷ với đôi chân thõng dài đong đưa, cô Derya, 17 tuổi là một hiện thân của sự thơ ngây: đôi mắt nâu hạt dẻ tròn xoe, cái quần jean hơi dài  phải xăn gấu lên và cái khăn quấn đầu thật hợp thời trang. Thế nhưng Derya đang phải nương náu tại trung tâm tạm trú dành cho phụ nữ ở  miền đồng quê Thổ Nhĩ Kỳ vì gia đình cô muốn cô phải chết. Tội của cô là đã dùng điện thoại lưu động để trò chuyện với một nam sinh cùng lớp, một việc tương đương với hò hẹn trước khi thành hôn của thiếu niên sống trong những xã hội Hồi Giáo nghiêm khắc.
Derya gặp Recep 16 tuổi tại trường trung học năm 2005. Cô nói: Trong những cuộc nói chuyện qua điện thoại sau giờ học đó, tôi bị tiếng sét của ái tình. Chuyện này chưa hề xảy đến cho tôi bởi vì trong nền văn hóa của tôi tình yêu chỉ đến sau hôn nhân mà thôi”.

Vào tháng 3/2006 khi người cậu của Derya, vốn đang nuôi nấng cô, nhận thức được sự thật thì ông tịch thu điện thoại lưu động của cô. Cô mua một cái khác. Ông cũng đoạt lấy nó luôn. Cô mượn điện thoại của bạn. Cậu cô báo động với mẹ cô và bà cảnh cáo buộc cô phải cắt đứt liên lạc với Recep. Derya nói: “Nhưng tôi không thể nào ngưng được. Một phần thì tôi cũng bực tức vô cùng. Ai cũng xài điện thoại lưu động. Tại sao tôi lại không được chứ"”

Hai tháng sau, cô nhận được thông điệp SMS: “Đừng bao giờ léo hánh về nhà nữa. Mày đã làm ô nhục danh dự của cả nhà. Mày phải tự kết liễu tính mạng của mày. Nếu không, tụi tao sẽ làm giùm cho mày”.

Sau đó cô nhận được thêm nhiều sự hăm dọa khác, từ anh em, chú cậu, ngay cả những anh em trai bà con nữa. Đôi khi cô nhận được 15 câu hăm dọa một ngày. Derya cho biết: “Quả thật là kinh hoàng”.

Trong tháng Sáu vừa qua, Derya nhào xuống dòng nước cuồn cuộn của sông Tigris  gần biên giới Thổ và Iraq để tự tử, thế nhưng, một toán cảnh sát tuần tiểu ngang qua trông thấy và kéo cô lên bờ. Ngày hôm sau, ở nhà, cô buộc sợi dây thừng vào cái móc treo võng trên xà nhà, rồi treo cổ tự vẫn. Khi cậu của cô nghe tiếng cái ghế bị cô đạp ngã thì ông nhào vô, cắt giây rồi mang cô, lúc ấy đã mê man bất tỉnh, vào nhà thương, có lẽ vì cảm thấy tội nghiệp cho cô. Sau khi cô được xuất viện thì những thông điệp SMS lại càng tăng cường độ hơn nữa, gia đình cô chửi mắng cô vì cô đã thất bại trong việc tự tử và đồng thời nguyền rủa cậu cô vì ông đã cứu cô. Derya bèn cố một lần nữa chấm dứt cuộc đời mình bằng cách dùng dao cứa cổ tay. Cô nói: “Tôi thù ghét cuộc đời của mình. Tôi chỉ muốn nó chấm dứt cho rồi”.

Đi dọc theo đường Bosporus hoặc tản bộ trong thành  phố Istanbul thì quang cảnh trông thật quen thuộc: các nàng thiếu nữ trong những cái quần jean bó sát, trong những đôi giầy cổ cao, áo thun ngắn cũn cỡn, hở lưng cho thấy vết xâm hoa hoè, tay cầm điếu thuốc. Nhìn bề ngoài thì mối quan hệ giữa các chàng thanh niên và các cô thiếu nữ quả thật rất Tây Phương. Các quán nhậu và hộp đêm disco đẩy dẫy, thỉnh thoảng chen lẫn vào đó là một tiệm bán trợ cụ tình dục. Vì thế, ai cũng ngạc nhiên khi biết rằng phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại vẫn phải sống với gia đình của họ và gìn giữ tiết trinh cho đến khi lấy chồng.

Thế nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu tự nó đã là một sự mâu thuẫn lạ lùng. Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được quyền bầu cử và tranh cử từ năm 1930, rất nhiều năm trước khi phụ nữ ở rất nhiều quốc gia Châu Âu có được quyền này. Năm 1993, Thổ Nhĩ Kỳ đã có một nữ thủ tướng lèo lái quốc gia trong khi Hoa Kỳ vẫn chưa hề có một phụ nữ nào nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Tuy vậy, mặc dù từ 1927 Thổ Nhĩ Kỳ đã có chế độ giáo dục cưỡng bách cho đến hết tiểu học, nhưng gần như phần nửa phụ nữ sinh sống tại những miền quê đã bị gia đình không cho đi học và bị mù chữ.

Mặc dù khăn quàng đầu bị cấm mang tại công sở và đại học, thế nhưng con số phụ nữ mang khăn lại ngày một gia tăng, như một dấu hiệu của sự hồi sinh Hồi Giáo ở  quốc gia này. Để làm cho sự việc rối mù hơn nữa, chính phủ Hồi Giáo hiện nay tuy đã thắng cử với một đa số đáng nể lại tuyên bố vẫn trung thành với chủ trương đạo và đời riêng biệt. Và ở một quốc gia mà chuyện cưỡng bách khám nghiệm trinh tiết học sinh trung học chỉ mới bị luật pháp ngăn cấm gần đây thì chuyện phá thai lại là một chuyện hợp pháp và dễ dàng hơn ở Hoa Kỳ!

Bà Krisztina Nagy, phát ngôn nhân của European Union nói: “Về vấn đề liên quan đến phái tính ở Thổ Nhĩ Kỳ thì tình hình hết sức hỗn tạp. Thổ Nhĩ Kỳ có tỷ số giáo sư phụ nữ cao nhất Âu Châu là 27%. Thế nhưng lại có những câu chuyện về nạn nhân của những tội ác vì danh dự”.

Những tội ác này liên quan đến việc thành viên của gia đình sát hại vợ, con gái, chị, em gái hoặc cháu gái vì cô ta đã làm họ bị ô nhục, thông thường qua việc mặc quần áo Tây Phương, có mối quan hệ bạn bè với nam giới hoặc cưới những người không được cha mẹ cô ta chọn lựa.

Gần đây, các nhà tranh đấu nhân quyền đã để ý thấy một xu hướng mới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ý nguyện muốn được gia nhập EU thì con số những vụ sát nhân vì danh dự được báo cáo đã sụt giảm. Trong năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên đưa ra luật lệ khiến những vụ sát nhân vì danh dự trở thành tội với án tù chung thân. Có thể nào quốc gia này đang cố sửa đổi hầu đáp ứng được với tiêu chuẩn mà EU đã đề đạt ra chăng"

Thế rồi những  nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền này thấy được một con số thống kê khác thường. Bà Nimet Cubukcu, Tổng Trưởng Bộ Phụ Nữ và Gia đình nói: “Trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2006 có 1,06 vụ sát nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ  liệt kê là sát nhân vì danh dự. Và trong cùng thời gian này có 5,375 phụ nữ quyên sinh”.

Ở Batman, một tỉnh lỵ sát bên tỉnh lỵ nơi cô Derya sinh sống, tỷ lệ phụ nữ tự vẫn đang gia tăng thật nhanh chóng. Bà Nurten Uzumeu, nữ nghị viên hội đồng tỉnh Batman cho biết: “Gần đây trong một tháng có 7 cô gái tự vẫn. cách đây 2 tháng, chúng tôi có 20 vụ phụ nữ tự sát nữa".

Giới thẩm quyền Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ nghi ngờ rằng những vụ “tự vẫn vì danh dự” đang thay thế những vụ sát nhân vì danh dự như một phương cách để loại trừ một người đàn bà đã khiến gia đình họ bị ô nhục mà không thu hút sự chú ý của cảnh sát. Cô Derya, vốn đang được sự bảo vệ của trung tâm tạm trú địa phương nói: “Thật là sai quấy khi con gái bị đối xử như thế này trong khi tụi con trai lại được đủ thứ tự do. Những người đàn ông trong gia đình tôi được xem như Trời trong khi phụ nữ thì không được đối xử như một con người nữa”.

Ven con lộ chính ở ngoại ô tỉnh có một ngôi nhà lớn được bảo vệ bởi một hàng rào sắt cao. Màn cửa sổ lúc nào cũng buông kín mít vì lý do an ninh. Đây là nơi trú ngụ của 14 phụ nữ và 6 trẻ em. Tất cả đều trốn chạy sự hăm dọa của gia đình hoặc chồng họ.

Cô Zeynab, một phụ nữ miền quê gốc Kurd lặng lẽ kể lại câu chuyện của cô. Cô và chồng lấy nhau vì tình yêu và từ chối một cuộc hôn nhân mà gia đình đã sắp đặt sẵn, vì thế nên cha mẹ chồng cô không bao giờ tha thứ cho cô cả.Khi chồng cô, Ali, qua đời vì bệnh sưng màng não thì cô mất đi sự bảo vệ của anh. Theo truyền thống thì con trai và con dâu  phải sống với cha mẹ chồng vì thế, cô lại càng dễ dàng gặp nhiều nguy hiểm hơn. Cô nói: “Họ dùng một cây sắt để đánh tôi, rồi nắm tóc lôi tôi sềnh sệch từ bên này sang bên kia phòng. Có một lần bị đánh đập dã man quá tôi ngất xỉu luôn. Tôi bị khủng hoảng tinh thần vì sợ hãi và tôi cũng bị chứng trầm thống luôn”.
Thế rồi, có một buổi trưa gã em chồng dúi vào tay cô một khẩu súng ngắn. Cô ngậm ngùi kể lại: “Nó bảo tôi: “Chị nên tự xử đi. Chị là vết nhơ cho danh dự gia đình tôi”. Nếu tôi không tự vẫn bà mẹ chồng tôi nói rằng họ sẽ ra tay giùm tôi”.

Và đấy là mùa Xuân 2006. Đến tháng 6 thì Zeynab dẫn đứa con trai 11 tuổi tên Hussein lẻn ra khỏi nhà bỏ trốn. Một phụ nữ mà cô đã gặp được ở công viên đã cho cô biết về trung tâm tạm trú cho phụ nữ. Cô nói: “Từ khi ra đời cho đến bấy giờ con tôi mới được đi học. Tuy vậy, mỗi ngày, khi nó đi học là tim tôi cứ phập phồng lo sợ. Tôi lúc nào cũng e ngại rằng gia đình chồng tôi sẽ bắt nó đi và tôi sẽ không bao giờ được gặp nó nữa. Đêm nào tôi cũng bị ác mộng và thấy rằng tôi bước ra khỏi trung tâm rồi họ bắt mẹ con tôi”.

Dù sao đi nữa thì cũng còn lâu lắm Thổ Nhĩ Kỳ  mới hội đủ được những điều kiện cần thiết để được làm thành viên của EU. Bà Ngay, phát ngôn nhân của EU nói: “EU cần có một nước Thổ Nhĩ Kỳ ổn định, dân chủ và giầu mạnh theo phe của họ. Mặc dầu quốc gia này đã có nhiều tiến bộ trong những năm gần đây, vẫn còn nhiều điều mà họ phải đạt được”.

Thế nhưng vẫn có một số đông người Thổ Nhĩ Kỳ vốn xem những sự chỉ trích của EU về quốc gia của họ mang nhiều tính kỳ thị Hồi Giáo và những người này tuyên bố rằng họ không muốn đất nước của họ gia nhập vào một “xã hội Ki-tô Giáo”. Ông Dogu Egril, một bỉnh bút được nể trọng của Thổ Nhĩ Kỳ Nhật Báo (Turkish Daily News) viết trong một bài xã luận của ông như sau: “Bọn đế quốc EU dám cả gan dạy chúng ta về cách cải thiện quyền lợi của phụ nữ chúng ta. Theo thiển ý thì đây là một sự can thiệp trực tiếp vào những chuyện nội bộ của một quốc gia”.

Thật khó mà biết được cuối cùng ai sẽ thắng, phe Hồi Giáo quá khích hoặc phe cấp tiến. Dù sao đi nữa thì màn bí mật đã được vén lên về những vụ “tự tử vì danh dự”.  Tháng 9 vừa qua, 9 nữ sinh trung học ở tỉnh Batman đã khiến cả tỉnh điên đầu bằng việc diễn hành tập thể từ nhà họ đến thẳng nghĩa trang sau một vụ “tự tử vì danh dự”. Họ mang những tấm biểu ngữ với hàng chữ “Không Bạo Hành Nữa! Không Tự Tử Nữa!” Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả khi các cô sau đó đều nhận những lời hăm dọa.
Bà Gulistan Toskin, một nhà xã hội học địa phương kết luận: “Đây là lần đầu tiên chuyện như thế này xảy ra ở Batman. Đấy quả là một điều khá nguy hiểm mà các cô nhỏ này đã làm. Tuy vậy, họ đã thắp lên một ngọn lửa và ngọn lửa này bây giờ vẫn tiếp tục bùng cháy”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.