Hôm nay,  

Loan Tin Như Thể Đốt Nhà

17/05/200500:00:00(Xem: 5861)
Thông tin có thể chi phối nhận thức hay hành động của người khác. Và có thể xúi thiên hạ đốt nhà và mất mạng, như tờ Newsweek đã làm.
Mọi nguồn tin đều có những mục tiêu nhất định, là chi phối nhận thức hay hành động của người khác, vì vậy, ta mới có sự khác biệt giữa người loan tin - thí dụ như ký giả - và nhà bình luận. Tùy khả năng suy luận, nhà bình luận phải chịu trách nhiệm về lập luận của mình, đúng hay sai là quyền thẩm định của người đọc, sai nhiều quá thì nhà bình luận sẽ… bình luận một mình. Ký giả lại khác, vì loan tin dựa trên nguồn tin bên ngoài, nhưng cũng phải có khả năng phán đoán về giá trị của nguồn tin, không phải rằng chúng khẩu là đồng từ, tam nhân tất thành hổ, cứ nhiều người nói là đã thành sự thật. Truyện Tăng Sâm giết người từ thời cổ đại là một thí dụ về tính cả tin của loài người và về khả năng hay trình độ xét đoán của kẻ loan tin.
Vừa qua, tuần báo Newsweek cứ tưởng là đầy uy tín của Hoa Kỳ đã loan một tin gây họa chết người và sau khi tờ báo cải chính thì ít nhất có 15 người mất mạng và bộ Quốc phòng Mỹ bị lôi vào sóng gió.
Tin của Newsweek là các thẩm tra viên Mỹ trong nhà tù Guantanamo tại Cuba đã vứt thánh kinh của đạo Hồi, kinh Koran, vào nhà vệ sinh, và có một lần còn giựt nước cho kinh trôi xuống cầu tiêu. Tin vừa loan ra, dân Hồi giáo công phẫn biểu tình nổi loạn tại sáu quốc gia trên thế giới, xung đột bùng nổ khiến nhiều người thiệt mạng và chính quyền Afghanistan bị khủng hoảng nặng trong khi binh lính Mỹ khắp nơi bị đe dọa. Sau đó, tờ Newsweek đã cải chính - dù chỉ một phần - với lời xin lỗi vì "nguồn tin" của bài báo đã không xác định lại tính trung thực của tin này. Nguồn tin ấy được tờ Newsweek cho biết là "một viên chức chính quyền Mỹ".
Chúng ta hãy xét lại vấn đề này từ nguyên ủy.
Tờ Newsweek có một kết luận tiên thiên - một thành kiến - là đã có sự lạm dụng quyền hạn tại nhà tù Guantanamo, nơi Hoa Kỳ giam giữ các nghi can khủng bố và tìm cách khai thác để lấy tin. Chúng ta có thể đồng ý rằng mọi nơi trên địa cầu này đều có thể có lạm dụng, nhưng Newsweek khẳng định một điều chứng minh sự lạm dụng ấy bằng cách dựa vào một nguồn tin họ cho là đáng tin. Sai lầm ở đây là ký giả đã không dùng cái đầu của mình để thẩm xét đúng sai.

Hoa Kỳ đã bị khủng bố và đang ở giữa một cuộc chiến chống khủng bố, việc khai thác tin tức từ các tù nhân để truy tìm khủng bố là điều tất nhiên và cần thiết. Nhưng, lấy tin như thế nào và làm sao thuyết phục tù nhân nói thật về những gì họ biết" Người ta có hai cách, một là gây áp lực trên tâm lý hay thể xác tù nhân để họ sợ mà khai. Hai là dụ dỗ cho tù nhân có thái độ hợp tác và đành nói thật. Cách "cứng" - gây áp lực hăm dọa - có thể dẫn tới lạm dụng và phạm luật nếu tù nhân bị tra tấn. Đúng hay sai thì tùy theo định nghĩa của từ "tra tấn" này. Binh lính hay chuyên gia thẩm vấn Mỹ không phải là thánh nên cũng có người đã làm điều xằng bậy như vụ Abu Ghraib có cho thấy.
Tuy nhiên, một tù nhân Hồi giáo sẽ có phản ứng ra sao khi thấy thánh kinh của mình bị bôi bẩn"
Ai cũng có thể biết là hành động ấy chỉ khiến tù nhân thêm căm giận và càng quyết liệt chống đối. Ai cũng có thể biết, trừ ký giả của tờ Newsweek. Chuyện phi lý này không thể đứng vững dù có nhiều - huống hồ là chỉ có một - nguồn tin mà thôi. Mọi người đều hiểu rằng nguồn tin nào cũng có ẩn ý, đúng sai xấu tốt ra sao là tùy khả năng chuyên nghiệp của nhà báo lấy tin. Ban chủ biên của tờ báo phải chịu trách nhiệm về tính chất thiếu chuyên nghiệp nếu không nói là ngu xuẩn của bản tin.
Điều thứ hai, nghiêm trọng không kém, là tờ báo phải ý thức được môi trường tâm lý đầy phức tạp của thế giới Hồi giáo. Loại tin tức như dân Mỹ xúc phạm thánh kinh Hồi giáo là một trái bom xăng ném vào thùng thuốc nổ. Trong hoàn cảnh ấy, yêu cầu về tính chất trung thực hay hợp lý của nguồn tin càng phải được cân nhắc kỹ lưỡng hơn để khỏi gây thêm vấn đề cho một vùng đất vốn dĩ đã có rất nhiều nguy cơ bạo động. Một tờ báo có uy tín lại không cân nhắc kỹ và trở thành công cụ cho những kẻ muốn ném xăng đốt nhà là điều đáng ngạc nhiên và đáng thất vọng. Vụ "xì căng đan" năm ngoái của hệ thống CBS với vai trò đáng trách của Dan Rather có thể giải thích được - dù không tha thứ được - ở lập trường chống Bush hoặc thân phe Dân chủ của nhiều người trong ban biên tập. Chúng ta có thể chê họ là gian nhưng không khờ. Newsweek chưa chắc đã có gian ý, nhưng rõ ràng là đã khờ dại.
Vô trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp và dại khờ là kết luận ở đây.
Truyền thông Mỹ nói chung đang bị dư luận Mỹ cho là ít đáng tin nhất, còn tệ hơn là các chính trị gia. Với thành tích tồi tệ vừa qua của tờ Newsweek, mong là dư luận sẽ có phản ứng mạnh và riêng người Việt ta sẽ tránh được phản ứng phổ biến là "báo Mỹ đã loan tin mà!" Tất nhiên, điều ấy không có nghĩa là "báo mình đáng tin hơn"!
Mười hai tiếng sau khi Newsweek cải chính và xin lỗi, chưa thấy báo chí trong nước đề cập gì tới vụ này, kể cả những hệ thống được coi là bén tin nhất!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.