Hôm nay,  

Tâm Sự Người Phụ Nữ Da Đen Bạch Tạng

01/09/200800:00:00(Xem: 3074)

Cha mẹ của Kenosha Robinson là người da đen nhưng cô lại có nước da giống người da trắng. Tưởng đó là điều may mắn, nào ngờ nó mang lại cho cô không biết bao nhiêu khổ đau, khó khăn, khiến cô phải trải qua không biết bao nhiêu nỗi đau lòng để được mọi người chấp nhận và yêu thương. Sau đây là những lời tâm sự của cô Kenosha Robinson...

Khi lớn lên ở thành phố Jackson, MS, tôi thường nhập bọn với người da trắng. Tôi cho đó là một việc rất tự nhiên, bởi vì trông tôi giống họ lắm. Trong lúc các chị em bà con của tôi được tặng những con búp bê da đen trong dịp Giáng Sinh thì những con búp bê của tôi lúc nào da dẻ cũng hồng hào trắng muốt. Khi tôi học tiểu học, có một lần trong giờ chơi, một trong những cô bạn học da đen bảo tôi rằng tôi không được quyền chơi chung với họ bởi vì con búp bê của tôi có màu da khác biệt với búp bê của họ.

Sau này, tôi mới hiểu được rằng cô ta muốn nói rằng mầu da của tôi khác biệt. Như những con búp bê của tôi, tôi có mái tóc vàng óng và đôi mắt xanh biếc. Và tôi là đứa bé da trắng duy nhất trong một rừng da nâu. Tôi là người Mỹ đen, chào đời với di truyền thể khác thường nên bị bệnh bẩm sinh là bạch tạng (albinism). Bệnh này có nghĩa là da tôi không có sắc tố (melanin). Di truyền thể này thuộc loại ngầm (recessive) chỉ truyền sang cho con cái nếu cả cha lẫn mẹ đều có di truyền thể này. Tuy vậy, chứng bệnh này cũng không phải là hiếm có, vì cứ mỗi 17,000 đứa trẻ thì có một đứa bị bạch tạng.

Mẹ tôi sanh tôi lúc mới lên 16 tuổi. Bà cố gắng hết sức để bảo vệ cho tôi, nhưng từ khi còn rất nhỏ tôi đã biết là mình khác thường rồi. Khi hai mẹ con chúng tôi ra đường, bất kể là đi đâu, đi vào thương xá, vào tiệm tạp hoá.v.v. người ta đều trân mắt ngó tôi chăm chăm. Ai cũng có thể thấy câu hỏi rõ mồn một trong ánh mắt họ: “Có phải nó thực sự là con ruột của cô ta không"”

Cha tôi qua đời vì bị sưng phổi khi tôi lên 7 tuổi. Điều mà tôi nhớ rất rõ về ông là việc ông thường xuyên bênh vực tôi. Một ngày, tôi hỏi cha tôi “Tại sao người ta lúc nào cũng chăm chăm nhìn con vậy bố"” Ông nói: “Vì con đẹp quá đấy”.

Thế nhưng, một số người trong đại gia đình của tôi thì lại không được tốt bụng như thế. Phần lớn bà con của tôi sinh sống ở châu thổ sông Mississippi, nơi mà người da trắng và da đen vẫn sống riêng rẽ, không chung đụng với nhau. Cái ý tưởng làm bạn với một người da trắng là điều không tưởng đối với bà con của tôi và vì thế họ không biết phải đối xử với tôi như thế nào. Và dường như cách duy nhất họ có thể nghĩ được là chĩa mũi dùi vào chòng ghẹo tôi. Họ gọi tôi “Con da trắng” khiến tôi có cảm tưởng như mình là một kẻ phản bội chủng tộc của mình.

Mẹ tôi thì có nhiều nỗi lo thực tế hơn, chẳng hạn như sợ tôi sẽ bị tia nắng mặt trời gây thương tật nếu để tôi chơi ngoài sân. Sự thiếu thốn chất melanin trong da tôi có nghĩa là da tôi sẽ không sạm nắng (tan) mà sẽ bị cháy phỏng vì tia nắng mặt trời.  Bất kỳ lúc nào tôi đi dự những cuộc picnic của cả đại gia đình hoặc do nhà thờ tổ chức thì bà đều trét thật nhiều kem chống nắng lên toàn thân thể tôi và buộc tôi phải đội nón. Trong giờ nghỉ trưa tại trường thì tôi phải ngồi trong bóng râm. Có một lần, khi tôi học lớp 4, mẹ tôi viết một lá thư xin cho tôi được miễn không phải đi tham dự ngày học hỏi ngoài trời nhưng tôi không nộp cho cô giáo. Tôi chạy chơi cả ngày dưới ánh nắng chói chan nóng bỏng của mặt trời. Khi tôi vào xe của mẹ lúc tan học tới đón, mẹ tôi chú ý thấy mặt tôi đỏ bừng. Tôi cố nói dối khoả lấp, nhưng mặt tôi càng lúc càng đỏ hơn và thân thể tôi bắt đầu bị phồng da khắp nơi. Sau đó, tôi phải nghỉ học suốt một tuần lễ vì bị bệnh.

Vấn đề sức khoẻ của tôi đã khiến cho tôi không bao giờ là một đứa trẻ “gồ ghề” cả. Tôi ghét việc phải đội nón. Và trên tất cả mọi thứ, tôi thù ghét nhất những câu hỏi về đôi mắt của tôi. Khi một người mang chứng bạch tạng ra đời thì họ thường bị cho là mù một cách hợp pháp (legally blind). Mặc dù tôi có thể nhìn và thấy được nhưng tôi mắc chứng nystagmus. Chứng này làm cho mắt tôi phải liên tiếp di chuyển từ bên này sang bên kia để có thể tìm được tụ điểm. Khi tôi gặp một người nào đó lần đầu thì tôi luôn đếm xem bao nhiêu giây sau họ sẽ hỏi “mắt chị bị gì vậy"”

Thế nhưng, những vấn đề sức khoẻ vẫn không sánh bằng những cực nhọc chật vật mà tôi phải đối phó khi lòng tự tin của mình bị xúc phạm. Trong tuổi thiếu niên, lúc bạn học càm ràm, than phiền vì những cái mụn trứng cá hoặc việc có kinh lần đầu,.... thì tôi lại phải đối phó với một sự khủng hoảng khác: Tôi là ai" Là một đứa con gái da trắng có cha mẹ da đen ư" Hay là một đứa con gái da đen trong thân xác một đứa da trắng"


Mississippi dĩ nhiên có một lịch sử khá căng thẳng về vấn đề kỳ thị chủng tộc. Mặc dầu tổ chức kỳ thị KKK không còn mạnh mẽ nữa, nhưng  tên Jim Giles – một tên kỳ thị chuộng thuyết da trắng siêu việt – vẫn đã từng tranh cử Quốc hội (congress) bằng một chiến dịch ồn ào chống da đen trong hai kỳ tuyển cử 2004 và 2006 (tuy thất bại).  Người da trắng và da đen ít khi nào chung đụng với nhau. Thật kỳ lạ, tôi có cảm tưởng như mình là nơi giáp mặt giữa hai nhóm người này vậy. Ở trường trung học, tôi được các bạn người da trắng nể phục vì trí thông minh cũng như óc khôi hài nhạy bén của tôi. Họ bầu tôi làm trưởng lớp. Thế nhưng, họ lại loại tôi ra khỏi những hoạt động xã giao của họ. Khi tôi hỏi “Cuối tuần này mấy bạn làm gì"” thì họ thường gạt phắt sang một bên, rồi đặt chuyện rằng họ phải làm chuyện này, chuyện kia cho gia đình. Có những lúc khác thì họ hết sức lỗ mãng, bàn tán chuyện đi chơi cuối tuần ngay trước mặt tôi nhưng không bao giờ mở miệng rủ tôi. Những cô bạn da đen cũng nể phục tôi như mấy cô da trắng trong khuôn viên nhà trường, nhưng họ cũng né tránh, lảng xa tôi mỗi khi đi trượt băng hoặc đi bát phố, đặc biệt là khi có mấy thằng con trai cùng đi.

Còn về chuyện dạ hội mãn khóa thì lại càng tệ lậu hơn nữa. Nó như là một cơn ác mộng đang chập chờn xảy ra vậy. Một cậu da đen có thể dẫn một cô da trắng dự dạ hội mãn khóa, nhưng việc dẫn một cô da đen có làn da trắng như tôi là một chuyện khác hẳn. Có một ngày mấy cậu bạn học da đen khá nổi hỏi tôi rằng ai sẽ dẫn tôi đi dạ hội, tôi trả lời rằng tôi sẽ đi một mình thì có giọng khinh miệt trong đám nói “Tại vì không ai thèm dẫn nó đi cả!”  Cuối cùng thì đêm ấy tôi ở nhà. Bây giờ nghĩ lại thì tôi không thể nào tin rằng mình lại dễ dàng bị đe dọa để không tham dự dạ hội mãn khóa của mình.

Đến một thời điểm nào đó thì tôi bỗng nghĩ rằng mình phải “chọn” chủng tộc cho mình, bởi vì đời tôi sẽ dễ thở hơn nếu tôi chọn cho mình một phe, hơn là phải luôn luôn giải thích cho cả hai phe. Tôi chọn những người da đen. Chúng tôi có cùng một di sản, và ở Mississippi thì trong cộng đồng da đen có một sự kiêu hãnh, tự hào thật sự. Tuy vậy, tôi vẫn thường cảm thấy có nhu cầu giải thích cho “màu da đen” của mình. Tôi bắt đầu nói tiếng lóng của người da đen. Tôi bắt đầu nghe nhạc “rap”. Tôi nghĩ rằng thuộc lời của những bản nhạc về răng vàng, tiền bạc, đàn bà và xe hơi sẽ làm cho tôi đủ điều kiện thành dân khu “ổ chuột” (“ghetto”).

Tuy cố gắng hết sức, tôi vẫn bị lầm tưởng là một cô gái da trắng. Và vì thế, tôi lại đặt để mình vào một nhóm khác nữa – nhóm những kẻ chuyên chọc cười làm trò hề trong lớp. Tôi tự chế diễu mình như một cách tấn công tiên khởi, không để người khác phê bình mình, chẳng hạn như giỡn cợt mà nói rằng “tôi không đủ trắng nên vẫn có thể đục cậu tơi bời đấy”. Những lần khác thì tôi lại đùa rằng mình vừa đủ độ trắng để “hô lên rằng mình bị bắt cóc” nếu cảnh sát chặn xe khi tôi đi cùng các bạn da đen và buộc tội chúng tôi chạy xe quá tốc độ. Thế nhưng, trong tâm khảm, tôi vẫn sợ hãi, không dám nhìn thẳng vào chính mình trong gương.

Đến khi phải chọn trường đại học thì tôi nghĩ đến chuyện ghi danh vào một trường đại học mà đa số sinh viên là dân da đen. Thế nhưng mẹ tôi ngại ngùng lo âu, và cuối cùng thì tôi cũng nghĩ giống mẹ tôi. Và vì thế, tôi chọn Millsaps, một trường đại học thiên về văn khoa và đa số sinh viên là dân da trắng ở Jackson, nơi tôi đang theo học. Ở đây, ngay tại tiệm ăn của trường thì sự phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại: trắng và đen gần như không bao giờ ngồi chung bàn cả. Cách đây vài tháng một vài sinh viên da đen tự động mò đến một buổi tiệc tùng tại một nhà nội trú da trắng. Họ bị đuổi ra và gọi là một lũ... Thôi tôi chả nói rõ ra làm gì, vì quý vị có thể tưởng tượng được rồi. Mặc dù không ai gọi tôi bằng những ngôn ngữ xúc phạm ấy, tôi vẫn cảm thấy căm phẫn vô cùng. Sự trung thành của tôi là với cộng đồng da đen. Tôi sẽ không bao giờ bước đến nhà nội trú ấy nữa.

Và cũng bắt đầu từ đây thì tôi bắt đầu lấy lại căn cước của mình qua một kiểu tóc truyền thống Phi Châu. Mỗi tuần tôi đổi kiểu tóc một lần , tạo cho mình một căn cước mới với từng kiểu tóc. Tôi cảm thấy hài lòng vì biết rằng tuy tôi không thay đổi được mầu da của mình, nhưng tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn với mái tóc của mình.

Sự tự tin của tôi vẫn là một công trình đang tiếp diễn. Đôi khi, tôi đang nói chuyện với những người bạn da đen thì tôi bỗng nhìn xuống làn da của mình rồi cảm thấy như bị vạch trần ra vì “ai cũng có thể thấy được mình da trắng”. Tuy vậy, càng ngày tôi càng cứng cỏi hơn và biết rằng mọi chuyện đều tốt vì mình là Nosha, lúc nào cũng vui vẻ. Thế nhưng đôi khi, thấy những cô gái với làn da bánh mật hoặc da nâu súc-cù-là thì tôi vẫn cảm thấy ganh tỵ với diễm phúc của họ.

Người tình gần đây nhất của tôi cũng đã làm cho tôi cảm thấy thật thoải mái một cách thật đặc biệt về chứng bạch tạng của tôi. Sự đặc biệt của tôi làm anh ấy mê tít thò lò, và chuyện này khiến tôi có thêm nhiều sự tự tin. Người đàn ông mà sau này tôi sẽ cưới cũng phải mê thích như thế. Có lẽ tôi sẽ lấy một người đàn ông da đen, mặc dầu tôi biết rằng chuyện có con khác mầu da với mình sẽ mang đến cảm giác kỳ kỳ. Tôi cũng sẽ muốn chồng tương lai của tôi đi thử nghiệm về di truyền thể, bởi vì, mặc dù bây giờ tôi cảm thấy thật thoải mái với chính mình, nhưng tôi không muốn con tôi phải trải qua những gì mà tôi đã từng phải chịu đựng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.