Hôm nay,  

Thể Thao; Dalai Lama: Biểu Tình Chống Trung Cộng, Nhưng Không Tẩy Chay Thế Vận Hội Bắc Kinh!

19/08/200800:00:00(Xem: 2312)
Điểm nổi bật nhất, cần được nêu đầu tiên là Thế Vận Hội Bắc Kinh là thế vận hội bị thế giới biểu tình chống đối nhiều nhất. Có thể nói, trong lịch sử thế vận hội, chưa bao giờ bị biểu tình chống đối nhiều bằng Thế Vận Hội Bắc Kinh. Nhiều nơi trên thế giới từ Hoa Thịnh Đốn, Népal, Ấn Độ, Đài Loan, Anh, Pháp, Ý, Đức, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ ... cho đến Hồng Kông và ngay tại Bắc Kinh ... đều có những cuộc kêu gọi, tổ chức biểu tình lớn nhỏ để phản đối, tẩy chay chính quyền Trung Cộng, nhân ngày lễ khai mạc kỳ thứ 29 Thế Vận Hội mùa hè được tổ chức tại Bắc Kinh.

Trong lúc đang diễn ra buổi lể khai mạc, thì tại Paris, ngay quảng trường Nhân Quyền Trocadéro thuộc quận 16, các cộng đồng Tây Tạng, Miến Điện, Tân Cương, Đài Loan, Trung Hoa Dân chủ và Việt Nam, với khoảng 500 người đã hiện diện trong một cuộc biểu tình để cùng phản đối về chính sách bành trướng, không tôn trọng nhân quyền và đàn áp dân chúng của chính quyền Bắc Kinh.

Cũng cùng lúc đó tại một địa điểm khác, hơn 300 người tuần hành chung quanh toà Đại Sứ Trung Cộng do sự vận động của Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF). Trước đó vài hôm, sở cảnh sát Paris từ chối không cấp giấy phép biểu tình, nhưng đến giờ cuối do sự khởi tố, Tòa Hành chánh đã quyết định cho Tổ Chức RSF được phép biểu tình, trong trật tự với sự bảo vệ chặt chẽ của nhiều đội Cảnh Sát Dã Chiến chung quanh khu vực Tòa Đại Sứ TC.

Cùng lúc với các thành phố lớn trên thế giới, để tiếp tục phản đối chính sách bá quyền, diệt chủng của Trung cộng đối với quốc gia Tây Tạng, cũng như đòi tự trị cho dân tộc Tây Tạng, vào ngày 7 tháng 8 năm 2008 cộng đồng người Tây Tạng đã tổ chức một cuộc biểu tình trước sứ quán Trung cộng tại thủ đô Berlin - Đức quốc với sự tham dự của hàng trăm người trong đó có người Đức và Việt Nam. Tại cuộc biểu tình mọi người đồng tình đánh động lương tâm thế giới và tố cáo nhà cầm quyền Trung cộng đã dùng Thế vận hội để đánh bóng cho chế độ và lừa bịp thế giới về những tội ác mà Trung cộng đã gây ra cho dân tộc Tây Tạng.

Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới cũng hô hào tảy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo các hãng thông tấn ABC, AFP, Reuters, Dalai Lama, lãnh tụ tinh thần tối cao của Tây Tạng, trước sau vẫn duy trì lập trường, nên biểu tình trong ôn hòa để phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng, chứ không nên tảy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh. Dalai Lama khẳng định, trong thời đại văn minh của thế giới hôm nay, chúng ta cần phân biệt giữa một bên là chế độ Trung Cộng vi phạm nhân quyền chúng ta cần phải chống, và một bên là hơn một tỷ nhân dân Trung Quốc, một phần quan trọng của cộng đồng nhân loại, hiện đang là nạn nhân của chế độ Trung Cộng, chúng ta cần phải giúp đỡ. Biểu tình chống chế độ Trung Cộng là đúng, còn tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh là sai.

Lễ Khai Mạc

Sau những chuẩn bị tốn kém khổng lồ về kinh phí lẫn nhân lực, buổi lễ khai mạc Thế vận Hội lần thứ 29 đã được diễn ra vào đúng 8 giờ 8 phút tối ngày 8/8/2008 trong bầu không khí nhộn nhịp tưng bừng và tràn đầy màu sắc rực rỡ tại “Vận Động Trường Thể Dục Quốc Gia Bắc Kinh”, tức cầu trường chính của đại hội thể thao thế giới lần này và còn được gọi là “Tổ Chim”.

Ngay trước giờ khai mạc, các đợt pháo bông được bắn rải rác lên từ các địa điểm chung quanh vận động trường để chuẩn bị cho những giây phút long trọng mà nhà cầm quyền Trung Quốc mong đợi suốt 7 năm qua kể từ năm 2001 khi họ được chính thức tuyển chọn làm quốc gia đăng cai Thế Vận Hội. Từ lúc 7 giờ 56 phút tính theo giờ tiêu chuẩn tại thành phố Bắc Kinh, khoảng 2008 nhạc công sử dụng một loại nhạc cụ gõ được xem như đã có từ thời cổ đại Trung Hoa, gọi là “phữu” có gắn các bộ phận dạ quang, để bắt đầu các điệu trống gõ hướng dẩn khoảng 91.000 quan khách cùng các vũ công khác trên sân, đếm từng giây cho đến giờ khai mạc. Và đúng 8 giờ tối, Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 được chính thức chào đón bằng hàng loạt âm thanh náo nhiệt kèm theo những tia pháo bông đủ màu, đủ kiểu tung bay tỏa chiếu rợp trời rồi sau đó trả lại bóng tối cho vận động trường để khán giả dễ dàng chú mục vào các điểm sáng hội tụ giữa sân là 5 vòng tròn lấp lánh ánh kim tuyến trắng, biểu tượng của Olympic. Lập tức, 5 vòng tròn này được câu lên cao trong khung cảnh mờ ảo của từng tia sáng sặc sỡ nhằm chuẩn bị cho sự xuất hiện của một thiếu nữ mặc áo đầm đỏ đứng giữa khán đài, độc diễn nhạc khúc “Ca Xướng Tổ Quốc”, mang đầy âm hưởng của dòng nhạc dân gian Trung Hoa. Đến đoạn phiên khúc 2 của ca khúc này thì hàng trăm em thiếu nhi xúng xính trong những sắc phục cổ truyền dân tộc của từng vùng trên lãnh thổ Trung Quốc lần lượt tiến ra sân với đội hình đi đầu cầm theo một lá cờ lớn, đó chính là “Ngũ Tinh Huyết Kỳ” (cờ đỏ 5 sao tượng trưng 5 dân tộc Hán, Hồi, Mông, Tạng, Mãn).

Đến đây, đột nhiên có 6 người mặc quân phục trong tư thế diễn hành của quân đội đón nhận lá quốc kỳ này và đi đến khán đài chính, tiến hành nghi thức chào cờ. Hình ảnh quân đội xuất hiện ngay trong buổi lễ khai mạc của một đại hội thể thao mang tính cách quốc tế và có truyền thống lịch sử vừa lâu đời vừa trang nghiêm, đã khiến người xem có phần sửng sốt khi chợt liên tưởng đến quang cảnh Thế Vận Hội Berlin 1936 dưới thời Đức Quốc Xã của nhà phát xít độc tài khét tiếng Hitler! Từ đó, người xem không khỏi có cảm giác dường như là cho dù muốn chứng tỏ thiện chí hòa hợp cùng trào lưu văn minh tiến bộ của thế giới đến cách mấy đi chăng nữa, những người lãnh đạo Trung Quốc vẫn không thể gột rửa được bản chất háo thắng thích thị uy của họ, và đồng thời để che đậy tâm lý tư ti mặc cảm của một nước lớn nhưng vẫn còn thua kém nhiều quốc gia Âu Mỹ và một số quốc gia khác cùng khu vực.

Sau khi nhạc khúc “Nghĩa Dũng Quân Tiến Hành Khúc”, tức bài quốc ca Trung Quốc chấm dứt, cầu trường “Tổ Chim” đã lắng chìm trong tâm trạng hồi hộp của khán giả đón chờ xem những “tác phẩm” của nhà đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu là người được tuyển chọn để thực hiện các màn hoạt cảnh chính cho buổi lễ khai mạc. Tưởng nên nhắc lại trước đó vào tháng 2/2008 nhà cố vấn nghệ thuật Hoa Kỳ Steven Allan Spielberg đã từ chối lời mời gọi khẩn thiết của Ban Tổ Chức Thế Vận Hội Trung Quốc, nhằm phản đối thái độ phản động của Trung Cộng trong cuộc phân tranh khốc liệt tại Darfur-Sudan vốn vẫn còn gây chấn động lương tâm thế giới cho đến nay.

Cùng với 2 đạo diễn phụ tá là Trương Thiệu Cang và Trần Duy Á, ông Trương Nghệ Mưu đã tận dụng kỹ thuật “câu giây” và “digital” để đưa người xem vào một thế giới “huyền thoại” chẳng khác gì các trò chơi game điện tử, qua 2 nội dung chính của buỗi lễ khai mạc: giới thiệu nền văn minh cổ đại và sự phát triển khoa học kỹ thuật hiện đại của nước chủ nhà. Đầu tiên, ngay khoảng trống giữa sân, tức sân khấu chính, được mở rộng thành hình chữ nhật từ mô hình một cuộn giấy trắng to lớn. Sau đó, các vũ công mặc y phục đen đã dùng loại bút pháp “Thủ Túc Mãn Thiên Thư Họa Vũ”, tức thể hiện lối vẽ tranh sơn thủy bằng cả chân và tay qua các điệu múa dựa trên những động tác võ thuật, để vẽ ra hình tượng núi sông, cây cảnh của bức tranh mang tên "Sơn Thủy Giang Sơn Đồ” nổi trên nền “trang giấy” được phóng ảnh theo nguyên tắc không gian ba chiều.

Qua những hình ảnh điện tử trên "trang giấy” kết hợp cùng những màn vũ múa cổ trang, nội dung các hoạt cảnh, đã mô tả lại câu chuyện lịch sử của dân tộc Trung Hoa từ thời cổ đại với hình ảnh đầu tiên là hàng ngàn vũ công mặc y phục thuộc giai cấp “Sĩ” thời xưa, tượng trưng cho 3000 môn sinh của Khổng Tử, trên tay cầm quyển “Trúc Giản”, tức dụng cụ bằng tre dùng để ghi chép vào thời cổ đại và mở ra để trình bày hàng chữ “Tứ Hải Chi Nội Giai Huynh Đệ”, vốn là câu vỡ lòng của quyển sách “Luận Ngữ”, nhằm chúc mừng quan khách tham dự. Kế đến là những hình ảnh nói về cục diện “Thất Hùng Phân Tranh” trong thời kỳ Chiến Quốc gồm Hàn, Sở, Triệu, Ngụy, Tề, Tấn, Tần cho đến các thời đại ổn định của các triều vua chúa kế tiếp qua các biểu tượng như Vạn Lý Trường Thành, Silk Road diễn đạt sự phát triển chính trị và kinh tế. Xen vào đó là những hình ảnh bộc lộ nét văn hóa đặc hữu vốn ưa chuộng lối ngâm vịnh thi ca của một thời Nho Giáo cực thịnh như là mẫu mực cho nền tảng thịnh trị của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Đồng thời, cũng không thiếu những màn hoạt cảnh phô trương nền văn minh qua các phát minh về ngành chế tạo giấy, ngành in ấn v.v.. của người Hán vốn đã nhận được nhiều sự triều cống về vật chất lẫn con người từ những quốc gia láng giềng bị họ đô hộ hoặc đàn áp từ xa xưa.

Qua những màn biểu diễn môn võ thuật “Thái Cực Đạo”, trên nền “trang giấy” xuất hiện một câu thơ nổi danh trong bài “Vọng Lư Sơn Bộc Bố” (Ngắm Thác Lư Sơn) của nhà thơ Lý Bạch: “Phi Lưu Trực Hạ Tam Thiên Xích, Nghi Thị Ngân Hà Lạc Cửu Thiên" (tạm dịch: nhìn nước tuôn thẳng ba nghìn thước, tưởng Ngân Hà rớt chín tầng mây). Thời kỳ cận đại và hiện đại còn được diễn tả trên nền hình của một quả cầu có trọng lượng 16 tấn, có gắn 8 vòng sắt làm trục kéo dây cho các vũ công nhào lộn xoay quanh đó để trình diễn các hoạt cảnh đi vòng trái đất bằng đường biển cũng như được sử dụng làm nền phóng đại các hình ảnh liên quan đến ngành khoa học kỹ thuật.

Đến đây, nhạc khúc chủ đề của Thế Vận Hội Bắc Kinh là “Ngã Hòa Nễ” (You And Me) được nữ ca sĩ giọng Soprano của Anh Quốc là Sarah Brightman hợp xướng cùng nam danh ca Lưu Hoan. Và ngay sau đó là nghi thức diễn hành của 204 đoàn tuyển thủ quốc gia cùng các khu vực trên thế giới được sắp xếp theo quy định của Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế (IOC) là: đoàn tuyển thủ Hy Lạp được dẫn đầu, do quốc gia này là vùng đất phát sinh ra Thế Vận Hội từ thời cổ đại và là nơi tổ chức Thế Vận Hội lần đầu tiên vào năm 1896, và đoàn tuyển thủ cuối cùng tiến vào vận động trường là nước chủ nhà Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng theo quy định của IOC, thứ tự các đoàn tuyển thủ đại diện quốc gia diễn hành sẽ căn cứ vào ngôn ngữ của quốc gia tổ chức nên lần này đã có sự khác biệt so với các lần tổ chức Thế Vận Hội trước đây. Đó là thứ tự các đoàn tuyển thủ diễn hành vốn được căn cứ vào các mẫu tự Alphabet của Tây Phương đã bị biến đổi theo thứ tự các nét chữ Hán Tự khi phiên âm tên các quốc gia. Chính vì vậy mà thứ tự từ trước nay của những các đoàn diễn hành đã trở nên… lộn xộn. Đây cũng là một ngoại lệ gây ra khá nhiều tranh cãi và vấn đề, điển hình là đoàn tuyển thủ Bắc Triều Tiên bị xếp đi sau đoàn tuyển thủ Đại Hàn nên đã lên tiếng phản đối Trung Quốc về cách sắp xếp căn cứ vào thứ tự nét chữ.

Dĩ nhiên, sau các đoàn tuyển thủ có nhân số hùng hậu như Canada, Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ v.v.. đoàn chủ nhà vẫn chiếm đa số với con số áp đảo là 639 tuyển thủ! Quả đúng là tuyệt chiêu “lấy thịt đè người” của dân Hán luôn được áp dụng trong mọi cuộc tranh tài. Trên khán đài danh dự, người ta còn nhìn thấy 80 vị nguyên thủ hoặc đại diện quốc gia đứng lên vẫy chào để đón mừng đoàn tuyển thủ của xứ mình, với các khuôn mặt lừng danh thế giới như :Tổng Thống Hoa Kỳ George W Bush, Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ Tướng Úc Kenvin Rudd, Thủ Tướng Nhật Bản Fukuda Yasuo, Thủ Tướng Nga Putin, Tổng Thống Đại Hàn Lý Minh Bác v.v…, nhưng đặc biệt không có sự tham dự của nữ Thủ Tướng Đức là bà Angela Dorothea Merkel. Xem ra, chiếc huy chương vàng đặc biệt đầu tiên của Thế Vận Hội lần thứ 29 nên trao tặng cho bà Merkel về bộ môn… "Nói Sao Làm Vậy”, vì trước đó bà chính là một trong những vị nguyên thủ quốc gia cường quốc Châu Âu tuyên bố không tham dự lễ khai mạc để phản đối chính sách đàn áp, vi phạm nhân quyền trầm trọng của Trung Quốc, và bà đã giữ đúng lời! Cho hay phái nữ và đặc biệt là phái nữ làm chính trị còn biết giữ chữ “tín” hơn hẳn các đấng mày râu Tây Mỹ nhiều!

Sau phần chúc từ của Hội Trưởng Ủy Ban Tổ Chức Thế Vận Trung Quốc và Hội Trưởng IOC cùng lời tuyên bố khai mạc Thế Vận Hội của Hồ Cẩm Đào, chủ tịch Trung Quốc, là nghi thức trương cờ Thế Vận và đọc lời tuyên thệ dành cho tuyển thủ và trọng tài. Nữ tuyển thủ khét tiếng về môn bóng bàn của nước chủ nhà là Trương Di Ninh đã đại diện các tuyển thủ đọc lời thề để chuyển tiếp sang phần thắp lửa với 8 vận động viên thay phiên nhau chuyền lửa cho người cuối cùng là cựu tuyển thủ thể dục dụng cụ Lý Ninh.

Từng nổi danh qua thành tích đoạt 6 huy chương (3 vàng, 2 bạc, 1 đồng) tại Thế Vận Hội Los Angeles 1984, Lý Ninh được câu giây bay một vòng quanh đài lửa rồi thắp sáng ngọn lửa Thế Vận Hội cùng lúc với những đợt pháo bông của tổng số 29.000 phát được bắn lên để chúc mừng, đã chính thức bắt đầu cho 3 tuần lễ tranh tài sôi nổi, và kết thúc khoảng 5 tiếng đồng hồ trôi qua của buổi lễ khai mạc.

Nhìn chung, với nhiều tốn kém tiền bạc và tập hợp nhân lực để luyện tập một cách công phu nhằm phô trương những nét "tiến bộ" như nhà cầm quyền Trung Quốc luôn quảng cáo ầm ỹ từ trước đó, buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 tuy đạt thành công trên lĩnh vực quy mô, tráng lệ và rực rỡ màu sắc nhưng xét về hình thức “câu giây” và hình ảnh xuất hiện của một thiếu nữ trong những lời ca êm ái nhẹ nhàng thì không phải là sáng kiến mới mẻ gì cho lắm, và càng làm cho khán giả hồi tưởng lại khung cảnh khá tương tự của buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội Sydney 2000. Hơn nữa, chính vì sử dụng quá nhiều màu sắc và kỷ thuật ánh sáng điện tử kết hợp cùng các bố cục phân cảnh để giới thiệu nhiều chi tiết lịch sử, nên nội dung trình diễn của buổi lễ khai mạc tại Bắc Kinh càng trở nên phức tạp khó hiểu, nhất là đối với quan khách ngoại quốc.

Các môn tranh tài

Những cuộc tranh tài bắt đầu lịch trình thi đấu ngay từ ngày đầu tiên 9/8 tại Thế Vận Hội Bắc Kinh qua một số bộ môn với các diễn tiến và kết quả như sau.

Bắn súng hơi (Air Rifle): Môn bắn súng hơi dành cho nữ ở cự ly 10m đã ghi dấu thành tích đoạt chiếc huy chương vàng đầu tiên của Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 thuộc về tuyển thủ Katerina Emmons của Cộng Hòa Tiệp. Emmons từng đoạt đoạt huy chương đồng tại Thế Vận Hội Athens 2004 và sau đó kết hôn cùng nam tuyển thủ bắn súng hơi người Hoa Kỳ là Matthew Emmons. Qua cuộc tranh tài ngày 9/8, Emmons cũng đạt kỷ lục mới của Thế Vận Hội với số điểm tổng cộng là 503,5 điểm. Đứng hạng Nhì là Lyubok Galkina của Cộng Hòa Nga được 501 điểm và Snjezana Pezcic của Croatia hạng Ba với 500 điểm.

Đây là kết quả hoàn toàn đi ngược lại dự đoán của nước chủ nhà Trung Quốc khi họ đặt kỳ vọng cao về chiếc huy chương vàng đầu tiên nơi tuyển thủ Đỗ Lệ vốn từng đoạt huy chương vàng tại Thế Vận Hội Athens 2004. Tuy nhiên, sau khi tiến đến vòng đấu thứ 5, Đỗ Lệ đã tỏ ra yếu kém trước các đối thủ và bị loại sổ khi tác xạ của cô mất hẳn phần chính xác ở loạt bắn cuối cùng.

Sau đó, nghi thức lãnh huy chương đầu tiên tại Thế Vận Hội lần này được ông Chủ Tịch Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế Jacques Rogge và ông Vazquez Rana, Hội Trưởng Hiệp Hội Các Môn Thể Thao Bắn Súng (ISSF: International Shooting Sports Federation) trao tặng.

Nhu đạo: Kế đến, nữ tuyển thủ Alina Dumitru thuộc đẳng cấp 48kg của Romania đã trở thành người đầu tiên đoạt được chiếc huy chương vàng về bộ môn Nhu Đạo sau khi loại được cường địch lợi hại Tani Ryoko của Nhật Bản tại vòng bán kết và quật ngã đối thủ người Cuba là Yannet Bernoy ở trận chung kết.

Riêng đối với Tani Ryoko, sau khi tạo thành tích đoạt huy chương bạc tại Thế Vận Hội Barcelona 1992, Atlanta 1996 và 2 lần đoạt huy chương vàng tại Thế Vận Hội Sydney 2000, Athens 2004, đây là thứ 5 cô tiến sâu vào vòng bán kết và buộc phải dừng lại ở thành tích đoạt huy chương đồng. Tuy không thực hiện được nguyện vọng 3 lần đoạt danh hiệu vô địch liên tiếp tại Thế Vận Hội nhưng với tình trạng thể lực sau khi sinh con vào cuối năm 2005 và ở lứa tuổi 32 hiện nay, việc Tani Ryoko tạo thành tích 5 lần liên tiếp đoạt huy chương tại Thế Vận Hội cũng là một sự kiện hiếm có.

Trong khi đó, nam tuyển thủ đầy triển vọng của Nhật Bản là Hiraoka Hiroasa (23 tuổi) đã thất bại ở lần ra quân đầu tiên tại vũ đài Olympic trước đối thủ người Hoa Kỳ Williams Murray ở vòng đấu thứ 2 của đẳng cấp 60kg. Như vậy, Nhật Bản đã tan vỡ giấc mộng đoạt huy chương vàng 4 lần liên tiếp của bộ môn này, sau khi tuyển thủ Nomura Tadahiro (33 tuổi) chiếm giải vô địch tại Thế Vận Hội Athens 2004. Hiraoka Hiroasa chính là tuyển thủ nổi bật trong làng vật Nhu Đạo Nhật Bản và được đánh giá là 1 tài năng trẻ có nhiều khả năng gây tiếng vang tại Bắc Kinh vì chính anh đã loại Nomura trong trận chiến của Giải Vô Địch Nhu Đạo Toàn Quốc Nhật Bản vào năm ngoái.

Tuy có vóc dáng thua kém so với Murray nhưng Hiraoka Hiroasa đã ra đòn tấn công trước bằng những thế sở trường dùng vai chịu sức để quật ngã đối thủ. Ngược lại, Murray cũng tận dụng lợi thế chiều cao để giằng co rồi sau đó lấy lại thế quân bình và phản công nên kết quả cuối cùng đã đoạt được điểm cao hơn.

Đợi đến ngày tranh tài thứ 2, tức 10/9, bộ môn Nhu Đạo mới mang về cho quê hương sản sinh ra nó chiếc huy chương vàng đầu tiên do nam tuyển thủ Uchishiba Masato thuộc đẳng cấp 66kg đoạt được sau trận chung kết đụng độ Benjamin Bardelet của Pháp Quốc. Bằng đòn gạt chân “Ippon Katchi” khiến đối phương ngã hẳn trên sân, Uchishiba Masato đã lập thành tích 2 lần liên tiếp vô địch Thế Vận Hội ở cùng bộ môn và đây cũng là chiến tích.

Trước đó, ở bộ môn nam đẳng cấp 60 kg, tuyển thủ Thôi Mẫn Hạo của Đại Hàn cũng được vinh dự trở thành “anh hùng” mang huy chương vàng đầu tiên về cho xứ sở “kim chi”

Cử tạ: Người mang về cho nước chủ nhà Trung Quốc chiếc huy chương vàng đầu tiên chính là nữ lực sĩ cử tạ Trần Tiếp Hà (Chen Xie Xia) ở đẳng cấp 48 kg, sau khi cô lần lượt thành công qua bộ môn cử tạ Snatch 95 kg (hình thức nâng tạ nhanh chóng qua khỏi đầu ở tư thế đứng yên, 2 tay và 2 tay dang thẳng) và bộ môn cử tạ Jerk 117kg (hình thức nâng tạ lên ngang tầm ngực và từ tư thế chân trước chân sau lấy thế nâng tạ qua đầu). Ngoài ra, với tổng số trọng lượng 2 bộ môn này là 212kg, Trần Tiếp Hà cũng đạt kỷ lục của Thế Vận Hội. Đồng thời, huy chương bạc thuộc về nữ lực sĩ Sibel Ozkan của Thổ Nhĩ Kỳ và huy chương đồng do nữ tuyển thủ Đài Loan Trần Vi Lăng đoạt được.

Để cổ vũ đội nhà nâng cao thành tích cạnh tranh, ngay sau khi tuyển thủ Trần Tiếp Hà đoạt chiếc huy chương vàng đầu tiên thì hãng chế tạo dụng cụ điện gia dụng là “Hải Nhĩ Tập Đoàn” (Haier Group) có trụ sở tại Thanh Đảo tỉnh Sơn Đông đã tuyên bố rằng “cứ mỗi tuyển thủ Trung Quốc đoạt được 1 chiếc huy chương vàng thì hãng Hải Nhĩ sẽ xây tặng một trường tiểu học tại các vùng nông thôn nghèo khổ”. Được biết, xí nghiệp Hải Nhĩ cũng là một nguồn tài trợ chính của Thế vận Hội Bắc Kinh và thường có kế hoạch tài trợ về giáo dục thông qua các cuộc vận động kêu gọi sự quyên góp từ giới giàu có tại Trung Quốc.

Bơi lội: Có lẽ đây là một trong những môn tranh tài hấp dẫn khán giả ái mộ nhiều nhất vì sự chú mục đặc biệt về “con rái cá trong hồ bơi” là Micheal Phelps, tay bơi xuất sắc 23 tuổi người Hoa Kỳ. Phels từng gây chấn động làng bơi thế giới tại Thế Vận Hội Athens 2004 khi đoạt được tổng cộng 6 huy chương, và lần này anh dự định sẽ đoạt 8 huy chương, tức một kỷ lục chưa có vận động viên nào thực hiện được trong một kỳ Thế Vận. Hiện nay, kỷ lục đoạt 7 huy chương vàng tại Thế Vận Hội Munich 1972 do tuyển thủ Hoa Kỳ Mark Andrew Spitz vẫn là một thử thách gian nan.

Bước đầu tiên đã thành công như Phels mong muốn khi anh nhanh chóng dẫn đầu qua bộ môn bơi hỗn hợp 400m dành cho nam ngay tại đợt tranh tài vòng loại ngày 9/8 với thành tích phá kỷ lục Olympic: 4 phút 7 giây 28! Vào sáng hôm sau tức ngày chủ nhật 10/8, Phelps lại tiếp tục vẫy vùng trên mặt nước và dẫn đầu đoàn bơi trong suốt thời gian tranh tài và cuối cùng đoạt huy chương vàng kèm theo thành tích phá kỷ lục thế giới là 4 phút 3 giây 84 (kỷ lục trước đó của bộ môn nam bơi hỗn hợp 400m là 4 phút 5 giây 25 cũng do chính Phelps thực hiện). Điều đáng kể là tuyển thủ luôn bám sát theo Phelps là Laszlo Cseh của Hungary tuy có nhiều nỗ lực lướt sóng, nhưng không tài nào đuổi kịp “con rái cá” Phelps nên về hạng Nhì với 4 phút 6 giây 16 và hạng Ba cũng là tuyển thủ Hoa Kỳ Ryan Lochte mất 4 phút 8 giây 09 để về đến đích.

Kế đến, vào ngày 11/8, Micheal Phelps lại đoạt thêm chiếc huy chương vàng thứ 2 để cùng đội bơi Hoa Kỳ đứng đầu thế giới qua bộ môn bơi tự do tiếp sức 4x100m. Đồng thời, đội Hoa Kỳ cũng phá kỷ lục thế giới với thành tích 3 phút 8 giây 24, đẩy lùi đội Pháp xuống hạng Nhì và đội Úc về hạng Ba.

Riêng về đội Úc cũng đoạt được 2 huy chương vàng từ bộ môn bơi lội qua thành tích hạng Nhất môn bơi ếch nữ do Lisbeth Trickett dẫn đầu và Stephanie Rice vô địch môn bơi 400m hỗn hợp nữ.

Ngoài ra, nam tuyển thủ Kitajima Kosuke cũng phá kỷ lục thế giới trong cuộc tranh tài bơi ếch nam 100m vào ngày 11/8 với thành tích 58 giây 91. Kỷ lục thế giới trước đây là 59 giây 13 do tuyển thủ Hansen của Hoa Kỳ thành lập vào tháng 8/2006. Đây cũng là chiếc huy chương vàng “hiếm hoi” thứ 2 của đội Nhật Bản.

Đặc biệt, Park Tae-hwan, tuyển thủ bơi lội Nam Hàn, đã gây chấn động mọi người khi vô địch trong cuộc tranh tài 400 mét, với thành tích 3 phút 41 giây 86 sao.

Túc cầu: Như thường lệ, lịch trình thi đấu vòng 1 của bộ môn túc cầu dành cho các đội nam lẫn nữ luôn được diễn ra trước thời điểm buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội, và tính đến ngày 11/8 kết quả tại các bảng đấu được ghi nhận như sau:

Các đội nam Bảng A: Sau những giằng co giữa câu lạc bộ Barcelona và cầu đoàn Olympic Á Căn Đình, cuối cùng tiền đạo trứ danh Messi (21 tuổi) cũng có mặt trong đội hình U-23 và góp phần quan trọng củng cố vị thế ứng viên vô địch cho Á Căn Đình sau khi họ chiến thắng Côte D’Ivoire 2-1 tại trận mở màn trên sân Thượng Hải vào ngày 7/8 và sau đó 3 ngày đã hạ Úc Đại Lợi 1-0. Với 2 trận thắng này, Á Căn Đình đã đoạt ngôi đầu bảng A và cầm chắc chiếc vé tiến vào tứ kết mặc dù còn lại 1 trận đụng Serbia vào ngày 13/8 trên sân Bắc Kinh. Đồng thời, qua 2 trận thắng với tỷ số khít khao vừa phải cũng cho thấy chiến lược giữ sức để ứng phó nơi cục diện quan trọng ở vòng trong của giải đấu luôn là yếu tố giúp Á Căn Đình thành công.

Hạng Nhì là đội Côte D’Ivoire nhờ vào chiến thắng 4-2 ở trận thứ 2 trước Serbia vào ngày 10/8. Trong khi cả Úc Đại Lợi và Serbia đều cùng thành tích 1 hòa 1 bại, nhưng dựa vào hiệu số bàn thắng bại, đội Úc Đại Lợi đứng hạng Ba và vẫn còn hy vọng ở trận cuối cùng gặp Côte D’Ivoire để lật ngược thế cờ.

Bảng B: Đây là chiến trường tương tranh ngôi vị Nhất Nhì khá gay gắt giữa 3 đối thủ đồng tài ngang sức là Hoa Kỳ, Nigéria và Hòa Lan sau khi Hoa Kỳ có lợi thế ở trận mở màn khi hạ Nhật Bản 1-0 trong lúc Hòa Lan bị Nigéria kềm chân 0-0, và tiếp đến trận chiến thứ 2 Nigeria đã xóa sổ Nhật Bản khi vượt qua con cháu của “Thái Dương Thần Nữ” 2-1, còn Hòa Lan bị Hoa Kỳ gỡ hòa 2-2 ngay trong những giờ phút chót.

Qua kết quả này, Hoa Kỳ vươn lên đứng Nhất với 4 điểm do có hiệu số bàn thắng bại cao hơn Nigéria. Và tuy Hòa Lan đứng hạng Ba nhưng nếu họ thắng Nhật Bản ở trận cuối cùng của vòng 1 ngày 13/8 sắp tới và trận chiến giữa Hoa Kỳ cùng Nigéria có tỷ số thắng bại thì “những cơn lốc màu da cam” vẫn tiếp tục gây áp lực tại vòng tứ kết.

Bảng C: Ba Tây đang cố gắng khẳng định sức mạnh của 1 cao thủ đang “khao khát” chức vô địch Olympic mà họ chưa từng đoạt được trong quá khứ, qua chiến thắng đè bẹp Tân Tây Lan 5-0 ở trận thứ 2 sau khi thắng Bỉ Quốc 1-0 vào ngày 7/8 trước đó một cách vất vả. Tuy nhiên, trước một Tân Tây Lan yếu kém hẳn về mọi mặt, tỷ số áp đảo 5-0 vẫn chưa đồng nghĩa với khả năng vô địch của Ba Tây được xác định ở mức độ cao.

Dĩ nhiên là 3 đối thủ cùng bảng là Trung Quốc, Bỉ Quốc cùng Tân Tây Lan vốn không đủ thực lực để tranh chân cùng Ba Tây nên ngôi vị đầu bảng C của đoàn quân áo vàng quần xanh hầu như đã xác thực. Riêng đội chủ nhà Trung Quốc sau trận hòa 1-1 cùng Tân Tây Lan và thua Bỉ Quốc 0-2 sẽ phải chạm trán với Ba Tây ở trận cuối cùng trong tình thế nghiêm ngặt khó lòng tạo được chiến thắng nên được xem như đứng trước nhiều nguy cơ bị loại ngay vòng 1 cùng đội Tân Tây Lan.

Bảng D: Tương tự như 2 đội mạnh của Nam Mỹ, đoàn quân “Thanh Y” Ý Đại Lợi cũng bộc lộ thế mạnh tại vũ đài Bắc Kinh lần này qua 2 trận thắng cùng tỷ số 3-0 trước Honduras và Đại Hàn. Do đó, đội Ý chỉ cần thủ hòa ở trận cuối cùng gặp Cameroon, sẽ giữ vững ngôi đầu bảng. Trong khi Cameroon hòa Đại Hàn 1-1 và thắng Honduras 1-0, tạm thời đứng Nhì bảng. Và chính vì cục diện tương tranh ngôi Nhất Nhì giữa Ý cùng Cameroon không đi đến mức độ quyết liệt nên niềm hy vọng tiến vào vòng tứ kết của Đại Hàn càng trở nên mong manh hơn.

Các đội nữ  Bảng E: (Vì chỉ có 3 bảng đấu dành cho bộ môn nữ, nên 2 đội Nhất Nhì mỗi bảng sẽ cùng 2 đội hạng 3 có thành tích cao nhất tiến vào tứ kết). Yếu tố lợi thế sân nhà đã giúp đội Trung Quốc bất chợt hạ gục cường địch Thụy Điển 2-1 ngay trận ra quân ngày 6/8 và sau đó hòa Canada 1-1. Trong khi khi Canada cũng thắng được Á Căn Đình 2-1 trong trận mở màn nên tạm thời đứng Nhất bảng E cùng đội Trung Quốc. Hạng Ba là Thụy Điển với thành tích 1 bại trước Trung Quốc và thắng Á Căn Đình 1-0 nên buộc họ phải thắng được Canada ở trận thứ 3 mới có thể vượt qua vòng 1. Qua đó, thế tương tranh giữa Trung Quốc, Canada và Thụy Điển vẫn còn là 1 ẩn số khó lòng dự đoán.

Bảng F: Cuộc so chân đầu tiên giữa Ba Tây và đương kim vô địch thế giới Đức Quốc đã đi đến tỷ số bất phân thắng bại 0-0 nên đã hình thành cục diện tương đối thuận lợi cho 2 cao thủ này tiến vào vòng tứ kết, vì họ chỉ còn gặp 2 đối thủ yếu kém hơn là Bắc Hàn và Nigéria. Và đúng như dự đoán, dù Bắc Hàn đã hạ Nigéria 1-0 ở trận mở màn nhưng cũng ngã gục trước Ba Tây 1-2 tại trận đấu thứ 2 vào ngày 9/8, trong khi đó Đức hạ Nigéria 1-0. Còn lại trận tương tranh cuối cùng giữa Đức Quốc-Bắc Triều Tiên, Ba Tây-Nigéria sẽ diễn ra vào ngày 12/8.

Bảng G: Sau khi thảm bại 0-2 trước cường địch Bắc Âu Na Uy, đội Hoa Kỳ đã phần nào lấy lại tinh thần chiến đấu qua trận thắng Nhật Bản 1-0 nên đứng Nhì bảng, trong khi Na Uy liên tiếp đá bại Tân Tây Lan bằng tỷ số vừa vặn 1-0 và trở thành đội bóng nữ đầu tiên tiến vào tứ kết với thành tích 2 trận thắng. Riêng 2 đội Nhật Bản và Tân Tân Lan lại hòa nhau 2-2 ở trận chiến thứ 2 nên cùng đứng hạng 3 với nhiều khả năng bị loại.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.