Hôm nay,  

Câu Chuyện Thể Thao

05/08/200800:00:00(Xem: 1795)
Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này chúng tôi xin được cùng quý vị tìm hiểu chi tiết về “Thế Vận Hội Dành Cho Những Người Khuyết Tật”, tức “Paralympic”.

Paralympic là một đại hội thể thao thế giới dành cho những người bị khuyết tật do “Ủy Ban Paralympic Quốc Tế” (IPC: International Paralympic Committee) tổ chức vào cùng năm và cùng địa điểm với Thế Vận Hội. Tuy nhiên, kể từ Thế Vận Hội Athens 2004 thì sự vận hành của “Ủy Ban Paralympic Quốc Tế” mới được sát nhập chung với Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế (IOC: International Olympic Committee).

Paralympic được khởi nguồn từ ý niệm “dùng thể thao thay phẫu thuật” để giúp cho những thương binh phục hồi tình trạng sinh hoạt bình thường sau chiến tranh. Ngay từ giai đoạn ban đầu, Paralympic hoàn toàn không có quan hệ gì với IOC với tính cách khác nhau về địa điểm tổ chức, nhưng từ sau Thế Vận Hội Seoul 1988, lịch trình của đại hội thể thao thế giới đã kèm theo quy định chính thức là Paralympic sẽ được tổ chức ngay sau thời điểm bế mạc của Thế Vận Hội tại cùng địa điểm.

Đầu tiên, danh xưng Paralympic được sử dụng bằng từ “Paraplegic” (bán thân bất toại) kết hợp với từ “Olympic”, nhưng sau đó có nhiều tuyển thủ không thuộc đối tượng “bán thân bất toại” cũng được tham gia đại hội thể thao này nên từ năm 1985 đã được đổi lại thành “Parallel” (song hành) kết hợp với từ “Olympic” và được diễn giải là “thêm một Thế Vận Hội nữa”. Vì vậy, thuật ngữ tổng hợp “Paralympic” tuy trước sau vẫn được giữ nguyên nhưng về ý nghĩa đã có sự thay đổi.

Paralympic mang đặc tính khác biệt với Thế Vận Hội là tùy theo tình trạng bị khuyết tật của các tuyển thủ thì các hình thức thi đấu sẽ được phân ra nhiều bộ môn khác nhau và có rất nhiều loại đối tượng. Thí dụ như bị khuyết tật về cơ năng vận động, bị khuyết tật về cơ năng não bộ, bị khuyết tật về thị giác thính giác, bị cụt chân tay v.v... Qua đó, các bộ môn thi đấu được quy định bằng 1 ký hiệu cộng với các con số biểu hiện tình trạng bị khuyết tật để phân biệt các tuyển thủ loại nào đang tranh tài về bộ môn gì v.v…

Theo một số tài liệu về lịch sử thể thao thế giới tuy có ghi chép về những đại hội thể thao dành cho những người bị khuyết tật được tổ chức từ đầu thế kỷ 20, nhưng lịch sử của Paralympic được nhìn nhận là chính thức bắt nguồn từ ngày 28/7/1948 (tức trùng vào ngày khai mạc Thế Vận Hội London) với danh xưng “Đại Hội Thể Thao Stoke Mandeville” được diễn ra tại bệnh viện Stoke Mandeville ở Anh Quốc. Bệnh viện này có khoa chuyên môn trị liệu các chứng bệnh về tủy sống cho những binh sĩ bị thương trong Đệ Nhị Thế Chiến do môt vị bác sĩ gốc Do Thái từ Đức sang Anh Quốc tị nạn tên là Ludwig Guttmann phụ trách, và ông chính là người đã đề xướng việc thực hiện “Đại Hội Thể Thao Stoke Mandeville”. Vào ngày 28/7/1948, đại hội thể thao này đã tổ chức cuộc tranh tài bộ môn bắn cung cho những bệnh nhân ngồi xe lăn. Từ năm 1948, “Đại Hội Thể Thao Stoke Mandeville” chỉ dành cho những bệnh nhân của bệnh viện này tham gia và được tổ chức liên tục hàng năm, nhưng đến năm 1952 thì trở thành 1 đại hội thể thao mang tính cách quốc tế với sự góp mặt của những tuyển thủ Anh Quốc và Hòa Lan.

Vào năm 1960, bác sĩ Guttmann với tư cách là Hội Trưởng đã thành lập một Ủy Ban Điều Hành và tổ chức “Đại Hội Thể Thao Quốc Tế Stoke Mandeville” cùng năm cùng địa điểm với Thế Vận Hội Roma. Vì vậy, cho đến nay “Đại Hội Thể Thao Stoke Mandeville Quốc Tế 1960” được gọi là “Paralympic Lần Thứ Nhất". Đến năm 1964, “Paralympic Lần Thứ Hai” được tổ chức cùng năm với Thế Vận Hội Tokyo nhưng lại chia làm 2 giải đấu gồm “Đại Hội Thể Thao Quốc Tế Stoke Mandeville” dành riêng cho những tuyển thủ ngồi xe lăn và “Đại Hội Thể Thao Quốc Tế Những Người Khuyết Tật” dành cho những tuyển thủ thuộc đối tượng bị khuyết tật ở tình trạng khác. Tuy nhiên, trên thực tế lúc đó vũ đài “Đại Hội Thể Thao Quốc Tế Những Người Khuyết Tật” này đã đi ngược lại danh xưng của nó khi được diễn ra gần như là 1 đại hội thể thao mang sắc thái riêng của Nhật Bản, nên hiện nay “Paralympic Lần Thứ Hai” được gọi 1 cách tổng hợp là “Paralympic Tokyo”. Hơn nữa, kể từ sau Thế Vận Hội Tokyo, truyền thống tổ chức Thế Vận Hội và Paralympic trong cùng năm và cùng địa điểm đã tạm thời bị gián đoạn. Và sau đó, Paralympic trở lại hình thức “Đại Hội Thể Thao Quốc tế Stoke Mandeville” chỉ dành cho những tuyển thủ ngồi xe lăn. Nhưng đến kỳ Thế Vận Hội Montréal 1976 thì “Liên Đoàn Thể Thao Quốc Tế Stoke Mandeville” và “Cơ Quan Thể Thao Quốc Tế Những Người Khuyết Tật” đã đi đến quyết định tái kết hợp để tiếp tục tổ chức Paralympic vào cùng năm tại Toronto. Ngoài ra, năm 1976 cũng là năm bắt đầu ra đời “Paralympic Mùa Đông” nên từ đó đến nay Paralympic và Thế Vận Hội đã trở thành “cặp bài trùng” trong cùng năm tổ chức.

Trong khoảng thời gian từ 1976 đến 1985, IOC vẫn cho rằng do tính cách riêng biệt của từng loại tình trạng bị khuyết tật nên tên gọi của đại hội thể thao này không được thống nhất, và mặc dù đã chính thức công nhận danh xưng “Paralympic” vào năm 1985 nhưng từ kỳ Thế Vận Hội Seoul 1988 đến nay IOC mới bắt đầu có những liên hệ trực tiếp với Paralympic.

Vào năm 1989, “Ủy Ban Paralympic Quốc Tế” (IPC: International Paralympic Committee) được thành lập và đặt trụ sở tại thủ đô Bonn của Đức Quốc để tiếp tục điều hành đại hội thể thao đặc biệt này. Sau đó, đến thời điểm Thế vận Hội Sydney 2000 thì IOC và IPC chính thức ký những văn kiện liên kết với nhau, trong đó quy định 2 điều căn bản quan trọng là: Paralympic sẽ được tổ chức tại cùng địa điểm ngay sau thời điểm Thế Vận Hội bế mạc và IOC sẽ được quyền tuyển chọn những ủy viên phụ trách từ IPC.

Kể từ sau Thế Vận Hội Tokyo cho đến thời điểm Thế Vận Hội Seoul 1988, Paralympic mới được tổ chức cùng địa điểm với Thế Vận Hội và từ đó đến nay đã gây được nhiều chú ý của giới hâm mộ kèm theo sự phát triển không ngừng của các bộ môn thể thao dành cho người bị khuyết tật. Đặc biệt là Paralympic ngày càng trở nên phổ biến với sự xuất hiện của các tuyển thủ đoạt nhiều huy chương thể hiện ý chí cố gắng vượt qua những trở ngại về thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, Paralympic cũng vẫn nảy sinh ra khá nhiều vấn đề do nguyên nhân chính xuất phát từ sự cạnh tranh để đoạt huy chương. Đương nhiên, thành tích đoạt huy chương vốn là niềm vinh dự cho tuyển thủ và quốc gia của mình, nhưng kèm theo đó là những số tiền thưởng từ quốc gia hoặc các cơ quan tài trợ để khuyến khích việc đoạt huy chương đã trở thành niềm ước mơ đối với nhiều tuyển thủ. Vì số tiền thưởng này có thể giúp họ nâng cao điều kiện tập luyện hoặc hoàn cảnh sinh hoạt, nên đã xảy ra một số vấn đề như sau:

Doping: Paralympic cũng phát sinh nhiều vần đề liên quan đến việc sử dụng kích thích không khác gì Thế Vận Hội. Và trong lúc tranh tài ban tổ chức cũng tiến hành những đợt kiểm tra nhưng có những tuyển thủ bị khuyết tật cần thiết phải dùng thuốc uống nên luật cấm dùng tất cả các loại thuốc trong thời gian tham dự Paralympic đã gây biến chứng và khổ sở không ít cho các tuyển thủ này.

Dụng cụ: Trong đại hội thể thao Paralympic có những dụng cụ được phép sử dụng khi tranh tài như xe lăn, chân giả v.v… Gần đây do việc ứng dụng những phát minh khoa học kỹ thuật của những quốc gia tiên tiến nên các dụng cụ dùng để thi đấu đã trở nên nhẹ nhàng, dễ sử dụng và thích hợp vơi cơ năng của người bị khuyết tật hơn. Và chỉ có những tuyển thủ ở các quốc gia giàu mạnh về kinh tế mới có được những dụng cụ đắt tiền này, tức là đã có lợi thế hơn những tuyển thủ ở xứ nghèo.

Phân loại: Tuỳ theo tình trạng và mức độ bị khuyết tật, các tuyển thủ sẽ được phân loại khi tranh tài tại Paralympic. Vì lẽ này nên ở bộ môn chạy đua 100m dành cho nam lẫn nữ tổng cộng có trên 10 tấm huy chương vàng. Từ đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng giá trị của 1 tấm huy chương vàng tại Paralympic quá thấp. Và để giảm bớt số lượng huy chương cho cùng 1 bộ môn cũng có những đề án quy định việc tổng hợp tình trạng và mức độ bị khuyết tật, tức là nếu bị trở ngại cùng 1 bộ phận thì sẽ thi đấu chung chứ không phân loại bị cụt chân tay hay tê liệt chân tay. Thế nhưng, nếu áp dụng những quy định này sẽ càng sinh ra tình trạng tương phản giữa các tuyển thủ được lợi thế và bất lợi một cách rõ ràng hơn. Thí dụ như trong môn bơi lội, nếu có sự tranh tài giữa tuyển thủ bị cụt 2 chân và tuyển thủ bị tê liệt 2 chân thì tuyển thủ cụt 2 chân sẽ có lợi thế hơn do trọng lượng cơ thể nhẹ, dễ vượt qua sức cản của nước.

Chính vì vậy, có thể nói rằng Paralympic đã bị đặt vào tình thế khó khăn khi phải chọn một trong hai: hoặc là “cạnh tranh công bằng” hoặc “giá trị của huy chương”. Trong kỳ Paralympic Mùa Đông 2006 tổ chức tại Torino-Ý Đại Lợi, ban tổ chức đã giảm bớt số lượng huy chương bằng cách áp dụng luật cộng thêm điểm tùy theo mức độ khuyết tật, tức là những tuyển thủ bị tình trạng nặng hơn sẽ được nhiều điểm và cuối cùng sẽ căn cứ vào điểm tổng hợp để trao tặng huy chương.

Giả dạng khuyết tật: Trong kỳ Paralympic Sydney 2000 đã phát sinh sự kiện có người bình thường giả dạng khuyết tật trong đội tuyển Tây Ban Nha để thi đấu môn bóng rổ dành cho những người bị chướng ngại về trí tuệ và kết quả đội Tây Ban Nha đoạt huy chương vàng. Vì vậy từ Paralympic Mùa Đông Salt Lake 2002, ban tổ chức đã hủy bỏ lịch trình thi đấu cho những người bị chướng ngại về trí tuệ.

Về các bộ môn tranh tài tại Paralympic gồm có:

Mùa Hè: điền kinh, đua xe đạp, bóng bàn, quần vợt ngồi xe lăn, bóng chuyền ngồi đất (Sitting Volleyball), bóng rổ ngồi xe lăn, Rugby ngồi xe lăn, túc cầu, nhu đạo, bắn súng, cưỡi ngựa, bơi lội, đua thuyền buồm (Sailing), bắn cung, ngồi xe lăn đấu kiếm, ném bóng có lục lặc (Goalball), ném bóng màu (Boccia), cử tạ.

Mùa Đông: trượt tuyết Alpine (Alpine Ski: trượt tuyết ở các địa hình dốc có độ nghiêng), trượt tuyết Nordic (Nordic Ski: trượt tuyết bằng 2 loại ván mỏng-dầy và bay nhảy qua các khu đồi núi), Ice Hockey ngồi ván, ném tạ ngồi xe lăn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.