Hôm nay,  

Những Ngày Cuối Của VNCH - Nguyên Tác: The Final Collapse Của Đại Tướng Cao Văn Viên (Tiếp Theo... Và Hết)

14/07/200800:00:00(Xem: 3482)
(Tiếp theo... và hết)

Tôi nói, càng già tôi càng nhận ra rõ là tôi càng không hiểu tất cả, và lúc nào cũng không chắc chắn về bất cứ việc gì. Nhưng lúc tôi nói chuyện với tổng thống Thiệu, đó là một thời điểm khó khăn, và nhận thức của tôi về tình hình lúc đó cũng giống như sự hiểu biết và nhận thức của những người Tây phương hiểu biết về Việt Nam. Một vài điều rất rõ ràng đối với tôi vào lúc đó: tình hình chiến sự rất bi quan, và dân miền Nam qui trách nhiệm vào tổng thống Thiệu. Những người trong đảng phái chính trị, phiá ủng hộ cũng như phía chống đối, đều không nghĩ rằng ông ta có thể đưa quốc gia ra khỏi cơn hiểm họa đang xảy ra.

Tôi nói với tổng thống Thiệu, kết luận của tôi là tất cả các tướng lãnh dưới quyền ông, mặt dù họ đang tiếp tục chiến đấu, tin rằng tình hình phòng thủ tuyệt vọng, trừ khi có một thương lượng ngưng bắn để chỉnh đốn hàng ngũ lại. Nhưng các tướng lãnh không nghĩ sẽ có cuộc thương lượng trừ khi vị tổng thống từ chức hay có một giải pháp nào để bắt đầu thương lượng.

Tôi nói, tôi nghĩ là nếu ông ta không từ chức, các tướng lãnh cũng sẽ mời ông từ chức.

Rồi ông Thiệu hỏi nếu ông từ chức thì có ảnh hưởng gì đến lá phiếu về viện trợ cho Việt Nam ở quốc hội Hoa Kỳ không. Tôi trả lời, vài tháng trước thì có thể ảnh hưởng số phiếu ở quốc hội, nhưng bây giờ sự thay đổi không đủ để thay đổi được kết quả.

Nói một cách khác, ông Thiệu nghĩ là nếu ông ta từ chức thì quốc hội có chắc chắn viện trợ đầy đủ cho sự sống còn của VNCH hay không. Tôi nghĩ chuyện thương lượng như vậy không còn nữa, ngay cả trước đây cũng không có chuyện thương lượng như vậy với quốc hội Hoa Kỳ.

Nói cho cùng, phía cộng sản sẽ nghe bất cứ những gì về người kế vị ông Thiệu, hay từ ông Thiệu. Sự từ chức của ông Thiệu không có ảnh hưởng ở miền Nam nhiều so với sự ảnh hưởng đối với CSBV.

Tôi nói tôi không trả lời được câu hỏi về ảnh hưởng của sự từ chức, nhưng dường như tất cả người dân miền Nam nghĩ sự từ chức sẽ đưa đến những tiến triển cho một thương lượng ngưng bắn.

Cá nhân tôi không nghĩ việc từ chức sẽ thay đổi được gì nhiều. Nếu Hà Nội thật sự muốn thương lượng, thì họ không muốn đối đầu với một lãnh tụ cứng rắn; họ muốn một người lãnh tụ yếu. Nhưng những người chung quanh tổng thống Thiệu nghĩ cần phải thương lượng vì không còn nhiều thời gian nữa.

Nhiều người nghĩ sẽ tránh được cảnh đổ nát, và nếu một quốc gia độc lập Nam Việt Nam tiếp tục hiện hữu, thì có hy vọng dù suy luận cho thấy sự hy vọng đó rất mỏng manh tình hình có thể khả quan hơn.

Cuộc đối thoại giữa tôi và tổng thống Thiệu kéo dài chừng một tiếng rưỡi đồng hồ.

PHỤ BẢN C

Bản Điều Trần Của Đại Sứ Graham Martin Trước Tiểu Ban Điều Tra Đặc Biệt, Ủy Ban Liên Hệ Ngoại Giao Quốc Tế Hạ Viện. Ngày 22 Tháng 1 Năm 1976. Đề Mục: Nổ Lực Tìm Kiếm Một Thương Lượng Hòa Giải Với Cộng Sản.

Câu Hỏi 11: Ngoại trưởng Kissinger vào ngày 5 Tháng 5, 1975 có tuyên bố Nga đã "cộng tác vừa đủ trong vai trò giúp Hoa Kỳ soạn thảo kế hoạch di tản nhân viên Hoa Kỳ và Việt Nam, và trong vai trò về một viễn tượng thay đổi chính trị trong thời gian nói trên. (a) Ông đã biết gì về vai trò của Nga trong vấn đề thương lượng trong hai tuần còn lại của tháng 4, 1975"

Trả Lời: Tôi chỉ biết được những gì tôi đã trình bày vừa qua. Có nghĩa là chính phủ Nga có thông báo cho Hoa Kỳ biết, là Hà Nội sẽ không cản trở cuộc di tản của chúng ta.

(b) Ông có đồng ý với những gì Kissinger tuyên bố"

Trả Lời: Tôi đồng ý.

Câu Hỏi 12: Trong thời gian trước khi Dương Văn Minh lên nắm quyền, Tòa Đại Sứ Pháp có thông báo cho ông biết là cộng sản muốn thương lượng chính trị với Minh, chứ không quyết tâm đánh bại VNCH về quân sự.

Trả Lời: Nói đúng hơn, ý nghĩa của câu hỏi đó nghiêng về phía người Pháp: người Pháp hy vọng chuyện sẽ xảy ra như vậy.

Hỏi: Như vậy thì người Pháp lấy tin tức đó từ đâu"

Trả Lời: Phần nhiều các chánh phủ, cũng như chánh phủ Hoa Kỳ và Pháp, ít cho biết họ dùng phương pháp nào, hay đường dây nào để thu thập tin tức. Và câu trả lời của tôi là, tôi không biết họ lấy tin tức từ đâu.

Câu Hỏi 13: Ngoại trưởng Kissinger tuyên bố vào ngày 5 tháng 5, 1975 là, cho đến ngày 27 tháng 4, 1975, Hoa Kỳ vẫn còn "nhiều hy vọng" CSBV sẽ không có ý chiến thắng về quân sự, mà họ sẽ "thương lượng" một giải pháp chính trị với Dương Văn Minh. Sự kiện nào đã khiến Hoa Kỳ nghĩ chuyện đó có thể xảy ra"

Trả Lời: Có nhiều tin tức mà tôi chưa biết được để trả lời câu hỏi này. Tôi có yêu cầu Bộ Ngoại Giao cung cấp tin tức về câu hỏi này, và sau đây là những sự kiện:

Ông Ngoại Trưởng tuyên bố như trên trong một cuộc họp báo vào ngày 29 tháng 4, ngay sau cuộc di tản. Hy vọng của Hoa Kỳ đến từ những tin tức tình báo và những tuyên bố phía cộng sản, và của VNCH vài tuần trước khi Saigon thất thủ. Như những gì tổng trưởng Ngoại Giao đã tuyên bố vào ngày 29 Tháng 4, là Hoa Kỳ đã liên lạc với nhiều người trung gian đại diện cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Bắc Việt, và đã có được một vị trí để trao đổi quan điểm qua lại. Ông Ngoại Trưởng có nói rõ (trong lần họp báo ngày 5 tháng 5) là Nga đã giúp đỡ một cách khiêm nhường để chúng ta soạn thảo được vấn đề di tản người Mỹ và Việt, đồng thời họ cũng cho biết có một khả thể nào đó cho một sự thay đổi về thương lượng chính trị cho hai bên.

Trong những tuần còn lại của Tháng 4, VNCH thi hành và phản ứng nhanh chóng, trả lời những đòi hỏi của CSBV như là những điều kiện để thương thuyết. Tháng 3 và đầu Tháng 4, CSBV đòi tổng thống Nguyển Văn Thiệu từ chức. Tổng thống Thiệu từ chức ngày 21 tháng 4. CSBV sau đó yêu cầu người kế vị tổng thống Thiệu từ chức, và nói rõ họ chỉ thương lượng với đại tướng Dương Văn Minh. Đòi hỏi này được thỏa mãn; Dương Văn Minh lên làm tổng thống sau đó. Cùng lúc, Saigon thỏa mãn tất cả những đòi hỏi từ phía cộng sản, mặt dù những đòi hỏi được đưa ra hàng ngày.

Tuy nhiên, cũng như những gì ông tổng trưởng Ngoại Giao đã tuyên bố, vì những lý do không rõ, CSVN thay đổi ý kiến vào đêm 27 tháng 4, và chuẩn bị thi hành kế hoạch quân sự của họ. Khả thể của một dàn xếp chính trị không còn nữa. Vào ngày 30 tháng 4 quân đội cộng sản chiếm Saigon, và tướng Minh bị ra lệnh kêu gọi quân đội VNCH đầu hàng vô điều kiện.

Câu Hỏi 14: Nói về chuyện những cố gắng đi tìm một giải pháp thương lượng chính trị với phía cộng sản để thay đổi chính quyền Saigon, trong khoảng từ ngày 19 đến ngày 27 tháng 4, hai phái đoàn Hung Gia Lợi và Ba Lan trong Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến có đóng vai trò gì không"

Trả Lời: Câu trả lời của tôi là hai phái đoàn nói trên bị ngỡ ngàng vì sự biến chuyển quá nhanh của tình hình trong những ngày 19 đến 27. Theo sự quan sát và nhận định của tôi, trong giai đoạn đầu, vai trò của hai phái đoàn đó được nghĩ là có lợi cho cuộc thương lượng.

Câu Hỏi 14 (a): Họ có chuyển tin tức từ phía CSBV đến tòa đại sứ không"

Trả Lời: Theo sự hiểu biết của tôi, họ không có trực tiếp chuyển những tin tức nào đến tòa đại sứ.

Câu Hỏi 14 (b): Họ có cung cấp cho tòa đại sứ những "phân tích" về đường lối của Hà Nội về một thương lượng chính trị"

Trả Lời: Có, điều đó thật sự có. Họ cung cấp cho tòa đại sứ liên tục từng giờ về những biến chuyển.

Câu Hỏi 14 (c): Nếu có, thì họ đã cung cấp cho tòa đại sứ tin tức gì"

Trả Lời: Tôi có một ấn tượng là một trong những sự phân tích đã quá chậm so với những biến chuyển đang xảy ra; hoặc là những phân tích đó là một ngụy tạo, có trọng tâm là chính phủ Dương Văn Minh sẽ được Hà Nội chấp nhận để đi đến một thương lượng. Trong khi phân tích của một phái đoàn khác thì có vẻ thận trọng, chuyên nghiệp và chính xác hơn.

PHỤ BẢN D

Việt Nam: Viễn Tượng Cho Tương Lai" Một Chiến Lược Cô Lập" (1)

Cách đây không lâu cán binh cộng sản vẫn còn lội bộ khuân vác, hay chuyên chở vũ khí trên xe đạp thồ dọc theo những con đường xâm nhập trong rừng núi. Khoảng cách và sự di động được đo bằng nước mắt và mồ hôi của những cán bộ Việt Minh. Những cán bộ này hình như không bao giờ biết mệt khi di chuyển vũ khí ra chiến trường cho đồng bạn.

Các tướng lãnh chỉ huy Pháp ở Việt Nam trong những năm đầu thập niên 1950, nhìn những tấm hình tuyên truyền về sức chiến đấu của dân công Việt Minh, lắc đầu, nửa thương hại, nửa nghi ngờ. Khoảng giữa năm 1954 quân đội anh dũng Pháp bị đánh bại hoàn toàn ở một thung lũng mà khi nhắc đến tên, nói lên huyền thoại của CS Bắc Việt.

Khi cuộc xung đột được nhen nhúm lại sáu năm sau, các cán binh Việt Cộng vẫn đi theo con đường những đàn anh Việt Minh của họ đã đi từ trước. Và một thập niên sau, sức mạnh của quân đội cộng sản được biểu dương qua một nguyên lý họ luôn luôn tôn sùng: Tiếp liệu là phương diện quan trọng nhất của chiến trường; và kết quả của trận chiến thường được quyết định từ đó. Một nguyên lý khác cũng được cộng sản áp dụng thường xuyên là sự tự do di chuyển ở chiến trường họ gọi là di động chiến lược một trong những khái niệm Cá-và-Nước của Mao Trạch Đông: dân chúng là nước; quân là những con cá sống, lội trong nước đó.

Sự thành hình của di động chiến lược đến từ hai điều kiện quốc nội và quốc ngoại của một quốc gia khi điều kiện kinh tế xã hội của những quốc gia thoát ra từ tình trạng thực dân đô hộ, từ khi thế giới chia ra hai khối rõ ràng sau đệ nhị thế chiến.

Thật vậy, gần một phần tư thế kỷ, cộng sản Việt Nam có được hai ưu điểm hơn phiá tự do: Họ có được sự an toàn ở các căn cứ hậu cần trong nội địa hay bên quốc gia lân cận những căn cứ hậu cần đó là nơi họ dưỡng quân sau những cuộc đụng độ để chuẩn bị cho những trận đánh mới mà không sợ bị khuấy phá. Hoặc khủng bố cho người dân địa phương sợ và nghe theo; hoặc dùng phương pháp tẩy não tuyên truyền để có sự hợp tác, cộng sản có thể di chuyển không sợ bị lộ, và từ đó họ tấn công, tàn phá, tùy theo sự thuận lợi về quân sự và chính trị. Những Căn Bản Quân Sự Để đương đầu với cộng sản, quân đội VNCH và Hoa Kỳ đã dùng mọi cách chỉ trừ chưa tấn công qua "hậu phương vĩ đại" của Bắc Việt mà thôi. Tuy nhiên chừng bốn năm trước đây cộng sản gần như đối đầu được với những kế hoạch chiến lược của đồng minh qua sáu nguyên tắc căn bản du kích chiến của Mao Trạch Đông: Địch tiến ta lùi, địch lùi ta tiến; lấy nhỏ đánh lớn, lấy lớn đánh nhỏ; lấy thực lực của địch làm của ta; và quân đội CS lừa bịp nhân dân khiến dân phải nuôi CS.

Đến năm 1967, cuộc chiến Việt Nam bước vào năm thứ tám, cuộc tranh chấp hai bên gần như bất phân thắng bại: mỗi ngày hai bên giao chiến ở nhiều nơi trên chiến trường, hàng trăm trận lớn nhỏ, và bên nào cũng cho mình thắng.

Nhìn lại giai đoạn này chúng ta phải đồng ý là mỗi bên đều có phần thắng ở một phần nào đó. Đối diện với hỏa lực độc tôn của đồng minh, cộng sản thường rút đi sau khi đụng trận. Nhưng thông thường, các tư lệnh đồng minh không tiếp tục lợi dụng những thành công chiến thuật đó, mà lại để cho địch rút về mật khu an toàn của họ. Ngược lại, quân đội Bắc Việt không đủ khả năng để đánh bại VNCH hay làm dân chúng Hoa Kỳ nản lòng như họ đã làm với Pháp ở Điện Biên Phủ 18 năm về trước.

Sự bế tắc về quân sự giữa hai bên có thể nhìn thấy một cách rõ ràng từ nhiều góc cạnh. Với hệ thống tuyên truyền khôn khéo, Hà Nội thành công ngụy tạo cho thế giới tin tưởng cuộc chiến của họ là cuộc chiến cho độc lập và tự do. Dĩ nhiên, ở miền Nam, người dân đã có kinh nghiệm với cộng sản qúa nhiều để tin vào những tuyên truyền đó. Song song với những tuyên truyền, cộng sản nằm vùng không cần quan tâm với người dân tìm mọi cách để phá tan nền tảng kinh tế, xã hội ở miền Nam. Như vậy, đến năm 1967, cuộc chiến nằm trong thế bất phân thắng bại về kinh tế, quân sự và chính trị và không bên nào có khả năng chiếm được thế thượng phong.

Đối diện với cuộc chiến không đi đến đâu, các tư lệnh đồng minh thấy họ phải làm một cái gì đó để phá vỡ cái vòng lẩn quẩn của chiến tranh: phá hủy và chết chóc; càng đánh mạnh thì càng chết nhiều, và sự tàn phá lớn hơn. Nhưng chiến lược quân sự toàn cầu Hoa Kỳ có tính cách uyển chuyển, từng chiến lược mà Hoa Kỳ đang áp dụng ở Việt Nam không tạo ra được khó khăn nào mà Hà Nội không phản ứng lại được.

Về phía cộng sản, các tư lệnh quân sự Bắc Việt thấy được thực tế của chiến trường. Nhưng vì không phải quan tâm về luân lý, đạo đức, họ phác họa một kế hoạch tấn công rất độc hại, tàn ác, mà chỉ cần thêm một chút may mắn thì đã đưa họ đến chiến thắng. Trong cuộc tổng tấn công, tổng nổi dậy, vào những ngày đầu năm 1968, lợi dụng cuộc ngưng bắn vào ngày tết, cộng quân xâm nhập và tấn công nhiều thành phố quân lỵ của VNCH.

Cuộc tấn công ồ ạt, liều lĩnh vào năm Mậu Thân 1968, là sự trả lời rõ ràng cho đồng minh, là tình hình chiến trường vào lúc đó chưa hẳn là "thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm" như họ nghĩ. Cuộc tấn công của cộng sản khiến dư luận quốc nội Hoa Kỳ muốn chính phủ họ rút khỏi chiến trường Đông Dương. Sau ba tháng tấn công với một số thương vong là 80 ngàn người, CSBV đã không đạt được mục đích đề ra. Thay vì toàn dân miền Nam tổng nổi dậy như họ tưởng, dân miền Nam ngược lại, đã chống cộng sản hoàn toàn. Thay vì đạt được một chiến thắng mỹ mãn, các cấp số đơn vị của CSBV bị hao tổn một cách thảm hại.

Cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 hình như là một kế hoạch dựa vào những nguyên lý chiến tranh của thống soái Lâm Bưu dùng nông thôn bao vây thành thị. Cộng sản dự định cuộc tấn công sẽ đem lại sự kiểm soát làng xã, nông thôn nhiều hơn họ đang có. Nhưng đến giữa năm 1968 quân đội VNCH và Hoa Kỳ đã cắt đứt vòng dây của cộng sản chung quanh các đô thị, và lợi dụng những khoảng trống chính trị ở thôn quê, VNCH nới rộng sự kiểm soát cuả chính phủ sâu rộng hơn vào các phần trên lãnh thổ VNCH.

Với tất cả mồ hôi, nước mắt, xương máu, cấp chỉ huy cộng sản không đạt được gì trong trận Mậu Thân, trừ một kết qủa mà các phân tích gia quân sự gọi là "một thất bại quân sự nhưng một chiến thắng tuyên truyền vô giá." Sự thiệt hại của CSBV được chính phe cộng sản công nhận vài tháng sau, khi Trung Ương Cục Miền Nam ra quyết nghị thứ 9, chỉ thị các đơn vị cộng sản quay trở lại chiến lược "tiết kiệm lực lượng": trở lại lối đánh du kích. Quyến nghị này cho thấy tình trạng thật sự suy sụp về khả năng của cộng sản sau trận Mậu Thân.

Trận tấn công năm 1968 là một dấu mốc quan trọng của cuộc chiến Việt Nam ít ra theo những gì được nói về cuộc tấn công đó. Giữa năm 1968, trong khi cộng quân rút lui trên mọi mặt trận, Hoa Kỳ và VNCH thực thi một số biện pháp đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cuộc chiến.

Sau khi dân chúng miền Nam thể hiện lá phiếu bằng chân của họ đối với cộng sản trong năm Mậu Thân, chính quyền VNCH quyết định võ trang nhân dân miền Nam. Hơn nửa triệu vũ khí cũ được giao cho Nhân Dân Tự Vệ, một lực lượng bao gồm tất cả tráng niên từ 16 đến 50 tuổi. Với gần hai triệu người dân được giao cho phương tiện để chống lại cộng sản, cuộc chiến Việt Nam trở thành một chiến tranh nhân dân ở trong lãnh thổ miền Nam. Nói theo ngôn ngữ chiến tranh du kích của cộng sản, thì con cá du kích quân VC bắt đầu thấy vũng nước dân chúng bắt đầu cạn dần: khả năng di động của cộng quân bị giới hạn nhiều từ khi chương trình Nhân Dân Tự Vệ được áp dụng.

Sau khi lực lượng Nhân Dân Tự Vệ nhận lãnh một phần trách nhiệm của Nghĩa Quân; Nghĩa Quân được giao lại phần trách nhiệm của Địa Phương Quân. Chỉ vài tháng sau, hai lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân có nhiệm vụ bảo vệ một phần lớn lãnh thổ, để 10 sư đoàn chủ lực của VNCH được rảnh tay tấn công vào những hậu cứ của cộng sản.

Đến cuối năm 1969, phần lớn các căn cứ của CSBV ở miền Nam bị phá hủy; cuộc chiến bây giờ giới hạn vào những vùng ở biên giới. Sự kiện này đưa đến một thay đổi lớn về tình hình chiến sự ở Việt Nam khi quân đội Hoa Kỳ giảm binh và chuẩn bị tái phối trí từ các vùng trách nhiệm của họ. Đến ngay thời gian này, hoàng thân Norodom Sihanouk, "ông hoàng Đỏ", bị đảo chánh và mất quyền ở Cam Bốt. Quân đội VNCH lập tức mở cuộc hành quân tấn công qua các căn cứ cộng sản ở bên kia biên giới. Khi cộng sản không còn xử dụng được hải cảng Sihanoukville, bộ tư lệnh tối cao cộng sản bây giờ chỉ còn con đường xâm nhập Hồ Chí Minh là đường tiếp tế duy nhất cho chiến trường miền Nam. Khi nhắc đến đường mòn Hồ Chí Minh, chúng ta cũng phải nói đến cuộc hành quân Lam Sơn 719, đánh qua Tchepone và những mục tiêu không kém quan trọng khác ở Hạ Lào.

Bốn năm sau cuộc tấn công Mậu Thân, tình hình chiến trường rõ hơn đối với những rối loạn hỏa mù của những năm tháng trước. Thật vậy, mặc dù tổn thất về nhân sự của cuộc chiến vẫn còn cao 50 binh sĩ Hoa Kỳ, 350 Việt Nam, và 2500 cộng quân tử trận hàng tuần tình hình chiến sự sau năm 1971 có tính cách tiếp liệu: địch quân cố gắng mở đường tiếp tế; đồng minh tìm cách cắt đứt. Thêm vào đó, cộng quân không còn lợi thế trong liên hệ quân sự chính trị với người dân như họ đã có trước đây. Không còn sự ủng hộ của dân và bị phân tán mỏng, tinh thần chiến đấu của cán binh cộng sản không còn cao như trước. Để thay vào mất mát đó, cộng sản cố gắng cung cấp thêm cho các đơn vị vũ khí và phương tiện vật chất.

Với tình hình mới, trên quan điểm quân sự thuần túy, đồng minh nghĩ phải có cách nào để đối phó; và CSBV có chiến thuật gì mới cho cuộc chiến đấu trường kỳ của họ" Cô Lập Từ năm 1966, trong một buổi nói chuyện với nhiều sĩ quan cao cấp, tác giả có đề cập đến một chiến lược gồm có 7 điểm để đối phó vối cuộc chiến, mà tác giả gọi là Chiến Lược Cô Lập. Với tất cả những khiếm khuyết của chiến lược, 7 điểm đó được nêu ra ở đây để chúng ta có thể bàn về những ưu điểm và giới hạn của nó.

Tách rời du kích ra khỏi dân để phá đi hạ tầng cơ sở của chúng.

Cô lập các đơn vị chủ lực và đơn vị địa phương để cả hai không tựa vào và tiếp ứng nhau, để chúng ta có thể tiêu diệt dễ hơn.

Triệt tiêu các căn cứ hậu cần của địch trong lãnh thổ VNCH.

Triệt tiêu các căn cứ hậu cần của địch ở những nước lân cận.

Thiết lập một hàng rào chống xâm nhập dọc theo vĩ tuyến 17, từ Đông Hà đến Savannakhet.(2)

Cắt liên lạc giữa mặt trận và hậu cứ của CSBV ra làm hai bằng cách đổ bộ lên Vinh hay Hà Tỉnh.

Thành lập một liên minh các quốc gia gồm có Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.(3)

Từ khi Chiến Lược Cô Lập được đề ra, đến nay đã qua một thời gian khá lâu, nhưng không một kế hoạch nào được thực thi về kế chiến lược này.

Khi Nhân Dân Tự Vệ được thành lập vào năm 1968, dân có được phương tiện tự vệ, và không còn để bị cộng sản dọa nạt bằng những phương tiện khủng bố. Tiếp theo chương trình nhân dân tự vệ là kế hoạch Phụng Hoàng một kế hoạch đem lại nhiều kết quả khả quan, phá hủy các tổ chức nằm vùng của cộng sản các cơ cấu hoạt động của cộng sản tại thôn xã lần lần biến mất. An ninh được tái lập ở nông thôn và cộng sản chỉ hoạt động hữu hiệu trong tình trạng hỗn loạn thiếu chính quyền mất đi cơ sở chính trị quân sự ở nông thôn. Trong tình thế đó, cuộc chiến không còn căn bản là du kích nữa. Và khi đánh theo chiến tranh qui ước, cộng sản không thể thắng được đồng minh vì hỏa lực bên ta quá mạnh. Cho đến năm 1970, các căn cứ hậu cần của cộng quân hầu như bị hủy diệt hoàn toàn. May mắn hơn cho đồng minh, năm 1970, khi tình hình chính trị thay đổi ở Pnom Penh chúng ta có dịp tấn công những căn cứ và chiến khu của địch nằm dọc theo biên giới Cam Bốt. Những kết qủa thâu lượm được ở những căn cứ như Parrot's Beak, Angle's Wing, Dog's Face làm cho đồng minh phấn khởi và đưa đến cuộc tấn công qua Hạ Lào năm sau như là một kế hoạch đương nhiên.

Hành quân Lam Sơn 719 bắt đầu vào tháng 2, 1971 và chấm dứt hai tháng sau. Hành quân Lam Sơn 719 chặn đứng kế hoạch phản công của CSBV ở Vùng I. Mặc dù không thành công mỹ mãn như cuộc hành quân qua Cam Bốt, cuộc hành quân đánh qua Hạ Lào đã phá hủy một số lớn quân nhu dụng ở vùng Tchepone, và làm gián đoạn sự xâm nhập của CSBV vào Nam.

Có nhiều nhận định cho rằng cuộc hành quân Lam Sơn 719 thất bại. Những nhận định này có thể đến từ suy luận cuộc hành quân là một cố gắng tối khẩn để kết thúc cuộc chiến. Lối suy luận đó không đúng. Nhìn từ quan điểm quân sự trong chiến tranh trường kỳ, ít nhất là hai ba điểm sau cùng trong Chiến Lược Cô Lập phải được thực hiện ngay sau hành quân Lam Sơn 719 để có thể ổn định được tình hình chiến trường ở Việt Nam. Nhưng với tình hình đối diện đang trở lại mức bình thường, chúng ta phải chờ một thời gian nữa thì những kế hoạch trong Chiến Lược Cô Lập mới có thể được dư luận tán đồng và thực hiện.

Mặc dù tình hình chính trị ngay lúc này không cho phép đồng minh thực hiện những kế hoạch phản công trong Chiến Lược Cô Lập, phía đồng minh đang có nhiều lợi thế trong cuộc chiến. Tuy nhiên, phải cần nhiều cố gắng hơn về phương diện chính trị phải phục vụ người dân như đề ra trong Chiến Lược Cô Lập. Người dân chỉ xa lánh cộng sản nếu họ thấy được sự chăm sóc của chính quyền.

Thêm vào đó, để hoàn toàn cô lập địch, chính quyền liên tục tấn công đối phương bằng nhiều ngã để người dân thấy lúc nào họ cũng được bảo vệ. Chỉ có cách đó thì chính phủ mới lấy được lòng tin của dân, bớt đi những phàn nàn. Khi lấy được lòng dân, cộng sản sẽ không còn nơi hoạt động, vì họ chỉ hoạt động được khi người dân bất mãn. Roger Trinquier, tác giả cuốn Chiến Tranh Mới, cho rằng muốn thắng trong chiến tranh cách mạng, chính phủ phải thỏa mãn sự trông đợi của người dân, và chính phủ phải có nhiều cán bộ chuyên phục vụ cho lợi ích công cộng và cho dân.

Vì phân nửa dân miền Nam sống ở nông thôn, ưu tiên phải được đặt nặng cho đời sống của dân ở đó. Về phương diện này, quân dân cán chính miền Nam có thể học hỏi nhiều bài học quí giá từ những kinh nghiệm ở Mã Lai Á. Tự do là một điều đáng quí, nhưng đôi khi chúng ta không thể cho một vài loại tự do được hiện hữu, nếu sự tự do đó đi ngược lại an ninh tập thể.

Biện Pháp Chưa Đúng Mức

Như một biện pháp chống du kích chiến, chiến thuật ngăn du kích ra khỏi dân chưa đủ để đánh bại cộng sản. Mọi người đều biết chiến lược cuả cộng sản là xử dụng du kích chiến và chiến tranh qui ước song song với nhau: dùng quân du kích để quấy phá và dùng quân chủ lực để tiến công chiếm giữ. Nếu chúng ta để hai lực lượng đó phối hợp nhau, nông thôn sẽ không bao giờ được bình định và cuộc chiến sẽ tiếp tục lâu hơn chúng ta có thể tiên đoán. Vì lý do nầy, triệt tiêu du kích chưa đủ: vật liệu và nhân sự xâm nhập từ miền Bắc phải được ngăn chận nếu chúng ta muốn kiểm soát được hiểm hoạ của cộng sản. Nếu chúng ta thấy oanh tạc và dội bom đã không ngăn chận được sự xâm nhập, chúng ta cần một biện pháp khác hữu hiệu hơn.

Phi Luật Tân, Mã Lai và Nam Hàn đã chiến đấu với cộng sản, và cộng sản bị đánh bại không khó lắm. Những quốc gia này không nằm liền lục địa, hay chỉ là những bán đảo, và địa hình đó có lợi cho những kế hoạch chống xâm nhập.

Trái lại, Việt Nam có hơn 1500 cấy số biên giới ở hướng tây và một bờ biển dài tương đương ở phiá đông. Như vậy, cộng sản có một hành lang xâm nhập vô tận. Đồng minh đã cố gắng ngăn chận những ngõ xâm nhập này; nhưng có khi được khi không. Để cắt đứt tất cã cử ngõ xâm nhập hữu hiệu hơn, chúng ta phải thiết lập một hàng rào ở phía nam vĩ tuyến 17, chạy dài từ Đông Hà tỉnh Quảng Trị, cho đến thành phố Savannakhet nằm trên bờ sông Cửu Long ở Lào.

Khi nói đến một hàng rào ngăn chận, tác giả không có ý so sánh hàng rào đó như chiến lũy Maginot, hay hàng rào Siefried, hay một hàng rào kẻm gai chạy dài từ Stettin xuống bờ biển Baltic; từ Trieste xuống vùng Adriatic. Hàng rào ngăn chận này là một hệ thống phòng thủ, với khoảng ba sư đoàn quân, có nhiệm vụ phòng thủ và tảo thanh các đơn vị CSBV đang hoạt động ở Hạ Lào.(4)

Tấn Công Hay Liên Hiệp

Kế hoạch hàng rào ngăn chận này rất có thể không được chánh phủ Lào chấp thuận, nhất là trong lúc đang có thảo luận về vấn đề tái thi hành Hiệp Ứơc Geneva 1962 đang bị bỏ quên. Nếu không thể nào có sự ưng thuận của chính phủ Lào, còn một giải pháp khác: tấn công vào phía nam của Bắc Việt.

Tấn công vào Vinh hay Hà Tỉnh có lẽ là giải pháp duy nhất để chận đứng cuộc chiến tranh trường kỳ của CSBV nếu VNCH có thể thuyết phục thế giới thấy ý định của mình là chỉ chận đứng sự xâm nhập của cộng sản Hà Nội. Và nếu cuộc đổ bộ này được thực hiện, mục tiêu đổ bộ sẽ nằm trong khoảng trên vĩ tuyến 18 và dưới phía nam sông Cả một chút. Lực lượng tấn công sẽ đổ bộ gần Bến Thủy. Từ đó, lực lượng đánh ngang qua Đèo Keo Neua và Đèo Mụ Già cửa ngõ của đường xâm nhập Hồ Chí Minh. Cuộc tấn công chỉ thành công khi lực lượng đổ bộ chiếm và giữ được đầu ngọn của con đường xâm nhập và chận đúng mọi di chuyển vào Nam.

Kế hoạch đổ bộ tấn công này sẽ được coi là một vi phạm của hiệp định Geneva 1954. Cuộc hội đàm Ba Lê đang diễn ra bốn năm rồi. Và đã đến lúc những mỹ ngữ của công pháp quốc tế phải nhường lại cho những chuẩn bị của chiến trường. Nếu một cuộc tấn công toàn diện miền Bắc không thể xảy ra được trong hoàn cảnh chính trị thế giới đang đối diện, thì một cuộc đổ bộ giới hạn có thể coi là khả thể. Đổ bộ lên một phần nhỏ của miền Bắc cũng có thể cảnh tỉnh Nga và Trung Cộng hai quốc gia đang cung cấp tài nguyên và tiền bạc cho CSBV là đã đến lúc họ nên rời cuộc chiến ở Đông Nam Á.

Tấn công hay là không, và có được một thương lượng chính trị hay không, nền an ninh ở Đông Dương trong thời gian tới chỉ có thể bảo đảm được bằng những phương thức chính trị và quân sự, mà kết quả là một liên hiệp giũa các quốc gia Lao, Cam Bốt, Thái Lan và VNCH. Trong một bài diễn thuyết vào tháng 3, 1970, trước khi có những biến đổi chính trị ở Pnom Penh, người viết tiên đoán: "Không sớm thì muộn, một liên hiệp dồng minh sẽ thành hình vì những quốc gia ở Đông Dương đang bị hăm dọa bởi một kẻ thù chung. Và dù các quốc gia này có hệ thống chính trị khác nhau, họ đều đồng ý chỉ có một mặt trận liên hiệp, đồng minh, là phương cách hữu hiệu nhất để chống lại kế hoạch xâm lăng của Hà Nội."

Nói thì dễ, nhưng thực hành thì khó. Xung đột đang xảy ra ở Đông Dương là một cuộc xung đột toàn diện. Như vậy, phương cách đối phó phải có một chiến lược toàn diện. Một điều đáng tiếc là chiến lược đồng minh đang áp dụng ở Đông Dương trong thập niên qua hoàn toàn thiếu tính chất toàn diện đó. Và nếu chiến lược không có tính chất toàn diện thì không thể nào có được một giải pháp thỏa đáng cho cuộc chiến này.

Cộng sản Bắc Việt, dĩ nhiên, cố gắng tìm một chiến thắng quân sự. Nhưng sau một thời gian chiến đấu dai dẳng, với nhiều thiệt hại và khó khăn, chiến thắng quân sự có vẻ như là một giấc mơ. Rồi trước đó, trận lụt lớn nhất trong 100 năm nay gây ra nhiều thiệt hại ở đồng bằng sông Hồng, càng làm cho giấc mơ chiến thắng quân sự của họ trở thành một ác mộng không kém.

Việt Nam Cộng Hòa nằm trong một hoàn cảnh khả quan hơn. Nhưng với những bất mãn đang xảy ra trong xã hội, giới lãnh đạo quốc gia không thể mạo hiểm với những kế hoạch táo bạo và hy vọng đem lại những kết quả lớn. Thêm vào đó, sự liên hệ với Hoa Kỳ giới hạn nhiều hoạt động và bắt buộc VNCH phải nằm trong thế thủ. Như vậy, trừ khi có một biến chuyển bất thường nào đó xảy ra nói theo lời một nhà lãnh đạo Hoa Kỳ VNCH phải "gồng" cho đến tàn cuộc chiến. Miền Bắc khai diễn cuộc chiến không có lời tuyên chiến thì có thể miền Bắc sẽ ngưng cuộc chiến trong yên lặng, thay vì bằng một hiệp ước. Hoà Bình thật sự cho Việt Nam vẫn chưa đến.(5)

Chú thích:

1. Bài Chiến Lược Cô Lập (nguyên tác, Vietnam: What's Next" The Strategy of Isolation) được đăng trong tạp chí Military Review của trường US Command and General Staff College, Fort Leavenworth, Kansass, số 52, Tháng 4, 1972. Trong khoảng thời gian hơn 25 năm qua, rất nhiều sách vở, Việt lẫn ngoại quốc, viết về chiến tranh Việt Nam. Nhưng hình như chưa có sách nào đề nghị một giải pháp khả dĩ giải quyết chiến tranh thuận lợi cho VNCH. Hy vọng Chiến Lược Cô Lập được xem như một trong các đáp số cho bài toán trên. Tuy nhiên, chiến lược này có áp dụng được hay không trên thực tế lại là chuyện khác (chú thích của tác giả).

2. Tháng 6, năm 1964, Ban Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ có nghiên cứu một kế hoạch tương tự như đã trình bày trong Chiến Lược Cô Lập. Kế hoạch sẽ dùng bốn sư đoàn Lục Quân Hoa Kỳ làm một phòng tuyến từ Đông Hà qua Savannakhet. Kế hoạch được tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ Harold K. Johnson chấp nhận, nhưng bị Đô Đốc Harry Felt (tiền nhiệm của đô đốc Sharp), Tư lệnh Quân Đội Hoa Kỳ, Thái Bình Dương phản đối. Theo đô đốc Felt, đóng quân như vậy sẽ nằm trong thế thủ và không thực hiện được gì. Trích theo Robert Buzzanco, Masters of War, trang 171, cước chú 51 (chú thích của dịch giả).

3. Tất cả 7 điểm của chiến lược phải được thực hiện cùng một lúc thì mới có hiệu quả mong muốn. Thời gian thuận tiện nhất là sau cuộc tấn công Mậu Thân 1968. Lúc đó hạ tầng cơ sở cộng sản đã gần hoàn toàn tiêu diệt, và các đơn vị chính quy cộng sản bị đánh bật ra vùng biên giới (chú thích của tác giả).

4. Trên thực tế chiến lược này không được chấp nhận và thi hành: Về phía VNCH, chiến lược này được tác giả trình miệng cho trung tướng Thiệu và thiếu tướng K (Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, 1967). Chiến lược không được chấp thuận vì không có sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Về phiá Hoa Kỳ, theo tướng Phillip Davidson (Vietnam at War, Oxford University Press, 1988), cả Bộ Tổng Tham Mưu Hoa Kỳ , cùng đô đốc Sharp và đại tướng Westmoreland, đều có kế hoạch đánh ra vùng bắc khu phi quân sự, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, đánh phá các căn cứ ở Lào, Cam Bốt, và oanh tạc các mục tiêu quan trọng chung quanh Hà Nội, Hải Phòng. Các kế hoạch trên đều không được tổng trưởng quốc phòng McNamara và tổng thống Johnson (1967) chấp thuận (chú thích của tác giả).

5. Trong quyển Chiến Thuật và Chiến Lược (Trung Tâm Quân Sử, Lục Quân Hoa Kỳ , 1980), tác giả đại tá Hoàng Ngọc Lung có nói đến một số châm ngôn về chiến tranh như sau (không rõ xuất xứ): Khi chiến thuật sai và chiến lược sai thì chiến tranh sẽ chóng thua; Khi chiến thuật đúng nhưng chiến lược sai, trận chiến có thể thắng, nhưng chiến tranh sẽ thua; Khi chiến thuật sai nhưng chiến lược đúng, trận chiến có thể thua nhưng chiến tranh sẽ thắng; và khi chiến thuật đúng và chiến lược đúng thì chiến tranh sẽ thắng mau lẹ. Cả VNCH và Hoa Kỳ đều ở vào trường hợp thứ hai. Trong phần kết luận ở cuốn sách, tác giả đã nêu rõ lý do tại sau VNCH không tồn tại được. Bây giờ phải thêm một lý do không kém phần quan trọng nếu không nói là quan trọng nhất: là cả Hoa Kỳ và VNCH không áp dụng một chiến lược địa lý chính trị (geopolitics) thích nghi và hữu hiệu cho cuộc chiến. Cũng vì chúng ta không có một chiến lược thích nghi và hữu hiệu cho cuộc chiến nên phía cộng sản mới có thể đem thêm nhiều quân vào miền Nam và đạt đươc thế thượng phong trong tương quan lực lượng. Với một cái nhìn thực tiển, vô tư và chính xác, thiếu tướng John E. Murray trong cuốn Vietnam as History (Peter Baestrup, Ed., Washington, DC, University Press, 1984) đã nói như sau, và chúng ta có thể dùng làm một kết luận cho chiến tranh Việt Nam: "Nếu muốn biết về cuộc chiến Việt Nam thì phải biết về chiến tranh; muốn biết về chiến tranh thì phải biết đôi chút về toán học. Trong thời cao điểm của lực lượng Hoa Kỳ ở Việt Nam chúng ta có 433 tiểu đoàn tác chiến Mỹ và Đồng Minh; địch có 60 trung đoàn (180 tiểu đoàn). Năm 1974, khi chúng ta rút lui, Việt Nam Cộng Hòa có 189 tiểu đoàn; địch tăng lên 110 trung đoàn (330 tiểu đoàn). Lấy đi B-52, F-4, lấy đi hải pháo, lấy đi tất cả.... và ta bắt đầu yểm trợ miền Nam với 2% tổng số tiền đã dùng cho quân đội Mỹ, để đương đầu với một số địch quân nhiều hơn. Ta phải nhớ, Nã Phá Luân đã nói: "Thượng đế đứng về phe nào có các tiểu đoàn lớn nhất, mạnh nhất." Đúng như vậy. Từ năm 1974 thượng đế đã đúng về phe cộng sản; họ lớn hơn, mạnh hơn. Và đó là lý do tại sao chúng ta thua chiến tranh Việt Nam."

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.