Hôm nay,  

Tội Ác: Florence Maybrick 15 Năm Tù Oan Ức

01/07/200800:00:00(Xem: 2448)
Cô Florence Maybrick là một công dân Hoa Kỳ, một người đẹp miền Nam sinh ra tại tiểu bang Alabama. Khi mới 18 tuổi, nàng đã thành hôn với ông James Maybrick, dân thành phố Luân Đôn, Anh Quốc. Florence là con gái của một chủ nhà băng nhỏ tại thành phố Mobile, tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ. Khi đang cùng mẹ trên đường đi du lịch vòng quanh Âu Châu, nàng gặp người chồng tương lai trên chiếc tàu xuyên Đại Tây Dương tên là Baltic của công ty hàng hải White Star. Chàng là một nhà thầu bông vải người Anh, đã 42 tuổi, thường hay sang Mỹ để xếp đặt việc mua bán và vận chuyển bông vải sang Âu Châu. Hai người anh của James Maybrick không tán thành việc em mình lấy cô Florence làm vợ, vì họ cho rằng nàng có tính tình trớt nhả và thiếu thủy chung giống như người mẹ đã ba lần lỵ dị của nàng là bà Nam Tước Von Roques.

Cưới xong, gia đình Maybrick dọn về định cư tại thành phố Liverpool, Anh Quốc, và sau đó đã mua một tòa villa sang trọng, có trang bị thật hiện đại, như cầu tiêu máy, tên gọi Battlecrease House, trong một vùng ở phía nam Aigburth, thành phố Liverpool. Họ sống một cuộc sống thật xa xỉ, ngoài khả năng tài chánh, luôn luôn có bốn người làm túc trực, hầu hạ, gồm một đầu bếp, hai con sen, và một người nhũ mẫu tên Alice Yapp. Alice có nhiệm vụ chăm sóc hai đứa con nhỏ của gia đình Maybrick. Ông James mỗi tuần chỉ đưa vợ có bảy đồng bảng Anh để trả tiền ăn, tiền trang trải nhà cửa và tiền mướn nhân công. Vì số tiền quá ít ỏi, Florence phải vay mượn thêm bên ngoài, và chẳng bao lâu bị nợ nần ngập đầu.

James Mayrick là một người có tính tình cục cằn, sức khỏe lại yếu kém và ngay từ nhỏ đã tin mình bị bá bệnh. James cứ luôn miệng than vãn là trong người cảm thấy khó chịu, bị đau nhức, bị tê thấp, bị đau gan, đau bao tử và bị căng thẳng thần kinh, vì vậy, James rất thích uống thuốc. Hằng ngày James hết uống thuốc bổ, thuốc khỏe lại uống thuốc cường dương, kích thích để cải tiến sức khỏe và năng lực sinh lý. Những loại thuốc này đôi khi có chứa cả thuốc độc strychnine và thạch tín (arsenic).

Vào năm 1887, Florence tình cờ khám phá, chồng mình có vợ nhỏ. Người vợ trẻ khám phá ra mình bị phản bội, vừa buồn, vừa giận, liền trả thù chồng bằng cách trở thành nhân tình của một thanh niên độc thân trẻ, bạn của chồng ở Liverpool, tên là Alfred Brierley. Hai người gặp gỡ nhau trong một buổi dạ vũ tại biệt thự Battlecrease House.

Vào tháng Ba năm đó, cặp tình nhân thầm lén đưa nhau đi tình tự trong một khách sạn ở Luân Đôn. Chính Florence là người sắp đặt mọi việc. Hai người định "hưởng tuần trăng mật" đến một tuần, nhưng vì lý do gì đó, chỉ được ba hôm, họ đã vội vã rời khỏi khách sạn Flatman's trên đường Henrietta Street, vào ngày thứ Hai. Sau đó Florence đến viếng thăm bạn bè và ngủ lại cho đúng một tuần mới về nhà. Florence kể lại: "Trước khi chúng tôi chia tay, Alfred báo cho tôi biết là ảnh lỡ thương một cô gái khác và sẽ không lấy tôi làm vợ được dù sau này tôi có ly dị đi nữa cũng thế. Ảnh còn bảo nếu chuyện tình của tôi và ảnh bị khám phá, thì ảnh thà tự bắn nát óc chứ không để cho thiên hạ đàm tiếu, xỉ nhục. Khi nghe vậy, tôi cảm thấy nguội lạnh trong lòng, và đòi hỏi chấm dứt ngay tức khắc cuộc tình mặn nồng của tôi với chàng".

Vào ngày thứ Sáu 28 tháng 3 Florence trở về nhà ở Liverpool. Ngày hôm sau, nàng cùng chồng đi xem cuộc đua ngựa Grand National. Tình cờ nàng gặp Alfred cũng đi xem đua ngựa tại đấy. Mặc dù Florence đã tuyên bố là hoàn toàn nguội lạnh trong lòng, và mặc cho ông chồng phản đối, nàng vẫn bỏ chồng ngồi lại trong xe ngựa kéo và bước xuống đi tản bộ cùng chàng nhân tình trẻ. Sau đó Florence về nhà một mình và ông chồng về nhà mười phút sau nàng. Hai vợ chồng cãi nhau mỗi lúc một lớn tiếng, và cuối cùng giận quá, Maybrick hành hung đánh vợ!

Sau này cô nhũ mẫu Alice Yapp kể lại: "Tôi nghe ông chủ chửi bà chủ: Thật là nhục nhã! Ngày mai cái chuyện xấu xa của bà sẽ bị đồn đãi khắp phố  phường. Sau đó, ông bà chủ đi xuống cầu thang vào khách sảnh, và tôi nghe ông chủ bảo: Florence, khi mới cưới em, anh không bao giờ nghĩ có một ngày chuyện ô nhục này sẽ xảy ra! Khi họ bước ra hành lang, tôi nghe ông chủ dọa bà chủ: Nếu bà dám bước chân ra khỏi ngưỡng cửa nhà này, thì đừng bao giờ trở về nữa!" Thật sự Alice Yapp nghe thấy bà chủ gọi xe ngựa đến và định bỏ đi, nhưng Alice đã chặn lại, khuyên can là Florence nên nghĩ đến hai con nhỏ. Alice nhớ lại: "Tôi quàng tay qua eo bà chủ, dìu bà đi lên lầu. Tôi dọn giường để bà chủ ngủ trong phòng thay đồ."

Vào ngày Chủ Nhật, ông James viết một di chúc mới, hoàn toàn loại bỏ tên vợ trong danh sách những người được thừa kế. Florence đi thăm bác sĩ gia đình là ông Hopper, bảo là mình bị bệnh nặng. Sau này bác sĩ Hopper nhớ lại: "Florence than phiền là cảm thấy không được khỏe, trong người rất khó ở, đã trằn trọc thức suốt đêm, và xin ý kiến tôi, như một bác sĩ gia đình, cần phải làm gì cho khỏe lại. Tôi thấy Florence có một bên mắt bị bầm tím, sưng vù lên. Florence tâm sự, ông chồng của nàng rất ác với nàng, và đã đánh đập nàng... Florence tuyên bố, bây giờ cảm thấy rất thù ông chồng vũ phu, và không muốn nhìn thấy mặt chồng nữa." Nói tóm lại, Florence muốn ly dị chồng, nhưng bác sĩ Hopper đã khéo léo dùng lời khuyên can làm hai đàng hòa thuận trở lại.

Florence lên tiếng tạ tội cùng chồng, và xin chồng thứ lỗi vì nàng đã mắc nợ nần tứ tung. James đồng ý bỏ qua, và đồng ý trả tiền nợ của vợ là 1,290 bảng Anh, một số tiền rất lớn vào thời đó, mặc dù lúc ấy James cũng bị nợ nần nhiều không kém vì lối sống vung tay quá trán.

Vào ngày 13/4, James du hành đến Luân Đôn để trang trải nợ nần cho vợ, và ở trọ nhà người anh độc thân của mình tên là Michael, trong một flat tọa lạc tại Wellington Mansion, thuộc vùng Regents Park, Luân Đôn. Michael là một ca sĩ và nhà sáng tác nhạc khá tài giỏi. Dùng bút hiệu Stephen Adams, Michael đã sáng tác những bản thánh ca nổi tiếng như The Holy City và Star of Bethlehem. Tại đây, James đến viếng bác sĩ riêng của Michael, than phiền bị nhức đầu và cảm thấy tê dại cả mặt. Sau một tiếng đồng hồ khám, vị bác sĩ kết luận, James không có bệnh hoạn gì đáng kể cả, ngoại trừ bị ợ hơi vì khó tiêu. Bác sĩ liền viết toa cho James, bao gồm thuốc tiêu, rượu khai vị và thuốc bổ gan. Vào ngày 22/4, James trở về nhà tại Liverpool.

Chẳng bao lâu sau, James gặp một người bạn tại hội quán Palatine Club, là ngài Poole, cựu đô trưởng thành phố Liverpool. Sau này ông Pool kể lại: "Hôm đó gặp James tôi có đưa ra nhận xét, ngày nay việc uống thuốc có chứa chất độc đã trở thành một thông lệ với đa số bệnh nhân. Khi nghe nói thế, James Maybrick lớn tiếng tuyên bố, tôi cũng uống thuốc có pha chất độc nè, mà có sao đâu" Tôi khuyên James: Này anh bạn, anh nên biết rằng với những loại thuốc độc hại ấy, càng dùng lâu, cơ thể đòi hỏi càng nhiều, cho đến một lúc nào đó, nó sẽ giết bệnh nhân luôn đấy!"

Vào năm trước đó, Florence có đến viếng bác sĩ Hopper. Sau này ông kể lại: "Florence báo cho tôi biết là chồng nàng có tật hay uống những loại thuốc có công hiệu thật mạnh, và những loại thuốc này có hiệu ứng rất xấu đối với người dùng. Florence nhận thấy, mỗi khi dùng thuốc xong thì tình hình sức khỏe của chồng trở nên tồi tệ hơn nhiều, thay vì khỏe lại. Florence yêu cầu tôi can thiệp, vì nàng nói chồng hoài mà không được". Dường như việc James Maybrick hay uống thạch tín và những chất độc khác có thực, vì sau này có ba nhân chứng người Hoa Kỳ tuyên thệ là họ từng nhìn thấy James bỏ thạch tín hòa tan trong rượu bia để uống cho bổ. Một dược sĩ tại thành phố Norfolk, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, nơi James thường đến mua bông vải, tiết lộ, chỉ trong vòng 18 tháng, mức tiêu thụ rượu Liquor Arsenicalis, tức là rượu khai vị có chứa chất thạch tín, của James đã tăng lên đến 75 phần trăm.

Vào khoảng ngày thứ Hai 23/4/1989, Florence mua một lố giấy giết ruồi từ một tiệm thuốc tây ở Aigburth. Florence cho người dược sĩ biết hiện ở nhà bếp nàng có nhiều ruồi bu quá, cần phải dùng biện pháp mạnh mới diệt được. Mỗi tấm giấy giết ruồi có chứa một lượng thạch tín nhỏ bằng một hạt lúa mì. Tuy các chuyên gia không đồng ý một cách dứt khoát lượng thạch tín thật sự có thể chưng cất trở lại là bao nhiêu, vì nó tùy thuộc vào việc giấy chứa thạch tín được ngâm trong nước sôi hay nước lạnh.

Vào buổi sáng thứ Hai, Alice và cô người làm nhìn thấy mấy tấm giấy giết ruồi được ngâm trong bồn nước trong phòng ngủ của ông bà chủ. Florence giải thích rằng nàng ngâm như thế để lấy thuốc trong giấy ra chế một loại nước rửa mặt dưỡng da mà nàng thường dùng từ bao lâu nay. Lần này nàng muốn làm da mượt lên vì nó đang bị nổi mụn trước khi đi dự dạ hội khiêu vũ sắp được tổ chức. Sau này một thợ  uống tóc chuyên nghiệp là ông Biolleti cũng công nhận, đa số các bà khách hàng của ông tin tưởng là thạch tín có công hiệu dưỡng da, và chính ông cũng xử dụng thạch tín trong dung dịch làm rụng lông chân và các loại lông khác cho các bà.

Ngày thứ Bảy tiếp theo đó, ông James cảm thấy trong người kỳ kỳ, và bị ngã bệnh. Tuy thế ông vẫn cố đi xem cuộc đua ngựa Wirrall Race vào buổi trưa, rồi bị mắc mưa ướt cả người. Sau đó, trong khi ăn tối với bạn bè, người ta nhìn thấy tay của ông bị run đến nỗi làm đổ rượu ra ngoài.

Vào sáng Chủ Nhật, người ta gọi bác sĩ nhi đồng Humphreys, là bác sĩ của hai em bé, đến gấp nhà James. James nằm vật vã trên giường, than phiền là uống xong một tách trà thì bị lên cơn đau ngực và thấy nhói ở tim.

James sợ rằng mình sắp bị tê liệt đến nơi. Bác sĩ Humphreys cho toa thuốc Prussic acid, và cấm James không được uống gì khác ngoài sữa hoặc nước soda. Florence báo cho bác sĩ biết là chồng nàng đã dùng thuốc độc strychnine quá liều. Hai tháng trước, Florence đã tiết lộ cho bác sĩ Humphreys rõ là chồng nàng có tật pha thuốc strychnine với nước uống, và còn viết thư cho anh rể báo là nàng rất lo lắng vì tìm thấy một số bột trắng mà chồng thường xuyên dùng hoài. Khi Michael hỏi dọ em, thì James Maybrick nổi nóng: "Ai báo cho anh biết chuyện đó! Thật là láo, láo toét! Tôi không hề pha thuốc độc đó uống bao giờ cả!"

Bác sĩ Humphreys đến viếng bệnh nhân hai lần, vào ngày 29 và 30 tháng Tư, và buộc James phải ăn kiêng. Vào đêm 30 tháng Tư, Florence cùng anh rể là Edwin đi dự vũ hội hóa trang. Edwin là một người đàn ông độc thân, làm nghề buôn bán bông vải như em, và đã ghé lại BattleCrease House thăm hai em sau khi mới về từ Mỹ Châu.

Vào ngày thứ Tư 1/5, James đã khỏe lại, và trở về văn phòng làm việc như cũ. Edwin kể: "Em dâu tôi đưa tôi một gói đồ nhờ đem đến văn phòng làm việc cho James. Gói bao một cái bình chứa súp đặc và nóng. James chế xúp vào một cái soong và hâm nóng lại sau đó trút ra tô và dùng muỗng múc ăn. Vừa ăn James vừa cằn nhằn: "Bà bếp lại chế thêm rượu sherry vào nữa rồi! Bà biết tôi không thích mà bà vẫn cố tình làm vậy!"

Đến thứ Sáu, James lại ngã bệnh nữa. Đến 10 giờ sáng, bác sĩ Humphreys lại được triệu dến. Bác sĩ kể lại: "Tôi gặp James đang nằm trong một phòng ở dưới lầu. Ông ta cho biết cảm thấy trong người rất khó ở từ ngày hôm qua, và nói thêm rằng ông ta nghĩ rằng thuốc tôi cho dị ứng với ổng! Vợ của ông James cũng hiện diện và nói chõ vào, anh luôn luôn nói thế với thuốc của bất cứ bác sĩ nào chỉ sau hai ba hôm dùng thuốc". Bác sĩ Humphreys ra lệnh, cứ uống thuốc và ăn uống như đã được cặn dặn như trước trong vòng hai ba tuần nữa xem có thay đổi gì không rồi sẽ tính sau.

Bác sĩ bỏ về nhà, nhưng đến nửa đêm thì lại bị triệu hồi khẩn cấp đến nhà James! Trước đó, James đã đi tắm hơi kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Bây giờ James lại bị bệnh nặng trở lại! James đã bị ói đến hai lần và than phiền là chân mỗi lúc một đau nhức hơn.

Đến thứ Bẩy, hai tay của James đều bị tê dại và James cứ nôn thốc nôn tháo. Bác sĩ khuyên James nên chống việc khát nước bằng cách tắm rửa bằng nước ấm hoặc ngậm nước đá cục. Vào ngày Chủ Nhật, james bị hành hạ thật khổ sở vì bị sưng cuống họng và lưỡi bị đóng bợn cứng đơ, thật hôi tanh. Bác sĩ cho toa uống nước súp nấu thịt, (không ăn thịt chỉ uống nước luộc thịt), và dung dịch acid prussic. Florence không hề nghĩ đến việc hỏi ý kiến một bác sĩ khác, vì cho rằng không cần thiết. Nàng giải thích: "Ổng đã viếng không biết bao nhiêu bác sĩ khác nhau, nhưng không có ông nào có thể chữa lành bệnh kinh niên của ổng cả".

Ngày đêm Florence túc trực bên mình chồng, và ngủ trong phòng thay đồ để chồng được tịnh dưỡng trong phòng ngủ. Lúc 8 giờ 30 sáng thứ Hai ngày 6/5/1889, bác sĩ Humphreys quày quả trở lại: "Tôi ra lệnh James phải ngừng uống nước thịt bò luộc ngay lập tức. Tôi không còn ngạc nhiên là James đã ngã bệnh, vì tôi mới khám phá, có nhiều người khác uống nước thịt bò luộc cũng bị ngã bệnh!"

Bây giờ bác sĩ Humphreys đổi toa như sau: một ít thạch tín, bằng khoảng 1 phần 25 của một hạt, trà Brand, nước xúp gà, cháo, sữa và nước đun sôi. Nhưng James tiếp tục bị ói mửa  và bác sĩ ra lệnh chườm bình nước nóng lên bụng James. Đến ngày thứ Ba, James cảm thấy khỏe lại, và tuyên bố với bác sĩ Humphreys: "Hôm nay tôi cảm thấy mình như một người mới, khác lạ hẳn đi!" Tuy thế, Edwin vẫn không an tâm lắm, và đi hỏi ý kiến một bác sĩ khác. Bác sĩ thứ nhì được mời đến khám cho James là ông Carter. Bác sĩ Carter sau khi khám xong tuyên bố, James bị bệnh ợ hơi bao tử nặng, vì hậu quả của việc ăn hoặc uống không cẩn thận chọn lựa và không điều độ. Ông khuyên bệnh nhân phải ăn uống kiêng cữ cẩn thận theo toa ông đề ra, và cho James uống một ít thuốc ngủ để dễ ngủ.

Nhưng đến ngày thứ Tư 8/5, tình hình sức khỏe tổng quát của James lại trở nên xấu đi nhiều. Có hai người bạn của James, là hai chị em ruột, là bà Maltilda Briggs và bà Martha Hughes đến thăm bệnh nhân, và được nhũ mẫu Alice và cô người hầu kể cho biết về những tờ giấy giết ruồi ngâm nước và những sự kiện đáng nghi ngờ khác. Bà Briggs có hành động tức thời. Bà ra lệnh người vợ quá mệt mỏi là Florence tốt hơn hết nên tức tốc mướn ngay các y tá chuyên nghiệp đến săn sóc chồng. Bà tham khảo ý kiến Edwin, bà còn gửi điện khẩn đến cho Michael ở Luân Đôn, nội dung như sau: "Hãy đến ngay lập tức. Có nhiều chuyện kỳ quái đang xảy ra tại Battlecrease".

Vào lúc 2 giờ 15 phút, cô y tá đến. Đến ba giờ, Florence ra cổng vườn gặp nhũ mẫu Alice nhờ đi bỏ thư giúp mình. Cô nhũ mẫu trẻ đang trông nôm đứa con gái mới lên ba của gia đình, liền dắt bé đi bộ đến bưu điện gần nhà. Trên đường đi, Alice đánh rơi bức thư xuống con đường đầy bùn sình lầy lội, làm nó dơ hết. Alice quyết định phải đổi một phong bì khác vì bì thơ lấm lem hết cả, liền xé bỏ bì cũ, và nhân tiện đọc thư luôn. Về đến nhà, đợi đến 5 giờ rưỡi chiều, Alice mới có dịp trao thư cho Edwin xem. Bức thư kể trên là thư trả lời của Florence để đáp lại một lá thư khá lạnh nhạt của Alfred Brierley, trong đó Alfred đề nghị là hai người nên tránh gặp nhau cho đến mùa thu tới.

Thư của Florence đáp lại có đoạn nguyên văn như sau: "Anh yêu. Kể từ khi em trở về, em đã ngày đêm chăm sóc chồng. Ổng bệnh đến muốn chết luôn... Bây giờ mạng sống của ổng chỉ còn tùy thuộc vào sức tàn cố níu kéo lại của ông thôi... Mọi người đều rất lo lắng... Nhưng anh khỏi phải lo là mình sẽ bị khám phá bây giờ hoặc trong tương lai. Ổng đã bị hôn mê từ hôm Chủ Nhật, và hoàn toàn không biết gì hết... Hơn nữa, ổng không hề gặng hỏi gì cả!"

Việc này được báo cáo lại với Michael khi ông đến từ Luân Đôn vào tối hôm ấy. Edwin ra lệnh người y tá không được cho phép ai khác ngoài chính bà chăm sóc cho bệnh nhân. Trong khi đó, Michael bàn thảo với bác sĩ Humphreys về mối nghi ngại của mọi người đối với Florence.

Ngày hôm sau, bệnh nhân trở nên yếu hơn nữa. James than phiền hậu môn đau nhức quá, và bị tiêu chảy. Bác sĩ khám nước tiểu và phân, cũng như chai rượu Brandy và thức ăn của James dể tìm chất thạch tín độc hại, nhưng không tìm thấy một chất độc nào cả.

Vào đêm ấy, Florence theo người đầu bếp xuống lầu, vừa đi vừa than thở: "Việc này xảy ra cũng vì tại lỗi của tôi thôi". Người đầu bếp ngạc nhiên hỏi: "Lỗi gì kia chứ"" Florence nghẹn ngào đáp: "Lỗi là đã không tự mình kêu bác sĩ khác và y tá khác!" Florence chạy vào phòng ăn dành cho gia nhân và bụm mặt khóc. Nàng tức tưởi tâm sự, bảo là địa vị của mình trong nhà không ra gì hết, rằng Michael đã đuổi và cấm không cho nàng vào phòng ngủ của chồng! Người đầu bếp tin tưởng cô chủ của mình đã đối xử rất tốt đối với ông chủ, và đã làm hết sức mình trong một hoàn cảnh thật khó khăn, rất cảm thương cho Florence, liền ngỏ lời an ủi.

Bà y tá Gore đến thi hành nghiệm vụ vào lúc 11 giờ chiều, và cho bệnh nhân uống một ít nước thịt luộc. Người nữ y tá để ý thấy Florence ra lấy bình đựng súp, do Edwin đem vào trước đó, và đem nó vào phòng thay đồ. Nàng đóng cửa lại, và vài phút sau mới trở ra, len lén đặt bình súp trở lại trên bàn cạnh giường bệnh, và ra lệnh cho y tá đi lấy một ít nước đá cho mình.

Sau này Florence giải thích hành động kỳ lạ ấy như sau: "Sau khi bà y tá đã cho chồng tôi uống nước súp, tôi đến ngồi trên thành giường kế bên mình ảnh. Ảnh than phiền là cảm thấy rất khó chịu trong người và rất buồn chán, và yêu cầu tôi cho ảnh uống một ít thuốc trong gói thuốc bột trắng mà trước đó ảnh đã đòi bỏ vào súp cho ảnh uống và tôi đã từ chối. Lúc ấy tôi quá rối trí, rất lo lắng, buồn rầu, và tình cảnh đau khổ cùng những lời nài nỉ thống thiết của ảnh làm tôi mềm lòng, đành chiều theo... Ảnh đã cương quyết bảo là thuốc không hề làm hại ảnh, và ra lệnh cho tôi hòa tan vào nước súp cho ảnh uống, đừng ngần ngại. Vì nghe ảnh bảo dảm như vậy tôi mới bằng lòng làm theo..."

Nhưng theo Florence, tuy thuốc có bỏ vào bình, nhưng James đã không uống một tí nào cả, vì khi nàng trở ra, chồng nàng đã ngủ thiếp đi, và sau khi thức dậy lại lên cơn ói mửa, không ăn uống gì được. Sau này nhà chức trách khám phá, trong bịnh đựng nước súp có hòa khoảng nửa hạt thạch tín.

Vào ngày thứ Sáu 10/5/1889, James trở nên yếu hơn nhiều. Nay mạch của James nhảy nhanh nhưng rất yếu. Bác sĩ ra toa sulphonal, nitro-glyserine, cocaine để chữa cuống họng bị đau và acid phosphoric để trị mùi hôi.

Vào buổi chiều hôm ấy, khi cô y tá trực mới là Callery cho James uống thuốc, có Florence đến phụ, thì bệnh nhân nói: "Mấy bà làm ơn kỹ lưỡng một chút, đừng có cho tôi uống lộn thuốc nữa!" Theo cô y tá trực ca đêm là bà Wilson, đến tối bệnh nhân nay đã mê sảng, thì thầm với vợ: "Con thỏ con yêu quý của anh, sao em nỡ lòng làm thế" Anh không nghĩ một người như em có thể làm một chuyện như vậy". Và Florence trả lời: "Ông già dễ thương của em, anh đừng bận lòng lo lắng đến chuyện ấy nữa mà". Sau này Florence giải thích, câu thì thào của James là đề cập đến một cuộc đối thoại trước đó giữa hai vợ chồng, trong đó Florence tự thú là mình đã ngoại tình với Alfred, báo cho chồng biết nay mình không còn gian díu gì với người tình cũ nữa, và xin chồng tha thứ cho mình.

Vào thứ Bảy 11/5/1889, vào buổi trưa, các bác sĩ họp lại để thảo luận bệnh tình của James. Cuối cùng họ quyết định, tình trạng của bệnh nhân đã đến hồi thập tử nhất sinh, khó lòng cứu vãn được nữa. Lúc năm giờ tối, hai đứa bé được đưa đến nhìn mặt cha lần cuối cùng. Ba giờ sau, James tắt thở. Florence té xỉu và được đưa vào phòng thay đồ nằm lấy sức. Hai anh em Maybrick buộc Florence ở trong phòng không được đi đâu, trong khi hai anh em cùng hai chị em bà Briggs, các bác sĩ, người làm, và y tá lục lạo khắp nhà, tìm bằng chứng khả nghi.

Họ tìm thấy một bọc giấy giấu trong cái rương gỗ lớn, bên ngoài đề chữ: thạch tín, thuốc độc, và có ai đó viết thêm: cho mèo hoang. Sau này người ta tìm thấy dấu tích của thạch tín trong cái bình đựng súp đưa đến văn phòng của James khi trước và trong hai lọ thuốc. Trong một hộp đựng chocolate họ tìm thấy nhiều chai nhỏ và vài mảnh khăn mùi xoa, các mảnh mùi xoa ấy có dính chất thạch tín. Ngoài ra, họ còn tìm thấy dấu vết thạch tín trong túi áo choàng trước khi đi ngủ của Florence! Các chuyên gia ước tính, trong nhà chứa một lượng thạch tín đủ để đầu độc năm chục người!

Vào ngày thứ Hai 13/5, các bác sĩ Carter, Humphreys và Barron cùng nhau giải phẫu tử thi để xác định nguyên nhân cái chết. Họ kết luận, nguyên nhân đưa đến cái chết là do một loại chất độc nào đó làm hại bao tử và ruột. Nhưng vào ngày 30/5, vì có nghi vấn, xác đã được chôn bị đào trở lên để khám nghiệm lại thì thấy tổng cộng số lượng thạch tín tìm thấy trong gan, thận và ruột của nạn nhân chỉ vào khoảng nửa hạt, trong khi ít nhất phải có hai hạt mới có thể làm chết người. Trong bao tử, phổi, tim, tì vị, không hề có thạch tín. Tuy nhiên, các chuyên gia tìm thấy vết tích của chất strychnine, hyosine, prussic acid và morphine.

Trong khi đó, nhà chức trách đã câu lưu Florence như một nghi can trong việc gây nên cái chết của chồng. Trước đó, khi còn ở trong nhà, chưa bị bắt, Florence có viết một bức thư gửi cho Alfred, nội dung như sau: "Nhìn bề ngoài tưởng chừng như em phạm tội. Nhưng em thề trước Chúa là em vô tội". Thư bị bà Briggs chận bắt được và gửi đến sở cảnh sát làm tang chứng.

Khi Florence ra tòa sơ thẩm vào ngày 13/6/1889, một số lớn các khách dự thính đàn bà đã đồng trề môi phát ra tiếng xì xì như rắn độc để tỏ vẻ khinh bỉ và chán ghét nàng. Florence hy vọng vụ án sẽ được xét xử tại Luân Đôn. Trong một bức thư gửi mẹ, Florence nhận xét: "Nếu vụ án được xét xử tại Luân Đôn, con sẽ được xử một cách vô tư, công bằng, không thiên vị, nhưng nếu vụ án bị đưa ra tòa Liverpool thì con không còn hy vọng gì nữa, vì chắc là trong lòng họ đã quyết con có tội về mặt luân thường đạo lý rồi... Những lời ngồi lê đôi mách của người làm kẻ ở, của công chúng, của bạn lẫn thù, ngoài cảm tình riêng của họ đối với chồng con, chắc chắn có ảnh hưởng đến thái độ của họ, làm họ không còn vô tư, mặc cho luật sư của con có cãi hay cách mấy cũng vô ích".

Điều Florence lo sợ đã xảy ra, và vụ án bắt đầu vào ngày thứ Tư 31/7 tại tòa Liverpool Summer Assizes. Các bồi thẩm viên toàn là đàn ông, bao gồm cả ba thợ sửa ống nước và hai nông gia. Trạng sư biện hộ là Charles Russell. Các chuyên gia y khoa đều đồng ý, bệnh nhân bị chết là do sình loét bao tử quá nặng, nhưng không đồng ý đó là hậu quả của chất độc, hay của thức ăn bị hư thối hay vì nhiễm lạnh.

Phía bị can biện hộ rằng, trong trường hợp của James Maybrick, những triệu chứng thường xuất hiện với việc ngộ độc thạch tín không hề xảy ra. Trạng sư biện hộ cho rằng nạn nhân đã tự uống các loại dung dịch có chứa thuốc độc các loại quá liều, và đã chết một cách tự nhiên, không do ai gây ra cả. Hơn nữa, theo trạng sự biện hộ, vì chồng bà đã mua chất độc để đầy nhà, muốn đầu độc chồng bà cứ lấy xài, cần gì phải dùng cái phương pháp rất bất tiện là ngâm giấy bắt ruồi để lấy chất độc.

Lời kết luận của chánh án Stephen, một người cũng đang bị bệnh nặng, trước khi các bồi thẩm viên nhóm họp để luận tội, kéo dài đến hai ngày mới xong. Đây là một bài diễn văn thật dài dòng văn tự, có nhiều lầm lẫn, và chỉ chú trọng vào việc bị can đã ngoại tình, thay vì các bằng chứng khách quan. Viên chánh án dùng nhiều lời lẽ nặng nề để buộc tội và sỉ nhục bị cáo, lên án việc bị cáo ngoại tình, và kết luận là chính việc ngoại tình ấy đã xui khiến bị cáo tính chuyện đầu độc chồng để tự do làm điều bại hoại với người tình mới!

Vì nghe chánh án luận tội sẵn như vậy, nên chỉ họp bàn không đầy một tiếng đồng hồ, bồi thẩm đoàn đã nhất trí, Florence có tội giết chồng.

Trước khi nghe kêu án tử hình, Florence tuyên bố: "Tôi không có tội gì cả ngoại trừ  tội ngoại tình".

Khi vị quan tòa rời khỏi phòng xử án, ông bị đám đông la ó, phản đối cách làm việc thiếu vô tư của ông. Có nhiều buổi họp được tổ chức, thư xin ân xá được gửi đi, các bài báo được viết bởi những luật sư và bác sĩ danh tiếng, tố cáo tính cách quá chủ quan và thiên vị của bản án... vì lúc ấy chưa có tòa kháng cáo. Các nhân vật có thẩm quyền tại Hoa Kỳ, kể cả tổng thống Mỹ lúc ấy, đều làm áp lực buộc Anh Quốc phải xử vụ án cho được công bằng và vô tư hơn. Cuối cùng, ông bộ trưởng Bộ Nội Vụ và vị chủ tịch Nghị Viện phải đích thân phỏng vấn vị chánh án để điều tra rõ tự sự. Trong khi đó, tại Liverpool, Florence nghe nói rằng, người ta đang dựng đài treo cổ trong sân nhà tù Walton, nơi nàng đang bị nhốt.

Đến ngày 22/8, Bộ Nội Vụ thông báo, bản án đã được đổi thành khổ sai chung thân suốt đời, mà "không hề có ý chỉ trích phiên toà đã xử tội bị can" và "với sự chấp thuận của vị chánh án khả kính". Lúc 1 giờ 30 sáng ngày 23/8/1889, tin ân xá mới được đưa đến nhà tù Walton, đúng ba ngày trước khi vụ hành quyết được tiến hành.

Mặc dù sau đó có nhiều người tin tưởng Florence vô tội đã làm mọi cách chống án cho Florence, nàng bị nhốt trong tù đến 15 năm sau mới được tha. Trong chín tháng đầu, nàng bị nhốt biệt lưu, và chỉ được cho ăn bánh mì và súp đặc. Nàng phải mặc đồng phục của tù nhân, màu nâu với hình các mũi tên trắng. Nàng phải làm lao động "khổ sai", với chỉ tiêu là phải may xong năm cái áo sơ mi đàn ông một tuần. Nàng bị nhốt trong nhà tù Woking Jail, sau đó chuyển qua trại giam Aylesbury.

Vào ngày 25 tháng Giêng năm 1904, sau 15 năm lao lý, nàng được trả tự do. Lập tức nàng lên đường sang Pháp thăm người mẹ già, đang định cư tại đấy. Cuối cùng, nàng trở về Hoa Kỳ, sau hơn 25 năm trời xa quê hương. Florence trở nên nổi tiếng được một thời gian, và nàng viết một cuốn hồi ký kể lại kinh nghiệm đau thương của mình, tựa đề: "Mười Lăm Năm Bị đánh Mất". Sau khi sách được xuất bản, nó gây xôn xao dư luận, và chẳng bao lâu sau, tòa kháng án được thành lập, để giúp những người bị hàm oan có thêm cơ hội mà chứng minh rằng mình là người vô tội. Toà chống án đầu tiên được thành lập vào năm 1907.

Vào ngày 23 tháng Mười năm 1941, Florence qua đời trong cảnh nghèo túng trong một mái nhà tranh tại vùng Connecticut, được bao quanh bởi những con mèo thân thương. Florence hưởng thọ bảy mươi tám tuổi. Bà chết 52 năm sau ngày chồng bà qua đời và nhiều năm sau cái chết của vị quan tòa đã xử phạt bà quá thiếu công minh, là ngài chánh án Stephen, người chẳng bao lâu sau vụ án, đã về hưu, và sau đó qua đời trong một nhà thương điên.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.