Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 107)

03/06/200800:00:00(Xem: 2691)
Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Ngay sáng hôm sau, tất cả 9 anh em chúng tôi ra bến xe Phòng Thành. Tại đó, cán bộ Bình đã chờ sẵn với hình dáng bề ngoài của ông giống hệt hôm qua, vẫn bộ dân sự nhàu nát, áo để ngoài quần, chân đi đôi dép nhựa, đầu đội chiếc mũ công nhân bạc màu... Bình nhìn qua chúng tôi, đếm đủ 9 người, rồi quay lại nói nhỏ với tài xế... Từ xa, tôi không biết hai người nói gì, chỉ thấy tài xế khúm núm, gật đầu lia lịa. Quay lại nhìn chúng tôi, Bình vẫy tay ra hiệu cho chúng đi theo, rồi Bình leo lên xe. Viên tài xế nói xì xồ tiếng Hoa với hành khách, mọi người liền dạt sang hai bên nhường lối cho chúng tôi. Chín anh em chúng tôi lần lượt leo lên xe, rồi im lặng ngồi vô các ghế được cán bộ Bình chỉ.

Ra bến xe tiễn chúng tôi có bà Trà, em gái và con gái út của bà; anh Tiến, gia đình ông bà Trần và một số bạn bè người Hoa mà chúng tôi quen biết trong thời gian ở Đông Hưng và Phòng Thành. Những bạn bè người Hoa là những người chất phác, thật thà và tốt bụng, đã tận tình giúp đỡ những người Việt tỵ nạn chúng tôi bằng tất cả tấm lòng. Tuy thời gian ở lại Đông Hưng, Phòng Thành không bao lâu, nhưng chính những con người với tấm lòng nhân ái đó đã khiến chúng tôi bịn rịn, kẻ ở người đi, nước mắt rưng rưng... Trong tình cảnh đó, tôi chợt nhớ tới câu thơ, "Khi ta đến đất là nơi ta ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn"...

Suốt chặng đường từ Phòng Thành đến Bắc Hải, chúng tôi đều im lặng vì mỗi người đều theo đuổi nỗi niềm riêng, tâm tư của ai cũng nặng trĩu về những kỷ niệm, những ân tình giăng mắc trong suốt mấy tháng qua tại Phòng Thành.

Trưa hôm đó, chúng tôi đến Bắc Hải. Cán bộ Bình dẫn chúng tôi vô một cửa hàng ăn cho chúng tôi ăn trưa. Cửa hàng rất đông khách. Các bàn ăn đều kín đặc người là người. Nhiều thực khách phải đứng ăn ở cả ngoài hàng hiên, thậm chí ngay cả sân trước, dưới mấy lùm cây cũng có có thực khách túm năm tụm ba xì xụp ăn uống. Đông khách như vậy nhưng cả nhà hàng chỉ có mấy món ăn chính là cháo trắng, mì nước, bánh bao hấp, bánh ngô luộc trông giống như bánh đúc ở Việt Nam nhưng nhỏ hơn. Còn nước uống chỉ có nước trà, nước chanh đường và nước si-rô.

Tất cả 9 anh em chúng tôi chỉ ăn uống qua loa, vì trong lòng ai cũng bồn chồn, phần vì nhớ ân nhân bạn bè, người thân ở Phòng Thành, phần vì lo không biết chuyến đi Hồng Kông sẽ lành dữ ra sao. Riêng cán bộ Bình thì ăn rất khoẻ. Sau khi húp hết hai tô cháo với một chén củ cải muối, một ly nước chanh, ông còn ăn thêm 3 chiếc bánh bao, và mua thêm 5 chiếc mang theo.

¨Ăn uống xong, chúng tôi theo ông đi bộ khoảng 3 cây số từ bến xe Bắc Hải đến "bến cảng", theo lối gọi của ông Bình. Sự thực, theo lời của người dân Bắc Hải kể, trước kia, khu vực này chỉ là một chợ cá nổi cho các thuyền bè đánh cá ghé lại vào mỗi buổi chiều để bán các hải sản họ đánh được trong ngày theo giá sỉ cho "hợp tác xã hải sản" thu mua. Nhưng kể từ khi có làn sóng người tỵ nạn Việt Nam vượt biển bằng thuyền thường xuyên ghé lại, khu vực này đã trở thành một khu thị tứ "trên bến dưới thuyền", lúc nào cũng có cả mấy trăm chiếc thuyền buông neo, và trên bờ lều trại san sát đủ màu đủ kiểu, cùng người qua lại như mắc cửi.

Phần đông dân chúng ghé lại "cảng" Bắc Hải là người Việt gốc Hoa đi từ Sàigòn. Họ đã bị buộc phải ra khỏi Việt Nam bằng đường bộ qua ngả biên giới ở Móng Cái, Lạng Sơn. Sau khi đến Trung Hoa, họ được chính quyền gián tiếp giúp đỡ, hướng dẫn cho họ vượt biên để cho chính quyền rảnh nợ, khỏi phải định cư thành phần có đầu óc "tư bản đế quốc". Số còn lại ở "cảng" Bắc Hải là người Hoa đi từ các tỉnh, thành phố ở Miền Bắc, trong đó Hà Nội, Hải Phòng là chính. Còn người Việt thuần túy như chúng tôi rất hiếm.

Ngay khi bước chân đến "cảng" Bắc Hải, Bình đã tỏ ra là dân thổ công. Không những tỏ ra thông thuộc đường đi nước bước, khi thì quẹo trái, lúc rẽ phải một cách dễ dàng, Bình còn quen biết rất nhiều người ở Bắc Hải. Qua đó, tôi đoán, ông Bình phải là người thường xuyên đi Bắc Hải "gửi gấm" những người thuộc thành phần Trung Quốc không muốn giữ.

Đi dọc theo bến Bắc Hải tới ba phần tư, ông Bình quay lại khoát tay ra hiệu cho chúng tôi đứng lại chờ ông trên bờ. Sau đó, ông rẽ tay phải bước lên một tấm ván có chiều ngang khoảng 50 phân, nối liền từ bờ lên thành một chiếc thuyền khá lớn, xem ra có vẻ bề thế nhất nhì trong số những thuyền đang thả neo tại Bắc Hải. Trên khoang thuyền lúc đó, có khoảng hai chục người đang ngồi thành 3 nhóm ăn uống ầm ĩ. Một nhóm chỉ có 4 người đàn ông, tuổi khoảng 40 đổ lên. Hai nhóm kia là đàn bà, con nít và thanh niên tuổi khoảng 30 đổi lại.

Ông Bình còn đang nhún nhảy đi trên tấm ván, đã thấy bốn người đàn ông cùng đứng dậy bước ra thành thuyền đón tiếp. Sau màn bắt tay, ôm vai vỗ vỗ rất thân mật, ông Bình nói gì đó với một người đàn ông cởi trần, râu dài, thân hình quắc thước, rồi ông quay về phía chúng tôi đưa tay chỉ trỏ... Người đàn ông cười lớn, tiếng cười của ông vang xa, chúng tôi ở trên bờ cũng nghe thấy tiếng cười của ông rõ mồn một. Rồi ông bắt tay, vỗ vai ông Bình, và gật đầu. Ông Bình quay lại vẫy tay, ra hiệu cho chúng tôi lên thuyền.

Sang đến thuyền, ông Bình bảo chúng tôi ngồi một vòng quanh mâm cơm đang ăn dở của ông già. Mâm cơm cũ được dọn đi, rồi một bộ tách trà được dọn ra. Ba người đàn ông cùng ngồi ăn với ông già cũng đi sang mâm cơm khác. Còn lại ngồi uống trà chỉ có ông già, ông Bình, anh Thu và tôi. Mấy người còn lại trong nhóm chúng tôi đều tuổi chưa đầy 20 nên ngồi ở vòng ngoài, sát thành thuyền.

Chỉ tay về ông già, ông Bình giới thiệu:

- Đây là ông Huỳnh, chủ thuyền. Tôi đã thưa chuyện với ông và ông đã nhận lời cho các anh đi nhờ sang Hồng Kông. Tiền bạc các anh không phải trả. Mọi chuyện ăn uống, ngủ nghê, ông sẽ lo liệu chu đáo cho các anh. Lát nữa các anh sẽ tự giới thiệu tên tuổi cuả từng người với ông và làm quen với mọi người trên thuyền. Nhất nhất mọi chuyện các anh phải nghe lời ông. Các anh rõ chưa"

Chúng tôi rụt rè chưa kịp trả lời thì ông Huỳnh đã cười nói vui vẻ:

- Thoải mái, thoải mái. Năm châu bốn bể đều là anh em. - Rồi ông dục chúng tôi - Uống trà, uống trà. Trà hảo hạng, trà hảo hạng.

Thoạt nghe tôi đã có ấn tượng ông Huỳnh là người phóng khoáng, có khẩu khí của một nam nhi trượng phu. Chỉ lạ có điều, bất cứ nói câu gì, ông cũng nói hai lần.

Tuần trà đầu uống vừa cạn thì cán bộ Bình đứng dậy cáo lui. Chúng tôi vội đứng dậy ngỏ lời cám ơn, nhưng ông ta phẩy tay tỏ ý không cần những ngôn ngữ cử chỉ khách sáo đó. Ông chỉ bắt tay ông Huỳnh, rồi hai người vỗ vai thân mật trước khi chia tay.

Bình đi khỏi, ông Huỳnh quay sang mời tất cả chúng tôi ngồi quây quần quanh ông rồi ông hỏi chuyện từng người, thái độ rất ân cần. Ông ngạc nhiên khi biết, ba anh em chúng tôi vượt biên bằng đường bộ từ Miền Nam ra Hải Phòng rồi đi Móng Cái, qua Đông Hưng.

Ông cởi trần, chỉ mặc chiếc quần quấn thành nút ở thắt lưng, bên ngoài là chiếc thắt lưng bằng da to bản, bóng nhẫy. Nước da của ông mầu đồng, bắp thịt ở vai, tay, ngực đều cuồn cuộn và chiếc cổ của ông thiệt bự. Hàm râu của ông bạc như cước, dài đến ngực, nhưng phong dáng của ông nhanh nhẹn, mắt của ông tinh anh, nên chúng tôi đoán ông chỉ ngoài 50 là cùng. Sau này chúng tôi mới biết là mình đoán sai. Khi ông gọi các con của ông ra giới thiệu, người con trai trưởng của ông cũng đã 45 tuổi. Còn ông đã 66. Ông nói ông tổ của ông ngày xưa từng là tướng dưới thời nhà Lê và dòng họ nội nhà ông đã đóng góp rất nhiều công sức xây dựng chùa Nam Thọ tại Trà Cổ. Ông tỏ ra rất tự hào về quá khứ vàng son của dòng họ nhà ông.

Biết chúng tôi là "người bên kia vĩ tuyến 17", theo ngôn ngữ của ông, ông rất khoan khoái. Ông nói với anh Thu, giọng kính nể:

- Thầy là "người bên kia vĩ tuyến 17" bao giờ cũng ăn học đàng hoàng, văn minh tiến bộ có dư, nên thầy thấy rồi, hễ người cộng sản họ đi đến đâu là tang thương cho quê hương đất nước mình đến đó. Thầy thấy mấy thằng con của tôi không" Chỉ được thằng đầu tiên là còn khá, vì nó cũng được sống ngót hai chục năm dưới ánh sáng khai hóa của người Pháp nên còn có đức độ phần nào. Nó là con của người vợ cả đấy. Còn mấy thằng sau là con của bà vợ hai, vợ ba. Mấy thằng này thì bết bát quá. Chúng sinh ra và lớn lên dưới "mái trường xã hội chủ nghĩa" nên chỉ học làm thằng láu tôm láu cá, sống toàn bất nhân bất nghĩa thôi.

Trước đó, ông Huỳnh đã gọi mấy người con ra giới thiệu với chúng tôi, trông người nào cũng lễ phép với khách, mặc dù họ không kém tuổi anh Thu là bao. Vì vậy anh Thu vội đỡ lời:

- Thưa ông, tôi thấy các anh ấy cũng khá đấy chứ. Sống với cộng sản mà tư cách được như vậy là quý hoá lắm.

Ông Huỳnh cười nhếch mép:

- Tư cách gì chúng nó. Chỉ bề ngoài đó thôi thầy. Thầy ở gần nó rồi thì thầy sẽ thấy. Bảo đảm thầy có cái gì mất cái nấy.

Thái độ của ông Huỳnh như vậy cũng lạ. Chúng tôi dù sao cũng là người dưng nước lã, lại mới gặp lần đầu mà ông đã đem chuyện trong nhà ra nói hết khiến chúng tôi cũng ngượng, nên ai cũng giữ kẽ, chỉ ầm ừ cho qua chuyện.

Thuyền của ông Huỳnh có tất cả gần 40 người. Ngoại trừ thân mẫu của ông Huỳnh đã hơn 80 tuổi, còn tất cả đều là gia đình, họ hàng con cháu của ông Huỳnh. Vì vậy, ông Huỳnh đi lại trên thuyền, hò hét giống hệt như một vị chủ soái oai nghiêm, mọi người nghe theo ông răm rắp. Mỗi khi có món gì ngồi ăn nhậu, ông chỉ cho anh Thu và tôi ngồi cùng mâm với ông. Còn tất cả ngồi ở mâm đàn bà con gái...

Sống với ông Huỳnh được hai ngày, thì bỗng dưng cán bộ Bình xuống thuyền nói chuyện riêng với ông Huỳnh khoảng mươi phút rồi bảo chúng tôi chào ông Huỳnh để đi sang một thuyền khác. Chúng tôi cũng không hiểu lý do tại sao lại có sự thay đổi vào phút chót như vậy. Nhưng thân phận của kẻ ăn nhờ ở đậu, đi thuyền ké, nên cán bộ Bình bảo sao, chúng tôi phải nghe vậy.

Ngay sau đó, chúng tôi chào ông Huỳnh, rồi lặng lẽ mang đồ đạc theo cán bộ Bình tới một chiếc thuyền to hơn thuyền của ông Huỳnh. Ông bà chủ của chiếc thuyền này người Móng Cái, tên của ông là Đường, bà vợ là Lan. Cả hai vợ chồng chỉ mới ngoài 40, lúc nào cũng vui vẻ, tươi tắn và tốt bụng. Trong xã hội Miền Bắc, kiếm được một cặp vợ chồng chủ thuyền tốt bụng như ông bà Đường thật là hiếm có. Cả chiếc thuyền của ông bà có gần 70 người, nhưng ai cũng quý trọng ông bà Đường. Qua chuyện trò với những người đi chung thuyền chúng tôi mới biết được, ông bà Đường vốn là người Hoa, làm nghề đánh cá. Khi bị cộng sản Việt Nam o ép, làm khó dễ để ông bà phải bỏ nhà bỏ cửa tiệm về Trung Hoa, ông bà đã chấp thuận cho những người Hoa khác đi chung thuyền, còn tiền bạc tuỳ hỉ, ai có bao nhiêu cho bấy nhiêu, ai không có thì ông bà cho đi không.

Phần đông người đi chung thuyền với ông bà Đường là người Hoa. Chỉ có vài gia đình là người Việt thuần tuý, trong đó có vợ chồng anh Thịnh và chị Loan. Hai vợ chồng anh có một đứa con gái còn nhỏ, nên dọc đường đi cũng như khi tới Hồng Kông, chúng tôi chứng kiến trong đau lòng và bất lực khi thấy cháu bé khóc suốt vì đói, khát và ốm đau.

Chung sống dưới thuyền của ông bà Đường được hai ngày thì thuyền của chúng tôi chứng kiến đoàn thuyền thứ nhất được lệnh nhổ neo trực chỉ Hồng Kông. Tất cả khoảng hơn chục chiếc thuyền to nhỏ khác nhau được xếp hàng chữ nhất, cái nọ nối đuôi cái kia bằng một sợi dây cáp. Dẫn đầu đoàn thuyền là một chiếc ca nô của Trung Cộng. Sau đó là chiếc xà lan kéo theo cả đoàn thuyền hơn chục chiếc. Cả chiếc ca nô và chiếc xà lan đều không có cờ quạt hay phù hiệu gì chứng tỏ họ là của Trung Cộng. Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều và trời rất đẹp, trong xanh không một gợn mây, mặt biển phẳng lì tới tận chân trời xa...

Theo lời của anh Thịnh, đoàn thuyền sẽ đi trong khoảng 12 tiếng sẽ đến gần hải phận Hồng Kông. Khi đó, chiếc ca nô và xà lan sẽ quay đầu trở lại, sợi dây cáp nối liền các thuyền sẽ bị chặt đứt, và hơn chục chiếc thuyền sẽ mạnh chiếc nào chiếc nấy chạy thẳng vô Hồng Kông. Khoảng mấy tiếng đồng hồ sau, tàu tuần duyên của Hồng Kông khi phát hiện những chiếc thuyền đó, sẽ chặn lại, khám xét, tịch thu vũ khí, đạn dược... rồi ra lệnh cho họ được tiếp tục chạy vô hải phận Hồng Kông, thả neo tại khu vực dành cho những thuyền nhân xâm nhập lãnh hải Hồng Kông bất hợp pháp, và chờ đợi LHQ cứu xét tư cách tỵ nạn. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.