Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen (tiếp theo)

20/05/200800:00:00(Xem: 3657)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội...  Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Phúc “Thổ” nói, giọng đầy vơi tình cảm:
- Anh Bình ơi! Bọn chúng em như những người lính không nhà, tuy có nhiều lúc thật xác xơ, đói khát, nhưng cũng nhiều lúc thật đế vương. Những cái này, chỉ là những cái vặt, không là gì đối với bọn chúng em cả. Nhiều khi, một cái quần may hàng năm, sáu mươi đồng; nếu cần chỉ đổi lấy một cái bánh mì 5 hào, cũng xong. Chúng em quý trọng anh, vì anh có những cái “giơ” của lính, nghĩa là không nói nhiều.
Vừa nói, nó vừa giũ chiếc quần, chiếc áo giục:
- Anh mặc thử luôn. Anh đừng phụ lòng của chúng em!
Không làm sao được, tôi đành đứng lên mặc thử. Thằng Minh “Trố” cười hô hố:
- Vừa quá! Anh hãy còn đẹp giai lắm, chỉ phải hàm dưới anh thiếu 3 cái răng, mỗi khi anh cười, trông như lỗ châu mai của lô cốt thời Tây vậy.
Cả tôi cũng cười vang vì cách ví von của nó. Thằng Tiến “Ga” xách đến một đôi dép râu thật “nền”, đặt trước chân tôi:
- Em tặng anh đôi dép này. Ra đây, anh vẫn còn cứ đi một chiếc guốc méo, với một chiếc dép mòn mãi!
Tôi ngạc nhiên, nhìn chân nó vẫn đang đi một đôi, tôi hỏi ngay:
- Dép ở đâu em có mà tặng anh"
Nó kéo nghệch cái miệng lên, giọng ra vẻ anh chị:
- Anh ơi, người lính, có là dùng, không hỏi là ở đâu cả!
Sáng hôm sau, trong giờ sinh hoạt, tôi đang đọc báo mục “nông nghiệp”, ca ngợi “quê hương 5 tấn” Thái Bình, tôi nghe mấy tiếng cười đùa xìn xịt ở một góc của mấy cậu choai choai. Tiếng bác Khánh đã bảo chúng yên lặng mấy lần, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Xem ý, mặt ông Khánh đã đỏ lên vì tức bực. Những đám thiếu niên này, quen sống trong giới bụi đời, chỉ biết nể sợ đám đàn anh của chúng mà thôi. Chúng thường tuyên bố thẳng là, ngay cán bộ chúng nó cũng không sợ bằng đàn anh; bởi vì, cán bộ chỉ bắt giam chúng vài tháng, dăm ba tuấn; chứ suốt đời, chúng phải sống với đàn anh. Nếu trái lời, không lúc này thì lúc khác sẽ bị hành tội. Chỉ trừ khi chính chúng có lực, có thế khỏe hơn hẳn đàn anh, không kể, Mà xem ý ra những chuyện làm “Zoóc” (làm “chó”, trong Nam gọi là “ăng ten”, điểm chỉ) chúng nó kỵ ghét nhất. Kế tới là những chuyện o bế chính quyền, trật tự, vệ sinh, v.v... Những tên đàn anh không bao giờ quát nạt đàn em cả, nhiều khi còn ủng hộ nữa.
Cũng vì vậy, ông Khánh bực bội lắm. Nhưng, trong mấy đứa cười đùa có một thằng tên là Trung Lý Thu, chừng 15, 16 tuổi, trông cao ráo, khỏe mạnh, lại được một số lau nhau rất nể sợ. Mắt nó cũng gừ gừ nổi gai nhìn lại ông Khánh, như trêu tức. Ông Khánh không chịu được nữa rồi. Ông đứng bật dậy, xắn tay áo, chỉ tay vào mặt thằng Trung Lý Thu, gầm lên:
- Mày không đáng tuổi con tao, biết không" Mày là con tao, tao sẽ đánh bỏ bố mày!
Thằng Trung Lý Thu cũng đứng dậy. Mắt nó quắc lên, cũng chỉ tay về phía ông Khánh, trước cả buồng:
- Thật là may cho ông đấy! Ông mà là bố tôi, thì tôi cũng đánh bỏ cha ông rồi!
Cả buồng cười rộ. Tôi cũng buồn cười, nhưng chỉ rung rung dưới bụng với tí ở ánh mắt, chứ mặt vẫn phải ra vẻ không có ý kiến. Mặt bác Khánh tím lại, hai thái dương bác giật liên hồi, hai bàn tay cứ nắm lại, rồi lại mở ra nhiều lần. Hai bên quai hàm của bác bạnh ra, làm những bắp thịt con chạy lên, chạy xuống. Tôi hiểu bác giận lắm! Bác muốn xông đến đánh thằng Thu gục xuống, bác mới hả. Nhưng, chắc bác cũng kịp hiểu. Bao nhiêu đàn anh, đàn em của nó, có để bác làm theo ý bác không. Hơn nữa, đêm hôm nó sẽ đánh “đòn ngủ” làm sao mà phòng bị mãi được. Tôi đã hiểu bác cũng chẳng ưa gì Cộng Sản, nhưng vì trót làm trật tự, đã trót lên tiếng với chúng nó, phải nói đến cùng mà thôi. Điều quan trọng là bác không hiểu tâm lý thanh niên, nhất là lưu manh.
Tên Hưng ngồi đấy cũng không dám có ý kiến. Về phía tôi, cũng là trật tự, nhưng tôi lại là người đọc báo, vậy tôi cứ lờ đi cũng chả ai trách tôi được. Trong dạ, tôi muốn bỏ cái việc sinh hoạt đọc báo của kẻ thù này, trong buồng càng lộn xộn, càng tốt. Nhưng, phải nhìn rõ vấn đề, tất cả buồng vẫn nằm trong tay Cộng Sản, anh không nên làm gì quá, làm quá sẽ mất tất cả, sẽ khó khăn thêm, trừ phi anh ở cái thế nói chuyện tương đương với Cộng Sản. Còn ở đây, trong buồng hổ lốn, mất trật tự, vì tên buồng trưởng nhát, Cộng Sản sẽ đưa một tên “đuya” vào. Vì tên cán bộ không có tài, chúng sẽ đưa tên có khả năng đến. Chúng có trăm ngàn cách để trị, để làm cho khó khăn thêm, khi anh vẫn còn nằm trong tay chúng.
Tóm lại, tôi thấy sự việc đã vừa đủ rồi, nên tôi lên tiếng. Tôi cũng hiểu, cái thế của mình chỉ đủ đến lúc này mới lên tiếng, và cũng chỉ được phép một lần thôi. Không biết, tiến quá, sẽ hỏng. Nghĩ như vậy, tôi quay lại phía bác Khánh, dõng dạc:
- Thôi, bác Khánh ngồi xuống, bác đừng chấp với các cháu!
Ngoái lại thằng Trung Lý Thu, mắt tôi nhìn nó như có tia lửa, nhưng miệng tôi thì nhỏ nhẹ, tình cảm:
- Cháu Thu hãy ngồi xuống. Chú tin là cháu đã hiểu vấn đề.
Nó hơi lưỡng lự một chút, rồi ngồi xuống. Với thái độ lưỡng lự của nó, dù chỉ là mấy giây, tuy trong thâm tâm, tôi cũng không vừa ý lắm. Nhưng, tôi cũng biết là với cái thế có được của tôi, từ khi vào buồng này, chỉ dùng được đến đấy. Nếu không tự biết, tự kiềm chế, tiến thêm ít nữa là có vấn đề. Nếu muốn tiến thêm nữa, sau này lựa dịp, một buổi nào đó phải thử sức với các đàn anh của chúng nó ở trong buồng đã. Chuyện đó, những ngày tới hãy hay! Bây giờ, đã đến giờ chia cơm, và sau đó, còn phải ra gặp cô Vân xem cô muốn nói gì.
Tôi cũng biết, từ đầu câu chuyện lộn xộn trong giờ sinh hoạt, những con mắt của Thọ “Lột”, Phúc “Thổ” và một số tên lớn tuổi khác ở trong buồng đều không bỏ sót một cử chỉ, một thái độ nào của tôi.
Ngày hôm nay, mưa Đông nhì nhẹt từ sáng, sân trại vắng hẳn. Các buồng, sau khi chia cơm xong ở mé sát dưới hàng hiên, đều được phép lấy cơm vào trong nhà ăn.
Những hạt mưa nho nhỏ, theo từng cơn gió giăng, đan thành những tấm mành mành thưa ngoài sân trại. Trên trời cao, từng cụm mây đen to tướng lổm ngổm, có lẽ đầy nước, đang chậm chạp từ phương Nam lững lờ mò về phía Đông Bắc. Trong khi những làn gió lạnh buốt thổi từng hồi, làm giạt những hạt mưa xiêu chéo về hướng Tây Nam. Lác đác đó đây vài túm lá bàng úa đỏ còn sót lại trên cành, như cố đeo đẳng níu kéo với mưa Đông. Cuối cùng, cũng lần lượt theo từng cơn gió trong mưa, dăm ba chiếc chao đảo rời cành về cội muộn. Vài con chim sẻ run rẩy núp sát dưới mái hiên, đang xù lông, rụt cổ, nhìn những tấm thân gầy thiếu áo dưới sân. Ở sát tường, dưới hiên phía cuối buồng 4, chỗ chiếc bàn con của y tế, là một chiếc lưng ong, thon thon làn áo bông màu bộ đội. Hai lọn tóc gióc đuôi sam, được thắt hững hờ bằng hai sợi len đỏ, đang cong cong dẫy dọn theo gió. Thỉnh thoảng ngúc ngắc như nhắc nhở tôi, đừng quên lời dặn hôm trước của chủ nhân.
Trước bàn, hơn chục người tù xếp hàng một. Những tấm chăn rách tả tơi họ khoác trên người đã không đủ kín, để lộ ra những đôi chân khẳng khiu da bọc xương, nhưng lại sần sùi như chân gà do những mụn ghẻ lở, mủ máu. Giữa hàng dài những đôi chân gầy, thỉnh thoảng lại có hai cái chân mập ú, to quá khổ bình thường, mọng núc những nước. Tất cả đều run rẩy dưới cái lạnh cắt da của mưa phùn, gió Bấc.
Một tiếng thở dài nhè nhẹ, như nỗi niềm ê chề của đất nước và con người, khẽ thoát ra ngay bên cạnh tôi. Tôi quay lại, đôi mắt đầy vết nhăn của bác Khánh đang lơ đãng nhìn xa xa, phía bên ngoài Hà Nội. Bác đang nghĩ gì" Phải chăng tiếng thở dài vừa rồi là cho vợ con bác" Ngồi bên nhau, cùng nhìn một cảnh đời, nhưng ai hiểu được nỗi lòng của ai"
Thấy đã gần cuối giờ, chỗ bàn cô Vân chỉ còn một, hai người, tôi vờ như chợt nhớ ra:
- Tí nữa quên! Cô y tá hẹn hôm qua ra lấy thuốc.
Nói một câu trống không như vậy, rồi tôi đứng dậy, đi ra, tiến lại chỗ bàn y tế. Làm trật tự có cái lợi như vậy, vừa được ngồi ở ngoài thoải mái, vừa được ra gặp y tá không phải hỏi ai. Bình thường, tù muốn gặp y tá xin thuốc, phải báo cáo cán bộ, nếu không có cán bộ thì báo trật tự.
Tôi đã đến sau lưng cô Vân rồi, đã nhìn rõ những hạt mưa lóng lánh thủy tinh, gắn đầy trên hai cái đuôi sam đen mượt của cô. Làn hương thơm quen thuộc của những ngày cuối ở xà lim, lại bủa kín người tôi. Chân tôi như ngập ngừng không muốn bước, thế mà cô Vân hình như có mắt ở phía sau, cô cất tiếng nói êm nhẹ, trải dài vào trong gió:
- Anh Bình có lạnh không"
Tôi vừa tiến ra trước bàn, vừa như nói cho mình mình nghe:
- Đã có người làm ấm cả không gian, còn lạnh gì nữa!
Hai má cô au lên màu hoa đào, mắt cô ngỡ ngàng nhìn từ vai xuống đến chân tôi. Môi cô rung rung nhếch lên để hở ra màu trắng muốt, của những chiếc răng hình hạt na đều đặn; một bàn tay cô khẽ đưa ra mân mê hộp dầu cao “Sao Vàng” ở mé chiếc khay:
- Quần áo ở đâu, mặc oai thế"
Đến lượt tôi cũng hơi lúng túng ngượng ngùng, tôi trả lời ngắt quãng:
- Mấy cậu ở trong buồng cho, bắt phải mặc...
Cô cúi xuống mở chiếc ngăn kéo, lôi ra một cái ví nhỏ. Cô vừa mở ví, lấy ra một cái khăn mùi xoa lụa trắng con con, vừa nói vẻ thẹn thùng:
- Anh Bình thêu cho Vân cái khăn nhé"
Tôi ngạc nhiên ngơ ngác:


- Tôi có biết thêu thùa gì!
- Vân đã thấy anh thêu cái túi rồi. Anh muốn thêu gì cho Vân cũng được!
Tôi chẳng hiểu cô nghĩ thế nào, lại bảo tôi thêu khăn cho cô. Điều này cũng đã nói lên một phần bản chất đồng quê còn trắng trong, chất phác của cô. Tôi nhìn cô, cô nhìn tôi. Góc chiếc khăn lụa trắng cong lên, lất phất như ve vuốt bàn tay của người con gái Xuân thì. Dù tôi biết thêu chăng nữa, cô không thấy rằng trong trại chung, với hàng trăm thanh thiếu niên như vậy, lúc nào, và tôi ngồi đâu để thêu dệt mộng đời lên chiếc khăn tay" Cô đã mơ, tôi phải tỉnh! Tôi đã thấy rằng đã đến lúc chẳng thể còn chơi vơi, đu đưa với võng đời mãi được nữa. Chuyện này, đâu có phải chuyện đùa chơi. Tôi muốn tỏ một thái độ dứt khoát rồi đi vào buồng, nhưng nhìn đôi mắt của cô như than van mời gọi, như oán trách giận hờn, tôi phải nhìn đi nơi khác; rồi nói một câu ngược hẳn với ý định trong đầu:
- Tôi biết thêu làm sao, và thêu cái gì:...
- Một cành hoa đào với hai con chim. Nếu không, anh vẽ để Vân thêu cũng được.
Tôi buồn cười về ý tưởng ngộ nghĩnh của cô. Tôi chẳng hiểu tại sao cô lại thích những chuyện vớ vẩn như vậy, khi giữa cô và tôi có một bức tường cách ngăn cao vời vợi.
Một cơn gió lạnh thoảng qua làm đong đưa mấy chùm lá bàng vàng úa trên cành. Một chiếc lá chơi vơi, chao đảo trong gió, sà xuống cạnh khay thuốc trên mặt bàn giữa cô và tôi. Một tấm thân gầy đầy ghẻ lở trượt chân ngã, nằm sóng xoài ở mé sân phía bên kia. Đây đó vang lên những tiếng cười khô man rợ, thờ ơ. Một làn hơi nóng dâng lên trong người tôi, đẩy thành một quyết định. Tôi lạnh lùng, nhìn thẳng vào mắt cô Vân:
- Xin cảm ơn nhiều, và xin giã biệt.
Nói rồi, tôi quay ngoắt đi về buồng, tai còn nghe tiếng gọi yếu ớt “Anh Bình!” tuôn dài vào trong mưa Đông phía sau lưng.
Vào trong buồng, lòng tôi buồn vời vợi như thi trượt. Tôi bần thần ân hận về câu nói cuối cùng của mình.Tàn nhẫn quá! Tôi tưởng như âm vang của câu nói còn đâu đây. Nhưng biết sao được, tôi đâu muốn thế. Hơn nữa, hậu ý của tôi thì trái hẳn lại. Tôi không muốn Vân đau khổ hơn vì tôi. Vân ạ, chúng ta đều đang chết héo hắt trong cõi lòng. Chúng ta không được hưởng chung một bầu trời, một vầng trăng. Tôi thương Vân đã không thể tự do sống ngay thẳng với lòng mình. Vân chỉ là một con thiêu thân cho những ngông cuống, ích kỷ của bọn họ mà thôi. Chúng bắt tôi phải mang tội, phải có tội với chúng, với tình của con người, Vân với tôi có gì để lên án, để thù ghét nhau đâu"
Nhưng, tôi đã phải nói những lời cứng cỏi, lạnh lùng, tàn nhẫn với Vân. Vân ơi! Tôi không can đảm để nhìn cặp mắt trong xanh chứa một trời mơ, hẹn ước của Vân nữa. Tôi hiểu, dưới đáy mắt Vân là một khung trời thênh thang lộng gió, mà chúng ta cùng ao ước là những cánh chim hải hồ, đan nhau bay lượn, hay nhỏ bé hiền lành như đôi chim khuyên nhảy nhót trên cành hoa đào một sớm Xuân. Nhưng Vân ơi, tất cả chỉ là ảo vọng! Tan vỡ rồi, còn tàn nhẫn gấp bội. Bởi thế, tôi không còn can đảm để tiếp tục. Tôi đã ngây ngất, nhưng tôi lại sợ hơi thở thơm nồng. Tôi lẩn tránh sống mũi xinh xinh, làn má có lông tơ, óng mượt của Vân.
Vân ạ, đừng hiểu lầm lòng tôi. Tôi không muốn Vân bị sa thải, bị coi là hủ hóa, và nhất là sẽ bị kiểm thảo, rồi có khi sẽ bị ngồi trong xà lim, cùm kẹp tàn tạ như chị Bắc, như tôi. Dù có chua xót, nhưng chúng ta đừng nơi đây. Những gì đã qua, hãy coi là những kỷ niệm khác thường trong cuộc đời, một sự khác thường ý nghĩa và lý tưởng, Vân nhé!...
Khi bước chân vào nhà tiêu, tôi gặp thằng Hỷ “Con” một mình đang đi giải, tôi thân mật hỏi:
- Này cháu, mọi khi ngày nào cô y tá cũng vào đặt bàn ở đấy cho thuốc à"
Nó ngơ ngác nhìn tôi, băn khoăn một lúc, rồi vừa lúc lắc cái đầu, vừa trả lời:
- Trước kia, cô ấy ít vào cho thuốc lắm chú ạ. Có khi hàng tuần mới có một lần thôi. Chắc kỳ này có nhiều thuốc, nên ngày nào cô cũng vào cho.
Tôi vừa trở về chỗ, vừa suy nghĩ. Có thể việc phát thuốc lại trở về tình trạng cũ thôi, nghĩa là cả hàng tuần cô mới lại vào. Đành vậy!...
sự thật đau lòng của "thiên đường CS!"
Giờ trưa đã sắp đóng cửa buồng, đột nhiên có tiếng láo nháo ngoài sân. Một số cậu chạy đến, đứng phía trong cửa buồng nhìn ra. Bác Khánh, Thọ “Lột” và tôi vì có trách nhiệm nên được ra hẳn ngoài. Thì ra từ phía cổng trại chung, tên Bằng đang dẫn hơn một chục đứa lỡ nhỡ, lau nhau đi về phía buồng này. Chỉ một vài đứa đi chân không, còn hầu hết đều đi dép, quần áo có vẻ còn sạch sẽ. Khi đến trước cửa buồng, tên Bằng quát, bắt chúng ngồi tập trung vào một chỗ, chờ cán bộ Kế về nhận tù mới.
Trong khi đó, bên trong buồng nhiều đứa đã ý ới, những lời thăm hỏi ríu rít với bên ngoài. Nào là: mày lại vào “hao” à" Thằng A, thằng C đâu" v.v... Ngược lại bên ngoài cũng hỏi vọng vào... Mày vào “Ấp” bao lâu rồi" Thằng X đi Kỳ Sơn lâu chưa" Thằng K còn đấy hay đi Mai Lĩnh rồi" v.v... cứ tíu tít như đàn sẻ tranh nhau ăn. Một số thằng đàn anh, nghĩa là những thằng lớn, đã chỉ trỏ... đôi dép của thằng X, tao nhận rồi; thằng thì nhận cái áo bông của thằng Y, cái dây lưng của thằng Z, cái mũ của thằng B, v.v... Có nghĩa, chốc nữa vào buồng, những thứ đó, ai phải nộp cho ai rồi. Đấy là một hình thức cá lớn nuốt cá bé, “trấn, lột” lại của nhau. Nhưng có một điều, ngay những đứa bị lột, cũng vui lòng hả hê cung tặng đàn anh.
Điều tôi đặc biệt băn khoăn là, hầu hết, vẻ mặt chúng nó vào tù chả buồn tí nào cả, vẫn nhâng nhâng chuyện trò cứ như đi... cắm trại vậy. Không hiểu được, nên tôi đành phải hỏi chung cả một đám:
- Này các cháu, các cháu vừa bị bắt vào, các cháu chả có vẻ gì buồn cả là làm sao"
Đa số những cái miệng con tí đều nhao nhao:
- Chú ơi, “hao” (có lẽ âm của tiếng house) đối với chúng cháu là nhà. Lang thang một thời gian, không may bị “vồ” là giai đoạn về nhà nghỉ. Rồi họ lại phải thả ra! Vì cứ giam mãi, Hà Nội sẽ hết cả trẻ con, chú ạ. Trẻ con Hà Nội đa số vừa đi học, lại vừa là lưu manh. Rất nhiều đứa đều có “phích” (sổ đen) bị giữ ở đồn công an một vài tuần, hoặc dăm ba ngày rồi. Chẳng bố mẹ nào có tiền cho con cái. Vậy, muốn tiêu, phải ăn cắp.
Tôi lại càng ngạc nhiên, hỏi mấy cậu 17, 20 tuổi:
- Như vậy chỉ có con trai thôi, còn con gái thì sao"
Một thằng lớn tuổi cười ngất:
- Anh ơi! Anh chưa đi sâu vào xã hội này, anh không biết. Cũng như chúng em, tuy hàng ngày vẫn cắp sách đến trường, nhưng một nửa ngày là lưu manh. Bởi vậy, con gái rất rẻ! Chúng em đi ăn cắp, có tiền, chỉ cho một bữa xi nê, một bát phở là đem các em đi “quất” được rồi. Chúng em có thể nói thực với anh là, hầu hết con gái Hà Nội bây giờ, khó có cô nào còn trinh cả. Chúng em bảo đảm với anh là, anh đi trên đường phố Hà Nội, cứ thấy cậu nào có vẻ “ăn diện” một chút, đều là lưu manh, ăn cắp hết. Con gái cũng vậy. Không lấy đâu ra mà tiêu xài, mà diện.
Tôi vừa nghe chúng nó nói đến đấy, thì thấy tên Kế đã từ ngoài trại về. Lại ồm ồm lên khi hơn một chục đứa theo nhau vào buồng. Tên Hưng phải xóa chiếc bảng con treo ở cửa, ghi số mới của buồng thành 192.
Càng gần về cuối tuần, buồng càng chật. Thứ Sáu, thường có hai xe đưa loại tù con đi trại. Một xe đưa đi Kỳ Sơn loại từ 13 đến 17. Một xe đưa đi trại nhi đồng Mai Lĩnh, gần chùa Trầm, Hà Đông, loại từ 12 trở xuống.
Chỉ mới hơn nửa tháng ở buồng này, tôi đã tiếp xúc hàng mấy trăm đứa. Hết đợt kia đi, lại đợt này vào. Tùy loại, hoặc tùy điều kiện xe cộ, Việt Cộng bắt đám tù con nít này vào đồn công an ở khu phố đã, rồi tùy theo từng loại mới hay cũ, sau đó mới chuyển đển Hỏa Lò. Nhưng, cũng có loại, chúng đưa ngay vào Hỏa Lò. Cho nên, có lúc đưa vào vài chục đứa, có khi lại chỉ hai, ba đứa.
Khi cửa buồng đã khóa, và sau một lúc ồn ào của những màn thăm hỏi và... lột quần áo, v.v... tôi lại muốn nghe tiếp câu chuyện còn bỏ dở của các cậu thanh niên. Vì vậy, tôi lại mò đến một đám gồm gần một chục đứa, trong đó có cả Phúc “Thổ”. Thấy tôi đến, các cậu tránh dịch ra một chỗ, mời tôi ngồi. Ngồi xuống, vẻ vồn vả, tôi hỏi ngay:
- Khi nãy đang nghe các cậu nói chuyện Hà Nội thật hấp dẫn. Chính tôi không thể ngờ được! Này, thế con gái cũng là lưu manh cắp trộm, họ có bị bắt không"
Mấy cái đầu đều ngẩng lên định nói; nhưng chỉ một mình Phúc “Thổ” lên tiếng:
"Có mà đầy, anh ạ! Ngay Mai Lĩnh cũng có ba nhà con gái. Còn Kỳ Sơn, riêng một trại bên cạnh trại giam. Cứ đủ 18 tuổi là chuyển lên trại trung ương như chúng em bây giờ. Gái Hà Nội lúc này, gần một nửa là gái điếm. Một phần là gái điếm “nghiệp dư”, một phần, tốt hơn, có bồ bịch là lưu manh như chúng em. Vì chỉ có chúng em mới có tiền, để cho các cô diện và tiêu thôi.
“Bây giờ, họ thấy Kỳ Sơn và Mai Lĩnh đầy ứ nhiều quá, em nghe nói, họ mới mở 3 trường lớn ở Lào Kay và Phú Thọ. Thực tế, đó là 3 trại giam thiếu niên lớn, nhưng họ lại gọi là: “Trường Phổ Thông Công Nghiệp I, II và III”. Cũng như trại Kỳ Sơn, đi làm lao động có công an đưa đi. Chỉ có khác, quản giáo được gọi là thầy cô.
“Khi con gái đủ 18 tuổi thì bị đưa vào trại Mỏ Chén ở Sơn Tây. Trại này có hơn 3000 người. Trong khi, ở mỗi trại trung ương vẫn có một trại nữ ở gần kế bên. Sau này, anh đi trại, anh sẽ thấy nhiều vấn đề”.
Rồi như để minh giải những lời nói của mình, Phúc “Thổ” chỉ mấy cậu đang nhấp nhổm muốn chêm ý kiến mà chưa có dịp:
- Đây, thằng Minh “Trố”, dân “nhảy nghẽo” (ăn cắp xe đạp), thằng Tín “Đen”, vua cởi “hiệng” (ăn cắp đồng hồ), thằng Đồng “Ma cô”, dân “đột vòm” (đêm vào nhà ăn trộm), thằng Thái “Gà”, “lính mồ”... Chúng nó tung hoành thường có một hay hai con rất “nốp” đi theo, nên thành công nhiều hơn. Trên tầu, xe hay đám đông, các em thơm như múi mít, cứ đứng áp vào người, hay đá lông nheo, các cậu nhà ta mặt cứ đực ra như đang bĩnh ấy, nên tha hồ chúng nó đến lột. Hàng trăm ngàn trò, có con gái là xong lẹ. Ngay cái vụ Tòa Đại Sứ Pháp mất bao nhiêu đồ cổ quý giá, đã ầm cả Hà Nội lên, cũng do các cô em đến “chài” mấy anh lính gác, các cậu mới bò trèo vào được.
Tôi liếc nhìn thấy tên Hưng đang lúi húi ngồi hút thuốc, với bác Khánh ở mãi góc phía xa, liền đẩy nhẹ sang một tí vấn đề đất nước:
- Này, thế các cậu có thích nhà nước này không" Có thích bác Hồ không"
Cả 8, 9 thằng ngồi quanh đều cười ầm lên. Có mấy thằng hai bàn tay nắm chặt vào nhau, đưa cao lên đầu như lạy lạy ở trên không. Ba, bốn đứa đều định nói, nhưng thằng Minh “Trố” nói trước một cách dõng dạc:
- Em không nghĩ là anh lại hỏi chúng em như vậy. Chúng em nghĩ là anh đã thừa hiểu chúng em rồi. Em năm nay đã 23 tuổi, cũng đã học hết lớp 10, em nói một cách có giá trị là: không một người dân Hà Nội nào nói riêng, và cả miền Bắc nói chung lại ưa cái chế độ Cộng Sản chó chết này cả, chỉ trừ một số ít người có những ân huệ đặc biệt không kể. Chúng em chỉ mong miền Nam, Bắc tiến. Lúc đó, dân và ngay nhiều cán bộ cũng quay súng bắn trở lại những lũ chỉ huy, lãnh đạo ngay. Anh nhìn thấy bộ đội hoặc tự vệ các nhà máy, quyết tâm tử chiến với máy bay Mỹ, thì tưởng là toàn dân miền Bắc chống Mỹ ghê lắm. Hiểu như vậy là hoàn toàn lầm. Chúng em cũng từng là bộ đội, là tự vệ rồi. Tất cả chẳng qua vì cái thế, vì nồi cơm, vì chỗ đứng. Nếu không bắn sẽ bị quy về tư tưởng, người này theo kèm người kia. Chứ bộ binh của miền Nam, hay Mỹ nếu ra đây, sẽ cuốn lôi từng mảng. Rồi như giòng thác vỡ bờ, toàn dân được dịp đứng dậy trả thù lũ khát máu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.