LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.
*
(Tiếp theo...)
Phúc “Thổ” nói, giọng đầy vơi tình cảm:
- Anh Bình ơi! Bọn chúng em như những người lính không nhà, tuy có nhiều lúc thật xác xơ, đói khát, nhưng cũng nhiều lúc thật đế vương. Những cái này, chỉ là những cái vặt, không là gì đối với bọn chúng em cả. Nhiều khi, một cái quần may hàng năm, sáu mươi đồng; nếu cần chỉ đổi lấy một cái bánh mì 5 hào, cũng xong. Chúng em quý trọng anh, vì anh có những cái “giơ” của lính, nghĩa là không nói nhiều.
Vừa nói, nó vừa giũ chiếc quần, chiếc áo giục:
- Anh mặc thử luôn. Anh đừng phụ lòng của chúng em!
Không làm sao được, tôi đành đứng lên mặc thử. Thằng Minh “Trố” cười hô hố:
- Vừa quá! Anh hãy còn đẹp giai lắm, chỉ phải hàm dưới anh thiếu 3 cái răng, mỗi khi anh cười, trông như lỗ châu mai của lô cốt thời Tây vậy.
Cả tôi cũng cười vang vì cách ví von của nó. Thằng Tiến “Ga” xách đến một đôi dép râu thật “nền”, đặt trước chân tôi:
- Em tặng anh đôi dép này. Ra đây, anh vẫn còn cứ đi một chiếc guốc méo, với một chiếc dép mòn mãi!
Tôi ngạc nhiên, nhìn chân nó vẫn đang đi một đôi, tôi hỏi ngay:
- Dép ở đâu em có mà tặng anh"
Nó kéo nghệch cái miệng lên, giọng ra vẻ anh chị:
- Anh ơi, người lính, có là dùng, không hỏi là ở đâu cả!
Sáng hôm sau, trong giờ sinh hoạt, tôi đang đọc báo mục “nông nghiệp”, ca ngợi “quê hương 5 tấn” Thái Bình, tôi nghe mấy tiếng cười đùa xìn xịt ở một góc của mấy cậu choai choai. Tiếng bác Khánh đã bảo chúng yên lặng mấy lần, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Xem ý, mặt ông Khánh đã đỏ lên vì tức bực. Những đám thiếu niên này, quen sống trong giới bụi đời, chỉ biết nể sợ đám đàn anh của chúng mà thôi. Chúng thường tuyên bố thẳng là, ngay cán bộ chúng nó cũng không sợ bằng đàn anh; bởi vì, cán bộ chỉ bắt giam chúng vài tháng, dăm ba tuấn; chứ suốt đời, chúng phải sống với đàn anh. Nếu trái lời, không lúc này thì lúc khác sẽ bị hành tội. Chỉ trừ khi chính chúng có lực, có thế khỏe hơn hẳn đàn anh, không kể, Mà xem ý ra những chuyện làm “Zoóc” (làm “chó”, trong Nam gọi là “ăng ten”, điểm chỉ) chúng nó kỵ ghét nhất. Kế tới là những chuyện o bế chính quyền, trật tự, vệ sinh, v.v... Những tên đàn anh không bao giờ quát nạt đàn em cả, nhiều khi còn ủng hộ nữa.
Cũng vì vậy, ông Khánh bực bội lắm. Nhưng, trong mấy đứa cười đùa có một thằng tên là Trung Lý Thu, chừng 15, 16 tuổi, trông cao ráo, khỏe mạnh, lại được một số lau nhau rất nể sợ. Mắt nó cũng gừ gừ nổi gai nhìn lại ông Khánh, như trêu tức. Ông Khánh không chịu được nữa rồi. Ông đứng bật dậy, xắn tay áo, chỉ tay vào mặt thằng Trung Lý Thu, gầm lên:
- Mày không đáng tuổi con tao, biết không" Mày là con tao, tao sẽ đánh bỏ bố mày!
Thằng Trung Lý Thu cũng đứng dậy. Mắt nó quắc lên, cũng chỉ tay về phía ông Khánh, trước cả buồng:
- Thật là may cho ông đấy! Ông mà là bố tôi, thì tôi cũng đánh bỏ cha ông rồi!
Cả buồng cười rộ. Tôi cũng buồn cười, nhưng chỉ rung rung dưới bụng với tí ở ánh mắt, chứ mặt vẫn phải ra vẻ không có ý kiến. Mặt bác Khánh tím lại, hai thái dương bác giật liên hồi, hai bàn tay cứ nắm lại, rồi lại mở ra nhiều lần. Hai bên quai hàm của bác bạnh ra, làm những bắp thịt con chạy lên, chạy xuống. Tôi hiểu bác giận lắm! Bác muốn xông đến đánh thằng Thu gục xuống, bác mới hả. Nhưng, chắc bác cũng kịp hiểu. Bao nhiêu đàn anh, đàn em của nó, có để bác làm theo ý bác không. Hơn nữa, đêm hôm nó sẽ đánh “đòn ngủ” làm sao mà phòng bị mãi được. Tôi đã hiểu bác cũng chẳng ưa gì Cộng Sản, nhưng vì trót làm trật tự, đã trót lên tiếng với chúng nó, phải nói đến cùng mà thôi. Điều quan trọng là bác không hiểu tâm lý thanh niên, nhất là lưu manh.
Tên Hưng ngồi đấy cũng không dám có ý kiến. Về phía tôi, cũng là trật tự, nhưng tôi lại là người đọc báo, vậy tôi cứ lờ đi cũng chả ai trách tôi được. Trong dạ, tôi muốn bỏ cái việc sinh hoạt đọc báo của kẻ thù này, trong buồng càng lộn xộn, càng tốt. Nhưng, phải nhìn rõ vấn đề, tất cả buồng vẫn nằm trong tay Cộng Sản, anh không nên làm gì quá, làm quá sẽ mất tất cả, sẽ khó khăn thêm, trừ phi anh ở cái thế nói chuyện tương đương với Cộng Sản. Còn ở đây, trong buồng hổ lốn, mất trật tự, vì tên buồng trưởng nhát, Cộng Sản sẽ đưa một tên “đuya” vào. Vì tên cán bộ không có tài, chúng sẽ đưa tên có khả năng đến. Chúng có trăm ngàn cách để trị, để làm cho khó khăn thêm, khi anh vẫn còn nằm trong tay chúng.
Tóm lại, tôi thấy sự việc đã vừa đủ rồi, nên tôi lên tiếng. Tôi cũng hiểu, cái thế của mình chỉ đủ đến lúc này mới lên tiếng, và cũng chỉ được phép một lần thôi. Không biết, tiến quá, sẽ hỏng. Nghĩ như vậy, tôi quay lại phía bác Khánh, dõng dạc:
- Thôi, bác Khánh ngồi xuống, bác đừng chấp với các cháu!
Ngoái lại thằng Trung Lý Thu, mắt tôi nhìn nó như có tia lửa, nhưng miệng tôi thì nhỏ nhẹ, tình cảm:
- Cháu Thu hãy ngồi xuống. Chú tin là cháu đã hiểu vấn đề.
Nó hơi lưỡng lự một chút, rồi ngồi xuống. Với thái độ lưỡng lự của nó, dù chỉ là mấy giây, tuy trong thâm tâm, tôi cũng không vừa ý lắm. Nhưng, tôi cũng biết là với cái thế có được của tôi, từ khi vào buồng này, chỉ dùng được đến đấy. Nếu không tự biết, tự kiềm chế, tiến thêm ít nữa là có vấn đề. Nếu muốn tiến thêm nữa, sau này lựa dịp, một buổi nào đó phải thử sức với các đàn anh của chúng nó ở trong buồng đã. Chuyện đó, những ngày tới hãy hay! Bây giờ, đã đến giờ chia cơm, và sau đó, còn phải ra gặp cô Vân xem cô muốn nói gì.
Tôi cũng biết, từ đầu câu chuyện lộn xộn trong giờ sinh hoạt, những con mắt của Thọ “Lột”, Phúc “Thổ” và một số tên lớn tuổi khác ở trong buồng đều không bỏ sót một cử chỉ, một thái độ nào của tôi.
Ngày hôm nay, mưa Đông nhì nhẹt từ sáng, sân trại vắng hẳn. Các buồng, sau khi chia cơm xong ở mé sát dưới hàng hiên, đều được phép lấy cơm vào trong nhà ăn.
Những hạt mưa nho nhỏ, theo từng cơn gió giăng, đan thành những tấm mành mành thưa ngoài sân trại. Trên trời cao, từng cụm mây đen to tướng lổm ngổm, có lẽ đầy nước, đang chậm chạp từ phương Nam lững lờ mò về phía Đông Bắc. Trong khi những làn gió lạnh buốt thổi từng hồi, làm giạt những hạt mưa xiêu chéo về hướng Tây Nam. Lác đác đó đây vài túm lá bàng úa đỏ còn sót lại trên cành, như cố đeo đẳng níu kéo với mưa Đông. Cuối cùng, cũng lần lượt theo từng cơn gió trong mưa, dăm ba chiếc chao đảo rời cành về cội muộn. Vài con chim sẻ run rẩy núp sát dưới mái hiên, đang xù lông, rụt cổ, nhìn những tấm thân gầy thiếu áo dưới sân. Ở sát tường, dưới hiên phía cuối buồng 4, chỗ chiếc bàn con của y tế, là một chiếc lưng ong, thon thon làn áo bông màu bộ đội. Hai lọn tóc gióc đuôi sam, được thắt hững hờ bằng hai sợi len đỏ, đang cong cong dẫy dọn theo gió. Thỉnh thoảng ngúc ngắc như nhắc nhở tôi, đừng quên lời dặn hôm trước của chủ nhân.
Trước bàn, hơn chục người tù xếp hàng một. Những tấm chăn rách tả tơi họ khoác trên người đã không đủ kín, để lộ ra những đôi chân khẳng khiu da bọc xương, nhưng lại sần sùi như chân gà do những mụn ghẻ lở, mủ máu. Giữa hàng dài những đôi chân gầy, thỉnh thoảng lại có hai cái chân mập ú, to quá khổ bình thường, mọng núc những nước. Tất cả đều run rẩy dưới cái lạnh cắt da của mưa phùn, gió Bấc.
Một tiếng thở dài nhè nhẹ, như nỗi niềm ê chề của đất nước và con người, khẽ thoát ra ngay bên cạnh tôi. Tôi quay lại, đôi mắt đầy vết nhăn của bác Khánh đang lơ đãng nhìn xa xa, phía bên ngoài Hà Nội. Bác đang nghĩ gì" Phải chăng tiếng thở dài vừa rồi là cho vợ con bác" Ngồi bên nhau, cùng nhìn một cảnh đời, nhưng ai hiểu được nỗi lòng của ai"
Thấy đã gần cuối giờ, chỗ bàn cô Vân chỉ còn một, hai người, tôi vờ như chợt nhớ ra:
- Tí nữa quên! Cô y tá hẹn hôm qua ra lấy thuốc.
Nói một câu trống không như vậy, rồi tôi đứng dậy, đi ra, tiến lại chỗ bàn y tế. Làm trật tự có cái lợi như vậy, vừa được ngồi ở ngoài thoải mái, vừa được ra gặp y tá không phải hỏi ai. Bình thường, tù muốn gặp y tá xin thuốc, phải báo cáo cán bộ, nếu không có cán bộ thì báo trật tự.
Tôi đã đến sau lưng cô Vân rồi, đã nhìn rõ những hạt mưa lóng lánh thủy tinh, gắn đầy trên hai cái đuôi sam đen mượt của cô. Làn hương thơm quen thuộc của những ngày cuối ở xà lim, lại bủa kín người tôi. Chân tôi như ngập ngừng không muốn bước, thế mà cô Vân hình như có mắt ở phía sau, cô cất tiếng nói êm nhẹ, trải dài vào trong gió:
- Anh Bình có lạnh không"
Tôi vừa tiến ra trước bàn, vừa như nói cho mình mình nghe:
- Đã có người làm ấm cả không gian, còn lạnh gì nữa!
Hai má cô au lên màu hoa đào, mắt cô ngỡ ngàng nhìn từ vai xuống đến chân tôi. Môi cô rung rung nhếch lên để hở ra màu trắng muốt, của những chiếc răng hình hạt na đều đặn; một bàn tay cô khẽ đưa ra mân mê hộp dầu cao “Sao Vàng” ở mé chiếc khay:
- Quần áo ở đâu, mặc oai thế"
Đến lượt tôi cũng hơi lúng túng ngượng ngùng, tôi trả lời ngắt quãng:
- Mấy cậu ở trong buồng cho, bắt phải mặc...
Cô cúi xuống mở chiếc ngăn kéo, lôi ra một cái ví nhỏ. Cô vừa mở ví, lấy ra một cái khăn mùi xoa lụa trắng con con, vừa nói vẻ thẹn thùng:
- Anh Bình thêu cho Vân cái khăn nhé"
Tôi ngạc nhiên ngơ ngác: