Hôm nay,  

Những Ngày Cuối Của VNCH - Nguyên Tác: The Final Collapse Của Đại Tướng Cao Văn Viên (tiếp theo...)

21/04/200800:00:00(Xem: 8517)

(Tiếp theo Chương 5...)

Chín giờ đêm ngày 5 tháng 1, BCND gởi bản báo cáo tình hình chiến sự đầu tiên về cho quân đoàn III. Bản báo cáo cho thấy tình hình toàn diện bi đát hơn những báo cáo của tiểu khu Phước Long gởi về từ trước. Liên Đoàn 81 BCND cho biết các lực lượng Địa Phương Quân đã tan rã và rời bỏ vị trí khi phòng tuyến của họ bị xe tăng tấn công. Bây giờ phòng tuyến mới của BCND và các lực lượng phòng thủ còn lại nằm ở tòa thị sảnh và dinh tỉnh trưởng. Trong đêm đó, cộng quân pháo hơn 1000 quả đạn vào hai mục tiêu này. Chín giờ sáng ngày 6 tháng 1-1975, bộ binh cộng sản dưới sự hổ trợ của xe tăng mở cuộc tấn công mới vào quân trú phòng. Chiến trận xảy ra suốt ngày. Đến 11 giờ, mọi liên lạc với bộ chỉ huy tiểu khu bị cắt đứt; liên lạc giữa quân Biệt Cách Nhảy Dù vẫn được duy trì. Đến 12 giờ đêm cùng ngày, BCND quyết định bỏ tuyến phòng thủ và rời thành phố.
Mười giờ sáng ngày 7, một toán 50 quân nhân BCND cùng với bộ chỉ huy báo cáo họ đang đóng quân ở một địa điểm ở hướng bắc thành phố. Một số BCND khác cũng báo cáo họ đang có mặt ở hướng đông bắc của đường 14. Từ ngày 9 cho đến ngày 15, tháng 1-1975, quân đoàn II và bộ tư lệnh Liên Đoàn 81 BCND mở nhiều cuộc tìm kiếm các quân nhân BCND đã mất liên lạc chung quanh Phước Long. Sau bốn ngày tìm kiếm, 121 quân nhân được đưa về hậu cứ an toàn. Trong cuộc tiếp cứu Phước Long, Liên Đoàn 81 BCND mất phân nửa số quân của họ. Về phía quân, dân, và cán bộ hành chánh của tỉnh: hơn 1000 người thuộc cảnh sát, thường dân, cán bộ, Địa Phương Quân, và trung đoàn 7 BB chạy thoát về được vùng kiểm soát của chính phủ. Kém may mắn hơn, tỉnh trưởng Phước Long, quận trưởng Phước Bình, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2/trung đoàn 7 BB, và hơn ba ngàn quân nhân khác được ghi nhận mất tích/thương vong.
Trong lúc đánh vào Phước Long, cộng quân cùng lúc mở hai cuộc tấn công vào Tây Ninh và Hoài Đức, Tánh Linh (thuộc tỉnh Bình Tuy). Mục đích của hai cuộc tấn công này là địch muốn chúng ta trải mỏng tuyến, không còn phương tiện phòng thủ và tiếp cứu Phước Long. Chiếm được Phước Long là một thành công lớn so với những hy sinh địch quân đã trả. Từ lúc đánh chiếm những quận chung quanh vào đầu tháng 12, cho đến khi cộng sản thật sự tấn công vào quận lỵ chánh của tỉnh, Phước Long kể như bị cô lập hoàn toàn. Như vậy, không cần tính toán chúng ta cũng có thể biết được số mạng của Phước Long. Đối diện với một lực lượng gồm hai sư đoàn bộ binh và các trung đoàn xe tăng, pháo binh phụ thuộc, tiểu khu Phước Long chỉ có Địa Phương Quân. Và khi tình hình nguy ngập, tỉnh được quân đoàn chi viện một tiểu đoàn bộ binh. Kế hoạch phòng thủ Phước Long không hoàn hảo và bị thay đổi vào phút chót, gây nhiều trở ngại cho sự củng cố và tái phối trí các cứ điểm phòng thủ. Những thay đổi phút chót cũng làm cho tỉnh trưởng không kiểm soát được các lực lượng dưới quyền chỉ huy của ông. Những khiếm khuyết đó làm cho báo cáo từ tiểu khu gởi về quân đoàn thiếu chính xác.
Về phía cộng sản, họ có thế thượng phong khi so sánh số quân tấn công và quân phòng thủ. Họ có ưu điểm về chiến thuật và vũ khí có kỹ thuật cao. Xe tăng địch được tái trang bị, hai bên hông xe được độn để cản sức công phá khi trúng đạn. Đặc công của địch không còn di chuyển từng toán nhỏ ban đêm để làm tiền đạo cho các cánh quân chủ lực. Trong trận Phước Long, đặc công cộng sản đi theo xe tăng thẳng vào mặt trận, cùng lúc với các lực lượng tấn công. Pháo binh địch bắn rất chính xác, và với ưu điểm đó, họ chỉ tấn công vào ban ngày để quan sát được mục tiêu. Về tuyền tin, cộng sản dò luồng sóng và biết được nhiều quyết định chiến thuật của chúng ta ở ngay mặt trận.
Nhận định của một quân nhân BCND với kinh nghiệm chiến đấu ở An Lộc và Phuớc Long, về sự thất bại của quân ta: "Địch quân đánh không giỏi và gan dạ. Vấn đề là địch đông quá. Pháo binh mạnh và chính xác hơn ở trận An Lộc. Xe tăng của địch được trang bị khác hơn: Súng M-72 của chúng ta không ngăn chận được. Khi bị trúng đạn, xe tăng địch khựng lại một chút rồi tiếp tục tiến lên. Yểm trợ của không quân không hữu hiệu, vì phi cơ bay quá cao. Chỉ có B-52 như ở An Lộc thì chúng ta mới thắng được."
Về phương diện quân sự: CSBV làm chủ được một vùng đất rộng khi chiếm được Phước Long. Ba căn cứ hậu cần của cộng sản bây giờ nối liền nhau như một vòng cung, trải dài từ biên giới Cam Bốt, qua phiá bắc Vùng III, tạo nên nhiều đường giao thông dẫn đến Hàm Tân ở miền duyên hải.
Về phương diện tâm lý và chính trị: quân đội và dân chúng miền Nam bị giao động khi tỉnh đầu tiên của lãnh thổ VNCH bị mất hẳn vào tay địch. Thái độ dửng dưng của Hoa Kỳ và thế giới tự do trước sự thất thủ Phước Long gia tăng sự hoài nghi về bản hiệp ước ngưng bắn dân miền Nam không tin Hoa Kỳ sẽ trừng phạt những vi phạm lộ liễu của CSBV. Lòng tin của người dân vào quân đội và chính phủ không còn bền vững.
Đối với cộng sản, chiến thắng Phước Long không chỉ là một chiến thắng đơn thuần quân sự; họ đạt được nhiều lợi điểm về tâm lý và chính trị trong chiến thắng đó. Đây là bước đầu của một cuộc chinh phục quân sự, một cuộc chinh phục trắng trợn mà cộng sản không sợ bị trả đũa, phản ứng, từ Hoa Kỳ. Cộng sản Bắc Việt không có một khuyến khích nào tốt hơn trước sự yên lặng của Hoa Kỳ. Đây là thời gian thuận lợi cho cộng sản gia tăng tuyên truyền, kêu gọi quân nhân ta rời bỏ hàng ngũ theo về phía họ.

Ban Mê Thuột

Thiếu tướng Phạm Văn Phú về thay trung tướng Nguyễn Văn Toàn làm tư lệnh Vùng II/Quân Khu II vào tháng 12-1974. Thiếu tướng Phú từng giữ tư lệnh sư đoàn 1 Bộ Binh ở Vùng I từ tháng 10-1970 cho đến tháng 7-1972. Từ năm 1972 cho đến khi nhận chức vụ mới, tướng Phú chỉ huy trung tâm huấn luyện Quang Trung. Phó tổng thống Trần Văn Hương đề nghị thay tướng Toàn vì tướng Toàn bị tố cáo tham nhũng. Tổng thống Thiệu bổ nhiệm tướng Phú theo sự nài khẩn của phó tổng thống Hương, dù biết tướng Toàn là một sĩ quan có khả năng tác chiến. Tướng Toàn rời Vùng II về chỉ huy Thiết Giáp vào tháng 2-1975, và sau khi trung tướng Dư Quốc Đống từ chức tư lệnh vùng III, tướng Toàn được bổ nhiệm vào luôn chức vụ đó. Sự thay đổi chức tư lệnh Vùng II/Quân Khu II là một trong những biến cố đưa đến sự thất thủ Ban Mê Thuột, và một thời gian ngắn sau, mất tất cả Vùng II.
Trong thời gian trên, cộng quân chuẩn bị những chiến dịch quân sự tấn công miền Nam. Cộng sản chuẩn bị kế hoạch quân sự của họ trong sự tin tưởng và phấn khởi vì thấy thái độ yên lặng của Hoa Kỳ từ sau biến cố Phước Long. Nhiều biến chuyển và hoạt động của địch cho thấy Vùng II sẽ là mặt trận mở màn cho các cuộc tấn công sắp đến của cộng sản.
Cuối tháng 1-1975 chúng ta nhận được tin sư đoàn 320 CSBV rời căn cứ ở Đức Cơ, gần Pleiku, di chuyển về phía nam của cao nguyên Darlac. Quân đoàn II nhận được đầy đủ tin tức về hoạt động của địch nhưng không có một phản ứng gì, trừ những cuộc oanh kích hàng ngày vào những đoàn xe tiếp tế của cộng sản trên các trục xâm nhập. Đến tháng 2, các đoàn xe tiếp tế của CSBV xuất hiện hàng ngày nhiều hơn trên các đường xâm nhập ở phía tây biên giới. Một lần, vào cuối tháng 2 không quân VNCH đánh một đoàn vài trăm quân xa trên đường xâm nhập, gây tổn thất nặng cho đoàn xe.
Với sư đoàn 320 có mặt ở nam Darlac, tình báo ta đồng thời nhận được tin các sư đoàn khác của cộng sản như 316, 312 và 341 đang di chuyển về hướng nam nhưng không biết chắc chắn mục tiêu thật sự của các sư đoàn này. CSBV cố giấu mục đích thật sự của họ để đánh lạc hướng chúng ta: thí dụ sư đoàn 316 tiến về phía nam qua ngả Hạ Lào. Ngày 3 tháng 5 chúng ta bắt được tài liệu cho biết trung đoàn công binh chiến đấu của sư đoàn F-10 trên đường di chuyển từ Kontum về Ban Mê Thuột. Với những biến chuyển, quan sát, và tin tức tình báo thâu thập được, chúng ta biết rõ Ban Mê Thuột là mục tiêu hiển nhiên của cộng sản. Theo ước lượng, cộng sản sẽ cắt đứt các quốc lộ 14, 19, và 21 để cô lập các tỉnh ở cao nguyên khỏi vùng bình nguyên của vùng II, đồng thời ngăn chận tiếp viện từ hướng nam lên bắc của quân đoàn. Sư đoàn 320 sẽ chế ngự phi trường Phụng Dực và tất cả các mục tiêu nằm trên quốc lộ 14, ở hướng bắc Ban Mê Thuột. Sau đó sư đoàn F-10 sẽ đánh vào Ban Mê Thuột theo hướng tây nam, dọc theo quốc lộ 14. CSBV dùng mọi cách giấu kế hoạch của họ hầu tạo điều kiện bất ngờ cho cuộc tấn công.
Phòng 2 Tình Báo của quân đoàn II có đầy đủ ước lượng về hoạt động và mục tiêu của địch vào giữa tháng 2-1975. Tuy nhiên các tin tức tình báo tường trình lên cho quân đoàn không được thiếu tướng Phú lưu tâm và cứu xét. Trong thâm tâm của vị tư lệnh quân đoàn II, các hoạt động chung quanh Ban Mê Thuột của CSBV chỉ là một chiến thuật nghi binh. Tướng Phú nghĩ Pleiku sẽ là mục tiêu thật sự của CSBV. Từ thành kiến đó, tướng Phú phối trí quân theo giả định Pleiku là mục tiêu chánh: ông cho nguyên sư đoàn 23 bộ binh đóng chung quanh Pleiku, để lại nhiệm vụ phòng thủ Ban Mê Thuột cho một liên đoàn Biệt Động Quân, các lực lượng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, mà phần lớn là người Thượng. Đầu tháng 3, khi khi nhận được tin sư đoàn 320 di chuyển về hướng Ban Mê Thuột, bộ tư lệnh quân đoàn gởi về tỉnh trung đoàn 53 của sư đoàn 23. Trung đoàn 53 có nhiệm vụ canh giữ phía nam của phi trường Phụng Dực; trong khi liên đoàn BĐQ tuần hành chung quanh Buôn Hô, cách đông bắc Ban Mê Thuột 30 cây số. Các toán viễn thám của Nha Kỹ Thuật (thuộc BTTM) và sư đoàn 23 hoạt động sâu ở vùng biên giới gần Bản Đôn để truy lùng và theo dõi hoạt động của sư đoàn 320, nhưng chỉ đụng độ với các đơn vị cấp đại đội của địa phương.


Trong khi đó địch quân đã phong tỏa quốc lộ 21 từ Ban Mê Thuột về Nha Trang. Tiểu khu Khánh Hòa mở cuộc hành quân để giải tỏa các nút chận trên đoạn đường nhưng thất bại. Đoạn đường từ Khánh Dương về huớng tây bắc không còn lưu thông được. Ngày 5 tháng 3-1975, CSBV tấn công và tràn ngập quận Thuần Mẫn nằm trên đường 14, nửa đường Pleiku Ban Mê Thuột. Như vậy liên lạc giữa Pleiku, bộ tư lệnh quân đoàn II và Nha Trang ở miền duyên hải bị gián đoạn.
Trận đánh Ban Mê Thuột bắt đầu vào ngày 10 và kết thúc vào ngày 18 tháng 3-1975.(3) Rạng sáng ngày 10 tháng 3, sư đoàn 10 với sự yểm trợ của chiến xa và pháo binh, mở ba mặt tấn công vào thành phố. Mặt thứ nhất là cuộc tấn công bằng bộ binh và xe tăng, đánh vào kho đạn Mai Hắc Đế. Vị đại úy chỉ huy trưởng kho đạn bị tử thương trong lúc chỉ huy chống lại cuộc tấn công, và kho đạn bị mất vào tay địch trưa ngày hôm đó. Mặt tấn công thứ nhì nhắm vào phi trường Phụng Dực. Ở đây CSBV gặp sức phản cự mạnh của trung đoàn 53 bị khựng lại. Mũi thứ ba là mũi tấn công chánh, địch dùng một lực lượng bộ binh và thiết giáp đánh chiếm phi trường L-19, rồi tiến về trung tâm thành phố. Dọc theo các vị trí chiếm được, cộng quân lập nhiều chốt kháng cự phòng hờ cuộc phản công của chúng ta. Bộ chỉ huy tiểu khu, một trong những mục tiêu chánh, bị bao vây và tấn công mãnh liệt. Một xe tăng của địch bị bắn hạ ngoài phòng tuyến. Đến trưa ngày đầu tiên của cuộc tấn công, trung tâm hành quân của tiểu khu bị pháo địch phá hủy. Tiểu khu trưởng cũng là tỉnh trưởng Ban Mê Thuột sát nhập bộ chỉ huy tiểu khu qua bộ tư lệnh tiền phương của sư đoàn 23 bộ binh. Đến giờ phút này, các cơ phận chỉ huy của Nghĩa Quân và Địa Phương Quân không còn hoạt động nữa tất cả đã rối loạn. Xe tăng và bộ binh CSBV vây kín bộ chỉ huy của sư đoàn 23 bộ binh. Vài xe tăng của cộng quân bị bắn cháy ngoài vòng rào của bộ chỉ huy trước khi trời tối ngày đầu tiên của mặt trận.
Trưa ngày 10, liên đoàn Biệt Động Quân được lệnh di chuyển từ Buôn Hô xuống Ban Mê Thuột. Tuy nhiên đoàn quân tiếp cứu này không thực hiện được gì nhiều trước những chốt kháng cự của địch trên đường tiến về mục tiêu. Các đơn vị thiết giáp và Địa Phương Quân của chúng ta đang hành quân ở Bu Prang cũng được lệnh trở lại Ban Mê Thuột. Nhưng đến một chân cầu cách tỉnh lỵ 10 cây số hướng tây nam thì họ bị địch chận lại.
Đêm 10 tháng 3, địch tăng cường cho mặt trận thêm sư đoàn 316. Vòng vây chung quanh công sự của bộ chỉ huy tiền phương sư đoàn 23 càng lúc càng nhỏ; cường độ tấn công của địch gia tăng hàng giờ. Tư lệnh phó của sư đoàn 23 yêu cầu không quân đánh bom yểm trợ sát vào phòng tuyến của bộ chỉ huy. Không quân ta dội bom rất hữu hiệu, phá hủy được một số xe tăng. Nhưng không may, một trái bom rơi vào phòng chỉ huy chiến thuật, phá hủy tất cả các hệ thống, truyền tin. Bộ tư lệnh quân đoàn II mất hẳn liên lạc với mặt trận từ giây phút đó.
Ngày 13, liên đoàn 7 BĐQ được trực thăng vận từ vùng III đến yểm trợ cho quân đoàn II ở Pleiku, để thế hai trung đoàn 44, 45/sư đoàn 23 BB đang chuẩn bị lên đường giải vây Ban Mê Thuột. Ngày hôm sau, 14 tháng 3, một lực lượng gồm trung đoàn 45 và một tiểu đoàn của trung đoàn 44 được trực thăng vận xuống Phước An, nằm cách Ban Mê Thuột 30 cây số hướng đông. Phước An bây giờ là một địa điểm nhốn nháo, thiếu trật tự, nơi quân nhân tản lạc và thường dân chạy loạn tụ lại. Cuộc tiến quân của đoàn quân tiếp cứu gặp nhiều trở ngại ở Phước An: binh sĩ hoang mang và lo lắng cho thân nhân của họ còn kẹt lại trong thành phố, nhiều quân nhân tự động rời đơn vị, đi thẳng vào thành phố tìm thân nhân họ đang còn kẹt trong biển lửa.
Ngày 16 tư lệnh của sư đoàn 23 bị thương và được di tản khỏi mặt trận. Ngày 18 cộng sản tràn ngập Phước An điểm đổ quân duy nhất của chúng ta để giải vây Ban Mê Thuột. Mất Phước An, Ban Mê Thuột bị cắt đứt và cộng quân hoàn toàn làm chủ Darlac.
Trong lúc đó ở Khánh Dương, 45 cây số về hướng đông, lữ đoàn 3 Nhảy Dù đã có mặt. Được di chuyển về từ vùng 1, nhiệm vụ của quân Dù là lập phòng tuyến ngăn chận sư đoàn F-10 đang tiến theo quốc lộ 21 về miền duyên hải. Vừa đóng quân, lữ đoàn Nhảy Dù phải tiếp cứu những quân nhân và thường dân chạy thoát khỏi Ban Mê Thuột trên đường chạy về Nha Trang.
Ban Mê Thuột mất vì chúng ta không đủ quân để phòng thủ khi địch tấn công. Cộng quân không những có những ưu điểm bất ngờ về chiến thuật, họ có luôn thế thượng phong về quân số với 5 sư đoàn bộ binh và các trung đoàn xe tăng, pháo binh yểm trợ.(4) Tư lệnh quân đoàn, thiếu tướng Phạm Văn Phú, đã không thẩm định lại tình hình quân sự trước những tin tức tình báo chính xác về sự di chuyển của sư đoàn 320 và sư đoàn F-10 về hướng Ban Mê Thuột. Ông đã không chú trọng đến lời cố vấn của trưởng phòng tình báo quân đoàn và tin tình báo từ BTTM.(5) Với một thành kiến và những quyết định có sẳn trong đầu, tư lệnh quân đoàn II đinh ninh cộng quân sẽ tấn công Pleiku hay Kontum như họ đã làm trong quá khứ.
Từ những định kiến đó, tướng Phú dồn tất cả các nỗ lực phòng thủ vào Pleiku và Kontum, để nhiệm vụ phòng thủ Ban Mê Thuột cho hai lực luợng Nghĩa Quân và Địa Phương Quân. Định kiến của tướng Phú về mục tiêu tấn công của địch càng được thể hiện khi ông quyết định xử dụng các đơn vị bộ binh và thiết giáp hành quân truy lùng địch ở các tiền đồn xa như Bu Prang và Buôn Hô. Một lần, theo sự khẩn cầu của đại tá Trịnh Tiếu, trưởng phòng tình báo quân đoàn, tướng Phú có ý định đem tất cả sư đoàn 23 về phòng thủ Ban Mê Thuột. Nhưng vào phút chót nghe theo lời cố vấn của vị tư lệnh sư đoàn, chuẩn tướng Lê Trung Tường, tướng Phú chỉ cho trung đoàn 53 về Ban Mê Thuột, giữ hai trung đoàn 44 và 45 ở lại Pleiku.
Ngày 6 tháng 3, khi có tin sư đoàn F-10 bắt đầu rời vị trí và di chuyển, và khi cộng quân đánh chiếm Thuần Mẫn trên quốc lộ 14, cắt đứt quốc lộ 21 ở bắc Khánh Dương, thì vị tư lệnh vùng II mới bắt đầu nghĩ lại vấn đề.
Tuy lo lắng về những biến chuyển, nhưng tướng Phú vẫn chưa dứt khoát với những định kiến của mình về mục tiêu thật của cộng quân. Tướng Phú cho liên đoàn BĐQ đến Ban Mê Thuột không phải để bổ sung vào quân trú phòng, mà để truy lùng và canh giữ Buôn Hô, một địa điểm cách Ban Mê Thuột 30 cây số về hướng bắc.
Đích thân tướng Phú đến Ban Mê Thuột vào ngày 8 tháng 3 để thị sát vị trí phòng thủ và kế hoạch ứng chiến của thành phố. Tướng Phú ra lệnh phân phối vũ khí chống chiến xa như súng M-72 và hỏa tiễn TOW. Để đề phòng thêm, ông ra lệnh di chuyển số đạn trong kho ra nhiều nơi.
Khi cộng quân tấn công Ban Mê Thuột chúng ta không đủ quân cầm cự: với quân của trung đoàn 53, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, lực lượng đó không đủ để đối đầu với ba sư đoàn CSBV và các lực lượng phụ thuộc. Khi quân đoàn II quyết định đem quân về giải vây Ban Mê Thuột thì quá trễ: quân tăng viện đến từng toán nhỏ; đường tiến về Ban Mê Thuột hoàn toàn bị cô lập.  (Còn tiếp...)
Chú thích:
3. Lực lượng dùng vào kế hoạch nghi binh, và đánh vào Ban Mê Thuột gồm bốn sư đoàn 10, 320, 316, 968. Bốn trung đoàn bộ binh 95A, 95B, 25, 271. Năm trung đoàn cao xạ và pháo binh, một trung đoàn xe tăng, một trung đoàn đặc công, hai trung đoàn công binh, một trung đoàn thông tin và các đơn vị hậu cần, vận tải, cộng thêm sư đoàn 3 của Quân Khu 5 trong vai trò nghi binh. Bộ tư lệnh của mặt trận có bí danh là A.75, nằm dưới quyền chỉ huy của Văn Tiến Dũng, Đinh Đức Thiện, và Lê Ngọc Hiền. Sách đã dẫn, trang 198-201. Xem thêm bản đồ bố trí các lượng trong sách của Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành Dinh Trong Mùa Xuân Toàn Thắng, trang 201-202. Trong sách này Võ Nguyên Giáp thú nhận sư đoàn 320 chỉ còn danh mà thôi, vì sư đoàn đã bị thiệt gần hết sau trận đánh với Nhảy Dù ở Thường Đức (trận đồi 1062, năm 1974). Về hỏa lực pháo binh của cộng sản, theo trung tướng Doãn Tuế, tư lệnh pháo binh CSVN, địch có hai trung đoàn pháo 675 và 40, trung đoàn pháo của sư đoàn 316, và một đơn vị pháo binh của sư đoàn 10. Tổng cộng tất cả là 48 khẩu pháo đủ loại bắn vào Ban Mê Thuột. Cũng theo Doãn Tuế, từ 2:30 đến 5:30 sáng ngày 10 tháng ba, pháo binh bắn 500 viên; từ 8:30 sáng cho đến hết ngày 10, bắn 5000 viên; hai gian đoạn sau cùng của trận chiến cho đến khi họ chiếm được Ban Mê Thuột, bắn 6000 viên đại bác. Đọc Doãn Tuế, Pháo Binh Xuân 1975 (Quân Đội ND, Hà Nội: 1985), trang 63-65 (chú thich dịch giả).
4. Dựa vào số quân tương đương 5 sư đoàn đó mà Lê Đức Thọ đột ngột bước vào phòng họp của Ban Quân Ủy Trung Ương, ra lệnh, "Chúng ta có năm sư đoàn mà không đánh được Ban Mê Thuột là thế nào." Theo Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân (chú thích của dịch giả).
5. Ngoài tin tức thâu thập bằng phương tiện thông thường như mật báo viên, tù binh, hồi chánh, tài liệu hay tin do Phòng 2 quân đoàn II cung cấp, Phòng 2 BTTM còn cung cấp thêm tin tình báo kỹ thuật tối mật. Đại tá Hoàng Ngọc Lung, trưởng Phòng 2 BTTM được gởi đi quân đoàn II để trực tiếp thuyết trình cho tướng Phú về những tin tức kỹ thuật trên, nhưng đại tá Lung không gặp được tướng Phú (chú thích tác giả).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.