Hôm nay,  

Tưởng Niệm 40 Năm Martin Luther King

07/04/200800:00:00(Xem: 2939)

Lãnh tụ Martin Luther King đã ngã xuống trong một phát đạn oan nghiệt trong khi cả cuộc đời ông đã theo đuổi những mục tiêu cao cả với tinh thần bất bạo động. Ngay khi thi thể của ông vừa ngã xuống nền của ban công khách sạn, mắt của ông vẫn còn mở to như nuối tiếc bao nhiêu chuyện chưa làm, miệng ông vẫn hé mở như muốn trối trăng một lời hứa hẹn, một điều nhắn nhủ... nhưng tất cả đành câm nín, tất cả đành nghẹn ngào để rồi những tiếc nấc, những tiếng khóc, những nỗi đau đớn bất tận bỗng lan tràn trên khắp nước Mỹ và cả thế giới bàng hoàng khi hay tin Martin Luther King đã vĩnh biệt trần thế!
Kể từ buổi chiều tháng tư năm đó cho đến nay đã 40 năm trôi qua, cả thế giới đều xót thương trước cái chết của Martin Luther King trong khi chân diện một thủ phạm đích thực dẫn đến cái chết của ông vẫn còn chìm trong tăm tối và hàng loạt những nghi vấn vẫn giăng mắc, những mâu thuẫn vẫn thêu dệt...
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mục sư Martin Luther King giã biệt cõi đời, sau đây SàiGòn Times xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết trình bầy một số điểm then chốt nhằm phơi bầy những mâu thuẫn, những nghi vấn chung quanh cái chết của mục sự Martin Luther King.

*

Mục sư Martin Luther King là một động lực quan trọng và then chốt tạo nên những thay đổi lớn lao bộ mặt xã hội, chính trị của Hoa Kỳ trong suốt thời gian nhiều thập niên khi ông còn tại thế cũng như sau khi ông giã biệt cõi đời. Trong số những lãnh tụ nổi tiếng Hoa Kỳ, khó có lãnh tụ nào có được một kích thước xã hội rộng lớn trong một thời gian chớp nhoáng như ông.
Nhưng điều khiến mục sư Martin Luther King vượt lên trên tất cả những lãnh tụ chính trị Hoa Kỳ chính là những động lực đấu tranh có tính luân lý ông theo đuổi và quan điểm đấu tranh bất bạo động ông đã nhen nhóm trong lòng những người da đen nói riêng, và những người bị áp bức trên toàn thế giới nói chung. Chính hai điểm thành công ngoại hạng này đã khiến tên tuổi của ông vượt ra khỏi biên giới của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và trở thành một vĩ nhân của thế giới thời hiện đại. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến Viện Hàn Lâm Thụy Điển quyết định trao tặng giải thưởng Nobel Hòa Bình cho ông vào năm 1964, khi ông mới 35 tuổi, trẻ nhất trong lịch sử Nobel Hòa Bình thế giới.
Sinh trưởng năm 1929 tại Atlanta, Martin Luther King theo học thần học và nhận luận án tiến sĩ tại trường đại học Boston. Chịu ảnh hưởng nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng thế giới trong đó có Gandhi, Sartre,... Martin Luther King nhanh chóng tham gia phong trào đấu tranh giành quyền tự do và bình đẳng cho những người da mầu sinh sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, với khả năng hùng biện, kiến thức uyên bác, nhãn quan chính trị sắc bén, cộng với tầm nhìn xa trông rộng và những ước muốn chân thành, cao đẹp đầy vị tha, Martin Luther King đã trở thành linh hồn cho đông đảo những người da đen tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, bước vào những năm giữa của thập niên 1960, cùng với sự lớn mạnh của thế lực những người da đen, khuynh hướng đấu tranh võ trang trong những người da đen ngày càng lan rộng. Nhận thức được những nguy hại khôn lường một khi cuộc đấu tranh của những người da đen chuyển hướng từ bất bạo động sang bạo động, Martin Luther King quyết định đến Memphis vào tháng tư năm 1968 với mục đích chứng minh cho dư luận Hoa Kỳ cũng như cho những người da đen thấy sức mạnh của bất bạo động và sức mạnh đoàn kết trong một cuộc biểu tình của người da đen.
Theo báo chí tường thuật, tại Memphis, Martin Luther King thuê phòng số 306 của khách sạn Lorraine. Khi đó, Martin Luther King không hề biết đối diện với phòng số 306 của ông là một căn nhà rẻ tiền làm bằng gỗ tiền chế. Tại đó có một người đàn ông tên James Ray đã thuê một căn phòng có cửa sổ nhìn thẳng xuống ban công phòng của Martin Luther King. Trong số những đồ đạc James Ray mang theo có một khẩu súng trường hiệu Remington được gắn sẵn một ống ngắm cực mạnh có đường kính khoảng năm phân, dài khoảng 10 phân.
Vào khoảng gần sáu giờ chiều ngày 4 tháng tư năm 1968, Martin Luther King bước ra ngoài ban công, dựa vào lan can trò chuyện với bạn. Ngay khi đó một tiếng súng nổ vang và viên đạn xé gió bắn trúng hàm bên phải của Martin Luther King. Với một vết thương chí mạng như vậy, Martin Luther King chết gần như tức khắc.


Trong khi đó, James Ray nhanh chóng thoát khỏi căn phòng y đã thuê và nhảy lên chiếc Mustang màu trắng dọt thẳng. Mặc dù sau đó không đầy mười phút đồng hồ, cảnh sát đã phát hiện toàn bộ tang vật James Ray để lại trong phòng, James Ray đã khéo léo tại đào trong thời gian hơn hai tháng trước khi bị bắt vào ngày 8 tháng sáu tại phi trường quốc tế Heathrow, Luân Đôn, Anh Quốc.

*

Kể từ khi Martin Luther King bị bắn chết cho đến nay, trên danh chính ngôn thuận dư luận Hoa Kỳ nhìn nhận thủ phạm duy nhất đã hành sự một cách đơn thương độc mã là James Ray, một người sinh trưởng trong một gia đình nghèo khổ vào năm 1928, từng tham gia quân đội một thời gian trước khi trở thành một tên tội phạm tỉnh lẻ luôn luôn ra tù vào khám suốt hai thập niên.
Nhưng thực tế, nhiều người, nhiều cơ quan điều tra tội phạm tại Hoa Kỳ tin tưởng thủ phạm giết Martin Luther King không phải là James Ray hoặc nếu là James Ray thì chắc chắn còn có những thủ phạm hay tổ chức đầy thế lực khác đằng sau.
Theo nhận định của một số chuyên viên điều tra tội phạm Hoa Kỳ, thủ phạm chính yếu giết Martin Luther King có thể là một trong ba thế lực: Thế lực của tổ chức kỳ thị chủng tộc Ku Klux Klan; Thế lực kỳ thị người da đen địa phương tại Memphis; Và thế lực của những người da đen cực đoan có xu hướng đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc bằng con đường võ trang.
Nhưng một số người am tường tình hình chính trị Hoa Kỳ ở thời điểm đó đã nhìn nhận thế lực ám sát Martin Luther King và thế lực ám sát hai anh em tổng thống Kennedy là một thế lực cực đoan bao trùm toàn bộ nước Mỹ ở thập niên 1960.
Chính thế lực này đã quan niệm phương thức hay nhất để có thể ngăn chặn một cuộc cách mạng bình đẳng chủng tộc do những người da đen chủ xướng chính là thủ tiêu lãnh tụ Martin Luther King.
Nhưng nếu dựa vào những bằng chứng được tiết lộ mới đây nhất, nhiều người đã cho rằng, có thể cơ quan tình báo liên bang FBI đã nhúng tay vào cái chết của Martin Luther King.
Ủy ban tình báo tại thượng viện Hoa Kỳ cách đây không lâu đã phát hiện những tin tức động trời như sau. Thứ nhất, cơ quan FBI đã bí mật theo dõi, ghi âm các cuộc điện đàm của Martin Luther King trong suốt thời gian từ năm 1959 cho đến khi ông bị ám sát vào năm 1968.
Thứ hai, mối quan hệ giữa giám đốc cơ quan tình báo FBI và Martin Luther King là một mối quan hệ căng thẳng đầy thù nghịch. Đặc biệt, vào đầu năm 1968, ông Sullivan, chủ sự phòng tình báo phản gián trực thuộc cơ quan FBI, đã viết một lá thư mật cho giám đốc FBI trong đó có đề nghị "đã đến lúc cần loại bỏ Martin Luther King bằng mọi giá".
Thứ ba, trước khi Martin Luther King lãnh nhận giải Nobel Hòa Bình, cơ quan tình báo FBI đã bí mật gửi một cuộn băng và một lá thư với những lời lẽ nhằm khích động để Martin Luther King đi đến hành động quyên sinh.
Thứ tư, trước khi Martin Luther King đến Memphis, cơ quan FBI đã cố tình phao tin Martin Luther King sẽ cư ngụ tại khách sạn của một người da trắng. Nguồn tin này vô hình chung đẩy Martin Luther King vào thế phải thuê khách sạn Lorraine do người da đen làm chủ. Phải chăng làm như vậy cơ quan FBI đã bí mật xắp đặt để tạo sự thuận lợi cho James Ray ám sát Martin Luther King"
Bên cạnh những phát hiện động trời vừa nêu trên, còn một số những sự kiện đầy vô lý cho đến nay vẫn chưa có một lời giải đáp.
Thứ nhất, chính bản thân James Ray trong suốt thời gian bị tù đầy cho đến khi qua đời, vẫn khẳng định y là nạn nhân của một âm mưu và bị chính những luật sư của y bán đứng.
Thứ hai, nếu chỉ có mình James Ray là thủ phạm duy nhất thì tại sao James Ray lại có thể kiếm được căn phòng có một vị trí ám sát Martin Luther King tuyệt vời như vậy trong khi James Ray chỉ là một kẻ hoàn toàn xa lạ tại thị trấn Memphis"
Thứ ba, tại sao một người không quen thuộc phong thổ, James Ray lại có thể chỉ mất có hai tiếng rưỡi đồng hồ kể từ khi kiếm phòng để thuê cho đến khi nổ súng ám sát Martin Luther King và đào tẩu một cách trót lọt"
Thứ tư, tại sao James Ray lại có thể ngây thơ để lại nhiều dấu tay ở những vị trí ai cũng có thể thấy và ai cũng có thể biết đó là dấu tay của y"
Thứ năm, trong gói hành lý James Ray vứt lại bên đường cùng với khẩu súng có một chiếc quần lót hoàn toàn khác cỡ với những quần lót khác của James Ray. Vậy chiếc quần lót đó là của ai"
Thứ sáu, ai đã cung cấp tiền bạc và giấy tờ giả cho James Ray khiến y có thể chu du một cách ung dung không những trên lãnh thổ Hoa Kỳ mà ngay cả ở nhiều quốc gia khác trên thế giới"
Và nghi vấn cuối cùng, nếu James Ray là thủ phạm duy nhất đã giết Martin Luther King thì động cơ gì, lý do gì khiến y đã hành động như vậy"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.