Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 97)

01/04/200800:00:00(Xem: 4082)

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Tôi vừa ngồi xuống ghế, thì một người ngồi ở ghế giữa dẫy ghế bên tay phải của tôi đứng dậy. Ông này cao lớn, da dẻ hồng hào, dù tóc đã bạc. Khác hẳn những người khác đều mặc áo công an, màu xanh lá cây, ông mặc bộ quần áo đại cán bằng nỉ màu cứt ngựa. Cầm trên tay lá thư của tôi, ông gật đầu về phía người ngồi cuối bàn, đối diện với tôi. Khi người đó đứng dậy, tôi nhận ra ngay ông là cán bộ Ngô, người đã vui vẻ tiếp đón tôi và gọi tôi là "đồng chí" ngay khi tôi bước vào đồn công an Trung Cộng chiều tối hôm 1 tháng 10.
Ông tóc bạc nói tiếng Hoa vài câu rồi dừng lại để cán bộ Ngô dịch sang tiếng Việt cho tôi nghe. Đầu tiên, ông nói ngắn gọn về việc nhận đơn xin tỵ nạn chính trị của tôi, cùng hoàn cảnh tôi đã trải qua trên đường vượt biên. Riêng câu tôi viết, thà chết trong tay những người tôi coi là bạn còn hơn chết trong tay những người tôi coi là thù, ông đã đọc nguyên văn, và ngay khi ông đọc xong, mọi người vỗ tay vang dội làm tôi rất phấn khởi. Sau đó, ông tóc bạc nói:
- Thay mặt Hoa Chủ tịch và giới chức thẩm quyền tại địa phương, hôm nay chúng tôi tạm thời chấp thuận đơn xin tỵ nạn chính trị của "đồng chí" Phạm. Chúng tôi nói tạm thời là vì chúng tôi còn phải tiếp tục điều tra xem "đồng chí" có phải là tỵ nạn chính trị thiệt không. Nếu không phải, "đồng chí" phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, và chúng tôi sẽ có biện pháp trừng trị thích đáng.
Nghe cán bộ Ngô dịch xong, tôi mừng quá, đứng dậy, định nói mấy lời, nhưng cán bộ tóc bạc, dơ tay ngăn tôi lại, và ra dấu bảo tôi ngồi xuống. Ông nói tiếp:
- Trong tư cách tỵ nạn chính trị, "đồng chí" được hưởng tiêu chuẩn "trung táo" tại chiêu đãi trạm Hồng Kỳ, có phòng ngủ riêng, có người nấu ăn riêng, quần áo có người giặt giũ. "Đồng chí" cũng được quyền tự do đi lại trong thành phố Đông Hưng. Nhưng vì đây là là cửa khẩu tiếp giáp với Việt Nam, có nhiều gián điệp của cộng sản Việt Nam trà trộn, nên vì an ninh của "đồng chí", mỗi khi đi đâu, "đồng chí" phải có bổn phận báo cáo với đồng chí Ngô.
Sau đó, cán bộ Ngô hỏi tôi có thắc mắc hay muốn đề nghị gì không. Tôi đứng dậy nói mấy lời cảm ơn trong sự xúc động thực sự của mình. Vẫn biết, Trung Cộng cũng là cộng sản, là nguyên nhân gián tiếp hoặc trực tiếp của không biết bao nhiêu đau khổ cho dân tộc Việt Nam, nhưng lúc đó, tôi thấy biết ơn họ vô cùng. Tôi cũng cam đoan với họ những gì tôi khai báo là đúng sự thực, và đề nghị chính phủ Trung Cộng giúp đỡ cho tôi được đoàn tụ với gia đình ở Úc càng sớm càng tốt. Tôi phải nhấn mạnh điểm này để đánh tan trong đầu óc của họ những nghi ngờ cho rằng tôi là gián điệp của Việt Cộng được cài vô Trung Quốc hoạt động.
Sau khi tôi nói xong, mọi người đều đứng dậy bắt tay tôi và nói xì xồ tiếng Hoa với tôi. Còn tôi, tôi chỉ nói được có hai tiếng "tố chề" (cảm ơn). Tuy vậy, mọi người xem ra đều vui vẻ thực tình. Khi mọi người đi hết, cán bộ Ngô chỉ vào đống quần áo, giầy dép, bàn chải đánh răng.... trên bàn và cho tôi biết, tất cả là của chiêu đãi trạm phân phát cho tôi. Ôm đồm tất cả mọi thứ, tôi đi theo cán bộ Ngô và một nhân viên của chiêu đãi trạm leo lên lầu, vô một căn phòng có cửa sổ trông ngay xuống nhà bếp.  Đồ đạc trong phòng rất đơn giản, chỉ có một chiếc giường đơn, một chiếc tủ đựng quần áo, một chiếc bàn nhỏ, trên có bình thuỷ, ấm trà và một chiếc tách. Trên giường trải chiếu và có một chiếc gối. Một bóng đèn điện lủng lẳng ngay giữa phòng, cách đầu tôi khoảng một thước. Tuy mang tiếng là phòng riêng, nhưng giữa các phòng chỉ có những tấm vách ngăn cao khoảng hai thước rưỡi, còn phía trên các phòng đều thông tuông, cùng trông thấy nóc nhà.
Cán bộ Ngô ân cần bảo tôi:
- "Đồng chí" được hưởng tiêu chuẩn "trung táo" là 1 đồng rưỡi (hay 2 đồng rưỡi, lâu ngày tôi không nhớ) một ngày. Tiêu chuẩn này dành riêng cho những Hoa kiều về nước có giấy chiếu khán nhập cảnh của tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội. Còn tất cả những Hoa kiều về nước khác chỉ được hưởng tiêu chuẩn "đại táo". Họ không được ở khách sạn, phải ăn cơm tập trung. Như vậy đủ thấy đảng và nhà nước đã quan tâm đến "đồng chí" như thế nào. Bây giờ đồng chí cần gì thì nói với đồng chí X (tôi không nhớ tên). Những gì trong phạm trù quy định, đồng chí X sẽ giải quyết. Còn không, đồng chí X sẽ đề đạt lên tôi giải quyết.
Tôi vội vã hỏi:
- Thưa cán bộ, tôi cần ít giấy bút để viết thư cho gia đình ở ngoại quốc.
Cán bộ Ngô gật đầu:
- Đồng chí X sẽ mang giấy bút ngay cho "đồng chí". Cũng báo để đồng chí biết, với tiêu chuẩn "trung táo", "đồng chí" được lãnh mỗi tháng 15 đồng tiêu vặt. Ngoài ra, đồng chí X cũng sẽ trao cho "đồng chí" một bản nội quy của chiêu đãi trạm... "Đồng chí" cố gắng thi hành thật tốt...
Sau khi cán bộ Ngô đi khỏi, cán bộ X mang giấy bút cho tôi. X cũng là người Việt gốc Hoa, nói tiếng Việt rất sõi nên vừa là thông ngôn, vừa là nhân viên an ninh có trách nhiệm bảo vệ (hay nói đúng hơn là theo dõi) tôi.
Chiều hôm đó, tôi cặm cụi viết hơn chục lá thư gửi cho những người thân ở Úc, Mỹ và Việt Nam. Riêng những thư gửi về Việt Nam, tôi phải gửi qua Úc, Mỹ, và nhờ người thân ở đó chuyển về. Khi đi gửi thư, tôi tế nhị trao cho cán bộ X, đinh ninh ông này sẽ giữ lại để kiểm duyệt trước khi gửi. Không ngờ, X đưa tiền cho tôi và chỉ đường ra bưu điện để tôi tự gửi. Tôi không biết như vậy, bưu điện sẽ có biện pháp kiểm duyệt thư của tôi, hay quả thực, Trung Cộng đã cho phép tôi được tự do thư tín"
Chiều hôm đó, tôi được ăn bữa cơm "trung táo" đầu tiên trong cuộc đời. Ngày xưa khi đi bộ đội, tôi vẫn nghe đến mấy chữ "tiểu táo, trung táo, đại táo", nhưng không bao giờ nghĩ là sẽ có ngày được ăn tiêu chuẩn "trung táo", nhất là được ăn trên đất Trung Cộng.


Vì tôi chỉ có một mình, nên nhà bếp dọn cho tôi một mâm riêng. Bữa cơm "trung táo" khá thịnh soạn, có 5 món, đủ cả thịt cá, rau canh, và trái cây tráng miệng. Các món ăn làm rất ngon, lạ miệng nhưng vì thiếu nước mắm nên giảm ngon phân nửa. Thì ra, người Hoa quen chấm xì dầu, ít dùng nước mắm. Mấy ngày sau, quen biết với các chị nấu bếp, thấy các chị rất dễ dãi và hiền lành, tôi hỏi xin "mắm sủi" (nước mắm), các chị liền mua riêng cho tôi một chai nước mắm. Từ đó, biết tôi thích ăn nước mắm, bữa cơm nào các chị cũng cho một chén trong đó có chút nước mắm để chấm.
Thời gian này tôi cũng bắt đầu bập bẹ học tiếng Hoa. Vì học hành không trường lớp, nên có nhiều chuyện tức cười. Một trong những chuyện đến nay tôi vẫn còn nhớ là chuyện "chí nhục ngạo ngổ". Khi ở chiêu đãi trạm, những từ ngữ tiếng Hoa đầu tiên tôi được các chị nấu bếp dậy là các món ăn, trong đó có chữ "chí nhục" là thịt heo. Còn chữ "ngạo" là cắn, "ngổ" là tôi, thì tôi đã biết lõm bõm từ trước. Một ngày nọ, đến chơi một gia đình người Hoa ở ngay cạnh bến xe Đông Hưng. Vì người Hoa ở đấy có thói quen nuôi heo thả rông trong nhà như nuôi chó, nên có một con heo chạy xồng xộc lại cắn tôi. Tôi giật mình vội la lên, "chí nhục ngạo ngổ!" khiến mọi người trong nhà cười ồ thích thú. Sau đó, mọi người mới giải thích cho tôi hiểu, nói "chí ngạo ngổ" là heo cắn tôi, còn nói "chí nhục ngạo ngổ" là sai vì làm sao "thịt heo" lại biết cắn người được.
Đông Hưng là một thị trấn nhỏ, nhưng vì nằm ngay bên bờ sông Ka Long là biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt Hoa, nên buôn bán sầm uất, cửa hàng, cửa tiệm san sát. Mỗi tuần có hai phiên chợ, dân chúng từ khắp các vùng quê lân cận đổ về đông như kiến, chen chúc mua bán đủ các mặt hàng nông lâm thổ sản, trong đó có những thứ lạ lùng, chúng tôi chưa từng nghe thấy bao giờ.
Mức sống của người dân Trung Cộng tại Đông Hưng cũng nghèo túng, nhưng khá hơn người dân Miền Bắc Việt Nam rất nhiều. Nhìn chung, họ được ăn no, mặc ấm, nhưng rất hiếm các mặt hàng tiêu dùng, các sản phẩm kỹ nghệ. Cả thị trấn có một cửa hàng bách hóa tổng hợp tương đối lớn, nhưng hầu hết các mặt hàng chỉ để trưng làm mẫu chứ không bán. Ngoài ra, một tiệm sách và một rạp chiếu phim chỉ bán sách và chiếu phim tuyên truyền của Trung Cộng. Sau này, khi chuyển về Phòng Thành, tôi mới được xem một số phim của Ấn Độ và một phim của Mỹ có phụ đề tiếng Hoa.
Người Hoa ở vùng Đông Hưng, Phòng Thành rất thật thà, chất phác, tốt bụng và lạc hậu. Ngoại trừ những người dân sống ở ngay thị trấn Đông Hưng, Phòng Thành, còn dân chúng ở quê sống trong tăm tối, xa cách với mọi tiện nghi văn minh như điện nước, thậm chí có những người cả đời không hề biết chụp hình, ăn phở là gì.
Suốt thời gian ở chiêu đãi trạm Hồng Kỳ, cán bộ Ngô rất tận tình giúp đỡ tôi. Ông rất hiền lành và tốt bụng, thường xuyên chỉ bảo tôi mọi chuyện và bất cứ khi nào tôi cần cái gì, hỏi ông, ông đều cố gắng giải quyết. Vì vậy, tôi rất có cảm tình với ông, coi ông như một ân nhân. Mãi sau này, gặp ba của Liên, tôi mới biết, ông là đại tá tình báo của công an Trung Cộng, nói thông thạo 5 ngôn ngữ, kể cả tiếng Anh.
Hôm đó là ngày có chợ phiên. Tôi đang dạo phố ở Đông Hưng, tình cờ tôi gặp lại cô Liên cùng đi với ba má. Chắc qúy độc giả còn nhớ Liên là cô bé đã cho tôi đi nhờ xe đạp vô thị xã Móng Cái trước đây. Hôm đó, chia tay ở tiệm ăn, cả hai đều chúc tụng và hẹn hò sẽ gặp lại nhau ở Trung Quốc. Lúc ấy hẹn hò vậy cho vui, chứ đâu có ngờ, bây giờ chúng tôi gặp lại nhau thật.
Gặp tôi, Liên rất hồn nhiên, vui vẻ, hai má ửng hồng, mắt sáng long lanh, trông rất dễ thương. Bố Liên tên là Phùng, khoảng ngoài 50, thân hình cao to, hai bàn tay như hai chiếc quạt, gương mặt xương, dài như mặt ngựa, lại rỗ huê, nhưng có bộ râu quai nón trông rất oai hùng và cặp lông mày chổi xể hung tợn, bất cứ ai chỉ nhìn một lần là nhớ suốt đời. Sau này, ở Cabramatta tôi có gặp một ông người Hoa cũng có lông mày y hệt như vậy, khiến tôi ngạc nhiên, cứ nhìn ông chằm chằm... nhưng cho tôi miễn nói tên của ông ở đây.
Mẹ của Liên, tên là Hoa, thì nhỏ nhắn, óng ả, dịu dàng, với mái tóc dài buông xõa, khác hẳn những người phụ nữ Trung Hoa kết tóc đuôi sam. Khí hậu lúc đó khá lạnh, nên bà mặc áo bông dầy sụ, nhưng bà cao phải thước sáu hoặc hơn, nên trông vẫn thấy nét duyên dáng đài các. Tôi thấy người phụ nữ như bà thật hiếm có trong xã hội "phụ nữ ba đảm đang" phải làm việc như trâu ở Miền Bắc. Về sau tôi mới biết, bà là con gái út của ông Tổng Lâm, người giầu có nổi tiếng nhất nhì ở tỉnh Bắc Ninh thời Pháp.
Nghe Liên giới thiệu tôi là người Việt gốc Hoa nhưng không biết nói tiếng Hoa, tôi ngượng quá vội nói:
- Thú thiệt với anh, tôi là người Việt trăm phần trăm... Nhưng vì lúc đó ở Móng Cái...
Tôi đang lúng túng tìm cách nói thực hoàn cảnh của mình thì ông Phùng cười ha hả, đưa bàn tay khổng lồ của ông vỗ vỗ vai tôi, nói một cách hào sảng:
- Nhằm nhò gì ba chuyện lẻ tẻ đó... Chú mày khỏi thanh minh thanh nga. Thời buổi loạn ly, lang sói ở khắp mọi nơi, ai mà chả phải nói dối... Đi, đi... đi nhậu thịt chó với anh mày một bữa...
Rồi chẳng cần biết tôi có đồng ý hay không, miệng ông nói, tay ông đẩy tôi đi về phía trước... Thấy thái độ thân thiện, cởi mở của ông, tôi không nỡ chối từ, vội đi theo ông.
Tại Đông Hưng, thịt chó là món ăn được bầy bán rất phổ biến. Những quán bán thịt chó xuất hiện nhan nhản dọc theo các căn phố. Quán không hề có biển, có chữ gì, chỉ có một hai con chó da trắng hếu, treo lủng lẳng trước cửa là đủ thu hút khách. Nhất là vào những ngày có chợ phiên thì những quán bán thịt chó xuất hiện càng nhiều. Đi khoảng vài chục thước là có một quán bán ngay bên đường, mùi thịt nướng, mùi rựa mận thơm lừng không gian. Những quán bán bên vệ đường này chỉ có ba, bốn chiếc ghế đẩu nhỏ, cao hơn gang tay, nên phần đông thực khách đều đứng hoặc ngồi xổm chung quanh, ăn uống xì xụp, rất tự nhiên, bất kể người qua lại, bụi bặm, ruồi muỗi...
Đi qua nhiều quán thịt chó, ông Phùng đều lắc đầu tỏ ý chê, mà tôi không biết ông chê cái gì. Có điều, tôi ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều ở chợ quen biết ông, chào hỏi ông vồn vã. Có người gặp ông thì ôm hôn thắm thiết, có người ông bắt tay, có người ông vỗ vai bồm bộp, có người ông chỉ hừ hừ trong cổ họng, tay phẩy nhẹ rồi đi.
Đi hết khu phố chợ, quẹo vô con đường nhỏ dẫn đến bờ sông Ka Long, chúng tôi bước vô một tiệm ăn nhỏ, từ ngoài vào trong đều trần thiết bằng gỗ đen như mun. Chủ quán là một người Hoa mình ve xác hạc, nhưng cao lênh khênh, đầu đội một cái mũ nhỏ xíu dính sát da đầu, trông rất dị tướng. Thấy ông Phùng, ông không chào hỏi gì, chỉ quay lưng dắt hai người chúng tôi vô một chiếc phòng nhỏ, có cửa sổ trông xuống ngay sông Ka Long. Vì lúc trước, vợ ông Phùng và Liên đã đi chợ, nên bây giờ chỉ có ông Phùng và tôi ngồi nhậu... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.