Hôm nay,  

Tội Ác: Nấm Mồ Bí Mật Của Người Cha Tàn Ác

17/03/200800:00:00(Xem: 3385)

Vào năm 1962, dứa con trai ba tuổi tên Stephen của ông William Jennings bị mất tích mà không ai rõ lý do tại sao. Mãi đến năm 1988 người ta mới khám phá ra bí mật của người cha tàn độc.
Khi ông William Jenning khai báo đứa con mới ba tuổi của ông đã bị mất tích vào một ngày mùa đông lạnh như cắt thịt trong tháng 12 năm 1962, toàn thể cộng đồng dân chúng cư ngụ ở chung quanh và trong làng Lower Gomersal ở West Yorkshire, Anh Quốc đều tình nguyện tham gia vào việc tìm kiếm.
Cuộc truy lùng lớn nhất trong năm 1962 không đem lại kết quả nào, nhưng người dân làng vẫn nhớ mãi vụ mất tích kỳ lạ của đứa bé con. Vì vậy, 25 năm sau, khi một người đàn ông dẫn chó đi chơi ngẫu nhiên khám phá ra một bộ xương nhỏ xíu bị che lấp bên dưới một tảng đá trên một con đường quê hẻo lánh, người dân làng và cảnh sát địa phương nghĩ ngay đến tên Stephen Jennings. Sau đây là tóm tắt toàn bộ câu chuyện kinh tâm động phách về tội ác giết con của một người cha tàn nhẫn.

*

Vào lúc 4 giờ chiều ngày 12/12/1962, William Jennings đến trạm Gomersal báo với cảnh sát là dứa con ba tuổi của ông tên là Stephen đã mất tích từ 11 giờ sáng. Vì vợ Williams phải đưa bé Barry mới sinh được bốn tháng đến phòng mạch địa phương cho bác sĩ khám bệnh nên William phải ở nhà thay vợ chăm sóc đàn con là Paul bốn tuổi, Stephen ba tuổi và Susan hai tuổi.
Khi Eileen Jennings trở về ngôi nhà chính phủ chật chội ở số 5 đường Cross Street, thì bà không thấy bé Stephen đâu cả. Chồng Eileen cho biết ba đứa bé qua nhà hàng xóm chơi, nhưng chỉ có hai đứa trở về là Paul và Susan. Bà Eileen đã sửa soạn sẵn ba phần ăn cho ba em và mua ba cây kẹo lớn cho chúng, nhưng bây giờ một đứa bỗng biến mất và chiếc kẹo nằm chỏng chơ trên bàn một cách côi cút và kỳ bí...
Cảnh sát ở hai trạm Gomersal và Cleckheaton trong vùng liền tổ chức một cuộc săn tìm thật lớn. Sau nhiều giờ tìm kiếm, người ta bắt đầu lo rằng, nếu có tìm được chắc là đứa bé cũng đã chết cóng, vì lúc đó là giữa mùa đông ở Anh, khí trời rét buốt kinh hồn.
Dân chúng trong vùng nghe tin đều kéo đến tình nguyện giúp tìm em bé, và giới chức hữu trách phải tạm dùng một nhà thờ địa phương làm tổnh hành dinh điều khiển cuộc truy lùng mới chứa đủ người. Một quán rượu ở địa phương tình nguyện mở cửa cung cấp nước giải khát cho mọi người tham dự miễn phí. Có tất cả 60 cảnh sát, kể cả cảnh sát thuộc lực lượng quân khuyển tham dự.
Việc tìm kiếm rất khó khăn vì vùng này là một khu kỹ nghệ cũ, bị bỏ hoang, có nhiều hầm mỏ cổ xưa, đường xe lửa cũ chạy ngang dọc, có các đập nước, hồ nước thải cặn bã của nhà máy nằm rải rác, cùng các đường mương, cống rãnh lớn, nơi mà một đứa bé có thể té xuống và biến mất dạng một cách dễ dàng, không người hay biết.
Những người tìm kiếm làm việc rất tỉ mỉ, mò tìm từng ly từng tí, từ đường xe lửa, nhà kho cũ, giếng nước cũ, đến các nhà máy cũ lẫn mới, đều không bỏ qua. Họ đào xới các khoảng đất mới, bươi móc các hồ, đập nước và cống rãnh. Ngay từ đầu họ đã gặp phải nhiều khó khăn vì cái lạnh kinh người của một mùa đông tệ hại nhất dân làng từng được biết.
Giữa tháng 12 năm 1962 và tháng 3 năm 1963, đất trong vùng đóng băng cứng như đổ bê tông. Hai cảnh sát khi ấy còn trẻ, mới ra trường, từng tham gia vào việc tìm kiếm, là Tony Ridley và Brian Prendergast. Hồi tưởng lại quang cảnh khi đó hai cảnh sát cho biết khi ấy các thùng lửa sưởi ấm bừng cháy dọc hè phố, các người tìm kiếm mặc bốn năm lớp áo dày cộm để chống thời tiết ngặt nghèo, riêng cảnh sát phải mặc bộ đồ pyjama ở trong, choàng thêm bộ đồ chơi thể thao, mặc bộ đồng phục cảnh sát lên trên rồi choàng thêm áo ba đờ xuy phía ngoài mới chịu nổi cơn rét thấu xương. 25 năm sau, khi vụ án bé Stephen bị mất tích đưọc tái xét, hai viên cảnh sát trẻ sẽ giữ một vai trò rất quan trọng trong việc làm sáng tỏ vụ án, và lúc này họ đều giữ những chức vụ cao cấp trong ngành cảnh sát Anh.

CUỘC SĂN LÙNG  TRONG MÀN TUYẾT DÀY DẶC

Sau Giáng Sinh 1962 trời bắt đầu mưa tuyết dữ dội, và toàn vùng bị phủ một lớp tuyết dày dặc, trắng xóa trong suốt hai tháng trời không tan. Cuộc tìm kiếm trở nên quá khó khăn trong màn tuyết, vì vậy phải tạm thời đình chỉ.
Ngay từ lúc đầu, có một số cảnh sát và người dân trong vùng đã nghi, chính Willam Jennings, 25 tuổi, đã giết con và chôn giấu xác chết. Có hai người đàn bà không hề quen biết nhau đều báo cáo cùng một sự kiện, đó là vào ngày bé Stephen bị mất tích, họ nhìn thấy William đang khiên một cái bị lớn có chứa vật gì đó trông có vẻ rất cồng kềnh. Trong vòng nhiều tuần, cảnh sát liên tục gọi William và Eileen đến phỏng vấn. Đôi khi, cảnh sát thẩm vấn William đến ba, bốn lượt một ngày. Nhưng William nhất mực giữ vững lời khai cũ và phỏng đoán có lẽ Stephen đã bị dân du mục Gypsy bắt cóc. William bảo gói quà Giáng Sinh của Stephen vẫn còn để ở nhà chưa mở, đợi nó về. Những lúc không bị cảnh sát thẩm vấn, William còn tham gia vào việc tìm kiếm tông tích con.
Khi tuyết bắt đầu tan vào đầu tháng ba, cảnh sát tiếp tục tìm kiếm trong vòng hai tuần nữa, đôi khi trở lại vùng đất cũ đã xục xạo rồi, để xem có đất mới bị đào lên không, vì họ nghĩ, tên sát nhân có thể tinh khôn, đem xác chôn lại vào chỗ mới được cảnh sát lục soát rồi. Họ còn truy lùng hết các ngõ nghách, thục cây vào các lỗ hổng, vì sợ rằng xác bé William bị nhét trong đó. Cuối cùng vẫn không có kết quả gì, cảnh sát buộc phải chấm dứt việc tìm kiếm.

NGHI NGỜ CÓ ÁN MẠNG GIẾT NGƯỜI

Nhiều người trong làng bị vụ mất tích của bé Stephen ám ảnh trong nhiều năm, và đa số nghi là bé đã bị giết chứ không phải bị bắt cóc hoặc bị tai nạn chết mất xác. Vào lúc ấy, báo chí cũng làm rùm lên, tiên đoán đủ diều mỗi khi có một em bé bị mất tích. Vào năm 1965, khi vụ án nổi tiếng gọi là Án Mạng Trong Đầm Lầy (the Moor Murder) đang diễn tiến, người ta cho rằng có lẽ bé Stephen cũng là một trong số những đứa bé mất tích vì bị cặp Ian Brady và Myra Hindley giết.
Mỗi năm, vào mùa Giáng Sinh, các ký giả thường đến phỏng vấn Eileen Jennings để viết một câu truyện làm mủi lòng độc giả trong mùa Chúa Giáng Trần.
Hai mươi lăm năm và tám tháng sau ngày cậu bé mất tích, có một cú điện thoại gọi đến trạm cảnh sát Heckmondwike làm cảnh sát vội mở lại hồ sơ vụ án. Vào khoảng sáu giờ chiều ngày thứ Năm 7 tháng Tư năm 1988, ông Malcolm Burton, một người dân địa phương đã từng tham gia vụ tìm kiếm bé Stephen 25 năm trước, đang dẫn con chó giống terrier được ông đặt tên là Mac đi dọc theo một con đường mòn ít ai dùng, dẫn đến bờ một đường xe lửa bỏ hoang ở Eddercliff, chỉ cách ngôi nhà cũ của William Jennings tại vùng Lower Gomersal có vài trăm mét.
Ông Malcolm kể lại: "Chúng tôi định leo lên đường chính thì Mac bắt đầu gầm gừ và sủa dấm dẳn, dường như đang đào được một vật gì lạ lùng lắm đó ở trong bụi rậm. Gọi mãi không thấy nó ra, vì vậy tôi vạch cây đi vào xem nó tìm được cái giống gì mà mải mê dữ vậy. Khi tôi cúi xuống định gắn dây xích vào cổ nó để lôi ra thì mới nhìm thấy vật Mac vừa mới đào nhú lên".
Mới đầu ông Malcolm nghĩ rằng có lẽ đây là đầu của một con búp bê bằng nhựa, nhưng khi ông lật phiến đá đè lên thì nhận rõ, đấy là xương sọ của một em bé nằm lẫn với các đốt xương khác. Tức khắc ông nhớ lại ngày bé Stephen bị mất tích.
Brian Prendergash, người cảnh sát viên mới ra trường đã tham gia vào cuộc truy lùng bé Stephen, nay là thanh tra thám tử của sở cảnh sát Batley. Ngay sau khi Malcolm gọi điện đến trình bày tự sự, người ta báo cho Brian biết ngay, và cũng như Malcolm, tức khắc Brian nhớ lại vụ cậu bé bị mất tích 25 năm về trước.
Sau khi đến quan sát chỗ tìm thấy bộ xương, Brian phái một cảnh sát canh gác không cho ai tiến vào, và yêu cầu Malcolm tạm thời niêm kín miệng bình, đừng tiết lộ với ai. Tiếp theo, Brian gọi điện cho Tony Ridley, bây giờ là thám tử trưởng của lực lượng cảnh sát vùng Kirlees.
Nhiệm vụ của Ridley, người được giao quyền tái mở hồ sơ vụ án bé Stephen bị mất tích, và Brian, cánh tay mặt của Ridley, là phải làm sao nhận diện được xác chết, tìm nguyên nhân gây nên cái chết, tìm được càng nhiều nhân chứng cũ càng tốt, và quan trọng nhất là, tìm xem bây giờ William Jennings tọa lạc nơi nào mà không làm William nghi ngờ là cảnh sát đã mở lại hồ sơ vụ án. Nếu thật sự William Jennings là thủ phạm, thì tốt hơn hết là giấu kín việc tìm thấy xác, hy vọng khi nói chuyện William có thể nói hớ.
Cảnh sát còn hy vọng rằng, khi phát hiện ra là mình đã lỡ lời nói hớ, William sẽ bối rối mất tinh thần mà khai thật hết. Nhất là khi bất ngờ không kịp suy nghĩ chín chắn hai người sẽ khó mà giữ nguyên lời khai cũ. Nếu William không làm như vậy, cảnh sát sẽ không làm cách nào để kết tội William được vì không có bằng chứng.

NHỜ CÁC NHÀ KHẢO CỔ GIÚP ĐỠ

Vào ngày hôm sau, thứ sáu 8/4/1988, các chuyên viên bắt đầu việc khám xét hiện trường nơi chôn thi thể. Thay vì đem nắm xương tàn của nạn nhân về ngay phòng thí nghiệm để nghiên cứu, Ridley yêu cầu một đội khảo cổ từ đại học Bradford, dưới quyền chỉ huy của tiến sĩ John Hunter, đến giúp khám xét một cách khoa học.


Mười tuần trước, Ridley có tham dự vào một cuộc điều tra về vụ người ta tìm thấy xuơng người dưới đáy một đập nước của nhà máy xay bột, đã khô cạn. Các chuyên gia cho rằng, đống xương lớn này có lẽ là của 60 công nhân nhà máy xây, đã bị mất tích trong một cơn lũ lụt bất ngờ cách đây 150 năm. Lúc ấy ông Kevin Cooper, trưởng ty cảnh sát là thủ lãnh trực tiếp của Ridley đã nhận xét, nếu có một trường hợp xương xưa cũ nào khác cần xác minh, nghiên cứu một cách khoa học, thì nên nhờ  tiến sĩ John Hunter. John Hunter là một trong những nhà khoa học duy nhất ở Anh đang nghiên cứu việc áp dụng khoa khảo cổ vào ngành trinh thám.
Nhận được lệnh, các chuyên viên khảo cổ liền đào bới bộ xương nhỏ xíu một cách thật chậm chạp kỹ càng và chụp hình từng giai đoạn một. Sau khi nghiên cứu kỹ càng các tang chứng còn sót lại, họ khẳng định, mới đầu thi thể nạn nhân được đặt nằm trên nền cỏ và bị chất đá lên để chôn. Sau đó, bức tường khô kế cận bị đổ xập, chôn giấu luôn nấm mộ đá.
Phân tích khoa học cho thấy, có lẽ lúc bị chôn, xác được bao trong một cái bị vải. Hầu như mọi phần của bộ xương đều còn nguyên vẹn, nằm gần y nguyên vị trí của chúng trong cơ thể. Nếu xương không bị chôn kỹ, có lẽ đã bị thú hoang tha mất hết.

TÌM THẤY ĐÔI GIẦY CỦA NẠN NHÂN

Cả cái bị vải lẫn quần áo nạn nhân đã bị mục nát đến độ hầu như không còn dấu vết gì. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ tìm thấy một đôi giày bằng da nằm chung với bộ xương. Đôi giầy còn khá tốt, và phù hợp với lời mô tả đôi giầy mà Stephen đã mang ngày bị mất tích.
Sau khi bộ xương được khai quật, đưa về phòng thí nghiệm ráp lại, bác sĩ Somasundram Siva cùng với một chuyên gia về xương cùng nhau khảo cứu tàn tích và xác định, đây là xương của một đứa bé từ ba đến ba tuổi rưỡi. Một vết nứt trên cánh tay bộ xương phù hợp với vết thương trên tay của bé Stephen mà mọi người trông thấy vài hôm trước khi em mất tích.
Xét theo tuổi của bộ xương, vết nứt trên xương tay, đôi giầy da, vị trí bộ xương nơi chưa từng có một em bé nào khác bị mất tích trong vòng mấy mươi năm qua chứng tỏ, bộ xương phải là của bé Stephen chứ không phải của ai khác.
Đội khám nghiệm của bác sĩ Siva còn có thể tái tạo lại những giờ phút cuối cùng của bé Stephen một cách khá chi tiết. Vào lúc chết, bé Stephen đã bị đánh đập tàn nhẫn, khiến ít nhất là tám chiếc xương sườn bị gẫy.
Theo bác sĩ Siva: "Những vết gẫy nứt này tương tự với những vết gẫy của các nạn nhân bị tai nạn xe cộ hoặc của những người bị té từ lầu hai, lầu ba xuống đất. Tôi nghĩ để gây ra những vết thương nội tạng kinh khủng như vậy, thủ phạm phải đứng đàng sau lưng em và đá hoặc đấm em thật mãnh liệt".
Việc tìm kiếm nhân chứng cũ thật khó khăn vì hai mươi lăm năm đã trôi qua, hồ sơ bị thất lạc, nhiều người chứng đã chết hoặc dọn nhà đi nơi khác. Riêng gia đình Jennings đã dọn khỏi vùng Lower Gomersal vào năm 1964. Sau khi hai vợ chồng bị tù vì tội bỏ bê con cái vào năm 65 đến 66, hai vợ chồng Eileen và William đã ly thân. Đến năm 1972, hai vợ chồng chính thức ly dị. Sau khi điều tra kỹ càng, cảnh sát khám phá, hiện William đang sống với một người bạn đời mới ở Albrighton, thuộc vùng Wolverhamton. Hai người gặp nhau qua mục tìm bạn tâm tình vào thập niên 1970.

HOẠT ĐỘNG CỦA CẢNH SÁT

Vào ngày 9 và 10 tháng Tư năm 1988, một đội cảnh sát bốn người, lái xe đến Albrighton với trách nhiệm xem xét lại địa chỉ của William, để bảo đảm nghi can vẫn còn ở tại địa chỉ này rồi sau đó chụp một vài bức ảnh, và lái xe về.
Vào ngày thứ Hai 11 tháng Tư, cảnh sát nhận được một cú điện thoại hỏi thăm vụ án bé Stephen từ báo Spenborough Guardian, và lo ngại báo chí sẽ làm rùm lên trước khi William bị câu lưu, cảnh sát liền mời vị ký giả tò mò, người đã để ý thấy hoạt động bất thường của cảnh sát trong khu chôn xác bé Stephen, đến sở trần tình, yêu cầu người này tạm giữ bí mật, và hứa sẽ báo cho biết trước khi vụ án được công bố, với đầy đủ chi tiết, để gọi là hậu tạ đã giúp nhà chức trách trong lúc khó khăn, và anh chàng này đồng ý.
Vào 6.30 sáng ngày thứ Tư 13 tháng Tư năm 1988, thanh tra cảnh sát Prendergast cùng hai thám tử khác lái xe đến tìm William. Kế hoạch dự định là sẽ bắt William và thẩm vấn ngay tức khắc trong xe, trên đường về sở cảnh sát Batley. Làm như vậy cảnh sát hy vọng, tự nhiên bị bắt bất thần sau 25 năm tưởng chừng đã quên hẳn sẽ làm nghi can mất tinh thần mà khai hết sự thực. Có một chiếc xe thứ nhì chở bốn cảnh sát khác chạy theo, họ lãnh nhiệm vụ khám nhà trong khi William bị điệu đi.

ĐỐI ĐẦU VỚI JENNINGS

Phần lớn vụ án có thành công hay không tùy thuộc vào phản ứng đầu tiên của William Jennings. Nếu hắn không thèm trả lời, cảnh sát không có quyền buộc hắn trả lời, và như thế không có cách nào để thuyết phục hắn tự thú được cả. Vào lúc 8 giờ 30 phút sáng, các thám tử đến gõ cửa nhà William, và một người đàn bà ra mở cửa. Các thám tử tự giới thiệu, và bước vào nhà, leo lên lầu, đi vào phòng ngủ thì thám tử Prendergash nhìn thấy William lục đục bước xuống giường. Ông nhận diện ngay được William mặc dù đã hơn một phần tư thế kỷ không gặp mặt.
Prendergash liền thông báo: "Chúng tôi đã tìm thấy Stephen Jennings", và William trả lời: "Ông tìm thấy xác nó trong đầm lầy phải không"" Việc này chứng tỏ cho đội điều tra biết rằng, William đã đọc bài báo nói về cái chết của bé Pauling Reed, một trong những nạn nhân của vụ Án Mạng Trong Đầm Lầy, được đăng báo vào ngày hôm qua. Rõ ràng tuy mới ngủ dậy, nhưng đầu óc của Willam vẫn còn minh mẫn lắm, nên không bị cảnh sát đánh phủ đầu mà nói hớ! Cảnh sát liền tuyên bố họ đến bắt William về tội giết bé Stephen vào tháng 12 năm 1962. Đây là một ván bài tháu cái về mặt tâm lý của cảnh sát, nhất chín, nhì bù, vì thật ra họ không có bằng chứng gì để bắt William ra hầu tòa, bởi vậy, chỉ trong vòng 24 giờ sau là phải thả hắn ra, trừ khi họ tìm ra bằng chứng cụ thể hơn, hoặc hắn đồng ý tự thú hết!
Bộ năm leo lên xe chạy về sở cảnh sát Batley, với thanh tra thám tử Prendergash ngồi băng sau cùng William. Hai tay của William bị còng lại. Prendergash bảo, William biết rất rõ xác của bé Stephen không hề bị giấu trong đầm lầy, tại sao đến lúc này mọi sự đã rõ ràng mà còn cố tình nói dối làm gì vô ích" William lập lại lời giải thích mà hắn từng đưa ra 25 năm về trước, cho rằng bé Stephen đã bị dân du mục Gypsy bắt cóc. Được một lúc thấy không ai tin, Willam bật khóc!

LỜI THÚ TỘI CỦA WILLIAM JENNINGS

Chuyến đi Batley kéo dài đến một tiếng rưỡi. Khóc một lúc, William nín lặng trong vòng 20 phút, rồi bảo, nếu cảnh sát sát muốn hỏi gì cứ hỏi, vì William biết mình vô tội, và sẽ chứng minh là mình vô tội. Khi được hỏi William có cho bà vợ mới biết vụ Stephen bị mất tích không thì William trả lời: "Việc này không liên quan gì đến bả, thành ra tôi cũng không kể lại làm gì". Đội điều tra bắt đầu có hy vọng. Nhưng sau đó, William lại câm nín, không nói gì tiếp. Đến lúc chỉ còn 20 phút nữa là đến sở cảnh sát, William bỗng tự thú: "Tôi là một thằng khốn nạn. tại sao tôi lại có thể làm việc tàn nhẫn ấy rồi ngang nhiên chối tội!"
Dần dần, Wiliam thuật lại hết mọi sự việc cho mọi người trong xe rõ: "Tôi đánh nó té xuống cầu thang. Sợ nó chết, tôi liền chạy xuống xem, nhưng nó chưa chết. Tôi bồng nó lên, đưa vào giường nằm. Nó thở có vẻ không được bình thường lắm, rồi bất chợt nó ngừng thở luôn. Tôi thổi vào miệng nó, tôi đè lên ngực nó, cố làm hô hấp nhân tạo, nhưng vô hiệu. Nó ngừng thở, và tôi nhìn nó từ từ chết hẳn. Chỉ mất có vài phút. Tôi không thể làm gì để cứu tỉnh nó được. Tôi hoảng sợ, không biết lúc nào vợ tôi sẽ trở về, vì vậy tôi liền giấu xác Stephen vào một bao vải. Tôi vác bao ra cánh đồng trống sau nhà. Tìm đến một bức tường cũ sắp đổ xập, tôi bỏ bao vào một lỗ hổng sát chân tường và lượm đá lấp lại.

LÚC CUỐI VẪN CÒN DỐI TRÁ

Khi vụ án được đưa ra tòa xét xử vào tháng năm 1989, William lập lại lời khai đã tự thú trong xe, hy vọng sẽ được tòa xử tội nhẹ là ngộ sát thay vì cố sát. William cho rằng trong khi trừng phạt Stephen vì tội làm dơ giường, lỡ tay đánh nó té xuống dưới cầu thang nên bé mới chết, chứ không phải cố tình đánh chết con.
Nhưng các chuyên gia đã chứng minh, các vết thương tìm thấy khi giảo nghiệm bộ xương cho thấy, Stephen chắc chắn đã bị đánh đến thương tích quá trầm trọng, và bị chết vì những vết thương này, chứ không phải bị té gì cả. Nguyên nhân khiến bé Stephen bị hành hạ là vì William tin tưởng bé không phải là con ruột của y.
Vào ngày 23 tháng Năm năm 1989, bồi thẩm đoàn quyết định, William Jennings có tội cố sát, và tòa xử William án tù chung thân. William chống án nhưng bị bác đơn. Nếu William bị bắt và xử vào năm 1962 tức là thời điểm y gây ra án mạng, thì theo luật thời đó, có lẽ y đã bị treo cổ và y đã trở thành người thiên cổ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.