Hôm nay,  

Làng Nhật, Ngày Cuối Tuần

29/02/200800:00:00(Xem: 8797)

Quán ăn ngoài trời.

Từ Little Sài Gòn đến làng Nhật, đường số 2, thành phố Los Angeles chỉ mất trên một tiếng đồng hồ lái xe. Khác phố Tàu cách đó không xa, làng Nhật có vẻ thâm trầm, cổ kính hơn nhiều. Phố Tàu có vẻ chộn rộn, ồn ào, với nhiều món ăn vặt vãnh trong khu siêu thị mang tên rất quen thuộc với người dân Việt - Sài Gòn  - mặc dù không thiếu một số nhà hàng lớn bán Điểm Sấm, hải sản…Làng Nhật ngược lại “đâu ra đó,” quán xá sạch sẽ, lịch sự và mang bản sắc văn hóa độc đáo riêng của dân tộc xứ Phù Tang trên đất Mỹ.

Đến làng Nhật trong dịp cuối tuần, bạn sẽ được hai điều thú vị: một là nếm thử các món ăn Nhật Bản truyền thống và hai là được lang thang ngắm nghía khoảng năm – bảy cửa hàng bán đồ Nhật. Làng Nhật còn có một chợ bán toàn thực phẩm Nhật, từ trái cây tươi, thịt, cá cho tới rượu saké, đồ hộp…Ở chợ này, giới ăn chay sẽ bị thu hút bởi các loại đậu hũ được chế biến sẵn. Những người thường nhăn nhó khi đứng trước các loại thực phẩm “made in China” vì sợ bị ngộ độc bất tử, chắc chắn sẽ yên tâm nhờ lối trưng bày ngăn nắp, sạch sẽ các loại thực phẩm Nhật trong chợ này.

Phía trước cửa tiệm bán hàng lưu niệm và trang trí Blooming Art.


Chúng tôi ghé chân đầu tiên tại nhà hàng ăn Sabu Sabu, mở cửa từ 10 giờ sáng nhưng đã vội đóng cửa vào lúc 2 giờ chiều, cho tới 5 giờ rưỡi chiều mới mở cửa trở lại. Thấy hàng người chờ đợi dài lê thê, chúng tôi ghi tên rồi đi loanh quoanh đây đó. Chúng tôi quay trở lại chừng một tiếng đồng hồ sau thì quán đã đóng cửa. Đây là lần thứ hai chúng tôi không vào được quán Sabu Sabu để thử món thịt nướng, lẫu thập cẩm nổi tiếng của quán. Tôi bỗng nhớ một quán mì nhỏ ở đường Brookhust, cũng của một người dân để khách chờ đợi hàng giờ đồng hồ, chờ không nổi phải bỏ đi. Ở quán này, tôi đã đến lần thứ ba cũng vẫn không vào được vì thiếu kiên nhẫn chờ đợi.

Cuối cùng, chúng tôi đành vào một quán…BBQ Đại Hàn ở ăn buổi xế cho no bụng. Đó là quán Đại Hàn duy nhất hiện diện ở làng Nhật. Nhưng món ăn Nhật còn nhiều, nhất là món ăn chơi. Quán Mikawaya bán đủ loại kem Mochi bột nếp bọc ngoài trên trong là nhân xoài, trà xanh, đậu đen… Một bánh kem nho nhỏ giá 85 xu không làm bạn đã thèm thì có thể xơi thêm một chiếc bánh cũng bột mì bọc ngoài, bên trong là nhân đậu đỏ, đậu đen…giá 1 đô/cái. Nếu cũng chưa đủ no, bạn có thể dùng thêm những xâu hoành thánh chiên, thịt heo chiên của nhà hàng Mitsuru Cafe.

Dạo các cửa hàng Nhật, bạn sẽ có thể mất tới hàng giờ để ngắm đủ loại vật dụng, từ chén, bát, ly, đũa, muỗng cho tới quần áo, trang phục kimono, kể cả những món lưu niệm lạ lùng, ngộ nghĩnh. Chén bát “made in Japan” không đắt lắm, khoảng 2 đô/cái. Chen lẫn trong đó là nhiều món gia dụng vẫn in hàng chữ “Made in China” hoặc “Made in India” một cách rõ ràng, ngay ngắn chớ không gắn giả nhãn “Made in Japan” để đánh lừa người tiêu thụ như ở Việt Nam.

Vào cửa hàng Blooming Art, bạn sẽ sững sốt khi phát hiện ảnh của tài tử John Lenon treo khắp nơi bên cạnh đủ loại sản phẩm lạ mắt của người Nhật. Ở một cửa hàng khác, chủ tiệm còn dành riêng một phòng nhỏ bán toàn nhang đủ loại để người tiêu dùng tha hồ lựa chọn. Có lẽ đó là bản sắc đặc thù của người Nhật. Họ tôn trọng những giá trị tinh thần và sống thiên về nội tâm.

Đến khu này, bạn không phải lo lắng khi cần tìm chỗ đậu xe. Rất nhiều bãi đậu an toàn, chỉ tốn có 3 đô la trong dịp cuối tuần. Ngay bên cạnh làng Nhật cũng có sẵn một bãi đậu xe khá lớn, chỉ cách làng Nhật chừng 500 thước.

Nếu đến làng Nhật mà vẫn chưa thỏa mãn nỗi hiếu kỳ về nét đặc thù của nền văn hóa của một cường quốc Đông Á, bạn có thể nghĩ đến một dịp du lịch xứ Phù Tang. Tại sao không"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.