Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Ðen

18/12/200700:00:00(Xem: 2558)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Năm mươi mốt: Cát xô, "quan tài” đá

Theo ông Huệ nói, từ đây ra tới cổng Hỏa Lò, ngoài bao nhiêu lần cửa, với bao lần canh gác, ngay chính ông cũng chịu trách nhiệm giữ tôi. Nếu tôi trốn, ông cũng phải chịu trách nhiệm. Tôi cười thầm, hiện giờ ngay việc ngồi dậy tôi còn thấy khó khăn, nói gì tới trốn.
Dù thế, cảnh giác cao luôn luôn là một nguyên tắc của cộng sản, cho nên ra vào buồng tôi, ông vẫn phải khóa.
Trưa nay, vết thương ở tam tinh bỗng nhức quá, đau đến độ mồ hôi của tôi chảu ra đầm đìa, cuối cùng tôi lại lịm đi. Thấy có người lay gọi, mở mắt ra, tôi ngạc nhiên: Tên Thành chấp pháp! Thấy tôi tỉnh dậy, y mỉm cười:
- Anh thấy trong người đã đỡ chưa"
Tôi nhìn y, hơi ngượng! Trước đây, tôi luôn nói là thích xã hội chủ nghĩa, vậy mà tôi lại đánh cán bộ rồi trốn. Tôi thều thào cảm ơn sự quan tâm của y. Sau khi tôi trốn rồi bị đổ bể, tôi nghĩ rằng từ nay bọn cán bộ, chấp pháp sẽ ghét thù tôi lắm. Nhưng, điều làm tôi ngạc nhiên là tôi không thấy tên Thành có thái độ gì khác trước đây. Từ ánh mắt cho đến cử chỉ, vẫn như những tháng trước tôi gặp y. Y mở một cuốn sổ tay lớn, cầm bút và nhìn tôi:
- Nguyên nhân nào đã đưa đến, để anh trốn tù"
- Từ trước tôi vẫn thích xã hội chủ nghĩa, và vì thế tôi đã khai báo thật ngay từ đầu. Nhưng rồi, cách mạng không tin, cứ giam cầm, cùm kẹp mãi, nên tôi tìm cái chết. Chết không được, tôi tìm cách trốn!
Chỉ nói có bấy nhiêu câu, mà tôi phải nói rất lâu. Nhiều chỗ y nghe không rõ, phải hỏi lại. Y ghi hết.
- Anh định trốn từ bao giờ"
Tôi nghĩ bụng, tôi có ý định trốn ngay từ khi tôi phát hiện bị theo dõi ngoài phố, nhưng chỉ vì không có điều kiện thời cơ thôi. Tuy nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn khào khào trả lời:
- Sau khi tôi tự tử không được!
- Ngay khi anh gặp ông cán bộ lạ, một mình hỏi cung anh, là anh có ý định đánh ông ta để trốn"
Những việc này tôi cứ trả lời thật:
- Phải nói, mãi tới lúc gần xong buổi cung, tôi thấy ông ta có vẻ lơ ngơ, đờ đẫn tiếc cái chum không tìm thấy, tôi mới lóe lên ý định trốn.
- Anh định đánh chết rồi chuồn ra ngay"
Tôi biết đây là một câu hỏi bẫy. Nếu có chủ ý mà vô tình, sẽ bị mắc. Tôi trả lời:
- Thưa ông, tôi không có ý định đánh chết ông ấy, mặc dù tôi thừa khả năng. Tôi cố ý làm ông ấy vừa đủ ngất đi thôi.
Tên Thành tiếp tục hỏi chi tiết nhiều vấn đề: Nào, anh trốn ra đi về đâu" Sẽ làm sao để che mắt công an" Chủ trương trốn về Nam theo đường nào" Hay, ra giao thiệp liên lạc với cơ sở, v.v…" Gần hai tiếng dồng hồ, y vừa hỏi, vừa ghi.
Y đã đi rồi, hồn tôi còn chơi vơi khắc khoải. Tôi dĩ nhiên hiểu là “gieo gió, gặt bão”. Vừa qua, tôi đã gieo cái nhân, bây giờ phải chuẩn bị tình thần để lãnh cái quả. Hãy gồng mình lên mà chịu đựng, có thế lý trí mới còn sáng suốt. Buồn rầu, kêu van, đều không phải là của một người tỉnh táo, có lý trí mạnh. Tôi cũng hiểu là, những ngày tới sẽ chồng chất cam go. Vậy, sẽ đừng lạ lùng, ngạc nhiên, để rồi oán hận đất, trời lung tung.Tôi tự nhẩm, nhắc lại ý tưởng sau khi tự tử không chết hơn 4 tháng trước: Trên đường đi, nhiều cay đáng âm thầm. Hãy nhận lấy, để dồn vào sâu kín. Ý tưởng này phải trở thành phương châm trên con đường đi tới của đời tôi. Thực vậy, nếu không tránh được những điều khổ đau, tai ương: không gì bằng hiên ngang ngửng mặt, giơ tay đón nhận.
Những khó khăn trong cuộc đời, ai chả từng gặp. Điều khác biệt là thái độ của người gặp khó khăn: Nếu gặp khó khăn lại chùn bước, nản lòng, bi quan, yếm thế; đôi khi, chính khó khăn ấy sẽ đè mình gục xuống, không thể trỗi dậy được nữa. Nhưng, nếu nhìn những khó khăn, chỉ là điều tất yếu của cuộc đời phải có, hãy tỉnh táo xông vào giải quyết. Tin chắc rằng khó khăn sẽ bớt, đôi khi không nói là hết khó khăn. Nhưng, lại phải hiểu rằng, hãy yên trí đi, lại sẽ sắp sửa có khó khăn khác đang đi tới, vì đó là lẽ sống ở đời mà!
Tôi cứ quẩn quanh nằm suy nghĩ như thế. Điều đó cũng giúp tôi nhiều, trên đường đi đầy chông gai, hầm hố này.
Tôi ở bệnh xá được 6 ngày. Mồm tôi đã đỡ, chỉ mất 3 chiếc răng. Cánh tay phải được ông Huệ lấy lại khớp xương, bây giờ đã giảm sưng, cử động nhẹ được. Trong ngực bị mấy cú đòn ngầm, bây giờ cũng đỡ đau sau mấy ngày khạc ra một đống máu. Riêng vết thương chỗ tam tinh, vẫn còn thấy đau nhức nhiều. Vì không có gương, tôi chỉ lấy tay sờ, thấy vết thương hơi lệch về phía mắt trái. Chính ông Huệ một lần nói nhỏ với tôi:
- Anh hãy còn may mắn, nếu mũi súng chỉ lệch đi chừng một phân về phía trái, bảo đảm bây giờ anh trở thành “ddộc nhỡn nhân” rồi!
Tôi chỉ hỏi:
- Liệu vết sẹo có to lắm không"
Ông nói:
- Thủ thuật khâu của tôi cũng có hạng lắm đấy, tôi lại cố gắng làm cho anh, cho nên sẹo không to lắm đâu!
Hỏi và nói chuyện với ông như vậy thôi, chứ sẹo to hay nhỏ bây giờ còn giá trị gì nữa mà quan tâm. Tôi vẫn phải còn ăn cháo, vậy mà buổi chiều, tên Bằng đã vào nói là có lệnh Ban giám thị đưa tôi vào “cát xô”. Tôi cũng hiểu là phen này chưa chắc đã sống được. Tôi chợt nhớ đến xà lim I, còn một số đồ lặt vặt, nhưng rất có giá trị đối với tôi: Bộ đồ chống muỗi, cái điếu bằng bao diêm, cái vỏ ba lô trong có chì mật và chiếc kim khâu. Chỉ có con dao là mất, trong bộ đồ quần áo để lại đắp cho tên Hạ. Vì vậy, tôi phều phào (cái môi tôi vẫn còn vều ra) nói với tên Bằng, xin lại mấy thứ đó. Y trừng mắt nhìn tôi, rồi buông thõng một câu:
- Anh đã định trốn đi, thì còn cần gì những thứ đó!
Nghe giọng y nói và cách y nhìn tôi, tôi hiểu là y không căm ghét gì tôi lắm, vì thế tôi nằn nì:
- Thưa ông giúp tôi! Ai cũng vậy, đã trốn còn tiếc gì! Nhưng bây giờ tôi không trốn được!
Cả tên Bằng và ông Huệ cùng cười. Không ai nói gì! Khi tôi ra khỏi buồng, rồi ra tời cổng bệnh xá, ông Huệ còn ra theo đưa cho tôi một gói bột trụ sinh:
- Anh nhớ hàng ngày rắc vào chỗ tam tinh, đừng để nó làm mủ. Nếu làm mủ ở đấy, đôi khi có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tôi vừa tập tễnh đi theo tên Bằng, vừa nghĩ ngợi mông lung. Tình cảm của ông Huệ y tá, tôi chấp nhận. Còn của chấp pháp, tuyệt đối không! Ông Huệ chỉ là y tá, suốt những ngày ở bệnh xá, chẳng bao giờ ông ta hỏi tôi bất cứ một khía cạnh nào, về việc tôi làm.
Sân trại chung lúc này đã vắng tanh! Nhưng, tất cả những nhà chung quanh sân trại, nhà nào cũng có tiếng rì rầm, ồn ào như tiếng thác đổ trong rừng sâu. Mãi xa tít phía đàng kia là bức tường và chiếc cổng mầu xanh xanh của xà lim I. Không khí của chiều đầu Thu vẫn còn hanh khô. Những chiếc lá bàng đã đổi mầu, úa dần. Đây đó đã dăm, mười chiếc lá rời cành như báo hiệu mùa Thu tới. Và đây, tôi cũng sắp tới “cát xô”!
Đã hơn 2 năm, tôi nằm trong xà lim Hỏa Lò rồi, nhưng chưa biết “cát xô”. Một lần, tôi nghe tên Tân nói, “cát xô” là chỗ kỷ luật những tù nhân án tử hình, chung thân. Ai vào đó, nếu không chết ngay ở đấy, sau đó cũng chết với bao nhiêu chứng bệnh, mang theo trong người. Bây giờ tôi vào, tôi sẽ biết.
Đến một chỗ góc của dẫy nhà, một hành lang sâu hun hút dẫn tới một cái cửa sắt dầy. Qua cửa này, có những bậc đi sâu xuống đất. Rồi tới một cửa sắt nữa, rất bé và hẹp. Tên Bằng chọn một chìa, trong chùm chìa khóa đang cầm ở tay mở ra: Một lối đi rất hẹp! Đến đây, từ lối đi đến những bức tường đều toàn bằng đá, đá hộc và đá thước; tưởng như một thạch thất trong truyện võ hiệp của Tàu. Một mùi khăn khẳn lợm giọng xông lên. Tên Bằng khạc, rồi nhổ đánh “bẹt” một bãi nước bọt vào một góc tường. Thoáng nhìn, tôi thấy ba, bốn cái chuồng đá hay hòm đá.
Bỗng nhiên có tiếng lịch kịch, rồi tiếng chân người, tôi và lão Bằng đều liếc lên nhìn, thấp thoáng có mấy áo vàng bên trên, chắc là những tên cán bộ trực ca tối. Tên Bằng mở cửa hòm đá, chiếc cửa sắt quá nhỏ, tôi phải cúi, lách vào. Hòm đá cũng có cái cùm như trên xà lim. Đặc biệt hơn là có hai sợi dây xích sắt to, bằng loại sắt tròn đường kính hai phân, mỗi sợi dài độ 80 phân, gắn liền vào trong tường đá; ở mỗi đầu sợi xích là một cái khóa bóp.
Ở ngoài, tên Bằng rút chốt cùm, lách người vào nhấc nửa trên cái cùm há lên, và bảo tôi bỏ chân vào. Y đóng cùm xuống, trong khi mũi y cứ thở phì phì. Y mở hai khóa ngàm ở đầu hai sợi xích, bóp khóa vào cổ tay tôi. Xong, y ra ngoài chốt cùm. Trước khi đóng cửa, y gằn giọng:
- Kỷ luật ở “cát xô”: Mỗi tuần mở cùm một lần, 12 phút vào trưa mỗi thứ Hai. Ngày chỉ được ăn một lần!
Y chỉ tay vào cái nắp sắt tròn, mở một mé góc trong chuồng đá:
- Đái, ỉa, nhấc cái nắp lên. Một tuần đổ một lần, sạch hay bẩn thì tùy.
Tuy tôi đã nâng cao tinh thần chịu đựng, đã tự trang bị cho mình một số tư tưởng lạc quan, thế mà trước cảnh này, tôi cũng đầy băn khoăn lo lắng. Thấy không có chiếu chăn gì, chỉ có đá và sắt, tôi đề nghị:
- Thưa ông, ông giúp tôi, về buồng tôi cho tôi xin chiếc chiếu và những thứ lặt vặt của tôi.
Y đóng xầm cửa lại, cộc lốc:
- Bao giờ ra hãy hay. Ở đây không cần!
Cửa đóng lại, ánh sáng chỉ lờ mờ. Tôi có cảm tưởng như mình đang ở trong một cái “quan tài” đá, chỉ có khác là cái “quan tài” này hình hộp vuông, mỗi bề 1m50. Ai cao hơn 1m50 thì phải khòm. Nằm cũng không được. Phải lựa thế xoay chân, nằm nghiêng và co chân lại. Nghĩa là, không thể nằm duỗi thẳng chân được.


Ông bà ta nói thật đúng: "Ở gần nhà xí mãi không còn thấy thối”. Đúng thế, khi mới vào đây, tôi ngửi ngay thấy cái mùi lợm giọng buồn nôn, vừa khăn khẳn, nồng nồng, lại vừa ngai ngái như mùi thịt chết để lâu ngày. Vậy mà, mới qua 3, 4 tiếng đồng hồ sau, tôi đã không còn ngửi thấy mùi ấy nữa, tuy thỉnh thoảng cũng thấy khó chịu, nhưng không đến nỗi buồn nôn.
Tôi hiểu đây là giai đoạn cam go nhất của đời mình. Nếu không nổ lực để sống, tôi sẽ tàn lụi từ đây. Cảnh thế này, chỉ cần mươi ngày là rất nhiều loại bệnh kéo ra: Tê xuội, lao phổi, điên rồ vì thần kinh, ghẻ lở, kiệt sức, v.v… Chết!
Một điều khó khăn nhất đối với tôi bây giờ là…không khí! Từ trước, sở dĩ chưa bị bệnh tật là nhờ tập luyện, mà không khí trong lành là chính. Đã đói cơm, đói gạo, nhưng còn không khí bù lại. Ở đây, chúng không ngăn không khí, nhưng không khí lại bị ô nhiễm. Mùi xú uế lại còn nguy hiểm hơn. Cho nên, càng căng lồng ngực hít không khí này vào, càng chóng giã từ cõi đời. Đó là điểm đã mấy ngày nay tôi suy nghĩ nát đầu, mà chưa tìm ra một lối giải quyết.
Mỗi ngày, cứ khoảng 12 giờ 30, lúc đó trại chung cũng đã vào hết, bấy giờ tên cán bộ trực mới dẫn một anh hình sự vào đưa cơm nước. Anh hình sự chừng 22, 23 tuổi, xách một hộp gỗ, trong có hai nắm cơm. Mỗi nắm chừng 3 lạng, ở giữa nắm cơm, có ít muối gói trong một miếng lá chuối khô. Nắm cơm được gói trong 2 chiếc lá bàng còn tươi. Trong hộp gỗ, còn có một cái tích to, đựng khoảng 4 gáo nước.
Tên cán bộ này thay đổi từng ngày, tùy theo ca trực trưa. Không có cán bộ trực chuyên môn “cát xô”, bởi vì “cát xô” chỉ có mấy hộp đá. Y vào mở cửa, rồi đứng trông cho anh hình sự đưa cơm.
Hiện nay, ở mãi phía trong cùng “cát xô”, còn có một người nữa. Đêm qua, tôi đã gọi mấy lần, nhưng không có tiếng trả lời. Cơm vẫn 2 nắm, một cho tôi và một cho người phía bên trong. Thỉnh thoảng, tôi nghe tiếng ho, nhưng tôi gọi vẫn yên ắng.
Trưa hôm nay, cũng như trưa hôm qua, tôi vừa rắc ít bột trụ sinh vào chỗ tam tinh, vừa ngồi nhắm mắt vận công, chợt có tiếng lẻng xẻng của chìa khóa và tiếng mở cửa. Tiếng bước chân sột soạt nghe rõ dần, rồi tiếng loạch xoạch mở khóa. Tấm cửa sắt con được kéo lên, một bàn tay đen đen, đầy cáu ghét đẩy nắm cơm vào. Tiếng loảng xoảng xô đông cửa xích sắt, rộ lên khi tôi cầm chiếc gáo giơ ra, cho y rót nước vào.
Y chỉ ngồi một lúc, mà mũi cứ thỉnh thoảng phải xì xì thở ra, vì mùi phân và nước giải lâu ngày ở cái bô nhỏ dưới lỗ xông lên, và vì mùi hôi hám của cơ thể tôi, lâu không được tắm rửa. Những mùi đó cuộn vào nhau đầy ắp dưới căn hầm.
Tôi liếc ra ngoài, chỉ nhìn thấy đôi ống quần vàng, đứng ở mãi gần cửa ra vào “cát xô”. Khi tên tù hình sự rót nước vào gáo cho tôi, vừa để chống đói, và vừa để có nước kha khá một chút để dự trữ để rửa đít, tôi trợn mắt, uống gần hết gáo nước, trong khi tay tôi rối rít khua ra hiệu chờ, cho xin thêm đầy gáo. Im vắng, không một tiếng người, chỉ có tiếng rọt rẹt của xích sắt, khi hai tay tôi di chuyển cử động, và tiếng nước rót vào gáo kêu long tong. Sau đó, chính tên tù hình sự tháo chốt cho tấm cửa sập xuống, tên công an chỉ việc đến khóa. Tiếng bước chân nhỏ dần vào phía trong. Rồi những âm điệu của bản nhạc “cho tù ăn” lại trỗi lên một lần nữa.
Mỗi ngày, chỉ trong vòng mươi, mười lăm phút, bản nhạc không lời đó được tấu lên, như một điệp khúc. Rồi nhà hầm lại trở về yên lặng như nhà mồ, cách biệt với thế giới loài người bên trên. Thỉnh thoảng tiếng rọt rẹt khua động của xích sắt, tiếng ho khục khặc lẫn với tiếng rên rỉ ai oán kéo dài lê thê, càng làm rợn người trong đêm trường.
Một điều thật may là ở dưới này, lâu lâu mới có một con muỗi vo ve. Có lẽ vì kín, phần khác, ngay không khí cũng thiếu “oxy”. Cho nên các chú muỗi chẳng thích, hoặc chẳng dám vào.
Bị cùm ở “cát xô”, đi ỉa, đi đái thật vất vả! Phải xê dịch làm sao cho đúng lỗ, mà muốn đúng lỗ, thì hai tay phải giơ lên phía đầu. Vì hai sợi xích kéo ngược lên, ngắn, chỉ có hạn, nên cứ phải nằm nghiêng, hai tay giơ lên đầu hàng giờ, có khi 2 giờ vì phân táo bón. Rã rời, đau đớn, nhức mỏi! Đi xong, chẳng lẽ không rửa, mà rửa thì cực nhọc vô vàn. Xoay được thế chân cho nghiêng cái mông, cái tay lại bị dây xích giữ, không với tới. Vì vậy, nhiều khi nước rửa đổ chan hòa ra chỗ nằm, ngồi càng hôi thối, tanh tưởi.
Dù đã quen mũi, nhưng khi mở nắp lỗ phân, với nước giải 5, 6 ngày rồi, tôi thấy nhiều lúc như nghẹt thở. Những lỗ phân ở nông thôn không hôi mấy, vì trống trải, mùi hôi khuếch tán trong không khí. Ở đây trong hầm kín, mỗi lần mở nắp ra, ôi thôi, giá con người không có mũi thì tuyệt biết bao! Mùi hôi thối làm nhức đầu, đờ đẫn người, làm mờ cả mắt, tê liệt cả thần kinh.
Tôi hiểu, tụi cộng sản Hỏa Lò không phải không biết cái mùi hôi chết người này, nhưng chúng cố ý coi đó là một trong những phương pháp, để hành tội người tù. Trước đây, tôi đọc sách báo, cũng như tôi đã vào cái nghề “hang một lỗ” này, tôi cứ đinh ninh, khi một điệp viên đã bị đối phương bắt, thì sẽ bị tra tấn bằng mọi cách để khai thác, rồi bắn bỏ. Cho nên, lúc tôi bị bắt, phần thì trước mắt, chúng cũng thấy tôi không, hoặc chưa hoạt động gì, như vậy dứt khoát chúng không thể bắn tôi. Còn vấn đề tra tấn, đối với một người, nếu can trường, dũng lược, cũng chỉ như một trận đòn “hội chợ”. Bởi vì, nếu làm quá đã ngất rồi, mà ngất, thì còn biết đau đớn là gì. Như vậy, chừng dăm mươi trận rồi cũng phải kết cung. Nhưng, với cộng sản, phương pháp của chúng hoàn toàn mới lạ. Cũng chính vì trước đây, chúng đã bị tra tấn dưới thời thực dân Pháp, cũng như Sài Gòn ngày nay rồi. Nghĩa là, chỉ tra, đánh tới tấp năm, mười trận, trong 5, 6 tháng là kết cung. Cho nên, nếu có sự kiên trì, gan lì chịu đựng, thường là bảo vệ được bí mật của mình. Ở đây, chúng dùng thời gian và dạ dầy để khai thác.
Như trên tôi đã trình bầy, hầu hết những người lính (người lính tôi dùng theo ý nghĩa là người có tinh thần chống cộng, không hẳn phải cầm súng) của phía Quốc Gia, tự do của chúng ta, tinh thần của họ rất cao, rất dũng cảm, có thể chịu đựng qua những phút cùng khổ, đắng cay cao nhất. Nhưng, với điều kiện ngắn thôi, một tuần, một tháng, một năm, 2 năm là nhiều, chứ xem chừng mãi mãi, không biết ngày nào, hầu như đa số phải bỏ cuộc. Chịu đựng được lâu dài, đòi hỏi kinh qua nhiều trận bão tinh thần, vật lộn giằng co hàng ngày với đói khát, cùm, xích trong những điều kiện ngặt nghèo nhất. Tinh thần bị ức chế cao độ, dồn ép lại thành một xác tín: Cứ chịu đựng gian khổ, khắc nghiệt triền miên, cho tới khi cơ thể không chịu đựng được nữa, những nan bệnh sẽ đè gục xuống đẩy mình về với cát bụi mây ngàn.
Bản thân tôi cũng nằm trong nhược điểm đó, nhiều lúc tôi cũng quá nản lòng. Sức người chịu đựng cũng có hạn nào đó! Tôi muốn buông xuôi, mặc cho cơ thể lụi tàn dần. Tôi cũng xác quyết là dù có nỗ lực phấn đấu bao nhiêu, rồi sớm hay muộn cũng phải lìa đời trong cảnh ngục tù này. Những ý tưởng này chỉ nổi lên từng phút, từng giờ, rồi lại phải nhường chỗ cho những tư tưởng lạc quan, tích cực, nỗ lực đến phút cuối cuộc đời.
Tóm lại, cuối cùng để tư tưởng lạc quan tích cực với lẽ sống làm chủ tình hình, cũng phải trải qua biết bao trận chiến đấu cam go, giằng co nghiêng ngửa với những tư tưởng tiêu cực, bi quan. Những tư tưởng xấu, tồi bại này cũng như lũ phản động cộng sản. Mỗi khi chúng bị nguy khốn, chúng rút vào trú khu để chờ dịp, lại chui ra quấy phá cuộc đời, làm tê liệt, làm lệch hướng đi của cuộc sống. Vậy, chỉ còn cách duy nhất, là ta phải luôn luôn trang bị cho mình một nghị lực mạnh. Đó là loại vũ khí hơn hẳn dể chế ngự, dè bẹp chúng.
Hôm nay là thứ Hai, như vậy, tôi mới vào “cát xô” được 6 ngày. Ba vết thương đều đã giảm đau nhiều. Chỉ còn vết thương ở tam tinh, hình như có mủ, vì gói thuốc bột trụ sinh ông y tá cho, tôi bôi dè sẻn hàng ngày, cũng đã hết. Vết rách ở môi dưới đã ngứa, ăn da non, cánh tay phải, do tôi tích cực tập luyện, vết thương trật khấp xương nay đã hết sưng tím. Ngược lại, hai cái chân, dù ngày nào tôi cũng xoay sở, tập dịch lên, lùi xuống nhiều lần bây giờ cứ cắn nhức trong xương. Dưới gan bàn chân, cứ râm ran như có nhiều con kiến cắn.
Bây giờ ở “cát xô”, tôi không còn ý niệm được về thời gian ngày hay đêm, trừ chừng 15, 10 phút ăn cơm. Thường cứ nằm độ 2 tiếng, lại ngồi chừng 2 tiếng. Nằm nhiều, đau lưng, đau người, lại ngồi, ngồi nhiều đau đít lại phải nằm. Chẳng bao giờ tôi nghe thấy một tiếng động gì ở bên trên. Nhiều lúc, tôi cảm giác là mình ở một thế giới khác, một thế giới mà con người khi sinh ra đã phải đeo xiềng xích, thứ xiềng xích gắn liền vào thân người cho tới chết. Một thế giới riêng biệt, không liên quan, dính dáng gì đến loài người nữa.
Nhất là về đêm (tôi chỉ theo sự suy luận và tính toán của mình để biết là đêm), nhiều lúc thấy hoang vắng, không có một sinh vật nào khác nữa cùng với mình, tôi lại gào lên gọi người phía bên trong. Tôi thèm, tôi háo hức được nghe tiếng một đồng loại. Nhưng, dù tôi gào, kêu như năn nỉ người bạn đồng cảnh lên tiếng cho đỡ cô liêu, tịch mịch trong nhà hầm, vẫn không có một tiếng trả lời. Có lúc, tôi nghĩ hay là người đó điếc, hoặc câm" Nhưng, rõ ràng nhiều lần tôi nghe tiếng rầm rầm, rì rì như tiếng đọc kinh cầu nguyện, sám hối.
So với bên tôi, thì bên đó rất ít khi nghe tiếng rung reng của xích sắt, có lẽ người đó rất ít cử động. Trong khi tôi, dù kiệt sức, rã rời vì đói, vẫn phải nỗ lực, cố gắng tập cử động tay chân. Nếu nằm ngửa, phải ngệch đầu vào tường đá, vì không bao giờ co chân lại được. Nằm nghiêng hai phía, lại phải nằm co, hai tay phải luôn luôn giơ lên phía đầu, vì dây xích có hạn.
Tôi đang nằm đầu óc vẩn vơ nghĩ ngợi với những nỗi niềm trăm hướng, bỗng có tiếng động xọc xoạch mở khóa, rồi cửa “cát xô” mở. Một lúc, tôi nghe tiếng mở khóa cái “quan tài” đá của tôi. Miếng cửa sắt được kéo lên. Thì ra tên cán bộ Kế và một tên hình sự vẫn đưa cơm.
Tên Kế là người miền Nam, đeo lon Thượng Sĩ, phải 45, 50 tuổi rồi. Y vẫn thường coi buống số 9 trại chung. Hôm nay vào “cát xô”, y phải đeo khẩu trang. Việc mở cùm mở xích cho tù, bắt buộc phải do cán bộ mở, nếu không, chắc y đã sai anh hình sự làm thay. Bởi vì, tôi thấy y mở khóa xích cho tôi mà phải nín thở, nhăn mặt, vội vàng làm cho xong, rồi chạy mãi ra phía gần cửa “cát xô”, mới quay lại quát:
- Cho ra đổ bộ và lấy nước dội, làm vệ sinh chỗ nằm! Đồng thời cho tắm rửa 15 phút!
Khi tôi chui ra khỏi chuồng, đứng dậy, hai đầu gối của tôi rủn ra, tôi ngã ngồi bệt xuống nền đá. Tôi lại chỗi dậy, cứ như vậy mấy lần. Người tù hình sự nhìn tôi với ánh mắt đầy thương cảm của tình người. Anh ta chừng 23, 23 tuổi, trông mập mạp, nhưng nước da vẫn xám xịt. Mập mạp là vì làm nhà bếp. Dưới chế độ chủ nghĩa, câu: "Giầu nhà kho, no nhà bếp”, dù ở đâu, hay lúc nào, cũng đúng!
Sau khi cái chân tôi đã tạm nhuần, bấy giờ tôi mới chui vào mở nắp lỗ phân, lôi cái bô phân và nước giải đã 6, 7 ngày của tôi lên. Tên Kế càng lùi xa lên phía trên cửa “cát xô”. Ngược lại, anh hình sự lại tìm cớ vờ đặt cái khay gỗ xuống gần chỗ tôi, tay lúi húi xếp một nắm cơm, và một bát rau muống già nấu, đen xì. Nhìn bát rau muống, tôi thật là mừng. Hàng tuần nay, ruột sót như cào. Không có một tí rau nào, chỉ ăn cơm với muối. Nhưng muối cũng không đủ. Vậy mà mỗi bữa cơm, tôi vẫn gắng ăn dè ra, thường để giành được mươi hạt muối! Từ đó cho đến bữa cơm kế, 24 tiếng, cứ khoảng hai tiếng tôi lại lấy một hạt muối cho vào mồm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.