Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Penny Wong, Người Dang Làm Lịch Sử

18/12/200700:00:00(Xem: 2212)

LTS: Khi tân thủ tướng Kevin Rudd tuyên bố thành phần nhân sự trong nội các của chính phủ Lao động liên bang cách đây vài tuần thì có lẽ việc nữ TNS Penny Wong (tên cúng cơm là Penelope Ying Yen Wong) được bổ nhiệm làm tổng trưởng chịu trách nhiệm về Thay Đổi Khí Hậu (Minister for Climate Change), một chức vụ khá thâm niên nằm trong nội các là một việc tạo nhiều ngạc nhiên cho đại đa số quần chúng Úc, vì bà chỉ có 5 năm kinh nghiệm trong quốc hội và trước đây khi đảng Lao Động chưa nắm chính quyền thì bà chỉ nắm giữ một chức vụ rất khiêm nhường là phát ngôn nhân đối lập về hành chánh (public aministration). Thế nhưng, giới bình luận chính trị cũng như giới truyền thông đều đồng ý rằng việc bổ nhiệm này là một hành động sáng suốt, phản ảnh được những thành quả tốt đẹp mà TSN Wong đạt được trong thời gian vận động bầu cử, khi được giao trách nhiệm làm phát ngôn nhân cho Trung Ương đảng Lao Động, cũng như khả năng đích thực của bà. Khi tuyên bố thành phần nhân sự của nội các, thủ tướng Rudd đã nhấn mạnh về khả năng thương lượng điều đình của TNS Wong như một trong những lý do chính yếu cho sự chọn lựa của ông. Việc bà Wong được bổ nhiệm vào nội các của chính phủ Lao động liên bang còn tạo nên nhiều kỷ lục mang tính lịch sử. Bà là người gốc Á Châu đầu tiên nằm trong nội các chính phủ liên bang Úc. Bà là nữ chính trị gia đầu tiên công khai thừa nhận mình là người đồng tính luyến ái được đề cử vào nội các. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bản lược dịch bài viết về nữ TNS Penny Wong, tựa đề "The Climate Changer - Kẻ Làm Thay Đổi Khí Hậu" của ký giả Roy Eccleston được đăng tải trên tạp chí The Bulletin tuần qua, để hiểu biết thêm về một trong những ngôi sao Á Châu đang chói sáng của chính phủ Lao Động liên bang trên vòm trời chính trị Úc.

*

Trong cương vị một tổng trưởng vốn là người đồng tính luyến ái gốc Á Châu bà Penny Wong đã được rất nhiều người gởi gấm thật nhiều kỳ vọng vào sự thành công của bà. Thế nhưng, bà không thích được là biểu tượng cho bất kỳ một việc gì, ngoại trừ cho sự hăng say làm việc và tính chuộng công bằng (hard work and fair go).
Hơn 30 năm trước đây ở Mã Lai Á, kiến trúc sư Francis Wong đã có một tiên đoán vô cùng can đảm.  Ông bảo cô con gái bé nhỏ của ông rằng "Khi nào cánh chim cơ hội bay ngang thì con phải với thẳng tay ra để chộp lấy nó ngay khi những người khác không làm như thế". Lúc bà Penny Wong bước xuống phi trường Bali như khuôn mặt biểu hiện cho việc nước Úc quay trở lại bàn thương thảo quốc tế về sự thay đổi khí hậu thì bà đã chứng minh thân phụ của bà quả thật đã tiên đoán thật chính xác.
Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc ở Bali về sự thay đổi  khí hậu với mục tiêu soạn thảo kế hoạch nhằm thương lượng về khí thải tạo ảnh hưởng lồng kiếng (greenhouse gas) đánh dấu thiện chí của nước Úc trong việc tái nhập cuộc thương lượng kể từ sau khi chính phủ Howard từ chối không chịu ký thoả ước Kyoto. Qua đó, hội nghị này cũng là một biểu tượng cho thấy quả thật, việc thay đổi chính phủ cũng sẽ thay đổi cả quốc gia.
Với sự hiện diện của thủ tướng Rudd, một người nói tiếng Quan Thoại rất lưu loát, và nữ TNS Wong, một phụ nữ trẻ trung sanh quán ở Mã Lai, trong phái đoàn bốn tổng trưởng thâm niên, chính phủ Lao động muốn đưa ra hình ảnh một nước Úc trẻ trung với mối quan tâm nhiều hơn về Á Châu. Bà Wong, một nữ TNS 39 tuổi, với hai giòng máu Úc và Mã Lai gốc Trung Hoa từ Nam Úc là một trong những người đã thắng lớn sau chiến thắng của ông Rudd. Cho đến cách đây vài tuần bà chỉ là một phát ngôn nhân đối lập về hành chánh ít được biết đến. Ngay cả tại tiểu bang nhà của bà là Nam Úc, danh tiếng của bà cũng bị che khuất bởi bóng dáng to cao của những người như cựu tổng trưởng di trú Amanda Vanstone, hay cựu TNS Dân Chủ Natasha Stott Despoja.
Thế nhưng, cho dù bà không cố tình tự xiển dương, quảng bá, nhưng việc hành xử thật tuyệt vời vai trò phát ngôn nhân của đảng Lao động  trong chiến dịch vận động bầu cử cộng với những sơ hở sai sót của ông Peter Garret (nguyên phát ngôn nhân đối lập về Môi Sinh) đã đẩy người nữ cựu trạng sư này vào chức vụ tổng trưởng Thay đổi Khí hậu và Nước. Nếu thủ tướng Rudd muốn đưa ra một thông điệp về sự thay đổi thế hệ, ông quả thật đã chọn lựa thật đúng đắn.
Trong vai trò người gốc Á Châu đầu tiên nằm trong nội các liên bang, bà Wong quả thật là người tiên phong, khai phá. Bà cũng là người đầu tiên công khai thừa nhận rằng mình là người đồng tính luyến ái (LND: Khi tuyên thệ nhậm chức, bà đã mang người bạn đời cùng giới của bà là Sophie Allouache đến chứng kiến). Tuy nhiên, bà tuyên bố rằng đấy là chuyện cá nhân riêng tư, không dính líu gì đến công việc của bà và bà không muốn thảo luận về người bạn đời của mình.
Công việc của các tân bộ trưởng quả thật đa đoan, nặng nề hơn sức chịu đựng của người thường và một sự lỡ lời hoặc một câu nói đùa vô duyên  có thể làm đình trệ cả sự nghiệp, chẳng hạn như câu nói đùa của ông Peter Garret trong thời gian vận động bầu cử đã khiến ông bị truất phế khỏi trách nhiệm về thay đổi khí hậu. Thế nhưng, đối với bà Wong, người đã chứng minh tài năng đối đáp thông suốt trôi chảy thật hoàn hảo trong suốt 6 tuần bị truy đuổi ráo riết về chính sách của đảng Lao động, thì đề tài khó khăn nhất là chuyện đời của bà. Là một người có rất nhiều suy nghĩ chín chắn, bà rất ân cần và cởi mở về nhiều đề tài, nhưng chuyện đời tư của bà là một cuốn sách được khép kín.
Sống ở Adelaide, ngay cửa sông Murray, (LND: Một trong những con sông quan trọng nhất của nước Úc, nối liền với sông Daling chạy xuyên 3 tiểu bang NSW, Victoria và Nam Úc, là một trong những nguồn nước chính cho dân chúng ở 3 tiểu bang này) bà thấu hiểu được tầm quan trọng của trách nhiệm của bà cũng như sự nguy hiểm nếu có quyết định sai lầm về vấn đề nước và khí hậu. Bà không có đặt sô trong phòng tắm để hứng nước thải như cựu thủ hiến Queensland, ông Peter Beattie, thế nhưng, căn townhouse của bà không có vườn hoa như nhà ông Beattie. Tuy nhiên, bà có đồng hồ báo giờ và bà cho biết thông thường bà hoàn tất việc tắm rửa trong vòng bốn phút đồng hồ. Và có lẽ trong vòng ba ngày kể từ khi ông Rudd bất thình lình trao công việc thay đổi khí hậu cho bà cho đến ngày được ký giả Eccleston phỏng vấn, thì bà cũng chỉ có ngần ấy thời gian rảnh rỗi để dành cho bản thân mà thôi. Bà có vẻ rất quả quyết nhiệt tâm về chức vụ mới này, nhưng vẫn còn hơi mơ hồ khi phải đào sâu vào chi tiết. Bà nói: "Sự thay đổi khí hậu là thử thách quan trọng nhất mà thế hệ này phải đương đầu và tôi nghĩ rằng ông Al Gore rất có lý. Chúng ta sẽ được hậu thế phán xét về cách giải quyết của chúng ta hiện nay".


Và Bali đánh dấu cho việc "nước Úc tái xuất hiện trên bản đồ trong vấn đề thương lượng toàn cầu về sự thay đổi khí hậu. Chúng ta đã tái xuất hiện như một bộ phận để cùng đi tới một giải pháp chung". Bà khẳng định rằng mặc dầu nước Úc chỉ là một nguyên tố thật nhỏ trong việc tạo nên sự hâm nóng địa cầu nhưng "mỗi quốc gia phải có trách nhiệm về phần vụ của mình".
Chuyện chính yếu nhất vẫn là phần vụ ấy bao gồm những gì, và Trung Hoa là một trong những quốc gia quan trọng chủ yếu. Trung Hoa, cùng với Hoa Kỳ và Ấn độ, cần được khuyến dụ để tham gia vào cuộc thương lượng chung cho toàn thế giới. NTS Penny Wong vẫn thường xuyên viếng thăm Á Châu và đã từ lâu vẫn được cha bà nhắc nhớ rằng tương lai của nước Úc nằm ở đấy. Về phương diện này thì biểu tượng quả thật vô cùng quan trọng, và khả năng ngôn ngữ của thủ tướng Rudd quả thật quý giá vô cùng.
Bà Wong khẳng định: "Chắc chắn là thế. Đấy là một biểu tượng với một ý nghĩa thật lớn lao. Nó đã ra một thông điệp về sự văn minh tiên tiến của đất nước này cũng như một sự cam kết giao ước thật sự của Úc với khu vực Á Châu Thái Bình Dương".
Ngôn ngữ chính của bà là Hakka, một thổ ngữ Trung Hoa, và cha bà có thể nói tiếng Quảng Đông. Bà cho biết bà có thể diễn thuyết bằng tiếng Quan Thoại với bài diễn văn trong tay, nhưng bà không lưu loát trôi chảy như thủ tướng Rudd.
Kinh nghiệm về chủng tộc của bà Wong là một phần quan trọng trong việc hun đúc nhân phẩm và nhân cách của bà cũng như lý do khiến bà tham gia chính trường. Thế nhưng, bà không muốn bị dồn vào một khuôn khổ, hình ảnh nào cả. Lãnh tụ đảng Tự Do, bác sĩ Nelson có thể hô hào đòi quyền lợi cho những người đồng tính luyến ái, nhưng bà thì lại không muốn đề cập đến vấn đề này. Khi ký giả Eccleston nhắc đến chánh án tối Cao Pháp Viện Michael Kirby (LND: vị chánh án đã công khai thừa nhận mình là người đồng tính luyến ái), thì bà đã nhẹ nhàng và tế nhị chặn lại bằng một câu hỏi: "Tôi quả thật đang tự hỏi không biết khi nào thì anh nên đề cập đến vấn đề này".Đề tài về quyền lợi của người đồng tính luyến ái có phải là một đề tài đáng được thảo luận hay không" Bà nhẹ nhàng nhưng dứt khoát trả lời: "Tôi luôn luôn tính toán về những chức vụ mà tôi đã làm - và tôi hy vọng rằng đấy cũng là cách mà xã hội sẽ phán xé về tôi - dựa trên căn bản tôi sẽ mang đến những gì cho chức vụ ấy, sự liêm chính của tôi, sự quyết tâm của tôi, sự làm việc chuyên cần năng nổ của tôi và khả năng của tôi. Và đấy là cách suy nghĩ của tôi. Vì thế, tôi không nghĩ rằng đề tài này có liên hệ gì (đến công việc của tôi) cả".
Nữ TNS Penny Wong là một người rất kín đáo về đời sống riêng tư và chuyện này cũng được phản ảnh qua việc bà từ chối không chịu cho phỏng vấn về em trai của bà tên Toby, vốn đã qua đời 10 ngày sau khi bà đắc cử TNS lần đầu tiên năm 2001. Trong bài diễn văn đầu tiên của bà tại quốc hội, bà nhắc đến ông ta như một sự nhắc nhớ thường xuyên về những người đã không được đối xử công bằng (do not get the "fair go"), một lý tưởng vốn là động cơ thúc đẩy bà tham gia chính trị. Lúc ấy bà nói thật ngắn gọn rằng: "Cuộc đời và cái chết của em tôi đã khiến tôi quyết tâm không bao giờ quên được tình cảnh của những người bị xã hội ruồng bỏ, bị gạt ra ngoài rìa xã hội".
Bà Jane Chapman, mẫu thân của nữ TNS Wong, và ông Francis Wong, cha của bà, quen nhau tại đại học Adelaide lúc ông là một sinh viên du học theo chương trình Colombo. Hai chị em bà sau đó chào đời ở Mã Lai. Cho đến bây giờ bà Wong vẫn còn giữ đầy đủ những ảnh hưởng từ hai nguồn văn hoá Tây Phương và Trung Hoa.
Mẹ của bà - "một người rất chuộng văn học, âm nhạc và có kiến thức sâu rộng" -  thuộc giòng giõi những người tiên phuông khai phá Nam Úc. Cha của bà, lớn lên trong một gia đình bị chiến tranh tàn phá và không có được nhiều cơ hội trong đời, lại có quan điểm của một người đàn ông Trung Hoa cổ truyền. Bà mỉm cười khẽ nói: "Ông đặt nặng trọng tâm vào học vấn, sự tôn trọng lễ phép, sự thích hợp đúng đắn cũng như chuyện giữ kín chuyện riêng tư - và đấy là những chuyện mà anh đang gặp phải trong buổi phỏng vấn hôm nay đây".
Khi bà lên tám tuổi thì bà theo mẹ về Úc. Cha bà không đi theo, nhưng bà thường xuyên thăm viếng ông và ông cũng thường xuyên liên lạc với bà. Nữ TNS Wong cho biết: "Di cư là một kinh nghiệm quan trọng trong việc đào tạo con người. Việc di cư có cả tốt lẫn xấu. Việc mình khác người ta cũng có tốt, có xấu". Trong lúc có nhiều người mở rộng vòng tay đón nhận bà  nhưng bà nói bà và em của bà qủa thật đã nhận lãnh nhiều sự kỳ thị".
TNS Wong cho biết, đối với những người đang bị gạt ra ngoài lề xã hội thì những lời phê bình của John Howard về di dân Á Châu trong năm 1988 cũng như việc sau này ông đã không đánh bạt luận cứ ký thị của Pauline Hanson đã tạo nhiều tổn thất vô cùng lớn lao cho họ.  Bà nói: "Chủ yếu là John Howard  đã hợp thức hoá việc người ta tấn công người Úc gốc Á. Chuyện Howard đã làm thật sự tạo ảnh hưởng xấu đến những người di dân, khiến họ không tự nhiên khi muốn yêu nước Úc, muốn là một bộ phận của nước Úc".
Chuyện này đã giúp cho bà có một nhận xét thật sâu sắc về sự quan trọng - cũng như những yếu điểm - của chủ thuyết công bằng của Úc. Nếu thế thì việc bà trở nên tổng trưởng đầu tiên có sanh quán ở Á Châu phải là một sự việc có ý nghĩa trọng đại" Bà nói: "Không hẳn là như vậy. Đấy là một chuyện tốt nếu nó chứng minh được rằng không cần biết là bạn từ đâu tới, miễn làm sao bạn chuyên tâm thì bạn có thể đạt được những chuyện như thế này ở Úc. Thế nhưng, tạo kỷ lục, trở thành người đầu tiên làm việc này hay việc kia không phải là chuyện mà tôi nghĩ đến, khi dấn thân vào chính trường. Tôi không phải hiện diện ở đây để chứng minh một điều gì cả".
Thế nhưng, đã từ lâu lắm rồi, bà đã chứng minh được rất nhiều điều. Sự siêng năng cần cù đã giúp cho bà giành được học bổng tại một trung học tư thục. Rồi sau đó thì điểm tú tài cao đã cho phép bà được quyền chọn lựa ngành nghề theo học. Bà ghi danh theo học y khoa, nhưng sau đó chuyển sang học luật. Thế rồi, sau khi biểu tình (thời còn là sinh viên) để chống lại chính sách giáo dục của đảng Lao Động, bà nhận thức được rằng cách hay nhất để tạo được ảnh hưởng là phải từ ở bên trong. Thế là bà gia nhập đảng Lao Động và theo phe tả của đảng này.
Giờ đây, chỉ 6 năm sau khi thắng cử vào Thượng Viện liên bang, khí hậu riêng của bà Wong cũng sắp sửa thay đổi. Việc bà chỉ trích chính phủ từ ở cương vị của một phát ngôn nhân đối lập đã trôi qua và bây giờ là thời điểm để bà tạo dựng kết quả và bị chỉ trích. Nhưng dù sao, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu những cánh chim cơ hội có bay ngang thì bà sẽ là người đầu tiên nhanh chóng chộp lấy nhưng con chim cơ hội đó.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.