Hôm nay,  

Trang Phạm Phong Dinh: Giòng Đời Cát Bụi

02/07/200700:00:00(Xem: 3108)

(Tiếp theo...)

Cô gái quay sang chàng thanh niên ngồi ghế bên đang nói chuyện với thằng bé Lực, dịu dàng hỏi:
-Thưa anh dùng món gì, em dọn cho anh luôn"
Chàng thanh niên giật mình nhìn lên:
-Cô làm ơn cho tôi xin tô phở bò tái đặc biệt nhưng nhỏ thôi.
Đôi mắt ướt như nước hồ thu của Năm dường như ánh lên một nụ cười trong đó:
-Tô nhỏ quá anh ăn không đủ đâu, thôi em dọn cho anh tô trung bình nhé.
Tần xen vào:
-Thằng này nó làm bộ làm tịch cứ như là cậu công tử nhũn nhặn lắm, chứ thường ngày nó xơi tô tầu hỏa mà vẫn chưa thấy thấm đâu vào đâu cả đấy cô ơi.
Năm lại đưa tay che miệng cười:
-Anh nói quá, chứ em thấy anh... anh... gì nhỉ"
Chàng thanh niên định trả lời, thì Tần đã nhanh nhẩu đáp thay:
-Cô cứ nhớ tên hắn là Lãm, còn tôi thì cô cứ gọi là anh Tần.
Lãm cười khì:
-Người ta chưa hỏi tên mà đã tự giới thiệu rồi.
Nhìn thấy thằng bé ăn mặc nhếch nhác dơ bẩn ngồi trên ghế bên cạnh hai chàng thanh niên, Năm khẽ cau mày tỏ vẻ không hài lòng, nàng xua tay:
-Em nhỏ này ra ngoài kia đi...
Lực tái mặt, nó tụt xuống xoay người định bước đi, thì Lãm đã nắm tay thằng bé:
-Em cứ nán lại đã...
Chàng tươi cười nói với cô gái:
-Em này là người quen của chúng tôi, xin cô cứ để cho em được ở đây, chúng tôi còn nhiều chuyện để nói. À quên, xin cô cho thêm một tô phở đặc biệt nữa cho em này.
Lực lùi lại lắp bắp:
-Dạ thưa chú con không dám!
Lãm xoa đầu thằng bé:
-Ôi dào, cái gì mà không dám, em đói rồi phải không, nhìn da mặt tái mét như thế kia. Cứ ngồi lên đây ăn với bọn anh cái đã, rồi tính sau.
Lực đưa mắt lấm lét nhìn cô chủ quán phở, rụt rè trèo lên ghế. Năm quay mặt bước đi cố giấu cái bĩu môi. Tần nhìn  cái mông nhún nhẩy theo mỗi bước đi rất uyển chuyển của nàng chặc lưỡi:
-Mày thấy thế nào Lãm, liệu đã đến lúc tao nên từ bỏ kiếp sống cô đơn chưa nhỉ"
Lãm gục gặc đầu:
-Đã đến lúc rồi đấy, cố gắng lên, nhưng liệu nàng có chịu cho mầy không thì còn là một dấu hỏi lớn đấy.
Tần xoa tay cười tươi:
-Rồi, có rồi, tao mới vừa có cái diễm phúc được người đẹp cho nắm tay đấy, mày không thấy à"
-Một cái nắm tay bằng ba tô phở cũng lời chán!
Tần xạm mặt hờn dỗi:
-Mày coi thường tao quá, cứ chống mắt mà xem anh mày, rồi nay mai đây đừng có van xin thằng anh mày cho mày làm phụ rễ nhé.
Lãm lắc đầu không muốn tranh luận với bạn, bởi chàng biết rõ cái tính bốc đồng muốn cái gì thì làm cái ấy ngay và sự bồng bột, nông nỗi trong lĩnh vực tình cảm của Tần. Nhiều cuộc tình đã đến, rồi đi, phần lớn đều do ở lỗi của Tần. Đã hơn ba mươi tuổi rồi, ở cái tuổi người ta bảo là tam thập nhi lập, mà Tần chưa có được một tác phong chững chạc để các cô gái có thể tin tưởng trao trọn cuộc đời cho, như những sợi dây tóc tiên ẻo lả bám vào gốc tùng nương tìm sự chở che. Đã thế mà lại thêm cái tính trăng hoa bắt cá nhiều tay của Tần nữa. Mới vừa quen một em xinh như trong mộng đấy, còn đang sánh vai dìu nhau đi du dương mùi mẫn trong những trung tâm mua sắm, thề non hẹn biển chẳng biết thắm thiết như thế nào, thì ngày hôm sau, Lãm đã trông thấy anh chàng nắm tay một giai nhân khác dung dăng dung dẻ khắp phố chợ. Tần tự sắm cho gã nhiều cái khung kính, mỗi cái hắn trân trọng cho hình một người tình vào. Hẹn với cô nào thì Tần chỉ trưng hình của nàng trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh bộ sofa trong ngày ấy. Tần còn cẩn thận cho cái khung kính tựa vào chiếc lọ sứ cắm mấy cánh hoa hồng tươi, như để khẳng định tình yêu rực đỏ như máu trong tim của chàng. Khi em đến, trông thấy chính hình ảnh của mình ở một vị trí trang trọng đầy tính lãng mạn và trông rất chân thành như thế, nàng chỉ còn có thể rưng rưng ngã vào vòng tay của Tần, lòng ngập tràn một niềm hạnh phúc chứa chan, đôi môi hé mở đón  nhận nụ hôn ấm áp và lời tình thủ thỉ của chàng trai:
-Anh yêu em nhiều lắm em có biết không, anh yêu em suốt cuộc đời còn lại của anh.
Nói thế chứ, quen nhau, yêu nhau chưa được một phần hai mươi của đời thì Tần đã chạy theo một hình bóng khác. Cho đến một lúc, Tần nhận ra rằng, chàng không còn cần thiết phải cứ mỗi ngày trưng ra một cái nữa, vì tất cả những cô gái trong khung kính ấy đã bỏ chàng mà đi, như những cánh chim hải âu đã vỗ cánh xa tít tắp trên đầu những ngọn sóng biển ngoài trùng khơi.
Lãm hỏi thằng bé:
-Em là dân Quảng Ninh nhưng mà ở thôn nào thế"
Lực đáp nhỏ:
-Dạ con ở thôn Quảng Nhiêu ạ.
Lãm reo lên hân hoan:
-Quảng Nhiêu à, thế là gần nhà anh rồi, anh là dân ở thôn Quảng Lộc đây.
Lực mừng rỡ ngước nhìn chàng trai:
-Con biết thôn Quảng Lộc, chỉ cách thôn con mấy cánh đồng muối.
Tần khịt mũi đưa bàn tay lên ngắm những cái móng bóng loáng và vuông vức của chàng nói trống không:
-Đã nhận ra nhau là đồng hương rồi đấy.
Lãm hỏi tiếp:
-Em vào đây từ lúc nào, bố mẹ em có cùng vào không"
Lực cúi đầu buồn rầu:
-Dạ con chỉ vào có một mình, bố con mất sớm, mẹ con nghèo lắm, nên... nên... con xin mẹ cho vào Nam...
Tần cười khẩy:
-Lập nghiệp bằng cái nghề đánh giày!
Lãm khó chịu nhìn bạn:
-Mày có để yên cho thằng bé được không"
Lực mở thùng đồ nghề chìa cho Lãm xem:
-Chốc nữa, con được đánh giày cho mấy chú nhé"
Lãm lắc đầu nhìn cái hộp dầu bóng cũ rích, cái bàn chải gần cùn và mấy miếng vải trắng đã ố màu, trông như những tấm giẻ rách, chàng xoa đầu thằng bé thở dài:
-Đừng gọi bọn anh là chú nữa, bọn anh chỉ như anh của em trong nhà thôi, cứ gọi là anh được rồi.
Lực rụt rè:
-Dạ con không dám đâu.
-Bậy nào, sao lại không dám, em còn người quen nào trong này không"
Lực cắn môi vò đầu bối rối, chợt đôi mắt nó sáng lên:
-A, em nhớ ra rồi, em có một bà chị sống trong này đã lâu lắm, hẳn cũng phải trên mười năm.
Thằng nhỏ hối hả tìm trong mấy túi áo quần, mãi sau nó chìa cho Lãm một bức thư nhàu nát. Lãm đón lấy:
-Anh mở ra xem được chứ"
-Vâng ạ, nhờ anh đọc cho em nghe với.
Tần tò mò hỏi Lực:
-Mày không tự đọc được à"
Thằng bé đỏ mặt xấu hổ:
-Con... Em... đã quên hết chữ rồi!
-Mày học đến lớp mấy"
-Dạ em mới chỉ học đến lớp một thôi ạ...
Tần chặc lưỡi không hỏi gì nữa, chàng tò mò nhoài người sang cố nhìn qua vai bạn, nhưng Lãm đã đọc lớn lên cho mọi người cùng nghe: "Quảng Nhiêu, ngày... tháng... năm... 2006. Bố viết mấy hàng này gởi cho cô Hằng sinh sống ở xã Hiệp Thắng, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Con gái của bố xem có cách gì giúp đỡ cho em Lực con của bác Hựu gái thôn mình. Em nó vào Nam bơ vơ dại dột lắm, vì tình đồng hương cùng làng xóm với nhau, con gắng nom chừng nó. Bố thăm con được vui khỏe, cầu chúc con luôn được mọi sự may mắn tốt lành. Bố nhớ con lắm, bố gắng dành dụm, đủ tiền là bố sẽ vào thăm con gái bố một chuyến. Bố thương con nhiều. Bố của con".
Bức thơ ngắn, lời lẽ mộc mạc nhưng chứa đựng tình thương mênh mông như đại dương của một người cha luôn nhớ nhung về đứa con ở phương trời xa. Lãm cảm động đọc đi đọc lại mãi những dòng chữ nghuệch ngoạc của ông bố làng Quảng Nhiêu, nó chứng tỏ người chủ nhân của lá thư không có học hành nhiều, nhưng ông đã gắng viết những lời lẽ chân tình như vậy, tưởng những lời văn hoa trau chuốt nhất cũng chỉ được đến thế. Từ ký ức của Lãm hiện lên dãi cát trắng chạy dài thoai thoải ôm ấp lấy cái thôn nghèo nơi chàng sinh ra và lớn lên. Trên bãi cát ấy từng in những dấu chân nhỏ bé của bọn trẻ làng, trong ấy có Lãm, mỗi buổi chiều cùng nhau nô đùa trên sóng nước. Thằng bé Lãm thường đứng nhìn những cánh buồm lẻ loi bập bềnh trên đầu những con sóng đầu bạc ở mãi ngoài xa tít, tưởng tượng những cuộc phiêu lưu đến những chân trời mới lạ. Những chiếc thuyền chài bé tí ấy cô độc và nhỏ nhoi giữa đại dương như những chiếc lá thu vàng lạc lõng trên mặt hồ mênh mông. Hình ảnh cũ của từ thời niên thiếu cơ cực cứ rùng rùng lũ lượt kéo nhau hiện về, chạy vòng vòng trong tâm thức Lãm như một ngọn đèn kéo quân. Bức thư của ông bố nào đó ở làng Quảng Nhiêu gửi cho cô con gái tên Hằng đã làm vỡ toác vết thương tưởng đã lành sẹo từ lâu trong trái tim của Lãm, ruột gan chàng quặn thắt một cơn đau xé, như có một lưỡi dao cực bén lách vào từng sớ thịt. Cầm bức thư trong tay, Lãm bùi ngùi nhớ đến bố mẹ chàng, nay đã an nghĩ nghìn thu dưới mộ huyệt, hai cái bia đá nằm bên nhau trên một cái đụn cát cao nhìn ra hướng biển khơi.
Lãm nhớ có một ngày trời thu buồn, mây giăng xám mặt biển, chàng đã bịn rịn nắm tay bố mẹ nói lời giã từ. Bàn tay nhăn nheo đầy những vết đồi mồi của bố chàng run run siết chặt những ngón tay thô cứng của đứa con trai, nghèn nghẹn:
-Anh đi làm công nhân nơi xứ lạ quê người gắng siêng năng vào, có dịp thì học hành thêm lo cho tương lai. Đừng bận tâm suy nghĩ nhiều về bố mẹ. Bố mẹ đã già rồi, bố muốn thấy anh lập công lập nghiệp với người ta.
Ông bố nhìn quanh, lòng lo ngại người ta nghe thấy, ông ghé sát vào tai anh con thì thầm:
-Anh liệu tìm cách ở lì bên đó, đừng về nữa, về đây thì lại chết đói cùng nhau cả thôi. Anh cứ lo lập thân, bố mẹ không cần tiền bạc của cải gì đâu. Cái mà bố cần là anh làm nên cho rỡ ràng giòng họ nhà mình. Điều làm bố hạnh phúc là bố đã gửi được anh ra nước ngoài, anh đi rồi thì dù bố có nhắm mắt bố cũng hả dạ sung sướng lắm.
Trong màn lệ nhòe nhoẹt, Lãm run run siết lấy cánh tay già cỗi của bố:
-Bố đừng có nói vậy, nhất định bố mẹ phải sống lâu đến trăm tuổi, rồi con sẽ về thăm bố với mẹ.
Bà mẹ nắm lấy cái vạt áo the nâu đưa lên chậm nước mắt:
-Thôi, thầy nó phải vui lên cho con lên đường được phấn khởi.
Lãm ôm lấy đôi vai gầy run rẩy của mẹ vào lòng:
-Mẹ với bố giữ gìn sức khỏe, con sẽ gửi thuốc về bồi dưỡng bố mẹ...
Lãm rưng rưng nhìn cái dáng còm nhom của mẹ, chàng to lớn quá, mà mẹ thì mỗi năm mỗi co rút héo hon như con cá muối khô, chỏm đầu với mái tóc lơ thơ bạc thếch của bà chỉ ngang cao với vai chàng. Người tài xế trên chiếc xe tải nhà binh loang lổ màu nước sơn xanh rêu của huyện đón bọn thanh niên thôn làng đi lao động nước ngoài đã nhấn kèn báo hiệu giờ khởi hành. Ôi, Lãm nhớ lại, tiếng kèn buồn não nuột làm sao, như hồi chuông ngân rền những lời vĩnh biệt. Bọn trai làng lục tục trèo lên xe, những ông bà bố mẹ đứng nhìn theo vẫy khăn, nước mắt lưng tròng. Lãm cũng thấy mắt mình cay, chàng biết mình đã khóc, bởi nghĩ đến những ngày tháng sắp đến, chàng đi rồi thì còn có ai đỡ đần công việc cho bố mẹ nữa. Chiếc thuyền chài nhỏ bé chắc sẽ nằm câm nín mục nát cùng với thời gian, những cơn gió cát sẽ lấp đầy, phủ kín dìm nó xuống đáy sâu của quên lãng.
Ra đến nước ngoài, Lãm hùng hục lao động như một con trâu tơ còn hăng sức, cai hãng hỏi bọn chàng có muốn làm thêm giờ cuối tuần không, Lãm đưa tay nhận ngay, bởi chàng nôn nóng có thêm nhiều tiền để gởi về cho bố mẹ. Lãm không bao giờ quên được cái khoảnh khắc kỳ diệu lúc nhận tấm giấy tiền lương đầu tiên, chàng run run nhìn con số in trong trong tờ giấy nhỏ mà người ta gọi là tấm chéc, là kết quả của những ngày làm việc vất vả của bọn chàng. Lãm chạy ngay ra ngân hàng mở tài khoản ký gửi, bập bẹ một cách hết sức khó khăn mấy tiếng Đức đơn giản, như một đứa trẻ đang tập nói, xin cô thư ký cho chàng rút ra một ít tiền. Cô thứ ký có mái tóc vàng bóng mượt dợn sóng bềnh bồng và đôi thủy tinh xanh trong vắt, đẹp như một nàng tiên cá, cứ mở to mắt nhìn chàng trai Việt đăm đăm, líu lo một tràng âm thanh trong trẻo, làm Lãm cuống cuồng lên không biết phải đối đáp thế nào. Khổ sở lắm, Lãm mới có thể diễn tả được cái ý muốn của chàng cho cô gái thấu hiểu, chàng cứ nơm nớp lo sợ nàng tiên không chịu cho chàng rút tiền ra thì khổ.


Lãm tìm đến một hiệu thuốc tây mua cho mẹ mấy hộp thuốc bổ, rồi chàng lại vào một cái cửa hàng bách hóa lớn tìm mua cho bố mấy tút thuốc lá thơm. Đẩy chiếc xe chở hàng đi lang thang từ  kệ hàng này sang lệ hàng khác, Lãm chẳng tha thiết mua cho chàng một món gì hết, chàng nhìn quanh quất tìm thêm những món quà lạ. Lãm ghé vào hàng vải chọn mua mấy thước vải may áo quần cho bố mẹ. Chỉ có ngần ấy thôi mà đã gần đi đứt quá nửa con số trong tấm chéc đầu tiên của chàng. Về đến căn phòng trọ nhỏ xíu như chiếc hộp quẹt mà Lãm cùng cư ngụ với Tần và hai người bạn nữa, Lãm tẩn mẩn xếp những món quà thật quá đơn sơ của chàng vào một cái thùng nhỏ, dán băng keo cẩn thận, viết tên bố và địa chỉ. Tần và hai người bạn đi vắng đâu mất cả. Lãm nào đâu biết rằng ba chàng trai trẻ ấy, lòng đầy phấn khích với món tiền lớn, thực ra thì rất nhỏ, nhưng với những người nghèo ở một đất nước tơi tả như bọn chàng thì một vài trăm đồng Đức mã là một con số huyền diệu, đã kéo nhau ra một cái quán nào đó uống bia đậm và thưởng thức món xúc xích Đức, cho bõ những ngày ăn uống kham khổ.
Nhớ lời bố dặn lúc lên đường, mỗi đêm, trong lúc bọn trai trẻ kéo nhau đi chơi hay đàn đúm bày những quân cờ ra sát phạt nhau bên chiếc bàn duy nhất trong phòng, Lãm mở sách ra cặm cụi học. Lãm biết tiếng Đức của chàng còn kém cõi lắm, nói năng ú ớ như anh câm, đọc sách báo hiểu lỏm bỏm giống như anh mù rờ voi, những hàng chữ cứ nhảy múa quay cuồng trên giấy như trêu ghẹo anh chàng nhà quê, một con ếch muốn phềnh to bụng bằng con bò, thì còn mơ tưởng gì đến việc cắp sách đến trường, mà là một mái trường cao đẳng hay đại học nữa kìa. Lãm tự đặt cho chàng một cái mục tiêu gần là làm sao học nói và viết tiếng Đức cho được kha khá, rồi chàng học thêm toán, lý, hóa và sinh vật để thi khảo sát trình độ trung học lấy cái chứng chỉ tương đương. Chỉ mỗi việc đơn giản như thế mà cũng đã lấy mất của Lãm hai năm thật vất vả, ngày đi làm trong xưởng máy mồ hôi mồ kê đổ ra như tắm, quần áo lấm lem đầy vết dầu mỡ, tối chong đèn học đến tận khuya, như sống trong địa ngục. Được cái, bên Tây phương người ta thi cử dễ lắm, cứ một câu hỏi với ba, bốn câu trả lời sẵn, Lãm trông câu nào hơi... quen quen thì chàng cứ  khoanh bừa vào. Ấy thế mà khi nhận được cái thư của nhà trường, Lãm run run mở ra xem, trong lòng không dám nghĩ là chàng sẽ lấy được cái chứng chỉ, nhưng, trời ơi, thật kỳ diệu làm sao, Lãm đạt số điểm đến tám mưới lăm phần trăm. Lãm thầm ước mong chàng có được số điểm tối thiểu đủ để đậu bằng trung học là hạnh phúc lắm rồi. Giờ đây, với số điểm cao như thế, thậm chí Lãm còn có thể xin được một cái học bỗng bán phần của một trường kỹ thuật cao đẳng hay đại học chuyên nghiệp nào đó bằng cách xin ghi danh học lớp đêm và lớp hè.
Lãm gửi thư về báo tin mừng cho bố mẹ hay và hỏi ý kiến bố, liệu chàng nên theo học ngành nghề gì. Lẽ ra, Lãm có thể tự quyết định lấy con đường đi của mình, nhưng chàng muốn dành cái vinh dự ấy cho bố, người cha suốt đời vất vả chắt mót dành dụm từng đồng xu một để đóng tiền lót tay vào mọi cánh cửa đóng kín, cố chạy cho Lãm một chỗ đi lao động nước ngoài. Bố tài thật, đa số bọn trai tỉnh lẻ như bọn chàng bị đẩy đi những xứ sở gọi là anh em chỉ kém nghèo hơn đất nước chàng một tí, thế mà bố chạy được cho Lãm đi sang Đức, một nước tương đối có một nền kinh tế kha khá so với những anh xã hội chủ nghĩa rách như sơ mướp khác, giống như anh chột ở giữa đám người mù. Thời đó, được đi Đức là một chuyện cực may mắn, là một cõi thiên đàng đẹp đẽ mà những con người đang sống trong một cõi địa ngục tăm tối có thể tưởng tượng ra được. Lãm nhận được thư trả lời của bố:
"Quảng Lộc, ngày... tháng... năm 1989. Anh Lãm của bố mẹ. Nhận được thư anh, tội nghiệp mẹ anh, bà ôm bố khóc ròng, bố dỗ mãi mà bà chẳng chịu dứt cho, cứ sụt sịt suốt ngày, khiến bố không cầm được cũng rơi nước mắt theo. Anh làm cho bố mẹ hãnh diện lắm. Bố mẹ không bao giờ mong mỏi quà vật hay tiền bạc của anh gửi về, chỉ bức thư báo tin này là đã đủ, là một phần thưởng cao quý và to tát nhất mà anh gửi về cho bố mẹ. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu tiên, anh không được tự mãn, mà càng phải cố gắng hơn nữa. Anh hỏi bố mẹ giúp ý kiến liệu nên theo ngành học nào, sự tin cậy của anh khiến bố với mẹ cảm kích lắm, nhưng mà anh đã hỏi nhầm người rồi, giống như anh sáng hỏi anh mù đi đường nào đến chợ. Bên đó anh thấy cái ngành học nào anh thích thì anh cứ  chọn. Bố nghe người ta nói bên nước Đức người ta giỏi về cơ khí lắm, hay là anh cứ chọn ngành cơ khí cho bố. Nhưng anh đừng lấy ý kiến bố làm trọng, anh cứ tùy nghi. Anh hãy nhớ rằng, chỉ cần anh ôm sách đi học là bố mẹ sung sướng lắm. Bố mẹ ít học, chỉ trông mong anh đỗ đạt vinh hiển, anh học là học cho anh chứ không phải cho bố mẹ.
"Bây giờ bố nói chút chuyện gia đình cho anh rõ. Mấy lọ thuốc bổ của anh gửi về, mẹ anh cứ cất kỹ trong hòm không chịu uống, bố phải ép mãi, bà mới chịu uống. Nhờ vậy trông cũng hồng hào chút đấy. Còn mấy tấm vải anh biếu, bà nhất định không chịu may quần áo gì sất. Anh biết tại sao không, ôi giời, bà bảo để dành tặng cho cô con dâu tương lai của bà. À mà này, mẹ nhắn với anh, rằng không được lấy vợ Tây đâu đấy, mẹ chỉ ưng con dâu Việt Nam thôi. Mấy bà già lẩm cẩm, nhưng thôi anh liệu sao cho khéo để mẹ được vui lòng. Thư viết đã dài, bố cảm xúc quá, không biết nói gì hơn nữa. Bố nghe nói bên đó lạnh hơn Quảng Ninh mình, anh mặc áo cho ấm, đừng để bệnh thì khổ. Giấy ngắn tình dài, bố mẹ gửi tình thương đứt ruột đến anh. Bố mẹ chúc anh được nhiều sức khỏe và được thành công trên con đường học vấn. Bố mẹ. "
Lãm cứ đọc đi đọc lại bức thư của bố, nước mắt tuôn lả chả, mấy giọt rơi thấm ướt tờ giấy mỏng thành những vệt tròn loang lở, giống như những giọt máu ứa từ trái tim đang thổn thức. Chàng hình dung ở nơi quê hương xa tít đó, dưới mái tranh nghèo có hai ông bà lão ngồi bên ánh đèn dầu đọc thư đứa con. Trong lòng Lãm trào dâng một nỗi bứt rứt xốn xang, cuồn cuộn quặn thắt như những con sóng vỗ vào ghềnh đá, chỉ muốn bay ngay về quỳ bên gối bố mẹ để tỏ bày những lời nhớ nhung.
Nghe lời bố, Lãm quyết định chọn ngành cơ khí, bởi chàng nghĩ bất cứ một đất nước dù đã phát triển hay đang phát triển, bao giờ và ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần đến chuyên viên cơ khí. Lãm đã ghi danh xong tại một trường đại học kỹ thuật, chỉ mất hai chuyến xe điện ngầm là đến. Bận bịu với chuyện học hành, tâm hồn lơ lửng trôi vào một thế giới đầy mộng tưởng, Lãm không còn biết gì đến những biến động của thế giới thực sự ngoài đời. Khi có giờ rãnh và có cơ hội, Lãm vào thư viện trường đại học mỏi mượn những giáo trình cũ và sách vở của năm thứ nhất để nghiền ngẫm trước, bao giờ chàng cũng ngồi ì ở đấy đến tận khi người ta đóng cửa. Một đêm, Tần kéo Lãm vào một góc vắng thì thầm:
-Lãm, mấy ngày nay mày có để ý nghe thấy tin tức quan trọng gì không"
Lãm ngơ ngác lắc đầu:
-Tin tức gì"
Tần chằm chằm nhìn bạn từ đầu đến chân:
-Không biết thật à. Trông mày cứ như là một anh chàng mới từ cung trăng rơi xuống ấy...
Tần kéo Lãm sát vào, thì thầm:
-Người ta sắp sửa đập ngã bức tường Bá Linh rồi đấy!
Lãm giật mình lắp bắp:
-Để làm gì cơ chứ"
-Trời ơi, là để tống táng chôn vùi cái xã hội chủ nghĩa con khỉ này chứ làm gì nữa.
-Rồi... rồi... số phận của bọn mình sẽ ra sao"
Tần thận trọng đảo mắt nhìn quanh:
-Đó là lý do tao kéo mày vào chỗ này. Tao nói thật mày nghe, mấy anh em tụi tao bàn nhau là... sẽ... chạy qua Tây Đức xin tị nạn...
Tần xoa tay, ánh mắt hừng lên niềm hy vọng:
-Mấy thằng Đức trong xưởng nhiều đứa chuẩn bị sẵn sàng, kể cả mấy thằng công đoàn nữa, tụi nó chán ngấy cái chế độ ngửa tay ăn xin này lắm rồi, mày có muốn đi không thì theo tụi tao"
Lãm sửng người trong một cơn chấn động, bàng hoàng trước một sự kiện tày đình, mà nó sẽ làm đảo lộn hoàn toàn số phận của mọi con người, trong đó hẳn là có chàng nữa, Lãm ấp úng:
-Nhưng còn việc làm, sang bên đó tụi mình sẽ sống làm sao"
-Ôi dào, khéo lo con bò trắng răng, trời sinh voi sinh cỏ em ạ. Bức tường đã đổ thì mày còn làm việc bên này được à. Đất nước người ta thống nhất thành nước tự do tư bản, thì người ta có chương trình bảo đảm phúc lợi và công ăn việc làm cho những người công nhân như bọn mình.
Sực nhớ đến những lời vàng ngọc của các cụ tổ sư xã hội chủ nghĩa, Tần đem ra đọc vanh vách, dĩ nhiên gã có sửa chữa cho phù hợp với tình thế hiện tại:
-Cái bánh xe lịch sử đã quay rồi, những dòng thác cách mạng tự do dân chủ đang nổi dậy, đó là trào lưu là xu thế tuyệt đối của thời đại của lương tâm loài người, không gì có thể đảo ngược được nữa. Nhân dân Đông Đức đang làm một cuộc tổng nổi dậy, thà làm công dân một nước tự do, còn hơn là làm nô lệ trong một chế độ người bóc lột người...
Đang ruột rối như tơ tằm, thế mà Lãm cũng phải cười khì vì những lời lẽ cái nọ quàng xiên vào cái kia mà người ta gọi là tréo cẳng ngỗng của Tần. Các cụ tổ Mác Xít hô hào, chửi cha chế độ tư bản bằng những lời lẽ hùng hồn như thế, Tần lại đem những lời hịch ấy cũng hùng hồn không kém, tố ngược lại các cụ và cái sản phẩm con đẻ là xã hội chủ nghĩa. Còn cái chuyện thà làm dân một nước tự do, thì Lãm nhớ có lần chàng đọc trong sách báo ở quê nhà, kể chuyện ông vua Bảo Đại lúc thoái vị trong tháng chín năm bốn lăm đã nói: "Thà làm dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ". Tần đã lém lỉnh mượn tạm câu tuyên bố ấy để nói lên cái khát vọng tự do của những người trai trẻ đã bừng tỉnh trước những sự thật ruỗng  nát và thối tha của cái chế độ khắc nghiệt mà họ đang chìm đắm trong đó.
Sau này, khi đã thành công dân nước Đức thống nhất rồi, được đọc sách báo tự do, Lãm mới vỡ lẽ, hóa ra cụ tổ Mác từ Đức sang Anh tìm cuộc sống mới, đói rét thất nghiệp kinh niên, cụ nổi dóa chửi toáng lên, tiên sư cha ba đời bọn tư bản bóc lột. Ngồi không gãi rốn mãi chẳng làm gì, cụ nặn ra được cuốn Tư Bản Luận, sáng tác cũng có mà vay mượn tư tưởng người ta cũng có. Đặc biệt, cụ Mác ngồi trong căn phòng nhỏ lạnh cóng như băng ấy mà dám quả quyết rằng loài khỉ và loài người có cùng chung hai ông bà cụ tổ, hai ông bà này là loài vượn người. Rõ ràng là cụ đã vồ lấy cái công trình tim óc và nhiều mồ hôi đi đó đi đây khắp các đại lục thu thập dữ kiện của cụ Darwin làm của mình. Ấy thế mà có khối người tin, nếu không tin thì đã không có cái quái thai gọi là chủ nghĩa cộng sản và đứa em của nó là chủ nghĩa xã hội. Cũng từ đấy, Lãm đã hiểu tại sao thế giới tự do người ta gọi thủy tổ của người cộng sản là khỉ, vì cụ tổ Mác đã bảo thế cơ mà.
Cái ngày dân Đông Đức đem búa rìu đến phá đổ bức tường Bá Linh, Lãm tuôn chạy qua một cái lổ hổng theo Tần và các bạn, trên vai mang một chiếc sắc chứa đầy quần áo và sách vở. Lúc ấy Lãm tê tái xót xa trong lòng lắm, ôi, giấc mộng vào đại học đã tan vỡ như bọt bong nước dưới con mưa dầm. Tự do phải có cái giá của nó, Lãm hiểu thế, nhưng mà chàng cứ ngẩn ngơ như một con người trong cơn mộng du, Tần chạy đâu thì chàng thạy theo đó. Người ta chen nhau chạy qua những cái lổ hổng, nhảy lên những đống gạch ngã đổ ngỗn ngang đen đặc như một bầy kiến vỡ tổ. Ở phía bên Tây bức tường, cũng ngần ấy con người  hò reo rền trời giang rộng vòng tay tiếp nhận những người đồng bào ruột thịt mà đã bị cách ngăn đến gần nửa thế kỷ. Tần thường ngày bê bối là thế, mà khi có chuyện tày trời thì chàng hóa ra là một anh chàng rất xông xáo và tháo vát. Tần nghe ngóng được rất nhiều tin tức hữu ích. Bọn trai trẻ Việt công nhân rầu rĩ ngồi trong những trại tiếp cư chưa biết làm gì để sống, thì Tần đã chạy nhào vào hét lên báo một tin vui:
-Đi lãnh tiền bọn mày, chính phủ phát tiền cho những người tị nạn ăn cầm hơi đấy các cụ ơi. Từ giờ phút này bọn mình có quyền làm đơn xin được trở thành công dân Đức rồi đấy.
Bọn thanh niên nhao nhao vây lấy Tần, mỗi người hỏi một câu, ồn ào như một cái chợ vỡ...  (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.