Hôm nay,  

Việt Nam: Quân Đội Nhân Dân Nào?

17/12/200400:00:00(Xem: 5119)
60 Năm Nhìn Lại : Một Chuỗi Dài Gian Dối
Hoa Thịnh Đốn.- Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22-12-1944 – 22-12-2004) với những bài viết mở lại vết thương hận thù dân tộc và đào sâu thêm hố chia rẽ giữa người Việt Nam.

Bài viết Thứ nhất của Lê Quang Lạng (Viện lịch sử Quân sự Việt Nam) lập lại nguồn gốc đau buồn của cuộc chiến tàn sát dân lành trong bài được gọi là “Phong trào đồng khởi năm 1960”. Lạng viết : “ Phong trào đồng khởi năm 1960 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa cách mạng miền nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công, đánh bại một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Làm nên sự kiện lịch sử đó, có sự đóng góp quan trọng của lực lượng vũ trang cách mạng miền nam.” (Báo Nhân dân, 6-12-2004)
Nhưng ai “Đồng khởi” với ai" Nhân dân miền Nam không tự ý đứng lên chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm. Chính Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã mưu tính và dí súng vào lưng dân trong vùng quân CS kiểm soát bắt họ đi phá xóm, bỏ làng, bất chấp những cam kết tôn trọng “ chủ quyền của chính phủ ở miền nam” mà Hà Nội đã ký trong Hiệp định đình chiến Geneve 1954.
Chứng minh điều này, tài liệu lịch sử của đảng CSVN nói rõ kế hoạch đánh phá miền Nam thời bấy giờ : “Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 9-1954 ra quyết nghị về Tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng. Nghị quyết nêu rõ cuộc đấu tranh của nhân dân ta bước vào một thời kỳ mới, có những đặc điểm mới. Song "Nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chưa phải đã hoàn thành... Cuộc đấu tranh đó còn đang tiếp tục nhưng phương thức đấu tranh cần phải thay đổi. Chúng ta cần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc trong hình thức đấu tranh mới. Vì vậy, trong một thời gian nhất định nhiệm vụ chung của Đảng ta là đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến để củng cố hoà bình, ra sức hoàn thành cải cách ruộng đất, phục hồi và nâng cao sản xuất, tăng cường xây dựng quân đội nhân dân để củng cố miền Bắc, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam nhằm củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc.”
“Ở miền Nam: nhiệm vụ của Đảng... là lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, củng cố hoà bình, thực hiện tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập. Đồng thời... đấu tranh chống những hành động khủng bố, đàn áp, phá cơ sở của ta". Phương thức đấu tranh của ta lúc này là khéo công tác, khéo che giấu lực lượng và tranh thủ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp, kết hợp công tác hợp pháp và không hợp pháp. Nghị quyết của Bộ Chính trị có tác dụng chỉ đạo kịp thời cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên cả hai miền đất nước...” (Tài liệu Trung ương)
Trong khi miền Nam không hề có quân đội ở miền Bắc và không gửi người ra quấy phá Hồ Chí Minh thì đảng CSVN đã chuẩn bị xâm lăng miền Nam ngay sau hai năm cầm quyền ở Hà Nội. Tài liệu viết tiếp: “Vào mùa thu năm 1956 bản Đề cương cách mạng miền Nam đã được đưa ra thảo luận trong hội nghị các bí thư tỉnh uỷ miền Tây Nam Bộ, sau đó ở miền Đông Nam Bộ và đến tháng 12-1956, được thảo luận ở Hội nghị xứ uỷ họp tại PhnômPênh. Đề cương nêu ra xu thế phát triển tất yếu của cách mạng miền Nam "muốn chống Mỹ - Diệm, ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác". Đề cương cách mạng miền Nam đã góp phần tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho phong trào khởi nghĩa từng phần ở miền Nam và góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận và chính trị cho Nghị quyết 15 của Trung ương về cách mạng ở miền Nam.”
“.....Tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ mười lăm (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp ở Hà Nội, do Hồ Chí Minh chủ trì. Tham dự Hội nghị còn có đại biểu của Xứ uỷ Nam Bộ, Liên khu uỷ Khu V và Ban Cán sự Đảng các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Căn cứ vào sự phân tích tình hình xã hội trên cả hai miền đất nước và những mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam cần giải quyết, Hội nghị nhận định cách mạng Việt Nam lúc này phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó khác nhau về tính chất, nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau, nhằm phương hướng chung là giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. “
“Hội nghị lần thứ mười lăm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là một cột mốc mới quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong sự phát triển về đường lối cách mạng ở miền Nam, đáp ứng nhu cầu bức thiết của quần chúng cách mạng, góp phần tạo nên bước chuyển biến nhảy vọt của cách mạng ở miền Nam năm 1959 -1960.”
Nên nhắc lại dù Hiệp định Geneve đã buộc Hà Nội phải rút hết lực lượng võ trang về Bắc nhưng Hồ Chí Minh không làm, để lại miền Nam từ 30 đến 40 ngàn quân chính quy, cán bộ chính trị và quân du kích miền Nam theo Cộng sản. Số quân này tập trung phần lớn ở Liên khu V (từ Bình Định trở ra Vỹ tuyến 17), Tây Nguyên và khu U Minh, Đồng Tháp Mười để xây dựng cơ sở tiếp tục đánh phá miền Nam về sau.
Lê Quang Lạng còn chứng minh thêm: “Sau khi Nghị quyết T.Ư 15 (khóa III) ra đời, hoạt động đấu tranh quân sự của các lực lượng vũ trang ở miền nam diễn ra sôi động. Qua các bức mật điện của Trung ương Ðảng và Bộ Chính trị, Xứ ủy Nam Bộ, các đảng bộ khu, tỉnh và các đảng bộ cơ sở kịp thời nắm bắt tinh thần của Nghị quyết T.Ư 15 với nội dung cốt lõi được cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng lĩnh hội là "Ðảng đã cho đánh rồi!". Nội dung "cốt yếu" ấy như một luồng sinh khí mới, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng và lực lượng vũ trang cách mạng miền nam.”
Điều mà Lạng không dám khoe thành tích của “Phong trào đồng khởi năm 1960” là chiến dịch khủng bố, ám sát những người làm việc cho chính phủ Ngô Đình Diệm và hành động giết hại dân lành của lực lượng quân sự Cộng sản trong chiến dịch này.
TỪ MẬU THÂN ĐẾN 1975
Nhưng đến bài báo Thứ hai thì tội ác của đảng CSVN đã hiện ra trong bài viết “Cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968” của Đại tá Tiến sĩ Hồ Khang (Viện lịch sử Quân sự Việt Nam). Khang đã hả hê lý giải về sự “chấn động” của nó trên báo Nhân Dân ngày 8-12-2004.
Khang viết : “ Sự kiện "Tết Mậu Thân" 1968, với hiệu lực và sức chấn động của nó, giữ vị trí rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Ðó là cuộc tiến công xuất thần của quân và dân ta ở miền nam nhằm vào trung tâm đầu não chỉ đạo chiến tranh của Mỹ, ngụy. Bằng lối đánh "táo bạo" và dũng mãnh, lực lượng vũ trang ta đã giáng đòn quyết liệt, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.”
“Cuộc tiến công đó được khởi xướng trong điều kiện lực lượng quân sự địch trên chiến trường miền nam - chỉ tính riêng chủ lực cũng đã lên tới xấp xỉ 1 triệu 300 nghìn tên, bộ máy chiến tranh của nó vẫn rất hung hăng và còn hiệu lực, tiềm lực và sức mạnh còn rất dồi dào. Về phía ta, cho đến thời điểm nổ ra Tết Mậu Thân, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương chỉ có khoảng 270 nghìn quân......”
“....Với nghệ thuật nghi binh, chọn hướng tiến công, bố trí và sử dụng lực lượng như vậy, trong dịp "Tết Mậu Thân", lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng trên chiến trường, ở khắp các địa phương, với khí thế "xung thiên", với niềm tin tất thắng, đã phát huy đầy đủ và mạnh mẽ ý chí, nghị lực, sức mạnh to lớn của mình, khiến Nhà Trắng và tướng lĩnh, binh sĩ Mỹ trên chiến trường kinh hoàng.....”
“....Bị tiến công bất ngờ và rộng khắp, thoạt đầu, địch lúng túng chống đỡ. Nhưng ngay sau đó, chúng nhanh chóng điều động lực lượng, tổ chức phản kích. Cuộc giao tranh giành quyền kiểm soát các mục tiêu trọng yếu diễn ra quyết liệt và dữ dội ở các đô thị trên toàn miền.... Trong những điều kiện đó, cho dù bộ đội ta đã chiến đấu dũng mãnh, giành giật quyết liệt với địch từng ngôi nhà, từng góc phố; gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh, nhưng phía ta cũng bị tiêu hao nặng...”
Nhưng theo Hồ Khang thì mụch đích của quân Cộng sản khi mở cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân là nhằm vào dư luận quần chúng Hoa Kỳ. Khang viết:“Điều quan trọng khiến cho phía Mỹ và dư luận thế giới kinh ngạc là ở chỗ: Quân giải phóng miền Nam đã có thể mở cuộc tiến công rộng khắp, đồng loạt, làm choáng váng chính quyền Mỹ....”


Làm gì có chuyện lực lượng “Quân giải phóng miền Nam ” của Mặt trận giải phóng miền Nam hay lực lượng “Quần chúng cách mạng” nào đã tự mình nổi lên chỉ huy cuộc tiến công miền Nam hồi Tết Mậu Thân. Chỉ có lực lượng quân sự của đảng Cộng sản miền Bắc nắm quyền chỉ huy cuộc tấn công trong đêm Giao thừa Tết âm lịch. Lực lượng đặc công, du kích của miền Nam nếu có cũng chỉ đóng vai phụ diễn cho có mầu sắc Nam Bộ mà thôi.
Nét đau thương bi thảm nhất của trận chiến Tết Mậu Thân đã diễn ra ở Huế -Thừa Thiên. Các trận đánh ác liệt bắt đầu từ đêm Giao thừa cho mãi đến cuối tháng 2/1968 mới kết thúc. Trên 2,500 xác con người vô tội bị lính Cộng sản hành quyết rồi vùi thây trong các nấm mồ tập thể đã được đào lên ở khắp nơi trong thành phố và vùng ngoại ô của cố Đô. Lối 6,000 người khác, trong số này có nhiều người đã bị lôi ra từ các nơi trú ẩn ở Nhà thờ hay đền Chùa đem đi hành quyết hay mất tích và 120 ngàn người khác mất nơi cư trú.
Những người bị giết đã bị lính Cộng sản lên án là “kẻ thù của nhân dân”, trong khi người dân Huế lại không có gì để thù ghét họ.
Vụ Tết Mậu Thân đã dậy cho đảng CSVN một bài học chua chát: Nhân dân miền Nam không đứng về phiá họ mà đã coi họ là quân giết ngươi không biết gớm tay. Tổng kết thiệt hại nhân mạng của hai bên cho thấy quân Cộng sản bị thiệt mạng lối 45 ngàn quân, trên 7,000 lính bị bắt làm tù binh trong khi Hoa Kỳ và quân đồng minh Việt Nam Cộng hòa bị mất 4,300 người, khoảng 16 ngàn quân bị thương và lối 1,000 lính bị mất tích.
Đảng CSVN chưa bao giờ có can đảm xin lỗi nhân dân Huế về những thiệt hại về người và của mà lính CS đã gây ra cho họ trong thời gian tạm thời chiếm đóng thành phố.
Sau Mậu Thân có 4 năm , đảng CSVN lại mở chiến dịch Trị - Thiên năm 1972 để chiếm đất, dành dân làm bàn đạp cho cuộc đàm phán hoà bình với Mỹ và Việt nam Cộng hoà ở Ba Lê. Cuộc tấn công quân sự này xẩy ra sau khi Hoa Kỳ vừa hoàn tất chương trình Việt Nam hoá chiến tranh từ đầu năm 1972. Hoa Kỳ gọi cuộc tấn công này là Easter Offensive (Tấn công vào mùa Phục sinh) của quân miền Bắc nhằm thử sức chiến đấu của quân VNCH khi phải chiến đấu một mình.
Vũ Trọng Hoan, Đại tá (Viện lịch sử Quân sự Việt Nam) tiết lộ mưu đồ này của Hà Nội trên báo Nhân Dân ngày 10-12-2004 : “Mặc dù lúc đầu Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng miền Ðông Nam Bộ, Trị-Thiên, Tây Nguyên, nhưng trong quá trình chuẩn bị, nhận thấy địch trên hướng miền Ðông Nam Bộ còn mạnh, hơn nữa việc chuẩn bị vật chất của ta cho chiến trường này còn nhiều hạn chế, cho nên đầu tháng 3-1972, Quân ủy Trung ương quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược chính sang chiến trường Trị-Thiên.”
“Quyết tâm mới của Quân ủy Trung ương được Bộ Chính trị thông qua ngày 11-3-1972. Ngay sau đó, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Ðảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị-Thiên. Thiếu tướng Lê trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh. Thiếu tướng Lê Quang Ðạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy kiêm Bí thư đảng ủy. Các đồng chí Cao Văn Khánh, Giáp Văn Cương, Doãn Tuế, Phạm Hồng Sơn, Lương Nhân, Nguyễn Anh Ðệ làm Phó Tư lệnh.”
“Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng được cử làm đại diện của Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo hướng chiến lược quan trọng này.”
Hà Nội đã tập trung khoảng 15 ngàn quân cho chiến dịch Trị - Thiên bắt đầu từ ngày 30-3, kết thúc ngày 27-6-1972. Những cuộc tấn công bừa bãi của lính Cộng sản vào thường dân trên đường chạy giặc từ Quảng Trị vào Huế bằng Quốc lộ 1 đã để lại ngổn ngang xác chết của các cụ già, đàn bà và trẻ em. Hàng trăm ngàn dân lại lâm vào cảnh vô gia cư đèn trời chiếu đất.
Tuy Hà Nội chiếm được ưu thế trên chiến trường sau chiến dịch này , nhưng một lần nữa người dân miền Nam đã chạy trốn họ về với chính phủ Việt nam Cộng hòa. Ấy thế mà Vũ Trọng Hoan vẫn có thể viết ngược ngạo là quân Cộng sản tham dự chiến dịch đã : “Hỗ trợ nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy diệt ác phá kìm giành quyền làm chủ.” Hay :” Phối hợp các lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt và làm tan rã lực lượng kìm kẹp của địch, hỗ trợ quần chúng hai huyện Do Linh, Triệu Phong nổi dậy giành quyền làm chủ.” (Báo Nhân Dân, 10-12-2004)
Sau cùng đến cuộc tấn công toàn diện miền Nam từ tháng ngày 4-3-1975, khởi đầu từ Tây Nguyên (Cao Nguyên miền Nam cũ) bằng cuộc tấn cộng cắt đứt đường 19 nối liền An Khê (Bình Định) với các tỉnh Tây Nguyên.
Kế họach này của đảng CSVN đã được Nguyễn Mạnh Hà, Đại tá (Viện lịch sử Quân sự Việt Nam) tiết lộ : “Từ tháng 10 đến tháng 12 - 1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cùng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường họp thống nhất quyết tâm chiến lược giải phóng miền nam trong 2 năm 1975-1976. Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án nữa: nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền nam trong năm 1975.”
“Tháng 7-1973, BCH T.Ư Đảng họp hội nghị lần thứ 21, khẳng định: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền nam trong giai đoạn mới là tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, kiên định con đường cách mạng bạo lực, giữ vững chiến lược tiến công. Tháng 7-1974, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất BCH T.Ư Đảng, trực tiếp hướng dẫn Bộ Tổng tham mưu khởi thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền nam. Tiếp đó, từ tháng 10 đến tháng 12 - 1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cùng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường họp thống nhất quyết tâm chiến lược giải phóng miền nam trong 2 năm 1975-1976. Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án nữa: nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền nam trong năm 1975. Ngoài ra còn các lực lượng xe tăng, pháo binh, cao xạ, công binh, đặc công và các đơn vị bộ đội địa phương du kích.” (Nhân Dân, 13-12-2004)
Chủ trương tấn công miền Nam bằng quân sự sau khi đã đặt tay ký Hiệp định Hoà bình Paris 1973 đã chứng minh cho ta thấy thêm một bằng chứng về tính gian dối của đám Lãnh đạo đảng CSVN. Tính không ngay thật của Hà Nội còn được thể hiện trong điều khoản rút quân “ngoại nhập” o trong miền Nam. Ngoài trừ quân Mỹ rút về nước, Hà Nội không nhìn nhận quân đội CS miền Bắc ở miền Nam là “quân ngoại nhập” nên cứ ở lì trong nam.
Nguyễn Mạnh Hà, Đại tá (Viện lịch sử Quân sự Việt Nam) xác nhận âm mưu này: “Cuộc đấu tranh ngoại giao luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời, vững chắc của đấu tranh quân sự do các lực lượng vũ trang tiến hành trên chiến trường, đã thực hiện xuất sắc chủ trương và cũng là mục tiêu của ta trong đàm phán là làm cho "quân Mỹ phải rút ra, còn quân ta thì ở lại" miền nam. Mặt khác, đấu tranh ngoại giao buộc Mỹ phải rút hết quân ra khỏi Việt Nam để hai năm sau đó, quân và dân ta thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đánh cho ngụy nhào, thực hiện trọn vẹn mục tiêu, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất non sông, đất nước.” (Báo Nhân Dân, 14-12-2004)
Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam từ Phong trào được gọi là “đồng khởi” cho đến cuộc tàn sát dân lành hồi Tết Mậu Thân qua đến chiến dịch Trị - Thiên 1972 và sau cùng là Mùa xuân 1975, Hà Nội đã không che giấu được tấm mặt nạ “giải phóng” để lừa dối thanh niên nam nữ miền Bắc vào Nam đánh nhau để gây tang tóc cho người dân vô tội trong Nam.
Sau 20 năm theo đuổi cuộc chiến trong Nam (1954 -1975) , đảng CSVN đã dành được chiến thắng để nắm quyền cai trị cả nước, nhưng những người cầm đầu đảng này có biết rằng họ đã đoạt được quyền hành bằng máu xương của trên 6 triệu người Việt Nam vô tội "
Những oan hồn trong cuộc chiến Việt Nam; của binh lính CS bỏ xác ở chiến trường “vì nghĩa vụ quốc tế Cộng sản ở Ai Lao”, ở Cao Miên,trong cuộc viễn chinh của 200 ngàn quân Việt Nam xâm chiếm nước láng giềng Cao Miên từ cuối năm 1978 đến 1991; và của hàng trăm ngàn người dân miền Nam vô tội đã chết chìm, hay bị hải tặc cưỡng hiếp hoặc giết người lấy của trên các chuyến thuyền vuợt biển tìm tự do sau 1975 hãy còn vất vưởng đâu đó trên đất nước Việt Nam.
Những oan hồn này cần được tôn trọng vì họ muốn được ngủ yên với số phận không may của mình. Triệu triệu con người Việt Nam đã chết vì cuộc chiến do đảng CSVN phát động nhưng vết thương chiến tranh của họ vẫn còn đó. Những người còn sống, dù bên này hay bên kia chiến tuyến, có bổn phận phải giữ sao cho vết thương không bị rỉ máu nữa.
Chỉ có những kẻ vong ơn bạc nghĩa mới muốn mở lại vết thương và khơi lại hận thù khi đem hết chiến thắng này đến thắng lợi kia của Quân đội Nhân dân chà đạp lên những người đã khuất. -/-
Phạm Trần (12-04)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.