Hôm nay,  

Chiến Sử Việt Nam, Hiệp Định Genève, 50 Năm Nhìn Lại: Quân Đội Quốc Gia Kiểm Soát Các Căn Cứ Địa Của Giáo Phái

04/12/200400:00:00(Xem: 6342)
Kỳ 30
LTS. Tiếp theo phần 1 của loạt bài " Vĩ tuyến 17, Hiệp định Genève, 50 năm nhìn lại", đăng vào số báo thứ Bảy hàng tuần, kể từ đầu tháng 9/2004, VB giới thiệu tiếp phần 2 về tình hình tại miền Nam từ sau Hiệp định Genève đến cuối năm1955. Loạt bài này được biên soạn dựa theo các tài liệu sau đây: Quân lực VNCH trong giai đoạn 1946-1955( Khối Quân sử/Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH); Đông Dương Hấp Hối của cựu Đại tướng Quân đội Pháp Henri Navarre; hồi ký của các cựu Tướng lãnh VNCH: cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, cựu Thiếu tướng Đỗ Mậu, cựu Đại tướng Cao Văn Viên; Việc từng ngày 1945-1964 của tác giả Đoàn Thêm; tài liệu riêng của VB.
*Tổng lược về cuộc hành quân của Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đợt 1
Sau cuộc hành quân đầu tiên của chiến dịch Đinh Tiên Hoàng khai diễn vào ngày 5-6-1955, mà mục tiêu là tiến chiếm căn cứ của Trung tướng Lực lượng Hòa Hảo Trần Văn Soái, vàCăn cứ Cái Dầu của Thiếu tướng Lực lượngHòa Hảo Lâm Thành Nguyên, lực lượng Quân đội Quốc gia mở tiếp cuộc hành quân truy kích lực lượng của ông Ba Cụt tại Tân Quới, Thới Lai và Cờ Đỏ. Sau vài cuộc chạm súng, một phần lực lượng của ông Ba Cụt rút về hướng Bắc vượt qua ranh giới Cao Miên, phần còn lại rút về kinh Tri Tôn rút về về cố thủ tại vùng "định cư Bắc Việt " (casier Tonkinois) nằm ở khoảng giữa tỉnh lỵ Rạch Giá và Hà Tiên.
Ngày 9 tháng 8-1955, lực lượng Quân đội Quốc gia trở lại Thốt Nốt và Thới Long. Cuộc hành quân này có tính cách yểm trợ các đơn vị đến lập căn cứ trong các khu vực mà trước đó là các căn cứ địa của lực lượng giáo phái. Đây là cuộc hành quân chót của chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đợt 1. Tổng kết giai đoạn 1 của chiến dịch này được ghi nhận như sau.
A-Thiệt hại của Lực lượng Quân đội Quốc gia:
-tử thương: 6 sĩ quan, 15 hạ sĩ quan, 103 binh sĩ.
-bị thương: 24 sĩ quan, 89 hạ sĩ quan, 417 binh sĩ.
-mất tích: 11 binh sĩ.
-vũ khí: 33 súng trong đó có 4 súng cộng đồng
-máy truyền tin: 1 AN.PRC, 3 SCR 300, 1 SCR 508
B- Thiệt hại của lực lượng giáo phái:
-tử thương: 463
-bị bắt: 239
-quy thuận: 1,823 người
-vũ khí bị tịch thu: 299 súng, trong đó có 4 súng cối 81 ly, 2 súng cối 60 ly.
-vũ khí nộp do quy thuận: 1,115 súng, trong đó có 20 đại liên, 27 súng cối 81 ly, 3 súng cối 60 ly.
-quân xa bị tịch thu: 25 xe nhỏ, 10 xe Jeep. 2 xe dodge 4x4, 21 camions.
-tàu thuyền bị tịch thu: 2 tàu nhỏ, 2 ghé máy.
- phương tiện bị phá hủy: 10 tàu, 2 xà lan, 66 thuyền, 1 xưởng đạn dược, 1 biệt thự của ông Ba Cụt.
*Phân tích về các cuộc tấn công của Quân đội Quốc gia trong chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đợt 1.
Theo phân tích của Khối Quân sử/Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu QL.VNCH, trình bày trong Quân sử 4, thì cuộc tấn công của Quân đội Quốc gia vào sáng sớm ngày 5-6-1955 là một sự bất ngờ. Lực lượng giáo phái đã chống cự yếu ớt ngay từ phút đầu tiên của các cuộc tấn công này. Các đơn vị của Tướng Năm Lưả đóng theo trục Vĩnh Long-Cần Thơ đã bị tan rã ngay, một lớp quy thuận, còn một lớp theo Tướng Năm Lưả lánh sang Đồng Tháp Mười. Các đơn vị của Tướng Lâm Thành Nguyên đã cùng ông quy thuận sau khi bản doanh Cái Dầu bị chiếm. Riêng có lực lượng của Tướng Ba Cụt đã thoát ra khỏi vùng kinh Thốt Nốt và tổ chức lại lượng chống lại Quốc gia Việt Nam khá lâu.
Trong thời gian diễn ra chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đợt 1, lực lượng Quân đội Quốc gia đã huy động 6 liên đoàn bộ chiến, có pháo binh yểm trợ, mở liên tiếp các cuộc hành quân quy mô. Ghi nhận chung, các cuộc hành quân này đã không mang lại kết quả khả quan. Theo phân tích của Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Quốc gia VN, vào thời kỳ này, Quân đội Quốc gia Việt Nam vẫn chưa có những chiến thuật mới, thường khai triển các cánh quân tiến theo các con kinh vào khu vực đối phương để truy kích. Khu vực do các lực lượng giáo phái trú đóng là vùng nông thôn rộng bát ngát, kinh rạch chằng chịt, cây cỏ rậm rạp, khó xác định vị trí của đối phương.

Về lực lượng giáo phái, chiến thuật thường áp dụng là du kích chiến. Lực lượng giáo phái thường tránh né các cuộc tấn công lớn của Quân đội Quốc gia bằng những phương cách như sau:
-Phân tán ra hai bên bờ kinh, núp vào các gò đống ở xa, khi các đơn vị của Quân đội Quốc gia đi khỏi thì họ lại trở về ấp xã.
-Thoát ra khỏi khu vực hành quân nhờ đêm tối và nhờ trang bị vũ khí nhẹ nên di chuyển rất nhanh.
Cũng theo phân tích của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia VN, trong chiến dịch này, lực lượng Quân đội Quốc gia có những nhược điểm khiến cho các cuộc hành quân trở nên không có hiệu quả:
-Bộ chỉ huy chiến dịch đã ra lệnh cho các đơn vị hành quân di chuyển quá xa theo các con kinh khiến cho binh sĩ mệt mỏi ( có khi phải đi xa hơn 20 km theo các con kinh mỗi ngày).
-Không xác định được rõ mục tiêu nơi nào có đối phương, nên các đơn vị hành quân thường tiến theo các con kinh cho chóng kết thúc lộ trình tiến quân, không cần khám phá, lục soát hai bên bờ và cũng không có thời giờ để khám phá vì lộ trình hành quân quá dài.
-Binh sĩ phải mang đồ cồng kềnh theo và phải vượt qua nhiều cầu khỉ khó khăn nên địch quân kịp thời rút lui.
-Khi vượt qua rừng tràm, các đơn vị hành quân hết gạo và nước uống, không được tái tiếp tế, lại thiếu yểm trợ của Không quân, ngoài tầm yểm trợ của pháo binh. Đoàn quân bị đói khát và mệt mỏi, phải vượt qua một khu rừng tràm đầy nước mênh mông, không có địa thế ẩn núp, chỉ cần một toán quân nhỏ của địch quân lợi dụng địa thế thuận lợi là có thể gây khó khăn cho đơn vị hành quân một cách dễ dàng.
Qua vài trận đụng độ với lực lượng giáo phái của ông Năm Lửa và ông Ba Cụt, các sĩ quan chỉ huy của các đơn vị Quân đội Quốc gia nhận thấy đối phương đã sử dụng hỏa lực một cách loạn xạ, nghiã là khi chạm súng, họ bắn tối đa hỏa lực sẵn có, bắn được một lúc rồi bỏ chạy. Do đó chỉ có những toán quân đầu của lực lượng hành quân chạm súng, các đơn vị đi sau ít khi sử dụng đến vũ khí.
Lần đầu tiên chạm một đơn vị chủ lực của ông Ba Cụt, một đơn vị hành quân đã mất bình tĩnh vì hỏa lực đối phương bắn ra dữ dội, tưởng như địch quân đang chuẩn bị cho một cuộc xung phong theo kiểu Việt Minh. Bởi vì đối với Việt Minh trong cuộc chiến tranh Việt-Pháp, các đơn vị bộ chiến rất hạn chế hỏa lực và chỉ khai hỏa tối đa khi mở một trận quyết định, còn thường thì chỉ bắn lẻ tẻ rồi rút lui.Sau khi rút được kinh nghiệm này, các đơn vị Quân đội Quốc gia đã tỏ ra bình tĩnh một lần chạm súng với lực lượng giáo phái ly khai, chống Chính phủ.
Một kinh nghiệm khác được rút ra trong các cuộc hành quân của chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đợt 1 là thường thường các mũi dùi phải mở sâu vào các con kinh nhiều cây số và phải vượt qua nhiều cầu khỉ. Quân của lực lượng giáo phái thường lợi dụng những chướng ngại vật này để nổ súng vào đơn vị hành quân. Các đơn vị Quân đội Quốc gia muốn vượt qua phải bắn trọng pháo yểm trợ, cho nên khi đi hành quân, các đơn vị phải mang theo bích kích pháo 81 ly và một số khá nhiều đạn dược. Trong điều kiện không thể mỗi lúc mà tiếp tế được, nên mỗi tiểu đoàn với 4 đại đội chiến đấu, thường dành riêng ra một đại đội làm trừ bị và mỗi binh sĩ thuộc đại đội này phải có nhiệm vụ mang theo mỗi người hai quả đạn bích kích pháo 81 ly trong suốt cuộc hành quân. Để di chuyển cho nhẹ nhàng, mỗi binh sĩ có một đòn tre để gánh các viên đạn. (Kỳ sau: Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng giai đoạn 2).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.