Hôm nay,  

Ht Quảng Độ Kêu Gọi Csvn Đổi Thành Dân Chủ Đa Đảng

04/12/200400:00:00(Xem: 4852)
Ngài Kêu Gọi Cần Phục Hoạt Giáo Hội PGVNTN Để “Tìm Cách Ngồi lại” Với Giáo Hội Nhà Nước Để Giúp Giải Quyết Vấn Đề Xã Hội...
PARIS -- Hòa Thượng Thích Quảng Độ trả lời phỏng vấn trên đài RFA đã kêu gọi tòàn thể Tăng Ni Phật Tử dùng mọi phương tiện bất bạo động để tận lực đòi quyền phục hoạt cho Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất, và đặc biệt Ngài kêu gọi chính phủ Hà Nội hãy chuyển hóa thành một chế độ đa đảng đa nguyên, tôn trọng tự do dân chủ.
Một điểm cần chú ý nữa: Ngài xin phục hoạt để Giáo Hội PGVNTN “sẽ liên lạc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tìm cách ngồi lại với nhau để giải quyết mọi vấn đề. Nếu Nhà nước có thiện chí, thiện tâm muốn cho Phật giáo nói chung và Giáo hội nói riêng giúp một tay vào những việc giải quyết bao nhiêu vấn đề của xã hội...”
Cần ghi nhận: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, tức giáo hội thân nhà nước, một cách chính thức trước giờ vẫn không dám công khai bàn chuyện 2 giáo hội “ngồi lại.”
Những lời kêu gọi lịch sử này của Ngài được Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế phổ biến ngày 2.12.2004 toàn văn như sau.
Phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Saigon.
"Điều kiện tiên quyết là phải có tự do, dân chủ thật sự!"
Lời giới thiệu : Sau sự biến Nguyên Thiều và Lương Sơn đầu tháng 10 năm ngoái, 2003, chư vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị Nhà cầm quyền cộng sản đàn áp, bắt bớ rồi quản chế hành chính. Đức Tăng thống Thích Huyền Quang bị dẫn độ về quản chế bằng khẩu lệnh tại Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định, còn Hòa thượng Thích Quảng Độ thì bị quản chế bằng khẩu lệnh tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon. Cả hai Ngài đều bị nhà đương quyền vu cáo "tàng trữ tài liệu bí mật Nhà nước", nhưng một năm hơn không hề xét xử hay trưng bằng cớ về sự vu cáo ấy. Cuối tháng 10 vừa qua, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, viết thư cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Hà Nội yêu cầu làm sáng tỏ vấn đề này. Nhưng từ ấy đến nay chưa có phản hồi.
Một sự kiện quan trọng có tầm vóc quốc tế, là Phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ do bà Elizabeth Dugan, Trợ lý Ngoại trưởng Đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, cầm đầu cùng với ông Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Saigon, tất cả gồm 6 người, đến Thanh Minh Thiền viện thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ. Cuộc gặp gỡ thân tình và huynh đệ kéo dài gần hai tiếng đồng hồ chiều chủ nhật 21.11.2004. Cùng buổi chiều ấy, tân Đại sứ Hoa Kỳ Michael W. Marine cùng phu nhân đến Bệnh viện Đa khoa ở Quy Nhơn thăm Đức Tăng thống Thích Huyền Quang lâm trọng bệnh.
Sang sáng thứ hai, 22.11, Hòa thượng Thích Quảng Độ cầm đầu Phái đoàn Viện Hóa Đạo lên đường ra Quy Nhơn thăm bệnh Đức Tăng thống. Nhưng công an Saigon chận xe không cho phái đoàn đi. Trước những biến động dồn dập ấy, nhà báo nhà văn Ỷ Lan đã tìm cách gọi dây nói viễn liên về Saigon phỏng vấn Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo về hai sự biến nói trên. Bài phỏng vấn đã được Đài Á châu Tự do phát về Việt Nam và qua các châu lục nhiều lần trong các ngày 21, 22, 23.11.2004. Đài Radio Bolsa cũng đã tiếp vận cuộc phỏng vấn trong các chương trình phát tại bang California và Hoa Kỳ ngày 24.11.2004.
Đây là lần đầu tiên Hòa thượng Thích Quảng Độ lên tiếng sau hơn một năm im lặng. Ngoài thông tin về cuộc gặp gỡ với Phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hòa thượng còn đề cập đến tình hình Phật giáo trong nước, công cuộc dân chủ hóa đất nước, Pháp lệnh tôn giáo mà Hà Nội vừa ban hành, hay khả năng ngồi lại với Giáo hội Phật giáo Việt Nam nếu Giáo hội này thoát ly Mặt trận Tổ quốc và bàn tay chính trị sử dụng. Xin mời quý bạn đọc lắng nghe tiếng nói bất khuất nhưng chân tình của vị Cao tăng Phật giáo mà chúng tôi ghi lại nguyên văn dưới đây.
Ỷ Lan: Kính bạch Hòa thượng Thích Quảng Độ, chúng con được tin là một phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa đến vấn an Hòa thượng tại Thanh Minh Thiền viện. Xin Hòa thượng hoan hỉ xác nhận việc này. Và nếu đúng, thì xin Hòa thượng cho biết mục đích cùng nội dung cuộc gặp gỡ.
HT. Thích Quảng Độ : Vâng, hôm nay vào lúc 14 gờ 30 một Phái đoàn trong đó có bà Elizabeth Dugan đặc trách về các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và người cố vấn cao cấp của bà là Susan Williams O'Sullivan cùng với ông Tổng lãnh sự Hoa Kỳ với vài ba nhân viên trong tòa Tổng lãnh sự đi cùng với bà đến Thanh Minh Thiền viện thăm tôi. Cuộc gặp gỡ rất là vui vẻ và phái đoàn cũng bày tỏ rất là hiếm khi được đến thăm như thế này. Tôi có trình bày một số vấn đề về hiện trạng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nói ra, thì cũng chẳng có gì thay đổi. Gần 30 năm nay, Giáo hội vẫn ở trong tình trạng bấp bênh và càng ngày có thể nói là càng trầm trọng hơn. Không có gì sáng sủa. Mặc dầu vậy, tôi cũng nói với phái đoàn, chúng tôi vẫn cố gắng hết sức làm thế nào để đòi hỏi cho được quyền pháp lý sinh hoạt lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đòi hỏi ấy hợp tình hợp lý thôi, chứ không có gì quá đáng. Cho nên, chừng nào mà chúng tôi thấy chưa được như ý thì chúng tôi tiếp tục cuộc vận động và trong cuộc vận động ấy thì chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ của dư luận quốc tế, những cá nhân, những tổ chức cũng như các chính phủ tôn trọng tự do, nhân quyền, tín ngưỡng của mọi người. Cho nên, chừng nào chưa đạt được mục đích, chúng tôi tiếp tục cuộc vận động của chúng tôi tới khi nào thành đạt. Trong cuộc vận động ấy, dĩ nhiên chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ của quốc tế về mặt dư luận, hay là làm thế nào để chính quyền Việt Nam nghe cái nguyện vọng thiết tha của những người có tín ngưỡng tôn giáo trên đất nước Việt Nam.
Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, thái độ và phản ứng của phái đoàn Hoa kỳ như thế nào sau cuộc tiếp xúc này "
HT. Thích Quảng Độ : Theo chúng tôi biết ngay lúc đó họ rất hoan hỉ và cũng hứa như trước đây đã nhiều dịp lên tiếng can thiệp với Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) và họ sẵn lòng tiếp tục để giúp đỡ về mặt dư luận, làm cho dư luận quốc tế quan tâm hơn nữa. Nhất là họ nhắc đến vấn đề gần đây Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đặt Việt Nam vào danh sách các nước "cần quan tâm đặt biệt". Họ cho biết với quyết định như vậy họ hy vọng Nhà nước CHXHCNVN bây giờ sẽ quan tâm hơn trước đây. Bởi vì quyết định đó rất quan trọng. Nếu không có gì thay đổi, không có gì cởi mở thêm, tất nhiên họ phải đi tới, họ sẽ có những biện pháp khác. Tôi không biết biện pháp đó là biện pháp gì, nhưng mà họ có nói thế.
Ỷ Lan : Hòa thượng nghĩ sao về sự kiện Việt Nam bị Hoa Kỳ kiệt kê vào danh sách "các quốc gia cần đặc biệt quan tâm""
HT. Thích Quảng Độ : Tôi rất có hy vọng. Bởi vì mình thì không muốn gì nặng nề hay quá đáng xẩy ra liên quan đến mục đích của quyết định đó. Thế nhưng hy vọng Nhà nước Việt Nam... đó là một tín hiệu mà Nhà nước CHXHCNVN nên quan tâm. Nếu để cái việc mà họ buộc lòng phải làm theo quyết định đó, nó cũng hơi phức tạp, có thể thiệt thòi cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Nên tôi hy vọng với thiện chí và nếu mà có lòng yêu dân yêu nước thật sự, thì tại sao mình không lắng nghe cái nguyện vọng của dân mình, mà phải để cho nước ngoài, dư luận bên ngoài dòm ngó, và lên tiếng thay mình, bênh vực người dân của chính mình " Cái đó là cái xấu hổ. Nếu mà họ còn chút lương tri hay liêm sỉ thì sẽ thấy rất nhục nhã cho một đất nước. Tại sao mình cai trị dân tộc mình, đất nước mình, mà phải để cho người ngoài bênh vực cho người dân của mình " Cái đó tôi thấy rất là xấu hổ.
Tôi hy vọng rằng Nhà nước CHXHCNVN nên quan tâm lắng nghe tiếng nói tha thiết từ đáy lòng của người dân Việt Nam. Có thế nào thì dân mới kêu chứ, không phải tự nhiên vô cớ thì họ kêu làm cái gì" Đừng có nên trách người dân, bởi vì đa số thật sự, tôi nói thật với phái đoàn, rằng đa số người dân muốn nói mà không dám nói. Không phải không muốn nói, mà không "dám nói" ! Nói ra thì rất phiền hà có thể tai họa đưa đến cho bản thân người nói. Cái chuyện ấy, tôi nói, chắc quý vị đã nghe qua báo chí, đài phát thanh, đã biết điều đó. Tôi chỉ hy vọng là chính Nhà nước CHXHCNVN làm thế nào nâng được đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc Việt Nam cho ngang bằng với các nước thuộc vùng Đông Nam Á. Chưa dám nói bằng các nước văn minh, dân chủ thực sự.
Điều kiện tiên quyết muốn được như vậy là phải có tự do, dân chủ thật sự. Họ sợ là nếu có tự do, dân chủ thì họ mất quyền hay sao " Không phải. Họ dám làm không " Họ dám làm mới thấy kết quả. Tôi thấy ngay hiện giờ các Đảng cộng sản ở các nước Đông Âu cũ bây giờ đều chấp nhận đa đảng, mà người ta vẫn còn bỏ phiếu cho đảng Cộng sản. Chỉ sợ mình không có chính nghĩa, không thật sự có tâm huyết với dân tộc thôi. Chứ sợ gì mất quyền. Đấy, như đảng Cộng sản Ba Lan, Tiệp Khắc thì bây giờ đa số dân chúng người ta cũng bỏ (phiếu) cho đảng Cộng sản. Đa số chứ không phải tuyệt đối. Các đảng phái khác cũng được quyền tham dự như vậy. Tôi thấy làm như thế hay hơn. Nếu đảng Cộng sản có tài có đức, làm nhiều ân nghĩa cho dân tộc thì tất nhiên (dân) họ chọn đảng Cộng sản, họ thích đảng Cộng sản cầm quyền để hướng dẫn dân tộc đi đến mục đích thật sự là hạnh phúc, tự do. Đừng sợ có tự do, dân chủ là mình mất quyền. Không đâu. Người dân bây giờ tinh tường lắm, dân trí bây giờ lên cao lắm. Ai có công, ai thật sự vì dân, vì nước, người ta biết. Vậy nếu đảng Cộng sản thật sự vì dân vì nước, từ nửa thế kỷ nay họ cứ nói như thế, thì họ cứ cho người khác tham gia xem nào. Không sung sướng gì bằng, không hạnh phúc gì bằng, khi những người làm chính trị được chính người dân tin tưởng giao quyền cho. Chẳng hạn Tổng thống, Thủ tướng ở các nước văn minh dân chủ đấy, họ trao quyền cho một cách công bằng, cho tuyển cử tự do. Những người cầm quyền như thế mới hãnh diện. Chứ không phải là cứ bắt ức người ta, bắt ép người ta bỏ (phiếu) cho mình, buộc phải bỏ (phiếu) cho mình. Cái đó không sung sướng gì.
Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, Quốc hội Việt Nam mới thông qua Pháp lệnh về tôn giáo và được áp dụng kể từ ngày 15.11 này. Nếu có thể xin Hòa thượng cho biết ý kiến "
HT. Thích Quảng Độ : Cái đó thì có những 6 chương và 41 điều, nó dài lắm. Nói nhiều, nhưng tôi xin tóm tắt như thế này, cái đó nó chẳng nới lỏng tự do tín ngưỡng gì hết, mà thắt chặt thêm. Thắt chặt những người có tôn giáo, có tín ngưỡng thêm nữa.
Thứ nhất, chẳng hạn như trước đây chưa có quyết định đó thì, không nói các tôn giáo khác mà riêng Phật giáo thôi, tín đồ Phật giáo, các Phật tử muốn làm lễ cầu an, cầu siêu ở nhà, thì đến chùa thỉnh các Thầy về tụng kinh, niệm Phật ở nhà. Nhưng bây giờ không được. Bây giờ những hoạt động như thế chỉ được thực hiện trong các cơ sở thờ tự tôn giáo, tức là chùa chiền, nhà thờ, thánh thất. Như vậy là bây giờ ở tại gia muốn mời sư đến tụng kinh, niệm Phật, cầu an, cầu siêu như tôi nói, là phải xin phép. Bởi vì cái chế độ ở đây là chế độ xin - cho, mà mình xin thì tùy quyền người cho. Họ cho mới được, không cho thì thôi. Mà cái vấn đề xin - cho ở đây rất là phiền hà. Tôi lấy thí dụ ngay bản thân Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một thành viên là Thượng tọa Thích Hải Tạng ngoài tỉnh Quảng Trị. Bây giờ các sư Giáo hội Nhà nước có cán bộ Mặt trận đi theo vào từng nhà dân ở tại xã đó cấm họ không được mời Thầy Hải Tạng đến tụng kinh, làm lễ. Đấy là chuyện trước đây. Rồi họ bảo không được đến chùa Thầy mà tu. Ai muốn cho con đi tu thì phải đến chùa Nhà nước, chùa các sư nhà nước, chứ không đến chùa đó. Đó cũng là chuyện thời trước. Chứ bây giờ càng thắt chặt hơn nữa. Có cái Pháp lệnh tôn giáo mới này thì lại càng thắt chặt hơn nữa.
Tôi bảo đó là cái thòng lọng treo cổ, muốn siết lúc nào cũng được. Chứ có tự do, hay mở rộng, hay nới gì đâu.
Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, bản thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế cho biết là Hòa thượng sẽ lên đường ra Bình Định thăm Đức Tăng thống Thích Huyền Quang bị bệnh nặng và đang nằm ở bệnh viện Quy Nhơn. Xin Hòa thượng cho biết lúc nào thì Hòa thượng lên đường" Đây sẽ là lần đầu tiên Hòa thượng rời Thanh Minh Thiền viện, kể từ khi bị bắt vào tháng 10 năm ngoái, nghĩa là sau hơn một năm bị Nhà cầm quyền quản chế bằng khẩu lệnh, phải không thưa Hòa thượng" Hòa thượng có tin là sẽ lên đường bình an hay sẽ bị công an ngăn cấm "

HT. Thích Quảng Độ : Dạ thưa đúng rồi. Hôm nghe Đức Tăng thống bị bệnh đưa vào bệnh viện là tôi phải đi ngay chứ. Nhưng vì ngày hôm qua, thứ bảy, là ngày tôi phải đi tái khám vì hết thuốc rồi. Đi tái khám, lấy thuốc đầy đủ để đi, nên ngày thứ bảy hôm qua không đi được. Nhưng hôm nay lại có tin Phái đoàn Hoa Kỳ, như chị vừa biết đấy, đến thăm vào lúc 14 giờ 30 vừa rồi. Cho nên lại cũng phải hoãn ngày hôm nay. Tôi định sáng sớm ngày mai, thứ hai, là tôi đi. Bởi vì Đức Tăng thống năm nay tám mươi mấy tuổi rồi, bệnh nặng như thế, mà tôi lại là Viện trưởng Viện Hóa Đạo mà không đi sao được. Cái đó là cái tình nghĩa, cái đạo lý của người tại gia, chứ không cứ gì vị sư tu đạo Phật đâu, thì dĩ nhiên tôi phải đi. Nhưng vì kẹt như tôi đã nói.
Vừa đây, khi Phái đoàn Hoa Kỳ vừa ra khỏi Thanh Minh Thiền viện, thì một người dưới nhà lên báo ngay cho tôi biết là có văn thư của Ủy ban Nhân dân Quận Phú Nhuận đến triệu tập tôi 8 giờ sáng mai phải ra quận để họ... chưa biết bàn việc gì, và buộc tôi phải ký cái sổ đưa thư đó, hoặc cho người đại diện ký vào nhận thư. Tôi bảo tôi không ký và cũng không ai có quyền thay tôi ký cả. Bởi lẽ sáng sớm mai tôi dự định rồi, tôi phải ra Bình Định thăm Đức Tăng thống.
Đó là chuyện mới nhất xẩy ra đây, chưa biết cuộc hành trình của tôi ngày mai ra Bình Định như thế nào, mình chưa biết được. Để xem sáng mai ra sao. Nhưng tôi nghĩ rằng đây thuộc về vấn đề nhân đạo thuần túy. Không nói trong đạo, ngoài đời cũng thế, cha mẹ thập tử nhất sinh, huynh trưởng thập tử nhất sinh, mà bây giờ không được quyền đi thăm cha mẹ à, giả dụ như vậy. Cái đó là cái không thể nào tưởng tượng được. Nếu bị ngăn cản, thì Nhà nước này sẽ bị lên án là vô nhân đạo. Tôi tin tưởng như thế cho nên ngày mai tôi quyết định tôi lên đường.
Ỷ Lan : Xin Hòa thượng một câu hỏi chót, Hòa thượng có điều gì muốn nói thêm hay nhắn nhủ điều gì với Phật giáo đồ và đồng bào trong và ngoài nước "
HT. Thích Quảng Độ : Trước sau như một, lúc nào cũng thế, nhân tiện tôi nhờ làn sóng của Đài gửi đến toàn thể chư Tăng, Ni, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong nước cũng như ngoài nước, tùy theo khả năng, tùy theo hoàn cảnh, làm được cái gì để vận động làm sao, góp phần vận động làm sao cho sự phục hoạt của Giáo hội mau được thành tựu. Luôn luôn quan tâm việc đó. Dốc lòng theo đuổi cuộc vận động ấy cho đến cùng, bằng cách này hay cách khác, mà tuyệt đối tuân thủ pháp luật và bất bạo động để mong sao cho Giáo hội được sinh hoạt lại. Thế thôi. Bởi vì đây là Giáo hội truyền thống từ ngàn xưa như thế, chứ mình không đòi hỏi gì quá đáng.
Gần đây, qua Đại hội III của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ - Văn phòng II Viện Hóa Đạo, có công bố một "Tài liệu Mật" mà tôi được biết. Đó là một toan tính của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhằm xóa sổ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngay từ 1975 chứ không riêng bây giờ. Như vậy, gần 30 năm qua họ tìm đủ mọi thủ đoạn, mạnh khóe để tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà chưa được. Rồi để cho việc làm của họ, họ gọi là "làm theo lẽ phải", họ lên án chúng tôi là cấu kết "những thế lực thù địch bên ngoài" để "làm chính trị", để "mưu đồ lật đổ"... đủ thứ. Nhưng tôi hy vọng rằng, bây giờ công bố tài liệu ấy thì chính Nhà nước này có manh tâm, tìm cách dùng thủ đoạn "vừa đánh vừa kéo", gài những "đặc tình" vào trong Giáo hội. Cái đó rõ ràng quá, không chối cãi gì được. Vậy tất cả những vận động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất gần 30 năm qua, đó chỉ là một cách tự vệ, chứ không có mưu đồ gì ngoài việc đó.
Vậy bây giờ nếu muốn cho tình hình Phật giáo Việt Nam được ổn định và công việc Giáo hội đi vào chiều hướng ổn định, thì yêu cầu Nhà nước CHXHCNVN trả lại pháp lý cho Giáo hội, cho Giáo hội sinh hoạt lại bình thường. Khi ấy Giáo hội sẽ liên lạc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tìm cách ngồi lại với nhau để giải quyết mọi vấn đề. Nếu Nhà nước có thiện chí, thiện tâm muốn cho Phật giáo nói chung và Giáo hội nói riêng giúp một tay vào những việc giải quyết bao nhiêu vấn đề của xã hội.
Như tôi đã nói trong bản "Nhận định" của tôi, Nhà nước đừng có tưởng rằng có nhà tù, có quân đội, có công an, có đủ thứ, là làm được tất cả mọi việc đâu ! Không có một Nhà nước nào làm được việc đó.
Mà tôi thấy lạ, bây giờ Nhà nước này la làng là nạn tham ô, tham nhũng rất trầm trọng thành một Quốc nạn rồi. Nhưng khi người ta lập hội để giúp Nhà nước, giúp Đảng giải quyết vấn đề tham ô nhũng lạm thì Nhà nước lại bắt (người ta). Rồi bây giờ đây cái đạo đức xã hội cũng xuống cấp thảm hại, thì vai trò tôn giáo từ ngàn xưa đến giờ luôn giúp phát triển đạo đức luân thường cho đạo lý dân tộc. Tất cả trên thế giới, tôn giáo đều có vai trò đó, có thể làm được việc đó. Nhưng mà làm, thì Nhà nước lại không cho làm. La làng như vậy mà rồi để thanh niên nam nữ lâm cảnh trụy lạc này khác. Vai trò tôn giáo cần thiết trong việc đó, như là đoàn Gia Đình Phật tử chẳng hạn, trước nay chỉ nhằm giáo dục thanh thiếu niên để tránh được chừng nào hay chừng đó những tệ nạn xã hội, thì Nhà nước lại không cho sinh hoạt. Muốn sinh hoạt thì phải gia nhập cái Giáo hội Nhà nước thì mới được sinh hoạt. Tôi nói nôm na nó buồn cười lắm. Thật sự là mâu thuẫn, thấy nhà mình cháy bừng bừng, sợ quá la làng. Nhưng người ta vào ta cứu chữa cháy, thì lại gạt người ta ra, không cho làm : sợ mất nhà! Buồn cười. Ấy, cái tình trạng như vậy đấy.
Cho nên bây giờ, Tăng, Ni, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trong nước cũng như ngoài nước, phải một lòng một dạ với nhau vận động cho được cái sự sinh hoạt hồi phục của Giáo hội, làm thế nào góp phần vào những việc ấy, làm cho bớt những tệ nạn xã hội đi. Mà cái đó không thể một mình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất làm được, mà phải hợp tác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước lập ra, nếu Nhà nước bây giờ chịu đặt cái Giáo hội Phật giáo, giải phóng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra khỏi Mặt trận Tổ quốc, ra khỏi cái Ủy ban Tôn giáo Trung ương của Nhà nước. Cho chúng tôi hồi phục lại, nhất định chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau một cách êm thắm. Nhà nước đừng can thiệp vào. Cái rắc rối của Phật giáo Việt Nam nói chung, từ 1981 đến giờ, là tại vì Nhà nước can thiệp và chia rẽ chúng tôi ra. Cùng một nhà, cùng một anh em, mà giờ biến thành kẻ thù. Tôi nói kẻ thù, là nói tương tự như từ ngữ ngoài thế gian. Thực là, không ai còn nhìn mặt ai được nữa. Thế mà Nhà nước cứ thường kêu gọi đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, mà sao chính Nhà nước chia rẽ làm mất đoàn kết chứ nhân dân ai làm mất đoàn kết đâu.
Tôi hy vọng Nhà nước nghe cái cuộc phỏng vấn hôm nay, để nghĩ lại xem hành động của mình, thái độ của mình đối với Phật giáo Việt Nam từ 75 đến giờ như thế có đúng đắn không" Mà có lợi không" Có lợi hay có hại" Bây giờ cái lợi cho Nhà nước là Nhà nước dùng cái Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm tay sai, bảo họ cái gì họ phải làm cái đó. Thậm chí cái Đàn giới thiêng liêng, thanh tịnh như thế, mà biến nó thành cái trường tranh đấu chính trị hoan hô đả đảo. Cái chuyện đó cả thế giới biết rồi. Vừa rồi đây này, cái Đàn giới tại cái chùa Phổ Quang gọi là Đàn giới Thiện Hòa mới mấy tháng nay thôi (1).
Thành ra nếu Nhà nước muốn Giáo hội làm tay sai thì chẳng được ích gì cho Nhà nước mà còn hại cả Giáo hội, thì người ta phải xa lánh cái Giáo hội đó. Vậy cho nên, nếu Nhà nước còn có tâm huyết đối với dân tộc trong hiện tại và tương lai, thì phải nghĩ đến điều đó. Tôi đã nói rồi, đừng sợ gì Phật giáo. Từ ngàn xưa Phật giáo không bao giờ có tham vọng chính trị. Trong lịch sử Phật giáo từ hai ngàn năm nay, có ai nghe nói có một chính quyền Phật giáo chưa" Nhà sư ra làm tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng này bộ trưởng khác chưa" Không có chuyện đó. Giáo hội có làm chính trị hay chưa" Từ đời Lý, Trần, Phật giáo thịnh như thế mà Giáo hội không bao giờ làm chính trị. Các quốc sư là cố vấn của nhà vua. Nhà vua cần gì mời vào hỏi, góp ý kiến với nhà vua xong về chùa, không ăn lương Nhà nước, không có chức vị gì. Ngày nay, Nhà nước phong cho những Thượng tọa, những Đại đức, những Hòa thượng, ôi, rồi phát huy chương Sao Vàng, Hồ Chí Minh... Làm thế là nhục cho Sư, chứ không phải vinh đâu. Mà đã nhục cho sư thì sư làm gì giúp Nhà nước được. Cho nên, tôi mong rằng Nhà nước CHXHCNVN nghe được cuộc phỏng vấn hôm nay. Nhờ Đài, nhờ cuộc phỏng vấn mà tôi nói với Nhà nước, chứ tôi chả có phương tiện gì nói với Nhà nước. Nhà nước cũng chẳng thèm nói chuyện với tôi, coi như kẻ thù, tìm đủ mọi cách để mà loại ra.
Ỷ Lan : Xin cảm ơn Hòa thượng Thích Quảng Độ.
(1) Ghi chú của PTTPGQT : Hòa thượng muốn nhắc đến sự kiện Đại giới đàn Thiện Hòa tổ chức tại chùa Phổ Quang đường Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, là trụ sở của Thành hội Phật giáo Nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh trong ba ngày 2, 3, 4.12.2003, quy tụ 1300 giới tử. Giới tử là những người xin thọ các giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni... để trở thành Tăng và Ni. Giới đàn là hội trường truyền giới gồm có Tam sư thất chứng. Tam sư là 3 vị sư đầu đàn gồm có : một vị Hòa thượng (Upadaya) chủ trì buổi lễ, hướng dẫn giới tử trong ba môn học Giới, Định, Tuệ; một vị Kiết ma (Karmadana) tiến hành buổi lễ cho đúng theo thủ tục, đúng luật và đúng pháp theo Phật chế, tức hướng dẫn giới tử về các nghi thức thọ giới; một vị Giáo thụ, cũng gọi là A xà lê (Acarya), giảng giới và giải thích giới, tức hướng dẫn giới tử về giáo lý, giới luật. Ngoài Tam sư còn có thất chứng, là 7 vị tôn chứng, tức là 7 nhà sư làm chứng cho giới đàn. Khi 1300 giới tử đến Giới đàn chùa Phổ Quang họ vui mừng thấy biểu ngữ giăng ghi : "Phụng thỉnh Thế tôn vị chứng minh. Lễ khai mạc Đại Giới Đàn Thiện Hòa", nhưng qua ngày hôm sau liền được thay bằng một biểu ngữ khác ghi giòng chữ : "Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Mít Tinh phản đối Nghị quyết HR. 427 của Hạ nghị viện Hoa Kỳ.". Điều kỳ lạ hơn, là chiều ngày 2.12.2003 đúng 2 giờ các Giới tử vân tập đầy đủ tại hội trường, và bắt đầu cuộc khảo hạch bằng vấn đáp, trả lời các câu hỏi về Phật pháp, về luật, về trí thông minh. Sau khi trả lời cuộc sát hạch xong, các Giới tử phải ký vào một xấp giấy đã in tên họ, pháp danh, pháp tự, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, trú quán của mỗi giới tử. Mọi người vui vẻ ký tên mình vào chỗ đã được ban tổ chức Giới đàn ấn định, tưởng rằng mình thi hành thủ tục thọ giới. Thế nhưng sau mới biết các bản ký tên ấy được đánh tráo thành Kiến nghị thư phản đối Hạ viện Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu đã thông qua Quyết Nghị ủng hộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Còn Tam sư thất chứng tại Giới đàn này là ai" - Là các Ngài Thích Trí Tịnh, Thích Như Niệm, Thích Từ Nhơn, Thích Trí Quảng cùng với các vị Đại diện Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc... tất cả cùng tiến lên Giới đàn tố cáo Quyết nghị 427 của Quốc hội Hoa Kỳ.
Các giới tử đã vô cùng bất mãn việc biến Giới đàn thanh tịnh thành đấu trường chính trị nhỏ nhen, thế tục. Nhưng thân đơn thế cô, họ không biết làm gì ngoài việc đồng thanh hô lên khẩu hiệu : "Chúng tôi đã bị lừa !".
Một Đại giới đàn thanh tịnh từ nghìn xưa của Phật giáo đã được tờ báo Thanh Niên xuất bản tại Saigon tường thuật thành mấy dòng sau: "Sáng ngày 3.12.03 tại chùa Phổ Quang, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Mít tinh phản đối Nghị quyết 427 của Hạ viện Hoa Kỳ ngày 19.11.2003 và Nghị quyết về cái gọi là "tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam" của Nghị viện Âu châu ngày 20.11.2003. Tham gia buổi lễ có các Tăng Ni thuộc 1000 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường, 1200 Tăng Ni giới tử Đại giới đàn Thiện Hòa và các tín đồ Phật giáo thành phố. Phát biểu tại buổi mít tinh, hòa thượng Thích Trí Quảng - Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố khẳng định : Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức giáo hội duy nhất đại diện cho tăng ni phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước... Nghị quyết HR 427 của Hạ viện Hoa Kỳ đã xuyên tạc về quyền tự do hành đạo, tín ngưỡng của tăng ni phật tử".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.