Hôm nay,  

35 Năm Quốc Hận: Vạn Lý Thăm Chồng

25/04/201000:00:00(Xem: 3775)

35 Năm Quốc Hận: Vạn Lý Thăm Chồng – Thu Thuỷ

Đã gần 19 năm sống tha hương, mỗi lần nhìn mưa phùn rả rích lất phất rơi đem theo cái lạnh cắt da, mình cảm thấy lòng se thắt lại, nhớ hoài kỷ niệm thật buồn khi cùng ba con nhỏ dại băng rừng vượt suối ra tận Thanh Hóa tiếp tế lương thực cho anh Trường. Chuyến đi nhiều gian nan ấy hằn sâu trong tâm khảm mình mặc dầu đã 21 năm rồi từ ngày bốn mẹ con dắt díu khệ nệ khiêng từng thùng thiếc bao bị đệm cả hơn trăm ký lô đồ ăn lên tàu Thống Nhứt ra Thanh Hóa. Mình còn nhớ rõ buổi chiều ấy thật ảm đạm, nắng đã tắt từ lâu như tia hy vọng mong chồng được thả về đã tiêu tan, lòng nặng trĩu âu lo, mình cùng cậu Thu em trai của chị Tố Nga chuyển các thùng đồ ăn nặng trĩu lên tàu (chồng chị Tố Nga cùng ở chung trại Thanh Hóa, chị cảm thông mình đơn chiếc yếu đuối nên cho em trai ra ga Lê Lai phụ mình). Sau khi đã kiểm kỹ lại các thùng thiếc và chắc chắn không cái nào bị mất mát, cho các con ngồi vào toa xong, mình vội vã cám ơn cậu Thu, lúc ấy cũng hấp tấp nhảy mau ra khỏi toa vì một hồi còi tàu rú lên, báo hiệu tàu sắp rời ga.
Lần đầu tiên trong đời được đi xe lửa, ba con mình ngạc nhiên lạ lùng mở to mắt nhìn các trẻ nhỏ cùng lứa tuổi đang nô đùa trong các dãy nhà san sát cạnh đường rầy dọc theo xóm Bàn Cờ, Hòa Hưng, Phú Nhuận, Bình Triệu. Mặc dầu mình đã nói trước với các con là bốn mẹ con sẽ đi thật xa ra Bắc thăm Ba, đem đồ ăn tiếp tế cho Ba nhưng hai đứa con trai còn quá nhỏ, trí óc non nớt không mường tượng nổi rằng đây là cuộc hành trình gian nan dài cả 1200 cây số. Chỉ có con gái đầu lòng Thủy Tiên khôn lanh và lớn hơn, mơ hồ cảm thấy không phải là một chuyến đi bình thường nhiều thú vị như khi xưa cùng đi với cả gia đình ra Vũng Tàu hoặc lên Đà Lạt. Thủy Tiên thu mình lại, ngồi rúc vào một góc băng, cặp mắt xoe tròn, lo âu nhìn các hành khách xa lạ chung quanh. Sơn, Tùng vô tư lự và hiếu động, ngồi không yên, tò mò chạy lăng xăng trong toa. Mình xót xa nhìn các con thầm cầu nguyện cho bốn mẹ con được bình an suốt cuộc hành trình.
Đêm đến bốn mẹ con co rút ngồi sát vào nhau, cố dỗ giấc ngủ một cách khó khăn. Đùi mình tê cứng, sưng húp lên vì muốn cho các con được ngủ thoải mái, mình luân phiên kê đầu mỗi đứa trên đùi mình, để các con đỡ mệt. Lưng mình đau rã rời vì ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ bất động. Ngồi kiểu nầy suốt ba ngày ba đêm chắc chết mất, mình nhủ thầm, ngao ngán và mệt mỏi. Liếc mắt thấy các người đồng hành mạnh ai nấy tìm một khoảng trống nhỏ dưới chân hoặc ngay cả lối đi chật hẹp để trải tấm nylon nằm cho đỡ mỏi lưng, mình cũng bấm gan trải đại các tờ báo dưới băng, kêu Sơn Tùng thu mình co chân lại nằm đỡ, nhờ vậy Thủy Tiên có thể tạm thời nằm dài ra trên băng cây (có đến ba người lớn ngồi chen chúc trên một băng). Mình thì chịu đựng hết nổi, lăn kềnh ra ở lối đi, đắp vội cái khăn quàng cổ lên mặt để bụi cát từ giày dép các hành khách qua lại không rơi vào mắt. Chưa bao giờ mình thấy thấm thía câu "buồn ngủ gặp chiếu manh" như lúc nầy. Bốn mẹ con nằm được "thoải mái" hơn, đỡ tê cóng chân tay, nên mệt mỏi ngủ thiếp đi, đến sáng lúc nào không hay, mặc dầu trong đêm bao nhiêu chân thản nhiên bước qua người và đầu cổ mình. Thiên hạ nằm la liệt: người lớn thì tràn ngập lối đi, trẻ con nhỏ người hơn cố chui rúc xuống gầm băng, các bộ đội quen ngủ võng trong rừng thì treo võng nằm vắt vẻo như vượn, đong đưa qua lại tỉnh bơ trên đầu hành khách. Quang cảnh trong toa thật hỗn độn chưa từng thấy: tiếng ho, tiếng khạc nhổ, tằng hắng, tiếng trẻ nhỏ la hét khóc ban đêm, xen lẫn tiếng đập ruồi muỗi chát chúa, chưa kể lâu lâu nước tiểu trẻ con đái dầm ban đêm chảy dài loang ra sàn thối tha dơ bẩn.
Trời hừng sáng bốn mẹ con lồm cồm ngồi dậy, áo quần nhớp nhúa hôi hám, phờ phạc người, thấy ai nấy đều lấm lem, lấy lon hoặc ca súc miệng, phun ra cửa sổ toa, làm vệ sinh lau mặt ngay tại toa. Ban đầu còn ái ngại, sau đó mình cũng quen đi, thản nhiên cho các con súc miệng như mọi người. Tàu ngừng ở các ga lẻ ở miền Trung, cảnh buôn bán tấp nập vô trật tự: ai cũng hấp tấp mua bán vì sợ tàu chạy bất thình lình, không kịp đưa hoặc thối tiền.Thôi thì tiếng la ó cãi vả mắng chửi chí chóe nổi lên, đinh tai nhức óc. Thủy Tiên, Sơn, Tùng mừng rỡ vì được dịp ăn các món cháo lòng, miến gà, cơm tấm bì, cơm sườn, hột vịt lộn, bán dọc theo các ga. Đã 5 năm nay từ sau 75, quen ăn uống kham khổ, các con ngạc nhiên thấy lần nầy mình cứ mua tới tấp đồ ăn, đâu có ngờ rằng sở dĩ mình phung phí là mình lo các con mệt đói, ngã bệnh không đủ sức để tiếp tục băng rừng vô trại. Mình thì ngao ngán ăn uống qua loa cho có sức cầm cự, nôn nóng mong sao cho tàu mau đến Thanh Hóa, chán chường nhìn thắng cảnh qua cửa sổ mặc dầu dọc đường có biết bao bãi biển xanh biếc, núi non hùng vĩ của miền Trung.
Sau ba ngày trời ròng rã sống trong địa ngục hôi hám của toa xe chật chội dơ dáy, bốn mẹ con đến Thanh Hóa. Lại một phen chật vật, chen lấn, mồ hôi nhễ nhãi, bốn mẹ con mới khệ nệ khiêng đủ các thùng thiếc nặng cồng kềnh xuống ga. Thật là "trầy da tróc vảy" vì chỉ cần sơ hở một chút thì bị mất cắp đồ hoặc bị móc túi ngay. Sơn mới mười tuổi đầu hơn còn Tùng chưa đầy chín tuổi, nhưng đã tỏ ra bảo bọc che chở má và chị yếu ớt, giành xách các bao bị đệm to. Nhìn các con nhỏ bé khẳng khiu oằn vai dưới gánh nặng mình đau lòng tủi thân vô cùng. Vì đâu mà nên nỗi nầy" Mình cắn răng để khỏi bật khóc, mím môi nhìn lên trời xanh, thầm cám ơn ơn Trên đã phù hộ bốn mẹ con đi đường bình an vô sự.
Đường vào trại xa cả năm chục cây số mà đã xế chiều, không còn xe đò đi ngang trại, nên bốn mẹ con đành phải vào tạm trú ở nhà trọ gần ga. Nói là nhà trọ, nhưng thật sự chỉ là những tấm phên tạm dựng lên sơ sài, trong có nhiều giường tre ọp ẹp cho khách mướn nghỉ đêm đỡ, đợi sáng sớm hôm sau lấy xe đò vô trại. Bốn mẹ con kinh hoàng chui rúc nằm trên chõng tre cũ kỹ xiêu vẹo. Mình lấy các thùng thiếc bao bị sắp xếp lại, và tấn xung quanh cái mùng rách nát vá víu cả trăm lỗ, vì nghe nói đồ ăn để ngoài mùng sẽ bị chuột cống chiếu cố. Đêm đó mình phải đương đầu, dương Đông kích Tây với lũ muỗi đói vo ve bay tới tấp, xuyên theo các lỗ rách của mùng. Nhưng hãi hùng nhứt là mục kích từng đoàn chuột cống kếch xù đánh hơi mùi đồ ăn, chạy lúc nhúc xung quanh các thùng thiếc y như những bóng ma trong các phim kinh dị. Nửa đêm, Sơn bị "tào tháo rượt", mình phải bấm gan rùng mình dẫn con ra nhà vệ sinh nhớp nhúa tận sau hè, tối om và thối tha. Hai mẹ con sợ hãi gớm ghiếc không dám nhìn cái thùng phẩn đầy dòi bọ và tiếng ruồi nhặng, lại càng thêm rùng mình rợn xương sống khi trở về giường dưới bóng cây đa, với tàn lá âm u ma quái.
Tờ mờ sáng, mình giật mình vội đánh thức các con dậy để cùng nhau gom góp hành lý, khập khểnh khiêng lần ra bến xe đò gần đó, sắp hàng mua vé. Chen vai thích cánh với làn sóng người hỗn độn, nón lá rách bươm, mình mớỉ khổ sở giành giựt mua được vé xe đò vào gần trại. Sau khi chuyển được đồ đạc lên xe, mình thở phào ôm các con ngồi vào băng phía cuối xe. Mình tự phục thầm lấy mình là không hiểu có sức mạnh phi thường nào mà mình có đủ sức cùng các con khiêng lên xe cả trăm kí lô lương thực. Chiếc xe đò già nua sét rỉ, chậm chạp lăn bánh... Gió mát buổi sáng tinh sương hiu hiu thổi, Thủy Tiên, Sơn, Tùng lim dim ngủ gà ngủ gật, vì đêm qua không được ngon giấc bởi lũ chuột và muỗi. Nhìn các con ngủ thơ ngây như thiên thần, mình cảm thấy ruột gan se thắt lại. Một ông lão nông dân ngồi gần thấy cảnh bốn mẹ con lặng lẽ nắm tay nhau, thu mình trong góc xe, tỏ vẻ ái ngại hỏi thăm. Mình bâng quơ trả lời qua loa, lòng tự ái không muốn ai thương hại. Lâu lâu đi ngang các ổ gà, xe giằng mạnh, tung xốc các hành khách ruột gan như muốn lộn ra ngoài. Xe chạy độ một tiếng rưỡi thì ngừng trước một lều tranh được dựng bên đường, nơi điểm hẹn sẽ có xe trâu mỗi ngày từ trại ra đón các thân nhân trong Nam ra thăm nuôi trại viên. Bốn mẹ con tụt xuống xe, quần áo xốc xếch đầy bụi bặm, mặt bơ phờ thiểu não.
Mình vội kiểm lại đồ đạc, mừng rỡ thấy không bị mất mát hư hao vì trộm cắp và lũ chuột. Mình xoa đầu ba con khuyến khích khen: "Các con giỏi lắm, đã phụ Má xách đồ ăn nặng cho Ba mà lại ngoan nữa. Ba sẽ rất mừng gặp lại các con và biết ơn Má con mình đã đem đồ ăn ra cho Ba". Thủy Tiên, Sơn, Tùng lặng lẽ không đáp, chỉ nắm chặt tay mình lại, lòng mình ấm lại, bao nhiêu nỗi nhọc mệt như tan biến, vì biết rằng bên mình còn có các con ngoan. Mình nhủ thầm : "Can đảm lên! Mình đã gần tới đích rồi! Đường đi dầu có hiểm trở cách mấy, mình cũng không ngại. Chỉ còn một đoạn đường ngắn nữa thôi! Cố gắng lên!"
Đúng như các chị bạn đi thăm nuôi trước đã nói: một lát sau tới giờ hẹn, một người đàn ông đánh xe trâu lù lù tiến ra lều tranh. Bốn mẹ con mừng rỡ, lại một phen vất vả, chất đồ đạc lỉnh kỉnh lên xe, sau đó lầm lũi theo sau xe trâu. Con trâu già chậm chạp kéo chiếc xe. Tiếng bánh xe khô nhớt cứ cót két vang lên, người đàn ông thì lầm lì ít nói. Trời nắng gắt nhưng lạnh vì lúc ấy đã vào tháng ba. Bốn mẹ con bỡ ngỡ rảo chân bước mau theo xe, ba con chạy lúc thúc sát theo mình, ngây ngô chỉ chỏ cảnh vật, hỏi han lăng xăng chừng nào sẽ gặp lại Ba. Như người không hồn, mình im lặng nối gót theo các con, âm thầm thất thểu đi. Vô tư lự, Thủy Tiên, Sơn, Tùng hồn nhiên tung tăng chạy nhảy dọc theo đường mòn thích thú khi gặp các hoa dại tím mọc cạnh dòng suối con, ba đứa hái vài cành hoa buộc lại thành một bó nhỏ, nói với mình là để tặng Ba, làm mình càng xúc cảm, se thắt cả lòng.
Xa xa núi Lam Sơn mờ hiện ra và thấp thoáng kế bên là trại Lý Bá Sơ. Núi rừng tĩnh mịch âm u làm mình chợt rùng mình khi nghĩ đến các anh phải chôn vùi những ngày dài nơi sương lam chướng khí nầy, không biết ngày nào đoàn tụ với vợ con. Mình vội xua đuổi ý nghĩ hắc ám ấy, giựt mình khi nghe Tùng than mỏi chân quá. Mình vội bồng con lên, cố gắng lê bước theo xe trâu. Không hiểu nghĩ sao, người đàn ông lại lên tiếng ngắn ngủi "Chị cho cháu nhỏ ngồi đỡ một đoạn lên xe đi." Tùng mừng rỡ vội nhảy thót lên thùng thiếc ngồi trong lúc Thủy Tiên, Sơn lộ vẻ bất bình, trừng mắt nhìn Tùng. Mình thở dài chép miệng nói nhỏ với hai đứa lớn. "Thôi! Em nó còn nhỏ mà con!"


Gần xế chiều, con trâu già phì phèo nước bọt tiến vào trại, bốn me con thiểu não lê gót theo, dép cứ bị sình ướt nhầy nhụa trên đường bám chặt thật khó đi. Thấy Thủy Tiên, Sơn bực dọc giựt mạnh dép lên than thở trơn trợt khó đi, người đàn ông cười khẩy mỉa mai nói: "Đất nầy nó như thế đấy, cứ thích bám chặt mãi lấy người đi". Mình nhếch mép ngoảnh mặt nhìn nơi khác, chả buồn đối đáp. Trút tất cả các thùng bao bị vào nhà tiếp tân, mình cảm thấy như trút đi một gánh nặng trĩu đè lên vai mình suốt mấy ngày nay. Đầy đủ đồ ăn tiếp tế và thuốc men đã được an toàn vô tận trại. Mình mừng khấp khởi nghĩ nhờ cả trăm ký lương khô và thuốc men nầy mà chồng mình sẽ có sức khỏe để chống chọi với rừng thiêng nước độc.
Trong nhà tiếp tân mới xây cất xong (oái oăm thay sau nầy mình mới nghe nói lại là nhà nầy do đội Xây dựng của anh Trường vừa xây xong chưa kịp lắp cửa nữa), ngoài bốn mẹ con còn có chị Lang từ Gò Công và chị Cao từ Thủ Thiêm ra thăm chồng trước mình một ngày. Hai chị đã được nói chuyện với chồng lúc trưa, nhưng trễ quá không còn xe trâu đưa ra đường cái đón xe đò về Thanh Hoá nên hai chị nán ngủ qua đêm đợi mai sáng về cho đỡ nguy hiểm. Nhìn nét mặt dàu dàu buồn của hai chị, mình cảm thông sâu xa nỗi buồn nhớ mong đợi ấy. Khắc khoải đợi chờ, hăm hở từ trong Nam xuôi ra Bắc vượt ngàn dặm, băng rừng vượt suối, bất chấp hiểm nguy đang chờ đợi mình, để rồi được hội ngộ ngắn ngủi với chồng chỉ trong nửa tiếng, không được một cái nắm tay vội vã, chớ đừng nói chi một nụ hôn thắm thiết, còn gì thảm não cho bằng!
Cho các con ăn qua loa xong, mình ra tận phía sau, dắt các con đại tiện trong nhà vệ sinh nhỏ tạm thời được cất lên thật thô sơ và như mọi hố xí ở miền Bắc có cái thùng phân đầy dòi lúc nhúc. Hai đứa lớn kinh tởm, nhắm mắt nhắm mũi vội "ị" cho xong, chỉ có Tùng sợ té vào thùng phân, nhứt định nín không chịu vô cầu đầy ruồi nhặng thối tha. Mình đành buộc lòng để Tùng "ị" trên bờ gần ao sen và múc thùng nước giếng kế bên dội mạnh xuống ao. Sau ba ngày trên tàu không tắm gội, ba đứa nhỏ mình mẩy nhớp nhúa được mình kỳ cọ rửa ráy thơm tho, nên vừa lên giường xong là lăn kềnh ra ngủ ngon lành. Mình cũng vội vàng tắm gội sau đó vì ba ngày trời trong toa xe như địa ngục trần gian, mình cảm thấy bứt rứt ngứa ngáy khó chịu không thể tả.
Đêm xuống dần, tiếng chim bìm bịp kêu thật buồn bã, hoà lẫn với tiếng côn trùng nỉ non làm mình cảm thấy não nuột cả lòng. Đưa mắt nhìn vào trại hẻo lánh phía xa xa, mình thầm nghĩ giờ nầy chắc anh Trường đã được báo có vợ con ra thăm nuôi, chắc anh cũng trằn trọc không ngủ được như mình. Mình kéo cao cổ áo len, định đi ngủ, chợt thấy cánh cửa chưa được gắn nên phòng cứ mở toạc ra, gió lạnh ngang nhiên lùa vào, mình vội bàn với hai chị bạn cùng nhau kéo cánh cửa nặng trĩu chận đỡ ngang qua cho chắn bớt gió lại và cũng để phòng ngừa cán bộ liều lĩnh đột nhập như đã có tiếng đồn ở các trại kế bên.
Trời vừa hừng đông, mình còn chập chờn mệt mỏi trong giấc ngủ đầy mộng mị thì bị đánh thức nhỏm phắt dậy vì tiếng tru tréo lanh lảnh chát chúa của một nữ cán bộ bên tai: "Thế lầy là thế lào" Ai mà dám cả gan ỉa trên bờ ao như thế lầy" Để cho ông già Đào phải đi hốt đồ dơ như thế"" (Ông Đào là một tù nhân tự quản hình sự đã già). Mình điếng người chợt nhớ đêm qua trời tối nên mình sơ ý không thấy rõ để dội kỹ phẩn của Tùng xuống ao vì vậy mà còn rơi rớt vài "cục" trên bờ. Mình và các con ráng nín cười khi nghe nữ cán bộ tiếp tục hét ỏm tỏi ngoài sân chửi bóng chửi gió.
Nghe tiếng chân nhiều người dừng lại trước nhà tiếp tân, mình và hai chị bạn vội kéo lê cánh cửa gỗ qua một bên. Hên phước làm sao, đúng ngày đội xây dựng đang tụ tập điểm danh trước khi rã hàng lao động trước nhà tiếp tân. Các bạn anh Trường nhìn mình xì xào nói nhỏ: "Anh Trường ở phía sau hàng đó chị, chị thấy ảnh chưa" Một lát nữa chị sẽ gặp ảnh". Mình hồi hộp khi thấy bóng anh Trường thấp thoáng phía sau. Mình an tâm thấy anh lành lặn mạnh dạn tiến vào phòng tiếp tân, nơi đó có cán bộ chễm chệ lạnh lùng ngồi sẵn ở đầu bàn. Bốn mẹ con lính quýnh ngồi xuống ghế đối diện. Vợ chồng mình nghẹn ngào nói không ra lời, mắt nhìn mắt, cái nhìn thật sâu đậm thiết tha, nói lên sự chờ mong khắc khoải từ bao nhiêu năm dài. Ba con vội bíu lấy Ba hôn thật thắm thía. Anh cảm động xoa đầu ba đứa nhỏ, nghẹn lời. Anh chép miệng nhìn mình: "Sao Em ốm quá vậy" Em có sao không"" Mình ràn rụa nước mắt, chỉ biết siết bàn tay chai cứng vì lao động của anh.
Tùng nhõng nhẽo quen vòi vĩnh nên sáng sớm hôm đó chưa ăn sáng, bụng đói cồn cào, được dịp mè nheo với Ba như ở nhà: "Ba ơi! Con đói bụng quá!" Nhưng cán bộ dửng dưng, nhứt nhứt theo luật định không cho thân nhân ăn uống với trại viên, làm Tùng tiu nghỉu, phụng phịu oà lên khóc. Thủy Tiên, Sơn cũng oà lên khóc theo em như đưa đám ma, làm vợ chồng mình càng cảm thấy uất nghẹn. Anh Trường chỉ kịp hỏi thăm về sức khỏe, học hành của các con, còn mình thì lật đật hỏi anh về đời sống lao động ở trại, những câu hỏi thật nhạt nhẽo và rỗng tuếch.
Sau đó thì cán bộ lạnh lùng dõng dạc tuyên bố: "Đã nửa giờ qua rồi, cuộc thăm viếng đến đây chấm dứt! Nếu anh học tập lao động tốt thì sẽ được thăm viếng lâu hơn, có khi được cả ngày". Cả gia đình miễn cưỡng nói những lời tạm biệt, tha thiết dặn dò nhau giữ gìn sức khỏe và luyến tiếc bịn rịn chia tay, sau khi mình phụ chất các thùng ăm ắp đồ ăn lên xe "cải tiến" (xe cút kít có tay kéo như xe kéo trong Nam). Mình thẫn thờ nhìn anh còng lưng đẩy xe nặng trĩu các bao bị đồ ăn đầy bụi đường và mồ hôi nước mắt của vợ con. Bóng anh khuất dần... tiếng kẽo kẹt của bánh xe hòa lẫn với tiếng khóc thút thít hờn dỗi của Tùng cứ xoáy mạnh vào đầu mình nhức nhối. Mình ôm đầu lảo đảo ngồi xuống thềm đá. Thủy Tiên, Sơn vội rầy Tùng: "Nín đi, Tùng đừng khóc nữa, đừng làm má buồn nữa!" Mình ôm choàng lấy ba con, nghẹn ngào nhìn Tùng tha thứ.
Chợt nhớ cả bốn mẹ con bụng đói meo, chưa ăn sáng, mình chạy vội ra sau bếp, hì hục nhóm lửa nấu nồi nước sôi, bỏ vào chút đỉnh bún Tàu còn sót lại trong bao hành lý, và nêm thêm chút muối tiêu bột ngọt. Bốn mẹ con đói quá, ăn ngấu nghiến ngon lành tô miến "thất nghiệp" nhớ đời đó. Tiếc công lặn lội cả mấy ngàn cây số, nên mình dồn gởi tất cả cho anh Trường, chỉ để lại cho bốn mẹ con chút đỉnh bún Tàu và vài bịch mì gói ăn đỡ dạ thôi. Ăn xong, bốn mẹ con tom góp đầy đủ hành lý để kịp theo xe trâu trở lại đường cái đón xe đò trở về Thanh Hóa. Lúc đó anh Trường đã trở ra để kịp tiễn đưa vợ con về. Giây phút biệt ly thật não nùng. Cả nhà bịn rịn, lưu luyến không muốn xa rời. Các anh bạn đang lao động chung quanh cũng ứa nước mắt ái ngại nhìn mình cùng ba con mọn thất thểu leo lên xe trâu. Anh Trường mấp máy môi nói: "Em và các con về bình yên!" Mình lí nhí ngậm ngùi run giọng: "Anh ở lại ráng được mau về". Mình vốn ghét ba chữ "lao động tốt", tránh không nhắc đến. Ba con vẫy tay luyến tiếc chào ba.
Mưa phùn lại lất phất rơi, cái lạnh xé da cắt thịt: đúng là rét tháng Ba ở miền Bắc!! Cái lạnh lẽo ngoài trời không ghê gớm da diết đeo đẳng bằng cái lạnh cô đơn trong tâm hồn. Ngồi co gối trầm ngâm trên xe trâu, mình thẫn thờ như người mất hồn. Đồ ăn, hành lý đã được chuyển đầy đủ vào trại, bận về thật nhẹ gánh, nhưng sao lòng cứ canh cánh nặng trĩu ưu tư. "Chàng ở đầu sông Tương, Thiếp ở cuối sông Tương!" Mình bất giác rùng mình nhớ lại khi xưa có người quở trách bảo tại sao đám cưới hai đứa lại làm vào tháng bảy mưa ngâu, dễ bị chia lìa ngăn cách như Ngưu Lang Chức Nữ.
Đường về xa dịu vợi, xe trâu lắc lư trên đường mòn gập ghềnh thả bốn mẹ con mệt nhoài xuống đường cái để lấy chuyến xe đò chót về Thanh Hóa. Tới đây mới vỡ lẽ: không thể nào mua vé tàu về Nam được, mà phải trở lộn ra Hà Nội mới hy vọng có vé về Sài Gòn. Mình thất sắc ngao ngán lo âu nhìn các con nhỏ dại lại phải cực nhọc một phen lặn lội nữa ra tận Hà Nội. Vé đi Hà Nội hiếm như vàng, muốn mua vé chợ đen cũng không có. Mình thất vọng bối rối, hoang mang không biết tính sao thì thời may có người mách bảo cứ năn nỉ ở quày vé nói có con mọn bịnh cần mua gấp vé về Hà Nội thì họa may mua được vé. May mắn thay thấy mình chạy thất thểu với ba con mọn đùm đề lôi thôi lếch thếch, người bán vé thương tình "nhín" được bốn vé cho bốn mẹ con. Như bắt được vàng, mình hăm hở kéo các con lên toa dành cho các người có con mọn liều lĩnh đi Hà Nội vì không còn cách nào khác.
Tới Hà Nội, mình mừng rỡ gặp lại hai chị Cao và chị Lang cũng đang chờ mua vé về Sài Gòn. Ba chị em hỏi thăm nhau tíu tít và chen lấn rách cả áo, tóc tai bù xù mới mua được vé về Sài Gòn tối hôm đó. Không biết làm gì cho qua thì giờ vì sân ga chật hẹp tràn đầy người, sợ lưu manh cướp giựt móc túi nên mình dẫn các con đi một vòng hồ Hoàn Kiếm và lấy xe điện "leng keng" xuống chợ Đồng Xuân mua vài món lặt vặt, đem theo đi đường. Khí hậu Hà Nội lạnh hơn Thanh Hóa nhiều nên Thủy Tiên, con gái yếu đuối hơn, than lạnh và vì đi bộ nhiều nên cũng than mỏi chân. Mình vội kêu một xích lô đạp chở bốn mẹ con về ga trở lại sau khi sắp hàng dẫn các con vào ăn phở ở một tiệm nổi danh phố Nam Ngư cho ấm bụng và lấy sức lại vì ban sáng chỉ ăn một tô miến lõng bõng nước và muối tiêu.
Tối hôm đó bốn mẹ và hai chị bạn mừng rỡ nhảy lên toa tàu Thống Nhứt trực chỉ về Sài Gòn. Hành lý thì gọn ghẽ nhẹ nhàng, nhưng mỗi người mang nặng một tâm tư. Lần nầy thì các con đã quen cảnh hỗn độn và dơ dáy trên tàu nên ba đứa biết thân phận, mỗi đứa tìm một góc kẹt dưới băng, chui rúc vào như đàn chó con, co ro khoanh tròn mình lại ngủ.
Một hồi còi tàu rú dài trong đêm tối... Tàu chuyển bánh nặng nề, chậm chạp và uể oải, uể oải như tâm hồn mình, trống rỗng và chán chường.. Tiếng còi tàu lại rít lên trong bóng tối dày đặc. Mình mệt mỏi nhắm nghiền mắt lại chập chờn thoáng thấy xa xa bóng anh Trường âm thầm mất hút vào trại, đâu đây như còn văng vẳng tiếng ba con thơ dại ú ớ trong mơ : "Ba ơi! Ba ơi!" Mình thiếp dần, thiếp dần... Chân tay rã rời. Con tàu vẫn lạnh lùng tiến trong màn đêm âm u như một bóng ma...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.