Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Chính Sách Tỵ Nạn Của Úc Bị Đảo Lộn!

18/04/201000:00:00(Xem: 5236)

Thời sự nước Úc: Chính sách tỵ nạn của Úc bị đảo lộn! - Hoàng Đ.Thư

Tuần qua, đông đảo người Úc đã sững sờ bàng hoàng khi chính phủ liên bang thông báo tạm đình hoãn tất cả mọi thủ tục xét đơn xin tỵ nạn của thuyền nhân trong thời gian 3 tháng đối với người thiểu số Tamil từ Tích Lan, và 6 tháng đối với người A Phú Hãn. Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc giam giữ vô hạn định những người tầm tỵ từ Tích Lan và A Phú Hãn và vì thế đã tạo nên nhiều nỗi bất bình trong quần chúng vì rõ ràng đây là một sự lật ngược những lời cam kết trong thời vận động bầu cử năm 2007 là sẽ đối xử nhân đạo hơn với người tầm tỵ và xét xử đơn tỵ nạn thật nhanh chóng. Hầu hết tất cả mọi giới, từ phe đối lập liên bang đến những nhà bình luận chính trị đều cho rằng đây là một hành động thuần túy mang tính thủ lợi chính trị vì trong vài tháng vừa qua, vấn đề người tầm tỵ đến Úc đã gây khó khăn cho chính phủ Rudd khi các tay xướng ngôn viên truyền thanh cực hữu, thích tạo chấn động (shock jock) cùng phe đối lập liên bang liên tục tấn công sự “yếu ớt” của chính phủ liên bang trong vấn đề “bảo vệ biên cương”, khiến cho ghe người tầm tỵ “xâm lăng tràn ngập khắp nơi”. Đặc biệt, từ khi lãnh tụ đối lập  Tony Abbott moi lại chiêu bài cũ của John Howard thời Tampa qua lời tuyên bố: “Dưới sự lãnh đạo của ông Rudd, người Úc chúng ta không được quyền quyết định ai đến đất nước của chúng ta và đến bằng hoàn cảnh nào”  (“The problem is that, under Mr Rudd, we do not decide who comes to our country and the circumstances under which they come”) thì hầu như tất cả các tay quân sư chiến lược gia của Lao động đều rùng mình, lạnh xương sống. Họ cho rằng, vấn đề kiểm soát biên giới và người tầm tỵ, nếu không chặt chẽ, sẽ mang đến nhiều nguy cơ thất bại cho cuộc tổng tuyển cử năm nay, nhất là tại những vùng bấp bênh quan trọng ở vùng Tây Nam Sydney và ở Tây Úc.  Đứng trước quyết định cứng rắn của chính phủ Kevin Rudd, phe đối lập liên bang nhanh chóng chộp ngay cơ hội này để lên án chính phủ Rudd là “giả vờ cứng rắn” trong việc đối phó với người tầm tỵ. Trong khi ấy thì hầu hết mọi giới khác đều lên tiếng chỉ trích sự thiếu nhân đạo và tính kỳ thị chủng tộc của quyết định này.
TNS Sarah Hanson Young của đảng Xanh lên tiếng yêu cầu chính phủ Rudd chứng minh rằng chính sách mới này của họ không vi phạm luật Chống Kỳ Thị Chủng Tộc (Racial Discrimination Act) của Úc. Bà nói: “Không thể quyết định tư cách tỵ nạn của một ai đó dựa trên căn bản họ đến từ nơi nào mà phải dựa trên căn bản đơn xin tỵ nạn của họ. Nếu chúng ta đình hoãn tất cả thủ tục xét đơn và giam giữ người ta vô hạn định thì chúng ta không thể nào chắc chắn được rằng người ta là người tỵ nạn hay chúng ta đang giữ những người lẽ ra phải bị trục xuất. Hoàn toàn không đúng khi chính phủ, chỉ vì muốn thủ lợi chính trị, giam giữ người ta vô hạn định chỉ vì chính phủ quyết định rằng có lẽ Tích Lan và A Phú Hãn là những nơi có an toàn. Rõ ràng là chuyện này không đúng”.
Chính phủ liên bang biện minh cho quyết định của họ dựa vào việc gần đây Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ đã tái duyệt xem có an toàn cho người tầm tỵ trở về A Phú Hãn và Tích Lan hay không và việc đại diện của Cao Ủy ở Vùng này, ông Richard Towle cho biết ông nghĩ rằng sẽ có sự “điều chỉnh”.
Tuy nhiên Ủy Ban Nhân Quyền cũng lên tiếng chỉ trích hành động của chính phủ Úc hiện nay là một sự vi phạm bổn phận quốc tế của Úc.  Các luật sư bảo vệ người tỵ nạn cũng tuyên bố sẽ đâm đơn kiện chính phủ liên bang vì đã vi phạm luật hành chánh (administrative law) qua việc kỳ thị một chủng tộc, một sắc dân.
Mới đây, trên nhật báo The Age hôm 12/4, bà Suvendrini Perera giáo sư môn cultural studies tại đại học Curtin, đã có bài tựa đề “Labor Loses Its Will Again- Đảng Lao Động Lại Đánh Mất Ý Chí Một Lần Nữa”, trong đó bà nhận định như sau.
Sự thay đổi thật đột ngột về chính sách đối phó với người tầm tỵ đã mang chúng ta quay về với những năm tháng u ám đầy muộn phiền của thời Howard. Vào tháng 8/2001, phe đối lập Lao động liên bang, dưới sự lãnh đạo của Kim Beazley đang tràn trề hy vọng sẽ giật lại được chính quyền trong kỳ tổng tuyển cử cận kề nên từ chối không yểm trợ dự luật bảo vệ biên cương đầu tiên mà chính phủ Howard đề ra.Chưa đầy một tháng sau, vị trí của phe Lao động đổi hướng thật hãi hùng và dự luật này được thông qua thành luật. Trong những tuần lễ ngắn ngủi trước khi có sự thay đổi đột ngột này thì vụ khủng bố tấn công ngày 11/9/2001 đã thay đổi hẳn địa hình của chính trường Úc và như hai ký giả David Marr và Marion Wilkinson nhận xét, thì “Lao Động không còn ý chí chiến đấu nữa” (“the fight had gone out of Labor”).
Đấy là một sự mất ý chí vốn đã khiến đảng này phải trả một giá thật đắt, không phải qua sự thất cử- bởi vì họ có lẽ đã thất cử từ khi chính phủ Howard chộp lấy vụ tàu Tampa đến Úc để xách động sự sợ hãi và tính bài ngoại của quần chúng Úc. Cái giá mà đảng Lao động phải trả là họ đã đánh mất sự khả tín về đạo đức luân lý (moral credibility) của họ.
Và lần này, hoàn toàn không có sự kiện khủng khiếp như vụ Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới (World Trade Centre) bị tấn công, phủ trùm cái bóng đen của nó lên cuộc tổng tuyển  cử. Ấy vậy mà chính phủ Lao động, dưới sự lèo lái của ông Rudd lại cho thấy họ có ít ý chí phấn đấu hơn trước nữa. Điều này được thể hiện rõ rệt qua thông cáo của họ hôm Thứ Sáu tuần qua rằng thủ tục xét đơn của người tầm tỵ gốc Tamil và Hazara (người thiểu số ở A Phú Hãn) đến Úc  bằng ghe sẽ bị đình hoãn và chế độ cưỡng bách giam cầm tất cả mọi người tầm tỵ sẽ được áp dụng.


Sự tấn công mang tính tiên hạ thủ vi cường đối với người tầm tỵ này dường như được sử dụng để thể hiện tính chất “Abbott hơn cả ông Abbott”, nhưng thật ra là một sự ngấm ngầm thừa nhận rằng chương trình nghị sự trên chính trường hiện nay được phe đối lập đề ra hơn là do chính phủ. Và điều này có nghĩa, một lần nữa, cuộc tổng tuyển cử tới đây sẽ được tranh đấu trên địa bàn mà phe đối lập lựa chọn.
Với lối nói chuyện ngày càng mang tính đổ dầu vào lửa của phe đối lập (thí dụ điển hình là chuyện ông Abbott ngay vào ngày Thứ Hai Phục Sinh đã ví von người tầm tỵ với bọn đổi tiền ô trược mà Đức Giê-Su tống cổ ra khỏi đền thờ Thượng Đế) thì cái trò chính trị của cả hai phe trên chính trường hiện nay là miêu tả những người tầm tỵ như một bọn thời cơ chủ nghĩa và lăng mạ động cơ tỵ nạn của họ cũng như sự khả tín của họ.
Chính phủ tuyên bố rằng thủ tục xét đơn của những người Hazara và Tamil đến Úc bằng ghe sẽ bị đình hoãn ngay lập tức bởi vì xã hội nơi họ đã bỏ trốn đang “tiến hóa”. Tiến hóa thành cái gì chứ" Trung Tâm Quan Sát Bạo Động Trong Bầu Cử đã báo cáo rằng trong những cuộc bầu cử quốc hội vừa được tổ chức ở Tích Lan hôm 8/4 vừa qua, số cử tri đi bầu ở thủ đô Jaffna của vùng thuộc dân Tamil chỉ có 10%, trong khi trên toàn quốc của Tích Lan thì cuộc bầu cử này thu hút “có lẽ những con số cử tri đi bầu thấp nhất trong lịch sử cận đại” bởi vì sự bào mòn của “niềm tin và sự tín nhiệm của công chúng” (public trust and confidence). Trung Tâm này đã ghi nhận có 85 sự kiện nghiêm trọng xảy ra trong thời gian bầu cử, kể cả việc cố sát và đe dọa cử tri.
Trên tuần báo Sunday Times của Tích Lan, một luật gia được trọng vọng là bà Kishali Pinto Jaywewardene viết về việc phải đối diện với một cuộc bầu cử “được chủa tọa bởi một vị Chủ Tịch Ủy Ban Bầu Cử vốn đã đánh mất hết tất cả mọi sự khả tín của ông ta trong vai trò một người độc lập lèo lái tiến trình bầu cử”. Bà Jaywewardene  viết thêm: “Rất dễ bị cám dỗ để chìm vào cái ảo tưởng rằng đất nước này hiện đang được hòa bình vì không còn bom nổ trên đường phố nữa... và tỷ lệ du khách đến đây đã gia tăng gấp đôi. Nhưng, thực tế thì điều đó chỉ là những cái mốc phiến diện báo trước sự bùng nổ của bạo động trong tương lai”.
Sự thẩm định của bà cũng được những người khác  đồng ý. Một toán thâu hình của đài BBC theo bước những người tỵ nạn Tamil hồi hương quan sát được một sự khác biệt thật rõ rệt giữa sự trợ giúp thật tệ hại mà các cơ quan chính phủ dành cho họ so với sự trợ giúp mà quân đội, chính phủ và giới thẩm quyền Phật giáo dành cho những người thuộc sắc tộc Sinhala định cư trong cùng khu vực. Vì thế, không ai nên lấy làm ngạc nhiên khi những người thuộc sắc tộc Tamil vốn đã sống sót sau những vụ bạo loạn và sự mất mát từ tản cư lại phải tiếp tục sợ hãi về chuyện bị trù dập đày đọa.
Chính phủ Rudd dựa vào những nguồn tin nào, ngoài chính phủ Tích Lan, để đi đến quyết định thẩy những người tầm tỵ gốc Tamil trong vào một thứ luyện ngục lây lất chứ" Rõ ràng là quyền lợi của hai chính phủ đã sát nhập vào với nhau. Hồi tháng Ba vừa qua thì tòa Thượng Thẩm đã đưa ra phán quyết về vụ ba người đàn ông cư dân Melbourne bị cáo buộc với tội yểm trợ nhóm ly khai đòi tự trị "Liberation Tigers of Tamil Eelam". Họ bị cảnh sát liên bang AFP tóm bắt và truy tố với các tội danh về khủng bố, để rồi xóa bỏ sau đó không bao lâu cùng với tất cả những tội danh liên quan đến khủng bố. Bà fiona Todd, luật sư của họ, trong lúc đưa ra nhận xét về sự vận động của các nhà ngoại giao Tích Lan vốn dẫn đến việc truy tố, đã nhấn mạnh rằng “Dân chúng Úc đã phải chi ra ít nhất $10 triệu Úc Kim để được quyền thi hành công việc nhơ bẩn của chính phủ Tích Lan bên ngoài biên giới của quốc gia này”.
Giáo sư Patrick McGorry, Công Dân Úc Của Năm, và nhiều người khác nữa, đã xác định thật rõ rệt những tổn thương tâm lý thật sâu đậm vốn đã bị in hằn lên những người tầm tỵ bị giam giữ với chiếu khán Temporary Protection Visa- TPV trong thời Howard. Sự thay đổi chính sách bất chợt của chính phủ Lao động đã mang chúng ta quay trở về với những năm tháng u ám đầy muộn phiền ấy cũng như quay trở về với loại chiếu khán TPV, cho dù có được gán bằng bất cứ danh xưng gì khác.
Thật là khó hiểu bởi vì hành động nói trên của chính phủ liên bang có vẻ như đã gạt qua một bên những nỗ lực trước đó của chính phủ Rudd trong việc tháo gỡ quả bom nổ chậm của cuộc tranh cãi về người tầm tỵ là việc bổ nhiệm tổng trưởng dân số. Mặc dù các vấn đề dân số, di chú và chủng tộc lúc nào cũng xoắn liền vào nhau từ thời liên bang được thành lập nhưng việc đặt trọng tâm vào dân số hơn là người tầm tỵ có vẻ như đưa ra một vài cơ hội để đẩy cuộc tranh luận này về một địa bàn ít gây khích động hơn, đến một phương pháp chuyên nghiệp hơn và chuyên chú vào những vấn đề quản lý, hạ tầng cơ sở và cung cấp dịch vụ. Tổng trưởng di trú của chính phủ Lao động trong quá khứ đã sử dụng cách dùng từ như thế và lúc nào cũng cẩn thận để phân biệt rõ ràng giữa chuyện “cứng rắn về việc bảo vệ biên giới” và thổi còi siêu âm khích động bài ngoại.
Thế nhưng, với bước ngoặt mới đây của chính phủ Lao động liên bang, bất kỳ hy vọng nào về một phương cách xử sự cân bằng hơn, hiểu biết hơn đều đã bị vất xuống biển.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.