Hôm nay,  

Tội Ác: Cái Chết Bí Ẩn Của Nữ Nghiên Cứu Sinh Gốc Việt Annie Le

14/02/201000:00:00(Xem: 4228)

Tội ác: Cái Chết Bí Ẩn của Nữ Nghiên Cứu Sinh Gốc Việt Annie Le - Vũ Hải

Vào trung tuần tháng Giêng năm 2010 vừa qua, trong phiên tòa xét xử lần thứ ba kể từ khi bị bắt giữ ngày 17/9/2009, bị cáo Raymond Clark, một thanh niên Hoa Kỳ 24 tuổi, vẫn tiếp tục giữ thái độ im lặng trước những lời cáo buộc của công tố viên về vụ án giết hại nữ nghiên cứu sinh gốc Việt của trường đại học Yale tên Annie Le (hưởng dương 24 tuổi) mà Raymond Clark là người bị tình nghi lớn nhất với hơn 150 bằng chứng trực tiếp. Thái độ im lặng trước tòa của Raymond Clark cũng đồng nghĩa với việc anh không nhìn nhận tội lỗi mặc dù kết quả điều tra tổng hợp của cảnh sát cho thấy tất cả những chi tiết liên quan đến vụ án đều phù hợp với sự tình nghi thủ phạm, kể cả các mẫu thử nghiệm DNA. Đáng kể hơn, Raymond Clark còn là nhân vật cuối cùng tiếp xúc với nạn nhân Annie Le vào ngày cô bị mất tích 6/9/2009. Chính vì vậy, cho đến nay nhà chức trách vẫn chưa hiểu rõ động cơ ra tay giết người của hung thủ.
Đây là một trong những vụ án sát nhân gây rúng động toàn thể dư luận Hoa Kỳ và thu hút sự quan tâm của hầu hết những cơ quan truyền thông thế giới trong năm 2009, đặc biệt là giới sinh viên trường đại học Yale. Bởi vì nạn nhân Annie Le là một nữ sinh nổi tiếng xuất sắc trong ngành dược lý đang theo đuổi chương trình học bậc Tiến Sĩ với dự án nghiên cứu những chuỗi enzyme có thể giúp chữa trị các chứng bệnh nan y như ung thư, tiểu đường, rối loạn dinh dưỡng cơ bắp. Ngoài ra, đây cũng là vụ sát hại sinh viên đầu tiên của trường đại học danh tiếng Yale kể từ khi nữ sinh Suzanne Jovin bị đâm 17 nhát dao tại khu vực cách khuôn viên trường khoảng 3km vào tháng 12/1998. Đồng thời, điều khiến mọi người thương tâm đau xót cho vận mệnh bi thảm của nữ khoa học gia xấu số Annie Le là vụ án xảy ra chỉ cách 5 năm ngày trước khi cô dự dịnh tổ chức lễ cưới. Đặc biệt, cũng trong ngày dự định lên xe hoa 13/9/2009, thi thể của Annie Le được phát hiện như là một sự tình cờ ngẫu nhiên kèm theo những suy đoán tâm linh cho rằng oan hồn cô xui khiến, dẫn lối đưa đường giúp cho cảnh sát tìm ra manh mối vụ án.
Sự kiện xảy ra vào ngày định mệnh 8/9/2009, chấm dứt cuộc đời son trẻ với nhiều tương lai tươi sáng cùng niềm hạnh phúc trước ngưỡng cửa hôn nhân của Annie Le khi cô đến tòa nhà danh riêng cho khoa dược trường đại học Yale theo thời khóa biểu làm việc như thường lệ. Và cô vĩnh viễn không bước ra khỏi nơi này. Đây là tòa nhà năm tầng có cổng ra vào chính nằm trên đường Amistad khu số 10 ở thành phố New Heaven, tiểu bang Connecticut. Tại đây, văn phòng của Annie Le ở tầng ba và phòng thí nghiệm y học ở tầng hầm là hai nơi làm việc trong dự án nghiên cứu của cô.
Cho đến tối khuya hôm đó, mọi người trong tòa nhà này đều không thấy Annie Le trở ra dù đã đến giờ đóng cửa. Đồng thời, gia đình Annie Le và hôn phu của cô, Jonathan Widawsky, cũng không nhận được liên lạc của cô như mọi khi nên họ lập tức thông báo cho cảnh sát. Nguồn tin về việc Annie Le mất tích được loan truyền khắp nơi ngay sau đó. Cuộc điều tra của cảnh sát được tiến hành khẩn cấp từ sáng ngày 10/9/ 2009 với kết quả tìm thấy được ID, thẻ tín dụng, một ít tiền bạc và chiếc ví của Annie Le vẫn còn để trong ngăn kéo ở văn phòng tầng ba tòa nhà khoa dược trường đại học Yale. Mặt khác, theo lời khai của những nhân viên làm việc tại đây thì lần cuối cùng mọi người nhìn thấy Annie Le ở trong tòa nhà này là vào sáng thứ ba 8/9/2009. Trong khi đó, hình ảnh thu được từ máy video camera cho thấy cô đến đây vào khoảng 10 giờ sáng với trang phục áo thun màu xanh, bên ngoài mặc thêm áo phông có cổ màu xanh lá cây, váy màu nâu. Tuy nhiên, sau khi duyệt qua toàn bộ hình ảnh thu được từ 75 máy video camera thiết trí tại tất cả các hành lang, cảnh sát vẫn không tìm được đoạn hình nào ghi lại cảnh Annie Le đi ra khỏi nơi đây. Điều này càng khiến cho các nhân viên điều tra đi đến suy đoán có nhiều khả năng cô vẫn còn ở trong tòa nhà với tình trạng bị giam giữ hoặc bị sát hại.
Sau hai ngày khám xét kế kiếp, tông tích của Annie Le vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn kèm theo nỗi hoang mang, lo ngại cho số phận của cô bao trùm khuôn viên đại học Yale với nhiều bàn tán xôn xao trong dư luận sinh viên. Vì vậy, để xua tan bầu không khí ảm đạm và bày tỏ sự quý trọng tài năng hiếm có của Annie Le, trường đại học Yale đã treo giải thưởng lên đến 10.000 mỹ kim cho người nào cung cấp những tin tức liên quan đến tông tích của cô.
Tòa nhà dành cho khoa dược của trường đại học Yale vốn được bảo vệ an ninh rất chặt chẽ với hệ thống đọc tín hiệu từ thẻ cá nhân của mỗi người. Do đó, muốn ra vào nơi đây phải dùng thẻ cá nhân đưa vào máy đọc tín hiệu được thiết trí tại cửa chính và tất cả dữ kiện này đều được lưu lại trong máy điện toán kiểm soát của phòng bảo an. Từ chứng cớ không có dữ kiện xác nhận Annie Le rời khỏi tòa nhà, xác xuất về dự đoán cô đã gặp nạn càng tăng cao và gần như trở thành điều xác thực khi cảnh sát tìm thấy một bộ quần áo dính đầy máu nhét trên trần nhà tại một căn phòng trong tòa nhà này vào ngày 12/9/2009.
Sau những nỗ lực huy động đến hàng trăm nhân viên cảnh sát và Cục Điều Tra Liên Bang FBI lục soát khắp nơi quanh khu vực đại học Yale, đến 5 giờ chiều ngày 13/9/2009 di thể của Annie Le được phát hiện tại một hốc tường có chiều rộng chỉ khoảng 60cm trong phòng thí nghiệm ở tầng dưới hầm của tòa nhà. Vị trí cất giấu xác của Annie Le chính là một bằng cớ quan trọng chứng minh rằng hung thủ phải là người rất am tường địa hình phòng thí nghiệm này vì đây là khe hở chập hẹp nằm phía sau vách tường lớn trong phòng. Tầng hầm này là phòng chứa các động vật gặm nhấm, đa số là chuột dùng cho các cuộc nghiên cứu thí nghiệm, do một nam nhân viên có nhiệm vụ trông giữ là Raymond Clark. Vì vậy, anh trở thành đối tượng bị tình nghi đầu tiên và trải qua một cuộc tra hỏi của cảnh sát vào ngày 14/9 sau đó. Kết quả cho thấy Raymond Clark đã có vấn đề khi máy phát hiện nói dối báo cho các nhân viên điều tra những tín hiệu đáng nghi ngờ. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn còn phải thu thập thêm những chứng cớ xác thực hơn nên Raymon Clark vẫn chưa bị bắt giữ.
Chỉ bốn ngày sau khi tìm được di thể của Annie Le, cảnh sát đi đến kết luận về nguyên nhân tử vong của cô là bị nghẹt thở do bị vật cứng đè lên cổ. Tiếp đến, từ những hạt chuỗi của vòng đeo cổ và những giọt máu nhỏ của Annie Le phát hiện tại hiện trường trong phòng thí nghiệm, các nhân viên điều tra cũng đi đến suy luận rằng trước khi bị sát hại cô đã kháng cự mãnh liệt với hung thủ. Trong khi đó, trên cánh tay và lưng của Raymond Clark lại có nhiều vết trầy xước, bầm tím mà anh khai là mình đã bị mèo quào và bị thương trong lúc chơi dã cầu (baseball).
Cuối cùng, Raymond Clark bị bắt vào lúc 8 giờ sáng sau khi có kết quả chứng thực mẫu DNA của anh phù hợp với những vết tích để lại tại hiện trường mặc dù anh đã cố tình quét dọn rất kỹ lưỡng sau khi giết chết Annie Le và nhét xác cô vào khe hẹp của bức tường. Ngoài ra, dữ kiện của máy điện toán cũng ghi lại chứng cớ trong ngày Annie Le đột nhiên mất tích, chứng thực Raymond Clark đã nhiều lần dùng thẻ cá nhân để ra vào tòa nhà phòng thí nghiệm và đi đến những căn phòng khác mà trên nguyên tắc, với phận sự của anh thì anh không được vào. Hơn nữa, cảnh sát còn suy đoán rằng anh đã dùng bộ quần áo cũ để lau chùi vết máu rồi cất trên trần nhà của một căn phòng khác. Đó chính là lý do mà Raymond Clark cố tình đi đến những căn phòng “không phận sự miễn vào” để tìm nơi cất giấu vật chứng.


Thế nhưng, từ sau khi bị bắt cho đến nay Raymond Clark hoàn toàn không mở miệng khai nửa lời với cảnh sát, thậm chí anh còn giữ thái độ im lặng trong suốt hai phiên tòa vào tháng 10/2009 và phiên xử đầu tiên trong năm nay vào trung tuần tháng Giêng vừa qua.
Theo lời phát ngôn viên cảnh sát thành phố New Heaven là ông Joe Avery cho biết vụ án này không phải do hành động ngẫu nhiên gây ra mà là một vụ sát nhân có chủ ý. Nhưng sau quá trình giữ im lặng “tuyệt đối” của bị cáo Raymond Clark thì giới chức trách Hoa Kỳ cũng không thể nào hiểu được động cơ giết người của anh, dù theo cách suy đoán khách quan lẫn chủ quan, giữa anh và Annie Le chưa từng có xung đột hoặc hiềm thù sâu đậm đến nỗi phải ra tay sát hại cô ta. Mặt khác, cảnh sát trưởng James Lewis nói rằng: “Vụ án này không phải là một hình thức tội phạm trong môi trường học đường. Theo tôi, có lẽ nên gọi đây là hậu quả của một sự kiện sử dụng bạo lực tại nơi làm việc thì chính xác hơn”. Hơn nữa, ông James Lewis cũng phủ nhận các tin đồn cho rằng giữa Annie Le và hung thủ có quan hệ tình cảm nên hung thủ tức giận sau khi hay tin cô sắp làm đám cưới và ra tay giết chết cô.
Annie Le là một cô gái Việt Nam theo gia đình chuyển cư đến Hoa Kỳ tại tiểu bang California từ khi còn bé và cha mẹ cô rất thành công khi trở thành chủ nhân của nhiều tiệm nail tại đây. Với thành tích là một học sinh ưu tú, Annie Le luôn có ước vọng sẽ được vào làm việc tại “Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ” vì cô từng nhận học bổng của cơ quan này hai lần. Sau khi tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ tại trường đại học Rochester ở New York, cô tiếp tục theo học bậc tiến sĩ tại đại học Yale với dự định ra trường vào năm 2013. Theo lời mô tả của đa số bạn học thì tuy Annie Le lớn lên từ vùng hẻo lánh Placerville, tiểu bang California nhưng cô rất hoạt bát, vui tính, tốt bụng và có chỉ số IQ rất cao. Jennifer Simpson, một nữ bạn học rất thân với Annie Le còn cho biết: “Cô ta luôn hòa đồng với mọi người và tỏ ra rất yêu đời. Vì vậy, thật khó để tưởng tượng rằng có người nào đó lại muốn hãm hại cô ta. Tôi có thể xác nhận rằng Annie Le chưa hề gây xích mích với ai cả”. Mặt khác, một nhân viên kế toán của trường đại học Yale tên Apuzzo nhận xét về Annie Le: “Ở đây ai cũng biết Annie Le là cô gái dễ mến cao 1.50m với mái tóc đen dài. Cô ta có cuộc sống rất đơn giản và hầu như được mọi người yêu mến”.
Annie Le quen biết hôn phu Jonathan Widawsky khi anh còn là sinh viên của trường đại học Columbia và cặp nhân tình dự định tổ chức lễ cưới vào ngày chủ nhật 13/9/2009 tại Syosset, New York, một địa điểm nằm tại bờ biển phía Bắc vùng Long Island.
Đối lại, Raymond Clark xuất thân trong một gia đình bình thường. Trong thời kỳ học sinh, anh từng bị người bạn gái là Ronald Washington tố cáo về tội quấy nhiễu và cưỡng ép quan hệ tình dục cho dù đôi bên đang có tình cảm với nhau khi họ cùng học tại trường trung học Branford vào năm 2003. Trong thời điểm xảy ra vụ án Annie Le, Raymond Clark đang sống chung với bạn gái là Jennifer Hromadka và họ dự định sẽ tiến đến hôn nhân trong tháng 12/2011. Chính vì lẽ này, cảnh sát đã phản bác những tin đồn vô căn cứ về quan hệ tình cảm giữa hung thủ Raymond Clark và nạn nhân Annie Le.
Sau khi Raymond Clark bị bắt với điều kiện nếu đóng số tiền 3 triệu mỹ kim sẽ được tại ngoại hầu tòa, nhà chức trách New Heaven đã điều tra cặn kẽ từng chi tiết tại nơi làm việc của anh để tìm hiểu động cơ gây án và đi đến nhiều suy đoán về sự va chạm trong công việc giữa anh và Annie Le. Bởi vì, tuy làm việc chung tại phòng thí nghiệm trường đại học Yale nhưng nội dung công việc của đôi bên có nhiều khác biệt khi Raymond Clark phụ trách lau dọn các lồng chuột, sàn nhà, các dụng cụ, còn Annie Le tiến hành những cuộc thử nghiệm trên chuột. Qua đó, có thể Raymond Clark đã mang tư tưởng kỳ thị dẫn đến tâm lý ganh tỵ và trong lúc Annie Le tình cờ làm điều gì đó khiến anh phật ý nên nảy sinh lòng thù hận và ra tay sát hại cô một cách tàn nhẫn.
Theo nguồn tin từ các đài ABC và AP, trước khi Annie Le mất tích khoảng vài tiếng đồng hồ, Raymond Clark đã gửi tin nhắn cho cô yêu cầu gặp nhau để nói chuyện về việc làm vệ sinh các lồng chuột. Đồng thời, sau khi được nhận vào làm việc tại phòng thí nghiệm của đại học Yale từ tháng 12/2004, anh cũng thường gây gổ với những người đến đây nghiên cứu và tự xem phòng thí nghiệm là “giang sơn bất khả xâm phạm” của riêng mình.
Từ những chi tiết này, giới chuyên gia tâm lý của Hoa Kỳ cũng tỏ vẻ hoài nghi Raymond Clark là người bị chứng “Relative Deprivation”, tức mang mặc cảm hèn kém trước một đối phương nào đó. Xét về thái độ im lặng không lên tiếng biện hộ hoặc trình bày về việc bị bắt giữ tuy đồng nghĩa với việc Raymond Clark phủ nhận lời cáo buộc cho rằng anh là hung thủ nhưng cũng chỉ là hành vi tiêu cực và ngược lại còn khiến cho tòa án càng thêm nghi ngờ vì anh xấu hổ nên cố tình che giấu sự thật. Hơn nữa, trong khi giữa anh và Annie Le vốn không hề có ân oán riêng tư và cũng không có quan hệ tình cảm thì cũng không có lý do nào khiến anh phải nhẫn tâm sát hại cô ta một cách dứt khoát qua hình thức dùng đồ vật cứng chận cổ.
Theo phân tích của giáo sư Levin thuộc trường đại học Northern State University thì hình thức bóp cổ hoặc chận cổ cho nạn nhân nghẹt thở thường xuất phát từ tâm trạng rối loạn của chứng “Relative Deprivation”. Riêng trường hợp của Raymond Clark được ông Levin nhận định là có thể anh bị nỗi ám ảnh về khoảng cách biệt quá xa trong tương lai khi so sánh bản thân và Annie. Trong khi Annie Le chỉ là một cô gái Việt Nam, tức người da màu, lại đạt đến địa vị một nhà khoa học nghiên cứu, có trình độ học vấn cao, được mọi người kính nể và nhất là có một tương lai rực rỡ trước mắt. Ngược lại, Raymond Clark dù là người bản xứ nhưng chỉ là một người làm những công việc vệ sinh dọn dẹp, bị coi là thấp hèn với con đường tương lai mù mịt.
Cũng theo nhận xét của ông Levin thì có thể Raymond Clark đã mang những tư tưởng so sánh này từ lâu và thường tự dày vò mình trong nỗi trầm uất đầy mặc cảm thua kém trước Annie Le với suy nghĩ đại khái như: “Tại sao cùng một lứa tuổi, nhưng cô ta đang thực hiện những cuộc khảo cứu y học vô cùng quan trọng và có thể sau này sẽ nổi tiếng khắp thế giới, còn mình thì suốt đời lau chùi tại căn phòng thí nghiệm u tối trong niềm tuyệt vọng”. Từ đó, có thể Annie Le vô tình biểu lộ cử chỉ hoặc hành động nào đó khiến cho Raymond Clark có cơ hội bộc phát tâm trạng rối loạn và không kiểm soát được bản thân đưa đến hành động giết người trong chớp nhoáng.
Ngoài ra, theo giáo sư Levin thì còn có một tâm lý khác thường xuất hiện chung với chứng “mặc cảm hèn kém” gọi là “Controlling Behavior”, tức thái độ muốn kiểm soát theo ý mình. Những người có tâm lý muốn “kiểm soát” người khác lại dễ nổi cáu và thích sử dụng bạo lực để đạt mục đích và muốn che lấp sự hèn yếu nào đó của mình trước đối phương. Các “triệu chứng” tâm lý này đều phù hợp với suy luận về động cơ giết người của Raymond Clark khi anh tự nghĩ rằng phòng thí nghiệm là “vùng đất” riêng của mình và không muốn bất cứ ai thay đồi nề nếp sinh hoạt do anh sắp xếp. Vì vậy có thể Annie Le đã không làm theo cách xếp đặt của anh trong một việc nào đó tại phòng thí nghiệm nên gây ra thảm kịch sát hại và cất giấu xác của cô trong vách tường.
Tóm lại, dù sao những dự đoán của các nhà chuyên gia và suy luận của cảnh sát về động cơ giết người của Raymond Clark cũng chỉ là giả thuyết. Trừ khi đích thân Raymond Clark thổ lộ trước tòa, nếu không vụ án “phòng thí nghiệm đại học Yale” sẽ vĩnh viễn nằm trong vòng bí mật và trong tương lai luôn có những tội ác đang chờ đợi cơ hội bộc phát từ những người mang “mặc cảm hèm kém” như anh. Đó là mới điều đáng sợ hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.