Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

17/01/201000:00:00(Xem: 4358)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Hơi điếng người, nhưng tôi vờ như chuyện đó, không có liên quan. Tôi cầm chén uống nước, rồi cũng nhìn ra phía sông, như nói với mình:
- Ồ! Chuyện ấy, bây giờ cũng bình thường thôi! Hôm qua họp rồi uống say qúa, sáng nay một đồng chí chở tôi trên chiếc Mobylette, chết máy còn đang nằm với xe ngoài lộ. Chân đau tôi bỏ cả dép lại, khát nước và buồn ngủ qúa, tôi mò vào đây. Đồng chí có biết sửa xe máy dầu không"
Anh ta quay lại nhìn tôi cười nửa miệng:
- Chắc anh hai đói, và buồn ngủ lắm"
Không gọi tôi là đồng chí, cũng không trả lời câu tôi hỏi, tôi vờ uể oải dựa vào vách, mắt lim dim nói rời rạc:
- Hôm qua.... say.... nôn hết.... vừa đói... vừa buồn ngủ!
Anh ta đẩy cửa buồng, không quên cầm khẩu CKC đi vào, nói vọng ra:
- Còn chút bánh canh, tôi mần nóng cho anh hai!
Tôi nói như ngái ngủ:
 - Ờ....ờ.., xin cảm ơn...đồng chí!
Nói rồi tôi ngả ngay xuống giường nhắm mắt, chừng bẩy, tám phút. Nghe tiếng cánh cửa buồng mở, tôi vẫn nằm yên, mũi thoáng có mùi rượu, rồi đập tay vào chân tôi, anh ta giục:
- Dậy! Anh hai.... ăn cho nóng!
Tôi mệt nhọc chống tay bò dậy, có một chén rượu trắng và một tô bánh canh đang khói nghi ngút trên chiếc bàn con, anh ta đã mặc quần áo chỉnh tề và đeo súng vào vai. Tôi như sáng mắt ra, nhìn tô bánh canh đang nóng, tôi cười với anh ta, rồi cầm chén rượu như đưa lên miệng định uống. Thực ra, để ngửi mùi rượu, nhà quê, bất chợt làm gì ra thuốc mê" Nhưng tôi tỏ ý như chợt nhớ ra, để chén rượu ra mé bàn và cầm đũa:
- Hôm qua tại rượu, nôn hết, hôm nay không uống nữa!
Tôi ăn vồ vập, anh ta ngồi nhìn tôi ăn, rồi lại nhìn ra ngoài, về phía trái. Để cho bầu không khí bớt căng, nặng, tôi hỏi như quan tâm:
- Vụ bắp vừa qua, xã nhà thu hoạch, có năng suất không"
Anh ta thủng thẳng:
- Cũng được thôi!
- Miền Nam ta vẫn nổi tiếng cả nước, về thiên nhiên tôm cá. Trữ lượng thủy sản của con ngòi này, tôi vẫn nghe là cao nhất vùng này"
Anh ngồi nhìn tôi vừa ăn vừa hỏi, cái nhìn hơi nhiu nhíu con mắt của anh, như muốn nói với tôi: "Hãy lo thân anh bây giờ đi! Đừng hỏi vớ vẩn nữa!"
Nhưng anh ta vẫn tỏ ra như người hiếu khách:
- Con ghềnh Hào này, cũng như các con ghềnh khác vùng này thôi! Cuối nguồn phía Hộ Phòng, cao hơn phiá trên này.
Để phòng hờ lạc hướng, tôi hất hàm ra sông:
- Thế bên kia là xã gì"
Tôi mừng, nắm được biết đây là ghềnh Hào, còn Hộ Phòng ở phía dưới là phía nào" Nhưng chưa tiện hỏi. Ăn xong, bát bánh canh nóng, thật là ngon, sau này dù cả ở Mỹ cũng không có bát bánh canh nào ngon bằng (vì trong người đã có đủ chất). Tôi chậm chạp đưa bát đũa ngâm vào chậu nước có bát đĩa ở mé hè, rồi lặc lè lê bước đến mé vách cầm ấm nước, trở lại bàn rót nước uống. Tôi biết anh chẳng bỏ sót một cử chỉ nào của tôi, nhưng tôi vờ như không biết. Tôi cứ lẩm bẩm trong miệng: Ngon qúa! Tuyệt qúa! Xin cảm ơn.... đồng chí!
Rồi tôi nằm vật ra tiếp tục ngủ. Chừng dăm phút, anh ta đứng dậy nhìn tôi mê mệt gáy gỗ. Anh ta đến khóa cửa buồng, rồi đẩy cửa liếp ra ngoài. Ra ngoài chừng hai ba phút, anh ta lại trở lại, đứng bên ngoài nhìn qua cửa bếp vào chỗ tôi nằm, năm mười giây rồi mới vội vàng ra đi về phía trái.
Tôi bò dậy ngay, nhìn theo, phải chừng 7- 800 mét có một căn nhà con như cái điếm canh, lúc sáng tôi đã đi qua. Khi anh ta đi chừng 500 mét, tôi đẩy cửa liếp đi ra ngoài quan sát. Con sông nước đang lên to, nên có chỗ rộng bẩy, tám chục mét. Nước lên là từ ngoài biển vào, vậy phía dưới Hộ Phòng là phía phải, ngược với chỗ điếm canh. Tôi ra hẳn ngoài nhìn cho kỹ! Chung quanh tất cả trống trơn, sát phía phải bờ sông, có một cái am con, chỉ cao đến cổ người đứng, mỗi bề chừng khoảng tám, chín mươi phân. Từ trên bờ xuống mép nước dốc ngược đến 45 độ, bờ sông toàn sỏi, đá cuội và cát.
Phía trong, có những ruộng bắp (đã thu hoạch), trong nữa là rừng non, từ căn nhà tôi đang đứng vào đến chỗ rừng non cũng hơn 100 mét. Thoáng bóng tên đó từ điếm canh đeo súng đi ra, bóng hai tên nữa ra bắt tay rồi lại vào, tên đeo súng dáng vội vàng trở về căn nhà có tôi.
Tôi suy nghĩ: Từ sau vụ 1978 người Hoa ra đi bán chính thức (nộp vàng, kim cương, tiền). Miền lục tỉnh, CA hiểu những người vượt biên, thường có vàng hay kim cương hoặc dollars. Trước đây chúng bắt được vượt biên, năm, mười tháng hay một năm, tùy theo đút lót chúng sẽ tha. Bây giờ 1979- 80- 81, CA hay du kích tính ăn "mảnh".
Nếu trường hợp nào đó, chúng vớ được vượt biên, bắt giong về đồn, vừa mất công lại chả được cái gì, nên chúng thường cho đi "mò tôm", sông rạch miền Nam thiếu gì" Khi đó người vượt biên nộp vàng, nộp tiền chúng cũng giết. Nộp vàng xong, chúng vẫn giết, để khám của giấu đút trong người, và khỏi tố chúng sau này. Không có của đưa cho chúng, cũng bị thủ tiêu để chúng khám trong người (người vượt biên hay giấu của kỹ lắm). Chúng vừa khỏi mất công giong về đồn, chỉ cấp trên hưởng, chứ chúng có chăng chỉ một tờ giấy khen, giải quyết gì"
Tên đeo súng đã về gần tới nơi, tôi nhìn khắp không có chỗ nào ẩn nấp, dù bơi sang bên kia cũng không kịp. Tôi chạy ngay ra chỗ chiếc am, nơi mé sông: Nhìn vào chiếc am con, có cái bệ ở giữa, để mỗi bát nhang. Nhang cắm năm, bẩy cái, nhưng đều đã từ lâu, hương tàn khói lạnh. Một người không thể chui vừa, vào trong am.
Trời nắng chang chang, khoảng 1- 2 giờ trưa. Tên đeo súng, đẩy cửa liếp vào nhà, chừng 30 giây, chắc nó tưởng tôi chui rúc trong nhà nên xục xạo. Y xô, dập mạnh cánh cửa liếp chạy ra ngoài, ngơ ngác nhìn khắp chung quanh. Y đoán với thời gian, tôi không thể bơi sang sông, dù vậy y cũng chạy ra nhìn dọc theo giòng nước mênh mông, đang chảy cuồn cuộn. Chỉ có một cái am con độc nhất ở mé sông, y cũng chạy ra nhìn, rồi thò cổ ngó phía sau am, cũng không có. Y lại chạy ra phía bên kia nhìn cả ra sau chiếc am, cũng không người.
Chẳng lẽ một người có thể biến" Cho nên y chắc, chỉ còn một cách duy nhất, là đã chạy vào trong rừng! Vì đinh ninh như thế, y chạy vội về điếm canh, thổi còi để báo anh em (trước đây định ăn riêng, ăn mảnh). Y cũng qủy quái, cứ chạy được một tí, y lại quay người lại. Nhưng nếu y biết được rằng, một người muốn quay đầu lại thì cái lưng, cái vai đã báo trước rồi. Vì thế y quay lại nhiều lần không thấy gì, cũng như khi nãy rõ ràng y đã nhìn bên này cái am, lại chạy ra nhìn phiá kia cái am, mà cũng không thấy ai.


Ai đã từng khi bé chơi "ú tim " trốn tìm mà phải nhanh như máy thì đều hiểu. Cái chính là bất ngờ, và chủ quan coi thường đối tượng, chứ nếu y cứ chạy hết cả chung quanh cái am, thì tôi sẽ lòi mặt chuột ra thôi. Lúc ấy tôi phải có "vỏ bọc" tại sao ra đấy làm gì" Thừa sức để trả lời: như cầu khấn, lễ bái hay tìm chỗ giải quyết đại tiện, sau khi ăn v.v… Tóm lại thời gian y về gọi mấy tên du kích, thì tôi đã lẻn vào rừng non, dù y có biết cũng không đuổi kịp. Y nhanh, tôi cũng nhanh, mà tôi lại chạy trước y hàng chục phút.
Trước khi mấy tên đuổi vào rừng, cũng ra vẻ áp đảo tinh thần người chạy trốn, chúng bắn hai phát CKC vào rừng. Nhưng như tôi đã nói ở trên, tôi đã có một chút kinh nghiệm lặn lội ngoài Bắc với những bậc thầy của chúng rồi, nên làm sao chúng tìm được" Có chăng, là sự may rủi trong cuộc đời này, mà thôi!
Ngoài Bắc là phòng phản gián, những người đã được đào tạo có nghiệp vụ, những đồng chí du kích thì làm gì đã có nghiệp vụ" Chỉ là cái tinh khôn của tự nhiên mỗi người. Qua suy đoán, tên du kích đã đọc "Thép Đã Tôi Thế Đấy" và vài hiện tượng, chắc y cũng là một cấp chỉ huy của du kích! Y cũng không phải là không quái, khi nãy tôi đã cố ý đánh lạc hướng hỏi thăm cái xã bên kia sông. Vậy mà y cứ chú ý vào khu rừng non, nhưng ít ra y cũng đánh giá tôi chậm chạp, hơi lù đù v.v…
Phải nói tôi cũng rất vất vả chạy bán sống bán chết, ở trong rừng có nhiều chà - nà, chân tôi bị gai đâm mấy lần. Những cái nào rút ra được thì thôi, cái gai nào gẫy bên trong thì đành để vậy. Tôi hiểu cái kiếp sống của con người, chỉ cần sai chuyển một chút, thì cuộc đời đã hoàn toàn khác hẳn trong tương lai. Chỉ một vài giây thế này, thế kia đã thay đổi hẳn cả cuộc đời.
Đêm khuya hôm ấy tôi đã về đến Hộ Phòng, là một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Minh Hải, mỗi ngày chỉ có một chuyến ca nô chạy khách về thị xã Bạc Liêu do nước triều. Về tới Hộ Phòng vừa mệt vừa đói, tôi vào một hàng cơm, chân vẫn đau đi lặc lè vì gai (bây giờ lặc lè thật). Gọi một đĩa cơm thịt bò, ăn một tí đã sạch đĩa.
Tôi gọi một đĩa nữa, cô bé chừng 14 - 15 tuổi cứ nhìn tôi mãi, tôi ngạc nhiên với cái nhìn của cô, nhưng khi cô ta vào trong gặp bà má ở dưới bếp, thì tôi đã hiểu. Con người của tôi lúc đó vừa xanh xao, lôi thôi, lếch thếch, quần ngắn không giầy dép, mà lại ăn khác thường. Cô bé sợ là dân đói rách, ăn mày, ăn xin không có tiền trả, gọi đĩa cơm đầu cô ta đã ngần ngại rồi. Tôi ăn như máy, lại gọi nữa thì làm sao cô ta không nghi ngờ" Tôi hiểu vậy, nên tôi lặc lè tiến xuống bếp gặp luôn bà má. Tôi nhã nhặn:
- Thưa chị Hai, tôi bị lỡ độ đường! Tôi bị lừa, hiện nay giá vàng bao nhiêu" Tôi có cái nhẫn hai chỉ"
Chị đó chừng 45 tuổi, ngẩng lên nhìn tôi chắc để thẩm định. Mắt của chị như được tráng lên một cái mầu xanh nâu, cái mầu của tha nhân, hòa hợp nghĩa tình, chị nói như chia xẻ:
- Bây giờ họ lừa lọc nhiều lắm! Những tháng trước nhiều người mất hết cả tiền, lang thang ngoài bến bãi! Vàng hôm nay 400 một lượng.
Chị vừa nói vừa cầm chiếc nhẫn tôi đưa, vừa hất hàm cho cô con gái làm đĩa cơm tiếp. Tôi hỏi chị ngay, thích ứng kịp thời:
- Một đĩa cơm mấy đồng hả chị Hai"
Chị đã nói liền là "hai đồng".
Như thế, tôi chả phải rụt rè với cái bụng nữa. Khi cô bé đưa đĩa cơm đến, tôi nhìn cô, mắt tôi hơi nhay nháy như muốn nói với cô bé:
- Đừng thấy bộ quần áo đẹp mà ham!
Chẳng hiểu cô có hiểu ý tôi không, cô lại đỏ mặt lên ngượng nghịu" Để thưởng công đã thoát được một "ca" may mắn! Tôi quay lại vẫy cô bé, nói nho nhỏ:
- Cho tôi một ly nước chanh đá!
Trước khi đi, cô bé còn quay lại nhìn tôi vài giây, như muốn bảo: "Lại còn dám gọi cả nước chanh nữa!"
Tôi chỉ mỉm cười, rồi gật gật. Khi chị Hai ra tính tiền, để tôi rời quán, chị đưa cho tôi 75 đồng. Tôi ngạc nhiên:
- Sao chị lại đưa nhiều thế"
Chị cười nói:
- Tôi trả cậu như ngoài tiệm, mà không phải trả tiền công nhẫn.
Chị đã đeo chiếc nhẫn vừa vào ngón giữa. Ngoài ra, tôi còn hỏi chị được nhiều điều, về những chặng đường, từ Hộ Phòng về Sài Gòn.
Đến Bạc Liêu, phải đi xe lôi đến bến xe đi Cần Thơ, rồi về Bắc Mỹ Thuận. Trên đường đi cũng nhiều cảnh, nhiều người và cũng nhiều tình huống, nhưng xin qúy độc giả cho qua.
Tới Bắc Mỹ Thuận trời đã bốn năm giờ chiều, trước đây chỉ nhìn thấy trên bản đồ, bây giờ giòng sông Cửu, đã ở ngay trước mặt tôi. Tôi có ngờ đâu, nó lại rộng như thế, tôi cứ hình dung tưởng cũng như con sông Đáy, của giòng sông Hồng Hà ngoài Bắc, mà tôi đã quen thuộc.
Đúng là trên bến dưới phà, thật là tấp nập, người thì đông. Nhìn những anh chàng mặc đồng phục xanh, các cậu khoác trên cánh tay chiếc băng đỏ, chạy lăng xăng miệng nhai nhồm nhoàm, khách ngược xuôi trên xe dưới đường, hầu hết đều đăm chiêu, tư lự. Những cảnh bán mua, những tấm mía hoặc trái cây, cá biệt có con gà, con vịt thì lấm lét chụp giựt, nói lên những cảnh sống lam lũ, chạy vạy tơi tả ngược xuôi của miền trù phú nổi tiếng. Một cái vựa lúa khổng lồ của Đông Nam Châu Á. Trước đây, khi VC chưa cướp trắng trợn được miền Nam, thì làm gì có cảnh khốn khổ như thế này.
Có chăng chỉ có trời thì vẫn chẳng hề đổi thay. Đứng từ chiếc phà giữa giòng nước đục ngầu, mang những mầu mỡ từ Tây Tạng, Trung Quốc, Lào và chút ít của Cao Miên, về vun đắp cho miền đồng bằng này thêm phì nhiêu. Đã từ lâu tôi vẫn có ấn tượng trời là một chiếc vung khổng lồ, mầu xanh lam úp xuống trái đất này. Vì vậy, có lần nhìn những đám mây trắng, nõn đó đây một vài tồ, tôi đã tưởng, nếu tôi ở gần tôi sẽ nhặt nốt mấy búi bông con con đó, cho cái mầu xanh "ái ân" ấy, nó đã đầy, và cho thiên hạ cũng đã đầy, mà mình có mất cái quái gì đâu.
Hơi đặc biệt hôm nay, nắng chiều đã xiên khoai, đứng trên tầng phà cao, trời lặng gió. Nhìn những làn sóng lăn tăn, từ mãi phía bờ tây xa tắp. Nước nhấp nháy, lóng lánh do ánh chiều, tưởng như những chiếc vảy bạc, của cổ một con rồng khổng lồ, có chín cái đầu.
Tôi cứ mẩn mê quê hương với rồng tiên, phà đã sang bờ lúc nào. Chân đã bước lên bờ, mà đầu tôi còn ngoảnh lại, tiếc nuối nhìn một cái cảnh mà rồi đây, tôi không còn thể nhìn thấy nữa. Một câu hát lê thê, nỉ non rúc vào tai tôi, làm cho tôi đờ cả người ra: Nếu con không về... chắc mẹ.... buồn lắm....! Một tiếng hát khác nữa, ở trong đáy tâm tưởng của tôi, tự bật lại: Nhưng nếu con.... về... chắc mẹ.... còn buồn hơn....!
Tôi chen lấn đám đông, dõi theo tiếng hát lúc này đã khè khè, như chiếc bễ lò rèn hết hơi. Kia rồi! Tôi không tin ở con mắt của tôi! Một anh mặc chiếc áo "treillis" đã cũ rách, đội chiếc mũ nồi mầu đỏ, đã trở thành nâu sậm, cả đôi chân của anh bị cụt sát háng. Anh nằm sấp trên một miếng gỗ, phía dưới lồi ra mấy cục. Hai tay của anh có hai miếng da trâu khô, anh di chuyển bằng hai cánh tay đó.
Anh chừng 42, 43 tuổi, khuôn mặt khắc khổ, cái môi dưới của anh bị mất một miếng, thành ra tiếng hát của anh tưởng rằng hết hơi. Anh chẳng xin ai, mọi người qua lại như không nhìn thấy anh. Thỉnh thoảng anh ngừng di chuyển, rồi cái giọng bi ai hổn hển lại cất lên được mấy câu: Anh ra... đi..... trong một chiều... sương... âm …u...!
Tôi cứ theo anh, nhìn anh xoay xở, tâm tư của tôi cởi ra, rồi lại buộc vào, với những tiếng thở dài không nín được. Tôi nhìn xuống đôi chân đất khập khiễng, vì đau và chiếc quần đùi mầu nâu non, đã phai và bẩn thành mầu bí ngô chín nửa chừng của tôi. Tôi thò tay vào túi cố lựa móc lấy hai đồng, vo nhỏ, tôi lê chân tiến gần đến anh. Tôi định bỏ tiền vào nửa cái gáo dừa vỡ đã có mấy "cắc" lẻ, rồi đi luôn, nhưng vì tôi đã nhìn thấy chiếc xe đò của tôi, đậu ngay ở trước quán cơm. Anh lại ngửng lên nhìn tôi, đôi con ngươi của anh, nắng nhạt buổi chiều làm xám lại như mầu hạt dẻ, cái mầu của nhiều đêm ngày vặn vò cắn xé trái tim anh. Tôi hỏi vội một câu, không cần lắm câu trả lời:
 - Chân anh bị cụt lâu chưa"
 - Em ở tiểu đoàn I dù, bị thương ở cổ thành Quảng Trị 72.
Choáng người, tôi lại hỏi vội một câu nữa:
- Có biết Đỗ Văn Tân không"
- Ở khóa 10 Thủ Đức, em ở khóa 26.
Anh lơ xe đã vời gọi khách, xe chuyển bánh, tôi rút ở túi quần còn 54 đồng rưỡi. Tôi không có gan đưa hết cho anh, tôi chia đôi, tôi lấy 27 đồng, đút cả vào chiếc gáo vỡ, bắt lẹ được tay anh! Tôi nói được một câu cuối:
- Cố gắng chịu đựng!
Tôi vội lên xe đò dù nhiều lúc phải nghiến răng vì cái chân bị nhói buốt!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.