Hôm nay,  

Csvn Tổng Bố Ráp Nhiều Trí Thức Sg

09/11/200900:00:00(Xem: 8106)

CSVN Tổng Bố Ráp Nhiều Trí Thức SG Vì Viết 95 Bài Cho 35 Số Báo ‘Viễn Tượng VN’ của GS Đoàn Viết Hoạt Để Đòi Dân Chủ...

Một tạp chí dân chủ phát hành chui tại Việt Nam vừa bị bố ráp, trong khi nhiều nhà trí thức liên hệ đã bị bắt, theo bản tin trên phụ bản An Ninh Thế Giới của báo Công An cho biết.
Bản tin báo An Ninh thế Giới số 907 phát hành ngày 8-11-2009 nhan đề “Từ "100 khuôn mặt văn nghệ sĩ" đến tờ báo phản động "Viễn tượng Việt Nam"...” cho biết rằng tạp chí Viễn Tượng Việt Nam của nhà hoạt động Đoàn Viết Hoạt từ hải ngoại đưa vaà đã được phát tán chui, và đã thu hút quan tâm của nhiều nhà trí thức qúôc nội.
Bản tin Công An mở đầu bằng hình ảnh buổi họp của một số nhà trí thức Sài Gòn hoòic uối năm 2008, viết:
“Sáu giờ chiều, ngày 3/12/2008... Quanh chiếc bàn kê ở một góc khuất trong quán ăn số 390 đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP HCM, có sáu, bảy người đàn ông ngồi cạnh nhau, tất cả đều đã trên 50 tuổi. Khác hẳn với những bàn gần đó, tiếng cười, tiếng nói, tiếng cụng ly vang lên chan chát thì ở bàn này, những câu trao đổi chỉ nằm trong một chừng mực vừa đủ nghe.”
Bản tin chỉ đích danh chủ xướng phong trào là 2 nhà hoạt động, trong nước là nhà báo Hồ Nam và hải ngoaị là Giaó sư Đoàn Viết Hoạt.
Bản tin báo công an viết rằng một người trong nhóm trí thức họp ở quán ăn ở Phú Nhuận nhà báo Hồ Nam:
“...Vâng! Người đàn ông trên 70 tuổi ấy chính là Hồ Nam, đồng tác giả của bộ sách gồm hai tập "100 khuôn mặt văn nghệ sĩ" mà Chuyên đề ANTG đã từng có bài đăng trên hai số báo ra ngày 1 và 4/4/2009...”
Báo công an kể rằng nhà báo Hồ Nam “sinh ngày 20/3/1935 tại Bắc Ninh, theo gia đình di cư vào Nam, học xong tú tài, kiếm sống bằng nghề viết báo với những bút danh Hồ Nam, Hồ Tây, Hồ Tây Sơn, Vương Tân... Năm 1968, Hồ Nam đi lính.... biệt phái sang làm phóng viên cho tờ nhật báo Đông Phương.... Từ tháng 6/1975 đến tháng 4/1976, Hồ Nam đi học tập cải tạo. Và chỉ 2 ngày sau khi được chính quyền quân quản cho về địa phương - ngày 8/4/1976 - Hồ Nam đã tham gia vào một tổ chức phản cách mạng do Đặng Hoàng Hà cầm đầu - được biết đến dưới cái tên "Vụ án Hồ con rùa"...”
Sau vụ án “Hồ con rùa,” nhà báo Hồ Nam ở tù một thời gian, rồi khi ra vẫn tìm cách viết  các bài đòi hỏi dân chủ, theo báo nhà nước. Bài báo viết:
“Được tha, Hồ Nam quay về nhà 121/3B đường Lê Thị Hồng Gấm, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, sống bằng nghề làm vườn, và vẫn thường xuyên giữ mối liên hệ với một số văn nghệ sĩ chế độ cũ còn ở lại, cũng như số văn nghệ sĩ đã chạy ra nước ngoài.”
Vì các bài viết này, báo nhà nước kể, rằng vaò năm 1983, “Hồ Nam viết nhiều tài liệu, nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gửi ra...” hải ngoại, và “năm 1984 Hồ Nam bị Công an Tiền Giang bắt, và phải tập trung cải tạo 3 năm. Chính trong giai đoạn này, Hồ Nam quen Đoàn Viết Hoạt là kẻ mà về sau, khi sang Mỹ, đã lập ra các tổ chức phản động chống phá Việt Nam.”
Bài báo sau đó viết về GS Đoàn Viết Hoạt, nói là sinh năm 1943 tại thị xã Hà Đông, theo gia đình di cư vào Nam năm 1954. Sau khi đỗ tú tài 2 năm 1961, Đoàn Viết Hoạt học Đại học Sư phạm Sài Gòn. Tốt nghiệp năm 1965, ông ta là thầy giáo tiếng Anh tại một số trường trung học như Chu Văn An (Sài Gòn), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho). Năm 1966, Đoàn Viết Hoạt qua Mỹ du học. Lúc trở về, ông ta giảng dạy tại Viện Đại học Vạn Hạnh, rồi trở thành phụ tá Viện trưởng.
Báo công an viết, “Đoàn Viết Hoạt tham gia vào một tổ chức phản động, và bị kết án 12 năm tù giam. Tháng 2/1988, được tha, Đoàn Viết Hoạt lại tiếp tục tham gia tổ chức "Diễn đàn tự do" do Hồ Văn Đồng ở Mỹ, cầm đầu. Tháng 11/1990, một lần nữa Đoàn Viết Hoạt  lên xe vào trại giam, rồi ra tòa, lĩnh án 15 năm...(...) Nhà nước Việt Nam đã đặc xá cho ông ta. Tháng 9/1998, Đoàn Viết Hoạt sang Mỹ theo diện đoàn tụ.”


Báo công an viết rằng, GS Đoàn Viết Hoạt ở hải ngoaị đã liên lạc với nhiều tổ chức và nhân vật -- trong đó có Văn Bút, Việt Tân...
Tới tháng 7-2004, tiếp xúc với Trần Ngọc Thành, kẻ cầm đầu "Ủy ban bảo vệ lao động Việt Nam" tại Ba Lan, GS Hoạt và “Trần Ngọc Thành thống nhất thành lập một tổ chức mới với tên gọi "Viễn tượng Việt Nam". Một trong những người đầu tiên mà Đoàn Viết Hoạt nhắm tới để phát triển tổ chức này ở trong nước, là Hồ Nam.”
Báo công an viết, “Thư đi tin lại, Hồ Nam nhận lời viết bài cho mục "Lá thư Việt Nam" trong tạp chí "Viễn tượng Việt Nam"...”
Từ đó, các số tạp chí  Viễn tượng Việt Nam mỗi khi hoàn tất là được nhà báo Hồ Nam photo ra để lưu hành tại Việt Nam.
Phong trào dân chủ do tạp chí này khởi động đã thu hút nhiều nhà trí thức quan tâm về dân chủ. Bài báo công an kể tên những người liên hệ tới tạp chí Viễn tượng Việt Nam sau này bị công an tra vấn, mà báo nhà nước gọi là “...nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương đường lối của Nhà nước Việt Nam, chẳng hạn  việc khai thác bauxite, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo như sau này họ đã tường trình với Cơ quan An ninh Việt Nam.”
Trong những người bị công an bố ráp, tra vấn, theo bài báo có:
- họa sĩ Phạm Ngọc Cung, nhà ở quận Phú Nhuận;
- Lê Quốc Lĩnh, cư trú ở quận Tân Phú, TPSG, nguyên là phóng viên báo Dân chủ, là tờ báo của đảng Dân chủ của TT Nguyễn Văn Thiệu;
- Lê Văn Thụ, ở Củ Chi, từng bị tù 20 năm vì tham gia tổ chức "Lực lượng quân sự thống hợp Liên bang Đông Dương";
- Cấn Đằng Phi, ở quận 3, nguyên là cán bộ Trung tâm Huấn luyện trung ương - Bộ Dân vận chiêu hồi;
- Trần Duy Cát, ở Phú Nhuận, bị tù 6 năm vì tuyên truyền văn hóa phản động;
- Nguyễn Trì (tức Nguyễn Hùng Thái), ở Củ Chi, đã từng bị bắt vì "tuyên truyền chống Nhà nước";
- hoặc Vũ Ngọc Đỉnh, cải tạo 5 năm vì âm mưu lật đổ chính quyền.
Đặc biệt, báo công an liệt kê ra một số bài báo bị xem là nguy hiểm cho chế độ như:
- Lê Văn Thụ đã viết "Em và tôi thế nào"";
- Cấn Đằng Phi, viết "Em đã xa rồi";
- Nguyễn Văn Tòng, viết "Nhạc Việt qua giai đoạn Bolero, "Làng ông bỏ hoang", "Cây đa bến Ngự nước xoáy hồi oa, "Sung sướng chưa hẳn là hạnh phúc".
- Lê Quang Lĩnh, viết "Bà Xuân Nương trong chế độ Hai Bà Trưng”, "Cuộc khởi nghĩa miền Việt Đông của Từ Hải".
Báo An Ninh Thế Giới kể thêm về cách thực hiện tạp chí này:
“Viết xong, Lê Văn Thụ, Cấn Đằng Phi, Lê Quốc Lĩnh, Nguyễn Văn Tòng... chuyển bản thảo cho Hồ Nam, Nguyễn Trì, Nguyễn Văn Nhật biên tập để rồi sau đó, Hồ Nam chuyển sang Mỹ cho Đoàn Viết Hoạt in ấn.
In xong, makét báo lại được Đoàn Viết Hoạt đưa lên trang web Viễn tượng Việt Nam. Ở Việt Nam, Hồ Nam chỉ việc vào trang web này, tải xuống photo thành nhiều bản...”
Bài báo nhà nứơc tổng kết:
“...Theo sự phân công của Hồ Nam, thì Nguyễn Trì, Nguyễn Văn Nhật, Phạm Ngọc Cung, Nguyễn Hoàng Quang, Vũ Ngọc Đỉnh có nhiệm vụ lập ra những blog trên mạng Internet để viết bài tuyên truyền, vu khống Nhà nước Việt Nam, viết bài cho tạp chí “Viễn tượng Việt Nam”, tuyển chọn người để đưa ra nước ngoài huấn luyện. Tổng cộng, 5 đối tượng vừa nêu đã viết 95 bài rồi đưa cho Hồ Nam biên tập để chuyển ra cho Đoàn Viết Hoạt, đăng trên 35 kỳ báo. "Năng suất lao động" cao nhất thuộc về Nguyễn Văn Nhật với 35 bài, kế đến là Nguyễn Hoàng Quang 20 bài, Phạm Ngọc Cung 11 bài, Vũ Ngọc Đỉnh 11 bài, nội dung xuyên tạc cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kêu gào xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi "tự do tôn giáo", vạch phương hướng cho "Phong trào dân chủ Việt Nam", tiến đến kích động quần chúng bạo loạn, cướp chính quyền...”
Báo An Ninh Thế Giới còn hăm dọa sẽ có bài viết tiếp kỳ 2 trong vài ngày tới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.