Hôm nay,  

Tiễn Đưa Giang Hữu Tuyên Trong Nước Mắt

23/11/200400:00:00(Xem: 4616)
(Bản tin của Ban Tổ chức)
Hoa Thịnh Đốn.- Trên dưới 300 người thuộc mọi thành phần đã quây quần bên nhau hôm 20-4-2004 ở Nhà quàn National Memorail Home, Falls Church, Virginia để tiễn đưa Nhà báo, Nhà thơ Giang Hữu Tuyên sang bên kia thế giới.

Anh qua đời ở tuổi 55, nhưng cuộc sống thân thiện gắn bó với mọi người của anh trong quân ngũ trước 1975 cũng như với đồng nghiệp và đồng hương trong vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn từ 1975 cho đến ngày anh qua đời hôm 14-4, đã đem đến cho anh nhiều bạn qúy. Họ đến từ nhiều nơi trên đất Mỹ và Gia Nã Đại. Có những người bạn học từ thuở hàn vi ở Quận Giá Rai tỉnh Bạc Liêu cho đến những cựu Sỹ quan Hải quân đồng khoá 21 năm 1969 và những cựu sinh viên và thanh niên ngày cũ từng được anh giúp đỡ in ấn báo chí và tài liệu cho sinh hoạt đoàn thể.

Rất nhiều người trong Cộng đồng người Việt vùng Hoa Thịnh Đốn đã theo chân nhau đến viếng linh cữu anh trong suốt ba ngày. Một số đông người khác, trong đó đặc biệt có Cựu Thủ tướng VNCH, Đại tướng Trần Thiện Khiêm, người đang chịu Tang hiền thê ở phòng bên cũng đã sang với Tuyên trước phút hoả thiêu để đốt cho anh một nhánh hương. Rồi Cựu Bộ truởng Tài chính ông Châu Kim Nhân, Chủ tịch Cộng đồng Nguyễn Văn Tần và các Đồng nghiệp làm báo, Nhà Văn, Nhà Thơ cùng các Thương gia trong vùng đã đến dâng hương để cầu nguyện cho Tuyên được siêu thoát.

Người người như một, nước mắt lưng tròng, họ đã nghẹn ngào cúi đầu nhìn anh nằm bình yên trong lòng quan tài. Không ai mà không luyến tiếc anh, không ai mà không nhỏ lệ khi anh là người con duy nhất ra đi đã để lại nỗi sầu cô quạnh cho Mẹ già, Cụ Giang Thị Nữ năm nay đã ngoài 80 và Hiền thê chị Trương Ngọc Sương, hai cháu gái Giang Ngọc Phương Nam, Giang Hữu Phương Anh (Việt Nam) và cháu trai Giang Hữu Tuấn Anh. Ba của Tuyên đã mất vì bạo bệnh khi anh còn nhỏ.

Là Sỹ quan Trung úy Hải quân, Tuyên may mắn thoát khỏi Việt Nam trước giờ quân Cộng sản tiến vào Sài Gòn nên anh không kịp đưa Mẹ cùng người vợ trước (Đinh Thị Ngọc Lâm) và 2 người con: Giang Hữu Tuấn Anh và cháu gái Giang Hữu Phương Anh đi được. Mãi đến khoảng 20 năm sau, Mẹ và con trai anh mới đoàn tụ được với Tuyên. Cháu Phương Anh ở lại Việt Nam.

Từ khi Mẹ sang Mỹ, Tuyên đã hết lòng tận tụy chăm sóc để bà được an vui trong những ngày còn lại. Thế mà ai ngờ bây giờ “Lá Vàng thì còn ở trên cây mà Lá xanh đã rụng xuống” làm bà buồn khôn xiết, ngồi lặng thinh như một cây khô trước quan tài con mình !

Trước khi bất ngờ bị chứng đột qụy mạch mạch não chiều 4-1-2004, anh đã vui mừng nói với người bạn, Võ sư Vương Đình Thanh, ngồi cùng xe trên đường ra phi trường Reagan National Airport : “Đỡ quá anh Thanh, tôi lo cho má tôi xong rồi. Cái đầu gối đã mổ xong êm. Thiệt tình tôi là đứa phá phách làm má tôi buồn. Bây giờ nghĩ lại mới thấy thương bả, cố báo hiếu được chút nào hay chút ấy. Bữa nay tôi vui quá. Đứa con gái tôi (Giang Ngọc Phương Nam) đã được vào bán kết học sinh xuất sắc toàn quốc. Tờ USA Today có đăng tên nó. Thiệt mừng. Nó muốn học John Hopkin, tôi tiền đâu mà lo được. Nhưng giờ thì đỡ rồi vì thế nào nó cũng được học bổng học sinh xuất sắc.”

Không ngờ đây lại là niềm phấn khởi và hy vọng cuối cùng của một người sắp bỏ Mẹ, bỏ vợ và các con ra đi không bao giờ trở lại.

Hầu hết các Bạn Văn, Thơ, Báo chí và Bạn đấu tranh, Bạn học, Bạn lính cũng đã có mặt để nhìn anh lần cuối. Có những người ở xa chạy về vội vã như hai Nhà văn Hoàng Khởi Phong, Bùi Bảo Trúc bên Orange County (Quận Cam) hay mới thân quen như Hà Văn Sơn,Chủ nhiệm Tuần báo Chính Nghĩa ở Atlanta, Georgia.

Ở địa phương thì hầu như không thiếu người nào. Có người đã đến viếng xác anh từ hai ngày trước vẫn quay lại với anh trong bữa tiễn đưa. Những Nhà văn, Nhà báo, Nhà thơ kỳ cựu như Hoàng Hải Thủy, Uyên Thao, Vương Đức Lệ, Đào Trường Phúc, Ngô Đình Châu, GS Nguyễn Ngọc Bích cũng đã có mặt cùng với các Nhà văn (nữ) Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Nhà Thơ Vi Khuê v.v...

Đám tang Cựu Trung úy Hải quân, Nhà báo Giang Hữu Tuyên còn được bao bọc trong tình yêu thương và tình đồng đội của Tổ chức anh em cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hoà vùng Thủ đô. Họ đã chỉnh tề trong quân phục để thực hiện lễ nghi quân cách phủ lá Quốc kỳ Nền vàng Ba sọc đỏ lên quan tài anh từ đầu buổi lễ. Rồi tuần tự hai người một, họ thay phiên nhau túc trực dàn chào trước quan tài cho đến giờ hoả táng càng làm cho nghi lễ uy nghiêm long trọng hơn.

NHỮNG TIẾNG NÓI TỪ TRÁI TIM

Nhà báo Phạm Trần, một trong hai điều hợp viên của chương trình đã mở đầu phần truy điệu bằng sự so sánh kỳ diệu mà không ai có thể giải thích được giữa thời gian cách nay hơn 12 năm với ngày đưa xác anh. Hồi đó trời đã đổ mưa giữa lúc Tuyên đi phát báo làm cho những tờ báo trên tay anh bị ướt đẫm. Hoàn cảnh chua xót lúc bấy giờ đã dâng lên trong tâm hồn Nhà thơ Giang Hữu Tuyên và anh đã ghi lại tâm tư mình trong bài Thơ bất hủ “Trời Mưa Đi Phát Báo” :

”chiều ngã năm đường năm bảy ngã
ngã nào cũng ướt giọt mưa rơi
bao mùa mưa đã im giông bão
sao nước trường giang vẫn khứ hồi

mười mấy năm làm tên phát báo
lòng buồn theo thành quách xa xưa
những trang tin dội từ quá khứ
rớt ngập ngừng cùng những hạt mưa

mưa lót ngót đời loi ngoi mãi
sáng chưa đi chiều lại mưa về
mưa ngã năm từ năm bảy ngã
ngã nào cũng mưa và mưa thôi

xấp báo trên tay vừa ướt hết
vậy mà cứ đứng dưới mưa bay
hình như những mùa mưa thuở trước
đang về làm ướt trái tim ai "”

(Giang Hữu Tuyên)

Bây giờ Giang Hữu Tuyên không còn “Làm tên phát báo nữa” nhưng Trời vẫn ngậm ngùi đổ mưa trong chiều mọi người tiễn đưa anh.

Nhà báo Ngô Vương Toại, người bạn đã cùng Tuyên và anh Nguyễn Đình Hùng dựng lên tờ Hoa Thịnh Đốn Việt Báo năm 1982 đã nghẹn ngào trước quan tài bạn mình : “Tiểu sử của Giang Hữu Tuyên là lý lịch của một con người mà đời sống và nhân cách của anh đã khiến những người yêu thương anh tụ về đây hôm nay đễ tiễn biệt anh lần chót vớI sự tiếc thương vô vàn.”

“Giang Hữu Tuyên là một người sống có lý tưởng và dám dấn thân cho lý tưởng, họat động cho điều mình tin tưởng. Tinh thần phục vụ của anh phản ánh rõ nét trong tiểu sử . Anh có nhiều hoài bão. Anh có nhiều khả năng. Là một quân nhân, anh cống hiến tuổi xanh cho công cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước lúc còn thanh niên. Là một người họat động, trong buổi đầu tị nan trên đất Mỹ, anh nghĩ đến quê hương hơn nghĩ đến đời sống riêng, nghĩ đến thân phận dân tộc bị gông xiềng chứ không nghĩ cho mình. Thuở ban đầu trôi giạt, đời lưu vong tả tơi tuy bận lo sinh kế như bao nhiêu ngườI khác trong thờI gian đầu đến Mỹ,nhưng anh không màng việc nghĩ đến lợi riêng cho bằng nghĩ đến quê hương, đồng bào, đồng đội đang bi tù đày, anh gia nhập ngay vào các nỗ lực giải phóng đất nước. Là một người làm báo, anh nhận thức rõ sức mạnh và nghĩa vụ của một người cầm bút. Là một nhà thơ, tiếng thơ anh mặn nồng tình nước tình nhà, chữ nghĩa của anh đậm nét luống cải vườn rau,giòng sông quê hương, của nhớ thương mẹ hiền, con thơ. Là một người bạn, anh sống hài hòa với tất cả mọi người trong tinh thần phóng khóang, nồng nhiệt hết lòng.”

“Nay anh nằm xuống. Tuy giấc mộng lớn hệ lụy với núi sông chưa thành bởi vì mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên, nhưng anh có thể mãn nguyện được là anh đang nằm trong vòng ôm của tình thương gia đình, của mẹ và vợ con và của rất nhiều người quanh anh. Giang Hữu Tuyên một con người có chí khí, hào hiệp là điều mọi người thấy nơi anh và chuyến tàu về thiên cổ đã để lại tiếc thương vô vàn, cho những người sống quanh anh.”

Nhà báo Nguyễn Việt Quang, Chủ nhiệm Thời mới Phụ nữ mới, tịch Hội Chủ báo vùng Hoa Thịnh Đốn thì nức nở nói về những kỷ niệm không bao giờ quên được giữa Tuyên với anh và với các đồng nghiệp trong khi vui cũng như những lúc buồn. Anh Quang nói rằng, dù chỉ giữ vai trò khiêm tốn trong hội nhưng tiếng nói của Tuyên bao giờ cũng được anh em trong làng lắng nghe, nhất là khi cần phải giải quyết những mâu thuẫn thương mại hay mối bất hòa với nhau để giữ tình đoàn kết và không để xẩy ra những tiếng xấu với dự luận và Cộng đồng.

Chủ tịch Cộng đồng Nguyễn Văn Tần thì nói sự ra đi của Tuyên đã đem lại không biết bao nhiêu đau buồn, thương tiếc không những cho gia đình mà còn cho cả đồng hương và các bạn đồng hành trong nghề nghiệp cũng như trong đấu tranh.

Ông Tần hướng về phía quan tài để nói với Tuyên:” Bạn Giang Hữu Tuyên, bạn hiểu rõ hơn ai hết, bạn ra đi, tôi mất đi một người bạn đời để tâm sự một vài câu trong lúc nhàn rỗi, giúp đỡ nhau trong con lo lắng, và tiếp sức nhau giữ vững niềm tin cho những công việc là từ lâu anh em đang miệt mài theo đuổi.”

Nhà Thơ Vi Khuê cảm kích : “ Anh Giang Hữu Tuyên thương tiếc của Cộng Đồng, Thân Nhân và Bạn hữu, tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đang vì Anh mà nhỏ lệ . Riêng tôi, có mấy vần thơ đốt thêm vào ngọn lửa, và, bởi vì Anh là thi sĩ, xin được nói rằng:

“Đừng hỏi vì sao người bỏ đi
Người đi đâu có nói năng gì
Người đi người để thi dung lại
Cho cõi trần gian mãi vuốt ve …”

Nhà Văn, Nhà báo Uyên Thao thì dù mới quen Tuyên từ sau ngày ông được sang Hoa Kỳ năm 1999, cũng đã có những lời tâm tình đầy tình nghĩa với một Nhà thơ và Nhà báo trẻ vào nghề nhiều năm sau ông. Ông nói rằng, khi đọc Tập thơ “ Trời Mưa Đi Phát Báo” của Tuyên xuất bản năm 1999, ông đã có nhiều suy nghĩ về nỗi trăn trở gắn bó với quê hương đất nước của Nhà thơ. Theo ông, Nhà thơ Giang Hữu Tuyên đã thể hiện lời nhắn gửi ấy đến với mọi người rằng, nếu có ai còn thương đến anh sau khi anh nằm xuống thì anh chỉ xin họ ném xuống thân xác anh “chút tình” của quê hương mà anh đã ấp ủ khi còn sống. Tuyên thổ lộ ý nguyện ấy vào 4 câu trong bài Đất Gọi Người Đi :

”Mai này trong chuyến tàu thiên cổ
Nếu có người thương tiếc tiễn đưa
Xin hãy rắc thêm vào huyệt mộ
Chút tình hệ lụy núi sông xưa”

Hai anh Gs Đăng Đình Khiết và cựu Sỹ quan Đinh Hùng Cường là những người đã có những sinh hoạt đấu tranh chung với Tuyên từ những tháng năm mới chân ướt chân ráo đến Mỹ. Hai anh, bằng giọng nói rành mạch nhưng nhiều lúc không phát thành lời đã bầy tỏ sự ngưỡng mộ của mình về sự hăng say, sôi sục muốn làm một cái gì để cứu đồng bào và các đồng đội đã bị Cộng sản khống chế,ngay sau khi Tuyên đến định cư ở vùng Hoa Thịnh Đốn năm 1975.

Theo anh Cường thì lúc bấy giờ hễ nghe thấy ai nói đến chuyện lo cơm áo và chuyện buông tay đành chấp nhận chọn nơi này làm quê hương hơn lo chuyện phục quốc, chuyện cứu đồng bào là Tuyên bất bình nổi nóng muốn khà khịa ngay. Do đó mà dù phải đi làm vất vả kiếm tiền nuôi thân, anh vẫn hăng hái góp sức với các cựu đồng đội trong vùng thành lập ngay Tổ chức cựu Quân nhân và còn tích cực thúc giục mọi người bớt chút tiêu xài giúp đỡ anh em sinh viên – học sinh trong các sinh hoạt văn hoá và đấu tranh.

Nhà báo và cũng là bạn thân gắn bó với Tuyên, anh Lê Thiệp thì đã nói với chị Trương Ngọc Sương, hiền thê và là người phụ tá đắc lực với Tuyên trong tờ HTĐVB: “Không mất mát nào nhỏ cả, nhưng mất người bạn đường chắn chắn là mất mát lớn nhất trong đời. Không chia xẻ nào nhỏ cả, nhưng những chia xẻ của bạn bè dù lớn thề nào đi nữa cũng không đủ để bù đắp cái mất bất ngờ của chị trước sự ra đi của Giang Hữu Tuyên. Biết Tuyên, biết chị từ lâu, chúng tôi vẫn đùa cợt với nhau rằng “Cậu Tuyên mà không có chị Tư thì chẳng ra ngô khoai gì”. Đối với Tuyên, Chị không chỉ là người bạn học từ thuở thiếu thời, không chỉ là người vợ lo cho chồng con, không chỉ là người dâu hiếu thảo lo thu vén trong ngoài...Tất cả, Chị còn là đồng chí của Tuyên...Con đường Tuyên đã chọn và Tuyên đã đi không ngừng nghỉ vì có Chị ở bên. Không có Chị, không thể nào Giang Hữu Tuyên là Giang Hữu Tuyên...Chị Tư ơi, Tuyên đã bỏ lại không chỉ là Chị, gia đình mà còn rất nhiều giở giang...bây giờ hơn lúc nào hết, Chị phải can đảm hơn, vững tin hơn để nối tiếp những dở dang đó...Chị hãy tin bên cạnh chị còn rất nhiều bằng hữu của chị sẵn sàng tiếp tay với Chị để cùng cố hoàn thành cái ước mơ của Tuyên...”

Ký mục gia Bùi Bảo Trúc, người viết bài thường xuyên trên HTĐVB đã thay mặt cho nhiều anh em cầm bút để nói với tang quyến những lời Thương tiếc Giang Hữu Tuyên như thế này :

”Buổi chiều đi phát báo
Những nét chữ nhạt nhòa
Nước ướt đầm vai áo
Là lệ hay trời mưa"

Những ngày đi phát báo
Hai mươi mấy năm rồi
Đường đi hoài không hết
Trời sao vẫn mưa rơi

Chiều mưa đi phát báo
Trên những con đường xa
Những giòng chữ tơi tả
Vùi dập lối xe qua

Trời mưa đi phát báo
Phát đi cả tấm lòng …”

”Chị Tuyên và hai cháu thân mến,
Đây không phải là những lời gửi Giang Hữu Tuyên, bạn của chúng tôi. Bao nhiêu năm quen nhau, làm việc với nhau, chúng tôi đã hiểu nhau đến độ không cần phải nói ra bất cứ điều gì nữa. Mà có nói ra bây giờ, thì Tuyên cũng không còn nghe được. Chúng tôi đối xử với nhau đã tử tế, đã đầy đủ khi còn sống thì việc gì phải nói thêm khi đã xa nhau như thế này"”

”Bây giờ chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại được con người nhân hậu, tính tình xuề xòa, tiếng cười thật thà ở khu Eden, trong tiệm phở Xe Lửa, trên các trang báo Tuyên làm nữa. Chúng tôi tiếc lắm. Chúng tôi chỉ muốn nói với Ngọc Sương, Tuyên là người bạn rất tốt của chúng tôi... Tuyên là một người tốt và những việc Tuyên làm là những chuyện tốt đẹp, tốt đẹp cho cộng đồng, cho tiếng Việt. Bị đối xử không tốt, Tuyên không phản đối, chỉ cười nhẫn nhịn, gặp lại nhau vẫn cười nói với nhau được.... Suốt mấy trăm số báo của Tuyên đã không bao giờ có chỗ cho những bài vở không tốt đẹp.”

”Tuyên đã giữ được điều đó trong suốt bằng ấy năm làm tờ Hoa Thịnh Đốn Việt Báo....”

Một người bạn báo gần như ngày nào cũng gặp nhau ở tiệm Phở Xe Lửa trong khu thương mại Eden, anh Trần Nghi Hoàng, Chủ nhiệm tờ Lẽ Phải đã khóc bạn bằng một bài Điếu văn da diết trong đó có những đọan:

”Mẹ già, vợ yếu, con thơ, bạn hữu… khóc ông
Mà tôi thì chỉ tiếc ông!!!
Tiếc ông! Tiếc ông!!!”
........
”Tôi tiếc ông rồi tôi nhớ ông…
Nhớ ông những bận ông cà khịa…
Luận chuyện văn chương luận chuyện đời
Luận ở trong chữ còn có nghĩa
Luận nghĩa trong tình lưu xứ dạt trôi”
......
“Tôi nhớ ông trong quán Xe Lửa
Ông chia tôi sái nhì tách cà phê
Giọng ông sang sảng trời phiêu bạt:
“Tay này xem ra gian lận ghê…”
.........
”Bây giờ Tuyên không còn đi phát báo
Mưa vẫn mưa, tôi đứng giữa đời
Tôi đứng mà nghe thành quách cũ
Bỗng xạc xào mưa ở trí nhớ vơi”

”Ô hô! Ai tai!
Xấp báo trên tay vừa ướt hết**
Dáng ai còn đứng dưới mưa rơi…**
Giọt lệ trong tôi chưa kịp rớt
Lòng bỗng cười khan điệu thổ ngơi”

(**Trong bài Thơ “Trời Mưa Đi Phát Báo” của GHT)

Nhà báo Trần Nghi Hoàng còn là người sau cùng nói chuyện điện thoại với Tuyên trước khi anh qụy xuống. Hoàng ghi lại những giây phút đó : “ Tôi là người cuối cùng nói chuyện với Tuyên qua điện thoại. Chiều thứ Năm 4 tháng 11 năm 2004, khoảng ba giờ hơn, tôi đang đứng trong Eden shopping center với Nguyễn Minh Nữu, sức nhớ Quảng Đức có trao nhiệm vụ mời Tuyên đến nhà tối hôm đó nhân có Nguyễn Trọng Khôi từ Boston về triển lãm tranh. Tuyên bắt máy. Tôi nói “Tối nay đến nhà Quảng Đức Ngôn Ngữ gặp nhau nghe. Có Nguyễn Trọng Khôi về triển lãm tranh.” Tuyên nói: “OK. Mấy giờ" Có những ai vậy"...” Rồi ho và ho như hụt hơi. Tôi chưa kịp trả lời, điện thoại Tuyên đã cúp.”

Từ giây phút đó, Nhà báo, Nhà thơ Giang Hữu Tuyên không còn biết gì nữa cho đến ngày anh ra đi vĩnh viễn vào lúc 2:30 sáng Chủ Nhật, 14-11-2004./-

(Ban Tổ chức Tang lễ)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.