Hôm nay,  

Đi Xem Phim “oan Hồn”

23/11/200400:00:00(Xem: 5622)
Fairfax, VA (VATV) – Vào chiều Chúa Nhật 21/11/2004, ngoài sức tưởng tượng của nhà đạo diễn trẻ Victor Vu, rạp chiếu bóng Johnson Center Cinema, trong khuôn viên đại học George Mason, tụ tập rất đông khách đi xem phim “Oan Hồn”. Tuy không phải là mùa Halloween, trong một chiều chủ nhật đẹp trời tháng mười một, với gió Thu dìu dịu, đi xem phim ma Việt Nam dù thỉnh thoảng có vài đoạn khiến người xem giật thót mình, nhưng không bị kinh tởm như những phim ma quỷ diễn xuất quá độ của Mỹ.

“Oan Hồn” đến với cộng đồng người Việt tại vùng thủ đô hơi ngắn ngủi, nhưng để lại một âm hưởng rất sâu xa và đầy thán phục của cả nhiều thế hệ người Việt sống trên vùng đất này. Dù phim quay dưới một hệ thống khác và máy chiếu tại rạp không hoàn toàn thích hợp khiến hình ảnh không được hoàn hảo như ý của Victor, nhưng hầu như khán giả không quan tâm lắm. Từ cụ già 92 tuổi đến các thanh niên học sinh trung học và đại học, mỗi khách ra về đều có một ấn tượng riêng trong lòng về cuốn phim này. Chỉ tiếc rằng, phim chỉ chiếu duy nhất một xuất, cho nên chỉ có khoảng 300-400 khán giả trong vùng được thưởng thức.

“Oan Hồn” không kinh dị, gớm ghiếc như “the Exorcist”, “Friday the 13th”, hay “The Omen”. Nó đượm một tí chất lượng của “The Sixth Sense”; không đến nỗi rởn tóc gáy, nhưng cũng đủ để khán giả hoảng hốt trong một vài xuất hiện thình lình của những linh hồn hoang. Đặc biệt, cốt truyện hầu hết đều chú trọng đến nét tinh hoa của chuyện ma trong truyền thuyết Việt Nam và tuyệt đối không thiếu sót điểm nét quan trọng của đạo đức con người trong xã hội. Theo Victor, “Chuyên ma Việt Nam không chỉ làm người ta sợ, mà còn gây xúc cảm và tạo một lối nhìn về triết học và tâm linh cho cuộc sống…tôi muốn thực hiện một phim ma với những chuyện ma hoàn toàn Việt Nam, một cuốn phim hồi hộp và hấp dẫn như những chuyện ma được truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác của người Việt chúng ta.”

Victor diễn tả “Oan Hồn” qua ba đoản chuyện ma khác nhau, lồng trong cùng một bối cảnh nhưng kết cuộc đưa đến một đoạn kết rất sâu xa và sầu bi, biểu tượng của nhân quả từ đời đời kiếp kiếp mà con người chúng ta sớm muộn sẽ phải trả. Lồng trong khung cảnh của một ngôi nhà hoang tại Việt Nam thời nay, “Oan Hồn” mang đến cho chúng ta những linh hồn uổng tử trong thế giới loài người, cố mong được oan giải hoặc cứu vớt để cùng hòa mình trong một thế giới. “Oan Hồn” mang đến cho chúng ta nét suy tư về lý thuyết nhân quả, về định mệnh, về oan nghiệp. “Oan Hồn” cũng mang đến cho chúng ta nhận thức được cái giá phải trả trong sự khao khát để đạt được trọn vẹn những dục vọng cá nhân.

Trong “Khách Trọ”, người văn sĩ cô đơn, tìm đến ngôi nhà hoang yên tĩnh để sáng tác tác phẩm kế tiếp. Nơi đây, anh đã yêu một thiếu nữ hiền thục. Chỉ vài hôm anh khám phá ra được sự bí mật của người con gái ấy. Từ đó anh trở nên mất trí bởi vì tâm trí anh vẫn còn vương vấn với linh hồn uất tử kia.

Trong “Con Một”, anh bất kể gia phép và thuyết môn đăng hộ đối của gia đình, nhất quyết phải kết hôn với người yêu là cô y tá chăm sóc anh trong thời gian anh bị mất trí. Nhờ cô, anh nhớ lại dĩ vãng. Đồng thời, cũng dĩ vãng ấy đã khiến anh say mê muốn hoàn tất cuốn truyện ma để rồi anh bỏ bê, thờ ơ với vợ. Trong lúc đó, cô vợ luôn bị quá khứ đeo đuổi, dày vò để rồi cuối cùng cô tìm bình yên bên thế giới khác. Nhưng thế giới khác cũng không bình yên như cô mong tưởng.

Trong “Bà Thầy”, một nhân vật mới khám phá ra sự thật của sự huyền bí trong ngôi nhà hoang này để rồi kết quả nỗi niềm của bà và bí mật ngôi nhà hoang cũng chôn vùi trong bóng tối của ngôi nhà này cùng với gia đình người văn sĩ kia.

Ban đầu cốt truyện hơi chậm, nhưng dần sâu vào thì thấm mùi hơn. Điểm hay ở đây là đạo diễn và diễn viên đã thành công trong việc không làm khán giả buồn chán, muốn câu chuyện đi qua cho nhanh. Đa số đều rất chú tâm theo dõi từng cử chỉ trong phim, tuy đôi khi bị xao lãng vì một khán giả nào đó đã đoảng vị, hơi thiếu nhã nhặn nên để điện thoại cầm tay reng lên reng xuống trong bầu không khí đang căng thẳng.

Thành phần diễn viên cũng khá xuất sắc. Diễn xuất của Tuấn Cường từ lúc biết yêu ma đến lúc trở thành ma rất nhuần, trải qua những thăng trầm của tình cảm, để rồi cùng chết vì yêu và tội lỗi. Anh đã điễn đạt cảm xúc thật của một người đàn ông, cũng có lúc yếu đuối và dễ bị kích động. Đó thực ra là chứng tích của kiếp làm người. Vai trò của Kathy Nguyen và Kathleen Luong mô tả hai nếp sống khác biệt của người phụ nữ Việt Nam, một nhu mì, hiền hòa biểu tượng cho nét đoan trang, thục nữ của người con gái Việt Nam đạo đức; một hào nhoáng, phóng khoáng trong nếp sống tân thời vì bất mãn gia đình nên sa đọa, nhưng cả hai đều phải trả một giá rất đắt. Bà mẹ chồng, Becky Vu, và ông thầy phù thủy, Nam Sin Tin, đều rất xuất sắc trong vai trò của họ. Becky Vu, cựu nữ sinh Gia Long và hiện là giáo sư tại Paramount High School-West lần đầu tiên đóng phim và thủ lãnh vai trò một bà mẹ chồng khó đăm đăm; mỗi lời nói văn hoa chải chuốt nhưng đượm đầy cay đắng, sỉ vả đã thu hút lòng ngưỡng mộ của các khán giả lão niên. Còn ông phù thủy mải múa may quay cuồng, tin tưởng vào tài năng trừ ma diệt quỷ của mình. Tuy vai trò của họ không phải là một trò hề trong phim, nhưng họ đã mang đến cho khán giả những nụ cười gợi nhớ. Đặc biệt nhất là vai trò “bà thầy” phong thủy của Catherine Thuy Ai. Từ mệnh danh của một bà “thầy bói nói dối ăn tiền”, bà đúng đã “đi đêm có ngày gặp ma”. Từ xưa đến nay, chúng ta hay phê bình tài tử Việt Nam sao đóng phim cứng và ngượng ngùng quá. Nhưng trong cuốn phim này, đa số những diễn viên đã điễn đạt được tầm mức cao hơn, chân thực hơn. Có lẽ nhờ sự huấn luyện chuyên nghiệp và kinh nghiệm trong những cuốn phim khác đã trau chuốt tài năng của họ.

Thực ra, cuốn phim này rất xứng đáng được trình chiếu rộng rãi trên các rạp chiếu bóng thương mại song song với những phim ngoại quốc khác. Lý do ban tổ chức chỉ được trình chiếu có một xuất vì người chủ xuất vốn muốn lấy lại vốn cho nhanh, nên phim không được quảng bá rộng rãi để có thể chú tâm sản xuất DVD. Suy nghĩ lại tôi thấy cuốn phim Polar Express tốn tới 270 triệu Mỹ kim, và tính đến tuần thứ tư chỉ mới thâu vào độ 51 triệu thôi, Như thế, cuốn phim này thuộc loại “low budget” vẫn có thê có khả năng gặt hái cao hơn trong thị trường phim Mỹ. Sau đó, bán DVD cũng đâu muộn! Quả là phí phạm một tài năng!

Dự tính của nhóm sản xuất sẽ phát hành DVD cuốn phim này vào ngày mồng 1 tháng 12. Được biết, công chúng có thể đặt mua DVD trước với giá $17.00, qua mạng www.dvdasian.com hoặc liên lạc với Hội Sinh Viên Việt Nam tại đại học George Mason, www.vsa@gmu.edu. Phim “Oan Hồn” do Philip Silverman Production sản xuất qua Strange Logic Entertainment, dưới tài điều khiển của Đạo Diễn Victor Vu, dài 105 phút, nói tiếng Việt phụ đề Anh ngữ.

Với cá nhân tôi, đây là một cuốn phim ma giải trí, nhẹ nhàng; ra về không run sợ vì bị ám ảnh bởi những cảnh ghê rợn như trong những phim ma của Mỹ, cũng không bị giật mình hốt hoảng vì những tiếng động của máy móc trong nhà, hay kiểm soát dưới gầm giường xem có ma trốn không.

Thêm vào đó cuốn phim vẫn còn giữ nhiều nét trung thực Việt Nam. Nó diễn đạt được văn hóa và phong tục, tuy cổ hũ, của người Việt Nam. Cho nên người ngoại quốc hoặc những thế hệ trẻ khi xem xong sẽ học hỏi thêm về cội nguồn Việt Nam. Khán giả có những lúc hoảng hồn, nhưng có những đoạn diễn đạt nét mê tín, dị đoan mà có lẽ những ai đã có thời sanh sống tại Việt Nam và mục kích được những cảnh tượng ấy sẽ thích thú cười phì. Nó đem chúng ta trở về gần với quê hương. Nhưng chỉ cười độ vài giây thôi nhá để còn theo dõi câu chuyện chứ!

(Lê Thùy Lan tường thuật từ khuôn viên Đại Học George Mason, Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2004)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.