Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

27/09/200900:00:00(Xem: 3154)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Khi quyết định trở ra Hà Nội, tôi định nếu thuận tiện, sẽ ở lại 2, 3 ngày, rồi mới vào Nam. Nhưng tình cảnh nghèo nàn này, tôi chỉ muốn gặp chú ấy nữa thôi, tên chú là Tỉnh. Những người nghèo mà có lòng! Tôi không có gì để giúp đỡ cô chú ấy. Thật là may! Không biết do linh tính hay cô ấy đã nhắn bạn đạp xích lô, ngay 8 giờ tối hôm ấy chú đã về nhà. Con người của chú Tỉnh, khi gặp và tiếp xúc tôi lại càng thương mến hơn. Cô chú ấy cứ nằng nặc mời tôi, ở chơi Hà Nội vài ngày. Như tôi đã trình bày, nhìn hai đứa cháu nhỏ, nhìn cảnh sống của cô chú ấy, ruột tôi xót xa và hận cho tôi bất tài, không có khả năng nào để giúp đỡ người thân, thì còn vui gì mà ở lại!
Có một điều trùng hợp trong buổi gặp cô chú Tỉnh, cả hai phía, tôi lẫn cô em đều muốn biết tin tức về bố mẹ tôi ở Sài Gòn. Những năm, 1956 - 1957 còn gửi thiệp Bắc Nam, nhưng đến 1958-1959 và sau này, thì thiệp thư Bắc Nam đều đã ngừng. Thế là cả hai bên mong ngóng, nhưng cả hai đều không biết gì.
Một bữa cơm gia đình xum họp, dù chỉ có rau, dưa và mấy qủa trứng vịt tráng, nhưng đầy nghĩa tình không thể quên. Buổi tối, tôi dứt khoát xin nhờ chú ấy, 5 giờ sáng mai đưa tôi ra ga Hàng Cỏ về Nam. Nước mắt của cô Quy đã chảy nhiều, nhưng tôi vẫn duy trì ý định.
Đêm hôm ấy, cô chú và cả tôi cứ trằn trọc thấp thỏm, ngủ không yên. Mới 4 giờ sáng cô em đã dậy lục đục nấu cơm, rồi nắm cho tôi một nắm cơm với muối vừng. Từ chối thì cô chú ấy sẽ buồn, tôi đành nhận nắm cơm, nhưng tôi dứt khoát không ăn sáng, lấy lý do bụng hãy còn no và không quen ăn sáng sớm. Tôi muốn dành lại cho hai cháu nhỏ.
Hai đứa nhỏ còn ngủ, cô ấy cứ nằng nặc đòi đi theo tôi ra ga để tiễn chân. Tôi hiểu đêm qua, cả cô chú ấy đều thiếu ngủ, chú ấy còn phải đạp xích lô cả ngày kiếm ăn, vì thế tôi giao hẹn, cô chú chỉ đưa tôi đến ga rồi phải về ngay, nếu không đồng ý, tôi sẽ đi bộ ra ga một mình.
4:30 đã ra tới ga Hàng Cỏ, cô ấy ôm lấy tôi, nước mắt lại đầy vơi, còn giúi vào tay tôi 20 đồng. Tôi có là người mất trí, mới nhận 20 đồng này. Cô chú ấy đã làm cho chính tôi, nước mắt cũng vòng quanh.
Một mình tôi khoác chiếc tay nải, lủi thủi bước vào trong ga, thất thểu, ngơ ngác nhìn cuộc đời, nhìn dòng người lạ lẫm. Một lúc sau, nhìn sang phía góc trái, một hàng dài đến 4 - 5 chục người xếp hàng, đợi mua vé. Tôi hỏi và được biết, đúng là chỗ mua vé tầu đi vào Nam.
Đứng xếp hàng một lúc, nhìn thấy hàng còn dài qúa. Tôi nghĩ, cứ như thế này, phải 2- 3 giờ nữa mới đến lượt mình. Tôi cũng thấy hơi là lạ, là ai cũng chăm chú nhìn tôi. Đứng một lúc, tôi chợt hiểu, họ nhìn chỉ vì bộ quần áo tù của tôi và cái dáng dấp gầy xanh, như người có bệnh lâu ngày. Tôi nghĩ, cứ lên thẳng chỗ cô mặc bộ đồ vàng, đang bán vé hỏi xem, may ra được chiếu cố vì mới ở trong tù ra. Nghĩ như thế, tôi lấy tờ giấy tha tù, đi lên chỗ cô bán vé. Tay cầm giấy, tiến dần đến chỗ cửa sổ bán vé, cả giòng người xếp hàng đều bàn tán nhìn theo tôi. Mặc, tôi đến trước quầy vé:
- Thưa cô, tôi vừa ở tù ra, tôi muốn mua vé đi Nam, cô có thể thông cảm bán ưu tiên cho tôi không"
Cô ta ngẩng mặt nhìn tôi, cả mấy người xếp hàng đều quay lại nhìn tôi. Cô ta giọng hách dịch:
- Cho tôi xem giấy của anh!
Cô cầm tờ giấy ra trại, cắm cúi xem, quay ra nhìn tôi, rồi nói to với những người, đang xếp hàng:
- Đây là một anh đã ở trong tù 18 năm, anh mới từ trại giam ra ngày hôm qua, đồng bào có đồng ý bán vé cho anh ta trước không"
Ồn ào nhiều tiếng nói:
- Đồng ý, bán vé cho anh ấy trước!
- Hãy bán vé cho anh ta đi!
- Chúng tôi hoàn toàn đồng ý! Cô hãy bán vé cho anh ta trước!
Mặt cô bán vé tươi hẳn ra, và tôi cũng xúc động không ngờ. Cô bán vé ngước lên hỏi tôi giọng dịu dàng, khác hẳn khi nãy:
- Anh muốn đi ngày nào"
Niềm hưng phấn của tôi, hãy còn đầy ắp:
- Tôi đi ngay hôm nay ạ!
Mọi người đều ồ... ồ lên. Cô bán vé mở to mắt nhìn tôi, rồi từ tốn:
- Mọi người xếp hàng ở đây, mua vé cho thứ Hai tuần sau mới đi!
Có một bà đứng gần đấy, nói rõ ràng rành mạch:
- Anh ở trại lâu nên không biết! Bây giờ xếp hàng mua vé phải hàng tuần lễ nữa mới đi, làm gì có kiểu mua vé đi ngay"
Như trên trời rơi xuống, tôi buồn và ngơ ngác, tay cầm tờ giấy ra trại (do cô bán vé đưa lại), tay xách chiếc tay nải tiến ra giữa sân ga, lòng chưa biết tính sao" Tiền đâu để ăn cả tuần lễ" Lại về làm phiền cô chú em ư"
Trời sáng dần, nhiều người vây quanh lấy tôi, bỗng có một bà cụ chừng ngoài 60, tay cụ như cầm cái gì đút vào túi áo tù của tôi. Tôi đang thò tay vào để xem cái gì, lại một ông dáng nông dân đút vào túi kia. Bà cụ đút vào túi tôi năm đồng, ông nông dân cho ba đồng. Tôi còn đang lúng túng thì một cô chừng 20 tuổi, tóc ngắn đưa cho tôi hai ổ bánh mì có nhân. Đồng bào vây chung quanh tôi đến hàng chục người. Tôi bàng hoàng bất ngờ, ai cũng nhìn tôi bằng những đôi mắt thương cảm, ái ngại.
Mười tám năm xưa, khi tôi ra Bắc, rồi bị bắt, người ta đã xô đến ném đá, chửi bới tôi là biệt kích, gián điệp, ăn gan, uống máu nhân dân ra phá hoại miền Bắc, như ở Hà Tĩnh. Mười tám năm sau, tôi ra tù thì đồng bào đã đối xử với tôi như thế này. Đồng bào đã thể hiện tình thương yêu chân chính, của những người cùng một nước. Chắc chắn sau 1975, đồng bào đã hiểu rõ bộ mặt thật của VC. Như thế đường tôi đi, đường tôi chọn là đúng, con đường thực sự mang lại dân chủ, tự do, cơm no, áo ấm cho mọi người. Tôi cảm thấy thật gần gũi, trong tình đồng bào.
Trời càng sáng dần, khi tôi còn đang đứng trong vòng vây của nhiều người tò mò, thì có một ông chừng 44, 45 cao lớn, mặc quần áo bộ đội, không đeo quân hiệu, quân hàm nhưng đeo khẩu súng ngắn, trễ bên hông. Ông ta rẽ đám đông đến bên tôi, ôn tồn:
- Anh cho tôi xem, giấy tờ của anh"
Giấy ra tù tôi đang cầm ở tay, tôi đưa luôn, mình thực thì có gì phải ngại ngần. Ông ta đọc xong, nhìn tôi rồi dõng dạc:
- Tôi cùng gia đình đi chuyến tầu vào thành phố HCM lúc 7: 30, gia đình tôi có một người em bị bệnh không đi được, anh có muốn đi thay, thì đi theo tôi.


Đúng là nắng hạn lại gặp mưa rào! Tôi mừng quá. Có mấy người cũng thúc hối. Một bà chừng hơn bốn chục, nét mặt rất đôn hậu đẩy vai tôi:
- Anh đi theo ông ấy đi, may qúa! Tôi cũng yên lòng!
Tôi chào mọi người, rồi vội vàng theo cái ông đeo súng! Tôi tưởng như mình đang từ giã những người ruột thịt. Ông ta trả lại giấy cho tôi, rồi căn dặn:
- Anh đứng đây chờ tôi một chút nhé!
Đi chừng hai chục phút, quay lại, ông vồn vã kéo tay tôi lên một toa tầu. Đến một khoang ông mở cửa, bên trong có 2 cái giường sắt to và nhỏ. Cái to có một chị chừng 30- 35 tuổi với một đứa nhỏ 2, 3 tuổi. Ông đeo súng quay lại tôi, nói với người phụ nữ đang ngồi ôm con trên giường:
- Đây là anh Bình, anh đã nói với em. Còn đây là nhà tôi!
Tôi hơi cúi đầu ngập ngừng:
- Xin chào chị ạ!
Ông đeo súng chỉ tay vào chiếc giường con, sốt sắng:
- Đấy, anh sử dụng chiếc giường đó, thay chú em tôi.
Tay tôi đang ôm 2 ổ bánh mì, 2 cái bánh bao, và 2 cái bánh giò của đồng bào cho. Tôi nhìn em bé nhưng nói với chị phụ nữ:
- Anh chị giúp tôi, cho cháu ăn hộ bớt, tôi làm sao ăn hết!
 Nói rồi, tôi chỉ cầm một ổ bánh mì, còn đặt hết xuống chiếc giường to. Đúng là tác phong quân sự, anh cười, bảo:
- Cứ để đấy.
Thực là một sự may mắn kỳ diệu. Chuyến tầu xuôi Sài Gòn 7:30 chuyển bánh. Anh chị Thanh, (tên anh đeo súng là Thanh) chuyển công tác vào Nam mang theo cả gia đình. Anh Thanh vội vàng ra sân ga mua ít bánh trái để ăn dọc đường. Anh đã đọc giấy ra trại của tôi, đã biết tôi là gián điệp của VNCH, nhưng thái độ của anh tỏ ra "không thành vấn đề", giúp người không may là chính. Tôi hiểu, thời gian còn dài, từ từ tôi sẽ tâm tình chuyện trò.
Ánh nắng ban mai như dát lụa, ẻo lả luồn qua cửa sổ trải dài một mảnh vuông lung linh, giữa khoang tầu. Tầu bắt đầu chuyển bánh, bất chợt anh Thanh chạy bổ ra phiá cửa sổ, đầu và hai tay anh cúi ra phía ngoài, người anh cứ như cái máy, cứ kéo lên, giật xuống liên hồi. Quá bất ngờ, tôi và cả chị Thanh chưa kịp có phản ứng, thì hai tay anh kéo lên một cái túi lưới nylon xanh, có hai ba con tôm càng khô.
Anh Thanh đỏ mặt, tiá tai, hổn hển quát:
- ĐM! Tao mà rút được súng ra, tao bắn vỡ đầu chúng mày!
Tầu bắt đầu chạy nhanh! Tôi đã hiểu: Nắng sớm, anh Thanh có 2 kg tôm he khô (tôm biển), hơi bị ẩm, anh sợ bị mốc, anh định treo phơi ngoài cửa sổ. Không ngờ tụi lưu manh chờ tầu chạy, chúng giật. Tôm đó là qùa của anh mang vào Nam tặng bạn bè.
Qua việc này, tôi đã hiểu cảnh sống của XHCN hiện thực hơn, người tôi rung rinh theo con tầu đang chạy xuôi Nam. Lòng tôi phơi phới mở rộng thênh thang, mắt tôi lững lờ nhìn qua cửa sổ, những hàng cây trên đồi núi chạy vùn vụt về phía sau. Con tầu ré lên một hồi tu hu... tu hu... rồi hồng hộc chui vào một vùng ngát đẫm mùi hoa soan. Chính chị Thanh cũng đập vai anh Thanh hỏi thương yêu:
- Cái mùi gì mà thơm thế hở mình"
 Anh Thanh miệng thì ừ...ừ.... nhưng đầu lại lắc lắc:
- Anh cũng chả biết mùi gì mà thơm thực!
Để dự phần vào cái hạnh phúc gia đình của anh chị Thanh, tôi quay lại:
- Mùi hoa soan của quê hương đấy! Tôi cũng hơi lạ, bây giờ mới giữa Hè mà sao lại có mùi hoa soan"
Nói rồi, tôi tiến ra sát cửa sổ con tầu, mặt trời đã lên cao đến hai con sào. Cả một vùng thiên nhiên mầu trắng xậm lẫn với mầu xanh 16, của lá non đầu mùa. Hoa soan trắng, nhị và yếm mầu tím, hoà thành một mầu trắng xậm. Tôi cứ hóng cái mũi ra để hít, để nuốt vào cái mùi đậm đà chất phác, mộc mạc của quê hương tôi. Đột nhiên anh Thanh thốt lên:
- Tầu đã đến Phủ Lý rồi!
Tôi hiểu anh Thanh và tôi ở hai chiến tuyến đối đầu. Do những đẩy xô của hoàn cảnh, của dòng đời gặp nhau ở một tình huống: kẻ được người thua, nhưng cả hai phía đều đã thể hiện là những người có hồn "tình tự quê hương, người cùng một nước". Phần tôi, phần của kẻ "chiến bại" tôi luôn luôn, kè kè đeo trên vai một cái "túi to lòng tự trọng". Chỉ cần anh Thanh biểu lộ một vài hành xử, một vài lời nói, thở ra cái hơi của người "chiến thắng" thì ai cũng hiểu là tôi sẽ phải làm gì rồi.
Anh chị Thanh cũng hỏi han nhiều sự việc, để biết chính xác về tôi. Từ lòng chân thành, tôi nói lên lòng tự trọng và liêm sỉ của một người. Hơn nữa sự thật thì trường tồn, dài lâu nên tôi cứ thành thật tiếp chuyện anh chị. Tôi cũng hiểu sự thật nhiều khi thô lỗ, gồ ghề nhưng cuối cùng người nghe vẫn thích hơn là đánh bóng, hay sơn phết.
Tôi đã xác định, nhìn và hiểu thấu con đường tôi đang đi, dù có lúc bị ngăn sông, cách núi, có khi phải chui vào hầm tối lầy lội, nên tôi đã nói cho anh chị Thanh rõ vì sao tôi nhận một nhiệm vụ ra ngoài Bắc, và một vài nét chính trong tù mà tôi đã nhìn, đã nghe, đã trải qua. Anh chị Thanh tỏ ra qúy mến tôi hơn, mà lúc đầu anh chị chỉ muốn giúp đỡ một người bất hạnh, không may đang gặp khó khăn, thế thôi. Tôi nói thế vì chứng cớ là anh chị cũng cho tôi biết những nét chính, của cuộc đời anh chị.
Chị Thanh là giáo viên cấp hai ở Hà Đông. Anh Thanh quê ở nông trường vải (qủa vải) gần chùa Trầm Hà Đông. Anh là cháu gọi tướng Lê Trọng Tấn bằng cậu. Anh đã công tác bốn năm trong ngành hoa tiêu, ở sân bay Nội Bài. Anh vừa được đi học hai năm ở Liên Xô. Hiện nay anh là Thượng úy chuyển công tác vào Nam, ở Đài kiểm soát không lưu trường bay Tân Sơn Nhất. Anh chị Thanh chưa hề vào Sài Gòn hay miền Nam bao giờ. Phần tôi chỉ biết Sài Gòn, hay miền Nam của gần hai chục năm trước.
Tôi kéo anh chị Thanh trở lại túi tôm bị giật lúc sáng, cứ nói những ý nghĩ trong lòng, tôi thành thực:
- Anh chị đã biết, gần hai chục năm ở một chỗ sâu nhất của một nhà tù, tôi không hề biết một chút gì về cảnh sống xã hội của miền Nam, cũng như miền Bắc. Tôi rất ngạc nhiên với việc sáng nay. Qua dư luận, hình như ở khắp nơi, cả ở miền Nam nữa có qúa nhiều cảnh cắp, trộm, trấn lột, cướp giật v.v… Chả lẽ ngành cảnh sát, công an không giải quyết được ư"
Nghe tôi nói và hỏi như thế, cả hai anh chị tỏ ra đăm chiêu mấy giây. Anh Thanh nhìn tôi, nói như giải nghĩa, giáo dục:
- Tiếc rằng bác Hồ mất sớm qúa! Vả lại, anh tính, kẻ thù, đế quốc nó bao vây kinh tế như thế, nên nước ta mới nghèo túng!
Tôi biết không phải anh chị Thanh, mà hầu như đa số, nếu không nói là hầu hết nhân dân miền Bắc, đều sẽ trả lời như vậy, hoặc từa tựa như thế! Cũng có một số người hiểu rõ cái nguyên nhân, cái sự thật, thì đa số đã phải vào trong cái "lồng nhỏ" rồi. Người nào còn ở ngoài là do khéo đậy miệng, hoặc mũ ni che tai, hay quần quật đêm ngày lo kiếm miếng cơm cho mình và gia đình, thời gian nào đâu mà đi chuyện trò.
Anh chị Thanh mãi không thấy tôi nói gì, nhưng chắc nhìn nét mặt, anh Thanh đã đoán ra là tôi không thỏa, khi nghe anh trả lời. Tôi nghĩ đây đâu có phải là một buổi tranh luận, hơn nữa anh chị ấy cũng như mọi người dân khác mà trung ương đảng CS, đã đội cho cái "mũ ngựa" che tai, che mắt chỉ còn được nhìn về phía trước mà thôi.
Tôi chỉ hỏi nhẹ một câu như thế, để rồi tự anh chị sẽ suy nghĩ. Tuy vậy, cũng bằng những câu hỏi, tôi quay sang sốt sắng:
- Anh Thanh đã được sang Trung Quốc bao giờ chưa"
Cả hai anh chị đều trả lời với nét mặt tự hào, dù tôi chỉ hỏi anh Thanh:
- Năm 1976 chúng tôi còn là "nghiên cứu sinh" đều được tham quan Bắc Kinh một tuần.
Tôi hỏi tiếp với vẻ trầm trồ ca ngợi:
- Thế anh chị có được đi Bắc Hàn chưa"
Cả hai anh chị đều lắc đầu, tôi lại hỏi:
- Thế còn Cu Ba và các nước Đông Âu"
Anh Thanh nhanh nhẩu:
- Kỳ hè năm đầu tôi đi Rumanie, kỳ hè năm ngoái tôi đi Albanie một tuần.
Tôi ôn tồn, từ tốn như muốn để anh chị Thanh cùng chia sẻ:
- Anh chị đã biết, cả cái tuổi trẻ của tôi nằm im một chỗ, ngay Hà Nội và Sài Gòn tôi còn không biết gì! Nhưng vì lòng qúy mến anh chị, anh chị cho tôi hỏi một sự thật, có nghĩa là chính anh chị nhìn bằng mắt của mình, và suy nghĩ bằng óc của mình, chứ không phải vì theo suy nghĩ của người khác. Tôi không cần phải đến Bắc Kinh, Moscova, Albanie, Rumanie, dù là một tuần hay ở Liên Xô gần hai năm như anh. Anh có nhìn thấy từ cán bộ đến người dân ở các nơi ấy, đều làm ăn ngược xuôi vất vả" Xã hội không thiếu những cảnh cắp trộm, lừa lọc, giả dối. Nói dối, nói không đúng sự thật, là chuyện thường xuyên, phải không anh"
Mặt anh Thanh đực ra suy nghĩ, đầu anh gật gật, rồi mở to mắt nhìn tôi:
- Sao anh biết rõ thế"
Anh hỏi tôi, nhưng câu hỏi của anh cũng là câu trả lời rồi!  (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.