Hôm nay,  

Thư Tiền Tuyến: Đừng Gọi Anh Bằng Chú

30/08/200900:00:00(Xem: 6718)

Thư Tiền Tuyến: Đừng Gọi Anh Bằng Chú

Mười Hai
(Trích KBC Hải Ngoại số 43, ngày 1 tháng 8 năm 2009)
Bệnh Xá Liên Đoàn… BĐQ, ngày… tháng… năm…
Bé Tư nhớ nhớ,
Thư này Mười Hai viết từ Bệnh Xá Liên Đoàn đó Bé Tư à!
Bé Tư biết không, cách đây chừng nửa tháng, Mười Hai bị thương trong một trận đánh khi đại đội mình bàn giao vị trí đóng quân cho đại đội bạn trên đỉnh Hòn Đèn cao trên 800 mét ở miền Trung.
Theo kế hoạch bàn giao, vào ngày N giờ G, mấy chiếc trực thăng võ trang bay bao vùng trên không phận, liên tiếp phóng rocket và đại liên vào các vị trí nghi ngờ có địch để bảo vệ và yểm trợ cho các trực thăng chở quân lần lượt đổ xuống đỉnh Hòn Đèn này từng tiểu đội một. Dùng trực thăng để đổi quân kiểu này thiệt không an toàn và không dễ ăn chút nào. Nhưng tình hình lúc này không thể bàn giao bằng đường bộ được Bé Tư à.
Thừa lúc “giao thời” này, từ mấy vị trí hiểm hóc đâu đó, bọn Việt Cộng thụt đại bác không giựt, bắn đại liên phòng không và tấn công mình. Biết trước thế nào tụi nó cũng chơi cái đòn này, hai đơn vị mình đã hợp tác chặc chẽ với nhau, vừa đánh trả vừa bàn giao nên chúng nó bị đẩy lui sau chừng nửa tiếng đồng hồ giao tranh. Rồi đại đội của Mười Hai tụt dần xuống khu rừng lưng chừng núi, ở đó chiều hôm qua một tiểu đoàn bạn đã đẩy lui địch quân, đang làm chủ tình hình và giữ an ninh nơi này.
Vào lúc này thì Mười Hai đang bị sốt rét rừng nó hành, lại bất ngờ bị thương nữa, nhưng phải chờ đến hôm sau trực thăng tải thương mới bốc đi được. May mà vết thương không nguy hiểm lắm. Phải nói là rất may. Khi Mười Hai khom người chạy thốc đến cái hố chiến đấu gần đó thì bị một viên đạn của địch bay ngược lại, băng xước từ vai trái, rạch một đường máu đỏ au tươi rói trên lồng ngực, rạch tiếp lớp da bụng rồi cắt đứt dây nịt đeo đạn bên hông phải. Mười Hai ngã sấp xuống, chú em mang máy đổ nhào lên mình Mười Hai, chết tại chỗ. Ngay lập tức Mười Hai được kéo xuống giao thông hào. Y tá đại đội vừa băng bó vết thương cho Mười Hai vừa xuýt xoa “Ông thầy may lắm… May lắm đó nghen… Nếu “nó” bay cao lên một chút là ông thầy… rửa cẳng rồi... là hỉ tẩy rồi!”. Trời đất…! Lính đánh giặc có khác, sao mà lì lợm quá, sao mà thản nhiên quá, giờ phút này mà còn đùa được, mà còn cà rỡn được.
Ấy chết, sao Mười Hai lại nói chuyện đánh đấm chết chóc với Bé Tư làm gì, chỉ tổ làm khuấy động tâm hồn Bé Tư vốn bình lặng như trang giấy trắng học trò với những dòng chữ xanh xanh tim tím xinh xinh thôi. À… Mà cũng tại Bé Tư hết, ai biểu mấy cái thư trước Bé Tư cứ nì nằn đòi Mười Hai kể chuyện chiến trường cho nghe chi.
Bé Tư cũng biết rồi đó, ở bệnh viện thì buồn lắm. Nhất là ở bệnh viện của lính thì khủng khiếp đến chừng nào bởi những tiếng rên la đau nhức tận xương tủy của thương binh. Ngày nào cũng có trực thăng tải thương chở thương binh về, đánh lớn mà. Có khi phải hai người nằm một giường, ngược đầu lại với nhau. Tình cờ Mười Hai nằm kế bên giường một cán binh Việt Cộng bị thương nát bắp vế và gãy xương đùi, nghe nói nay mai sẽ cắt bỏ phần này đi. Anh ta còn trẻ lắm, chừng mười sáu mười bảy tuổi gì đó. Mấy ngày đầu chú ta còn khóc sướt mướt, nhưng nay không còn khóc nữa, có lẽ không còn giọt nước mắt nào để khóc. Với đôi mắt thất thần, thật buồn, thật thảm nảo, chú ấy cứ nhìn Mười Hai, miệng lẩm bẩm “Em muốn về với bố mẹ… Về với bố mẹ… Ông ơi… !”.


Mười Hai cảm thấy thương cho chú ấy lắm như thương thằng em của mình. Khi đánh nhau ngoài chiến trường, vì chuyện tử sinh -- bắn chậm thì chết -- nên người lính phải nghiếng răng siết cò. Bây giờ là hai con người, hai tấm thân cùng đầu đen máu đỏ da vàng, cùng sứt mẻ nhầy nhụa, cùng tiêu hao sinh lực nằm cạnh nhau thấy mà tội nghiệp, mà thương mà xót lắm, Bé Tư à!
À… Nhớ nửa năm trước đây, trong một cuộc hành quân ở miền Tây, Mười Hai bị thương ở chân trái khá nặng, nhưng may cái là không bị gãy xương, được chở thẳng về Quân Y Viện Chương Thiện. Chừng một tuần sau thì thị xã tổ chức cho các em học sinh đến thăm và ủy lạo thương bệnh binh. Thật tình cờ, trong đoàn học sinh này có nhỏ Thanh Thanh là em áp út của Mười Hai đi cùng với Bé Tư. Hai người cứ quanh quẩn bên giường Mười Hai mà vấn an, mà hỏi chuyện làm Mười Hai ấm lòng lắm. Hai người lại hát cho nghe

Tôi viết tên anh trên gấm, trên nhung.
Tôi viết tên anh trên trán, trên tay
Tôi viết tên anh trong gió, trong mây
Tôi viết tên anh vào lòng biển lớn sông dài
Anh, lớp trai ngày nay
đắp xây ngày mai
Đem tự do cho người
mang niềm vui cho đời

(Tôi Nhớ Tên Anh – Hoàng Thi Thơ)
Rồi Mười Hai được quen Bé Tư từ đó. Quen nhau cả tháng trời mà Bé Tư cứ kêu Mười Hai bằng… chú, xưng… cháu hoài, làm Muời Hai thấy mình… già… dễ sợ, … già… chết đi được. Có lần gặp nhau ở quán bán nhạc, Mười Hai mua một bản nhạc kín đáo cuộn lại rồi tặng Bé Tư. Về nhà khi mở ra thế nào Bé Tư cũng… tủm tỉm cười vì đó là nhạc phẩm… Đừng Gọi Anh Bằng Chú của Diên An.
Em ơi đừng gọi anh bằng Chú
khi em em chín thơm hoa mộng
chưa vấn vương gì em lúc xuân thì
còn anh mới đôi mươi.

Có lần hai mình dạo phố, gió chiều thoáng chút tinh nghịch đủ cho hai tà áo dài trắng bay bay quấn quít bên đôi nạng gỗ. Mười Hai thấy Bé Tư vui lắm, có vẽ hãnh diện khi đi bệnh cạnh anh thương binh Mười Hai này với đôi nạng gỗ chậm rãi gõ từng nhịp lịch kịch trên hè phố. Ngồi trong quán nước dưới bóng dừa xanh, vừa gõ nhịp lanh canh ly đá chanh Bé Tư vừa khe khẽ hát
...
Em không còn gọi anh bằng Chú
nhưng sao anh vẫn nghe chưa vừa
Ông Chú bây giờ không muốn em là
người em gái anh đâu.

Mười Hai sung sướng vô cùng… Cám ơn Bé Tư nhiều lắm đó!
Chia tay nhau, Bé Tư tặng Mười Hai cuốn nhạc Hoan Ca của Phạm Duy viết cho tuổi ô mai với dòng chữ “Tặng anh với mười bảy ngọn nến. Bé Tư”. Mười Hai hiểu… hiểu rồi… Bé Tư à! Mười Hai lại phải cám ơn Bé Tư nhiều nhiều lần nữa đó nghen! Cuốn Hoan Ca đó được bọc nylon và luôn ấm cúng nồng nàn nằm gọn trong ba lô cùng Mười Hai đó đây ngược xuôi chinh chiến.
À… Mười Hai dặn nè… Bé Tư đừng ra ngoài này thăm Mười Hai chi, đường sá xa xôi lại chẳng an toàn mấy. Chừng hai tháng nữa xuất viện, Mười Hai sẽ có mười lăm ngày phép dưỡng bệnh về thăm gia đình và thăm Bé Tư luôn đó. Bé Tư nhớ nghen!
Thôi… Mười Hai mỏi tay lắm rồi, lại sắp đến giờ làm thuốc, Mười Hai dừng bút đây.
Mến chúc Bé Tư luôn xinh xinh và an lành.
Mười Hai

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.