Hôm nay,  

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo

09/08/200900:00:00(Xem: 2063)

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo

Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu chi tiết môn “Lifesaving”, tức “ môn thể thao liên quan đến các hoạt động cứu trợ thủy nạn”.
“Lifesaving” vốn là thuật ngữ dùng để nói về những hoạt động xã hội mang tính cách thiện nguyện nhằm cấp cứu, trợ giúp hoặc đề phòng các trường hợp gặp tai nạn trên mặt nước. Tuy nhiên, trải qua quá trình huấn luyện về kỹ thuật cấp cứu, trợ giúp hoặc đề phòng các trường hợp thủy nạn, những động tác ứng dụng đã được sáng chế thành môn thể thao mang cùng tên là “Lifesaving” và các tuyển thủ được gọi là “Lifesaver”. Một cách cụ thể hơn là trong mục đích nâng cao hiệu quả cấp cứu tính mạng của những người gặp thủy nạn, các đợt luyện tập và huấn luyện về kỹ thuật “Surf Lifesaving” (những hoạt động cấp cứu trên biển) thường được tổ chức trước hoặc sau mùa nghỉ mát của du khách tại các bãi tắm ở biển, sông, hồ. Chính từ những phương pháp huấn luyện kỹ thuật này đã phát sinh ra hình thức cạnh tranh của các bộ môn và từ đó hình thành môn thể thao “Lifesaving”.
Môn “Lifesaving” bắt nguồn từ những kỹ thuật “Surf Lifesaving” của Úc Đại Lợi và phát triển rất mạnh mẽ tại tiểu bang New South Wales. Hiện nay “Lifesaving” còn được xem là môn thể thao quốc hồn quốc túy của xứ Kangaroo.
So với những môn thể thao khác, “Lifesaving” mang đặc tính khác biệt căn bản là các tuyển thủ tham gia không vì tương tranh thắng bại mà chỉ muốn đạt đến mục đích có thể đối ứng kịp thời để cứu người gặp nạn một cách nhanh chóng và thực tiễn. Do đó, những cuộc tranh tài của môn “Lifesaving” được tổ chức tại các bãi biển hoặc các hồ bơi để tạo hoàn cảnh giả định về các trường hợp cứu nạn cho phù hợp với thực tế. Trường hợp các giải đấu tổ chức tại bãi biển thì vì điều kiện thiên nhiên thay đổi bất thường như sóng to, gió lớn, thủy triều lên xuống nhanh chậm, nhiệt độ tăng giảm đột ngột v.v…nên các bộ môn tranh tài không bị giới hạn thời gian. Vì vậy, môn “Lifesaving” đòi hỏi các tuyển thủ phải có nhiều kiến thức và kinh nghiệm đối ứng với hoàn cảnh tự nhiên nhằm đưa ra chiến thuật thi đấu thích hợp. Mặt khác, trường hợp giải đấu tổ chức tại các hồ bơi thì yếu tố thời gian được tính theo đơn vị rất chính xác ở mức độ cạnh tranh hơn kém từ 0.01 giây.
Do tầm quan trọng của ý nghĩa cứu người gặp nạn, nên môn “Lifesaving” không chấp nhận các động tác và hình thức sơ suất được biểu hiện qua những quy định về các trường hợp phạm lỗi như sau:
- Không xác nhận rõ ràng dấu hiệu cầu cứu của người đang bơi mà tự ý nhảy xuống nước.
- Không nhớ dấu hiệu cầu cứu.
- Để nước tràn vào lỗ mũi và miệng của hình nộm (mannequin: dùng để tượng trưng cho người đang bơi bị đuối).
- Để phao cấp cứu rời khỏi tay
-Trên nguyên tắc, khi mang hình nộm đến nơi an toàn (goal) là thời điểm chấm dứt hình thức tranh tài của tuyển thủ, nhưng thực tế cho thấy ngay sau khi mang nạn nhân đến địa điểm an toàn, các nhân viên cứu trợ còn phải thực hiện những hành động cấp cứu khác như hô hấp nhân tạo (CPR: Cardio Pulmonary Resuscitation). Vì vậy, sau khi mang hình nộm lên bờ đến vị trí an toàn được quy định, nếu các tuyển thủ ngã lăn ra hoặc ngồi xuống nghỉ mệt thì cũng bị xem như phạm lỗi.


Về phương diện lịch sử, giải đấu “Lifesaving” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1908 tại bãi biển Manly ở gần vùng ngoại ô thành phố Sydney-Úc Đại Lợi, gọi là giải “Surf Carnival”. Tiếp theo Syney, giải đấu theo hình thức quy mô toàn tiểu bang lần đầu tiên được tổ chức tại New South Wales vào năm 1915 và các giải đấu tương tự sau đó cũng lần lượt ra đời vào năm 1945 tại Queensland, năm 1951 tại West Australia. Từ đó, môn “Lifesaving” chẳng những thịnh hành trên khắp nước Úc mà còn được truyền bá rộng rãi trên toàn thế giới. Đặc biệt, các giải đấu tổ chức ngoài lãnh thổ Úc cũng thường lấy danh xưng là “Surf Carnival”. Đến năm 1956, Úc Đại Lợi tổ chức giải đấu mang tính cách quốc tế lần đầu tiên với sự tham gia của các đội tuyển Hoa Kỳ, Anh Quốc, Cộng Hòa Nam Phi và Ceylon (từ năm 1972 đổi tên thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Dân Chủ Sri Lanka). Kế đến, Úc Đại Lợi cũng thành lập giải “Lifesaving Chuyên Nghiệp” đầu tiên từ năm 1985 tạo động lực thúc đẩy việc hình thành “Liên Đoàn Lifesaving Quốc Tế” (ILF: International Lifesaving Federation) vào năm 1993. Dưới sự điều hành của ILF, giải “Lifesaving Thế Giới” gọi là “RESCUE” được tổ chức theo định kỳ 2 năm một lần và chính thức ra đời từ năm 1994.
Riêng tại Nhật Bản, giải đấu “Lifesaving” đầu tiên do “Hiệp Hội Chỉ Đạo Viên Konan” tổ chức tại bờ biển Zaimokuza thuộc thành phố Kamakura tỉnh Kanagawa vào năm 1975. Hiện nay, giải đấu này đã trải qua 33 lần tranh tài và được đổi tên thành “Giải Vô Địch Lifesaving Toàn Nhật Bản” (Zen Nippon Lifesaving Senshuken)
Song song với sự phát triển của những kỹ thuật cấp cứu và những phát minh về dụng cụ, các hình thức tranh tài mới cũng lần lượt được đưa vào môn “Lifesaving” theo các mốc thời gian như:
- Năm 1920, bộ môn “Beach Sprint” (đường đua chạy trên cát có cự ly 90m).
- Năm 1946, bộ môn lướt sóng “Longboard”, nhưng đến năm 1970 thì đổi thành “Paddleboard, tức chèo trên tấm ván.
- Năm 1947, bô môn “Beach Flag” (dành cờ cắm trên bãi cát) và “Surf Ski Race” (đua thuyền cá nhân gọi là thuyền Kayak)
- Năm 1966, bộ môn “Iron-man” hoặc “Iron-woman” (thi đấu thể lực kết hợp ba bộ môn gồm bơi lội, chèo trên ván và chèo trên thuyền cá nhân).
- Năm 1974, bộ môn “Taplin Relay Race” (thi đấu tiếp sức theo hình thức của bộ môn Iron-man)
Tuy các tuyển thủ dùng dụng cụ hoàn toàn giống với các vật dụng khi cấp cứu, nhưng cũng có trường hợp khác biệt về kích thước hoặc trọng lượng và gồm có những đồ vật tiêu biểu sau đây:
- Surf Ski: thuyền cá nhân giống như hình dáng của loại thuyền Kayak, có hai mái chèo. Xưa kia, loại thuyền này từng được dùng để cứu người nhưng hiện nay chỉ dùng cho các bộ môn tranh tài.
- Paddleboard: ván dùng để cấp cứu giống như loại ván dài (longboard) của môn trượt sóng. Khi thi đấu thì dụng loại ván nhẹ hơn.
- Mannequin: hình nộm, tượng trưng cho người gặp nạn, tuy chỉ nặng khoảng 4kg nhưng khi bơm nước vào thì có trọng lượng đến 40kg và không nổi được trên mặt nước.
- Rescue Tube: là một loại phao nổi hình ống có chiều ngang 14cm, dài 95cm và có gắn dây nối kết giữa các ống để cột quanh mình người gặp nạn cho nổi trên mặt nước.
- Rescue Board: ván cấp cứu được cải tiến từ loại ván dài của môn trượt sóng nhưng có trọng lượng, chiều dài lớn hơn và dễ dàng nổi trên mặt nước. Rescue Board dùng để đặt người gặp nạn nằm lên trên và đẩy vào bờ với tốc độ lướt trên mặt nước rất nhanh.
Về các bộ môn tranh tài của “Lifesaving” thì được chia làm hai hình thức chính là thi đấu tại bờ biển (Ocean Competition) và thi đấu tại các hồ bơi (Swimming Pool Competition). Tại bờ biển, các bộ môn còn được phân ra hai loại: thi đấu trên mặt biển gọi là “Surf Item”, và thi đấu trên bãi biển gọi là “Beach Item”. Theo luật định của ILF, có 12 bộ môn dành cho hình thức thi đấu tại bờ biển, 10 bộ môn dành cho hình thức đấu tại hồ bơi và một bộ môn bắt buộc cho cả hai hình thức được gọi là tắt là SERC (Simulated Emergency Response Competition: đối ứng trong tình trạng khẩn cấp giả định). Ngoài ra, trong các bộ môn này còn được chia ra nhiều thể loại tùy theo các giải đấu. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.