Hôm nay,  

Tns Webb Thăm Vn, Quan Ngại Hoa Lục...;

08/08/200900:00:00(Xem: 5778)

TNS Webb Thăm VN, Quan Ngại Hoa Lục...; TNS Webb Từng Lo Ngại TQ Khống Chế Biển Đông

Thượng Nghị Sĩ Mỹ Jim Webb sẽ đến thăm Việt Nam, theo bản tin đaì VOA hôm Thứ Sáu 7-8-2009. Một bản tin trên BBC cùng ngày, ghi lời bình luận của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng rằng chuyến thăm này sẽ ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ tại Biển Đông và Châu Á. Trong khi đó, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói trên đaì RFA rằng vùng Biển Đông cần có hiện diện của Mỹ, vì Trung Quốc đang ngaỳ càng ép Việt Nam.
Bản tin VOA cho biết Thượng nghị sĩ Dân chủ Jim Webb sẽ lên đường đi thăm một số nước trong khu vực châu Á trong đó có Việt Nam vào ngày chủ nhật tới đây.
Bản tin nói rằng Ông Web, một cựu binh đã tham chiến ở Việt Nam, là người am hiểu về khu vực và đã có nhiều hoạt động cá nhân liên quan đến các vấn đề ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương trước khi ông trở thành Thượng nghị sĩ.
Bản tin của Virginia News cho biết trong chuyến công du này, Thượng nghị sĩ Webb sẽ gặp các nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam cũng như các nhà lãnh đạo Thái Lan, Lào, Campuchia và Miến Điện.
Với tư cách là Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Webb là người theo dõi quan hệ của Hoa Kỳ với các nước ở Đông Nam Á, Đông Á, Thái Bình Dương và châu Đại Dương.
Hãng thông tấn Pháp AFP trích một công bố từ văn phòng Thượng nghị sĩ Webb cho hay chuyến đi này của ông nhằm tìm kiếm cơ hội để tăng cường lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực.
Hoạt động nổi bật nhất mới đây của ông Webb có liên quan đến khu vực này là việc chủ trì một phiên điều trần hôm 15 tháng 7 để thảo luận về vai trò của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông. 
Trong phiên điều trần này ông Jim Webb nói rằng Trung Quốc 'không chỉ đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị mà còn tìm cách mở rộng cả lãnh thổ'. Ông Webb cho rằng 'tiến trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc trực tiếp hỗ trợ mục tiêu đó'.
Thượng nghị sĩ Webb cũng dẫn lời các nhà quan sát đánh giá rằng hành động đe dọa của Trung Quốc, trong đó có việc bắt giữ các ngư dân Việt Nam cùng với việc cản trở các công ty dầu khí Mỹ hoạt động ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông), có thể sẽ 'gây trở ngại tới việc phát triển kinh tế tự do và thuận lợi trong khu vực'.
Cũng theo ông Webb thì Hoa Kỳ đã không có đủ các buổi thảo luận về vấn đề này và Hoa Kỳ là nước duy nhất có thể đóng vai trò là một nước bảo vệ có uy tín để các nước trong khu vực có thể phát triển kinh tế một cách thành công mà không sợ bị đe dọa.


Bản tin VOA cũng tường thuật lời Ông Webb bày tỏ sự lo ngại rằng Trung Quốc đang nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với Hoa Kỳ để trở thành một cường quốc hải quân.
Ông nói rằng nếu Hoa Kỳ muốn giữ vững vai trò là một cường quốc ở khu vực Thái Bình Dương thì các nhà lãnh đạo phải coi hải quân là một ưu tiên.
Trong khi đó, bản tin BBC hôm Thứ Sáu ghi lời Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học George Mason tin rằng các chuyến thăm vùng Đông Nam Á của Thượng nghị Webb có ảnh hưởng đến chính sách của hành pháp.
Trong cuộc nói chuyện với BBC Việt Ngữ ngày 7/8 giáo sư Hùng giải thích, trích:
“Thượng viện có ảnh hưởng gián tiếp đến chiến trường ngoại giao. Chính sách ngoại giao do hành pháp hoạch định, nhưng Thượng viện có ảnh hưởng nhiều chuyện. Họ quyết định ngân khoản. Chính sách nào không có tiền là không được. Thứ hai họ tổ chức hearing, hay buổi điều trần. Hearing lập ra để nó nói đến quan điểm, cái quan tâm của họ và hành pháp phải đáp ứng với chuyện đó.”
Mặt khác, một bản tin hôm Thứ Năm trên đài RFA ghi lời Giáo sư Ngô Vĩnh Long chuyên gia về Trung quốc và châu Á tại đại học Maine, Hoa kỳ, nói lên quan điểm của ông về vai trò cần phải có Mỹ tại biển đông:
“Lần đầu tiên trong bao nhiêu năm, chính phủ Mỹ có một chính sách rõ ràng và toàn bộ, tức là họ không chỉ nghĩ đến vấn đề biển đông mà còn nghĩ đến vấn đề trên bộ, vấn đề sông Mê kông và vấn đề an ninh cho cả khu vực, họ muốn cho biết họ đã có chính sách toàn bộ từ quốc hội ra đến chính phủ, rồi đến bà Clinton sang Đông Nam Á ký các hiệp định.
Vấn đề lớn là Mỹ muốn có một vai trò ở khu vực đó, chính phủ mạnh nhưng vẫn cần sự ủng hộ của dân chúng cho nên các nước ở vùng Đông Nam Á nên nhân cơ hội này giúp chính phủ Mỹ vận động dân chúng Mỹ, quốc hội Mỹ để họ có thể tiếp tục chính sách của họ.
Trung Quốc bây giờ muốn ép ngay chính Việt nam vì Việt nam là nước tiền đồn. Nếu Việt nam hoảng sợ và chịu luồn cúi Trung Quốc hay nhượng bộ Trung Quốc thì (điều đó) sẽ gởi một thông điệp không hay đến nước khác ở Đông Nam Á cũng như trong khu vực....”
Cũng cần nhắc dư luận chung của người Việt có quan tâm về tình hình đất nước, rằng khuynh hướng nhà nứơc Hà Nội kết thân và nhân nhượng quá mức đối với Bắc Kinh đã và đang làm quan ngại về viễn ảnh lệ thuộc và sẽ mất dần đất và biển về nước láng giềng Phương Bắc.      

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.