Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

02/08/200900:00:00(Xem: 2887)

Hồi ký: Thép Đen – Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Sau mươi ngày, tạm thời ổn định chỗ ăn, chỗ làm, tôi và Lê Văn Kinh định cuối tuần làm một cú xuất hành, đầu tiên ra chợ Bắc Ngầm. Một ngôi chợ Huyện của miền Núi (một tháng mới họp một lần). Cả Kinh và tôi ở những đường hướng khác nhau, nhưng có nhiều những cái chung, nên đồng cảm nhiều vấn đề.
Cách nhau vài tháng, nhưng Kinh và tôi đều bị bắt vào giữa năm 1962. Và bây giờ cùng ở một cái trại công nhân "đểu "này. Hai người đều có cái cảm giác: Đã 15 năm tù, cùng không vợ con, vậy sẽ đi hưởng tự do một chuyến, xem nó ra làm sao"
Cái ngày thứ Bẩy năm xưa ấy, vẫn hằn nét trong lòng tôi. Tôi chắc chắn Lê Văn Kinh (hiện ở Florida), cũng không thể phai mờ trong tâm tưởng hình ảnh ngày thứ Bẩy, của buổi ban đầu, sau 15 năm bị buộc kín trong chuồng.
Vào một sáng thứ Bẩy của tháng 10/1977, tôi không thể nhớ ngày. Trời Lào Cai, từ mấy ngày trước đã có những con nhạn trắng, dài mỏ ra réo gọi mùa Thu về. Hôm nay tôi mới lục dưới đáy chiếc hòm con (rương), cái quần Tergal mầu vàng, chiếc áo sơ - mi, ca rô sám. Các cậu Tiến Ga, Thọ Lột đã trang bị cho tôi, từ dưới Hỏa Lò ra mặc, chỉ có đôi giầy "ba- ta" mầu xanh là mới. Từ hôm đến trại Hồng Thắng, tôi đã quen với một cậu hình sự tội tham ô, tên là Nguyễn Trọng Phú. Tuổi chừng 30, người Sơn Tây, trắng trẻo, thư sinh, học hết lớp 10 hệ 10 năm. Phú tỏ ra rất mến tôi, thấy tôi chỉ đi một đôi dép râu hoài, cậu lục va li lôi ra đôi "ba ta" và niềm nở:
- Em tặng anh đôi "ba ta" này, mẹ em năm ngoái mới đưa lên tiếp tế cho em!
Thật bất ngờ, tôi xúc động ra mặt! Ở miền Bắc không còn cái kiểu chơi "ân tình" như thế này. Tôi đã ôm lấy Phú như một sự chấp nhận, không nói thành lời.
Lính quýnh trong bộ đồ, tâm trạng như đứa trẻ "mặc manh áo mới ngày Tết". Anh em nhìn tôi với những đôi mắt, đượm mầu xanh chia xẻ!
La Văn Thịnh đã thốt lên:
- Ông anh còn phong độ lắm!
Tôi quay lại nhìn Thịnh, dịu dàng: "Em lại cho anh đi "trực thăng giấy" rồi!" Trong bụng của tôi lại lẩm bẩm: Có "quê một cục" thì có!
Tôi và Kinh mới bước xuống sân, ngước nhìn lên trời tôi đã gặp cụ Nguyễn Khuyến: Trời xanh cao ngất mấy tầng cao...
Hình như hôm nay, cảnh và vật phố Lu có vẻ hưng phấn hẳn lên, cứ như chào đón chúng tôi. Từ những ngọn núi xa xa mầu xanh thẩm, đến những cánh rừng bạt ngàn xanh lam chung quanh, như đang mỉm cười với chúng tôi. Nhìn những cành thông gió đẩy đưa, nhấc lên, nhấc xuống ở bên đường, tôi còn có cảm tưởng như những bàn tay của núi rừng, đang vẫy chào chúng tôi. Trên một đoạn đường rừng gần 5 cây số dẫn đến chợ Bắc Ngầm, chúng tôi sóng bước đi bên nhau, đã nhiều lần ngoảnh lại phía sau rồi cùng nhìn nhau mỉm cười, với đôi mắt nhấp nháy như cùng hiểu: Chả thấy một tên công an võ trang nào đeo súng, đi "hầu" phía sau như mọi khi!
Phải rồi đã 15 năm, chưa bao giờ chúng tôi đi mà lại không có một vài tên công an võ trang cắp súng theo sau. Hôm nay mới thực sự là "tự do" trong cái lồng to!
Đã 40 tuổi rồi, đi trên đường chân tôi cứ thỉnh thoảng nhẩy "cẫng" lên như một cậu bé 14 - 15 tuổi. Không biết do đôi "ba ta" mới xỏ, hay trong lòng tôi" Chẳng biết được! Cứ cho là cả hai đi, có ảnh hưởng sai lầm gì đâu" Nhìn cheo chéo trên một hẻm đồi cao, trong đám rừng cây rậm xì, có một giòng suối con đang róc rách chảy đều đều, tôi chợt liên tưởng đến bài "Suối mơ" ngày xưa.
Tôi không thể kìm hãm lòng mình được nữa! Tôi đã rủ Lê Văn Kinh đến tận bên con suối, để ngắm nhìn cho đã! Biết đâu lại chả có những cô Thiên Nga, đùa giỡn đang tắm phía sau đồi! Một ngày qúa đặc biệt, tôi đã thả lỏng hồn tôi tự do lang thang đây đó! Tôi còn định kéo tay rủ Kinh vào gặp cụ Văn Cao trong Thiên Thai nữa chứ! Nếu Lê Văn Kinh không phản đối tôi kịch liệt...
- Thôi! Tôi không vào trong ấy đâu! Tại sao Bình lại cứ ngẩn ngơ, với những vật vô tri ấy như vậy"
Tôi đành dịu dàng năn nỉ:
- Kinh ơi! Một chiếc cầu ao, mái nhà tranh, một ngọn cỏ, một lũy tre làng, một ánh trăng, một giòng suối, một cây rừng v.v… Đúng là những vật vô tri theo bạn. Nếu bạn biết "xuất hồn "cảm nhận, thì những vật vô tri ấy đều có "hồn" cả. Chúng cũng biết giận hờn hay mừng vui chào đón bạn, chia xẻ với bạn nhiều lãnh vực, khi bạn vui cũng như lúc bạn buồn.
Tôi đã tha thiết vận dụng, cái óc nhiều "bã đậu"của tôi để nói nhiều. Nhưng nhìn đôi mắt mầu nhờn nhợt nâu nâu, của Lê Văn Kinh, tôi cũng đành ngừng lại. Kinh chẳng chiều, chẳng thông cảm cho tôi, thì tôi phải chiều Kinh vậy. Tôi kéo Kinh ra đường, tiếp tục đi, và chỉ nói những chuyện: Về chấp hành nội quy của Hồng Thắng. Đóng giường, tủ ghế, sao cho nhanh và đẹp. Chốc nữa đến chợ, mua được cái gì tươi để cải thiện cái dạ dầy v.v…
Từ xa, kia rồi, tôi đã thấy một đám đông người trên ngang lưng một ngọn đồi, cạnh đường đi. Những chiếc lều trống trải, một vài con bò, con trâu gầy, không phải để bán mà là những vật dụng, chuyên trở trên đường rừng. Trong đám đông hàng trăm người ấy, chỉ có dăm, mười người là Kinh, hầu hết là bán hàng, còn hầu như toàn là người dân tộc thiểu số. Tôi chẳng biết họ thuộc những sắc tộc gì; nhưng chắc chắn họ đều là người VN. Nhìn từ xa, ngôi chợ chỉ là một mầu nâu, hay sám. Bước vào chợ, có một cái mùi ngai ngái của phân trâu, phân bò, lẫn mùi cây rừng và đá núi, thành một cái mùi giản dị, mộc mạc thô kệch mà chất phác, của quê hương.
Cũng có vài tấm phản, trên có vài mảnh thịt của những con thú rừng như nai, hoẵng, gà Gô. Đa số là thịt khô đã treo trong bếp, ám mồ hóng lâu ngày. Tuyệt đối không có thịt trâu, bò, lợn, gà, vịt, gạo, đậu v.v… Những thứ này nhà nước đã quản lý chặt, phải đến cửa hàng Quốc Doanh, mua theo tem phiếu cố định, ở những thị trấn, thị xã.
Cảnh chợ hầu như người ta chỉ bán bằng thúng và mẹt, chỗ này một ông dân tộc, để trên cái mẹt vài cái nhạc ngựa bằng đồng, vài cái vòng tay, vòng cổ, hay giây chuyền của phụ nữ bằng bạc đã cáu ghét, đen xỉn lại. Chỗ kia mấy bà bày mấy qủa cây rừng, vài cái lược, cặp tóc v.v… Đồ dùng của phụ nữ, miền sơn cước.
Có 2 - 3 anh mặc quần áo xám bộ đội, tay đeo chiếc băng đỏ. Một hình thức như cảnh sát, giữ trật tự ở dưới xuôi. Một anh chừng 25 tuổi, nhìn tôi và Kinh bằng đôi mắt màu thiên lý thiện cảm, rồi cười. Chúng tôi cũng cười đáp lại và tôi đã làm quen. Anh tưởng chúng tôi là nhà báo, hay cán bộ miền xuôi, của nhà nước. Tôi đã nói thẳng, thật, chúng tôi là tù đã gần 2 chục năm rồi, bây giờ là công nhân ở Hồng Thắng. Có lẽ vì tôi tỏ ra thành thật chân thành, nên anh càng có thiện cảm hơn. Anh là dân tộc Thổ, tiểu đội trưởng du kích ở Bắc Ngầm. Anh chỉ tay về phía cuối đường, chừng nửa cây số, có mấy căn nhà lá con:
- Nhà tôi nớ!
Chiều tan chợ, tôi định ghé thăm nhà anh, tên anh là Sín Lồ hay Sín Lò tôi không còn nhớ rõ. Tôi và Kinh mua được mấy bắp ngô luộc, ăn thay bữa trưa. Mới khoảng hơn 2 giờ chiều, chợ đã vãn người, có lẽ miền núi họ phải về bản làng xa chăng" Nhìn ngôi chợ miền Núi về chiều, tôi chợt nhớ đến Bà Huyện Thanh Quan "Qua đèo ngang". Rồi lại nghĩ đến Hoàng Thanh trong "Bát Cảnh Danh Họa" đời Đường: "Sơn Thị Tình Lam" ở phân trại E. ngày nào! Tôi và Kinh còn mải mê ngắm nhìn con trâu gầy ở góc chợ, đang nhai cỏ, thì chính Sín Lồ đến. Anh muốn rủ chúng tôi trên đường về Hồng Thắng, ghé vào chỗ anh.
Khoảng 3 giờ, tôi và Kinh lang thang, thảnh thơi trên đường trở về Hồng Thắng. Đặc biệt là chúng tôi mua được 10 bắp ngô sống, định mang về công trường, ngày mai luộc ăn thêm.
Khi đi qua xóm nhỏ của Sín Lồ, chính anh lại ra đường vẫy chúng tôi vào, tôi kéo tay Kinh cùng đi vào! Thoáng bên trong có một cái chõng tre đã lên mầu thời gian; có hai thanh niên nữa. Sau khi chuyện trò được biết cả 3 anh đều là bạn và cũng là du kích của Bắc Ngầm, chúng tôi cũng chuyện trò xã giao. Tôi không thể quên được một sự việc trong lúc ngồi hút thuốc lá Hoa mai, uống trà chuyện trò, tôi nhìn lên vách thấy tấm hình của HCM bị lệch. Để tỏ cái "mắt thợ" của mình, và cũng để nghe xem sao, lòng của người dân Bắc Ngầm. Tôi chỉ tấm hình, nói như nhắc nhở:


- Tấm hình của bác Hồ, bị lệch kìa!
Cả 3 anh quay lại nhìn tôi, nửa như ngạc nhiên, nửa như thăm dò; Sín Lồ chậm rãi:
- Lệch đã lâu rồi! Có rơi cũng không sao"
Tôi nhìn Kinh rồi ngừng lại đấy, và chuyển đề tài:
- Các anh có hay ra thị xã Cốc Lếu chơi không" Và cách đây bao xa"
Sín Lồ lại vồn vã trả lời:
- Một, hai tháng mới ra một lần! Xa lắm! Đi xe đạp cũng hơn 2 tiếng, mới tới!
Thấy hôm nay, buổi đầu; như vậy là tạm đủ. Hơn nữa thái độ mấy cậu có vẻ bồn chồn, như sắp phải đi đâu, hay làm gì. Tôi nhìn Kinh như ra ý rồi quay lại từ giã ra về, hẹn một ngày thuận tiện sẽ gặp lại. Cả 3 cậu đều niềm nở tiễn đưa, chúng tôi ra đầu ngõ.
Vừa bắt tay với Sín Lồ, quay ra, tôi bàng hoàng giật mình, như có một gáo nước lạnh bất ngờ dội vào người. Một nàng tiên của núi rừng; phải nói là một sơn nữ, từ ngoài đường đang đi vào. Da cô trắng mát, ngược lại với mái tóc đen huyền, thò ra trong chiếc khăn vuông mầu xanh xanh đo đỏ. Lưng đeo một chiếc gù mây, chẳng biết đựng gì chỉ thấy một bông hoa rừng trắng toát lắc lư, nhô cao hơn miệng gù. Một bàn tay như thỏi sáp, hờ hững cầm vào một chiếc quai gù phía trên ngực, làm cho ngực của cô càng giồ lên. Đôi mắt của cô cũng đang mở to nhìn chúng tôi, như của một con nai tơ mới trong rừng sâu đi ra, bất chợt gặp bóng người.
Tôi ngây người ra đờ đẫn, chân không thể nhắc lên để bước đi. Mặt cô đỏ lên, rồi nhìn vào phía trong khu nhà, một giọng oanh vàng ré lên, như cầu cứu:
- Sín Lồ Cố!
Lê Văn Kinh đã kéo tay tôi đi, mà đầu tôi còn ngoảnh lại, cô sơn nữ cũng ngoảnh lại nhìn chúng tôi. Tôi ngoảnh lại vì tôi đang lục lại, và so sánh nàng sơn nữ đã từ lâu; qua văn, thơ vẫn êm đềm, nằm trong trí, hình dung tưởng tượng của tôi: Sơn Nữ ơi!.... Hoàng hôn xuống dần.... chờ đợi ai" Làm chi.... cho đớn đau lòng... Trong một thời gian rồi thương.... rồi nhớ... Sơn nữ ơi! Với cô sơn nữ tôi vừa gặp, khác nhau như thế nào!
Còn cô ngoảnh lại, tôi chắc cô ta cũng băn khoăn, không hiểu tại sao lại có một anh chàng, mặt lại đần ra như ngỗng ị thế" Trên đường về Hồng Thắng, Kinh nói những chuyện gì tôi chẳng hiểu và cũng chẳng còn nhớ gì hết.
Hôm sau chủ nhật, tôi nhớ đến anh chàng y tá Vũ Mạnh Tâm, khu tập thể công nhân xã hội (công nhân này không phải là tù như chúng tôi). Có khoảng hơn 100 người cả nam lẫn nữ, hầu hết từ thanh niên xung phong tuyển vào. Họ ở cách chúng tôi hơn 2 cây số, đang xây dựng mấy căn nhà "kiến thiết cơ bản" bên cạnh con đường ra phố Lu.
Tuần trước, tôi lang thang tò mò đã vào khu của họ và đã quen anh y tá tên là Tâm, chịu trách nhiệm y tế của khu. Anh ta khoảng hơn 4 chục tuổi có vợ con ở Bắc Ninh, tôi và anh đã hẹn nhau chủ nhật này để chuyện trò, quen biết bạn bè. Tôi cũng đã nói thẳng, vả lại đám công nhân này cũng biết Hồng Thắng có một trại công nhân "rởm".
Tôi tính lại rủ thêm Lê Văn Kinh, cùng là Biệt Kích Gián Điệp (biệt kíchGĐ) ở Sài Gòn, đi chơi thuận tiện hơn.
Tôi lại đóng bộ quần áo hôm qua đi Bắc Ngầm, đó cũng là bộ đồ duy nhất để diện. Ngoài một bộ đồ nâu và mấy bộ sọc (của tù) tôi vẫn thay đổi để đi lao động. Những ngày cuối tuần, trên đường đi rải rác đây đó, đã có những bóng dáng những anh chàng công nhân "rởm" của Hồng Thắng.
Tôi và Kinh đi đến một đoạn vòng cung của một ngọn đồi, thoáng thấy một bóng áo vàng đi ngược chiều. Đến gần ra là chính Tô Bá Oanh, như thế anh chàng này cũng thích trầm tư lang thang một mình. Mới chỉ một vài lần trao đổi tiếp xúc, khi ông ta vào lán mộc như quan sát, nhìn, xem xét của một ông giám đốc công trường. Nhưng tôi đã thấy Tô Bá Oanh, tuy mang cái lon Trung úy và chừng khoảng gần 4 chục tuổi như tôi, nhưng tôi cảm thấy tay này cũng khôn, quái và nhiều tham vọng lắm!
Chúng tôi đều cúi đầu chào theo thủ tục, mắt y lại sáng lên, tiến sang hẳn bên này đường, phía chúng tôi, tươi mặt vồn vã:
- Trông xa tôi lại tưởng là khách lạ, ở dưới xuôi lên!
Y nói, nhưng mắt chằm chằm nhìn quần áo của Kinh và tôi. Nhìn sang Kinh cũng bộ quần áo bộ đội hôm qua đi chợ, Kinh vẫn đi đôi dép râu "Bình Trị Thiên" như nhiều công nhân của Hồng Thắng. Chỉ có tôi mang đôi "Ba Ta" mới, nên hơi khác một chút, ở nơi núi rừng. Tôi cười và nói cho qua chuyện:
- Thưa ông! Bộ quần áo này tôi mua rẻ lại của các cậu bên hình sự!
Nói rồi chúng tôi chào, và rút lui ngay.
Vào khu công nhân xã hội, tìm đến buồng y tá của anh Tâm. Nhìn chung một vài nét, tuy ở nhà xây (cơ bản) những ngôi nhà, chính họ đã xây, tạm thời họ ở, để xây những cái tiếp. Hai khu Nam, Nữ ở hai nhà khác nhau.
Thoáng một số nét sinh hoạt, họ cũng nghèo nàn lạc hậu, chả hơn gì chúng tôi bao nhiêu, đặc biệt là tinh thần, họ rất lười. Với cái năng suất lao động như vậy còn kém chúng tôi hàng nửa, thời gian cả về mặt kỹ thuật. Họ lơ là, đàn đúm chơi đùa là nhiều.
Anh Tâm ở một mình, trong một căn phòng con chật hẹp của y tế. Bốn chục tuổi mà có vẻ trầm lắng, không giao thiệp nhiều với những công nhân khác. Quan điểm của tôi lúc nào cũng thể hiện chân thành trước, tôi cũng đã nói thẳng, nói thật chúng tôi là loại biệt kích gián điệp từ trong Nam ra Bắc v.v… Anh Tâm vui ra mặt, anh lăng xăng hoạt bát hẳn lên.
Tôi có cảm tưởng cuộc sống của anh bị buộc kín theo xã hội. Ở "bầu thì tròn ở ống thì dài" hôm nay anh gặp được mấy người thể hiện "tình người là chính" nên anh đã hưng phấn như thế"
Tôi đã được nghe nhiều sự thật, của cái hệ thống công nhân này. Như làm ít báo cáo nhiều, làm xanh lại báo cáo đỏ. Anh ở trong Đảng ủy của công trường, anh đã lập gia đình 5 năm rồi. Vợ anh cũng là Đảng viên, trong một xí nghiệp may ở Bắc Ninh. Vợ chồng anh có một đứa con trai 4 tuổi.
Tôi luôn mang một ý niệm: Mình có thật sự, như vậy đường mình đi là chính thống, vậy chỉ cần khéo léo trong hành xử, chắc chắn mình có tính hơn hẳn. Vậy thì bất kể với ai, dù chung quanh toàn là kẻ thù, nham hiểm là người của đối phương, ta vẫn mở cửa. Không phải chỉ có máy nhìn, mà có cả máy ngửi. Dù anh có bọc bao nhiêu lần vỏ, pha trộn bao nhiêu màu, ta tin tưởng sẽ nhìn vào cái nhân, vào bản chất của con người và sự việc. Rồi tùy theo, sẽ giải quyết theo chiều hướng ta muốn,
Có một chuyện vui mà tôi chưa quên: Sau khi Tâm biết chúng tôi là tù nhân 15 - 16 năm rồi, một loại tù phải chịu những hình thức khai thác ngặt nghèo, khác thường. Nghèo thôi, nhưng chân thành, chỉ có đậu phụng rang và ổi xanh với rượu trắng, mỗi người góp một đồng là có một bữa say, đầy nghĩa tình người. Trong lúc bên trong là say, bên ngoài là tỉnh, rồi lẫn lộn: Tâm rất băn khoăn thắc mắc: Tại sao tôi và Kinh đã trên dưới 40 tuổi, Tâm mới 35 tuổi lại già hơn, cằn cỗi hơn" Trong khi Kinh và tôi phải ở trong tù, khổ đau như vậy"
Chính Lê Văn Kinh cũng không thể giải lý rõ vì sao, mà chỉ quy cho là có người trẻ hơn tuổi; có người già trước tuổi là do trời, do máu, do giòng họ của mỗi một người.
Tôi đồng ý, chúng ta không thể phủ nhận được yếu tố đặc biệt này, nhưng nếu ta xét, ta nhìn cái chung: Một chục người cùng tuổi ấy, điều kiện ấy mà ở trong tù cách biệt kiên giam. Và một chục người cùng tuổi ấy, điều kiện ấy ở ngoài đời có vợ, có con thì sẽ thấy yếu tố trên, không còn đúng hoàn toàn nữa.
Tuy đầu tôi nghĩ thế, nhưng tôi vẫn ngồi im lặng; mãi cho tới khi cả Kinh và Tâm bắt tôi phát biểu ý kiến. Cũng đã gặp cụ Lưu Linh rồi, nên tôi mạnh bạo trình bày, dù tự biết đầu óc của mình có nhiều " sạn, sỏi ". Nhưng phải cởi mở lòng mình, phải chân thành như lòng mình đã, nên tôi đã mạnh dạn phát biểu:
- Tôi suy nghĩ thế này: Phật và Chúa nói theo từng tôn giáo, nói chung là đấng tạo hóa sinh ra con người. Ngài ban cho mỗi người kể cả đàn ông, lẫn đàn bà, một bọc, một cục sống. Nói một cách giản dị là tạo hóa ban cho mỗi người 1000 đồng chẳng hạn. Bằng nhau, ai cũng như ai: Nếu anh phung phí tiêu nhiều, về cuối anh còn ít. Ngược lại thì anh còn nhiều, đó là hình dung theo toán. Bây giờ ta hình dung có vẻ theo kiểu văn chương: Tạo hóa ban cho loài người đồng đều, mỗi người một sợi tơ đồng, để hưởng một thời hoa mộng. Nói chung, từ khoảng 20 tuổi đến 40 tuổi, cái dây tơ hồng đó, có qúy vị gẩy nhiều, người gẩy ít tùy theo. Bình thường trong 20 năm gẩy, thì sợi tơ đồng đó đã dão ra rồi, nên khi gẩy thì tiếng kêu của nó đã rè, đã đục. Các qúy vị cứ nhìn các ông cha, ông sư. Các ông ấy thường trẻ hơn, với những người cùng tuổi ở ngoài đời, đấy là cái chung. Chứ tôi hiểu cá biệt có những ông cha, những ông sư (nhất là ở Việt Nam hiện nay) các ông ấy không những vẫn gẩy đàn, mà còn gẩy hơi nhiều, gẩy hơn một người bình thường nữa. Như vậy thì ai cũng đã thấy, nếu đem cái dây tơ đồng của một ông 40 tuổi ra gẩy, nếu nó không rè rè thì nó cũng kêu bùng bục. Ngược lại, Lê Văn Kinh và tôi không gẩy và chưa hề dùng đến cái dây tơ đồng ấy. Nếu bây giờ đem gẩy thì nó vẫn thánh thót, du dương như thưở ban đầu vậy.
Tâm và cả Kinh đều cười ngặt nghẽo, cười bò ra, tay ôm bụng. Nỗi hưng phấn của Vũ mạnh Tâm, càng được đẩy cao; anh chạy đến chiếc tủ con, mở lấy ra một chiếc máy ảnh nhỏ, quay lại nói rổn rang:
- Đây là chiếc máy ảnh của ông anh Trung tá sư phó, mới mua ở Sài Gòn tháng trước, cho tôi mượn một tuần. Hôm nay anh em ta ghi một tấm hình, để kỷ niệm.
Truyện trên trời rơi xuống! Chụp ảnh ngoài xã hội lúc này còn khó, huống chi lại ở trong tù. Tôi nhoài người đến cầm chiếc máy, ngắm nghía. Máy ảnh của Nhật, TENKA II có automatic nữa. Ra ngay ngoài hè, Tâm chụp mấy tấm, trong đó có riêng một tấm Kinh và tôi. Có lẽ đó là một tấm hình đặc biệt duy nhất, của Kinh và tôi, chụp để kỷ niệm trong giai đoạn ở tù.
Buổi chiều trở về, mới bước chân vào đến cổng của Hồng Thắng, tôi mừng quá! Lý Cà Sa to lớn tiến lại bắt tay tôi, có một số công nhân mới chuyển đến, có thêm mấy anh biệt kích nữa trong đó có cả Nguyễn Cao Sơn (một chuẩn uý cuả Thủ Đức).
Trên đường vào chỗ của mình, đầu tôi suy tư: Lý Cà Sa mà được ra công trường HT, cũng là một sự khác thường.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.