Hôm nay,  

Đài Truyền Hình Al Jazeera

09/06/200900:00:00(Xem: 6387)

Đài Truyền Hình Al Jazeera

Vũ Linh
...Al Jazeera vẫn chưa thay đổi quan điểm đối với Mỹ...
Vừa tuyên thệ nhậm chức xong thì vài ngày sau, TT Obama đã dành cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên không phải cho một đài truyền hình Mỹ, mà cho một đài Ả Rập, phát hình từ Trung Đông. Ý định rõ ràng của ông là muốn gửi một thông điệp mới cho khối Hồi giáo.
Nhưng có lẽ ông đã chọn không đúng đài.
Đài truyền hình mà ông lựa là đài Al Arabiya, là một đài truyền hình có tầm vóc quốc tế tương tự như CNN International (khác với CNN của Mỹ). Nhưng nhỏ hơn CNN nhiều mà cũng không là đài truyền hình quan trọng nhất của Trung Đông và khối Hồi giáo. Đài truyền hình lớn nhất mà cũng là có tiếng nhất, có nhiều người coi nhất là đài Al Jazeera. Ở Mỹ, thỉnh thoảng ta đọc báo có nghe nói đến đài này. Bài này sẽ giới thiệu Al Jazeera với quý độc giả.
Đó đài truyền hình lớn nhất của khối Hồi giáo và Ả Rập.
Al Jazeera, có nghĩa là “Hòn Đảo”, với ý nghĩa hơi trịch thượng một chút, tự coi mình là đài duy nhất dám nói lên sự thật trong cái thế giới À Rập mà hầu hết các đài phát thanh và truyền hình đều bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ, nếu không là cái loa của các chính quyền này.
Đài Al Jazeera được Quốc Vương Qatar thành lập năm 1996 với vốn riêng của ông, lúc đó khoảng 150 triệu đô - nghĩa là không nhỏ. Qatar là một trong các nước đã kết hợp lại thành Liên Hiệp Các Vương Quốc Ả Rập, United Arab Emirates (UAE) trong vùng vịnh Ba Tư. Đây là liên hiệp của mấy vương quốc dầu hoả cực kỳ giàu có, trong đó có các thủ đô huy hoàng Doha, Dubai, Abu Dhabi,…
Mặc dù Al Jazeera là sở hữu của ông vua dầu hỏa Qatar, nhưng ông này chủ trương cho đài truyền hình được hoàn toàn độc lập, loan tin một cách đầy đủ, chính xác, và trung lập, không thiên vị phe phái.
Trong thời gian đầu, đài Al Jazeera chỉ là một đài phủ sóng vùng Trung Đông, hay đúng hơn vùng Vịnh thôi, không có tiếng tăm gì ngoài khu vực giới hạn đó. Và  lúc đầu thì trung lập thật. Nhưng rồi vì nhu cầu phục vụ khán thính giả Ả Rập trong vùng, đài chuyển hướng dần và bắt đầu có khuynh hướng thiên vị bất lợi cho Do Thái, kẻ thù chung của khối Ả Rập.
Con đường hoạn lộ và kinh doanh của Al Jazeera thay đổi hoàn toàn từ sau biến cố 9/11.
Ngay từ đầu thì đài đã có nhiều chương trình về vụ tấn công này nhất, nhiều hình ảnh nhất và nhiều bài xã luận nhất. Vì là đề tài nóng bỏng lúc đó, nên đài thu hút ngay được một số khán giả rất lớn. Dân trong vùng vốn dĩ không ưa Mỹ cho lắm, thấy Mỹ bị một nhóm Ả Rập đánh chí tử nên cũng khoái chí ngồi coi và bàn tán suốt ngày. Họ  có vẻ hãnh diện là một nhóm thanh niên Ả Rập đã hy sinh làm nên chuyện lịch sử, nhưng họ cũng lại sợ chuyện khủng khiếp này sẽ gây tai tiếng không tốt cho khối Ả Rập Hồi Giáo, biến hình ảnh khối này thành hình ảnh của một khối cực đoan, quá khích và tàn ác.
Nhưng ngọn cờ của đài này thật sự chỉ phất lên vào các năm sau, 2002 và 2003. Nhờ các cuộc chiến Afghanistan, Iraq, và nhờ Osama Bin Laden.
Trước hết, với cuộc chiến Afghanistan thì đài này vẫn có nhiều tin tức, hình ảnh và xã luận nhất. Tràn ngập những hình ảnh không lấy gì làm đẹp đẽ của cuộc chiến: lính Mỹ xả súng bắn loạn xà ngầu, xe tăng chạy ngang dọc, trực thăng bắn hỏa tiễn vào nhà dân, nhà cháy, trường học xập, nhà thương bị đạn lỗ chỗ, thường dân chết, trẻ em bị thương máu me đầy mình khóc inh ỏi… Thỉnh thoảng lại kèm theo vài hình ảnh rẻ tiền kiểu một con búp bế nằm trên đống tro lửa đạn. Những hình ảnh quen thuộc của mọi cuộc chiến nhưng rất được dân Ả Rập (cùng tâm trạng với dân cấp tiến phản chiến bên Mỹ) thích thú vì hợp nhãn.
Họ vừa coi vừa có dịp chửi Mỹ và Bush.
Rồi đến các thông điệp của Osama Bin Laden. Không rõ vì lý do nào đó, Bin Laden chọn Al Jazeera là đài phát đi các thông điệp của ông. Thông điệp được thu băng ở đâu đó rồi lén truyền đến Al Jazeera, đài này cho phát lại nguyên văn, nhưng tránh không bình luận gì hết, không chỉ trích, cũng không cổ võ.
Lúc đầu, có lẽ vì ganh tỵ, Al Jazeera bị các đài khác chỉ trích là làm ống loa cho khủng bố. Nhưng sau đó tất cả các đài truyền hình, kể cả các đài Mỹ, tranh nhau mua lại thông điệp của Bin Laden để phát tiếp. Tên tuổi và uy tín của Al Jazeera nổi như cồn.
Đầu năm 2003, Mỹ đánh Iraq. Lại là một dịp cho Al Jazeera bốc với những hình ảnh quen thuộc của chiến tranh, chết chóc và lửa đạn, chiếu gần như thường trực hai mươi bốn giờ mỗi ngày.
Ở đây cũng phải nói bên Mỹ có một số dư luận chỉ trích Al Jazeera đã phổ biến những khúc phim ghê rợn của mấy tên khủng bố dùng dao cứa cổ các con tin. Thật ra, Al Jazeera chưa bao giờ chiếu những khúc phim đó, đồng thời cũng mạnh mẽ lên án loại hành động dã man rất tai hại cho hình ảnh khối Hồi giáo và Ả Rập đó.
Đến cuối năm 2006 thì thật sự Al Jazeera trở thành kình địch có tầm vóc của các đài truyền hình quốc tế lớn như Bloomberg, BBC International và CNN International. Al Jazeera mở thêm đài Al Jazeera English, phát hình hai mươi bốn giờ bằng Anh ngữ từ bốn cơ sở chính: Doha, thủ đô của Qatar, Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn và Tân Gia Ba. Tất cả chuyên viên đọc tin đều là người Anh hay Mỹ, phần lớn chiêu dụ từ CNN hay BBC qua.
Ngày nay, hầu như các khách sạn quốc tế trên thế giới đều bắt buộc phải có mấy đài này. Tại Mỹ, đài cable DISH TV cũng có truyền lại Al Jazeera, nhưng hình như chỉ giới hạn trong một ít tỉnh ngoài Hoa Thịnh Đốn như New York, Houston và Chicago, là những nơi có đông dân Ả Rập.


Và rồi đặc tính ít thân thiện với Mỹ cũng càng ngày gia tăng, nếu không muốn nói là đến mức kình chống, dù Vương Quốc Qatar vẫn là một đồng minh quan trọng của Mỹ.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, dĩ nhiên là đài này công khai cổ võ cho ứng viên Barack Obama, “một niềm hy vọng lớn cho cả nhân loại”. Sau khi Obama đắc cử thì khuynh hướng bài Mỹ có phần bớt đi một ít, nhưng vẫn không tránh khỏi hoàn toàn.
Thái độ của Al Jazeera thay đổi khá rõ ràng qua một hình ảnh đặc biệt. Al Jazeera có một phóng sự đặc biệt về Mỹ và cuộc chiến tại Iraq, và mở đầu chương trình bằng một khúc phim giới thiệu ngắn chừng 15 giây, cho coi một loạt hình ảnh nước Mỹ. Bắt đầu bằng hình ảnh tượng Saddam Hussein bị kéo sập tại Bagdad, rồi qua hình TT Bush mặc đồ bay đọc diễn văn trên hàng không mẫu hạm, sau lưng là biểu ngữ “Mission Accomplished”, rồi đến hình ảnh lính Mỹ hành quân tại Iraq, bắn đại liên ào ào vào nhà dân. Rồi chuyển qua hình TT Obama tươi cười bước xuống trực thăng, giơ tay chào một quân nhân Thủy Quân Lục Chiến đang nghiêm chỉnh chào ông, rồi đến hình ảnh ông đọc diễn văn trước sự hô hò hét cuồng nhiệt của hàng triệu người trong ngày lễ đăng quang, phía sau là rừng cờ Mỹ bay phất phới.
Nhưng đó cũng chỉ là chuyện hình thức nhỏ. Nói chung, Al Jazeera vẫn giữ thái độ không mấy thân thiện với Mỹ, cho dù TT Obama đã nhiều lần xác nhận Mỹ không phải là kẻ thù của Hồi Giáo,
Ngoài phần tin tức, v à cũng như các đài khác, Al Jazeera luôn có nhiều chương trình phỏng vấn các nhân vật và chính khách nổi tiếng, những thiên phóng sự về các vấn đề thời sự quan trọng.
Trong vài tháng vừa qua, đài này có vài thiên phóng sự tiêu biểu.
Một về việc quân đội Do Thái bị tố cáo dùng bom lân tinh thả xuống khu dân cư Palestine tại Gaza, gây thương tích nặng nề cho trẻ em Ả Rập trong vùng, với đầy đủ hình ảnh trẻ em với vết thương khủng khiếp, kèm theo những lời tố cáo của dân chúng về tính dã man của lính Do Thái, với phỏng vấn một vài viên chức Ả Rập. Có cả một cuộc phỏng vấn một giáo sư đại học Do Thái, xỉ vả chính quyền Do Thái hiếu chiến và tàn ác.
Trí thức mà không “cấp tiến và phản chiến” thì không phải là trí thức! Nhưng họ  chỉ “phản chiến” chống “phe ta” thôi, còn phe địch thì luôn luôn có chính nghĩa. Giáo sư Do Thái thì phải phản chiến chống Do Thái hoan hô Palestine. Ở đâu cũng vậy, lúc nào cũng thế! Mới đây báo chí có loan tin một cặp vợ chồng giáo sư đại học Mỹ đã làm gián điệp không lương cho Fidel Castro trong hơn 30 năm vì ngưỡng mộ tư tưởng cấp tiến của Castro, chứ không vì tiền.
Ở Việt Nam ngày xưa, phản chiến quốc gia hay phản chiến quốc doanh cũng đều đả đảo Mỹ và chính quyền Miền Nam mà hoan hô VC. Họ không chống hành động xâm lăng võ trang của Cộng sản Bắc Việt, mà chống lại chính quyền Miền Nam đã “hiếu chiến” dùng võ lực ngăn chận cuộc xâm lăng.
Ở Mỹ ngày nay, cấp tiến là phải chửi Mỹ và xin lỗi khủng bố.
Một thiên phóng sự khác của Al Jazeera cho coi tình trạng hiện nay Detroit, thủ đô của kỹ nghệ xe hơi Mỹ. Những gì người xem nhìn thấy không phải là phong cảnh hữu tình hay những tòa nhà cao ốc nguy nga, mà toàn là hình ảnh dân homeless say rượu lang thang đi nhặt loong không, băng đảng Mễ đánh nhau với băng đảng đen, các khu nhà cũ kỹ đổ nát, rác rưởi, các hãng xưởng xập tiệm đóng cửa, các nhà treo bảng foreclosed… 
Mới đây nhất, đầu tháng Năm, Al Jazeera làm một phóng sự đặc biệt về lính Mỹ tại Afghanistan.
Theo Al Jazeera, một số các tổ chức truyền giáo của Công giáo, Tin lành, Cơ đốc Mỹ đã cho in Kinh Thánh -Bible- bằng tiếng Pashtun, là ngôn ngữ của một trong các bộ lạc chính của A Phú Hãn (tổng thống Hamid Karzai của A Phú Hãn là người Pashtun), trao cho lính Mỹ mang sang phổ biến tại A Phú Hãn.
Chuyện ấy đối với chúng ta thì chẳng có gì quan trọng lắm. Nhưng lại là vấn đề lớn tại đây. Theo luật Hồi giáo -Sharia law- bất cứ hành động truyền bá đạo gì ngoài đạo Hồi cũng là hành động có thể bị tội tử hình. Al Jazeera làm rùm beng, Bộ Tư Lệnh quân đội Mỹ tại Afghanistan cải chính chối chết, không có chuyện lính Mỹ đi truyền đạo, mặc dù Al Jazeera cho coi rõ ràng hình một sĩ quan tuyên úy Mỹ đứng cúi đầu đọc kinh cùng với một đám quân nhân Mỹ, sau lưng họ là một xấp Kinh Thánh bằng tiếng Pashtun.
Rồi một tuần sau, Al Jazeera loan tin Hoa Thịnh Đốn đã ra lệnh tịch thu lại tất cả các cuốn Kinh in bằng tiếng Pashtun, và còn có tin không được kiểm chứng là những bộ kinh này đã bị đốt hết. Dĩ nhiên, không có tờ báo hay một đài truyền hình nào ở Mỹ dám đăng tin này. Sợ làm khó dễ TT Obama, bắt ông phải giải thích một chuyện tế nhị"
Có thể nói rằng sự thành công vượt bực của Al Jazeera trong một thập niên qua là vì đài đáp ứng được một nhu cầu, thể hiện một tiếng nói chung của khối hơn một tỷ người Hồi giáo. Cho đến nay, bất chấp chủ trương hòa hoãn của TT Obama với khối Hồi giáo, Al Jazeera vẫn chưa thay đổi quan điểm đối với Mỹ. Vẫn đượm mùi bất thân thiện.
Ngày nào Mỹ còn là đồng minh bảo đảm sự sinh tồn của Do Thái thì ngày đó khối Ả Rập Hồi giáo vẫn không thể chấp nhận Mỹ cho dù TT Obama có xin lỗi cả trăm lần cũng vậy, và Al Jazeera vẫn chưa thể hay chưa dám thay đổi thái độ đối với Mỹ. Vài ngày trước đây, TT Obama qua thủ đô Ai Cập đọc diễn văn cầu hòa với khối Hồi Giáo. Al Jazeera có chương trình đặc biệt cả nửa ngày trời. Kết luận của đài: giọng nói thay đổi -the tone has changed- nhưng chưa ai thấy gì cụ thể! (07-06-09)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.