Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Xuất Cảng Giáo Dục

31/05/200900:00:00(Xem: 3442)

Thời sự nước Úc: Xuất cảng giáo dục - Hoàng Đ.Thư

Trong lúc mọi kỹ nghệ khác ở Úc đều bị ảnh hưởng không ít thì nhiều vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì kỹ nghệ xuất cảng giáo dục - nói khác là dịch vụ thâu nhận sinh viên ngoại quốc sang Úc du học - chẳng những không bị suy thoái mà lại còn tăng tiến hơn trước. Theo một cuộc nghiên cứu gần đây của Access Economics thì sinh viên ngoại quốc đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho sự sống còn của những trường đại học, cao đẳng kỹ thuật, huấn nghệ chính mạch và cho cả nền kinh tế Úc. Thế nhưng, có không ít những kẻ gian manh đã nhân cơ hội này tìm cách lường gạt các sinh viên du học một cách trắng trợn. Sau đây xin mời qúy độc giả theo dõi bài phỏng dịch thiên phóng sự tựa đề “Our Schools For Scandals” của ký giả Sushi Das được đăng tải trên nhật báo The Age ngày 23/5/09 để có thể thấy được vì sao mà nước Úc hiện nay lại sa vào hoàn cảnh mà những kẻ lưu manh mở trường huấn nghệ dỏm với sự tiếp tay của các chuyên viên di trú ở nước ngoài trắng trợn bóc lột lường gạt sinh viên ngoại quốc du học như hiện nay.

*

Cú sốc lớn nhất của Ajay khi cậu từ Ấn độ đặt chân đến Melbourne là việc cậu khám phá rằng ga xe điện Flinders Street Station không phải là ngôi trường huấn nghệ mà cậu sẽ theo học khóa nấu ăn chuyên nghiệp (cookery). Một gã chuyên viên mánh mung ở Ấn độ đã cho cậu xem một tấm hình của nhà ga này và vẽ vời một câu chuyện huyễn hoặc rằng nó là một trong những trường đại học huấn nghệ cao cấp nhất Melbourne. Gã này chắc chắn đã được một trường huấn nghệ tư nào đó ở Úc thuê mướn để dẫn dụ thu hút sinh viên ghi danh với họ.
Khi còn ở Amritsar (tỉnh nhà) thì Ajay cương quyết rằng cậu chỉ muốn theo học ngành graphic arts mà thôi. Thế nhưng, gã đại diện bảo với cậu rằng học nấu ăn vẫn là một sự lựa chọn tốt hơn, dễ dàng hơn, và một khi đã đến Úc thì cậu có thể dễ dàng đổi khóa học hoặc thậm chí đổi cả trường học nữa, bởi vì, ở một thành phố tuyệt vời như Melbourne, một nơi có lắm công ăn việc làm thì không có chuyện gì mà người ta lại không thể làm được.  Vì quá hứng thú trước viễn tượng được làm một chuyến phiêu du ngoại quốc cộng với ước vọng có thể mang lại niềm hãnh diện cho cha mẹ mình, cậu thanh niên 19 tuổi này ký vào chỗ trống trên tờ đơn. Bây giờ thì ngôi trường tư mà cậu ghi danh theo học lại không cho phép cậu được quyền rời trường để theo học ở một nơi khác. Và cậu bị kẹt cứng, sống tạm ở Springvale, mang mộng trở thành một graphic artist nhưng hàng ngày lại phải đi học làm đầu bếp.
Ajay chỉ là một trong hằng hà sa số sinh viên ngoại quốc bị lường gạt, lột sạch tiền bạc hoặc bị lừa dối một cách trắng trợn bởi những tay đại diện ở ngoại quốc của các cơ sở giáo dục. Những tay này, trên nhiều phương diện, là đầu nậu của kỹ nghệ giáo dục quốc tế trị giá $15 tỷ Úc Kim của Úc. Đây là mặt hàng xuất cảng đứng hàng thứ 3 của Úc, chỉ sau có than và sắt mà thôi. Thế nhưng không phải chỉ có những gã ngoại quốc gian manh mới làm nhơ nhuốc ô danh cho kỹ nghệ này. Hiện nay có một con số đáng ngại những kẻ điều hành trường tư ở Úc - những kẻ mà tổng trưởng di trú Chris Evans tuần qua đã gọi là “bọn gian manh” (crooks) - sẵn sàng lừa đảo các sinh viên này một khi họ vừa đặt chân đến Úc.
Người ta tin rằng một số trường huấn nghệ tư nhân là hang ổ của bọn lường gạt với những kẻ điều hành trường lén lút nhận tiền mặt để cấp chứng chỉ ma, để viết giấy chứng nhận kinh nghiệm làm việc dỏm và để nâng điểm cho học viên. Những chuyện này có thể là những chuyện phi pháp, thế nhưng, một số sinh viên ngoại quốc xem đấy là phương cách nhanh chóng nhất và dễ dàng nhất để có thể lấy được cái phần thưởng mà họ thèm muốn nhất: tư cách thường trú nhân ở Úc.
Tuần qua, sau khi đã liên tục chối bỏ tầm sâu rộng của vấn nạn liên quan đến những tư thục huấn nghệ gian manh thì chính phủ tiểu bang Victoria đã tuyên bố sẽ kiểm tra 16 trường vốn tạo nhiều “nguy cơ cao” (high risk) cho sinh viên ngoại quốc. Quyết định này được đưa ra sau khi nhật báo The Age đã lên tiếng tố giác rằng trường South Pacific Institute, một trường tư thục huấn nghệ ở Melbourne, đã nhận tiền của sinh viên để sửa điểm cho cao hơn và đồng thời trường này đã thuê mướn giáo viên không đủ tiêu chuẩn, không có bằng cấp. Trường đã phủ nhận những lời tố giác ấy.
Thế nhưng, vì sao lại có thể đi đến tình trạng như thế này chứ" Có phải cho đến bây giờ đã có một sự chần chừ, không muốn làm sạch một kỹ nghệ béo bở vốn là cột trụ của nền kinh tế Úc chăng" Phải chăng một số sinh viên cũng đồng thuận trong các vụ lừa đảo vốn nhắm vào việc đảm bảo tư cách thường trú nhân ở một quốc gia đang trói buộc chặt chẽ thị trường giáo dục vào chung với chương trình di trú, như một nỗ lực nhằm điền khuyết sự thiếu thốn những kẻ có tay nghề chuyên môn, đồng thời mang đến nhiều tỷ Úc Kim từ ngoại quốc hay không"
Không phải mọi sinh viên ngoại quốc đều bị lường gạt tiền bạc. Thế nhưng những kẻ bị lường gạt thường bắt đầu chặng đường bị bóc lột của mình ngay tại quê hương của họ, với những đại diện giáo dục đặt chuyện nói dối với họ về ngôi trường của họ, về khóa học của họ, về mức sanh hoạt ở Úc cũng như về hệ thống giáo dục của Úc nói chung. Phần lớn các trường đại học, trường TAFE và trường tư đều thuê mướn người đại diện ở các quốc gia khác trên khắp thế giới hầu có thể tuyển mộ, thu hút học viên ngoại quốc. Các tay đại diện này sẽ nhận được tiền huê hồng - theo giá thị trường hiện nay - cho mỗi sinh viên ghi danh theo học tại những trường huấn nghệ (training college) là 25% tổng số học phí mà người sinh viên ấy sẽ đóng cho trường. Đây là một món tiền không phải là nhỏ.
Một vài đại diện là những người thật tốt. Những người khác thì không. Chính phủ liên bang hiện không có một cơ sở nào để kiểm soát và theo dõi những người này cả. Chỉ có một quy chế hoạt động toàn quốc vốn giao cho các trường đại học và trường huấn nghệ cái trách nhiệm kiểm soát toàn bộ hệ thống này. Luật pháp bắt buộc họ phải bảo đảm rằng họ không sử dụng các tay đại diện thiếu thành thật. Họ cũng phải theo dõi, kiểm soát hoạt động của các đại diện này, cung cấp cho những người này các dữ liệu chính xác và phải nhanh chóng loại bỏ bất kỳ một đại diện nào mà họ thoáng nghi ngờ là kẻ lường gạt.
Theo một nguồn tin ở Ấn độ cho biết thì một trong những vụ làm ăn phi pháp này bắt đầu với việc các tay đại diện cho sinh viên “mượn tiền mặt”. Những bản lược kê chương mục từ ngân hàng cho thấy chương mục có nhiều tiền là bước đầu tiên để lường gạt chính phủ Úc khi thẩm định xem các sinh viên này có đủ tài chánh để có thể sống tự túc ở Úc hay không.
Chính phủ Úc cũng đặt ra trình độ Anh Ngữ tối thiểu mà một sinh viên cần phải có. Thế nhưng những người “chuẩn” sinh viên này có thể mua những chứng chỉ giả về trình độ Anh Văn từ các tay đại diện ở ngay đất nước của họ. Đã có nhiều kẻ giả mạo giấy tờ bị cảnh sát Ấn Độ và công an Trung Hoa tóm bắt.
Một vài tay đại diện còn hốt bạc từ hai đầu nữa: một mặt thì ăn tiền huê hồng của các trường ở Úc, mặt khác thì buộc các sinh viên phải trả tiền cho dịch vụ môi giới của họ. Praveen phải trả cho tay đại diện người Ấn 10,000 Ấn Kim (rupees) - tương đương với $270 Úc Kim - để được ghi danh theo một khóa có liên quan đến y tế. Cô đến Úc chỉ để khám phá rằng mình bị ghi danh theo học một khóa uốn tóc! Trường của cô không cho phép cô đổi khóa học hoặc đổi sang trường khác. Cuối cùng thì cô đành phải chấp nhận học khóa uốn tóc bởi vì cô không còn giải pháp nào khác để thoát khỏi hoàn cảnh éo le này. Cô cho biết trường của cô đã không cung cấp cho cô một sự hỗ trợ nào cả.
Bà Virginia Pattingale, một nhà khoa bảng thuộc đại học Flinders cho rằng chính phủ liên bang phải buộc các đại diện giáo dục đăng bộ chính thức với chính phủ, tương tự như các đại diện di trú (migration agents) vậy. Bà cho biết là cùng với sự phát triển của nền giáo dục toàn cầu thì những vụ giả mạo bằng điện toán cũng trở nên tinh vi hơn. Hồ sơ giả, trộm cắp lai lịch, sửa đổi sơ yếu lý lịch và việc đánh cắp huy hiệu cùng với chữ ký của viện trưởng viện đại học.v.v. đều có khả năng đục thủng sự khả tín, thanh liêm của hệ thống giáo dục quốc gia.


Chính phủ liên bang tuyên bố rằng những đại diện giáo dục ở ngoại quốc nằm ngoài thẩm quyền của họ, và vì thế, có thành lập sổ đăng bộ cũng vô ích mà thôi.
Đầu óc thuần thương mại trong phong thái đối phó với việc quốc tế hóa kỹ nghệ giáo dục đã mang đến một sự thành công quá sức tưởng tượng. Nước Úc hiện nay có tỷ lệ sinh viên ngoại quốc cao nhất (19%) so với tất cả mọi quốc gia trong khối OECD (Organisation for Economic Co-operation & Development - Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế). Nhiều cuộc thăm dò cho thấy Úc được xem là nơi tương đối rẻ và an toàn để sinh viên ngoại quốc đến học hơn là Anh Quốc và Hoa Kỳ, hai quốc gia cạnh tranh chính với Úc trong lãnh vực này. Thế nhưng, sự thu hút thực sự là việc chính phủ liên bang cấp cho những sinh viên này một ngả đường hợp pháp để trở thành thường trú nhân.
Nói chung, trong lãnh vực giáo dục huấn nghệ thì các sinh viên phải lấy được bằng cấp, chứng chỉ, đồng thời cung cấp giấy chứng nhận cho thấy đã hoàn tất đủ 900 giờ làm việc lấy kinh nghiệm trước khi họ có thể nộp đơn xin thường trú. Bù lại, những tay nghề mà họ học được từ những khóa học của họ sẽ giúp cho nước Úc đáp ứng được nhu cầu cần người lao động có tay nghề. Thế nhưng, một khi đến Úc thì các sinh viên này thường phải đối phó với những thử thách mới, nhất là khi mà họ lỡ ghi danh vào những trường tư vốn là những nhà máy sản xuất giấy chiếu khán hơn là những cơ sở giáo dục huấn nghệ thực thụ.
Các sinh viên cảm thấy bất mãn chán chường vì hệ thống này ngày càng đổ dồn đến một tổ chức mới vừa được thành lập thuần túy với mục đích cấp những dịch vụ yểm trợ cho họ. Ông Robert Palmer, một chuyên gia giáo dục vốn cảm thấy quá kinh tởm về cách mà một số sinh viên bị đối xử nên ông đã thành lập tổ chức Overseas Students' Support Network Australia - Mạng Lưới Hỗ Trợ Sinh Viên Ngoại Quốc ở Úc. Ông có nhiều tủ hồ sơ đầy dẫy những trường hợp điển hình.
Sau đây là một vài thí dụ: Cậu Sandepp cho biết sau khi cậu trả đủ học phí thì cậu khám phá rằng trường của cậu không có phương tiện để dạy nấu ăn và thậm chí không có giấy phép để giảng dạy cho sinh viên ngoại quốc nữa. Cô Meenu nói rằng trường của cô đã lấy $4,000 Úc Kim lệ phí của cô nhưng sau đó đã hủy bỏ việc ghi danh của cô mà không hề giải thích một lời nào ngoại trừ “những chuyện như thế này thường xảy ra trong hệ thống này”. Cậu Raj (người Ấn) cho biết cậu phải vất vả vô cùng để có thể hiểu được những bài học trong lớp học môn “pre-press” trong khóa graphic arts của cậu bởi vì lớp này được giảng dạy bằng tiếng Hoa!
Rồi còn có nhiều bản tường trình khác về các trường học không giữ hồ sơ điểm danh đến lớp kỹ càng, về giáo trình được dạy từ sau ra trước và thời khóa biểu thường xuyên thay đổi khiến sinh viên khó thể nào tìm được việc làm bán thời thích hợp.
Phóng viên của The Age đã phỏng vấn vài chục sinh viên từ nhiều trường huấn nghệ tư nhân khác nhau ở Melbourne trong ba tháng qua. Tất cả những sinh viên này đều đưa ra điều kiện chỉ nói sự thật khi danh tánh được giấu kín bởi vì họ e ngại sẽ bị rắc rối, có vấn đề khi xin gia hạn chiếu khán. Một số cho biết họ bị bắt nạt, và bị ép buộc phải trả học phí trước nếu không sẽ bị trục xuất khỏi Úc. Một số nữa thì không được cấp kết quả thi nếu họ không trả thêm tiền mặt. Nhiều người khác nữa cho biết họ bị ép buộc phải nộp phạt $250 Úc Kim mỗi lần đến lớp trễ, cho dù chỉ trễ vài phút mà thôi. Hai sinh viên khóa nấu ăn cho biết họ bị giáo viên ép phải chùi rửa cầu tiêu. Một người nữa cho biết khóa Anh Ngữ 15 tuần của anh ta bị chấm dứt ngang xương sau 10 tuần nhưng trường của anh nhất định từ chối không bồi hoàn cho anh số tiền học phí đã đóng của 5 tuần còn lại.
Học viên của South Pacific Institute, ngôi trường vốn đang bị điều tra, lên tiếng tố giác rằng họ được bảo nếu họ đóng thêm $200 thì họ sẽ được nâng điểm. Trường phủ nhận những lời cáo buộc này.
Sinh viên ngoại quốc thường rất e ngại tố cáo những trường đã yêu cầu họ phải trả thêm tiền không chính thức (unofficial payments), vì họ đã trả tiền ấy rồi hoặc họ sợ rằng khi những mánh mung này của trường bị phơi bày thì họ có nguy cơ bị trục xuất về nước. Các trường huấn nghệ dạy sinh viên ngoại quốc phải báo cáo với chính phủ liên bang về những sinh viên không đi học đều đặn, đầy đủ cũng như những kết quả thi cử không thỏa đáng, một chuyện vốn dĩ có thể dẫn đến việc sinh viên bị trục xuất. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi rất nhiều sinh viên nghĩ rằng các trường tư này có thể dễ dàng thao túng, nắm trọn vận mệnh của họ trong tay.
Chặng đường cuối cùng trong nỗ lực của một sinh viên để xin được thường trú là việc xin được giấy chứng nhận từ một người chủ rằng họ đã làm đủ 900 giờ làm việc lấy kinh nghiệm. Một vài trường huấn nghệ tư nhân sở hữu luôn những thương nghiệp mà các sinh viên này có thể xin được làm việc không công để lấy kinh nghiệm. Thí dụ như trường Cambridge International College ở Melbourne sở hữu tiệm uốn tóc Scissors in the City và một thương nghiệp graphic arts tên Cutting Edge Design. Sinh viên có thể trả $4500 để được đi làm không công lấy kinh nghiệm ở đấy. Tất cả đều hợp pháp!
Thế nhưng, có một vài tay điều hành tư thục được biết đã bán giấy chứng nhận làm việc lấy kinh nghiệm dỏm, nghĩa là không cần đi làm vẫn có giấy chứng nhận. Giá thị trường hiện nay là $2,500 Úc Kim một tờ.
Chính phủ liên bang hiện đang bị nhiều áp lực từ nội bộ để công bố một chương trình trên toàn quốc nhằm thanh lọc những trường tư gian xảo. Tháng qua, một số viên chức cao cấp từ nhiều bộ khác nhau đã tiết lộ với phóng viên của nhật báo The Age rằng những vụ làm ăn phi pháp trong số các trường huấn nghệ tư “đã vượt quá vòng kiểm soát rồi” và chúng đang đục ruỗng hệ thống giáo dục, di trú và công ăn việc làm ở Úc. Thậm chí, một người còn nói rằng, việc có những mạng lưới thật phức tạp để liên kết các trường tư gian xảo với các đại diện di trú, cùng các đại diện giáo dục, và các thương vụ cho làm việc lấy kinh nghiệm, là bằng chứng rõ rệt cho thấy, có sự dính líu của các tổ chức tội phạm vào kỹ nghệ này.
Các viên chức này cho biết một phản ứng đồng nhất từ chính phủ liên bang đã bị trì trệ bởi sự thiếu điều hợp, sự rối rắm về thẩm quyền giữa các cấp chính phủ, giữa các bộ, và một sự ngại ngần không muốn làm xáo trộn một kỹ nghệ béo bở.
Hệ thống kiểm soát quả thật rất rời rạc, gãy vụn. Bộ Di Trú kiểm soát giấy chiếu khán của sinh viên cũng như sự hiện diện đều đặn ở lớp học của họ. Bộ Giáo Dục liên bang chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu thụ. Cơ quan kiểm soát tiểu bang là Victorian Registration and Qualification Authority (VRQA) là cơ quan có thẩm quyền điều tra những sự than phiền về trình độ giảng dạy. Trong vòng 12 tháng cho đến tháng 6/08 thì bộ Giáo Dục đã đóng cưả một trường. VRQA đóng bốn trường. Tổng giám đốc VRQA bà Lynn Glover, phủ nhận rằng việc VRQA chỉ “đánh khẽ” - bằng cách cho các trường này một cơ hội để sửa đổi - thay vì trừng phạt mạnh, đã khiến cho vấn nạn này lan tràn.
Tổ chức Australian Council for Private Education and Training - Hội Đồng Giáo Dục Huấn Nghệ Tư Nhân ở Úc - một tổ chức đại diện cho kỹ nghệ này, đã phủ nhận rằng vấn nạn này lan tràn khắp nơi. Thế nhưng, bộ Di Trú hiện đang điều tra 20 trường ở Melbourne vì cho rằng họ có thể đã vi phạm luật di trú.
Riêng về phần Ajay thì chắc chắn cậu sẽ phải trải qua một giai đoạn khổ cực vì phải học một môn mà cậu không hề ưa thích. Thế nhưng, cậu vẫn còn nhiều lạc quan của tuổi trẻ: một khi xong sáu tháng đầu tiên thì cậu sẽ không cần phải có sự chấp thuận chính thức từ ngôi trường hiện nay để đổi trường. Cậu biết chắc chắn khi ấy cậu sẽ làm gì: ghi danh vào một trường mới, để học một môn khác hầu mở ra một con đường cho một cuộc đời mới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.