Hôm nay,  

Câu Chuyện Thể Thao

25/01/200900:00:00(Xem: 2672)

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo

Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu chi tiết về môn “Cước Quyền Anh Thái Lan”, tức “Muay Thai” hay còn gọi là “Thai Boxing”.
Đúng như tên gọi, “Cước Quyền Anh Thái Lan” là một môn thể thao tranh tài giữa hai tuyển thủ trên vũ đài bằng hình thức đeo găng đấu quyền giống như môn Quyền Anh, nhưng được sử dụng cặp chân theo quy ước truyền thống của môn võ thuật cổ truyền của Thái Lan là “Muay Boran”.
Muay là dụng ngữ xuất phát từ tiếng “Khmer”, có nghĩa là “một”, và môn “Muay Boran” vốn là một trong những loại võ thuật cổ truyền của Thái Lan, chủ yếu sử dụng song quyền và song cước để thi đấu. Sau đó, “Muay Boran” phát triển thành môn “Cước Quyền Anh Thái Lan“ dùng găng đeo tay và có danh xưng là “Muay Thai” trong ý nghĩa “cuộc quyết đấu một đối một”. Môn “Muay Thai” được giới thể thao Âu Mỹ biết đến qua cách gọi phổ biến “Thai Boxing” hoặc “Kick Boxing” với đặc tính là một môn quyền anh cho phép sử dụng hai tay, hai cùi chỏ, hai chân và hai đầu gối để tấn công đối phương khi thi đấu.
Vì là môn thể thao mang đặc tính truyền thống nên “Muay Thai” được ái mộ cuồng nhiệt và rất thịnh hành trên toàn cõi vương quốc Thái Lan. Ngoài những trận đấu tranh cúp của giới chuyên nghiệp luôn thu hút số lượng khán giả theo dõi đông đảo, “Muay Thai” thường còn được tổ chức thường xuyên trong những dịp lễ hội hàng năm qua những cuộc tranh tài giữa các tuyển thủ đồng niên, đồng sức trong cùng khu vực. Do đó, “Muay Thai” cũng đã trở thành đối tượng của hình thức cờ bạc là “cá độ” đưa đến tệ nạn mua bán độ lan rộng khắp Thái Lan kể từ khi môn thể thao này chính thức ra đời năm 1936. Nhằm mục đích nêu cao đặc tính quốc hồn quốc túy của “Muay Thai”, chính phủ Thái Lan đã đưa ra những hình luật nghiêm khắc để xử phạt những người tổ chức cá độ hoặc dàn xếp những cuộc mua bán độ trong các trận đấu. Trên thực tế cũng có nhiều trận đấu buộc phải hủy bỏ vì bị khán giả tẩy chay do trong lúc theo dõi đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy tuyển thủ bán độ.
Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế không đồng đều gây ra khoảng cách biệt giàu nghèo to lớn nên tệ nạn cá độ vẫn hoành hành và ngày nay môn “Muay Thai” chỉ được xem là môn thể thao của tầng lớp bình dân tại Thái Lan. Trong giới lao động nghèo khó của xứ chùa tháp Thái Lan, đa số thanh niên xuất thân từ những gia đình bần cùng không có điều kiện học hành hoặc kinh doanh buôn bán đều có khuynh hướng học võ “Muay Thai” để mưu sinh. Qua câu ví von “trai võ sĩ Muay Thai, gái giang hồ phong sương” cũng đủ diễn tả tình trạng sinh hoạt của giai cấp bần cùng trong xã hội Thái Lan.
Mặt khác, tại các võ đài lớn ở thủ đô Bangkok hiện nay, tuy số lượng khán giả theo dõi những trận đấu “Muay Thai” đã có hơn phân nửa là “dân cá độ” nhưng không vì vậy mà số lượng môn sinh theo học môn “Muay Thai” từ những con em của giai cấp giàu sang bị giảm đi. Lý do là vì trong các thủ tục xuất cảnh du học của Thái Lan đều có phần câu hỏi về kinh nghiệm luyện tập môn “Muay Thai” đối với sinh viên du học thuộc thành phần giàu có, vốn là một hình thức cổ xúy môn thể thao này để các sinh viên du học Thái có cơ hội truyền bá và giới thiệu văn hóa xứ mình tại hải ngoại. Chính vì vậy, có thể nhận định rằng môn “Muay Thai” được ái mộ và phát triển trong xã hội Thái Lan ngày nay qua hai đặc tính song hành: là phương tiện mưu sinh, môn thể thao giải trí, cá độ của giới bình dân lao động đồng thời cũng là môn võ thuật mang tính văn hóa của giai cấp giàu sang.
Trước khi bắt đầu một trận đấu “Muay Thai”, hai tuyển thủ trên sàn đấu phải làm nghi thức bái tổ gọi là “Wai Khru” (Wai: chấp tay vái; Khru: sư phụ), tức những điệu múa có động tác chấp hai tay lại, nâng cao đầu gối lên tầm hông, nhún nhẩy người, đi qua lại quanh võ đài và cúi chào khán giả. Nghi thức “Wai Khru” mang ý nghĩa khẩn cầu thần phật để đạt chiến thắng và tượng tưng cho sự tập trung tinh thần quyết đấu cao độ của tuyển thủ để chuẩn bị cho trận so tài.
Về hình thức so quyền thi cước thì “Muay Thai” được xem là một môn võ thuật có nhiều tuyệt kỹ ngoạn mục và rất lợi hại ở những thế đòn tấn công đa dạng vì được sử dụng cả tay chân lẫn cùi chỏ, đầu gối. Một trận đấu “Muay Thai” quy định có 5 hiệp đấu, và thông thường chỉ cần trải qua 1 hoặc 2 hiệp là khán giả đã có thể dự đoán diễn tiến thế trận sẽ nghiêng phần ưu thế về phía tuyển thủ nào do các hình thức ra chiêu tấn công ác liệt bằng chân, cùi chỏ, đầu gối với hiệu quả cao độ nên nhanh chóng đưa đến tình thế quyết định cục diện trận đấu. Tuy nhiên, trong các trận đấu giữa những tuyển thủ mang đẳng cấp cao thì mức độ công thủ được giữ thế quân bình lâu hơn nên càng thu hút sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả không kém gì một trận so găng hấp dẫn của môn Quyền Anh.


Trên phương diện lịch sử, “Muay Thai” bắt nguồn từ những thế võ cổ truyền “Muay Bron” của Thái Lan được gọi một cách tổng quát là “Quyền Pháp Siam” (Siam: Xiêm La, là tên cũ của quốc gia Thái Lan từ trước thời kỳ tiền bán thế kỷ thứ 20, sau đó được thủ tướng Plaek Pibulsonggram đổi tên thành Vương Quốc Thái Lan vào ngày 24/6/1939). Theo truyền thuyết, vị vua Rayan của vương triều Kosala vào thời cổ đại chính là tổ sư sáng chế ra những thế võ cận chiến chuyên dùng quyền cước, cùi chỏ và đầu gối để tấn công đối thủ. Tuy trong các tài liệu lịch sử võ học của Thái Lan đều không ghi chép rõ ràng về thời kỳ xuất hiện của môn “Muay Bron” nhưng dựa theo những luận thuyết của các sử gia thì qua những cuộc chinh chiến với các quốc gia lân cận, kỹ thuật chiến đấu bằng tay chân của dân tộc Thái được hình thành. Từ đó đã bắt nguồn cho sự phát triển và hưng thịnh của môn võ “Muay Bron” trên đất Thái.
Ngoài ra, những chi tiết lịch sử về thời kỳ Thái Lan bị Miến Điện xâm lăng ghi lại những chiến công hiển hách của vị vua Naresuan trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân đội triều đìnhToungoo -Miến Điện vào năm 1584, cũng có nhắc đến hiệu quả to lớn của môn võ “Muay Thai” là một vũ khí quan trọng góp phần giúp vua Naresuan dành lại độc lập và chủ quyền cho Thái Lan. Đến năm 1776, vua Hsinbyushin của vương triều Konbaung-Miến Điện lại mang quân vào tận kinh đô Ayutthaya của Thái Lan và theo truyền thuyết thì lúc đó có một võ sĩ lừng danh về môn “Muay Bron” tên Nai Khanom Tom, trong lúc chiến đấu cùng quân địch đã thất thế và bị bắt đưa về Miến Điện. Trên đất địch ở Miện Điện, Nai Khanom Tom phải trải qua những cuộc đấu võ với các tù nhân nô lệ để sống còn và với tuyệt kỹ của những thế võ “Mauy Bron” anh cũng đánh bại 12 vị quyền sư của Miến Điện. Sau đó, vì yêu mến tài nghệ của Nai Khanom Tom vua Hisinbyushin đã trả tự do cho anh để anh trở về cố hương.
Đến thời cận đại, môn võ “Muay Bron” được xem là biểu tượng sức mạnh của người đàn ông Thái, thịnh hành khắp nơi trong vương quốc Siam. Tuy nhiên, dưới thời vương triều Chakri những trận đấu võ “Muay Bron” thường được tổ chức trong dân gian và gây ra quá nhiều trường hợp tử vong nên đã bị nghiêm cấm. Từ năm 1914, môn võ “Muay Bron” được truyền bá sang Châu Âu và tại Thái Lan cũng bắt đầu hình thành môn “Muay Thai” cận đại. Hơn nữa, từ thập niên năm 1970, những quyền sư thuộc trường phái “Muay Bron” đều lần lượt qua đời nên môn võ cổ truyền này cũng không còn được lưu truyền và bị biến đổi thành môn “Muay Thai”
Vào năm 1921, quốc gia Thái Lan bị lôi cuốn vào Đệ Nhất Thế Chiến nên có nhu cầu mua nhiều vũ khí. Để cung cấp cho nguồn chiến phí, vua Rama đệ VI đã tổ chức những giải đấu “Muay Bron” trên toàn quốc. Qua những giải đấu này, môn “Muay Bron” được tổ chức theo hình thức đeo găng so tài trên võ đài với những trận đấu được quy định thời gian và có trọng tài quan sát. Từ hình thức cải tiến của những giải đấu này, môn võ thuật “Muay Thai” đã được biến đổi thành một môn thể thao.
Năm 1936, quốc gia Siam đổi tên thành Thái Lan và “Muay Bron” cũng được chính thức gọi là “Muay Thai”.
Năm 1941, đấu trường chuyên dụng cho môn “Muay Thai” và môn Quyền Anh là Rajadumnem Stadium có sức chứa khoảng 10.000 người được khánh thành.
Năm 1955, các luật lệ của môn “Muay Thai” được ấn định, bao gồm những chi tiết như: luật cấm vật ngã đối thủ, luật cấm dùng các đòn khóa hoặc bẻ chân bẻ tay đối thủ, luật quy định về thời gian các hiệp đấu và số lượng hiệp đấu, luật quy định về trọng lượng tuyển thủ v.v…
Năm 1956, đấu trường Lumpinee Boxing Stadium chuyên dụng cho môn “Muay Thai” và môn Quyền Anh, được xây cất trên đại lộ Hoàng Đế Rama Đệ IV, thủ đô Bangkok, có sức chứa khoảng 10.000 người. Lumpinee Bongxing Stadium và Rajadumnem Stadium còn được xem là hai võ đài “thánh địa” mang tính cách tượng trưng cho nền võ thuật đặc hữu “Cước Quyền Anh” truyền thống của Thái Lan.
Trước kia, tuy môn “Muay Thai” không nhìn nhận phái nữ thượng đài đấu võ “Muay Thai” nhưng từ cuối thập niên năm 1990, sự phân biệt nam nữ đã bị hủy bỏ và sau đó tại Thái Lan bắt đầu xuất hiện phong trào phái nữ tập luyện môn “Muay Thai”. Đồng thời, môn “Muay Thai” cũng phân chia thành hai loại chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp với những quy định về đẳng cấp khá tương tự như môn Quyền Anh, đặt dưới sự vận hành của những tổ chức chính sau đây:
Bán chuyên nghiệp:
- Liên Đoàn Muay Thai Thế Giới (WMF: World Muay-Thai Federation)
- Liên Đoàn Muay Thai Bán Chuyên Nghiệp Quốc Tế (IAMF: Intetnational Amateur Muay-Thai Federation).
- Liên Đoàn Muay Thai Quốc Tế (IMTF: International Muay Thai Federation).
-Tổ Chức Muay Thai Bán Chuyên Nghiệp Thế Giới (WAMTO: World Amateur Muay Thai Organization).
Chuyên nghiệp:
- Hội Đồng Muay Thai Thế Giới (WMC: World Muay-Thai Council)
- Liên Đoàn Muay Thai Chuyên Nghiệp Thế Giới (WPMF: World Professional Muay-Thai Federation)
- Hội Đồng Quyền Anh-Muay Thai Thế Giới (WBC Muay Thai: World Boxing Council Muay-Thai
Ngoài ra, một số tổ chức quốc tế vận hành môn “Kickboxing” cũng công nhận những kỷ lục của môn “Muay Thai” chuyên nghiệp gồm:
- Hiệp Hội Cước Quyền Anh & Không Thủ Đạo Thế Giới (WKA: The World Kickboxing & Karate Association).
- Liên Đoàn Cước Quyền Anh Quốc Tế (IKF: International Kickboxing Federation).
- Tổ Chức Cước Quyền Anh Chuyên Nghiệp Thế Giới (WPKO: World Professional Kickboxing Organization)
- Liên Đoàn Cước Quyền Anh Thế Giới (WKF: World Kickboxing Federation)
- Hiệp Hội Tổ Chức Cước Quyền Anh Thế Giới (WAKO: World Association of Kickboxing Organization).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.